PHƯƠNG PHÁP PHÒNG HỘ VÀ CHUYỂN HÓA THÂN TÂM
HT Thích Thái Hòa
HT Thích Thái Hòa giảng tại Thiền viện Chân Không 4, Luân Đôn Vào chiều ngày 9-7-2017
Nam mô Phật đà da
Nam mô Đạt ma da
Nam mô Tăng già da
Thưa đại chúng, trước khi nghe pháp thoại, xin đại chúng ngồi ngay thẳng, chúng ta thiền tập nghe chuông.
Boong…
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi.
Boong ….
Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra.
Boong ….
Thở vào và thở ra, tôi biết rất rõ tôi đang có thân hành an tịnh.
Boong ….
Thở vào và thở ra, tôi biết rất rõ tôi đang có ngữ hành an tịnh.
Boong …
Thở vào và thở ra, tôi biết rất rõ tôi đang có tâm hành an tịnh.
Khi nghe tôi thỉnh tiếng chuông, xin đại chúng khởi tâm buông xả, thiền tập.
Boong ….
Xin đại chúng ngồi tư thế thoải mái và trang nghiêm nghe pháp thoại.
Boong ….
Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 16 tháng sáu năm Đinh Dậu, tức ngày 9 tháng 7 năm 2017. Tại Thiền viện Chân Không 4, thủ đô Luân Đôn, vương quốc Anh, tôi có duyên gặp quý vị tại Thiền viện Chân Không này và trong giờ phút này. Tôi xin chia sẻ pháp thoại Phương pháp phòng hộ và chuyển hóa thân tâm.
Trước khi chia sẻ pháp thoại, tôi có lời xin lỗi quý vị. Đáng lẽ ra trong lễ Phật Đản vừa rồi tôi có mặt tại Thiền viện Chân Không 4, thủ đô Luân Đôn, vương quốc Anh để pháp thoại quý vị trong mùa Phật Đản. Nhưng không may, giấy tờ bị trở ngại. Và nay tôi cũng một lần xin lỗi quý vị nữa, là trong chương trình 2g mình có pháp thoại, nhưng trên đường đi từ chùa Linh Sơn về đây bị trở ngại xe cộ cho nên tới hơi trễ. Mong tất cả quý vị khởi tâm hoan hỷ.
Thưa đại chúng, có khi nào trong đời sống của đại chúng có những phiền muộn và bực bội không?
-Mô Phật, có!
Khi phiền muộn, bực bội, bất như ý khởi lên trong tâm mình thì mình phải làm gì?
-Dạ, niệm Phật.
Khi phiền muộn, bực bội, bất như ý khởi lên trong tâm mình thì việc trước mắt là không làm gì hết. Không đi theo bực bội đó, không đi theo phiền muộn đó, không đi theo bất như ý đó. Để cho phiền muộn đó đi một mình. Nó đi một mình thì nó tự hết thôi. Để cho bất như ý đó nó đi một mình, và nó sẽ tự hết. Đó là một trong những phương pháp của thiền tập.
Mình đừng đi theo nó. Mình đi theo nó sẽ phiền muộn thêm, sẽ bực bội thêm, sẽ bất như ý thêm. Hãy để nó đi một mình thì nó sẽ hết. Quý vị có nhận ra được điều này không?
Đó là một trong những phương pháp mình phải thực tập. Đó cũng là một trong những phương pháp mình phải thiền tập.
Khi nảy có một Phật tử nói khi đó mình niệm Phật. Câu trả lời rất hay. Hay ở chỗ mình không đi theo cái bực bội của mình, mình không đi theo cái phiền muộn của mình, mình không đi theo cái bất như ý của mình mà chỉ nhớ tới Phật, thì rõ ràng những cái kia không có cơ hội tồn tại trong tâm thức mình. Mình nghĩ tới Phật thì không có tâm nào nghĩ tới những bất như ý đó nữa, cho nên những cái đó tự lặn xuống.
Mà Phật là gì? Phật là tỉnh giác. Cho nên khi bực bội trong tâm khởi lên, tôi tỉnh giác. Và tôi biết trong tâm tôi đang khởi lên cái bực bội. Và kệ nó, tôi không cần quan tâm tới cái bực bội đó nữa. Phiền muộn khởi lên, tôi để nó đi một mình, tôi không quan tâm tới nó nữa. Bất như ý khởi lên, tôi để nó đi một mình, tôi không quan tâm đến nó nữa. Tôi giữ tâm tôi ở nơi sự tỉnh giác. Tỉnh giác từng phần. Tỉnh giác từ thiểu phần, rồi bán phần, rồi đa phần, rồi toàn phần. Lúc đó Phật sẽ có với mình, và mình sẽ có với Phật. Khi Phật đã có với mình, mình đã có với Phật thì không có lý do gì bực bội đó tái diễn lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư. Không có lý do gì bất như ý đó làm cho mình khó chịu lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư. Quý vị nhớ không?
Điều quan trọng là làm thế nào để trong giờ phút đó mình nhớ được Phật. Muốn như vậy, mình phải thực tập mỗi ngày, phải không? Thiền là mình phải thực tập nó mỗi ngày trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, … trong các động tác. Có vị nói “sống trong xã hội bận rộn này chúng con không có cơ hội để thực tập thiền”. Nói như vậy chưa giỏi, chưa hay, chưa thông minh lắm. Bởi vì ở đâu mà không cần sự tỉnh giác, ở đâu mà không cần tuệ giác. Xã hội càng hiện đại chừng nào, mình càng thực tập tỉnh giác chừng đó. Nếu không, tai họa sẽ đến với quý vị. Những bực bội trong đời sống chúng ta, khi chúng ta nhớ tới Phật là chúng ta tỉnh giác, làm cho chất tỉnh giác của Phật trở thành chất tỉnh giác của mình, thì chính chất tỉnh giác của Phật đó sẽ phòng hộ cho mình, bảo hộ cho mình và chuyển hóa những ý niệm thấp kém nơi tâm mình.
