SƠ LƯỢC VỀ NĂM MƯƠI BA QUẢ VỊ TRÊN ĐƯỜNG TU TẬP THEO LÝ TƯỞNG BỒ TÁT
SUMMARIES OF FIFTY-THREE STAGES
ON THE PATH OF CULTIVATION IN ACCORDANCE WITH
THE BODHISATTVA IDEAL
Thiện Phúc
Lời Đầu Sách
Theo Phật giáo sử, sau những cuộc tranh đấu thật mãnh liệt và khủng khiếp với chính mình, Đức Phật đã chinh phục nơi thân tâm Ngài những ác tính tự nhiên, cũng như các ham muốn và dục vọng của con người đã gây chướng ngại cho sự tìm thấy chân lý của chúng ta. Đức Phật đã chế ngự những ảnh hưởng xấu của thế giới tội lỗi chung quanh Ngài. Như một chiến sĩ chiến đấu anh dũng nơi chiến trường chống lại kẻ thù, Đức Phật đã chiến thắng như một vị anh hùng chinh phục và đạt được mục đích của Ngài. Ngài cũng đã tìm thấy những phẩm trợ đạo dẫn hành giả tu tập theo lý tưởng Bồ Tát tới giác ngộ và quả vị Phật. Ba mươi bảy phẩm dẫn tới giác ngộ hay ba mươi bảy phẩm trợ đạo bao gồm Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Thánh Đạo. Chính vì vậy mà trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Đức Phật dạy: “Người làm những việc khó làm là chư Bồ Tát, những đấng trượng phu đã đạt giác ngộ tối thượng. Chư vị không muốn đạt Niết Bàn.
Ngược lại, chư vị lại chịu kinh qua những khổ đau vô vàn của trần thế mà không kinh sợ trước sanh tử. Chư vị lên đường vì lợi lạc và an vui của trần thế, vì thương xót trần thế. Chư vị thệ nguyện: ‘Chúng tôi quyết làm nơi an trú cho cả trần thế, nơi cho chúng sanh về nương, nơi an nghỉ cho trần gian, là niềm tin tối hậu của mọi người, là hải đảo, là ánh sáng, là người hướng dẫn, và là phương tiện cứu khổ chúng sanh.
Theo Phật giáo, Bồ Tát là một bậc giác giả trong hàng các chúng sanh. Vì lý tưởng Bồ Tát, vị ấy thường lập nguyện đem sự giác ngộ và trí tuệ mà mình đã mở bày ra nhằm giác ngộ tất cả các chúng sanh khác. Có năm mươi ba quả vị hay giai đoạn trong tiến trình thành Phật của chư Bồ Tát. Năm mươi ba quả vị bao gồm: Thập tín, Thập trụ, Thập Hạnh, Thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác, Diệu giác, và Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Tám, Đức Phật đã nhắc nhở ngài A Nan về mười hạnh cần thiết của Bồ Tát: hoan hỷ hạnh, nhiêu ích hạnh, vô sân hận hạnh, vô tận hạnh, ly si loạn hạnh, thiện hiện hạnh, vô trước hạnh, tôn trọng hạnh, thiện pháp hạnh, và chơn thật hạnh.
Đức Phật cũng đã nhắc nhở ngài A Nan về thập hồi hướng như sau: cứu hộ nhất thiết chúng sanh, ly chúng sanh hồi hướng; bất hoại hồi hướng; đẳng nhất thiết Phật hồi hướng; trí nhất thiết xứ hồi hướng; vô tận công đức tạng hồi hướng; tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng; tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng; chân như tướng hồi hướng; vô phược giải thoát hồi hướng; và nhập pháp giới vô lượng hồi hướng.
Về mười tín tâm của Bồ Tát, Đức Phật đã nhắc nhở ngài A Nan như sau: tín Tâm Trụ (tất cả vọng tưởng vô dư đều dứt hết), niệm tâm (người thiện nam đó đều có thể ghi nhớ không sót, tinh tấn tâm trụ (diệu viên thuần chân, chân tinh phát ra), tuệ tâm trụ (tâm tinh, hiện tiền, thuần là trí tuệ, gọi là tuệ tâm trụ), định tâm trụ (giữ gìn trí sáng, khắp cả trạm tịch, tịch diệu thường yên lặng), bất thối tâm trụ (định quang phát sáng, tính sáng tiến sâu vào, chỉ có tiến mà không thoái), hộ pháp tâm trụ (tâm càng tiến tới, càng yên lành, giữ gìn không sai mất), hồi hướng tâm trụ (giác minh giữ gìn có thể lấy được diệu lực xoay từ quang của Phật), giới tâm trụ (tâm sáng suốt bí mật xoay lại, được thường trụ vô thượng diệu tịnh không gì vượt nổi của Phật), nguyện tâm trụ (an trụ giới tự tại, có thể dạo chơi mười phương, đến đâu đều theo như nguyện).
