PHẬT TỔ THỐNG KỶ
Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 31
XV : THẾ GIỚI DANH THỂ
PHẦN 1
Trên thông tới tầng Bảo Diễm dưới thấu lớp Phong Luân, Hoa Nghiêm gọi đây là một nhóm thế giới mà tính về chiều thẳng đứng có khoảng hai mươi tầng, châu vi tóm tắt một số. Số này mỗi phương lại có mười, tính chung là một trăm mười một và như lưới châu của Thiên đế phân bố mà ở. Trong đây chỉ nêu một phần mà thôi. Nếu suy rộng ra thì có mười lần bất khả thuyết vi trần thế giới, xúm quanh liên tiếp kiến lập khắp nơi. Mỗi mỗi tầng có Phật xuất hiện đều có đầy đủ các chúng sinh. Đó là Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải. Hoặc như đại thiên của Tabà có núi Tu-di, Tứ thiên hạ, Nam Thiệm châu, năm Thiên Trúc, Đông Hoa Chấn Đán… Hoặc là tên hoặc là thể, có diễn giải, có hình ảnh. Tuy từ rộng đến hẹp thật sự nêu riêng mà hiểu chung. Đã trình bày về ba đời, cần nói rõ về phương cõi. Học giả cần biết điều này, nên soạn phần Thế Giới Danh Thể Chí – Đồ hình về Hoa Tạng thế giới – Đồ hình về Đại thiên vạn ức Tu-di – Đồ hình về bốn châu, chín núi, tám biển – Đồ hình về Tam thiên đại thiên thế giới – Đồ hình về Tu-di Đao-lợi Thiên cung – Luận chung về Chư thiên, về thân lượng, về tuổi thọ, về y phục, về ánh sáng của thân, về nghiệp nhân, về báo quả, về rộng hẹp, về Phàm thánh, luận về chỗ không có sắc thân, luận về Thiên Chủ, luận về Tứ thiền Tứ địa – Đồ hình về địa lý cõi Đông hoa Chấn đán – Đồ hình về các nước Hán Tùy và Tây Vức – Đồ hình về các nước Ngũ Ấn ở Tây độ – Đồ hình về tám địa ngục nóng – Đồ hình về mười sáu Du tăng địa ngục – Đồ hình về tám địa ngục lạnh.
Phẩm Hoa Tạng Thế Giới nói rằng: Thế giới Hoa Tạng trang nghiêm này có núi Tu-di và có phong luân nhiều như số vi trần gìn giữ. Trên cao nhất tên là Thù Thắng Oai Quang Tạng có thể giữ gìn các biển nước thơm Phổ Quang Ma-ni. Biển này có hoa sen lớn tên là Chủng Chủng Quang Minh Nhụy Hương Tràng. Thế giới Hoa Tạng trang nghiêm ở giữa đó, núi Kim Cang Luân vây quanh. Trong đây lại có biển nước thơm nhiều như số vi trần không thể tính đếm. Tất cả thế giới có những thứ trang nghiêm nào đều hiện trong đó như hoa Phân-đà-lợi, thềm lan can mười báu, tràng phan Thi-la mười báu, bảo y, chuông lưới, tràng phan, hoa báu, lầu các báu, thành hoa sen, các rừng báu đều cùng vây quanh.
Mỗi mỗi biển nước thơm đều có sông nước thơm nhiều như vi trần cùng chảy quanh về bên phải, luôn hiện ra mây có ánh sáng sắc báu mười phương hóa Phật và các Bồ-tát từ trong mây đó hiện ra. Ở chính giữa biển nước thơm tên là Vô Biên Diệu Hoa Quang mọc lên một hoa sen lớn tên là Nhất Thiết Hương Ma-ni Vương Trang Nghiêm. Có một nhóm thế giới ở trên, đó tên là Phổ Chiếu Thập Phương Xí Nhiên Bảo Quang Minh. Có các cõi Phật bày bố trong đó không thể tính đếm.
Ở tầng thấp nhất tên là Tối Thắng Quang Biến Chiếu, hình dạng giống như ngọc báu Ma-ni, có các thế giới nhiều như vi trần một cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Tịnh Nhãn Ly Cấu Đăng.
Tầng thứ hai có thế giới tên là Chủng Chủng Hương Liên Hoa Diệu Trang Nghiêm, hình dạng giống tòa Sư tử, có các thế giới nhiều như vi trần hai cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Sư Tử Quang Thắng Chiếu.
