PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 52

XIX: LỊCH ĐẠI HỘI YẾU CHÍ

Gồm các mục sau:

  1. Túc mạng tiền thân.
  2. Phóng sinh cấm sát.
  3. Kỳ đảo tai dị.
  4. Quốc triều điển cố.
  5. Chư quốc triều cống.

1. TÚC MẠNG TIỀN THÂN (Tiền thân đời trước)

Đời Tấn Võ Đế, tiền thân của Dương Hựu đã xây cất Võ Đang Sơn Tự nên nay cung cấp chùa ấy có phần thiên nặng hơn…

Đời Lương Võ Đế, Nhạc Dương Vương Túc thị sát Trấn Việt thì biết tiền thân của mình là Hứa Tuân đã cùng với Đàm Ngạn xây tháp…

Vua Bắc Tề Văn Tuyên sai người cỡi lạc đà ra khỏi thành rồi mơ màng như trong mộng, cứ thế đi đến một chùa trong núi lấy rương kinh. Có đám Sa-di gọi lớn: A, Cao Dương cỡi lạc đà đến! Rồi dẫn vào gặp một vị lão Tăng hỏi: Cao Dương làm vua như thế nào?…

Đời Đường Thái Tông, Tiền thân của Oai Thiền sư là Trần Từ Lăng nghe ngài Trí Giả giảng kinh bèn lập năm nguyện. Sau sinh vào nhà quan quyền họ Chu bèn kính ngài Chương An làm thầy – Tài Công Đạo Giả thác sinh vào nhà bà họ Chu. Sau gặp Tứ Tổ xuất gia, chính là Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

Đời Đường Huyền Tông. Phòng Quan cùng Đạo sĩ Na Hòa Phác qua đất Hạ, vào một ngôi chùa hoang, sai người đào đất tìm được một cái bình lớn bên trong có chứa bài viết về Đạo Đức của Lũ Sư và sách của Vĩnh Thiền Sư, bỗng nhiên ông biết rõ tiền thân mình là Vĩnh Thiền sư – Sa-môn Pháp Tú được một vị Tăng lạ dẫn vào núi Chung nam thấy một cửa son có bảng đề tên hồi hướng. Có ông lão chỉ cung điện đó bảo rằng đây là nhà ở cũ của vua Đường. Rồi sai người hầu đưa cho ống sáo ngọc (ngọc tiêu) bảo rằng: Hương trước ở đây vì ham nghe nhạc nên bị đày về làm vua ở cõi người.

Đời Đường Túc Tông. Ở Tây Xuyên, Tiết Độ Vỹ Cao mới sinh, có vị Phạm Tăng đến bảo rằng: Đây là hậu thân của Gia Cát Võ Hầu.

Đời Đường Hiến Tông – Tề Quân Tá được một Phạm Tăng cho ăn một trái táo liền biết được tiền thân mình xưa là Tăng giảng kinh, bèn nương ngài Linh Ẩn mà xuất gia, tên là Giám Không.

Đời Đường Hy Tông – Ngài Tri Huyền Quốc Sư thấy một hạt châu rơi vào đùi trái rất đau nhức, lại thấy trên mục nhọt ấy có hai chữ “Triệu Thố.” Huyền biết đó là nghiệp đời trước của mình, bèn nằm nghiêng hông phải mà tịch. Đời cho Huyền là hậu thân của Viên Áng…

Đời Tống Nhân Tông – Tham Chánh Trương Phương Bình ra coi Dư Châu, đến Tăng xá thấy có quyển kinh Lăng Già vẫn còn dấu tay rõ ràng, bèn biết tiền thân mình là Tăng viết kinh – Tể Tướng Tăng Công Lượng có tiền thân là Thiền Môn Thanh Thảo đường – Ở Dĩnh Châu có một ca kỹ miệng có mùi hương sen. Có vị Tăng nước Thục nói: Cô gái này đời trước là Ni tụng kinh Pháp Hoa ba mươi năm – Đời Đường Triết Tông, Tô Thức có tiền thân là Ngũ Tổ Giới Thiền Sư.

2. PHÓNG SINH CẤM SÁT

Vua Tùy Văn Đế ban chiếu: Trong thiên hạ trong các tháng giêng, năm, chín và các ngày Lục Trai không được giết hại sinh mạng – Ngài Trí Giả Thiền sư đến Nhạc Châu giảng kinh Kim Quang Minh, giáo hóa một Quận năm Huyện, có hơn một ngàn chỗ đều bỏ bắt cá.

Vua Lương Võ Đế ra sắc cho Thái Y không được dùng các con vật còn sống để làm thuốc. Việc cúng tế con vật sống ở Giao Miếu đều thay bằng bột mì. Cúng tế tông miếu thì dùng rau quả.

Vua Bắc Ngụy Hiến Văn ra sắc chỉ Tế Thiên Địa Tông Xã không được dùng con vật còn sống. Năm đó cứu sống được bảy vạn năm ngàn con vật.

Vua Bắc Tề Văn Tuyên thọ giới không ăn thịt, cấm trong nước giết mổ…

Vua Đường Cao Tổ ban chiếu các tháng: Một, năm, chín và các ngày Thập trai không được hành hình, mổ giết, câu lưới…

Đường Võ Hậu ra sắc cấm hẳn việc giết mổ, câu lưới… trong thiên hạ.

Vua Đường Túc Tông ra chiếu trong thiên hạ lập ao phóng sinh

gồm đến tám mươi mốt chỗ, Nhan Chân Khanh soạn bài bia.

Vua Tống Thái Tổ ban chiếu từ tháng hai đến tháng chín trong thiên hạ dân chúng không được lưới rập săn bắt, giết chết. Vua Tống Chân Tông ra chiếu trong thiên hạ khắp các Châu Quận đều phục hồi lại ao phóng sinh. Nơi nào không có ao phóng sinh thì dọc ven bờ sông Hoài qua các Quận cách thành năm dặm đều cấm bắt cá. Quan lệnh chư kỵ là Phan Hoa theo Phổ Hiền Sám Pháp không cho bắt cá trong các ao hồ sông suối và dâng chiếu vua trở về kinh thì mộng thấy cá biến thành hình người cả mấy vạn gào khóc vang trời rằng: Trưởng giả đi rồi bọn chúng tôi đâu khỏi bị chưng nấu… Ngài Thiên Trúc Từ Vân Pháp sư tâu vua xin cho lấy Tây hồ làm ao phóng sinh. Mỗi năm vào ngày tám tháng tư (lễ Phật đản), người trong Quận hội họp trên ao mặc tình thả chim cá để cầu cho Chúa Thượng trường thọ.

Đời vua Tống Nhân Tông, Ngài Diên Khánh Pháp Trí Pháp sư ở Tứ Minh, mỗi năm vào lễ Phật đản thường phóng sinh chim cá để chúc Thánh Thọ (cầu vua sống lâu). Quận biết tâu lên, vua ra sắc cho Khu Mật Lưu Quân soạn bia đặt ở cửa chùa.

3. KỲ ĐẢO TAI DỊ (Cầu đảo hết tai ương)

Đời Tấn Giản Văn, có quạ làm tổ trên Thái Cực điện. Vua triệu Ni Sư Đạo Dung vào truyền giới Bát quan trai, bầy quạ liền dời tổ đi nơi khác.

Có yêu tinh gây biến, vua triệu Sa-môn Pháp Khoáng vào hành Sám lễ, yêu tinh liền tan.

Đời Tấn Hiếu Võ, Tây Thiên Thiệp Công đến Trường An thường đọc chú khiến Rồng làm mưa. Tần chúa rất tôn thờ.

Vua Tề Võ Đế bị bệnh, triệu các Sa-môn cầu Phật, cảm được mùi hương trời đầy điện, các Thánh Tăng khua tích trượng.

Đời Bắc Ngụy Mân Quốc Tử Bác Sĩ Lư Cảnh Hựu thông suốt Phật pháp. Vì anh ruột làm loạn nên bị liên lụy, ông chí tâm tụng kinh thì gông xiềng đều tự mở.

Đời Tùy Văn Đế, có hạn hán, ngài Đàm Diên Pháp sư lên ngồi ở ghế vua, vua và Quần thần quỳ thọ giới Bát quan trai bỗng có mưa lớn.

Vua Đường Thái Tông ban chiếu tất cả Tăng và Đạo sĩ trong kinh thành và các Quận đều chuyển kinh hành đạo suốt bảy ngày đêm để cầu an trúng mùa. Tháng giêng tháng bảy mỗi năm phải theo lệ này. Vua lại ban chiếu các Sa-môn ở kinh thành, ngày hai mươi bảy mỗi

0 tháng thì hành đạo chuyển Kinh Nhân Vương cầu phước cho nước nhà. Vua ban chiếu mời Tịnh Thiền sư đến kinh cầu mưa, cảm được ráng trắng thấy giữa ban ngày và mưa to khắp nơi.

Đời Đường Trung Tông, vua chiếu mời ngài Bồ-đề-lưu-chí lập đàn cầu mưa, ba ngày thì mưa to.

Đời Đường Huyền Tông, Giặc Khương Cư vào cướp phá An Tây, vua chiếu mời ngài Bất Không tụng chú Nhân Vương cảm được Bắc Thiên Vương tử và binh thần xuất hiện, binh Ngũ quốc vỡ chạy.

Đời Đường Đại Tông, giặc Thổ Phồn vây bức Kinh sư, Nội điện đưa ra kinh Nhân Vương chiếu cho ngài Bất Không lập một trăm cao tòa để giảng kinh, giặc bèn yên. Vua ra sắc chỉ ở Quán Đảnh đạo tràng chọn hai mươi bảy Sa-môn vì nước luôn tụng Phật Đảnh Chú.

Sao chổi xuất hiện ở Phương Đông. Vua chiếu triệu ngài Bất Không hành pháp thì sao biến mất. Mùa Xuân đến Hạ không mưa, Sư lập Đàn cầu đảo thì mưa to khắp nơi – Ở Đương Dương có Tiết Độ Trương Chiêu thưa cùng Sa-môn Tự Giác rằng: “Nghe nói Thần Long nương ngài nghe kinh mà quên làm mưa. Xin ngài khởi lòng Đại Bi…” Sư bèn đốt hương hướng về phương xa khấn nguyện thì mây giăng mưa lớn…

Vua Tống Thái Tổ đến chùa Tướng Quốc cầu mưa thiết Trai đãi ngàn Tăng – Vua lại đến chùa Tướng Quốc cầu mưa dâng cúng lễ chay, mưa rất to. Sắp Tế Giao thì mưa hoài không ngớt, bèn sai Sứ cầu khấn ở Tháp Vô Úy Chân Thân, đúng kỳ hạn thì trời tạnh hẳn.

Đời vua Chân Tông, có đại hạn, có vị Phạm Tăng ở Ao Kim Minh lập Đàn trì chú ếm Rồng, phút chốc mưa xuống.

Đời Đường Thần Tông, mùa hạ bị hạn hán lớn, vua ở trong cung cấm ăn chay khấn nguyện thì mộng thấy có vị thần Tăng ở trên không trung phun sương mù. Khi thức dậy thì mưa rất to. Vua ra sắc tìm tượng có hình giống trong mộng, thì tìm thấy tượng vị La-hán thứ mười ba thờ trong gác chùa Tướng Quốc.

Đời Đường Triết Tông. Ngài Thăng Pháp sư ở Hưng Phước đúng là lúc Triệu Thanh Hiến Công làm soái ở đất Việt bị dịch bệnh và hạn hán, bèn rước tượng Đại sĩ Quan Âm khẩn thiết khấn nguyện. Một tối nọ mưa ào xuống và dịch bệnh cũng tan mất. Bèn tâu vua, vua ban tên chỗ ở của Sư là Viên Thông.

Đời Đường Cao Tông, Mạnh Hậu bỏ nước đi về phương Nam, thỉnh thờ tượng Ma Lê Chi Thiên để hộ thân. Lý Giác trốn giặc gặp người ngồi trên xe dạy ông đọc tôn hiệu Ma-lợi-chi Thiên mà khỏi nạn binh lửa. Giặc Kim vào phá đất Hàng. Vua đích thân đến điện Đại sĩ ở Thượng Trúc cung kính khấn cầu khi yên giặc sẽ tu cúng thủy lục. Vua nằm mộng thấy các tử sĩ vui mừng vì được sinh vào cõi lành. Có đại hạn, vua chiếu mời ngài Đạo Pháp sư cầu mưa. Ngài đọc chú họa bùa vào bốn con cá giếc rồi đem thả xuống các sông thì mưa to ào xuống – Nước lũ lụt không rút, vua sai Nội Thị đến cầu đảo ở tượng Đại sĩ tại Thượng Trúc. Việc xong vua cúng mũ ngọc bảy báu cho tượng.

4. QUỐC TRIỀU ĐIỂN CỐ

(Gồm: Thánh tiết, Nội đạo tràng, Công đức viện, Quốc húy)

Đời Bắc Ngụy Thái Võ, nhân lễ Phật đản, đầu tiên hạ chiếu các chùa Phật trong thiên hạ lập Chúc Thọ đạo tràng.

Đời Đường Huyền Tông, vua chiếu các tự quán trong thiên hạ lập Trường Thiên Tiết Chúc Thọ đạo tràng – Vua ban sắc cho Tăng và Đạo sĩ vào Tiết Thiên Thu (sinh nhật vua) thì đến chùa Khai Nguyên hành đạo thí trai.

Đời Đường Đức Tông, nhân tiết Phật đản vua chiếu mời ngài Trừng Quán Pháp sư vào Nội điện giảng kinh.

Đời Đường Văn Tông, vua ban chiếu vào lễ Phật đản, bá quan cùng đến chùa thiết trai lễ một ngàn Tăng.

Đời Đường Chiêu Tông, nhân lễ Phật đản, vua ra sắc mời Lưỡng Nhai Tăng và Đạo sĩ vào điện đàm luận.

Đời Đường Cảnh Tông, lễ Phật đản, vua ra sắc cho các tự quán thiết lễ trai và cấm giết mổ, câu, bắt cá.

Đời Lương Thái Tổ, nhân tiết Đại Minh, vua ra sắc cho bá quan đến chùa hành hương chúc thọ.

Đời Đường Trang Tông, nhân tiết Phật đản, vua ra sắc mời ngài Tăng Lục Vân Biện cùng Đạo sĩ vào cung đàm luận.

Đời Chu Thái Tổ, nhân lễ Phật đản, Tể thần và bá quan cùng đến tự quán lập Chúc Thọ đạo tràng.

Đời Tống Thái Tổ, tiết Trường Xuân, Tể Tướng Phạm Chất viết bài Chúc Thọ Trai Sớ… – Vào tiết Trường Xuân, vua ra chiếu cho các Sa-môn thi Kinh Luật Luận mười nghĩa điều.

Đời Tống Khâm Tông, vua chiếu vào tiết Đạo Quân Thánh thì đến các đạo quán, còn tiết Càn Long thì đến các chùa Phật, một mực cứ vào phép cũ của Tổ Tông.

Vua Tấn Hiếu Võ thờ Phật trong Nội điện, triệu các Sa-môn đến ở đó hành đạo.

Vua Đường Đại Tông ra sắc triệu một trăm Sa-môn ở trong cung cấm tụng niệm, gọi đó là Nội đạo tràng – Vua ra sắc ở cung Đại Minh lập đạo tràng, cảm được ánh sáng Phật xuất hiện.

Đời Tống Thái Tông, ngài Tán Ninh Tăng Thống vào yết kiến vua ở Từ Phước điện, nơi ấy thờ tượng Phật và để Kinh tụng lại có chuông chùa, tức là Nội đạo tràng. Vua lại ra chiếu cho Lưỡng Nhai Cúng Phụng Tăng ở Nội điện lập ra đạo tràng để cầu phước cho nhân dân.

Đời Tống Hiếu Tông, vua lập Nội Quán Đường, chiếu mời ngài Thượng Trúc Nạp Pháp sư lãnh đạo năm mươi Tăng vào đó tu Kim Quang Minh Sám. Mỗi năm luôn theo lệ đó.

Đời Đường Duệ Tông, vua chiếu lệnh cho các quý phi công chúa bắt đầu lập viện Công Đức.

Đời Đường Đại Tông, vua chiếu lệnh cho các Tể phụ đại thần bắt đầu lập viện Công Đức.

Đời Tống Huy Tông, vua sắc lệnh: Chiếu theo phép xưa của Tổ Tông, các chùa Công Đức phần của các quan có công lớn và những họ hàng vua tự tạo nhà cửa ruộng đất, chỉ là ban ngạch để miễn trừ khoa phu (thuế mã và luận tội) nay cho ở nhà tự thỉnh trụ trì không cho chiếm cứ các tự viện có ngạch.

Đời Tống Cao Tông, quan Tư Gián Trần Công Phụ dâng sớ tâu vua; ứng theo việc các quan trước đây có xin tự viện có ngạch để sung làm chùa Công Đức Phần, nay xin vua chiếu theo Luật cũ Tổ Tông đều cho cải chính lại.

Đời Tống Lý Tông, các quan tâu xin Tể Tướng chấp nhận cho các chùa có ngạch bị chiếm hữu đều phải trở lại như cũ.

Đời Tống Hiếu Võ, vua ra sắc: Ngày kỵ giỗ của Đức Văn Đế thì ở chùa Trung Hưng thiết lễ Bát quan trai. Quan hầu là Viên Mai Tôn lại dâng vua cá thịt, vua nổi giận bèn bãi quan.

Đời Đường Thái Tông, vua ra sắc lệnh: ngày giỗ kỵ các Tiên Triều đều tổ chức ở chùa Chương Kính mà hành hương thiết lễ trai.

Đời Đường Trung Tông, vua ra lệnh ngày giỗ kỵ Thất Miếu nên ở Nội điện mà hành hương thiết lễ trai.

Đời Đường Tuyên Tông, vua ra lệnh cho các Tăng và Đạo sĩ vào ngày Quốc kỵ đều đến chùa Long Hưng hành đạo thiết lễ trai.

Đời Đường Huyền Tông, vua ra lệnh các ngày kỵ giỗ liệt Thánh đều phải đến chùa Tăng hành hương theo phép cũ (Lúc này là sau thời Võ Tông sa thải Tăng Ni) – Vua ra lệnh vào ngày Quốc kỵ, các Châu Quận đều phải hành hương, không được mang rượu thịt vào chùa.

Đời Tấn Thiên Phước, vua ra lệnh vào ngày Quốc kỵ các Tể Thần và bá quan đều đến chùa hành hương, cúng Trai Tăng.

Đời Tống Thái Tông, vua ban chiếu các ngày Quốc kỵ từ Tể Tướng trở xuống phải đến tự quán hành hương và cấm rượu thịt.

5. CHƯ QUỐC TRIỀU CỐNG (các nước triều cống)

Đời Tấn Võ Đế, nước Phù Nam sai Sứ tiến dâng tượng Phật vàng, tháp bằng ngà voi – Đời Tấn An Đế, nước Sư Tử hiến tặng tượng Phật bằng ngọc cao bốn thước hai tấc.

Đời Tống Văn Đế, nước Ca-tỳ-la, nước Sư Tử, nước Ha-la-đơn, nước Ha-la-đà, nước Xà-bà, cả năm nước đều sai Sứ vào triều cống.

Đời Tề Đông Hôn Hầu, có Tăng Tuệ Thâm nước Phù Tang đến Kinh sư.

Đời Lương Võ Đế, nước vua Đà Lợi vào triều cống nói rằng Đông độ có Thánh nhân ra đời – Nước Phù Nam có Sa-môn dâng tặng tượng Phật bằng san hô – Nước Bàn Bàn sai Sứ tặng răng Phật – Nước Đơn Đơn sai Sứ tặng tượng Phật – Nước Phù Nam sai Sứ triều cống, xin thỉnh kinh luận và tượng Phật – Nước Bách Tế sai Sứ triều cống và thỉnh kinh luận – Nước Vu-điền sai Sứ triều cống tượng Phật bằng ngọc.

Đời Đường Thái Tông, Sa-môn ba nước Cao Ly là Tăng Nguyện vào Trung Quốc học Phật pháp.

Đời Đường Đức Tông, Thổ Phồn sai Sứ đến xin ban cho Sa-môn giảng giỏi về Phật lý, vua sai ngài Lương Tú sang phó nhậm.

Đời Tống Thái Tổ, Sa-môn Đế Quán nước Cao Ly đem Thiên Thai Luận Sớ sang Trung Quốc đến yết kiến ngài Loa Khê Pháp sư – Vua nước Cao Ly sai ba mươi sáu vị Tăng đến Trung Quốc học với ngài Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư, lúc đó một Tông Pháp Nhãn Tạng rất thịnh hành ở hải ngoại – Sa-môn Khả Trí ở Tây Thiên đến triều kiến.

Sa-môn Tô-cát-đà ở Tây Thiên đến hiến xá-lợi Phật và hoa Vănthù. Sa-môn Di-la ở Tây Thiên dến triều cống kinh Phạm – Sa-môn Thiện Danh, bảy người ở nước Vu-điền đến triều cống – Nước Cao Xương sai Tăng Pháp Uyên đến tặng răng Bích-chi-phật.

Đời Tống Thái Tông, Sa-môn Tây Thiên là Cát Tường đến tặng kinh Phạm – Sa-môn Kế Tung từ Tây Thiên trở về dâng Phạm Kinh và tháp xá-lợi, Sa-môn Trung Thiên Trúc là Bát-nạp-ma đến tặng tháp xá-lợi – Sa-môn Thiên Trúc là Hộ La đến tặng kinh Phạm – Sa-môn Quang Viễn đi Tây Thiên trở về dâng lên vua biểu của con vua nước

Tây Trúc, hiến tặng xá-lợi Đức Thích-ca – Sa-môn Pháp Ngộ từ Tây Thiên trở về dâng xá-lợi sọ Phật và kinh Phạm – Sa-môn Trọng Đạt từ Tây Thiên trở về hiến tặng xá-lợi Phật và kinh Phạm Bổ Đà ở Trung Thiên Trúc đến hiến Xá-lợi và kinh Phạm – Sa-môn nước Chiêm Thành là Tịnh Giới đến cung khuyết hiến tặng các chày bằng vàng, đồng và chuông lắc – Nước Cao Ly sai Sứ xin thỉnh Đại Tạng Kinh và Ngự Chế Phật Thừa Văn Tập, vua ra chiếu ban cho – Sa-môn Điên Nhiên nước Nhật Bản đến triều nói nước ấy truyền ngôi nhau suốt sáu mươi bốn đời. Trong năm Khai Hoàng đời Tùy sai Sứ vào Trung Quốc thỉnh kinh Pháp Hoa. Năm Vĩnh Huy bốn Nhà Đường, sai Tăng là Đạo Chiếu vào Trung Quốc theo học với ngài Huyền Trang Pháp sư (v.v… đầy đủ trong Thông Tắc Chí). Sư Điên Nhiên trở về nước xin ban cho Tạng Kinh. Vua cấp cho – Ngài Pháp Tế Đại sư Điên Nhiên sai đệ tử là Gia Nhân Kỳ Càn đến triều kiến.

Đời Tống Chân Tông, năm Tường Phù thứ chín, Sa-môn Bắc Thiên Trúc là Thiên Giác, Sa-môn Nam Thiên Trúc là Diệu Đức, các Sa-môn

Tây Thiên Trúc… ai nấy đều hiến tặng xá-lợi và kinh Phạm. Sa-môn Trung Thiên Trúc Đồng Thọ đến dâng kinh Phạm – Sa-môn Đông Thiên Trúc Phổ Tích đến triều hiến kinh Phạm. Trong một năm mà có đủ Ngũ Trúc cùng hiến tặng – Sa-môn Tịch Chiếu nước Nhật Bản đến tặng tượng Phật Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa chữ vàng – Sa-môn Trung Thiên Trúc Nhĩ-vĩ-nĩ đến triều hiến xá-lợi và kinh Phạm – Sa-môn Tây Thiên Trúc Phật Hộ đến tặng kinh Phạm – Ngài Tây Thiên Tam tạng Pháp Hộ đến tặng xá-lợi và kinh Phạm – Sa-môn Bắc Thiên Trúc Giới Hiền đến tặng xá-lợi và kinh Phạm – Sa-môn Mục La Thất Khê nước Ca-thấp-di-la đến tặng kinh Phạm – Sa-môn Tây Thiên Đạt-ma-ba đến tặng kinh Phạm – Sa-môn Tây Thiên Chúng Đức đến triều kiến tặng xá-lợi và kinh Phạm – Sa-môn Trung Thiên Trúc Giác Xứng Pháp Giới đến tặng xá-lợi, kinh Phạm và chân dung Kim Cang tòa – Sa-môn Tịnh Hiền nước Bát-ni đến tặng kinh Phạm. Sa-môn Tây Thiên Tri Hiền đến tặng xá-lợi và kinh Phạm – Nước Đông Nữ Chân vào triều cống, xin ban cho Tạng Kinh – Sa-môn Tây Thiên Ai Hiền tặng xá-lợi và kinh Phạm – Sa-môn Tây Thiên Trí Cát Tường đến hiến kinh Phạm – Nước Tây Hạ tâu vua trong nước mới xây cất Già-lam xin ban cho Kinh Tạng.

Đời Tống Thần Tông, Sa-môn nước Nhật Bản là Thành Tầm đến triều kiến.

Đời Tống Triết Tông, con vua nước Cao Ly là Tăng Thống Nghĩa Thiên đến triều cống, Tô Thức tiếp đãi ở quán xá. Vua ra lệnh cho Dương Kiệt đưa ngài đến Tiền Đường học Pháp với ngài Nguyên Pháp sư, được truyền Thiên Thai Giáo bởi ngài Thiên Trúc Giản Pháp sư, được truyền Luật bởi ngài Linh Chi Chiêu Luật Sư.

Đời Tống Hiếu Tông, nước Nhật Bản sai Sứ đem thư đến hỏi đạo, ngài Thê Tâm ở Tứ Minh Quận Đình ra trước Sứ giả tuyên đọc và bắt bẻ văn nghĩa đó còn nhiều thô thiển lầm lẫn có đến bảy chỗ.

PHẦN PHỤ CHÚ: Ở đầu quyển năm mươi hai có một số mục bị bỏ đi và để phụ chú ở cuối quyển – Xem chú số một ở trang 55.

1. Thánh Tổ Khai Tiên:

Đời Tống năm Đại Tông có thiên thần giáng xuống nhà của Trương Thủ Chân nói rằng: “Vận mệnh nhà Tống lâu hơn nhà Đường”, vua bèn phong hiệu là Dực Thánh Bảo Đức Chân Quân.

Đời Tống Chân Tông, có Phương Sĩ Vương Trung Lập gặp một Đạo Nhân họ Triệu tự xưng là Tư Mạng Chân Quân có chín điều lạ đem nói ở trước với Trung Lập – Thiên thần giáng xuống ở Tẩm điện gọi vua bảo rằng: “Thiên thư sắp giáng xuống, hãy trai giới để nhận.” Hoàng Thành Ty tâu vua: “Ngoài cửa Hữu Thừa Thiên Môn có một bức thư lụa nhét trong miệng con cu”. Nội Thị bưng vào thì thấy thư đề rằng: Triệu nhận lệnh làm Hưng nhà Tống, đời bảy trăm chín mươi chín, Khải Phong Tuyên Văn gọi nó là Đại Trung Tường Phù, gồm có ba Thiên – Vua lên phong núi Thái Sơn xong liền ra chiếu phong cho Tư Mạng Chân Quân làm Cửu Thiên Tư Mạng Bảo Sinh Thiên Tôn – Vua ban chiếu cho Tam Tư Sử Đinh bảo rằng: Khởi xây Ứng Cung Ngọc Thanh Chiêu, điện trước gọi là Thái Sơ để thờ Ngọc Hoàng, lập gác để thờ Thiên thư. Điện sau gọi là Minh Khánh để thờ Thánh Tổ (tức Cửu Thiên Tư Mạng Thiên Tôn) – Vua ban chiếu trong thiên hạ nên xây dựng Thiên Khánh quán để thờ Tam Thanh Ngọc Hoàng và lập thêm Thánh Tổ điện – Thiên thần giáng vào cung cấm bảo vua rằng: “Người của ta là một trong chín vua, họ Triệu giáng làm Thủy Tổ, chính là Hiên Viên Huỳnh Đế. Ta sẽ giáng hạ vào đời Hậu Đường, thống trị hạ phương, sinh vào nhà họ Triệu dòng dõi nay đã một trăm năm. Làm Hoàng Đế khéo vỗ về nuôi dưỡng quần sinh.” Rồi nương mây vàng mà đi… Tháng ấy có đại xá, vua tôn kính phong hiệu là Thánh Tổ Thượng Linh Cao Đạo Cửu Thiên Tư Mệnh Bảo Sinh Thiên Tôn, phong Thánh Tổ Hậu là Nguyên Thiên Đại Thánh Hậu – Thánh Tổ tên húy là Huyền Lãng. Vua ra chiếu trong ngoài không được xúc phạm. Lại ra sắc là trong các Châu Quận, Thiên Khánh quán xây thêm điện Thánh Tổ – Vua sai Lý Phổ ở Kiến An Quân đúc hai tượng Ngọc Hoàng và Thánh Tổ. Vua chiếu cho Đinh Vị rước tượng về kinh thờ ở Ngọc Thanh Chiêu Ứng Cung – Người ta thấy có xá-lợi ở Ngọc Thanh Chiêu Ứng Cung và ở Thánh Tổ Minh Khánh điện – Vua lại ban chiếu ở tại Bính Địa trong Đại nội nên xây Cảnh Linh Cung để thờ Thánh Tổ.

2. Lịch Triều Sấm Thụy:

Đời Bắc Triều, Cư sĩ Lục Pháp Hòa đã đề trên vách rằng:

Mười năm Thiên tử cũng còn được (Văn Tuyên làm vua mười năm)

Trăm ngày Thiên tử gấp như lửa (Phế Đế làm vua trăm ngày)

Trọn năm Thiên tử tiếp nhau ngồi (Hiếu Chiêu và Khẩu Cập hai vua)

Người ta sợ bôi đi mà không mất.

Đời Tùy Văn Đế, có người ở Tây Thiên là Xà-đề-tư-na đến ra mắt tâu vua: Ở Tây Thiên vừa tìm thấy một bia đá ghi rằng: “Ở Đông Phương Chấn Đán có nước tên Đại Tùy, Thành tên Đại Hưng, vua tên Kiên Ý xây dựng Tam bảo.”