Khi bực bội, phiền não, bất như ý khởi lên, mình nhớ Phật rồi, ngoài Phật mình còn nhớ ai nữa không?
Ngoài Phật mình còn nhớ đến pháp. Khi mình nhớ đến pháp thì mình thực hành pháp và pháp đó có khả năng bảo hộ cho mình, có khả năng chuyển hóa những cơn giận trong tâm mình, những cơn bất như ý trong mình, những sự bực bội trong tâm mình.
Ngoài nhớ pháp mình còn nhớ ai nữa không?
-Nhớ tăng. Tăng là gì? Tăng là một đoàn thể xuất gia có từ bốn vị Tỳ kheo hay bốn vị Tỳ kheo ni trở lên, sống cùng nhau trong sự hòa hợp thanh tịnh. Bản thể thanh tịnh hòa hợp là bản thể của tăng. Như vậy mình nhớ tăng là nhớ đến sự hòa hợp của tăng, nhớ đến sự thanh tịnh của tăng. Hòa hợp mà không thanh tịnh thì chưa thể gọi là tăng. Thanh tịnh mà không hòa hợp cũng không thể gọi là tăng. Quý vị hiểu chưa?
Cho nên khi mình nhớ đến tăng là nhớ đến bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng. Khi nhớ đến sự hòa hợp thì trong đời sống của mình không có cái gì để kỳ thị nhau. Hòa hợp thì không có kỳ thị. Kỳ thị thì không còn hòa hợp. Quý vị hiểu không?
Ta khổ đau, ta bực bội, ta phiền muộn chỉ vì kỳ thị. Trong kỳ thị khi nào cũng có ba chất liệu hay ba hạt giống của tâm: kiêu mạn, ta hơn người. Kiêu mạn, ta bằng người. Và mặc cảm ta thua người.
Kiêu mạn ta hơn người làm cho mình bực bội, làm cho mình khổ đau, làm cho mình chuốc lấy tai họa trong đời sống. Kiêu mạn bằng người cũng làm cho mình luôn luôn khởi tâm so sánh. Và thua người cũng làm cho mình luôn luôn mặc cảm, không dám đối diện cuộc sống.
Nhờ sự hòa hợp xóa đi tâm kiêu mạn hơn, thua và bằng. Nghiệm lại coi, trong đời này mình có hơn ai không? Mình có bằng ai không? Mình có thua ai không? Có ai hơn mình không? Có ai bằng mình không? Có ai thua mình không? Hơn, thua, bằng, chẳng qua chỉ là tâm thức phân biệt kỳ thị mà thôi. Chính cái đó làm cho mình phiền muộn, đau khổ, khó chịu.
Chân lý đúng với chân lý của tâm, đúng với chân tâm, đúng với chân không diệu hữu, làm gì có cái hơn, thua, và bằng. Tôi hơn người ta cái này thì tôi thua người ta cái khác. Làm gì có cái thực hơn để cho mình tự hào và làm gì có cái thực thua để cho mình mặc cảm. Tôi hơn người ta khi tôi làm nghề bác sỹ, nhưng tôi thua người ta về sở trường kỹ sư. Tôi hơn người ta về mặt kỹ sư, nhưng tôi thua người ta về mặt thương trường. Tôi hơn người ta nấu ăn thì tôi thua người ta quét chùa. Tôi hơn người ta làm bánh bột lọc thì tôi thua người ta đánh máy vi tính, làm phóng viên, làm người quay phim, phải không? Cho nên chính cái cho mình hơn người khác mà mình không hòa hợp được với người khác. Khi không hòa hợp được với người khác thì chính mình là người thiệt hại. Như vậy quý vị đã nhận ra rõ có ai hơn ai không? -Không!
Bởi mình ưa hơn cho nên mình phiền người ta. Và người ta cũng phiền mình. Có lý do gì mình phiền người ta mà người ta không phiền mình? Có lý do gì mình ưa hơn người ta mà người ta không ưa hơn mình? Quý vị thấy vui không?
Cho nên khi chúng ta nhớ đến tăng là nhớ đến chất liệu hòa hợp của tăng. Tức là bỏ phần riêng tư của mình cho cái chung thì mình sẽ có hạnh phúc, sẽ có an lạc, sẽ có sức mạnh. Mình bằng người ta cái này thì sẽ thua người ta cái kia và mình sẽ hơn người ta cái khác. Mình thua người ta cái này, người ta thua mình cái này nhưng người ta hơn mình cái khác và mình cũng sẽ hơn người ta cái khác. Cho nên làm gì có cái thật hơn, làm gì có cái thật bằng, làm gì có cái thật thua, mà khi người ta nói người ta hơn mình, tự nhiên mình nổi phiền muộn lên. Hay mình hơn người khác. Làm gì có hơn đâu mà mình nổi tâm kiêu ngạo. Do tâm kiêu ngạo mà mình không thấy mình, tâm ganh tỵ trong mình khởi lên.
Khi mình chuyển hóa được cơn giận dữ, cơn bực bội, cơn phiền muộn trong tâm thì mình mới nhớ đến tăng, nhớ đến bản chất hòa hợp của tăng và nhớ đến bản chất thanh tịnh của tăng. Chính bản chất hòa hợp và thanh tịnh của tăng phòng hộ tâm kiêu mạn của chúng ta và chuyển hóa tâm đó trở thành tâm thanh tịnh, tâm vô ngã, tâm vị tha. Được vậy mình sẽ có an lạc, sẽ có hạnh phúc.
Ngoài Phật, pháp, tăng ra, mình còn có phước báo nào nữa không?
