Đ a n g t i d l i u . . .
Sơ Lược Về Thiền Đại Thừa Và Tối Thượng Thừa

SƠ LƯỢC VỀ THIỀN ĐẠI THỪA
VÀ TỐI THƯỢNG THỪA

SUMMARIES OF THE MAHAYANA ZEN
& THE ZEN OF THE HIGHEST VEHICLE

THIỆN PHÚC

 

Lời Đầu Sách

Theo Phật giáo, có năm loại thiền tập. Thứ nhất là Phàm Phu Thiền, loại Thiền dành cho tất cả mọi người, giúp ta tập trung và kiểm soát tâm, là loại thiền không chứa đựng nội dung triết lý hay tôn giáo. Thiền phàm phu là thứ thiền thực hành thuần túy vì tin rằng nó có thể cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể xác. Tuy nhiên, dù thiền phàm phu có ích lợi rất nhiều trong việc tu tập hơn là đọc vô số sách đạo đức triết học, vẫn không thể giải quyết được vấn đề nền tảng của con người và mối tương quan của con người và vũ trụ, vì nó không thể phá vỡ được cái mê hoặc cơ bản về chính mình của hạng người thường, là mình rõ ràng khác với vũ trụ. Thứ nhì là Ngoại Đạo Thiền, loại Thiền theo con đường bên ngoài Phật giáo, thí dụ như phép Yoga của Ấn Độ, phép tĩnh tọa của Khổng giáo, hay phép tĩnh tâm thực hành của Ki Tô giáo, vân vân. Một khía cạnh của thiền ngoại đạo là nó thường được thực hành để luyện các năng lực hoặc kỹ năng siêu nhiên khác nào đó ngoài tầm với của người thường, chẳng hạn như đi chân trần trên những lưỡi kiếm bén, hoặc nhìn những con chim sẽ khiến chúng trở nên tê liệt. Một khía cạnh khác của thiền ngoại đạo là thực hành để được tái sanh vào các cõi trời. Tất cả những khía cạnh nầy đều không phải là mục tiêu của thiền Phật giáo; mục tiêu tối thượng của người tu thiền Phật giáo là giải thoát khỏi mọi khổ đau phiền não và thành Phật. Thứ ba là Tiểu Thừa Thiền, loại Thiền nhằm chỉ dạy chúng ta cách đưa từ trạng thái tâm nầy đến trạng thái tâm khác, thí dụ như từ mê mờ đến giác ngộ. Tuy nhiên, Thiền Tiểu Thừa chỉ chú trọng đến sự an tâm của một mình mình mà thôi. Mục đích của Thiền Tiểu Thừa là đạt được một trong tứ Thánh quả của Tiểu Thừa. Thứ tư là Đại Thừa Thiền, loại Thiền được chuyên chở bằng cổ xe lớn. Đây chính là một loại thiền Phật giáo vì mục đích của nó là kiến tánh ngộ đạo trong cuộc sống hằng ngày của mình. Thiền Đại Thừa nhấn mạnh về hai loại không: Ngã không (Nhân không) và Pháp không. Trong thực hành thiền Đại thừa, khởi đầu là ý thức về chân tánh, nhưng khi đã ngộ thì chúng ta mới nhận ra rằng tọa thiền còn hơn là một phương tiện để ngộ, vì tọa thiền là sự thực hiện thật sự của chân tánh. Trong Thiền Đại Thừa thì đối tượng là giác ngộ, nên người ta dễ nhận lầm tọa thiền chỉ là một phương tiện mà thôi. Kỳ thật tất cả những vị Thầy đã ngộ đạo đều cho rằng tọa thiền chính là sự thực hiện của Phật tánh vốn có chứ không phải chỉ là một kỹ thuật để đạt được sự ngộ đạo.

Nếu tọa thiền không khác hơn một kỹ thuật như thế, người ta sẽ thấy rằng sau khi ngộ đạo thì tọa thiền sẽ không còn cần thiết nữa. Nhưng chính Đạo Nguyên đã chỉ rõ rằng ngược lại mới đúng, càng chứng ngộ sâu càng thấy cần thực hành. Thứ năm là Tối Thượng Thừa Thiền, loại Thiền đỉnh cao cùng tột của thiền trong Phật giáo. Thiền Tối Thượng Thừa nhấn mạnh về sự không tịch của Tự Tánh hay tự tánh trống không và tĩnh lặng. Cái không về tự tính nghĩa là gì? Đấy là vì không có sự sinh ra của ngã thể, tức là sự đặc thù hóa là cấu trúc của tự tâm chúng ta.