Đời Đường Đại Tông, Nguyên Châu tâu vua trong hang Hồng Trì có năm hòn đá màu xanh chữ trắng ghi rằng: “Thái Bình Thiên tử Lý Thế Dân, Thái tử Lý Trị bảy Phật tám Bồ-tát”, vua sai Sứ đến cúng tạ ơn.

Vua được lời bí sấm rằng: Sau ba đời sau nhà Đường, Nữ Chúa Võ Vương thay trị thiên hạ.” Thái Sử Lệnh là Lý Thuần Phong tâu rằng: “Điềm ấy đã thành nay đang ở trong cung.” Vua bảo: “Thấy ai đang nghi thì giết đi.” Ông tâu: “Mạng trời không thể đổi”, bèn thôi.

Vua Đường Túc Tông chiếu cho Sa-môn Nguyên Kiểu lập Dược Sư đạo tràng, bỗng mọc ra một cây mận có bốn mươi chín nhánh – Ni Sư Chân Như lên trời yết kiến Thiên đế được trao cho mười ba món Thiên Bảo để trấn giữ cõi dưới. Vua bèn đổi niên hiệu là Bảo Ứng (từ Túc Tông đến Chiêu Tông là mười ba đời).

Đường Duệ Tông khi còn làm Tương Vương mỗi khi ra thăm thì ngài Vạn Hồi bảo người: “Thiên tử đến!” Đường Huyền Tông lúc còn ở Phiên đến yết kiến, ngài vỗ lưng bảo: “Năm mươi năm Thái Bình Thiên tử.”

Tống Thái Tổ sinh ra ở Lạc Dương có ánh sáng lạ đầy nhà, màu vàng ròng bao bọc thân thể. Vua có lần đến chùa Trường Thọ nằm ngũ trên nền gạch. Tăng Thủ Nghiêm thấy có con rắn đỏ bò ra chui vào ở mũi vua. Ở Tống Thành có vị Tăng lạ chỉ đất bảo rằng: “Không đến hai

mươi năm nữa sẽ có Đế Vương lấy đất này làm hiệu.

Nhà Đại Tống năm Thái Bình thứ tư, ở Huyện Giáp Giang tại Gia Châu, dân tìm được hai hòn đá đen trên có chữ đỏ; một hòn ghi: Quân Vương vạn tuế, một hòn ghi: “Triệu hai mươi mốt vua.” Dân phong kín hai hòn đá đem dâng vua (theo Bản Triều Thông Giám).

Năm Thái Bình thứ bảy, Thư Châu tâu vua dâng đá linh có khắc lời ký của Lương Chí Công rằng: “Ta thấy sau bốn, năm triều, kế năm Bính Tý, triệu hiệu Thái Bình hai mươi mốt vua.” Bỗng một hôm Chí Công giáng xuống cung cấm, vua đích thân nghe lời khuyên bảo, rồi sai Sứ đến Chung Sơn dâng Trai Phạn, ban hiệu ngài là Đạo Lâm Chân Giác Bồ-tát.

Vua Tống Chân Tông lấy đá linh có ký của Chí Công đem chỉ cho cận thần. Tể Tướng Vương Đán tâu: Nước ta mở vận sau các đời Lương – Trần – Tùy – Đường và Ngũ Đại. Đức Thế Tông lên ngôi vào năm Bính Tý. Nay Thiên Tôn giáng lâm, sự việc đều phù hợp thì biết mệnh trời nhà Tống ta về sau còn lâu dài. Vua rất vui.

Nước Nhật Bản vào triều cống khen ngợi rằng: “Ở phía Đông nước tôi thấy có ánh sáng lạ. Trung Quốc có Thiên tử thánh minh tất ứng với điềm này.” Vua ban chiếu lập chùa Thần Quang ở Nhật Bản – Nước Trú Liễn đến triều cống tâu rằng: “Bốn mươi năm biển không sóng gió”, ý nói Trung Quốc có Thánh nhân ra đời.

3. Tiên Thánh Xuất Gia:

Vua Hán Cao Tổ qua nước Lỗ tế Khổng Tử, phong cho cháu chín đời là Đằng làm Phụng Từ Quân – Vua Nguyên Đế phong cho cháu Khổng Tử là Bá Chức Bao Thành Quân – Vua Bình Đế phong cho cháu Khổng Tử là Quân Chức Bao Thành Hầu – Vua Quang Võ đến nước Lỗ tế Khổng Tử phong cho cháu ngài là Chí làm Bao Thành Hầu – Vua Minh Đế đến Quan Lý tế Khổng Tử phong cho cháu mười chín đời là Hy làm Bao Thành Hầu – Vua đến nước Lỗ tế Khổng Tử phong Khổng Hy làm Lang Trung.

Vua Ngụy Văn Đế phong cho cháu hai mươi mốt đời của Khổng Tử là Tiện làm Sùng Thánh Hầu.

Vua Đường Thái Tông kính Khổng Tử là Tiên Thánh, phong cho cháu ngài làm Bao Thành Hầu.

Vua Tống Thái Tông ban chiếu phong cho cháu bốn mươi bốn đời của Khổng Tử là Tuyên được tập phong là Văn Tuyên Công – Vua Tống Chân Tông ban chiếu Khổng Thánh Hựu được tập phong làm Văn Tuyên Công. Vua Nhân Tông ra lệnh ban chiếu cho Khổng Tông Nguyên được tập phong làm Văn Tuyên Công, sắc phong cho Tông Nguyện là cháu bốn mươi sáu đời (của Khổng Tử) làm Khiên Thánh Công – Vua Thần Tông chiếu phong cho cháu bốn mươi bảy đời là Nhược Mông làm Khiên Thánh Công – Vua Tống Huy Tông chiếu phong cháu bốn mươi tám đời là Đoan Hữu làm Khiên Thánh Công – Vua Tống Cao Tông ban chiếu phong cháu bốn mươi chín đời ngụ ở Cù Châu là Khiên Thánh Công. Cân chết con là Tấn được tập phong làm Khiên Thánh Công là cháu năm mươi đời.

4. Đại Nho Danh Thế:

Nhà Chu Tăng Tử, tên Sâm, học với Khổng Tử, làm bộ Hiếu Kinh.

Tử Tư, là cháu của Khổng Tử, tên Cấp học với Tăng Tử, làm bộ Trung Dung.

Mạnh Tử, tên Kha, học với Tử Tư, làm bảy thiên sách, soạn thuật Đạo của Nghiêu Thuấn. Chống thuyết của Dương Mặc nói người vốn tánh lành.

Tuân Khanh, tên Huống, làm sách tên là Tuân Tử, tôn Vương Đạo chống Bá Đạo, nói người vốn tính Ác.

Đời Hán Ai Đế Dương Hùng, phỏng theo Dịch viết bộ Thái Huyền, phỏng theo Luận Ngữ làm bộ Pháp Ngôn – Nói tánh người vốn thiện ác lẫn lộn.

Đời Tùy Văn Đế Vương Thông, viết tiếp Lục Kinh, được môn nhân thụy phong là Văn Trung Tử. Đệ tử tập họp các lời vấn đáp của ông làm thành bộ Trung Thuyết.

Đời Đường Thái Tông, năm Chánh Quán thứ hai mươi mốt, vua ban chiếu hai mươi hai người sau đây đều được cúng tế theo ở miếu Tiên Thánh.

  1. Mạnh Kha (năm Nguyên Phong thứ bảy được phong làm Trâu Quốc Công bồi hưởng Tiên Thánh Miếu nên không liệt vào Tòng Kỵ).
  2. Tả Khâu Minh (là Thái Sử nước Lỗ cùng thời với Khổng Tử. Ông dùng Lỗ Sử làm bộ Xuân Thu, làm Truyện và làm Quốc ngữ).
  3. Cốc Lương Xích (người Chu Lỗ, truyền Xuân Thu).
  4. Công Dương Cao (người Chu Tề, truyền Xuân Thu. Xích và Cao đều là môn nhân của Tử Hạ).
  5. Phục Thắng (làm Bác Sĩ đời Tấn Nhị Thế – Thời Hán Văn Đế tuổi đã chín mươi truyền miệng Thượng Thư cho Triều Thố. Khi xưa ông gặp lúc Tần đốt sách bèn đem Thượng Thư giấu trong vách. Khi nhà Hán đã định thì bộ ấy có hai mươi chín thiên, dùng dạy cho Trương Sinh và Âu Dương Sinh ở Tế Nam).
  6. Mao Lang (ở vùng Sông Hán, làm Hiến Vương Bác sĩ, thầy của Tử Hạ, có làm tập Mao Thí Cố Huấn).
  7. Cao Đường Sinh (làm Bác Sĩ thời Hán Sơ, người Lỗ, truyền Sĩ Lễ bảy thiên).
  8. Khổng An Quốc (Thời Hán Võ Đế, là Thái Thú Lâm Hoài, cháu mười một đời của Khổng Tử, làm Thượng Thư Truyện, Cổ Văn Hiếu Kinh Truyện, Luận Ngữ Huấn Giải).
  9. Đái Thánh (thời Hán, là Thái Thú Cửu Giang, học Lễ với Hậu Thương.
  10. Lưu Hướng (thời Hán Thành Đế làm Trung Điệp Hiệu Úy, có viết bộ: Biệt Lục Tân Tự Thiết Uyển).
  11. Hà Hưu (đời Hiến Đế thời Hậu Hán, ông sửa truyện Công Dương, làm bộ Công Dương Mặc Thủ, Tả Thị hết tật, Cốc Lương lành bệnh.
  12. Trịnh Chúng (thời Hậu Hán, làm Tư Nông Khanh, nối hưng nghiệp cha. Trịnh Khang Thành chú Chu Lễ, có dẫn Tư Nông tức là Trịnh Chúng.
  13. Mã Dung (ở thời Hậu Hán, là Thái Thú Nam Quận, chú giải sách Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Thi Dịch và Thượng Thư Tam Lễ).
  14. Lư Thực (ở thời Hậu Hán, làm Trung Lang Thượng Thư, thầy của Mã Dung, làm bộ Thượng Thư Chương Cú, Tam Lễ Giải Cổ).
  15. Trịnh Khang Thành (thời Hậu Hán, làm Tư Nông Khanh, là thầy của Mã Dung, chú giải Dịch Thượng Thư Tam Lễ Luận Ngữ Thượng Thư Đại Truyện Ngũ Kinh Vỹ Hầu Tiên Mao Thi phá việc thương tiếc Ngũ Kinh khác nghĩa, châm chích cái bệnh lớn của Hà Lưu, Tả Thị bỏ Công Dương Mặc Thủ đề khởi các phế tật của Cốc Lương).
  16. Phục Kiền (thời Hậu Hán, là Thái Thú Cửu Giang, làm truyện Xuân Thu).
  17. Giả Đạt (thời Hậu Hán, làm Thị Trung, nói rõ về truyện Tả Thị làm Nghĩa Cổ. Thời Túc Tông chiếu triệu ông vào giảng sách, ông tâu rằng: Tả Truyện, nghĩa cốt ở Quân Phụ, Công Dương phần nhiều là quyền biến. Lại các nhà giải Ngũ Kinh đều không có chứng cớ).
  18. Đỗ Tử Xuân (thời Hậu Hán, Trịnh Khang Thành Chú Chu Lễ có dẫn Trịnh Đại Phu, tức là Đỗ Tử Xuân vậy).
  19. Phạm Ninh (thời Tấn, là Thái Thú Dự Chương, chú giải Cốc Lương Truyện).
  20. Đỗ Dự (thời Tấn, là Đại Tướng Quân Trấn Nam, Phú Dương Hầu chú giải Tả Thị Truyện).
  21. Vương Túc (thời Ngụy, là Vệ Tướng Quân Lan Đình Hầu, chú giải Thư Lễ Tang Phục Luận Ngữ, Khổng Tử Gia Ngữ, Thuật Thi Chú, làm Thánh Chứng Luận, vấn nạn Trịnh Khang Thành).
  22. Vương Bậc (thời Ngụy, Thượng Thư Lang, chú giải Chu Dịch).

Đời Tống Thần Tông, năm Nguyên Phong thứ sáu, vua ban chiếu phong Mạnh Tử làm Châu Quốc Công, năm thứ bảy lại chiếu phong làm Châu Quốc Công Bồi Hưởng Chí Thánh Văn Tuyên Vương, ngôi vị ở tiếp sau Duyện Quốc Công. Tuân Huống, Dương Hùng, Hàn Dũ đều là người làm sáng tỏ Đạo của Tiên Thánh, được Đời cúng tế theo với hai mươi hai hiền nhân trên.

5. Hưng Kiến Nho Học:

Đời Hán Võ Đế nghị bàn lập ra Minh Đường, sai sứ giả An Xa Bồ Luân trưng dụng Lỗ Thần Công làm Ngũ Kinh Bác Sĩ. Lỗ cùng vua khi phá nhà cũ của Khổng Tử tìm được trong vách nhà còn giấu cất các sách cổ văn các đời Ngu Hạ Thương Chu, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều là loại chữ nghĩa Khoa đẩu – Vua Hán Tuyên Đế ra chiếu mời các nhà Nho luận bàn về sự đồng dị của Ngũ Kinh – Vua Hán Thành Đế sai người yết kiến Trần Nông tìm các sách còn sót lại trong thiên hạ. Vua ra chiếu cho Lưu Hâm chịu trách nhiệm lãnh Ngũ Kinh, xếp thứ tự các Đại Nho thành Cửu Lưu (chín phái) – Đời Hán Minh Đế thì vua đến Tích Ung, kính dưỡng Tam Lão Ngũ Canh – Vua tự giảng nói, các nhà Nho cầm Kinh vấn nạn. Người đến xem nghe có đến ức vạn. Hoàng Thái tử, con em họ hàng các Chư Hầu Vương Công Thần Tử đều đến học. Hàng học giả đều thông suốt Hiếu Kinh Hung, Nô cũng cho con vào học – Đời Hán Chương Đế, vua ra chiếu sửa định lại Đông Quán Ngũ Kinh và Truyện Ký của các nhà. Đời Hán Linh Đế, vua ra chiếu cho các nhà Nho đính chính lại văn tự của Ngũ Kinh, khắc bản Thái Học.

Vua Đường Thái Tông đến Quốc Tử Giám, sai Khổng Dĩnh Đạt giảng Hiếu Kinh, trưng dụng khắp các Danh Nho, xây thêm Học Xá. Học sinh đến học tới ba ngàn hai trăm sáu mươi người. Ở các đồn trại phi kỵ cũng cung cấp Bác Sĩ để dạy Kinh. Các nước Cao Ly, Thổ Phồn đều cho con em đến theo học. Người lên chiếu giảng có đến tám ngàn người. Lại sai Dĩnh Đạt soạn Định Ngũ Kinh Sớ – Vua Tống Nhân Tông ban chiếu lập Quận Học trong thiên hạ.