Ngoài Phật, pháp, tăng ra, mình còn nhớ giới của mình đã lãnh thọ và hành trì. Người tại gia có giới pháp của người tại gia, người xuất gia có giới pháp của người xuất gia. Người tập sự xuất gia trong 24 giờ thì cũng có giới của Bát Quan Trai. Mình luôn luôn nhớ đến giới pháp của mình đã lãnh thọ để tu tập.
Ví dụ khi mình giữ giới không sát sanh thì cơn sân không có cơ hội khởi lên, tham không có cơ hội khởi lên. Bởi vì tham mà không được nên sân khởi lên. Khi sân khởi lên thì có thể đưa tới sự bực bội, sự giết hại. Cho nên khi bực bội khởi lên, bất như ý khởi, phiền muộn khởi lên thì hãy nhớ đến giới pháp mình đã lãnh thọ. Bởi vì giới có khả năng phòng hộ lời nói của mình, hành động và cử chỉ của mình. Khiến cho cử chỉ của mình không rơi vào thô lậu, khiến cho lời nói của mình không rơi vào thô lỗ cộc cằn. Tâm mình do có giới phòng hộ nên không phát sanh những ý nghĩ tham dục. Nhờ vậy tâm giận dữ, tâm phiền muộn, tâm bất như ý của mình lặn xuống.
Khi có bực bội, phiền não, bất như ý và cảm giác khó chịu khởi lên trong ta, ngoài niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới ra, mình còn luôn luôn khởi tâm hỷ xả. Hỷ xả có nghĩa là buông bỏ, không đi theo. Buông ra khỏi tâm mình. Buông ra khỏi suy nghĩ của mình. Buông ra khỏi cách nhìn, cách nghe, cách ngửi, cách nếm, cách hành động, cách tiếp xúc của mình.
Phương pháp thứ năm là phương pháp hỷ xả. Buông!
Buông có nghĩa là không những buông bỏ mà cũng không tạo thức ăn cho nó. Có khi mình buông bỏ mà lại tạo thức ăn cho nó tồn tại ngày mai. Vì vậy đức Phật dạy “đệ tử của Như Lai không được giận ai cách đêm”.
Quý vị có giận ai cách đêm không? Đức Phật dạy “đệ tử của Như Lai không được giận ai cách đêm”. Tại sao như vậy? -Vì thương chúng ta.
Bằng tuệ giác, đức Phật dạy khi giận nếu đè nén không được thì cho nó giận, nhưng đừng đi theo nó. Giận chút thôi, đừng để cách đêm. Bởi vì để cách đêm thì cơn giận đó không còn là cơn giận đơn thuần nữa, mà là cơn giận có ý thức. Mà cơn giận có ý thức, có tác ý thì giận càng lâu, hạt giống giận trở thành chủng tử và nó chìm vào trong tâm thức chúng ta. Giận chút thôi thì nó chỉ ở trên mặt ý thức rồi đẩy nó ra, không để nó trở thành chủng tử chìm vào tâm thức chúng ta.
Khi chúng ta giận hai đêm, ba đêm và nghiện ngập với cơn giận của mình thì hình ảnh của người làm mình giận chìm sâu vào tâm thức ta. Và khi nghe tiếng nói của người đó, tự nhiên cơn giận của mình nổi dậy. Nghe tên người đó, cơn giận của mình nổi dậy, mà chuyện đó là chuyện của ngày hôm qua, ngày hôm kia, hai ba tháng trước, mười năm trước rồi. Thậm chí hai mươi năm trước nữa, nhưng khi nghe đến người đó là cơn giận của mình nổi lên. Có vậy không? Vô minh là chỗ đó!
Cho nên đức Phật nói “không giận ai qua đêm”, rất tuệ giác, rất thực tế. Nhưng mình giận người thì ai khổ? Mình khổ. Giận nhiều chừng nào thì khổ nhiều chừng đó. Ít giận thì ít khổ. Không giận thì không khổ. Cuộc đời này đâu phải khổ do thiếu cơm, thiếu gạo tiền, thiếu nhà ở đâu, mà khổ đau vì giận. Mặt giận thì xấu hay đẹp. Ai cũng ưa đẹp thì tại sao lại giận?
Cho nên buông bỏ cơn giận xuống, đừng giận cách đêm. Nếu giận thì cho giận, nhưng thảy nó ra từ từ, không để nó đi vào tâm mình. Khi giận thì không nói gì hết. Chỉ nắm lấy hơi thở. Thở vào, tôi đang giận. Tôi biết tôi đang giận. Thở ra, tôi đang giận và tôi biết tôi đang giận. Khi giận đừng nói gì hết, chỉ nắm lấy hơi thở. Nếu nói khi giận thì sau đó ân hận không kịp.
Quý vị thấy, khi giận mình niệm tăng có hay không? Tức là niệm bản thể hòa hợp của tăng, niệm bản thể thanh tịnh của tăng. Chính nhờ niệm bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng mà năng lượng đó trỗi dậy trong tâm thức mình. Và nó có khả năng phòng hộ cho kiêu mạn của mình lặn xuống, tâm thanh tịnh của mình hiện ra.
Niệm buông bỏ cũng vậy. Hoặc có phương pháp nữa là khi có cơn giận nổi lên, mình nghĩ đến thầy tổ hay cha mẹ mình. Hình ảnh của một bậc thầy hiền hòa, đôn hậu có mặt trong tâm mình, tự nhiên cái giận của mình sẽ được thay đổi, được chuyển hóa. Hay khi cơn giận nổi lên, mình nghĩ giận như thế này ba mẹ buồn lắm. Con cái thấy mình giận như thế này buồn lắm. Mình nghĩ đến người khác mà mình không giận.
