SỚ LỄ NIỆM QUÁN THẾ ÂM CẦU CON
(Ấn Quang Đại Sư soạn vào cuối Xuân năm Canh Thìn – năm Dân Quốc thứ 29 -1940)
Ngưỡng vọng Quán Âm Đại Sĩ thệ nguyện sâu xa mênh mông, bình đẳng nhiếp thọ pháp giới hữu tình, khiến cho kẻ chưa gieo thiện căn, chưa chín muồi, chưa độ thoát sẽ liền gieo, liền chín muồi, liền độ thoát, nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy thuyết pháp. Ấy là vì Đại Sĩ vô tâm dùng tâm của chúng sanh để làm tâm, Đại Sĩ vô niệm, dùng niệm của chúng sanh làm niệm. Vì thế, khởi lòng Từ vô duyên, vận lòng Bi đồng thể, như vầng trăng vằng vặc in bóng khắp ngàn sông, như ánh nắng Xuân khiến cho khắp muôn loài cỏ cây sanh sôi, khắp các cõi nước nhiều như bụi trần cảm thì Ngài sẽ ứng trong khắp các cõi nước nhiều như bụi trần. Không điều mong cầu nào chẳng được toại ý, có nguyện gì đều được vừa lòng.
Đệ tử… và vợ là…. đau xót trước cảnh thế đạo nguy ngập, thương cho lòng người chìm đắm ngày càng thêm xuống dốc, trọn chẳng ngưng dứt. Ngưỡng mong Đại Sĩ ban cho chúng con một đứa con phước đức trí huệ để trong tương lai nếu nó nghèo cùng thì sẽ riêng mình nó thiện hòng xướng suất, hướng dẫn một làng; hễ hiển đạt thì khiến cho người khác cũng được tốt lành, đẩy lùi con sóng cuồng nghiêng ngửa.
Riêng lập ra ba điều ước định để làm điều kiện tiên khởi. Thứ nhất là giữ thân tiết dục, thứ hai là giữ vẹn luân thường, tích đức, thứ ba là khéo dạy từ lúc còn nằm trong thai và khi còn thơ ấu. Gắng sức hành ba điều này để mong khỏi phụ tấm lòng Từ mênh mông của Đại Sĩ. Lại mong hết thảy đồng nhân trong ngoài bốn biển đều dứt ác tâm, đều phát thiện niệm, đều sanh con phước đức, trí huệ, đều thấu hiểu lòng nhân che khắp chở đều, coi nước láng giềng như chân tay, xem thiên hạ như một nhà, duy trì lẫn nhau, chẳng xâm lăng, ngược đãi nhau để mong trên là an ủi được ơn lớn mênh mông của cha trời mẹ đất, dưới xứng danh Con Người cùng với trời đất xưng là Tam Tài, chuyển đại loạn thành đại trị, khắp nơi cùng vui sướng, sự giáo hóa của đức Phật được tỏ suốt hai nơi, muôn nước đều yên ổn. Kính nguyện Bồ Tát phổ thí sự không sợ hãi, thương xót tấm lòng ngu thành của con, cho con được mãn nguyện. Ngày… tháng… năm… đệ tử… trăm lạy trình lên.
* Ba điều trọng yếu để cầu con
Thứ nhất giữ thân tiết dục để vun bồi Tiên Thiên . Thứ hai là giữ vẹn luân thường, tích đức để lập nền phước, thứ ba là khéo dạy từ khi còn trong thai và khi con còn thơ ấu để con khỏi học theo thói phàm. Ba chuyện trọng yếu này phải chú tâm thực hành. Ngoài ra lại còn dùng lòng chí thành lễ niệm đức Quán Thế Âm, cầu Ngài ban cho đứa con phước đức, trí huệ, rạng danh tổ tiên, vẻ vang đất nước, ắt sẽ được như lòng mong cầu, chẳng phụ thánh ân vậy!
1) Thứ nhất, giữ thân tiết dục để vun bồi Tiên Thiên:
Nếu chẳng tiết dục thì tinh khí bạc nhược ắt khó thọ thai được. Dẫu có thọ thai ắt khó thành người! Dẫu được thành người, nhưng vì Tiên Thiên chẳng đủ, chắc chắn sẽ bấy bớt, đã không có thân lực mạnh mẽ, dũng mãnh, khỏe khoắn, mà cũng chẳng có tâm lực thông minh, mẫn tiệp, nhớ dai, chưa già đã suy, chẳng làm nên cơm cháo gì! Cầu được đứa con như thế dù Bồ Tát có thỏa nguyện thì thật ra người [cầu con] cũng đã phụ ân Bồ Tát rất sâu vậy.
