Sự Nối Kết Thâm Sâu

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Chào buổi trưa đến tất cả mọi người. Tôi thật sự rất, rất vui mừng có mặt ở đây để diễn thuyết về Đại Luận Những Giai Tầng Của Con Đường Giác Ngộ (Con đường tiệm tiến – Lamrim chenmo – Bồ Đề Thứ Đệ Luận )[1]. Tôi đã thăm Trung tâm Geshe Wangyal khi viếng Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 1979, bởi vì từ lâu đã có một mối quan hệ rất gần gũi giữa người Tây Tạng và Mongolia[2]. Người Tây Tạng vốn có một sự tương quan thân mật đặc biệt với người Mongolia, kể cả những người Kalmyk và Buriat. Trong trường hợp riêng của tôi, người đồng hành học tập thân thiết nhất của tôi là Ngodrup Tsokyl, một người Mongolia. Ngài đã giúp đở tôi rất nhiều, cho nên tôi cảm thấy có một sự nối kết cá nhân rất thân cận. Lần mà tôi thăm viếng trung tâm gần đây, chúng tôi đã suy gẫm trên nhiều câu chuyện về sự nối kết đậm đà của chúng tôi trong quá khứ. Mọi người cảm xúc một cách sâu xa và tất cả chúng tôi đã rơi nước mắt.

Joshua Cutler, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật Giáo Tây Tạng, không phải là một người Tây Tạng, cũng không phải là một người Mongolia, ông ấy là một người Âu Mỹ. Nhưng tôi thật sự nghĩ rằng Joshua và Diana đã tiếp tục tinh thần của cố Geshe Wangyal một cách rất trung thành. Ông bà đã thỉnh cầu tôi giảng dạy Đại Luận Những Giai Tầng Của Con Đường Giác Ngộ và họ dịch ra tiếng Anh. Tôi đã hứa hẹn rằng tôi sẽ giảng dạy luận điển này trong tương lai. Hôm nay, điều ấy trở thành hiện thực.

Dĩ nhiên, quyển sách này thật là dày. Đọc toàn bộ quyển sách này trong một vài ngày là không thể. Thế nên, tôi sẽ giảng dạy những phần chính bằng việc tóm lược những điểm thiết yếu, và giảng giải chi tiết khi cần.

Đại Luận được Đạo sư Tông Khách Ba, một đại học giả, một người thật sự nắm giữ truyền thống Na Lan Đà sáng tác[3]. Tôi cho rằng, ngài là một trong những học giả Tây Tạng lỗi lạc nhất. Mặc dù bây giờ Đại Luận đã được hiện diện rộng rãi cả trong Tạng ngữ lẫn Anh ngữ, nhưng quý vị thấy không, tôi đã đem theo với tôi hôm nay một bản của riêng tôi. Ngày 17 tháng Ba năm 1959, khi rời Norbulingka [4]hôm ấy, tôi đã mang theo tôi quyển sách này. Từ lúc ấy, tôi đã sử dụng quyển sách này để giảng dạy khoảng 10 hay 15 lần, tất cả từ quyển sách riêng của tôi ấy. Do vậy, đây là điều gì đấy rất yêu mến đối với tôi.

Trách Nhiệm Toàn Cầu

Hầu hết quý vị rất quen thuộc với những chí nguyện của tôi, quan điểm và tư duy của tôi. Nhưng có thể có những người mới, cho nên tôi muốn để cập một cách ngắn gọn những chí nguyện căn bản của tôi. Trước nhất, tôi cũng chỉ là một người trong sáu tỉ người trên địa cầu. Thật sự là tất cả sáu tỉ người cùng chia sẻ một hành tinh. Tất cả chúng ta cùng tồn tại dưới một mặt trời. Một cách đặc biệt, ngày nay, đơn giản chúng ta là một cộng đồng đối diện với sự gia tăng dân số, giao thiệp với nhau một lúc nào đó, nền kinh tế toàn cầu hiện đại, và những vấn nạn môi trường thông thường. Chúng ta thật sự là một thực thể tồn tại. Trong thực tế, không có sự riêng lẻ, độc lập, sự quan tâm cá nhân. Đối với mỗi chúng ta, tương lai là một sự lệ thuộc hoàn toàn vào toàn thể loài người, toàn bộ thế giới còn lại. Nhưng sự suy nghĩ của chúng ta về những sự việc vẫn căn cứ vào các khái niệm được thừa kế từ những thời xa xưa khi mỗi cộng đồng không nhiều thì ít sinh sống một cách độc lập. Có một khoảng cách lớn giữa những nhận thức của chúng ta và thực tế. Cách suy nghĩ lỗi thời của chúng ta tạo ra một quan điểm sai lầm rằng – chúng ta và cộng đồng của chúng ta là riêng biệt với toàn bộ thế giới còn lại. Căn cứ trên việc ấy, những hành động của chúng ta là không thực tế.