Tu không có nghĩa là đè nén cơn giận, mà biết nhìn nhận nó là một sự thật, rồi mình làm chủ nó và lái nó đi hướng khác cao đẹp hơn. Mình đưa cơn giận tới với Phật thì cơn giận tự thay đổi. Mình đưa cơn giận tới với Pháp thì cơn giận tự thay đổi. Mình đưa cơn giận tới với Tăng thì cơn giận tự thay đổi. Mình đưa cơn giận tới với Giới đức thì cơn giận tự thay đổi. Mình đưa cơn giận tới sự Hỷ xả và sự buông bỏ thì cơn giận tự thay đổi. Mình đưa cơn giận tới các bậc Thiền đức, cao đức thì cơn giận tự thay đổi.
Quý vị cũng có thể thực tập pháp này: Khi có người làm mình nổi giận, mình nghĩ tới lời nói dễ thương của họ. Không nghĩ tới hành động, cử chỉ dễ ghét của họ, thì cái dễ thương nơi mình khởi lên, cơn giận của mình lắng xuống.
Có người hành động vừa dễ thương, vừa không dễ thương. Mình chỉ nhìn hành động dễ thương của họ. Đừng nhìn vào, đừng chú ý vào hành động không dễ thương của họ, cơn giận mình được chuyển hóa.
Có người chỉ có hành động dễ thương mà lời nói không dễ thương, thì mình chú ý vào hành động dễ thương của họ, đừng chú ý vào lời nói không dễ thương của họ, cơn giận mình được chuyển hóa.
Có người lời nói không dễ thương, cử chỉ không dễ thương nhưng họ có tâm dễ thương, thì mình nhìn vào tâm dễ thương của họ, đi tới tâm dễ thương của họ. Đừng để ý tới lời nói không dễ thương, cử chỉ không dễ thương của họ, cơn giận mình được chuyển hóa.
Có người hỏi: Thưa thầy, có người lời nói không dễ thương, cử chỉ không dễ thương, tâm hồn cũng không dễ thương, chúng con làm thế nào?
Đức Phật dạy: Đối với người lời nói không dễ thương, cử chỉ không dễ thương, tâm hồn cũng không dễ thương thì mình nghĩ rằng, người này khổ đau quá rồi mình còn ghét họ làm chi nữa, giận họ làm chi nữa, tự nhiên cơn giận mình lắng xuống, tâm từ bi của mình khởi lên. Quý vị làm được không? Phải tập chứ! Ăn còn chưa dễ nữa, nói chi tu. Cơm dọn lên rồi mà ăn không được nghe. Nếu mình có thiện duyên phước đức thì mọi chuyện đến với mình rất dễ dàng, kém phước đức thì không có chuyện gì dễ với mình đâu.
Thiền viện Chân Không đây. Từ công của, pháp lý, tâm hồn liên kết. Chiều nay tới đây để nghe pháp thoại mà chỉ được chừng này người thôi, không phải dễ đâu. Tại thủ đô Luân Đôn này vào năm 1999 thống kê là ba chục ngàn người Việt có mặt ở đây, mà nơi đây chỉ được hai mươi lăm người thôi. Hai mươi lăm người nghe pháp cho ba chục ngàn người. Có người sửa soạn hết mọi việc, có người nói. Chỉ tới nghe thôi mà còn khó thay. Huống hồ nghe mà hiểu. Hiểu rồi hành. Hành rồi sống. Sống rồi chứng nghiệm. Quý vị thấy, không dễ đâu! Chỉ có cái chịu khó là khó nhất. Thiếu chịu khó là không làm được cái gì nữa cả.
Còn nói mình bận việc quá! Ai mà rảnh? Chắc chỉ có thầy rảnh quá mới từ Việt Nam qua đây chứ gì? Không có ai rảnh hết. Mình phải biết khôn khéo, sắp xếp thời gian. Biết cái gì trọng, cái gì khinh. Biết cái gì tạm thời, biết cái gì vĩnh cửu. Không nhận ra được cái đó. Lấy cái tạm thời làm cái vĩnh cửu là phí phạm cả một đời người. Có tội với bản thân mình, có tội với Tổ tiên mình. Có tội với thế giới con người. Khi mất thân người muôn kiếp khó được trở lại.
Mình tu ai được? Mình được chứ ai được! Cho nên khi quý vị nghe rồi, cố gắng thực tập. Không phải thầy Thái Hòa nói gì, quý vị phô-tô-cóp-py rồi về để cho mục luôn. Nếu quý vị để nó mục thì quả thật thầy Thái Hòa là một ông thầy vô phước.
Không vô phước sao được. Khi tôi cho quý vị năm đồng rồi quý vị phô-tô-cóp-py để giữ đó, thì thầy đâu mà có phước đức đến thế mà trò đâu mà ngây ngô đến thế! Có phải vậy không?
Khi tôi cho quý vị năm đồng, quý vị phải làm thế nào cho được mười đồng để nuôi dưỡng gia đình, nuôi dưỡng đời sống đạo đức của mình và đóng góp lại cho xã hội thì thầy mới có phước chứ.
Cho nên ăn rồi phải tiêu hóa. Ăn mà không tiêu nghĩa là ăn cơm xong đi cầu ra cơm, ăn thịt xong đi cầu ra thịt, uốn gbia xong đi tiểu ra bia. Người đó phải đi bệnh viện. Cho nên nghe pháp rồi phải chiêm nghiệm, rồi chọn pháp thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình để thực tập trong điều kiện có thể của mình.
Có thể pháp này hay cho chị A mà không hay cho chị B. Có thể pháp này thích hợp với chị C mà không thích hợp với chị D. Thì mình phải vận dụng.
Có thể pháp này thích hợp lúc này mà không thích hợp với lúc khác, thì mình cũng phải biết để vận dụng. Ai không biết ngồi thiền là hay, nhưng ăn no một bụng rồi ngồi thiền có hay không? Cho nên ngồi thiền hay là hay lúc nào. Không phải lúc nào cũng hay.