Tầng thứ ba có thế giới tên là Bảo Trang Nghiêm Phổ Chiếu Quang, hình dạng như tám cạnh, có các thế giới nhiều như vi trần ba cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Tịnh Quang Trí Thắng Tràng.
Tầng thứ tư có thế giới tên là Chủng Chủng Quang Minh Hoa Trang Nghiêm, hình dạng giống như hoa sen Ma-ni, có các thế giới nhiều như vi trần bốn cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Kim Cang Quang Minh Vô Lượng Tinh Tấn Lực Thiện Xuất Hiện.
Tầng thứ năm có thế giới tên là Phổ Phóng Diệu Hoa Quang, hình dạng khắp các phương mà có nhiều góc, có các thế giới nhiều như vi trần năm cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Hương Quang Hỷ Lực Hải.
Tầng thứ sáu có thế giới tên là Tịnh Diệu Quang Minh, hình dạng nó là bốn góc, có các thế giới nhiều như vi trần sáu cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Phổ Quang Tự Tại Tràng.
Tầng thứ bảy có thế giới tên là Chúng Hoa Diệm Trang Nghiêm, hình dạng nó giống lầu các, có các thế giới nhiều như vi trần bảy cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Hoan Hỷ Hải Công Đức Danh Xưng Tự Tại Quang.
Tầng thứ tám có thế giới tên là Xuất Sinh Oai Lực Địa, hình nó giống như lưới Nhân-đà-la, có các thế giới nhiều như vi trần tám cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Quảng Đại Danh Xưng Trí Hải Hàng.
Tầng thứ chín có thế giới tên là Xuất Diệu Âm Thanh, hình nó giống thân Phạm thiên, có các thế giới nhiều như vi trần chín cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Thanh Tịnh Quang Minh Tướng Vô Năng Tồi Phục.
Tầng thứ mười có thế giới tên là Kim Cang Tràng, hình nó giống Chu viên, có các thế giới nhiều như vi trần mười cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Nhất Thiết Pháp Hải Tối Thắng Vương.
Tầng thứ mười một có thế giới tên là Hằng Xuất Hiện Đế Thanh Bảo Quang Minh, hình bán nguyệt, có các thế giới nhiều như vi trần mười một cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Vô Lượng Công Đức Pháp.
Tầng thứ mười hai có thế giới tên là Quang Minh Chiếu Diệu, hình giống như Hoa tuyền, có các thế giới nhiều như vi trần mười hai cõi Phật vây quanh. Phật hiệu là Siêu Thích Phạm.
Tầng thứ mười ba có thế giới tên là Ta-bà giống như hư không vì Thiên cung Phổ Viên Mãn che bên trên, có các thế giới nhiều như vi trần mười ba cõi Phật vây quanh, Phật hiệu Tỳ-lô-giá-na (Đây tức là tướng ngàn cánh Lô-xá-na nhiều như số vi trần của trong một hoa có trăm ức nước giống như thế giới thứ mười ba này).
Tầng thứ mười bốn có thế giới tên là Tịch Tịnh Ly Trần Quang hình giống Chấp kim cang, có các thế giới nhiều như vi trần mười bốn cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Biến Pháp Giới Thắng Âm.
Tầng thứ mười lăm có thế giới tên là Chúng Diệu Quang Minh Đăng, hình giống chữ Vạn, có các thế giới nhiều như vi trần mười lăm cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Thanh Tịnh Nhật Công Đức Nhãn.
Tầng thứ mười sáu có thế giới tên là Thanh Tịnh Quang Biến Chiếu, giống như mai rùa, có các thế giới nhiều như vi trần mười sáu cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Bất Khả Tồi Phục Lực Phổ Chiếu Tràng.
Tầng thứ mười bảy có thế giới tên là Bảo Trang Nghiêm Tạng, hình giống tám góc, có các thế giới nhiều như vi trần mười bảy cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Vô Ngại Trí Quang Minh Biến Chiếu Thập Phương.
Tầng thứ mười tám có thế giới tên là Ly Trần giống như chuỗi ngọc châu, có các thế giới nhiều như vi trần mười tám cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Vô Lượng Phương Tiện Tối Thắng Tràng.
Tầng thứ mười chín có thế giới tên là Thanh Tịnh Quang Phổ Chiếu, có các thế giới nhiều như vi trần mười chín cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Phổ Chiếu Pháp Giới Hư Không Quang.
Tầng thứ hai mươi có thế giới tên là Diệu Bảo Diễm giống như vật báu trang nghiêm, có các thế giới nhiều như vi trần hai mươi cõi Phật vây quanh, Phật hiệu là Phước Đức Tướng Quang Minh.