Không ai trong chúng ta muốn có thêm rắc rối. Tuy thế, có rất nhiều vấn nạn và nhiều vấn nạn do chính chúng ta tự tạo ra bởi vì chúng ta thiếu một quan điểm thực tiển nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa các thành phần và tổng thể. Nhằm để phát triển một ý thức trách nhiệm toàn cầu, chúng ta phải nhìn vào toàn bộ hành tinh. Đây chỉ là một hành tinh nhỏ và tương lai loài người hoàn toàn phụ vào đấy. Chúng ta phải chăm sóc hành tinh của chúng ta. Phương pháp duy nhất để bảo đảm tương lai của chúng ta như những con người là phát triển một ý thức quan tâm cho sự cát tường của tất cả những người khác, tất cả mọi sự sống trên thế giới.

Thế nên, chí nguyện chính của tôi là làm sáng tỏ rằng chúng ta cần một ý thức trách nhiệm toàn cầu. Trong sự quan tâm này, tôi xem giáo huấn Đạo Phật không phải là một tôn giáo, nhưng đơn giản như một số ý tưởng nào đấy có thể hữu ích. Giáo huấn nhà Phật thật là hữu dụng, thí dụ, quan tâm đến tất cả mọi sự sống. Nói cách khác có thể dường như không thực tế để nghĩ về những người khác. Cho dù quý vị nghĩ điều này có hợp lý hay không, nhưng một cách cảm xúc mà nói, nó thật hữu ích. Khi chúng ta đã và đang nghĩ về việc mở rộng sự quan tâm của chúng ta đến vô lượng chúng sanh trong vô số hành tinh, rồi thì dĩ nhiên không cần phải nói đến việc chúng ta có muốn săn sóc đến sáu tỉ con người hiện hữu trên hành tinh này hay không. Và hàng tỉ động vật – chúng thật sự đau khổ vô vàn trong bàn tay của con người, có phải không? Do thế, thông điệp của Đạo Phật về lòng vị tha vô hạn là rất liên hệ. Việc ấy không phải nói đến những kiếp sống tương lai hay sự Giác Ngộ của chúng ta, nhưng mà là lòng vị tha vô hạn là rất hữu dụng cho việc trở thành một con người hạnh phúc hơn, một con người nhạy cảm và hữu dụng hơn trên hành tinh này[5].

Trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ khi nào chúng ta đối diện với khó khăn, một số ý tưởng Phật Giáo này có thể thật hữu ích. Chúng trang bị tâm thức chúng ta, một cách đặc biệt những cảm xúc của chúng ta, vì thế chúng ta có thể duy trì sự hòa bình của tâm hồn khi chúng ta đối diện với khó khăn. Điều này thật sự tốt đẹp cho sức khỏe của chúng ta. Quá nhiều lo lắng và quá nhiều khát vọng chắc chắn làm gia tăng nghi ngờ và ganh tỵ, ngay cả đưa đến nhiều sự quấy rầy tinh thần hơn. Một số ý tưởng Phật Giáo này có thể rất hữu ích cho sự cát tường của con người, về tinh thần và cảm xúc. Và căn cứ vào đấy, chúng cũng có những lợi ích cho thân thể vật lý nữa. Cho nên, nếu quý vị là những người không tín ngưỡng, không thích thú gì với tôn giáo, cũng tốt thôi, nhưng hãy lắng nghe một số ý tưởng này và nếu quý vị nghe điều gì đấy dường như có ích, thế thì hãy đón nhận nó. Nếu quý vị cảm thấy rằng nó vô lý, thế thì hãy quên nó đi.

Sự Hòa Hiệp Tôn Giáo

Chí nguyện thứ hai của tôi là thúc đẩy sự hòa hiệp tôn giáo. Tôi là một Phật tử, đôi khi tôi cho là một Phật tử trung thành. Những đạo sư Phật Giáo Ấn Độ thời xưa, đặc biệt là những học giả của đại học Na Lan Đà có những bộ óc rất hay phê phán[6]. Các ngài phân tích mọi thứ, cả những lời dạy của chính Đức Phật lẫn những quan điểm không Phật Giáo. Những đạo sư Phật Giáo như Long Thọ, Thánh Thiên, Trần Na, Pháp Xứng, Tịch Hộ là những nhà luận lý rất sắc bén, có thể tìm thấy mỗi sự rạn nứt, mỗi sự yếu kém, trong những triết lý không Phật Giáo. Tôi thích điều này, tối thiểu là ở một mức độ nào đấy. Tôi muốn khảo sát, phân tích, và trong ý nghĩa ấy, tôi có thể nói tôi là một Phật tử vững vàng.

Đồng thời, tôi cũng chấp nhận giá trị hay năng lực của tất cả mọi truyền thống quan trọng. Thật là kinh khủng, đáng buồn thay, có sự xung đột nhân danh tôn giáo. Những con người vô tội, chân thật, trung thành đau khổ như là kết quả của việc ấy. Cho nên thật cần yếu để thực hiện một nổ lực để thúc đẩy sự hòa hiệp tôn giáo trong ý thức tôn trọng và thấu hiểu hổ tương. Việc ấy giúp cho người không Phật Giáo thấu hiều điều gì đấy về cấu trúc của Đạo Phật và để cho người Phật tử thấu hiều những tôn giáo khác.