Về thập trụ Bồ Tát, Đức Phật đã nhắc nhở ngài A Nan như sau: phát tâm trụ, trì địa trụ, tu hành trụ, sinh quí trụ, phương tiện cụ túc trụ (phương tiện đầy đủ trong cuộc tự lợi lợi tha), chánh tâm trụ, bất thối trụ, đồng chơn trụ (con Phật với đủ đầy Tướng Phật), pháp vương tử: (con tinh thần của bậc Pháp vương), quán đỉnh trụ. Từ quả vị 51 đến 53 bao gồm: Đẳng giác, Diệu giác, và Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đẳng giác là sự giác ngộ của chư Phật bình đẳng nhất như. Quả vị thứ 51 mà Bồ Tát phải trải qua trên đường đi đến quả vị Phật. Đẳng Giác đi trước Diệu Giác hay Phật Quả Giác Ngộ. Trong Đẳng Giác, chủng tính Bồ Đề đang đi dần đến Phật quả.
Trong giai đoạn nầy, Đẳng Giác Bồ Tát có Đẳng giác trí là Chiếu Tịch Huệ, còn gọi là Tịch Chiếu Huệ, hay trí huệ của Bồ tát ở Đẳng Giác Vị đã quán triệt thực tánh và thực tướng của Niết Bàn. Diệu giác hay Cứu Cánh Giác có nghĩa là thành tựu viên mãn bổn giác. Diệu giác trong Phật giáo Đại thừa gồm tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn (tự mình giác ngộ, giúp người giác ngộ, giác ngộ tròn đầy). Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là đạt tới tình trạng vô dục và vô thượng Bồ Đề, giác ngộ Bồ Đề mà Phật đã đạt được.
Từ Phạn ngữ này, Hán dịch là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, có nghĩa là Toàn giác tối thượng hay Chánh đẳng Chánh giác. Đây là quả vị tối thượng trong Đại Thừa. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Đạo không có cái gì lớn hơn được là vô thượng; đạo chân chánh, không pháp nào là không biết được gọi là chánh biến tri). Sự giác ngộ hoàn toàn và tối thượng. Toàn trí thông hiểu chân lý chỉ đạt được nơi Phật.
Công việc của một vị Bồ Tát không dễ chút nào cả. Tuy không hy hữu như một vị Phật, nhưng cũng thật khó để có một vị Bồ Tát thị hiện và cũng thật khó cho phàm phu (người thường) gặp được một vị Bồ Tát thật. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là tự giác, nghĩa là tự giác hay tự quán sát bằng cái trí của chính mình chứ không dựa vào kẻ khác; giác tha (sau khi tự mình đã giác ngộ lại thuyết pháp để giác ngộ cho người khác, khiến họ được khai ngộ và giúp họ rời bỏ mọi mê lầm và khổ não trong vòng luân hồi) rồi cuối cùng mới đi đến giác hạnh viên mãn, thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, đó chính là Niết Bàn đạt được ngay trong kiếp này.
Đây đích thị là lý tưởng của các vị Bồ Tát. Nói cách khác, con đường tu tập theo lý tưởng của một vị Bồ Tát tự lợi, lợi tha, giác hạnh viên mãn; và thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Người tu tập Bồ Tát Hạnh sẽ luôn tìm cách Phá Tà Hiển Chánh một cách vô úy. Hành giả phải luôn sống tu với bốn mươi tâm Bồ Tát trong Kinh Phạm Võng. Bên cạnh đó, hành giả còn tu tập Bồ Đề Tâm, tu tập những pháp đưa đến sự đoạn tận hết thảy mọi thứ. Hành giả ngày ngày thiền định nơi bốn niệm xứ nhằm đưa tâm đến chỗ an tịnh, và không còn khổ đau phiền não nào hiện hữu nữa. Trên con đường nầy, tu tập quán chiếu về Tánh Không cũng góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện mục tiêu lý tưởng Bồ Tát của hành giả.
Theo Kinh Pháp Hoa, có ba cỗ xe đưa chúng sanh vượt thoát Ta Bà để qua bờ giác ngộ là Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, và Bồ Tát Thừa. Chữ “Thừa” ở đây tiêu biểu cho phương tiện chuyên chở và đưa chúng sanh đến giác ngộ. Đây chỉ là những phương tiện mà Phật đặt ra để tùy căn cơ mà giáo hóa chúng sanh. Trong Phật giáo, cũng có năm cỗ xe có thể đưa người tới quả vị Phật (giáo pháp của Phật từ cạn đến sâu chia ra năm trình độ, hành giả chỉ cần y theo mỗi giáo pháp thực hành, đều có thể đạt được thành quả tốt đẹp).
