Tại sao Thiền tông và Tịnh Độ không mâu thuẫn?
Tỳ-kheo Lão Hòa thượng Tịnh Huệ
Hư Thân chuyển ngữ

Duyên cớ nào khiến Thiền tông và Tịnh độ pháp môn không hề trái nghịch?

Hỏi:

Kính bạch thầy, tôi là người ngoài cửa Phật, chỉ dám trình bày chút ít nhận thức của mình. Nếu có chỗ nào thiếu sót, rất mong được thầy chỉ bảo. Tôi cho rằng, “Thiền trong đời sống” là sự nâng cao và phát triển của Phật pháp. Pháp môn này giúp chúng sanh có duyên lành để bước vào cửa Phật. Để bước vào cửa này, cần có người dẫn đường, đó là đọc kinh, nghe pháp. Nhiều cư sĩ trong quá trình nghe pháp phát sinh một ý niệm, là có thể tu hành để về Tây phương Cực Lạc, về Tịnh Độ, cầu một đời sau tốt đẹp. Theo tôi, tín Phật phải là vô ngã, quên sinh quên tử, cuối cùng đạt đến cảnh giới đó. Nhưng nhiều cư sĩ lại có quan niệm khác, không biết quan niệm này có mâu thuẫn với mục đích tu hành hay không? Đây là thắc mắc của tôi.

Điều thứ hai, tối qua lão hòa thượng có dạy: tu hành là tu tâm. Tu tâm phải tìm được cái tâm, tìm được “con bò” (tâm tánh). Trong quá trình tìm, dù gặp bất cứ khó khăn, nghi hoặc nào cũng không được buông bỏ, phải siêng năng tìm cầu, phải chấp trì. Tôi đọc sách “Nhập Thiền chi Môn” thì thấy nói: trong lời nói, hành vi thường ngày, phải biết buông xả, không chấp trước. Hai thứ chấp trước này có mâu thuẫn không? Làm sao hiểu sâu sắc hơn? Kính xin thầy khai thị. Xin cảm ơn!

Đáp:

Phật pháp có 84.000 pháp môn, nếu chỉ hiểu theo chữ nghĩa, mỗi pháp môn nói ra thường có vẻ đối lập, không thể dung hòa. Nhưng thực tế, mỗi pháp môn đều viên dung không ngăn ngại.

Ví như Thiền tông và Tịnh Độ: Thiền tông dạy chúng ta ngay trong đời này, đời hiện tại, có thể “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.” Pháp môn Tịnh Độ dạy ta phải vãng sanh Tây phương Cực Lạc, được thấy Phật nghe pháp, rồi sau đó mới khai ngộ. Xem ra có mâu thuẫn, nhưng thật ra không mâu thuẫn.

Tại sao vậy? Cũng như mọi người đã hiểu: Thiền tông ví như một gánh nặng 180 cân, người có sức 200 cân mới gánh nổi. Người có 200 cân gánh sẽ thấy nhẹ nhàng. Nếu người có 150 cân gánh 180 cân, cố gắng cũng có thể gánh được. Nghĩa là pháp môn Thiền tông, người căn trung có thể gánh 150 cân, người căn thượng có thể gánh 200 cân, đều có thể vào cửa Thiền.

Có người chỉ có sức 80 cân, muốn gánh 180 cân thì không nổi, không thể vào cửa Thiền được. Vậy pháp môn Tịnh Độ thì sao? Cũng là 180 cân. Người tu Tịnh Độ có sức bao nhiêu? Khoảng 50 cân. Làm sao 50 cân mà gánh nổi 180 cân? Gánh được. Vì sao? 180 cân, Phật A Di Đà đã giúp gánh mất 100 cân, người đó chỉ còn phải gánh 80 cân. Người có sức 50 cân gánh 80 cân thì cũng không quá khó khăn.

Ý nghĩa là: Thiền tông hoàn toàn dựa vào tự lực tu hành, còn Tịnh Độ là kết hợp tự lực và tha lực. Phật A Di Đà giúp người tu Tịnh Độ gánh đi một phần nặng nề, nên người tu cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Thực tế, người tu Tịnh Độ thường là người có sức lực tự thân yếu hơn. Vì sao? Nhiều người tu Tịnh Độ nghe Phật pháp muộn, năm mươi tuổi trở lên, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi tuổi, thậm chí đang bệnh nặng mới nghe được pháp môn này. Có người được người khác bảo: “Ngươi niệm A Di Đà Phật, có thể mang nghiệp mà vãng sanh.” Có hiệu quả không? Bởi vì họ tin sâu, không nghi ngờ, nên có hiệu quả. Dù lúc bệnh nặng, khi nghe pháp, họ vẫn kiên tín thực hành, cuối đời có điềm lành, được Phật tiếp dẫn.

Pháp môn Tịnh Độ tuy đơn giản như vậy, sao vẫn còn khuyên người ta tu Thiền khó nhọc? Tôi nghĩ, pháp môn Tịnh Độ tuy dễ, nhưng vì chúng ta đặt hết hy vọng vào đời sau mới được thành tựu, nên người đệ tử Phật muốn ngay đời này có đại trí tuệ, đại tự tại, giáo hóa chúng sanh thì cơ duyên ấy nhỏ hơn.

Xưa nay, các bậc thiện tri thức thượng sĩ, đều là người trước mở ngộ, chứng đạo rồi, sau đó lấy niệm A Di Đà Phật làm bảo chứng tu hành. Có rất nhiều cách tu như vậy.

Bắt đầu đều là công phu trên pháp môn Thiền, gánh lấy gánh nặng 180 cân, để được luyện tập, chết già một phen mới sống lại thật sự.

Nên hai pháp môn này có cách thiết lập khác nhau. Có chúng sanh muốn ngay đời này thấy kết quả, cũng có chúng sanh muốn chỉ cần có kết quả rồi, sau khi chết mới thấy cũng được, không phải mệt sức gánh gánh nặng 180 cân đời này.

Vì vậy, ta phải hiểu tổng thể tinh thần Phật pháp.

Còn việc tu Thiền phải tìm tâm, phải chí thành tìm tâm, đó là gì? Đó là phát tâm, là chí nguyện, là giai đoạn cần thiết trong tu hành. Khi qua giai đoạn ấy, đến lúc “nhân ngưu song vọng,” “phản bổn hoàn nguyên,” phải buông bỏ hết mọi chấp trước. Còn một chút chấp trước thì không về đến nhà, không thể thực sự tự tại. Nhưng lúc bắt đầu, chí nguyện, cầu tìm đó vẫn cần thiết.

Giống như qua sông cần một phương tiện, đến bờ rồi mà còn giữ chặt phương tiện, còn mang theo thuyền nhỏ đi bộ thì không cần thiết nữa, phải đổi phương tiện khác.

Do đó, tu hành có giai đoạn khác nhau, có niệm và vô niệm, có một pháp và vô pháp, có những yêu cầu khác biệt. Mong chúng ta nhìn nhận toàn bộ quá trình mà hiểu niệm và vô niệm, có pháp và vô pháp cùng những yêu cầu căn bản ấy.