Nếu nói chỉ có ngồi thiền mới đạt đạo thôi, thì thầy Thái Hòa cũng không tin lắm qua trải nghiệm của thầy. Những người cụt chân làm sao ngồi? Những người bị khớp làm sao ngồi? Như vậy những người đó không thực tập thiền được sao? Cho nên người nào có điều kiện thuận lợi có thể ngồi thiền được thì thực tập thiền ngồi, thì cái ngồi đó cho kết quả như ý muốn. Có người không ngồi được, mà có điều kiện đi để thực tập thiền, thì thiền đi cho kết quả như ý muốn. Có người có điều kiện đứng, không có điều kiện đi, không có điều kiện ngồi thì người ta đứng trong sự tỉnh giác. Có người không có điều kiện đứng, không có điều kiện đi, không có điều kiện ngồi mà có điều kiện nằm thì họ phải thực tập thiền ngay nơi cái nằm của họ, tức là tỉnh giác trong lúc nằm.
Tuy nói thiền nhưng phương pháp thực tập có rất nhiều cách, mình kẹt vào một cách thì thấy người ta làm cách khác mình không ưa. Không ưa thì phiền não nổi lên nơi mình. Tu như vậy thì không giỏi lắm đâu và không thành công. Thiền tông có một thiền ngữ “nhất cử nhất động vô phi dị thiền”. Một vị thiền sư đích thực, vị đó đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, ăn uống, mặc áo, làm việc … không có động tác nào của vị đó mà không thiền, nghĩa là không có động tác nào của vị đó không ở trong chánh niệm tỉnh giác. Không ở trong sự nhiếp phục phiền não.
Thiền như vậy mình sẽ có mặt giữa cuộc đời và làm cho cuộc đời đẹp ra như ngài Trần Nhân Tông đã nói:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bữu hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Sống theo duyên đời mà vui niềm vui của đạo. Sống theo thân năm uẩn này, cũng ăn uống ngủ nghỉ. Ở nơi đây mà vui niềm vui của đạo. Bỏ thân năm uẩn này thì lấy gì mà tu, đạo đâu mà hiểu. Ở giữa chợ đời mà tu, cũng buôn bán để nuôi bản thân nuôi gia đình, hộ trì Phật pháp. Bỏ tất cả chỉ ngồi lim dim là chết.
Sơ Tổ Trúc Lâm dạy “cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Thân này đói, không ăn, ngồi thiền nổi không? Không ăn lạy Phật nổi không?
“Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên”. Biết mình đói thì ăn. Nên ăn gì, ăn ở đâu, ăn lúc nào, ăn cái gì. Có ai chống lại cái đói? Chống lại cái đói là chống lại quy luật tự nhiên của sự sống, là chết. Chết lấy gì tu. Phải sống mới tu chứ.
Ai đi chống lại cái đói? Đói thì ăn. Mà ăn trong tỉnh giác, ăn trong sự biết ơn. Ăn mà không tỉnh giác, ăn mà không biết ơn thì không phải là cách ăn của thiền, không phải cách ăn của bậc thánh nhân, mà đó là cách ăn của phàm phu, cách ăn của nghiệp lực. Còn cách ăn của thiền, cách ăn tỉnh giác, cách ăn trong sự biết ơn làm thay đổi nghiệp lực của mình. Nó đưa tới thiền duyệt thực, không còn bị kẹt vào thức ăn thô như chúng ta thường ăn.
Cho nên đói thì ăn, khát thì uống. Ai chống lại cái khát, cho chết sao? Mệt thì nằm nghỉ. Mệt ráng chi cho đột quỵ?
Thiền rất thực tế! Thiền đó mới là thiền sống động của Phật giáo Việt Nam. Đó mới là Thiền tông của Việt Nam.
“Gia trung hữu bửu hưu tầm mích”. Trong nhà có sẵn châu báu rồi, không đi tìm bên ngoài. Không vọng tâm ra bên ngoài. Châu báu trong nhà là gì? Là ông Phật trong tâm mình. Ông Phật trong tâm là gì? Đó là sự tỉnh giác ở nơi tâm.
Khi mở mắt ra nhìn mà không tỉnh giác thì bị sắc, thanh, hương, vị, xúc và bị pháp trần cuốn hút. Cho nên không vọng tâm ra ngoài, quay về với ông Phật trong tâm mình, với sự tỉnh giác nơi tâm mình. Và làm cho bao nhiêu phiền não trong tâm rơi rụng hết. Tâm Phật của mình sáng ra. Khi tâm sáng thì mắt sáng. Khi tâm sáng thì tai thông. Khi tâm sáng thì lời nói mới rõ ràng minh bạch. Khi tâm sáng thì bước đi vững chãi, thảnh thơi. Cho nên phải quay về với ông chủ của mình là Tâm. Vậy thì một ngày quý vị cho ông chủ của mình ăn mấy bữa? Toàn đãi khách không, bỏ chủ nhịn đói. Tội nghiệp! Cho nên mặt mày hốc hác bơ phờ cả. Thế mà lúc nào cũng ưa đẹp. Ưa đẹp thì làm cho tâm đẹp. Ông chủ đẹp thì khách tới ông chủ ra tiếp mới đẹp. Tâm phải đẹp.
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Tâm trong sáng không phân biệt, không kỳ thị, đối cảnh tâm không khởi lên đi theo hay chống đối. Biết nó đúng như nó, không biết khác đi được. Biết nó đúng như nó chứ đừng biết nó đúng như mình nghe! Biết nó đúng như nó thì mình không bị nó đánh lừa. Biết nó đúng như mình thì trước sau gì mình cũng bị nó đánh lừa. Và mình sẽ khổ.
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” có nghĩa là mình nhìn sự vật đúng như chính nó. Mình nhìn chồng mình đúng như chồng mình. Mình nhìn vợ mình đúng như vợ mình. Mình nhìn con mình đúng như con mình. Mình nhìn mọi người trong xã hội đúng như chính họ. Mình nhìn cái hoa đúng như chính nó … thì mình mới không bị các pháp thế gian đánh lừa mình, phỉnh gạt mình. Không bị phỉnh gạt thì mình sẽ không bị thất vọng. Không thất vọng thì không tự tử. Mình tự tử thì mình chết, cuộc đời vẫn như thế. Buổi sáng mặt trời vẫn mọc, quả đất vẫn quay, sông vẫn chảy, mây vẫn bay, … Chỉ có mình chết trong thảm não, trong thất vọng, trong khổ đau.
Quý vị thấy được Thiền tông của Phật giáo Việt Nam chưa? Rất nhiều châu báu trong đó. Nhưng những gì tôi nói với quý vị, chia sẻ với quý vị rất khiêm tốn. Trước vua Trần Nhân Tông, bao nhiêu thầy tổ của chúng ta nữa. Sau vua Trần Nhân Tông, bao nhiêu thầy tổ của chúng ta nữa. Không phải chỉ ngang đó.
Làm gì thì làm, quý vị nghe rồi phải hiểu, hiểu rồi phải thực hành. Thực hành rồi thì có kinh nghiệm. Có kinh nghiệm rồi mới có chứng nghiệm. Chứng nghiệm rồi mới ngộ. Ngộ rồi mới chia sẻ. Đôi khi từ cái ngộ đến hết sạch phiền não còn cách nhau xa lắm.
Mấy ngày nay Diệu Công và Triết chở tôi đi đến xứ Wales. Tới thăm Bảo tàng viện, thấy đó rồi mà vô không được, bởi vì không có chỗ đậu xe cho nên phải chạy vòng vòng gần hai tiếng đồng hồ. Thấy đại học Oxford rồi mà đi tìm chỗ đậu xe không ra. Cũng vậy, chân lý thấy đó rồi nhưng không phải dễ thể nhập. Có nhiều chướng ngại lắm. Nếu mình không lập hạnh, lập nguyện thì đứng ngoài rìa mà chơi thôi. Thấy đạo rồi mà nhập đạo không phải dễ. Thấy cổng chùa rồi mà vào chùa không phải dễ. Đôi khi mình ngồi trong chùa rồi mà như còn ngồi ngoài cổng tam quan. Đôi khi thấy rồi mình tưởng được rồi. Nhưng từ cái thấy tới cái được còn cách một trời một vực. Đôi khi nó không dính với nhau. Mình chỉ thấy bên ngoài, chưa thấy bên trong. Vô trong rồi, còn nhiều chỗ bên trong chưa thấy nữa. Hiểu được rồi phải nỗ lực tu từ từ. Sự nỗ lực rất quan trọng trong đời sống chúng ta. Chúng ta nắm được từ quý Ôn, quý thầy dạy từ nhiều mặt, nhiều góc cạnh, rồi lọc đi lọc lại cho thích hợp với điều kiện của mình và nỗ lực thực tập. Đó mới là điều quan trọng của tất cả chúng ta.
Chúng tôi xin kết thúc thời pháp thoại ngang đây.
CÂU HỎI
1-Người mới quy y tam bảo khi về nhà nên tụng kinh gì, hành trì như thế nào? Xin Hòa thượng chỉ dạy.
-Phật tử mới quy y Tam bảo, khi về nhà mỗi buổi sáng, nếu nhà có bàn thờ Phật thì đứng trước bàn Phật thắp hương cầu nguyện, và luôn luôn nhớ mấy điều: 1-Đọc ba pháp quy y bằng tất cả tâm linh tín ngưỡng của mình: Đệ tử chúng con quy y Phật, không quy y trời thần quỷ vật. Đệ tử chúng con quy y pháp, không quy y ngoại đạo tà giáo. Đệ tử chúng con quy y tăng, không quy y bạn dữ nhóm ác.
Cái đó phải được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày.
2-Đọc lại năm giới đã thọ:
Lạy xuống ba lạy, quỳ xuống thưa:
Đệ tử chúng con pháp danh là …. Nguyện từ nay cho đến trọn đời thề không sát hại chúng sinh. Lạy xuống.
Đệ tử chúng con nguyện từ nay cho đến trọn đời không trộm cắp. Lạy xuống.
Đệ tử chúng con nguyện từ nay cho đến trọn đời không tà hạnh. Lạy xuống.
Đệ tử chúng con nguyện từ nay cho đến trọn đời không nói dối. Lạy xuống.
Đệ tử chúng con nguyện từ nay cho đến trọn đời không uống rượu say hay không sử dụng những độc tố gây tê liệt ý thức. Lạy xuống.
Ba pháp quy y và năm cấm giới là phải hành trì mỗi ngày, bởi vì đó là nền tảng của Phật giáo mà cũng là cứu cánh của Phật giáo.
Tụng ba quy y Phật mỗi ngày khiến cho hạt giống kết thành hoa trái và nó tạo thành bản chất của mình để mình có khả năng tự quy y Phật nơi mình.
Mình quy y pháp và nguyện sống với pháp, biến pháp trở thành mình. Pháp đó là pháp giải thoát, pháp giác ngộ, pháp đến để thấy. Sống với chất pháp thì hạt giống đó lâu ngày trở thành hạt giống giải thoát giác ngộ của mình để mình có cơ hội tự quy y pháp, tức là quay về pháp tánh rỗng lặng ở nơi tâm mình, và thể nhập được với pháp tánh bất sinh bất diệt hay pháp thân thanh tịnh của chư Phật.
Và huân tập quy tăng mỗi ngày thì hạt giống sự lý vô ngại của tăng, thanh tịnh hòa hợp của tăng trở thành hạt giống trong tâm mình, để mình có thể tiếp xúc được với chân tâm thường trú vô ngại của mình.
Ba pháp quy y mình hành trì sâu thì nó là đỉnh cao của tam tự quy y. Và năm cấm giới hỗ trợ cho mình trên con đường đó. Nó tạo thiện duyên và phước đức cho mình đi tới đỉnh cao của tam tự quy y qua sự hành trì ba pháp quy y của mình.
Đó là kinh tụng quan trọng nhất. Nếu có thì giờ thì tụng kinh Bát Đại Nhân Giác, kinh Kim Cang. Có những hành giả tu vừa Thiền vừa Tịnh thì tụng kinh A Di Đà. Có những hành giả vừa tu Thiền vừa tu Tịnh vừa tu Mật thì tụng chú Đại Bi. Những vị đi sâu vào tuệ quán thì họ chuyên trì Bát nhã. Tùy theo điều kiện của mình.
2-Bạch Hòa thượng, con muốn ăn chay trường mà con thực hành hai lần rồi không thành công vì chóng mặt. Con vẫn muốn ăn tiếp mà không biết cách nào để không bị chóng mặt. Xin Hòa thượng chỉ dùm con phải làm sao.
– Có nhiều người nói mình ăn chay trường bị thiếu sinh tố, thiếu chất béo, đó là vì ăn chay thiếu khoa học. Nếu ăn chay mà có khoa học thì không có sự chóng mặt xảy ra đâu. Thầy Thái Hòa ăn chay từ 13 tuổi đến giờ gần 70 tuổi nè. Cho nên nói ăn chay thiếu sinh tố là không phải nghe.
Ăn chay phải có khoa học và ăn bằng tâm ăn, không phải ăn đối phó. Ăn chay bằng sự biết ơn và ăn chay bằng giải tỏa mọi oán kết giữa mình và lục đạo chúng sinh. Và ăn chay để nuôi lớn tâm từ bi của mình, nuôi lớn hạt bồ đề của mình. Khi ăn phải nhai cho kỹ và luôn luôn nghĩ tới ơn của mọi người, ơn của muôn loài, ơn của chúng sinh đối với bữa ăn của mình, chứ ăn để đối phó là không phải đâu. Ăn chay như vậy mới chuyển được nghiệp tâm sang thanh tịnh tâm, giải tỏa được hạt giống oán kết trong tâm mình đối với chúng sanh trong lục đạo, và oán kết giữa chúng sanh trong lục đạo đối với mình.
Trong người mình có đất, nước, lửa, gió, mình quán chiếu coi trong người mình thiếu cái gì thì bổ xung cái đó. Nếu trong người mình quá nóng mà ăn thêm chất nóng nữa thì cái nóng cực thịnh, nó đàn áp những cái khác, đưa tới thân thể không bình thường. Nếu chất nóng trong người mình quá nhiều thì phải ăn những chất mát để cân bằng lại. Hoặc chất béo trong cơ thể mình quá nhiều mà còn ăn thêm chất béo nữa thì cơ thể mập phì ra.
Đức Phật dạy trạch pháp, mình phải trạch pháp trong khi ăn, hay trạch pháp trong khi tu. Phải biết lúc biết thời cho việc ăn. Buổi sáng nên ăn gì, buổi trưa nên ăn gì, chiều ăn gì. Cách ăn cũng là một khoa học. Không phải nói ăn chay cho có phước rồi cứ mua rau về ăn hoài, không được đâu. Có người thích ăn rau muống, cứ mua rau muống về ăn hoài, lâu ngày chất sắt nhiều, nó lấn lướt chất đạm trong cơ thể, sanh bệnh. Ăn đậu khuôn hoài cũng không được. Phải biết điều hòa trong bữa ăn của mình.
Chúng ta sống trong khoa học mà chúng ta sống không khoa học. Chúng ta yêu thiên nhiên mà chúng ta phản bội thiên nhiên, đó là xứ sở này đây. Thực phẩm mình hái buổi sáng nó cho mình sinh chất khác, hái buổi trưa nó cho mình sinh chất khác, hái buổi chiều nó cho mình sinh chất khác. Huống chi mình hái một bữa để tuần sau mới ăn.
Ăn chay hay ăn mặn nơi xứ sở này cũng khó không phải chơi, vì mình có phước báo này, kém phước báo khác.
Thực phẩm mang về để tuần sau mới ăn, mình tưởng an toàn, nhưng vi khuẩn trong đó giả chết chứ không chết đâu. Nếu đem khỏi tủ lạnh một thời gian mà chưa nấu đàng hoàng thì nó sinh ra vi khuẩn. Độc hại lắm.
Khi ăn chay đúng phương pháp rồi mà vẫn còn trở ngại thì do nghiệp chướng của mình. Phải sám hối. Trước khi ăn phải sám hối: “Con cúng dường Phật, con cúng dường pháp, con cúng dường tăng. Con xin sám hối nghiệp ăn của con từ vô thỉ cho đến ngày hôm nay, khiến cho những thực phẩm con ăn vào đều giúp con tu tập để tăng trưởng được giới, tăng trưởng được định, tăng trưởng được tuệ. Khi con có giới đức thanh tịnh, định đức thanh tịnh, tuệ đức thanh tịnh thì tất cả những thực phẩm này cùng thành phần thanh tịnh của chúng con”.
Thường thường mình cúng dường trước khi ăn, ít ai sám hối trước khi ăn, phải không. Bây giờ mình thêm một pháp nữa là cúng dường trước khi ăn và sám hối trước khi ăn. Về thực tập nghe.
Thân này gọi là báo chướng, vì đây là kết quả của nghiệp quá khứ mà thành. Nếu không biết tu tập là tiêu thụ phước báo này mà không tày bồi gốc rễ thêm, khi hết phước thì mình không còn phước làm người nữa đâu. Dầu có làm người nữa cũng không tới được Thiền viện Chân Không mà ngồi nghe pháp đâu. Làm người mà là người chạy cù bơ cù bất ngoài đường, phơi nắng phơi mưa chứ không được ngồi trong khung cảnh này đâu.
