THÂN LOAN THÁNH NHÂN TOÀN THƯ
Sưu khảo và Phiên dịch: Thích Như Điển

 

LỜI TỰA

Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.

Vào cuối thế kỷ thứ 20, tôi đã bắt đầu đi vào Đại tạng bằng cách đọc và dịch những bản kinh ngắn dễ hiểu. Sau đó kể từ năm 2003, sau khi lui về ngôi Phương Trượng của Tổ Đình Viên Giác, tôi bắt đầu dịch tập thứ 32 về Luận Tập Bộ Toàn ra Việt Ngữ trong vòng 5 năm. Một số kinh văn đã được chỉnh sửa và một số vẫn còn chờ thời gian cho phép mới có thể thực hiện được. Mặc dầu tập 32 này nhiều dịch giả khác cũng đã phiên dịch rồi; nhưng mỗi người có một lối dịch khác nhau; nên phần mình, tôi vẫn giữ lại như vậy để làm kỷ niệm của một thời gian đã đi qua trong đời mình.

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh là một đại tạng có tầm vóc quốc tế, đã được nhiều nhà học giả, triết gia, tư tưởng gia chọn bộ này làm tiêu biểu so với những bộ đã có trước tại Trung Hoa hay Triều Tiên và Nhật Bản.

Bắt đầu từ năm 1994, cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã quyết tâm cho dịch bộ Đại Chánh này ra Việt Ngữ và đến năm 2014 sau khi Ngài viên tịch tại Đài Loan đã xuất bản được 187 tập Tiếng Việt. Từ tập 188 đến tập 202 sẽ được xuất bản trong nay mai. Tuy nhiên tất cả 202 tập Tiếng Việt này cũng chỉ mới dịch sang Việt Ngữ đến giữa tập thứ 54 của tạng Đại Chánh về sự vựng bộ hạ, ngoại giáo bộ toàn. Đến Kinh văn thứ 2131 về phiên dịch danh nghĩa tập là chấm dứt. Từ kinh văn số 2132 đến kinh văn số 2920 của quyển thứ 85 thuộc Phật Giáo Trung Quốc và Phật Giáo Nhật Bản, Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chưa cho dịch ra Việt Ngữ và kể cả 4 tập thuộc về Mật tạng từ tập thứ 18 đến tập thứ 21 thuộc kinh văn số 848 đến kinh văn số 1420 chưa được dịch. Tuy nhiên phần này có cư sĩ Huyền Thanh và Hòa Thượng Viên Đức đã dịch đa phần sang Việt Ngữ và có cho đăng tải trên các trang nhà Phật Giáo đó đây, ai muốn tham khảo có thể vào đó tham khảo được.

Ở Việt Nam trong thời gian gần đây có một tổ chức tên là: Thế Giới Phật Giáo Từ Thiện ra đời, đã in lại một số sách Phật giáo, đa phần thuộc Phật giáo Nam Truyền, được dịch từ Anh Văn sang Việt Ngữ và được gửi tặng đến các chùa khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là một công đức không nhỏ của việc chuyên chở lời Phật dạy đến cộng đồng của người Phật tử Việt Nam chúng ta.

Người đại diện của tổ chức này đã liên lạc với chúng tôi và nhờ dịch một số sách bằng tiếng Nhật liên quan đến Tịnh Độ tông Nhật Bản. Năm 2022 vừa qua tôi đã dịch quyển “Sống với Thán Dị Sao” của tác giả Yamazaki Ryumyo (Sơn Kỵ Long Minh) từ tiếng Nhật sang Việt Ngữ, sau khi đã layout xong, tôi định gửi về cho tổ chức này xuất bản tại Việt Nam; nhưng được trả lời rằng: Sau Corona, giấy in nhập từ ngoại quốc về quá đắt. Do vậy họ chưa cho xuất bản kinh sách Phật Giáo trong thời gian này. Do vậy tôi cho xuất bản trên mạng toàn cầu Amazon, qua Viên Giác Tùng Thư và Liên Hội Phật Giáo tại Hoa Kỳ đứng ra lo phần xuất bản quyển sách này vào tháng ba năm 2023 vừa qua. Sách xuất bản trên trang mạng Amazon rất tiện lợi, bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng có thể đặt sách và họ sẽ gửi trực tiếp đến nhà mình ở, dầu cho ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Âu Hay Châu Úc cũng sẽ nhận được sách một cách dễ dàng.

Tháng mười năm 2022 vừa qua, nhân việc đi tham dự Lễ Về Nguồn lần thứ 12 và Hiệp Kỵ Lịch Đại Chư Tổ Sư tại Tu Viện Quảng Đức ở Melbourne, Úc Châu, sau Lễ tôi đã ghé thăm Hòa Thượng Thích Bảo Lạc; nơi Thiền Lâm Pháp Bảo tại Wallacia gần Sydney. Trong vòng gần 3 tuần lễ, tôi đã viết xong tác phẩm thứ 71 nhan đề là: “Bàn về mối liên hệ giữa Tôn giáo, Giáo dục và Văn hóa”; quyển sách này cũng đã có mặt trên Amazon vào ngày 28 tháng 6 năm 2023 kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 74 của chúng tôi. Như vậy năm 2023 có 2 tác phẩm đã được xuất bản.

Trước mùa An cư kiết hạ năm 2023 này, chúng tôi nhận được một email từ Việt Nam gửi sang tự giới thiệu là người thuộc về tổ chức Phật Đà Giáo Dục, nhưng khi nhìn mail thì thấy đề là Đại Bảo Pháp Vương, những danh từ này thì không xa lạ gì với tôi lắm. Đọc email xong mới thấy ý chính là mong tôi dịch dùm những tác phẩm thuộc về Tịnh Độ Tông Nhật Bản của Ngài Thân Loan sáng tác và những đệ tử của Ngài ghi chép lại. Đạo hữu này cho biết là có đọc nhiều sách tôi viết và dịch từ chữ Hán và Nhật Ngữ sang Việt Ngữ liên quan về Tịnh Độ tông. Do vậy tôi đã hoan hỉ nhận lời.

Suốt mùa An cư kiết hạ năm 2023 Thầy trò chúng tôi tại Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, cứ mỗi tối từ 20:00 đến 21:30 cùng trì tụng Kinh Đại Bát Nhã và sau đó là ngồi thiền. Mỗi ngày đều đặn như vậy kể từ năm 1984 đến nay; mỗi năm trong vòng 3 tháng như thế, hoặc lạy kinh từng chữ hay tụng kinh bộ.

Đọc Sử Truyện Bộ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh chúng tôi thấy được những câu chuyện mô tả về việc đi thỉnh kinh của Ngài Huyền Trang từ kinh đô Trường An, Trung Quốc vào năm 629 đến năm 645 đời nhà Đường thì về lại kinh đô Trường An, mang theo 657 bộ Kinh luận từ tiếng Sanskrit và Ngài đã chủ trì dịch ra tiếng Hán trực tiếp từ tiếng Phạn với gần 100 chư Tăng cũng như học giả đương thời do Vua Đường Thái Tông hộ trì; ngay cả Ngọc Hoa Cung cũng đã được nhà vua cung ứng cho Ngài Huyền Trang chủ trì việc phiên dịch ra những kinh điển này. Nhờ vậy ngày nay chúng ta mới có những bản dịch từ Hán văn ra Việt ngữ để đọc tụng hàng ngày. Sau 19 năm phiên dịch (645-664), Ngài đã dịch ra được 75 bộ Kinh gồm 1.330 quyển.

Ngài đi 2 năm, ở Ấn Độ 12 năm và trở lại Trung Quốc cũng 2 năm bằng đường bộ. Tổng cộng 16 năm. Trong thời gian ở Ấn Độ, Ngài học Duy Thức với Ngài Giới Hiền và về lại Trung Quốc Ngài thành lập Duy Thức tông hay Pháp Tướng tông. Tông này được gọi là tông Hữu tướng; nhưng vào năm 661 đến 663 Ngài chủ trì dịch Kinh Đại Bát Nhã ra Hán Văn và trong Đại Chánh tạng thuộc về tập thứ 5 đến tập thứ 8. Đó là kinh văn số 220 gồm 600 quyển; từ quyển 1 đến quyển 200 thuộc tập thứ 5; từ quyển 201 đến quyển 400 thuộc tập thứ 6 và từ quyển thứ 401 đến quyển thứ 600 thuộc tập thứ 7. Riêng tập thứ 8 của Đại Chánh Tạng từ kinh văn số 221 đến kinh văn số 261 thuộc về những kinh điển liên quan đến Bát Nhã.

Bát Nhã thuộc về tánh Không hay không tánh và ở cuối đời Ngài Huyền Trang đã cho dịch ra Hán Văn trong vòng 3 năm như vậy. Đến năm 664 Ngài viên tịch, sau khi dịch xong Kinh Đại Bát Nhã một năm (xin tham khảo thêm ở quyển Đại Đường Tây Vực Ký mà chúng tôi và Phật tử Nguyễn Minh Tiến đã cho hiệu đính lại và xuất bản trong năm 2021 vừa qua). Bát Nhã thuộc không tướng và Duy Thức thuộc hữu tướng. Như vậy Ngài Huyền Trang đã bắt đầu từ hữu tướng và cuối đời sau 19 năm dịch kinh (645-664) Ngài đã buông bỏ tất cả để đi vào trạng thái của chân như diệu hữu của không tánh.

Năm 1973, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hình thành Ban Phiên dịch Đại Tạng kinh Việt Nam và Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đảm nhận phần phiên dịch Kinh Đại Bát Nhã này. Theo trong lời tựa của dịch giả thì Ngài đã dịch từ năm 1973 đến năm 1980 trong 8 năm liên tục như vậy, và phần giảo chánh lại kinh văn thứ 220 này do Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đảm nhận.

Năm 2019 chúng tôi kỷ niệm 70 năm có mặt trên cuộc đời này, cùng 55 năm xuất gia học đạo và hành đạo, Thầy Hạnh Tấn, một trong những đệ tử xuất gia lớn của tôi muốn cầu nguyện cho Sư phụ có thọ mạng lâu dài, nên đã tập trung 100 vị gồm chư Tăng Ni và Phật tử về Chùa Viên Giác Hannover, để trì tụng bộ Kinh Đại Bát Nhã 24 tập này gồm 600 cuốn trong vòng 10 ngày và bây giờ đại chúng Chùa Viên Giác kể cả tôi vẫn tiếp tục trì tụng như vậy. Sau Kinh Đại Bảo Tích 9 tập đến Kinh Đại Bát Nhã và trong mùa An cư năm nay (2023) đang tụng đến tập thứ 14. Còn 10 tập nữa chắc phải còn cần đến trong nhiều mùa An cư kiết hạ như thế nữa để hoàn thành.

Tôi sống vui với đạo ở tuổi 74, 75 như thế này đâu còn gì để nói thêm nữa. Do vậy khi có người nhờ dịch sách hay điểm sách hoặc viết lời tựa cho kinh, sách, thơ văn tôi đều hoan hỷ đọc và viết theo sở cầu của những người cần đến. Cho nên tôi luôn luôn bận rộn với việc này, ngoài việc thường ngày vẫn đọc Đại Tạng Kinh là vậy.

Đạo hữu từ Việt Nam gửi cho tôi bản “Mạt Đăng Sao” của Ngài Thân Loan biên chép trước và nhờ tôi dịch sang Việt ngữ từ Hán Ngữ và Nhật Ngữ. Tôi bắt đầu dịch từ ngày 18 tháng Sáu năm 2023 và cho đến hôm nay viết lời cuối này là gần 2 tháng. Trong 2 tháng đó có biết bao nhiêu Phật sự của Giáo Hội phải tham gia. Ví dụ như Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 34, tổ chức tại chùa Khánh Anh ở Pháp từ ngày 24 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 2023, và đặc biệt trong mùa An cư kiết hạ năm 2023 này có một khóa xuất gia tu gieo duyên trong vòng một tháng do Thầy Hạnh Định, Trụ trì Tổ Đình Viên Giác chủ trương và việc này cũng đã được Giáo Hội Âu Châu thông qua trong lần họp nhân khóa An cư kiết đông vào đầu năm 2023 vừa rồi tại chùa Khánh Anh.

Xuất gia gieo duyên là một hạnh lành. Đã có chín vị phát tâm tập sự làm Sa Di và Sa Di Ni trong vòng từ 5, 10 ngày đến một tháng. Cuối khóa thì xả y gửi lại chùa và lần tới có nhân duyên, lại tiếp tục tham dự vào con đường phạm hạnh trong một thời gian ngắn như vậy, cũng là một phước báo rồi.