6. Thiên Sư Thế Tử:

Đời Hậu Hán, năm Vĩnh Thọ thứ hai, có Thiên Sư Trương Đạo Lăng ở núi Vân Đài tại Lãng Châu. Lão Quân sai Sứ trao cho ông chức Chánh Nhất Chân Nhân và phu nhân là Ung Thị, đệ tử là Vương Trường Triệu Thặng cùng lên trời. Đạo Lăng vốn ở núi Thiên Mục tại Dư Hàng, mới bảy tuổi tụng được đạo Đức Kinh. Sau vào Tung Sơn được Kinh Cửu Đảnh Sơn. Bèn vào đất Thục ẩn cư ở Hạc Minh Sơn, luyện đơn được ba năm, đơn thành bèn nhiếp phục ma quỷ, đoạt được hai mươi bốn phép hóa làm Phước Đình. Lão Quân trao cho Thiên Thư Ấn Thụ (dây và ấn) hai kiếm Thư Hùng, Chánh Nhất Minh Oai Bí Lục, các Kinh Phù Đồ. Có người học đạo ấy ra làm Đạo năm đấu gạo. Đạo Lăng truyền lại cho Tử Hành, Hành truyền cho Tử Lỗ, vua phong làm Trấn Di Trung Lang Tướng. Thái Thú Hán Minh phong ông làm Lãng Trung Hầu, khi chết có con là Phú nối nghiệp. Thời Hán Hiến đế, có Trương Thạnh, nối Thiên Sư đời thứ tư, đến hồ Bà Dương luyện đơn rồi thoát xác. Người gọi nơi ấy là Long Hổ Sơn.

Đời Tống Chân Tông. Vua triệu người nối Thiên Sư đời thứ hai mươi lăm là Trương Càn Diệu đến Kinh Sư, truyền Lục độ người.

Vua Tống Nhân Tông triệu người nối Thiên Sư là Trương Càn Diệu vào cung ban hiệu là Trừng Tố Tiên Sinh. Vua ra chiếu ban hiệu Xung Tịnh Tiên Sinh cho Trương Tự Tông là người nối Thiên Sư đời thứ hai mươi sáu. Vua Tống Huy Tông ra chiếu cho người nối Thiên Sư đời thứ ba mươi là Trương Kế Tiên đến Cung ban hiệu là Hư Tịnh Tiên Sinh. Vua ra lệnh phong cho Hán Thiên Sư chức Chánh Nhất Tịnh Ứng Chân Quân. Vua Tống Cao Tông ra lệnh ban hiệu Chánh Ứng Tiên Sinh cho Trương Thủ Chân là người nối Thiên Sư đời thứ ba mươi hai.

7. Tiên Chân Hiển Tích:

Chu Mục Vương ngồi xe tám ngựa lên núi Côn Luân, Tây Vương Mẫu tiếp rượu trên ao Diêu Trì. Linh sơn Thái tử Vương Tử Kiêu thổi sáo làm khúc Phượng hót. Đạo sĩ Phù Khâu Công tiếp vua ở Tung Sơn. Tống Đại Phu Mặc Địch uống linh đơn của Chu Anh mà làm Địa Tiên viết sách được mười thiên. Hiển Thánh vương Trang Chu làm sách hơn mười vạn lời, uống hỏa đơn của Bắc Dục giữa ban ngày bay lên trời.

Đời Tần Thủy Hoàng, Mâu Danh đắc đạo, cai trị ở núi Cú Điển tại Giang nam. Hai em là Cố và Trung theo anh cũng đắc đạo. Lão Quân sai Sứ phong cho Doanh làm Tư Mạng Chân Quân, cho Cố làm Định Lục Quân, cho Trung làm Bảo Mạng Quân. Đời gọi là Tam Mâu Quân. Tần Thủy Hoàng nghe Quỷ Cốc Tiên Sinh nói: Tổ Châu ở Biển Đông có cỏ Bất Tử, bèn sai Khiển Trừ Phước đem đồng nam đồng nữ ba ngàn 02 người ra biển tìm Tổ Châu, nhưng không thấy trở về.

Đời Hán Cao Tổ Thương Sơn Tứ Hạo theo Thái tử dạo chơi.

Vua Hán Văn Đế học được đạo Đức Kinh của Lão Tử với Hà Thượng Công. Thời Hán Võ Đế, Hoài Nam Dương Lưu An làm sách tên là Hoài Nam Tử cùng tám người lên núi, giữa ban ngày bay lên trời. Vua lên núi Tung Cao xây Đạo Cung. Tây Vương Mẫu đến ban cho Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ, Lục Giáp Linh Phi Phù đem về thờ ở Bách Lương Đài để luôn triều bái. Đông Phương Sóc đến đầm Cát Vân được nước Cam lồ Ngũ Sắc, đem về dâng tặng Võ Đế, vua ban cho khắp quần thần.

Đời Chiêu Đế, người đất Xâm là Tô Chẩm được đạo Tiên. Ông từ giả mẹ thưa rằng: Sang năm trong Quận có dịch bệnh, xin lấy nước giếng ở trước sân và lá quýt mà cứu người. Nói xong thì bay lên trời. Đời gọi là Tô Tiên Quân. Đời An Đế, có chàng Âm Trường Sinh và Sư Mã Minh Sinh cùng học đạo, đã nấu đất vàng thành vàng, có đến mấy mươi vạn cân vàng tốt, đem cho những kẻ nghèo thiếu rồi giữa ban ngày mà bay lên trời.

Đời Thuận Đế, Thượng Ngu Ngụy Bá Dương soạn bộ Tham Đồng Khế Ngũ Tướng Loại Luận và làm linh đơn. Sau uống linh đơn mà hóa.

Đời Hoàn Đế, Vương Viễn qua đất Ngô triệu Ma Cô dâng lên vua bếp mâm vàng chén ngọc cho bữa ăn trưa, cô nói thấy biển đông ba lần biến thành ruộng dâu.

Đời Hiến Đế, Tả Từ vào núi Thiên Trụ học đạo, rồi cùng đệ tử là Cát Huyền vào Hoắc Sơn hòa hợp thuốc tiên mà hóa.

Đời Ngụy Minh Đế, có Cát Huyền bỏ áo trên giường thoát xác mà đi. Lão Quân ban cho thẻ vàng sai làm Thái Cực Tả Tiên Công.

Đời Tấn Thành Đế, Cát Hồng ở tại núi La Phù luyện linh đơn, viết sách hiệu là Bào Phó Tử, thoát xác làm Tiên.

Đời Mục Đế, có Hứa Mại vào Tây Sơn ở Dư Hàng cùng em là Mật Nam Ngọc Phủ đều chứng đạo lên trời.

Đời Ai Đế, có Nam nhạc Ngụy Phu Nhân trao cho Dương Hy Thượng Thanh Chân Kinh, Thái Động Huỳnh Đình hơn mười thiên.

Đời Hiếu Võ Đế, có Tây Sơn Hứa Chân Quân nhận chiếu trời bốn mươi hai lời, bỏ nhà bay lên trời.

Đời Lương Võ Đế, có Đào Hoằng Cảnh cáo biệt mọi người hóa thần thì mùi hương thơm ngát không tan. Ông có viết sách tên là Chân Cáo.

Hoàn Khải ngầm tu phép chầu Thượng đế được Thái Thượng triệu lên trời.

Đời Bắc Ngụy Thái Võ, có Đạo sĩ Quán Khiêm Chi gặp Thái Thượng Lão Quân, khiến nối Trương Lăng làm Thiên Sư. Lại gặp Lý Phổ Văn trao cho Đồ Lục.

Đời Đường Huyền Tông, có Khí Pháp Thiện Kiến Lão Quân vào Tây Sơn tu đạo, thoát xác lên Tiên. Lý Thuyên gặp Li Sơn Lão Mẫu nói cho nghe nghĩa Âm Phù Kinh. Sau Ông vào Danh Sơn học đạo.

Vua mời Phương Sĩ Trương Quả vào triều kiến, cho uống ba chung nước Đổng (rượu phụ tử) liền như say rượu nói rằng: “Đây không phải là rượu lành.” Sau ông trở về Hằng Sơn.