Đấy là tại sao, hôm qua, tôi đã hành hương đến Rajathan, đền thờ Ajmer Sharif, một thánh địa nổi tiếng của Hồi Giáo[7]. Có lẻ là nơi thiêng liêng nhất của người Hồi Giáo Sufi. Mỗi năm, những người cầu nguyện đã dành sáu ngày để tưởng nhớ đến cái chết của một vị thánh vĩ đại. Họ đã mời tôi. Họ cầu nguyện suốt đêm, nhưng tôi chỉ tham gia vào buổi sáng. Cho nên hôm qua vào lúc 2 giờ rưỡi đến 4 giờ rưỡi sáng. Tôi đã cầu nguyện trong khi đội một chiếc nón của Hổi Giáo – một bộ y của tu sĩ Phật Giáo và một chiếc nón Hồi Giáo[8]. Dường như có hàng trăm nghìn người và thời tiết thật là nóng và ẩm kinh khủng. Dĩ nhiên với sự tập họp của quá nhiều người trong một khu vực chật hẹp như vậy, nên có sự đổ mồ hôi và mùi hơi người. Chúng ta có thể gọi đấy là mùi hương của nguyên tắc đạo đức – dĩ nhiên trộn lẫn mồ hôi! Y áo của tôi bây giờ vẫn còn ẩm ướt. Tôi thật sự vui thích với điều này, thật là kỳ diệu.

Vài tuần trước đây có một hội nghị quốc tế của Hồi Giáo ở Delhi. Họ đã mời tôi và tôi nghĩ tôi là một người không Hồi Giáo duy nhất tham dự. Buổi trưa ấy, tôi đã được mời đến đền thờ Jamma Masjid[9] ở Delhi và cùng cầu nguyện với hàng nghìn và hàng nghìn người Hồi Giáo. Đó lần đầu tiên tôi đội một chiếc nón Hồi Giáo trắng. Một cách cá nhân mà nói, điều này làm tôi rât vui, nhưng tôi cảm thấy hơi do dự bởi vì tôi nghĩ rằng có lẽ một số yếu tố bảo thủ nào đó có thể nghĩ khác về những gì tôi đang làm. Nhưng sự đáp ứng từ cộng đồng chính là tuyệt diệu. Dường như mọi người đã cảm kích với những nổ lực của tôi để thúc đẩy sự hòa hiệp liên tôn giáo và sự tôn trọng chân thành xuyên qua mọi truyền thống.

Nếu quý vị cũng nghĩ rằng vấn đề thông hiểu và hòa hiệp xuyên qua mọi tôn giáo trên thế giới là quan trọng, thì xin hãy hành động. Hãy thực hiện những sự tiếp xúc gần gũi hơn với những thành viên của những truyền thống khác. Vì từ sau sự kiện 11tháng 9 ở New York, Hoa Kỳ, thì cực kỳ quan trọng để vươn tới những anh chị em Hồi Giáo, để tiếp xúc với họ. Nhiều người đã có một ấn tượng tiêu cực với Hồi Giáo và việc ấy là hoàn toàn sai lầm.

Dĩ nhiên, trong quá khứ, nhiều Phật tử Ấn Độ đã thật sự đau khổ vô vàn dưới bàn tay của những người Hồi Giáo, nhưng quá khứ đã qua[10]. Thật vô nghĩa để nghĩ mãi về điều này và để bám víu với điều này để thù hận. Chắc chắn là khờ dại. Ngày nay, thí dụ, có nhiều cộng đồng người Hồi Giáo sống chung quanh Bồ Đề Đạo Tràng, tôi nghĩ tổ tiên của họ có lẽ đã đến để tàn phá đền chùa của Đạo Phật ở đấy[11], nhưng bây giờ họ là những người bạn tốt của khách hành hương Phật Giáo. Bất cứ khi nào đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng người Hồi Giáo đã chào đón tôi với trà và những hạt rất ngon. Tôi luôn luôn vui thích với điều ấy. Đấy là thực tế ngày nay. Có hàng nghìn người Hồi Giáo ở đấy, họ là những hành giả rất chân thành của Hồi Giáo và là những con người tuyệt diệu.

Tương Quan Hoa – Tạng

Chí nguyện thứ ba của tôi là đối với vấn đề Tây Tạng và dân tộc cùng nền văn hóa Tây Tạng. Cho đến khi có một sự thông hiểu hổ tương hữu ích giữa người Tạng và Hoa thì trách nhiệm đạo đức của tôi là lên tiếng vì người Tây Tạng. Bất hạnh thay, từ sau vụ khủng hoảng ngày 10 tháng Ba năm 2008, sự tuyên truyền của chính quyền Trung Hoa đã làm cho nhiều người Hoa có cảm giác rằng người Tạng chống người Hoa[12]. Những cảm nhận dâng lên cao độ. Trong lần viếng thăm Hoa Kỳ lần sau cùng mới đây, một số người Hoa đã biểu tình nơi tôi đang diễn giảng, vì thế tôi muốn gặp gở một số người ấy. Tôi thật sự đã gặp bảy người trong số những người ấy. Hai người đã lắng nghe lời giải thích của tôi một cách trầm tĩnh, nhưng những người còn lại thì giận dữ và không quan tâm đến việc lắng nghe. Những cảm xúc liên hệ đúng là quá mạnh.