2) Thứ hai, giữ vẹn luân thường, tích đức để lập nền phước:
Muốn sanh được đứa con phước đức, trí huệ, rạng danh tổ tiên, vẻ vang đất nước, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, hiếu thuận cha mẹ, kính trọng người bề trên, đối đãi tốt đẹp với quyến thuộc, thương xót giúp đỡ tôi tớ, đấy là những điều phải làm trong gia đình. Còn đối với xóm giềng, bạn bè đều phải nên hòa mục, khuyên dạy, khiến cho người già khéo dạy con cái, trẻ nhỏ khéo phụng sự cha mẹ, người bề trên, thường dùng những thuyết “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật, nguyện sanh Tây Phương, vĩnh viễn thoát khỏi khổ luân” để khẩn thiết diễn nói với khắp mọi người cùng hàng khiến họ bồi đắp cái nhân xuất thế thù thắng, đều thành dân lành giữ đạo. Người làm được như thế thì nhất cử nhất động đều có ích cho mình lẫn người, mỗi lời nói, mỗi hành vi đều đáng làm khuôn phép, đứa con sanh ra ắt sẽ siêu quần bạt tụy, có thành tựu lớn lao. Cố nhiên Bồ Tát khiến cho con người được mãn nguyện mà con người cũng an ủi tấm lòng Bồ Tát vậy.
3) Thứ ba, khéo dạy từ khi còn trong thai và khi con còn thơ ấu để con khỏi học theo thói phàm:
Những bậc thánh nhân thuở trước đều do cha mẹ hiền khéo dạy mà thành, huống chi phàm nhân? Nếu người cầu con chịu dùng cách thai giáo, đứa con nhất định hiền thiện. Sau khi cấn thai rồi, [người mẹ phải giữ sao cho] hình dung đoan trang, chân thành, thanh tĩnh, lời lẽ phải trung hậu, hòa bình, cư xử phải hiếu hữu, cung kính, hòa thuận. Đi, đứng, nằm, ngồi thường niệm thánh hiệu Quán Âm. Bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải lắng tai nghe. Hễ nghe thì tâm quy về một mối, công đức càng lớn. Nếu áo mũ tề chỉnh, rửa tay, súc miệng sạch sẽ thì niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Nếu chưa tắm gội, súc miệng, đi đến nơi không sạch sẽ và lúc ngủ nghỉ, hãy đều nên niệm thầm.
Công đức niệm thầm giống hệt [niệm ra tiếng, chứ những lúc ấy mà] niệm ra tiếng thì không hợp [nghi thức cung kính]. Nhưng đến khi sanh nở chớ nên niệm thầm, vì lúc sanh nở phải dùng sức để đẩy đứa con ra. Nếu ngậm miệng niệm, ắt sẽ bị bệnh tắc khí! Sản phụ tự niệm, gia quyến đều trợ niệm, chắc chắc chẳng bị khó sanh, cũng không bị những điều nguy hiểm sau khi sanh nở. Nếu có thể cẩn thận thân – miệng – ý như thế, kiền thành niệm Quán Âm mong cho thai nhi được hưởng chánh khí thuần thiện ấy thì đứa con sanh ra chắc chắn chẳng phải là hạng tầm thường.
Đến khi con hiểu biết, liền nói với nó về nhân quả, báo ứng, lợi người lợi vật ắt tốt lành, hại người hại vật ắt tiêu vong! Phải biết: Lợi người lợi vật thật sự là lợi mình, hại người hại vật còn quá hơn hại mình, làm lành ắt có thiện báo, tạo ác ắt bị ác báo. Lại còn nói làm người ắt phải tuân hành tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” thì mới chẳng thẹn làm người! Nếu không, tuy mang hình dáng con người, tâm hệt như cầm thú vậy! Chẳng được nói dối, chẳng được bừa bãi, cuồng ngạo, chẳng được chiếm đoạt đồ vật của người khác, chẳng được đánh chửi người ta, chẳng được giẫm đạp trùng kiến, giấy có chữ, ngũ cốc, đồ vật. Cử động hành vi ắt phải có ích cho cha mẹ, cho chính mình, không gây tổn hại đến người đến vật.
Ngoài ra, hãy nên dạy nó thường niệm thánh hiệu Quán Âm để mong tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn. Tập quen từ thơ ấu, lớn lên sẽ là người thuần thành, chuyên dốc, chẳng đến nỗi tự kiêu khinh người, thành phường cuồng vọng. Khéo dạy như thế thì đối với tổ tông là đại hiếu, đối với con cái là đại từ, đối với nước nhà xã hội là đại trung. Tôi thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ hàng nữ nhân nắm quá nửa” là vì lẽ này. Đức cao đẹp ấy có thể nối gót ba bà Thái đời Châu ngõ hầu chẳng phụ danh xưng Thái Thái! Nguyện những người cầu con hãy đều nên lấy những điều trên đây làm khuôn phép thì nước nhà sẽ may mắn lắm thay!
*Ghi thêm những chuyện cấm kỵ để tránh họa hại
Phàm người cầu con thì vợ chồng phải ước định đoạn dục nửa năm để bồi đắp Tiên Thiên cho đứa con. Đợi khi người vợ sạch kinh nguyệt bèn chung đụng ắt sẽ thọ thai. Chưa sạch kinh nguyệt chớ nên ân ái, ân ái ắt sẽ bị bặt kinh, gây ra bệnh bạch đới rất nguy hiểm. Lại phải nhằm ngày lành tháng tốt, khí trời trong trẻo, lúc mưa to gió lớn, sấm chớp sét lòa phải hết sức kiêng kỵ. Trong thiên Nguyệt Lệnh sách Lễ Ký có chép: “Quý Xuân, tiên lôi tam nhật, tù nhân dĩ mộc đạc tuần vu đạo lộ, viết: – Lôi tương phát thanh, hữu bất giới kỳ dung chỉ giả, sanh tử bất bị, tất hữu hung tai” (Cuối Xuân, trước khi sấm động ba ngày, viên quan truyền lệnh dùng linh gỗ đi khắp các nẻo đường truyền lệnh: ‘Sắp có sấm động, kẻ nào chẳng kiêng ăn nằm thì sanh con chẳng toàn vẹn, ắt sẽ bị tai nạn hung hiểm’). Bậc vua thánh thời cổ đau đáu nghĩ đến cuộc sống người dân, đặc biệt phái quan đi tuyên bố lệnh ấy, lại còn cho chép vào kinh điển, chẳng phải là tấm lòng của trời đất cha mẹ ư? “Tù nhân” là ông quan tuyên bố mệnh lệnh. “Mộc đạc” chính là cái linh, rung linh cho dân chúng đều nghe thấy. “Tuần” là đi. “Đạo lộ” bao gồm đường nẻo trong thành thị và làng quê. “Dung chỉ” là ăn nằm, “bất bị” là ngũ quan, tứ chi không trọn vẹn hoặc sanh ra quái vật, “hung tai” là vợ chồng hoặc bị bệnh ngặt, hoặc bị tử vong.
Đã cấn thai rồi, vĩnh viễn thôi ăn nằm thì chắc chắn sanh được đứa con thân tâm mạnh khỏe, phước thọ sâu dầy. Có thai rồi chung đụng một lần thì thai bị trúng độc một lần, lớp bọc thai nhi dày thêm một lần, sản nạn tăng thêm một tầng. Nếu có thai lâu ngày rồi giao phối, có thể bị xẩy thai hoặc gây tổn thương cho thai. Những điều này là do cư sĩ Trương Đức Điền ở huyện Vĩnh Gia, tỉnh Chiết Giang nghĩ thương cho thế đạo nhân tâm ngày càng đi xuống nên vào mùa Thu năm ngoái bèn gởi thơ xin Quang viết bài sớ lễ niệm Quán Âm cầu con và nói lên cách giữ gìn thân thể, tích đức, dạy dỗ khéo léo v.v… để mong sanh ra những đứa con đều là hiền thiện, ngõ hầu [đất nước] dần dần đạt đến thái bình. Quang nhiều lần nại cớ già cả để từ chối, ông ta vẫn nhiều lần khẩn cầu, khó lòng khước từ mãi, bèn soạn bài sớ đơn giản cùng với ba điều trọng yếu cho xong trách nhiệm!