Nếu chúng ta nghĩ rằng thực ra những sự vật đặc thù như thế chỉ là ảo tưởng, chúng không có tự tính, do đó mà bảo rằng chúng là không. Trạng thái không tịch của tự tánh cũng là trạng thái của niết bàn. Thiền nầy được thực hành bởi chư Phật trong quá khứ như Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà. Đây là sự biểu lộ của sự sống tuyệt đối, sự sống trong hình thức tinh khiết nhất. Đây là cách tọa thiền mà thiền sư Đạo Nguyên bênh vực, nó không dính dáng gì đến việc phấn đấu để ngộ hay đạt được bất cứ một đối tượng nào khác. Trong phương pháp thực hành cao nhất nầy, phương tiện và cứu cánh là một.

Trong tập sách nầy chúng ta hầu như chỉ đề cập nhiều nhất đến Thiền Đại Thừa và Tối Thượng Thừa. Đại thừa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I trước CN, nói là cỗ xe lớn vì tông chỉ của nó là giúp được nhiều người cùng giải thoát. Kỳ thật chủ đích của Đại thừa là cứu độ nhứt thiết chúng sanh. Một trong những điểm tối quan trọng của Phật giáo Đại thừa là nó nhấn mạnh đến giá trị của người tại gia. Nó cho rằng những người thế tục cũng có thể đạt tới đại giác và Niết bàn nếu người ấy chịu cố công tu hành. Phật giáo Đại Thừa đưa ra những giáo lý mạch lạc về tánh không và chân như, vân vân. Những nhà Đại Thừa tin rằng chư pháp đều là “không”, theo ý nghĩa mỗi pháp không là gì cả trong tự thân của chúng, và tự thân của chúng cũng không là gì cả.

Do vậy, bất cứ pháp nào cũng không thể phân biệt được với các pháp khác. Kết quả là tất cả các pháp đều hoàn toàn không thực và đều giống như nhau. Tánh không nói trên có thể được xem như là chân như, khi người ta nhận thức mỗi sự vật hoàn toàn đúng như chúng thực là, không thêm bớt điều gì. Chỉ có một chân như duy nhất, và thế giới đa dạng chỉ được dựng lên bằng trí tưởng tượng của chúng ta mà thôi. Nếu tất cả là một và như nhau thì cái tuyệt đối cũng sẽ giống với cái tương đối, vô vi cũng như hữu vi, và niết bàn cũng giống như luân hồi. Vì thế những nhà Đại Thừa đi đến kết luận: “Trí tuệ chân thật phải vượt lên trên tánh nhị biên của cả chủ thể và khách thể, cũng như sự xác định và phủ định.”

Đại Thừa không những là một triết lý và tâm lý phát triển cao độ và thâm sâu, mà nó cũng là một cỗ xe năng động để đạt thành Phật quả. Giáo pháp tu tập căn bản của Đại Thừa là việc tu tập Lục Độ Ba La Mật, trong đó trí tuệ viên mãn là cái đỉnh cao nhất, vì sự hiểu biết trực tiếp sâu sắc về tánh không sẽ biến đổi việc thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định thành viên mãn. Vai trò của trí tuệ viên mãn thật là độc đáo trong sáu đức hạnh viên mãn, vì dưới ánh sáng của trí tuệ viên mãn, chúng ta thấy rõ tánh không của chủ thể, khách thể cũng như hành động của năm đức hạnh kia. Thí dụ như trong việc bố thí, chính trí tuệ viên mãn khiến cho chúng ta hiểu được tính không của chủ thể hay người cho, tính không của khách thể hay người nhận, và tính không của tặng vật. Tương tự, trong đức hạnh viên mãn của trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, và thiền định, chính là do sự hiểu biết trí tuệ viên mãn mà chúng ta có thể hiểu được sự thanh tịnh hay tính không của chủ thể, khách thể, và hành động hiện diện trong từng phạm vi hành động. Hành trì sáu đức hạnh viên mãn đưa đến việc thủ đắc công đức và kiến thức. Đức hạnh bố thí, trì giới, và nhẫn nhục viên mãn sẽ dẫn đến sự tích lũy công đức; trong khi thiền định và trí tuệ viên mãn lại dẫn đến sự tích lũy kiến thức cần thiết cho việc tu tập; đức hạnh tinh tấn cần thiết cho cả công đức và kiến thức.