Tôi cho rằng bây giờ là đúng lúc để thiết lập những nhóm thân hữu nối kết người Tạng với người Hán bất cứ nơi nào họ sống bên cạnh nhau trong cùng những cộng đồng. Họ nên tìm cách hiểu biết lẫn nhau vì thế khi rắc rối sinh khởi, họ có thể thảo luận nó, trao đổi tin tức và quan điểm. Ngoại trừ việc này, thường không có sự giao tiếp giữa các nhóm. Họ tiếp tục cô lập và rồi thì, khi có một việc tình cờ xảy ra thì những cảm xúc sẽ tràn ngập họ.

Quý vị có thể hổ trợ. Trong bất cứ cộng đồng nào, nơi có một số người Tạng và một số người Hán, hãy giúp họ để tạo nên một nhóm thân hữu chung. Quý vị cũng có thể tham dự, cho đến khi mà quý vị có một động cơ chân thành nào đó. Nhưng cuối cùng, vấn đề Tây Tạng phải được giải quyết giữa người Hán và người Tạng.

Những người Tây Tạng chúng tôi giang rộng tay phải đến những người bạn Hán và tay trái đến những người hổ trợ Tây phương. Trong hai tay, tay phải được xem như quan trọng hơn. Chúng tôi giang rộng tay này đến chính quyền Trung Hoa. Nhưng cho đến khi mà tay phải chúng tôi vẫn là trống rỗng, thì tay trái chúng tôi chấp nhận sự giúp đở từ những người khác, những người thật sự quan tâm đến chúng tôi. Như thế là hợp lý và tự nhiên. Khi tay phải nhận được một kết quả nào đó cụ thể, thì tay trái sẽ thu lại và vẩy chào giả biệt.

Thật cực kỳ quan trọng để những anh chị em người Hán có một nhận thức trọn vẹn về vấn đề Tây Tạng. Thật hữu ích để tận dụng mọi cơ hội để nói với họ về văn hóa Tây Tạng, ngôn ngữ Tây Tạng, hay tâm linh Tây Tạng. Rồi thì sẽ có một cơ hội để nói điều gì đó về lịch sử, lưu tâm đến quan điểm Tây Tạng và nhận thức Trung Hoa. Trong những người Hoa, có những quan điểm khác nhau về lịch sử; không phải tất cả mọi người đều chấp nhận lối giải thích của chính quyền. Chúng ta cần một sự tiếp cận thực tiển và nhằm để có điều đó, chúng ta cần một sự hiểu biết đầy đủ hơn về thực tế. Có thể một số quý vị có thể hổ trợ trong cách này.

Những Học Nhân Đàn Em Trong Giáo Pháp

Theo sự thông hiểu quy ước của lịch sử, Đức Phật đã thị hiện trong thế gian này gần hai nghìn sáu trăm năm trước. Cuối cùng giáo huấn của Đức Phật đã lan tỏa từ Ấn Độ đến những khu vực khác nhau, kể cả Đông Nam Á và Đông Á. Ngày nay, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Campuchia,… chủ yếu đi theo truyền thống Pali. Ở Trung Hoa, Triều tiên, Nhật Bản, Việt Nam – cũng như ở Tây Tạng và Mongolia – truyền thống Pali hiện hữu, nhưng cũng có truyền thống Sanskrit[13]. Để thông hiểu truyền thống Sanskit, Hán ngữ là quan trọng nhất, Phật Giáo đã phát triển ở Trung Hoa tối thiểu là ba hay bốn thế kỷ trước khi du nhập vào Tây Tạng.

Tôi xem truyền thống Pali là lớp anh cả; đấy là nền tảng của giáo pháp Đạo Phật. Những ai giữ gìn truyền thống này là những môn nhân đàn anh trong giáo pháp. Rồi thì, trong truyền thống Sanskrit, Phật tử Trung Hoa là anh cả. Chúng tôi, những Phật tử Tây Tạng và Mongolia, xếp tiếp theo sau đấy. Cho nên cứ mỗi lần tôi giảng dạy cho cộng đồng Trung Hoa, tôi luôn luôn bắt đầu bằng việc phát biểu sự tôn trọng đến họ như những học nhân đàn anh trong giáo pháp.

Cùng lúc, tôi có thể đề cập rằng theo như kiến thức được quan tâm, những học nhân đàn em đôi khi khá hơn. Phật Giáo Tây Tạng được thiết lập bởi Tịch Hộ, một trong những luận gia và triết gia rất tuyệt vời của truyền thống Na Lan Đà. Ngài đến Tây Tạng một cách cá nhân. Ngài và học trò của ngài là Liên Hoa Giới đều là những học giả vĩ đại và các tác phẩm của các ngài vẫn còn hiện hữu. Các ngài là những luận sư, triết gia Trung Quán, và là những tu sĩ vĩ đại, tự nhiên các ngài cũng muốn học trò của các ngài, những người Tây Tạng cũng phải được như vậy. Ngay cả bây giờ, thế kỷ 21, nhưng chúng tôi cũng học tập những luận điển quan trọng trong một cách nghiêm khắc. Đầu tiên chúng tôi học thuộc lòng bộ luận, và rồi thì học giải thích từng chữ một. Sau đó, chúng tôi tranh luận ý nghĩa của chúng trong một cách toàn diện và chính xác cao độ. Người Tây Tạng, nói chung, có kiến thức Phật Pháp đơn giản do nhờ những vị thầy vĩ đại này, thông qua họ, chúng tôi đã trở thành những người thủ hộ thật sự truyền thống Na Lan Đà. Thế nên, trong ngôn ngữ của việc có một hình thức sâu sắc hơn, và đầy đủ hơn của giáo huấn, thì tôi thật sự nghĩ truyền thống Tây Tạng là tuyệt vời nhất.

Giữa những luận điển được sáng tác bởi những đạo sư Ấn Độ và những luận điển do các đạo sư Tây Tạng trước tác, những hoàn cảnh khác nhau đã đưa đến những phong cách khác nhau. Ấn Độ không chỉ là Phật Giáo; có nhiều người không phải Phật tử và đã có những sự thảo luận rộng rãi trong những học giả cừ khôi của những truyền thống khác nhau. Thế nên những đạo sư Ấn Độ như Long Thọ và Thánh Thiên đã viết những luận điển có một nhận thức so sánh hơn và đi vào phân tích sâu hơn. Trái lại những đạo sư Tây Tạng, đương nhiên với đối tượng toàn là những Phật tử, cho nên các ngài ít so sánh hơn.

Thực Tế Không Phải Là Phật Giáo Cũng Không Phải Ki Tô Giáo

Trên hành tinh này có nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau; mỗi truyền thống khởi đầu trong một khu vực khác nhau và mỗi truyền thống thích hợp với những con người trong khu vực ấy. Trong hơn một nghìn năm, và trong vài trường hợp trong hơn hai nghìn năm, những truyền thống này thật sự phục vụ con người. Ngày nay, hàng triệu người ngưỡng mộ những truyền thống này. Đấy là một thực tế. Và trong tương lai, những truyền thống quan trọng này sẽ duy trì, phụng sự nhân loại.

Đôi khi trong quá khứ, sự hiện hữu của nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau đã tạo ra rắc rối. Từ giờ trở đi, tôi hy vọng chúng ta sẽ có ít hơn những rắc rối như vậy do nhờ ý thức gần gũi rộng rãi hơn. Chúng ta thấu hiểu hơn giá trị của những truyền thống khác. Giống như có nhiều loại người khác nhau, cho nên có nhiều truyền thống khác nhau thích hợp với họ. Nói một cách tổng quát, ở phương Tây, người Ki Tô hữu chiếm ưu thế; nền văn hóa có di sản Do Thái và Ki Tô. Thường là an toàn hơn và tốt hơn là hãy giữ gìn truyền thống của chính quý vị.

Để làm sáng tỏ điều này, hãy để tôi liên hệ đến một số việc mà chính cá nhân tôi đã quán chiếu. Có một phụ nữ người Ba Lan, người theo Thuyết Thần Bí – tôi đã gặp bà ấy lâu rồi trong cộng đồng Thần Bí Madras[14]. Sau năm 1959, khi nhiều người Tây Tạng đến Ấn Độ, bà ta trở nên rất gần gũi với người Tây Tạng, bà đã giúp nhiều sinh viên Tây Tạng trẻ trong việc học vấn. Như kết quả của sự liên hệ này, bà đã đi đến chấp nhận Đạo Phật như tôn giáo của chính bà, Nhưng sau này, khi đã hơn tám mươi tuổi và tiếp cận với cái chết, khái niệm Thượng Đế như đấng Tạo Hóa đã trở nên sinh động hơn trong tâm thức bà ấy. Điều này chắc chắn đã tạo nên một sự rối rắm nào đó cho bà ấy.

Đây này có một chuyện khác nữa. Có một người phụ nữ Tây Tạng, có chồng là một viên chức chính quyền Tây Tạng. Ông ấy chết đi để lại mấy đứa con nhỏ dại. Các nhà truyền giáo Ki Tô đã giúp đở bà ấy rất nhiều, bảo cho các đứa trẻ được học hành đầy đủ. Vào giữa những năm 1960, bà ấy đến gặp tôi và bà thật sự rất buồn. Bởi các nhà truyền giáo Ki Tô đã giúp đở bà rất nhiều, nên bà quyết định sẽ là một Ki Tô hữu trong kiếp sống này, nhưng bà nghĩ là trong kiếp sống tới bà sẽ lại là một Phật tử. Xét cho cùng, đây là dấu hiệu rõ ràng của một sự rối rắm.

Ngày nay, có nhiều người Tây phương quan tâm đến Đạo Phật và đã trở thành những hành giả Phật tử chân thành. Nhưng tôi phải nói rằng đối với công chúng, thì tốt hơn và an toàn hơn là hãy ở lại với truyền thống của chính quý vị. Bằng việc so sánh thế này, hãy nghĩ là hàng triệu người Tây Tạng và hầu hết tất cả mọi người là Phật tử – tuy thế, ở vùng Lhasa, hơn bốn thế kỷ qua, một số người Tây Tạng đã trở thành người Hồi Giáo. Nói chung, người Hồi Giáo đến từ Ladakh, định cư ở Tây Tạng, và kết hôn với người Tây Tạng. Điều này không tạo ra rắc rối gì cả. Cũng thế, từ đầu thế kỷ 20, một số người đã trở thành những Ki Tô hữu Tây Tạng ngoan đạo, số lượng của họ là rất ít. Vì vậy, trong số sáu triệu người Tây Tạng, vài nghìn người thật sự đã thấy họ hấp dẫn hơn với những truyền thống khác. Giống như thế, có hàng triệu người Tây phương di sản căn bản là Ki Tô giáo, nhưng họ đã thích thú đặc biệt với Đạo Phật. Trong vài trường hợp, con người muốn một loại tinh thần mà họ không tìm thấy trong truyền thống vốn có của họ. Nếu sự tiếp cận của Đạo Phật thật sự giúp ích cho quý vị, thế thì tốt thôi, nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì thật cực kỳ quan trọng để luôn luôn giữ sự tôn kính chân thành đối với tôn giáo truyền thống của quý vị.

Thực tế không phải là Phật Giáo cũng không phải Ki Tô Giáo. Khi tôi giảng dạy Đạo Phật ở phương Tây, tôi luôn luôn làm rõ điều này bởi vì tôi thật sự cảm thấy hơi do dự[15]. Mặt khác, khi giảng dạy Đạo Phật đến người Hoa, Tây Tạng, Mongolia, Nhật, hay Việt, tôi thấy rõ rằng đại đa số những người này vốn có truyền thống là Phật Giáo. Không có rắc rối gì. Trong thực tế, tôi có một ý thức rằng tôi đang khôi phục lại giáo huấn truyền thống của họ, Giáo Pháp của họ, tôn giáo của họ.

Tôi đặc biệt xúc động, vô cùng mủi lòng, khi tôi có cơ hội trao truyền giáo huấn nhà Phật đến những Phật tử Ấn Độ. Bất cứ nơi nào trên thế giới mà tôi đến để giảng dạy, toàn bộ thông điệp của tôi không gì khác hơn là những tư tưởng cổ truyền của Ấn Độ. Tất cả là thế. Thí dụ, thông điệp bất bạo động, ahimsa – đây là truyền thống Ấn Độ. Và mọi thứ tôi đang giảng dạy ở đây về con đường đến Giác Ngộ – đây là kho báu của truyền thống Na Lan Đà. Khi tôi dạy những người bạn Ấn Độ, tôi nghĩ về vấn đề chúng tôi đã gìn giữ kho báu sống động ở Tây Tạng mà chúng đã bị mất đi hầu hết qua hàng thế kỷ ở ngay xứ Phật. Điều này cho tôi một cảm giác hạnh phúc diệu kỳ để trao lại những giáo huấn này cho họ.

Có một giá trị to lớn của việc duy trì truyền thống vốn có của quý vị. Dĩ nhiên, quý vị có thể bao gồm một số thực tập nào đó từ những truyền thống khác như Phật Giáo chẳng hạn. Một số người bạn Ki Tô của tôi đang phát triển bi mẫn, bao dung, và một ý thức toại nguyện bằng việc kết hợp một số kỷ năng Phật Giáo – mà không cần phải thay đổi tôn giáo. Điều này dường như lành mạnh và tốt đẹp.

Trái lại, khi một số người bạn Ki Tô của tôi tò mò về tánh không, tôi thường cười và nói với họ, “Đây không phải là việc của quý vị”. Tôi đang đùa, nhưng trong cách nào đó tôi muốn nhắc họ rằng sự quan tâm của họ về tánh không có thể làm tổn hại đến niềm tin về một Đấng Tạo Hóa của họ, trong một điều gì đấy tuyệt đối, trong một Thượng Đế đầy quyền năng. Thật khó khăn để nói về những thứ như vậy theo quan điểm của Đạo Phật.

Nhiều năm về trước ở Anh quốc, một nhóm Ki Tô hữu yêu cầu tôi dạy về Kinh Thánh cho một cộng đồng Ki Tô hữu. Đây là một thử thách lớn bởi vì người Phật tử, nói một cách thật sự, không tin về một Đấng Tạo Hóa thần thánh. Cho nên họ đang yêu cầu tôi giúp để khôi phục niềm tin trong một Đấng Tạo Hóa, trong một đối tượng mà chính tôi không tin. Nhưng tôi đã cố gắng một cách tốt đẹp nhất. Tôi đã sử dụng một số lý trí nào đó cho đức tin có trong những truyền thống cổ truyền của Ấn Độ, mà chúng chấp nhận một Đấng Tạo Hóa. Thính chúng đã vô cùng hả dạ qua sự giải thích của tôi về một số đoạn trong Kinh Thánh. Trong thực tế, tôi nghĩ họ thật sự có một sự thấu hiểu sâu sắc hơn về Thượng Đế.

Dĩ nhiên, những tôn giáo khác nhau có vô vàn triết lý khác biệt nhau, nhưng chúng giống nhau ở trình độ thực tập. Chúng chỉ chúng ta vấn đề thực tập từ ái, tử tế – cùng với tha thứ, bao dung, tự giác, và toại nguyện như thế nào. Cùng với đức tin, tất cả mọi tôn giáo đều dạy những thứ này. Một trong những người bạn Ki Tô của tôi ở Úc Đại Lợi, một mục sư liên hệ rất sâu đậm trong việc giúp đở người nghèo, đã giới thiệu tôi đến thính chúng như một “Ki Tô hữu ngoan đạo”. Tôi thật sự thích thú với điều ấy. Tôi đùa và nói với ông ta rằng tôi xem ông như một “Phật tử thuần thành”. Vấn đề là có nhiều sự thực tập thông thường trong những truyền thống, và tất cả được thực tập một cách chân thành với một ý thức hồi hướng đến sự cát tường của người khác. Đấy là mục tiêu.

Khi quý vị thực tập với một ý thức hồi hướng đến sự cát tường của người khác, thế thì tự chính quý vị đã cảm thấy hoàn toàn. Đây là mục tiêu của đời sống chúng ta. Có nghĩa gì khi chỉ đơn thuần có một đời sống giảu sang, tiêu xài nhiều tiền bạc, khi trên cùng hành tinh, những người khác đang đối diện với những khó khăn kinh khủng, ngay cả đói khát? Giúp đở người khác, phục vụ người khác – đây là ý nghĩa thật sự của đời sống. Và nếu quý vị thật sự tin rằng Thượng Đế tạo ra chúng ta như những con người hợp quần, thế thì phải có một ý nghĩa sâu xa nào trong điều này. Trong những động vật xã hội, chính căn bản của đời sống là săn sóc mỗi người chúng ta, biểu lộ sự quan tâm, giúp đở người khác.

Sự Thực Hành Thật Sự

Gung-tang Rinpoche sáng tác những bài hát có những dòng này:[16]

Đã được đời sống con người quý giá này với cơ hội và sự thư thái, có một hiểm họa là tôi có thể đánh mất nó mà không cho nó một ý nghĩa. Vì vậy bây giờ là lúc để tôi tiến đến giải thoát.

Ngài tiếp tục tự động viên mình:

Vì thế, bây giờ, tôi phải nắm vững – giống như bởi một móc sắt – bằng sự tỉnh thức về vô thường.

Tất cả chúng ta phải nhận ra cơ hội thênh thang mà chúng ta có. Như những con người, chúng ta có sự thông minh hiếm hoi này, nhưng có một hiểm họa thật sự là chúng ta sẽ phí phạm nó. Sự chết là chắc chắn, nhưng khi nào chúng ta chết là hoàn toàn không thể đoán trước được. Chúng ta có thể đánh mất đời sống con người quý giá này vào bất cứ lúc nào. Với một sự quán chiếu như vậy, chúng ta phải động viên chúng ta làm việc gì đó đầy đủ ý nghĩa ngay lúc này. Cách tốt nhất để làm cho đời sống con người quý giá này đầy đủ ý nghĩa là dấn thân thật sự vào trong việc thực hành giáo pháp. Trong những thời khóa thiền tập và trong lúc bình thường, trong những cung cách khác nhau, hãy chánh niệm và nội quán một cách cẩn mật. Hãy liên tục quán chiếu tâm thức quý vị.

Hãy nhớ rằng những sự thực tập như vậy là thông thường trong mọi truyền thống. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào con người – cho dù họ chấp nhận tôn giáo hay không – để quyết định họ có tiến hành những sự thực tập này hay không. Quý vị không cần phải là những người có niềm tin tôn giáo nhằm để là một con người lương thiện, nhạy cảm; trong những người không tôn giáo, có nhiều người rất tuyệt vời. Nhưng nếu quý vị thật sự chấp nhận tôn giáo, thế thì quý vị nên nghiêm khắc và chân thành. Hãy làm cho giáo lý truyền thống của quý vị thật sự trở thành một phần đời sống của quý vị. Mỗi ngày, từ lúc thức dậy, hãy sử dụng một góc tâm thức của quý vị để quán chiếu tâm thức và thái độ của quý vị.

Một lần ở Jerusalem, tôi đang ở trong một cuộc gặp gở với một số người Do Thái cùng nhau với người Palestine. Một giáo viên Do Thái đã nói với chúng tôi về vấn đề ông đã dạy học trò của ông đối phó với những hoàn cảnh mà họ không thể tránh những người họ không thích. Thí dụ, ông đã nói rằng những học trò người Palestine của ông cảm thấy bị khích động tại những trạm kiểm soát Do Thái. Ông ta khuyên những học trò của ông rằng, khi gặp gở ai đấy mà sự hiện diện của họ khích động tâm tư của họ, thì nên thực tập việc xem rằng người ấy như được tạo ra trong hình tượng của Thượng Đế. Học trò của ông đã nói với ông rằng điều này cực kỳ hữu ích. Khi chúng nhớ lời khuyên của ông, tâm tư chúng trầm tĩnh hơn và thoãi mái hơn khi gặp những lính gác tại các trạm kiểm soát mà không bị tràn ngập với sự tức giận. Đây là những gì sự thực tập muốn nói. Chúng ta thật sự phải làm những việc này. Toàn bộ giáo lý là sự thi hành thực tiển đầy đủ, là điều có thể rất kỳ diệu.

Nhằm để tiến thiết lập một sự quyết tâm, hãy phát nguyện, ngay lúc vừa thức dậy “Từ lúc này cho đến hết ngày hôm nay, tôi sẽ đưa vào sự thực tập những gì tôi tin tưởng một cách tối đa như tôi có thể”. Thật rất quan trọng là vào lúc khởi đầu một ngày, chúng ta nên lập trình những gì sẽ xảy ra sau đấy. Rồi thì lúc kết thúc một ngày, hãy kiếm điểm lại những gì đã xảy ra. Ôn lại ngày ấy. Và nếu quý vị đã tiến hành suốt cả ngày những quyết định từ lúc mới thức dậy buổi sáng, thế thì hãy vui mừng với điều ấy. Tăng cường động cơ của quý vị xa hơn nữa để tiếp tục trong cùng tinh thần ấy. Tuy nhiên, khi ôn lại, quý vị có thể khám phá ra rằng quý vị thực hiện mọi việc suốt trong ngày ấy mâu thuẩn với những giá trị tôn giáo và đức tin của quý vị. Thế thì quý vị nên nhận biết điều này và trau dồi một ý thức ăn năn sâu xa. Hãy củng cố ý chí của quý vị quyết tâm không theo đuổi những hành vi ấy nữa trong tương lai.

Nếu quý vị duy trì sự thực tập trong cách này, thế thì chắc chắn sau một thời gian nào đấy, sẽ có một sự thay đổi thật sự, một sự chuyển hóa chân thành, trong tâm thức quý vị. Đây là cách để cải thiện. Không thể thay đổi thật sự qua một thời khóa cầu nguyện. Nhưng sự cải thiện chắc chắn có thể đến bằng việc quán xét tâm tư của quý vị và tiến hành những sự thực tập mà chúng ta tin tưởng ngày qua ngày, năm này qua năm khác, thập niên này đến thập niên khác. Sự hiểu biết này là thông thường đối với những người có đức tin của tất cả mọi truyền thống tôn giáo.

Trích từ quyển “From Here To Englightenment

Ẩn Tâm Lộ ngày 1/5/2014

  1. Xin xem Đại Luận những Giai tầng của con đường Giác Ngộ, 3 tập, Đại Trung Tiểu.
  2. Sự kiện này được tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu Phật Giáo Tây Tạng Washington, New Jesey, trong quan hệ gần gũi với Lehigh Univesity. Trung tâm Nghiên cứu Phật Giáo Tây Tạng Washington, được thành lập bởi Học giả Geshe Ngawang Wangyal, người Mongolia (1901-1983).
  3. Đạo sư Tông Khách Ba, (1357-1419), sơ tổ của tông Geluk, Hoàng Mạo phái, mà Đức Đạt Lai Lạt Ma là một thành viên. Na Lan Đà là một đại học Phật Giáo tọa lạc ở miền Bắc bang Bihar, Ấn Độ, phát triền như một trong những thư viện và đại học vĩ đại của thế giới giữa thế kỷ thứ 5 và 12. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường cho rằng Phật Giáo Tây Tạng thừa kế toàn bộ di sản của Na Lan Đà.
  4. Norbulingka là cung điện mùa hè của các Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nơi mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lìa Tây Tạng để đi lưu vong, chỉ trước khi cung điện bị san thành bình địa ngay trong đêm ấy 17 tháng 3 năm 1959.
  5. Chủ đề trách nhiệm toàn cầu là sự giảng dạy liên tục của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
  6. Xem chú thích 3
  7. Nơi hành hương của người Hồi Giáo Ấn Độ, Pakistan, Banglades,…có lăng mộ và đền thờ của Dargah Sharif Sufi.
  8. Tuân theo nghi thức của giáo chủ Mohamed, người Hôi Giáo khắp thế giới che đầu lại, ít nhất là trong lúc cầu nguyện. Chiếc nón ấy tiếng Ả Rập là Tagiyab, Pakistan gọi là topi.
  9. Jamma Masjid, một trong những đền thờ Hồi Giáo lớn nhất Ấn Độ được Hoàng đế Mughal Shah Jahan xây dựng năm 1658
  10. Thí dụ, đại học Na Lan Đà – thường được Đức Đạt Lai Lạt Ma trích dẫn là là nguồn gốc chính của Phật Giáo Tây Tạng rõ ràng đã bị phá tan tành bởi Bhaktiya Khalji vào năm 1193. Theo câu chuyện được kể, ông ta đã hỏi có quyển kinh Koran nào trong thư viện không trước khi phá hủy nó.
  11. Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Thích Ca thành Phật, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, các vùng phụ cận hiện có khoảng 14% người Hồi Giáo.
  12. Một loạt những vụ lộn xộn dân sự ở Tây Tạng bắt đầu từ ngày 10 tháng Ba năm 2008, kỷ niệm lần thứ 49 sự thất bại trong cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh vào năm 1959.
  13. Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng thuật ngữ “truyền thống Sanskit” liên hệ đến Phật Giáo Đại Thừa vì được ghi chép lại bằng Bắc Phạn hay Sanskit, và “truyền thống Pali” liên hệ đến Phật Giáo Therevada vốn được bảo tồn trong ngôn ngữ Pali hay Nam Phạn.
  14. Thần Bí Giáo là một đạo triết lý khởi đầu được giảng dạy bởi Helena Blavatsky (1831-1891), thành lập ở New York 1875, nhưng từ 1882 đã di chuyển bản doanh đến Adyar gần Chennai (=Madra), Ấn Độ.
  15. Sự do dự là một phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc miễn cưỡng khuyến khích Đạo Phật như một tôn giáo trong những người vốn có truyền thống tôn giáo khác.
  16. Gung-tang Rinpoche (1763-1823)