Có Tư Mã Thừa Trinh, vua sai Sứ đón về kinh để học Pháp Lục. Có Tiên Nữ bảo Tiêu Tịnh rằng: “Ông nên đến yết kiến Đông Hoa Thanh Đồng Quân để học pháp Tam Hoàng.” Ông trỏ về yết kiến thì Tiên sinh vui vẻ trao cho pháp ấy.

Đời Kỉnh Tông. Có Thôi Nguyên Lượng Tu Hoàng Lục đạo tràng, có ba trăm sáu mươi lăm chim Hạc bay lượn tụ tập trên đàn, có một con đầu đỏ tỏa ánh sáng trắng đậu chót vót trên Hư Hoàng tòa. Sau Nguyên Lượng nhập thất tụng Kinh Huỳnh Đình mà hóa.

Vua Đường Huyền Tông triệu ông La Phù Hiên Viên Tập vào gặp. Vua hỏi số năm trị vì. Tập v iết ngày “Tứ Thập”, đúng là mười bốn năm!

Đời Tống, Chung Ly Quyền tự khoe rằng: “Thời Hán ta gặp Vương Huyền mà được đạo Trường Sinh.” Lữ Nham Giả gặp Quyền trao cho Lộ Bảo Tất Pháp bảo rằng “Ta có hẹn trên Thiên Đình”, liền đó có Tiên Cô đến đón lên trời. Động Tân làm khách dạo chơi Giang Hoài độ cho Hà Tiên Cô, Quách Thượng Táo và Thi Kiên Ngô.

Đời Đường Cảnh Tông. Lữ Động Tân qua núi Huỳnh Long ở Ngạc Châu yết kiến ngài Cơ Thiền sư thuật kệ…

Vua Chu Thế Tông triệu Hoa Sơn Ẩn Sĩ Trần Đoàn hỏi thuật bay lên trời…

Ẩn Sĩ Đàm Cảnh Thăng là bạn của Trần Đoàn. Ông có làm Hóa thư cả trăm thiên, lâu sau về Tiên Cảnh (Tống Tề Khâu lén dùng sách này tự để tên mình lưu hành ở đời).

Đời Tống Thái Tổ. Trần Đoàn nghe Thái Tổ lên ngôi bèn cười lớn bảo rằng: “Thiên Hạ từ nay đã định.” Trần Đoàn học Dịch với Ma Y Đạo Giả được Chánh Dịch Tâm Pháp và Bí Quyết Hà Đồ Lạc Thư.

Tiền Nhược Thủy yết kiến Trần Đoàn gặp một vị Lão Tăng bảo rằng: Chỉ được làm Công Khanh sang quý, cần nên rút lui gấp mà thôi.

Vua Đại Tông chiếu triệu Trần Đoàn vào gặp…

Vua Nhân Tông triệu Lam Nguyên Đạo Quán vào Phương Lâm Viên ban hiệu là Dưỡng Tố Tiên Sinh Lam Sư Lưu Hải Thiền.

Hà Tiên Cô gặp Động Tân… Tiêu Tuấn Minh đến gặp Tiên Cô. Cô nói: Nhận vàng cho việc giết oan.

Đời Thần Tông. Trương Bình Thúc ở Thiên Thai gặp một dị nhân mà được Quyết Kim Đơn, ông làm bộ Ngô Chân Thiên truyền ở đời. Sau đọc được Tuyết Đậu Tổ Anh Tập thì tâm địa chợt sáng. Sau ông ngồi mà hóa. Khi thiêu thân thì có xá-lợi rất nhiều. Bình Thúc truyền pháp làm Kim Đơn cho Thạch Thái, Thái truyền cho Tiết Đạo Nguyên.

Lữ Động Tân yết kiến ngài Tịch Từ Bản Thiền Sư. Sư nói: Huỳnh Long chuyện cũ vì sao không nói giống…

Vua Huy Tông triệu Hải Lăng Trừ Thần Ông vào gặp – Vua cùng Lâm Linh Tố giảng đạo. Có người bịt khăn xanh lên điện để lại bài thơ, vua biết đó là Lữ Động Tân đến than thở.

Vua Hiếu Tông ban cho Hà Nhương Y làm Thông Thần Tiên Sinh. Vua sắp lập Phi làm Hoàng hậu sai nội thị đến xin một lời dạy bảo. Hà cô nói: “Làm mẹ thiên hạ.” Phi bèn được ngôi vị trong cung.

Đời Đường, Tiên cô gặp Lữ Tiên cho Linh đơn, Thượng Hoàng triệu vào ban hiệu là Tịch Tịnh Tiên Sinh.

8. Các Đạo sĩ nổi tiếng:

Đời Chu Linh Vương, Đạo sĩ Phù Khâu của Thái tử Tấn Công tiếp vua ở Tung Sơn (đây là xưng Đạo sĩ đầu tiên).

Đời Hán Minh Đế, có Ngũ Nhạc Bát Sơn Đạo sĩ là Chữ Thiện Tín…

Đời Tống Minh Đế, vua triệu Lư Sơn Đạo sĩ Lục Tu Tịnh vào hỏi đạo.

Đời Bắc Ngụy Thái Võ, có Đạo sĩ Khấu Khiêm Chi…

Đời Đường Cao Tông, có Đạo sĩ Phan Sư Chánh, vua hỏi chỗ tu hành, đáp rằng: Tùng xinh tươi suối trong, ở núi không thiếu gì…

Đời Huyền Tông, Bí Thư Giám là Hạ Tri Chương xin vua vì các Đạo sĩ lấy nhà làm Thiên Thu Quán.

Đời Tống Thái Tổ, vua ra lệnh cho Đạo sĩ Lưu Nhược chuyết sung làm Hữu Nhai Đạo Lục, thi về sự nghiệp Đạo sĩ. Ông chưa đến thì vua đã bỏ.

Vua Tống Nhân Tông triệu Đạo sĩ Chu Tự Anh đến Cung ban hiệu là Quán Diệu Tiên Sinh.

Đời vua Huy Tông có Đạo sĩ Lâm Linh Tố vào triều kiến…

9. Tu học Đạo khoa:

Đời Đường Huyền Tông, Vua chiếu các Châu phải học tập về Đạo Đức Kinh, Liệt Tử, Trang Tử, Văn Tử và đặt ra một người trợ giáo. Lúc đó Diêu Tử Ngạn thi sách được trúng tuyển. Vua ban chiếu phong cho Trang Tử làm Nam Hoa Chân Nhân, Liệt Tử, Văn Tử, Canh Tang Tử là bốn Chân Nhân. Sách của bốn ông gọi là Chân Kinh. Đặt Bác Sĩ Trợ Giáo mỗi vị một người. Học sinh có đến một trăm người.

Đời Tống Thái Tông. Vua khiến Từ Huyễn Vương Võ Xứng hiệu chính lại Đạo Kinh, cắt bỏ bớt các chỗ trùng lấp làm ba ngàn ba trăm ba mươi bảy quyển. Đời Tống Chân Tông. Vua sai Vương Khâm Nhược định nghi Tiến Tế La Thiên, tuyển chọn mười vị Đạo sĩ, hiệu chính và chép lại Đạo Tạng Kinh, vua viết lời tựa. Vua Tống Thần Tông ban chiếu các chức sự của Đạo môn phải thi ba Kinh là Đạo Đức, Nam hoa và Độ Nhân. Vua Tống Huy Tông ra chiếu về tên Lão Quân, cả sĩ thứ không được xúc phạm. Vua chiếu phong Liệt Tử, Trang Tử làm Bổi Hưởng Thái Thượng. Vua lại ban chiếu lập khoa Đạo Học, sửa lại sách của Lão Trang, Liệt Tử, lập ra mười cấp bậc cho Đạo sĩ. Vua lại ban chiếu phong cho Trang Tử, Liệt Tử làm Chân Quân. Vua lại ban chiếu bãi bỏ việc học Hoàng Lão.