Theo Đại Thừa: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa, và Bồ Tát thừa. Theo Tiểu Thừa: Phật, thanh văn, duyên giác, chư thiên cõi trời Phạm Thiên, và chúng sanh trong cõi dục giới. Theo Tiểu Thừa: Phật, thanh văn, duyên giác, chư thiên cõi trời Phạm Thiên, và chúng sanh trong cõi dục giới. Theo Mật giáo: nhân (tương ứng với đất), thiên (tương ứng với nước), thanh văn (tương ứng với lửa), duyên giác (tương ứng với gió), và Bồ Tát (tương ứng với hư không). Bồ Tát Thừa là một trong ngũ thừa dạy tu hành theo Lục độ Ba la mật để tự giác và giác tha (nhị lợi: tự lợi lợi tha). Mục đích chính là cứu độ chúng sanh và thành Phật quả. Vì mục đích của Bồ Tát thừa là đạt tới Phật tánh tối thượng, nên Bồ Tát Thừa cũng còn được gọi là Phật Thừa hay Như Lai Thừa. Đối với Phật tử, mỗi Đức Phật đều đã từng nguyện làm một Bồ Tát trong một thời gian lâu dài trước khi giác ngộ.
Nhưng tại sao Bồ Tát lại nguyện như vậy? Tại sao Ngài lại muốn đảm nhận một công việc không có ngằn mé như vậy? Bởi vì lý tưởng Bồ Tát là vì lợi ích cho những kẻ khác, vì muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi cơn đại hồng thủy của khổ đau phiền não. Nhưng rồi đâu là lợi ích cá nhân mà Ngài tìm thấy trong lợi ích của chúng sanh? Trong lý tưởng của một vị Bồ Tát, lợi ích của chúng sanh chính là lợi ích cá nhân của Ngài. Ai có thể tin được điều đó? Thực tình chỉ có những kẻ khô cạn hết lòng thương, những kẻ chỉ nghĩ đến mình, thì thấy khó tin được lòng vị tha của Bồ Tát. Nhưng những người có từ tâm thì có thể tin nó một cách dễ dàng. Nói tóm lại, Bồ Tát là một bậc giác giả trong hàng các chúng sanh.
Vì lý tưởng Bồ Tát, vị ấy thường lập nguyện đem sự giác ngộ và trí tuệ mà mình đã mở bày ra nhằm giác ngộ tất cả các chúng sanh khác. Công việc của một vị Bồ Tát không dễ chút nào cả. Tuy không hy hữu như một vị Phật, nhưng cũng thật khó để có một vị Bồ Tát thị hiện và cũng thật khó cho phàm phu (người thường) gặp được một vị Bồ Tát thật. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là tự giác, nghĩa là tự giác hay tự quán sát bằng cái trí của chính mình chứ không dựa vào kẻ khác; giác tha (sau khi tự mình đã giác ngộ lại thuyết pháp để giác ngộ cho người khác, khiến họ được khai ngộ và giúp họ rời bỏ mọi mê lầm và khổ não trong vòng luân hồi) rồi cuối cùng mới đi đến giác hạnh viên mãn, thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, đó chính là Niết Bàn đạt được ngay trong kiếp này. Đây đích thị là lý tưởng của các vị Bồ Tát!!!
Quyển sách nhỏ có tựa đề “Sơ Lược Về Năm Mươi Ba Quả Vị Trên Đường Tu Tập Theo Lý Tưởng Bồ Tát” này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về Bồ Tát trong giáo lý nhà Phật, mà nó chỉ đơn thuần vạch ra con đường lý tưởng trong tu tập để tiến tới năm mươi ba quả vị của chư Bồ Tát cho hàng Phật tử chúng ta noi theo. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là tự giác, nghĩa là tự giác hay tự quán sát bằng cái trí của chính mình chứ không dựa vào kẻ khác; giác tha (sau khi tự mình đã giác ngộ lại thuyết pháp để giác ngộ cho người khác, khiến họ được khai ngộ và giúp họ rời bỏ mọi mê lầm và khổ não trong vòng luân hồi) rồi cuối cùng mới đi đến giác hạnh viên mãn, thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, đó chính là Niết Bàn đạt được ngay trong kiếp này. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng để diệt khổ và đạt được hạnh phúc trong cuộc sống này không phải là chuyện dễ dàng, nhưng không vì những khó khăn nầy mà mình không bắt đầu cuộc hành trình. Phật tử thuần thành cũng nên luôn nhớ rằng để đi vào được trạng thái Niết Bàn Bàn như lời Phật dạy không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ thế gian để vào chủa làm Tăng làm Ni, nhưng có nghĩa là chúng ta nên bắt tay ngay vào việc tu tập nhằm thiết lập những mẫu mực sống hằng ngày của mình, làm cho đời sống của chúng ta trở nên an lạc, tỉnh thức, và hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, con người trong xã hội hôm nay rất cần đến bàn tay và khối óc của những người đi theo con đường lý tưởng Bồ Tát. Cuộc hành trình từ người lên Phật còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Sơ Lược Về Năm Mươi Ba Quả Vị Trên Đường Tu Tập Theo Lý Tưởng Bồ Tát” song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.
Thiện Phúc