Tại Gia Vẫn Tu Tập Tốt

Quảng Tánh

HỎI: Tôi năm nay 28 tuổi, hiện đang thực hiện luận văn cao học kinh tế với ước mơ được làm giảng viên đứng lớp, gần gũi học sinh, dạy các em chuyên môn và đạo đức. Tôi mới biết đạo Phật gần đây. Từ khi biết tới Phật pháp, trong tôi bùng cháy khát khao được xuất gia tu hành, hoằng pháp lợi sanh. Thế nhưng nguyện vọng xuất gia tu hành của tôi lại không được mọi người trong gia đình đồng ý vì cho rằng chỉ có những người chán đời, thất tình, không chịu nỗ lực trong cuộc sống… mới đi tu. Vì vậy, nếu tôi xuất gia thì bố mẹ, anh chị em sẽ bị mang tiếng là không biết dạy dỗ, nâng đỡ con cái, sao lại đến nỗi con phải đi xuất gia như thế. Thực sự, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Và đôi lúc, nghe những câu chuyện có một số Tăng, Ni vào chùa tu một thời gian khá lâu rồi lại từ bỏ và trở về cuộc sống thế tục khiến tôi cũng bị lung lay. Tôi không biết lý do của các vị ấy là gì, nhưng nếu bản thân mình xuất gia một thời gian cũng như vậy thì sao? Những lúc ấy, tôi cảm thấy rất hối hận, giày vò vì mình đã chưa trọn niềm kính tin Tam bảo. Tôi nghĩ rằng, nếu chưa đủ duyên để xuất gia thì sẽ cố gắng làm một nhà giáo tốt, và sẽ không lấy chồng. Ngoài công việc, tôi sẽ đi làm công quả, từ thiện và tu tại gia. Nhưng tôi cũng lại sợ nếu sống như vậy thì về già tôi có cô đơn và buồn tẻ không? Giờ đây, trong tôi có rất nhiều suy tư, cảm xúc đan xen. Tôi không biết mình đã có đủ duyên để xuất gia chưa? Hay cứ tiếp tục làm xong luận văn, rồi làm giảng viên và sống cuộc sống tu tập tại gia. Làm sao để tôi luôn có một lòng tin bất thối chuyển với Tam bảo, không bị lung lay bởi dư luận thế gian? Tôi xuất gia mà gia đình tôi mang tiếng không biết dạy con cái, như vậy tôi có bất hiếu với cha mẹ, anh chị em tôi không?

ĐÁP:

Những nhận thức kiểu “người chán đời, thất tình, không chịu nỗ lực trong cuộc sống… mới đi tu” chắc chắn là không đúng. Trong thực tế cũng có một số rất ít người gặp hoàn cảnh như vậy rồi đi tu nhưng rất khó thành công, sau một thời gian nguôi ngoai chuyện đời thì họ thường trở về. Bởi vậy muốn xuất gia tu tập để lợi đạo, ích đời, hoằng pháp độ sanh thì cần phải có căn duyên cùng với phát đại tâm, đại nguyện mới có thể làm được.

Kế đến, quan niệm con cái đi tu thì cha mẹ và anh em bị mang tiếng “không biết dạy dỗ, nâng đỡ” thiết nghĩ chỉ tồn tại song hành với những ai cho rằng đi tu vì “chán đời, thất tình” mà thôi. Còn lại, đa phần người ta đều khen ngợi, khâm phục sự hy sinh, trợ duyên của cha mẹ khi cho con cái phát tâm xuất gia.

Còn thỉnh thoảng có người xuất gia hoàn tục đúng như pháp thì việc này hoàn toàn bình thường. Khi nhân duyên với đạo nghiệp xuất gia đã hết, người tu xin phép hoàn tục để sống đời cư sĩ mẫu mực với hiểu biết sâu sắc về giáo pháp là nghĩa cử đáng trân trọng.

Riêng đối với hoàn cảnh hiện tại của bạn, thiết nghĩ, bạn khoan vội xuất gia. Bạn hãy dành thời gian và tâm trí để hoàn thành luận văn cao học. Sau đó, bạn vừa đi làm, vừa tu tại gia cùng với phụng sự tha nhân. Hiện tại, Phật giáo cũng đang rất cần những cư sĩ tri thức, có đạo tâm như bạn để chung tay với chư Tăng hoằng dương Chánh pháp.

Bạn không định lập gia đình nên lo lắng cho đời sống cô độc lúc về già. Bạn suy nghĩ không sai nhưng thực tế cuộc sống luôn tiềm ẩn nguy cơ chệch hướng với các toan tính thông thường. Bởi bạn lập gia đình có con cái đề huề hay bạn đi tu có đồ chúng đông đảo cũng không có gì đảm bảo chắc chắn là lúc về già bạn hạnh phúc, an vui. Tất cả đều tùy thuộc duyên nghiệp và phước phần của bạn.

Bạn cứ làm một người cư sĩ nhiệt tâm tu học và phụng sự Phật pháp trong khả năng có thể. Cho đến khi nào các thành viên trong gia đình thấu hiểu được quyết tâm tu học của bạn, đồng thời niềm tin và ý chí của bạn đủ lớn mạnh để vượt qua tất cả chướng ngại, lúc ấy, bạn hãy xuất gia.