Cả hai thứ công đức và kiến thức đều tối cần thiết cho việc tu tập để đạt thành Phật quả. Ngoài ra, bốn tâm vô lượng hay bốn đức hạnh phát sinh ra các đức hạnh cứu độ vị tha. Chúng là những đại nguyện của những bậc giác ngộ muốn giải thoát chúng sanh. Những bậc giác ngộ nầy dùng đủ mọi phương tiện thiện xảo để độ mình độ người. Kỳ thật, Thiền Đại Thừa và Thiền Tối Thượng Thừa bổ sung cho nhau. Khi được thực hành đúng bạn ngồi trong niềm tin kiên định rằng tọa thiền chính là thể hiện Chân tánh không ô nhiễm của mình, và đồng thời bạn ngồi trong niềm tin trọn vẹn rằng cái ngày ấy sẽ đến, khi bạn kêu lên: “Ô, nó đây rồi!” Bạn sẽ nhận ra chân tánh nầy không lầm lẫn. Vì thế, về mặt tự thức, bạn không cần cố gắng để ngộ. Theo Thiền Sư Khuê Phong Tông Mật (780-841) trong Truyền Đăng Lục, quyển XIII, người tu thiền ngộ ngã pháp đều không, những hành giả nầy đang tu theo Thiền Đại Thừa. Thiền Sư Khuê Phong Tông Mật thường bảo chúng đệ tử: Hành giả tu Thiền y theo Phật tức là tu tập Thiền Tối Thượng Thừa. Người đốn ngộ xưa nay luôn có tự tánh thanh tịnh bởi vì tự tánh thường thanh tịnh trong bản thể của nó. Tự tánh thanh tịnh, không sanh diệt, tự đầy đủ, không dao động, và thường sanh muôn pháp. Nói cách khác, trạng thái không tịch của tự tánh cũng là trạng thái không còn bị quấy rối, là trạng thái của Niết Bàn. Theo Truyền Đăng Lục, quyển V, một hôm Lục Tổ bảo chúng: “Tôi có một vật không đầu, không đuôi, không danh, không tự, không lưng, không mặt, các người lại biết chăng?” Thần Hội bước ra nói rằng: “Ấy là bổn nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.” Cũng theo Truyền Đăng Lục, quyển V, và bộ Hiển Tông Ký, một hôm có một vị Tăng đến hỏi Thiền sư Thần Hội: Thế nào là Đại Thừa và thế nào là Tối Thượng Thừa? Thiền sư Thần Hội đáp: Đại Thừa là Bồ Tát và Tối Thượng Thừa là Phật. Một vị Bồ Tát thực hành hạnh Bố Thí Ba La Mật, chỉ thấy có ba thứ không: không thấy người bố thí, không thấy vật thí, và cũng không thấy người được bố thí.

Trong khi hành giả tu tập Thiền Tối Thượng Thừa chỉ thấy Tự Tánh vốn Không Tịch. Quyển sách nhỏ có tựa đề “Sơ Lược Về Thiền Đại Thừa Và Tối Thượng Thừa” này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về Thiền trong Phật giáo, mà nó chỉ đơn thuần trình bày những lời dạy cốt lõi của đức Phật, một bậc giác ngộ vĩ đại trong lịch sử nhân loại, về Thiền Đại Thừa và Tối Thượng Thừa. Những giáo pháp của Ngài đã mở ra một kỷ nguyên mới: khởi điểm của một đời sống bớt khổ thêm vui cho toàn thể thế giới. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng nếu chúng ta chịu tu y như cách mà đức Phật đã truyền lại, chưa nói đến chuyện giải thoát rốt ráo, cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ trở nên tỉnh thức, yên bình và hạnh phúc hơn nhiều lắm. Đức Như Lai đã giải thích rõ về con đường thiền định thanh tịnh thân tâm và diệt trừ đau khổ và trên con đường đó Ngài đã tiến tới quả vị Phật. Đường tu tập còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Sơ Lược Về Thiền Đại Thừa Và Tối Thượng Thừa” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những muốn hiểu biết thêm về Thiền trong Phật giáo nhằm dẫn đến cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.

Cẩn đề
Anaheim, California, ngày 3 tháng 8 năm 2023
Thiện Phúc

TẬP 1 II TẬP 2

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến