SỰ LỢI ÍCH CỦA PHÁP MÔN DƯỢC SƯ
HOẰNG NHẤT Đại Sư thuật
Thích Pháp Chánh dịch Hoa Việt.
Pháp môn Dược Sư rất là sâu xa, rộng lớn. Hiện nay trình bày sơ lược một vài điểm, không thể nào bao quát toàn bộ pháp môn này được.
1. Duy trì thế pháp:
Trong Phật pháp, xưa nay, pháp xuất thế gian vẫn được xem là mục tiêu tối hậu. Đối với những kẻ bình thường, đây là điều rất là thâm sâu khó hiểu. Thế nhưng, pháp môn Dược Sư lại khác, không những thường đề cập đến đạo lý xuất thế gian là vãng sinh thành Phật, mà còn lại đặc biệt chú trọng đến vấn đề gần gũi như đời sống thực tế của nhân loại hiện đại. Như trong Kinh nói: tiêu tai, trừ nạn, ly khổ, đắc lạc, phúc thọ, khang ninh, không xâm hại nhau, giúp đỡ lợi ích lẫn nhau, v.v…, đều là thuộc về loại này.
Điều này cho thấy rằng, Phật pháp cũng có thể cống hiến sự lợi ích cho sự sinh hoạt của gia đình và xã hội, cùng duy trì sự an ninh của quốc gia và thế giới. Có thể làm cho nhân loại hưởng được sự lợi ích của Phật pháp ngay trong đời sống hiện thực này.
Đối với những kẻ cho rằng Phật pháp là tiêu cực, yếm thế, không có ích lợi gì cho đời sống nhân loại, nếu họ được nghe rằng pháp môn Dược Sư có thể phù trợ nhân loại trong việc duy trì đời sống thế gian, thì họ sẽ lập tức không còn hiểu lầm Phật pháp nữa.
2. Phụ trợ giới luật:
Phật pháp lấy giới luật làm căn bản, bởi thế kinh Phật có nói: “Nếu không có tịnh giới, chư thiện công đức không thể sinh trưởng”. Thế nhưng, thọ giới tuy dễ, đắc giới rất khó, mà trì giới không cho phạm lại càng khó hơn. Hiện nay, nếu có thể y theo pháp môn Dược Sư mà tinh tiến tu hành, thì sẽ đắc được giới phẩm viên mãn thượng phẩm. Còn những kẻ đã lỡ vi phạm giới luật, nếu như có thể thành khẩn trì niệm danh hiệu của đức Dược Sư, cùng lễ kính cúng dường, tức có thể tiêu trừ tội phạm giới, hoàn phục được sự thanh tịnh, không đến nỗi phải đọa lạc vào ba đường ác.
3. Quyết định vãng sinh Tây phương:
Phật giáo được chia ra rất nhiều tông phái, mà trong đó tông Tịnh Độ là hưng thịnh nhất. Hiện nay các hàng xuất gia cùng tại gia tu trì pháp môn này rất đông. Thế nhưng, những vị tu Tịnh Độ nếu có thể tu kèm pháp môn Dược Sư này, sẽ được thêm phần lợi ích trong việc quyết định vãng sinh Tây Phương. Như kinh Dược Sư có nói: “Nếu có chúng sinh nào thọ trì giới Bát quan trai, lại có thể nghe được danh hiệu của đức Phật Dược Sư, thì lúc lâm chung, sẽ có tám vị Bồ tát đến tiếp dẫn vãng sinh vào hoa sen thất bảo ở thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Do đây mà biết, tuy đức Dược Sư là vị Phật ở phương Đông, nhưng vẫn có thể phù trợ hành nhân, giúp cho họ được lợi ích trong sự quyết định vãng sinh Tây Phương.
Lại nữa, chúng ta tu hành pháp môn Tịnh Độ, nếu như có thể không chấp trước vào những cảnh thuận nghịch, không còn bị cảnh giới ràng buộc, thì đây là điều vô cùng lý tưởng. Thế nhưng, trong muôn vạn người, chưa chắc có được một hai người như vậy. Bởi lẽ chúng ta đang ở trong cương vị phàm phu, đối với thân thể, y phục, chỗ ở, v.v…, cho đến những việc thiên tai, nhân họa như bão lụt, hỏa tai, chiến tranh, v.v…, đều không thể nào không lo lắng, ưu phiền. Nếu như gặp trường hợp thân thể nhiều bệnh hoạn, sinh hoạt thiếu thốn khổ sở, hoặc thường gặp phải những sự nguy cơ về thiên tai, nhân họa, v.v…, thì đây là những điều cực kỳ chướng ngại trong việc tu tập. Thế nên, phải tu kèm pháp môn Dược Sư để được sự phù trợ. Như trong kinh Dược Sư có nói đến những điều lợi ích như: tiêu tai, trừ nạn, ly khổ, đắc lạc, v.v…
4. Quyết định thành Phật:
Kinh Dược Sư, chắc chắn là không chỉ nói về những sự lợi ích thế gian, bởi vì pháp môn Dược Sư là pháp môn Nhất thừa mau chóng thành Phật. Cho nên trong Kinh thường nói: mau chứng vô thượng chánh đẳng Bồ đề, mau được viên mãn, v.v…
Nếu muốn thành Phật, nguyên nhân chủ yếu là hai tâm: trí tuệ và từ bi. Kinh Dược Sư nói: “Nên sinh tâm không cấu trược, tâm không nộ hại. Đối với tất cả hữu tình nên sinh tâm lợi ích, an lạc, từ bi, hỷ xả, bình đẳng”. Đây là ý nghĩa quan trọng mà tôi (Hoằng Nhất) muốn nói ở đây. Trong câu đầu, tâm không cấu trược tức là trí tuệ, còn tâm không nộ hại tức là từ bi. Còn như câu dưới, tâm xả và bình đẳng tức là trí tuệ, và phần còn lại tức là tâm từ bi. Trí tuệ, từ bi là nhân, mà Bồ đề là quả. Đây là con đường chung của Phật pháp. Những vị nào tu pháp môn Dược Sư, đối với mấy câu vừa đề cập ở trên, phải nên đặc biệt chú ý, hết lòng phụng hành.
Nếu như không như vậy, mà chỉ chú trọng đến phương diện lợi ích của cuộc sống hiện thực, e rằng quý vị chỉ thâu hoạch được quả báo trời người mà thôi, không có một chút gì liên can đến sự giải thoát (xuất thế gian). Nếu như thọ giới, khó mà đạt được giới thể viên mãn thượng phẩm; còn nếu như vãng sinh Tây Phương, cũng khó lòng mà đạt được thượng phẩm vãng sinh.
Bởi thế, chúng ta những kẻ tu trì pháp môn Dược Sư, đối với mấy lời vàng ngọc ở trên phải đặc biệt chú ý. Y vào đây mà phát khởi đại nguyện từ bi và trí tuệ. Nếu được như vậy, thì mới có thể đem tinh thần xuất thế mà thực hiện những sự nghiệp thế gian; lại có thể đạt được giới thể viên mãn thượng phẩm, và trong tương lai sẽ chóng được thành Phật. Điều này quyết chắc không còn có thể nghi ngờ được.
Sau hết, nói sơ về phương pháp niệm tụng danh hiệu của đức Dược Sư. Khi niệm danh hiệu, nên y vào kinh văn, niệm Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, không nên niệm Tiêu tai diên thọ Dược Sư Phật.