Sau khi xem bản văn Mạt Đăng Sao này của Đạo hữu từ Việt Nam gửi sang thì thấy tương ứng với kinh văn số 2659 trong tập thứ 83 Tục Chư Tông Bộ thứ 14 của Đại Chánh Tạng. Nhưng bản trong Đại Chánh Tạng do Ngài Tông Giác biên soạn, từ trang 711 đến 721 bằng chữ Hán thì không đầy đủ như bản tôi đang dịch do Đạo hữu này cung cấp, và theo như Đạo hữu này cho biết thì gần đây Nhật Bản mới cho lưu hành bản nầy ra bên ngoài quê hương của họ và tôi may mắn đã dịch trọn vẹn phần Mạt Đăng Sao này với 68 trang viết tay.

Kế tiếp tôi đã dịch Tam Thiếp Hòa Tán và những hòa tán khác ra Hán Việt. Từ đó lấy nội dung của 4 câu Hán Việt, tôi dịch thành thơ lục bát theo thể thơ Việt Nam mình để độc giả dễ hiểu; nhưng để tiện bề tra cứu tôi cho đi luôn cả phần chữ Hán để nhiều người có thể tham khảo.

Một số kinh văn trong sách này có trong Đại Chánh Tạng như: An Tâm Quyết Định Sao thuộc tập thứ 83, kinh văn số 2679. Duy Tín Sao cũng thuộc tập thứ 83, kinh văn số 2675. Duy Tín Sao Văn Ý thuộc tập 83, kinh văn số 2658. Một Niệm Nhiều Niệm Văn Ý cũng thuộc tập thứ 83, kinh văn Số 2657. Một số không theo thứ tự kinh văn cũng như không nằm trong Đại Chánh Tạng, nhưng có liên quan đến Tịnh Độ Tông Nhật Bản như: Huệ Tín Tiêu Tức1, Di Đà Như Lai Danh Hiệu Đức, Nhất Niệm Đa Niệm Phân Biệt Sự của Ngài Long Khoan thượng nhơn biên soạn.

Riêng bản văn Duy Tín Sao của Ngài Thánh Giác thượng nhơn (1167-1235) là tôi đắc ý nhất. Bởi lẽ Ngài đã ghi chép rất rõ lời dạy của Ngài Thân Loan, Thầy của mình qua tài liệu này thuộc về Tịnh Độ tông rất dễ hiểu. Đó là phải đầy đủ 3 tâm mới sinh về Tịnh Độ được gồm: thành thật tâm, thâm tâm và phát nguyện hồi hướng tâm. Đọc cách giải thích của Ngài, người tu theo pháp môn Tịnh Độ sẽ tâm đắc ngay.

Tất cả những tông phái Tịnh Độ của Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam chúng ta đều lấy 3 bản kinh sau đây làm chỗ quy hướng về pháp môn Bổn Nguyện của Pháp Tạng Tỳ Kheo là:

Kinh Vô Lượng Thọ
Kinh Quán Vô Lượng Thọ
và Kinh A Di Đà.

Riêng Phật Giáo Nhật Bản họ đã thiết lập sự truyền thừa trực tiếp từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra:

– Đệ nhất Tổ Tịnh Độ tông là Ngài Long Thọ.

– Đệ nhị Tổ Tịnh Độ tông là Ngài Thế Thân (2 vị này người Ấn Độ)

– Đệ tam Tổ Tịnh Độ tông là Ngài Đàm Loan.

– Đệ tứ Tổ Tịnh Độ tông là Ngài Đạo Xước.

– Đệ ngũ Tổ Tịnh Độ tông là Ngài Thiện Đạo (3 vị này người Trung Hoa).

– Đệ lục Tổ Tịnh Độ tông Nhật Bản là Ngài Nguyên Tín.

– Đệ thất Tổ Tịnh Độ Tông Nhật Bản là Ngài Nguyên Không (Pháp Nhiên).

– Đệ bát Tổ Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản là Ngài Thân Loan (Xước Không). (3 vị này người Nhật Bản).