Làm người mà được ngồi trong không gian này là phước báo nhiều đời, không phải dễ đâu. Quý vị thấy thành phố Luân Đôn này bao nhiêu người, mà mấy người được ngồi trong không gian này. Cho nên phải biết nuôi dưỡng phước báo nhiều đời này của mình.
3-Đức Phật dạy không để cơn giận qua đêm mà con làm không được, nó cứ kéo dài đêm này sang đêm khác. Xin Hòa thượng dạy con cách nào bỏ nó cho được.
– Con có bệnh hay giận và giận dai, thì đó là nghiệp của mình. Bây giờ con về viết một câu treo trong phòng học hay phòng ngủ: “giận ai mình đau khổ trước, thương ai mình hạnh phúc trước”. Luôn luôn đưa câu đó vào ý thức của mình. Thực tập như vậy rồi mà vẫn còn giận, thì nói “ai ngu thì cứ giận”. Chắc chắn rằng có ai muốn ngu đâu. Cho nên thực tập như vậy thì cơn giận có, nhưng mình làm chủ được, đẩy nó ra được.
4-Hai người cãi nhau, nói qua nói lại. Một người dừng lại không nói nữa, người kia càng tức thêm to tiếng hơn nữa. Vậy phải dừng bằng cách nào?
– Hai người mà không biết tu thì thua. Nếu một trong hai người biết tu thì người biết tu không đi theo cơn giận đó. Buông.
Muốn buông được có nhiều cách: Do tuệ quán, dù mình có nói người kia đi nữa thì nhân họ như vậy, duyên họ như vậy, quả họ như vậy. Dầu mình có nói cũng không có kết quả gì. Cho nên mình thương họ hơn là ghét họ. Cuối cùng cái giận nơi mình tự giải tỏa.
Khi cái giận nơi mình tự giải tỏa mà người kia vẫn còn giận mình thì đó là chuyện của họ. Khi họ giận mình, mình phóng ra một năng lượng không giận họ, thì cơn giận của họ có cơ hội giãm dần, đến mức nào đó, cơn giận của họ cũng triệt tiêu. Sau đó mình có cơ hội chia sẻ, tâm sự. Và hai bên gắn kết lại với nhau, có thể bắt tay nhau để làm công việc gì đó.
Vấn đề còn lại là mình có thật tu không. Bản thân thầy có nhiều oan lắm. Nhiều người vu khống thầy nhiều mặt. Ban đầu thầy cũng bực bội, ngủ không được. Cuối cùng mình nói “sao mình dại thế này” rồi buông cái giận đối với người đó, không để ý nữa. Tuy không để ý nữa, nhưng khi gặp người đó, mặt mình đổi sắc. Không phải chơi đâu. Mình biết đó là cái nghiệp vẫn còn. Mình khắc phục tiếp. Mình can đãm tới hỏi chuyện người đó trước. Mình tới hỏi trước mà người đó còn vùng vằn là chuyện của người đó. Lần sau hỏi tiếp. Hỏi năm bảy lần, người đó thấy mình dễ thương quá, nói chuyện lại với mình.
Kham nhẫn là khi mình thấy được vấn đề rồi và tìm cách tháo gỡ thì tự mình phải chủ động, bởi vì mình tu mà. Người ta có tu đâu. Còn hai người cùng tu thì dễ rồi. Chẳng qua là do không làm chủ được mà nó khởi lên chi đó thôi. Nhưng khi bên này sám hối thì bên kia nói lời xin lỗi là xong thôi.
Hai người không tu thì không giải quyết nổi.
Vừa rồi thầy đi Thụy Sỹ, tới thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève, thầy nói với các Phật tử ở Thụy Sỹ: Có đôi vấn đề xảy ra trên đất nước Việt Nam mà giải quyết trên đất nước Việt Nam không được, phải đem qua Thụy Sỹ giải quyết.
Cũng vậy, có đôi khi chuyện hai người xảy ra không giải quyết được, phải nhờ người khác. Người thông minh chủ động nhờ người có uy tín tác động và mượn không gian để giải quyết vấn đề. Đâu phải chuyện của hai người là hai người giải quyết. Không đâu! Có khi hai người không giải quyết được, phải nhờ bạn bè của hai người tương tác hỗ trợ. Rồi không tới nhà A, cũng không tới nhà B, mà tới nhà C. Bữa tiệc đó có bạn bè tới, tự nhiên mình không ưa bắt tay nhưng trong phép lịch sự phải bắt tay, vậy là từ từ tiến thêm.
Cho nên có những trường hợp xảy ra ở đây mà phải giải quyết ở chỗ khác và nhờ những người khác.
Cơn giận của mình cũng vậy. Mình phải biết thông minh để hóa giải.
5-Con làm một việc tốt có lợi cho nhà chồng mà chồng con mắng con một câu. Con giận mười năm nay.
– Không ai giận tới mười năm. Mình giận mười năm là hơi thiệt hại rồi đó. Mình tập chủ động nói lời trước đi. Mình nhờ một thông tin gởi lời thăm, tự nhiên mình mở lòng mình ra. Khi mình mở được lòng mình ra thì người kia cũng mở lòng người ta ra. Bởi vì mình tu nên mình phải chủ động. Chúng sinh không biết tu thì khác, mình biết tu thì khác. Cho nên người ta thế này, mình phải thế khác. Chứ mình cũng như vậy nữa thì đổ vỡ và oán kết thôi.
Câu nói đó bay đi lâu rồi, nó thành gió thành mây, thành hoa thành cỏ rồi mà mình còn giữ trong lòng chi cho cực. Thả nó ra, đừng nhốt nó nữa./.