Hai mươi tầng này trên rộng dưới hẹp như hình An phù lật ngược.
Nếu rộng nói về hình dạng của các thế giới thì số nhiều như bụi trần, hoặc có thứ gọi là hình hồi chuyển (Ngài Thanh Lương Sớ là hình luôn tới gần gũi) cho đến hình sông suối, hình dòng chảy, hình vành lưới, hình quét dọn đàn, hình cây cối, hình lầu quán, hình thi la, hình tràng phan, hình các phương, hình thai tàng, hình hoa sen, hình khư lặc ca (mành trúc), hình chúng sinh, hình tướng Phật, hình viên quang, hình lưới, hình cửa nẻo, hình núi Tu-di… các thế giới trên đầy đủ trang nghiêm như thế đều ở trong biển nước thơm Vô Biên Diệu Quang, xúm xít liền nhau thành lưới thế giới kiến lập khắp nơi.
Tất cả đều có mười nhóm hai mươi tầng thế giới vây quanh, nhóm thế giới này ở giữa. Vậy gồm chung có mười một nhóm thế giới hai mươi tầng (kinh quyển ). Cả mười một nhóm thế giới này có chu vi đến núi Luân vi. Lại có một trăm nhóm thế giới. Tùy theo mỗi phương lại có mười nhóm được bày bố bên trong. Gần núi có mười nhóm thế giới vây quanh, mỗi mỗi trên dưới bốn tầng, còn chín mươi nhóm thế giới kia không nói lại, cộng chung có một trăm mười một nhóm thế giới, như lưới của Thiên đế bày bố mà trụ (kinh quyển 10).
Như thế trong mười nhóm thế giới nhiều như số vi trần của các cõi Phật không thể tính đếm, ở trong có mười loại thế giới nhiều như số vi trần của các cõi Phật không thể tính đếm đều nương vào hoa sen trong biển Hương Thủy trang nghiêm, cờ Ma-ni Vương hiện thành tất cả hình Bồ-tát đó mà trụ. Mỗi mỗi tầng Trang nghiêm đều không gián đoạn, mỗi mỗi đều phóng ra ánh sáng sắc báu, mỗi mỗi đều có mây ánh sáng che bên trên, mỗi mỗi đều trang nghiêm đầy đủ, mỗi mỗi kiếp đều sai khác, mỗi mỗi đều có Phật ra đời, mỗi mỗi đều diễn nói pháp hải, mỗi mỗi đều đầy đủ chúng sinh, mỗi mỗi mười phương khắp các thú nhập, mỗi mỗi đều được thần lực của Phật gia trì. Mỗi mỗi tất cả thế giới trong nhóm thế giới này đều nương vào các thứ trang nghiêm mà trụ, xúm xít liền nhau thành lưới thế giới, ở trong biển Hoa tạng trang nghiêm thế giới, các thứ khác nhau kiến lập khắp nơi.
Ngô Khải Am nói rằng: Đồ hình này tức là biển thế giới liên hoa tạng Hoa nghiêm, chính là cõi thật báo Vô chướng ngại vậy. Xưa ngài Hải Thiền sư tuy đã nêu ra tướng của nó nhưng nghĩa chưa đủ, còn ngài Chỉ Thền Sư nói đủ nghĩa nhưng chưa trình bày đủ tướng của nó. Nay gồm cả hai nhà, lại khảo cứu các kinh mục, nên nói Pháp Hoa luôn ở tại Linh sơn. Đây là căn cứ theo ý chỉ của ngài Trí Giả.
Kinh Trường A-hàm nói: Một mặt trời, mặt trăng đi quanh bốn thiên hạ là một thế giới. Như thế ngàn mặt trời, mặt trăng, ngàn núi Tu-di, ngàn vua Viêm-la, ngàn cõi Đao-lợi, ngàn Phạm thiên, ngàn núi Thiết vi thì gọi là một tiểu thiên. Nếu một ngàn tiểu thiên thì gọi là một trung thiên (từ một trăm vạn cũng gọi là mười ức). Và một ngàn trung thiên thì gọi là một đại thiên (tức một ngàn vạn vạn hay một vạn ức). Trong đó núi chúa Tu-di, bốn châu, mặt trời, mặt trăng… cho đến Phạm thiên đều có một vạn ức (Quang Minh nói rằng một trăm ức núi Tu-di thì ức có bốn bậc:
- Mười vạn là một ức thì đại thiên bằng một vạn ức.