Riêng Việt Nam chúng ta từ thuở đạo Phật được truyền vào, chúng ta chưa có phân chia ra Thiền hay Tịnh. Đến thế kỷ thứ 5 Ngài Đàm Hoằng có mặt tại núi Tiên Du Bắc Việt tu theo pháp Thập lục quán và đã vãng sanh về Tây phương Tịnh Độ năm 455 tại Việt Nam. Từ đây tôi căn cứ là Tịnh Độ tông có mặt ở Việt Nam trước cả Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (?- 594) mang Thiền tông đến Việt Nam nữa. Như vậy Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Việt Nam sau Ngài Đàm Hoằng cả mấy chục năm cũng trong cùng thế kỷ thứ 5. Do vậy riêng cá nhân tôi, xin đề nghị thỉnh Ngài Đàm Hoằng làm Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Việt Nam. (Xem thêm sách Tư tưởng Tịnh Độ tông cùng tác giả).

Sưu khảo và phiên dịch, xong rồi phải dò lại một lần nữa, sau đó mới cho đánh máy. Thông thường khâu này chú Sanh, thư ký văn phòng của chùa đảm trách, nhưng tác phẩm này chữ Hán Việt khá nhiều, sợ Chú không quen mặt chữ. Dịp may đã đến, mùa hè năm nay có Thầy Hạnh Đạo từ Việt Nam và Thầy Trung Thành từ Đài Loan sang thăm Viên Giác cũng như nhập chúng tùng hạ tại đây và đó là cơ duyên tôi đã nhờ 2 Thầy lo phần đánh máy ở dạng Word, kế tiếp tôi phải sửa lại một lần nữa và cuối cùng nhờ cô Thanh Phi ở tận bên Úc xem dùm lần cuối trước khi nhờ Phật tử Nguyên Đạo kiểm tra lại, cho dàn trang, làm bìa và layout. Theo Đạo hữu ở Việt Nam đề nghị, tôi lấy nhan đề của quyển sách thứ 72 này là: Thân Loan Thánh Nhân Toàn Thư, Tập một. Nếu còn nhân duyên thì tập hai sang năm 2024 sẽ được thành tựu. Cá nhân tôi tuổi cũng đã lớn rồi, chẳng biết vô thường sẽ xảy ra vào lúc nào đây, nên làm xong việc nào thì vui việc ấy vậy. Tự nhiên năm nay tôi có cơ duyên hoàn thành 3 tác phẩm và dịch phẩm và được xuất bản. Do vậy xin cảm ơn tất cả nhiều nhân duyên đã được kết hợp để đưa đến việc lành này vậy. Tôi sẽ gửi một bản về Việt Nam để quý vị chuyên tu về Tịnh Độ có tài liệu tham cứu và một bản sẽ cho quảng bá trên mạng toàn cầu Amazon, để quý Phật tử khắp nơi trên thế giới có nhân duyên thì cũng sẽ tìm đọc vậy.

Ngoài ra, để giúp độc giả nắm bắt được tư tưởng chủ đạo của Pháp môn Tịnh Độ ở Nhật Bản qua việc hệ thống hóa được các trước tác của Ngài Thân Loan, tôi cho in thêm vào phần Phụ Lục của sách này Chương I tác phẩm TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN của tác giả Kakehashi Jitsuen mà trước đây tôi đã phiên dịch từ Nhật ngữ sang Việt ngữ. Tác phẩm này xuất bản lần đầu tiên vào năm 2007 tại Đức, tái bản ở Việt Nam qua NXB Phương Đông vào 2009. Xin quý độc giả tham khảo thêm.

***

Lời cuối con xin niệm ơn Tam Bảo, Thầy Tổ và mẹ cha, huynh đệ. Kế đến là những đệ tử xuất gia và tại gia thân thương của tôi. Nếu không có quý vị thì sự hiện diện của tôi trên cõi đời này cũng kém đi nhiều ý nghĩa. Ngoài ra những người bạn đạo, những học trò, kể cả những người xa lạ cũng đều là những thiện hữu tri thức của tôi, trong đời này cũng như những đời kế tiếp nữa, dầu cho ở cõi này hay ở nhiều cõi khác nữa chúng ta vẫn là những người con của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật A Di Đà.

Sưu khảo và phiên dịch xong quyển sách này vào lúc 11:30 ngày 10 tháng 8 năm 2023 tại Phương Trượng Đường Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

Thích Như Điển
Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác Hannover
Hiệp Chưởng

 

TẬP 1