- Một trăm vạn là ức thì đại thiên là ngàn ức.
- Một ngàn vạn là một ức thì đại thiên có một trăm ức.
- Vạn vạn là một ức thì đại thiên có mười ức.
Nay nói một trăm ức là ở số thứ ba. Song phương này dùng mười vạn là một ức là số đúng). Thành thì đồng thành, hoại thì đồng hoại, đều là một cảnh Phật giáo hóa, hiệu là thế giới Ta-bà (tiếng Phạm là Ta-bà, Hán gọi là Kham nhẫn).
Kinh Trường A-hàm nói: Tam thiên đại thiên thế giới lại có núi Đại kim cang vây quanh Đại hải thủy. Ngoài núi Kim cang lại có núi Đại kim cang thứ hai, giữa khoảng hai núi thì thâm u mờ mịt, có tám địa ngục lớn, mặt trời, mặt trăng, đều không chiếu soi đến được.
Thụy Ứng Kinh nói: Nước Ca-duy-la-vệ có ba ngàn mặt trời, mặt trăng (Ngài Cô Sơn nói về đại thiên) trong đó có một vạn hai ngàn trời đất (Sớ rằng đại thiên có một vạn ức trời đất, hai ngàn tức là trung thiên, tiểu thiên vậy).
Hiển Dương Luận nói: Một mặt trời, mặt trăng chiếu đến thì gọi là một thế giới. Như thế ngàn mặt trời, mặt trăng, ngàn cõi Lục dục, ngàn cõi Sơ thiền thì gọi là một Tiểu thiên giới. Lại cứ một ngàn Tiểu thiên thì gọi là Trung thiên, trong đó có một cõi Tam thiền, một ngàn cõi Nhị thiền, một trăm vạn cõi Sơ thiền. Lại cứ một ngàn Trung thiên thì gọi là một Đại thiên. Trong đó có một cõi Tứ thiền, một ngàn cõi Tam thiền, một trăm vạn cõi Nhị thiền, một ức vạn cõi Sơ thiền (chuẩn theo đây thì phải có ức vạn núi Tu-di).
Luận A-tỳ-đàm nói: Từ mé đỉnh núi Tu-di này đến mé đỉnh núi Tu-di kia có mười hai ức ba ngàn bốn trăm năm mươi do-tuần, từ trung tâm núi Tu-di này đến trung tâm núi Tu-di kia có mười hai ức tám vạn ba ngàn bốn trăm năm mươi do-tuần. Từ chân núi này đến chân núi kia là mười hai ức ba ngàn mười lăm do-tuần. Đây là lời Phật nói.
Câu-xá Luận nói: Núi Tu-di thứ nhất cao rộng mỗi chiều đều tám vạn do-tuần (Trường A-hàm, kinh Khởi Thế nói cao tám vạn bốn ngàn do-tuần bảy núi kia và núi Thiết vi thứ lớp giảm dần phân nửa). Biển nước thơm thứ nhất ngang rộng tám vạn do-tuần (kinh Khởi Thế nói rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần). Thứ hai núi Trì Song cao rộng mỗi chiều bốn vạn do-tuần (các núi lần lượt giảm đi phân nửa). Biển nước thơm thứ hai rộng bốn vạn do-tuần (bảy biển có diện tích tùy theo chiều cao của bảy núi, lần lượt giảm đi phân nửa). Thứ ba, núi Trì trục cao rộng mỗi chiều hai vạn do-tuần. Thứ tư, núi Đam mộc cao rộng mỗi chiều một vạn do-tuần. Thứ năm, núi Thiện kiến cao rộng mỗi chiều năm ngàn năm trăm do-tuần. Thứ sáu núi Mã nhĩ cao rộng mỗi chiều hai ngàn năm trăm do-tuần. Thứ bảy, núi Chướng sở cao rộng mỗi chiều một ngàn hai trăm năm mươi do-tuần. Biển nước thơm thứ bảy rộng một ngàn hai trăm năm mươi do-tuần. Thứ tám, núi Trì địa cao rộng mỗi chiều sáu trăm hai mươi lăm do-tuần. Biển nước mặn lớn thứ tám ngang rộng ba mươi hai vạn hai ngàn do-tuần, trong đó có bốn châu (Luận Atỳ-đàm nói lớp nước có châu vi ba mươi sáu ức tám ngàn bốn trăm bảy mươi lăm do-tuần). Thứ chín, núi Tiểu thiết vi cao rộng mỗi chiều ba trăm mười hai do-tuần (Luận A-tỳ-đàm nói châu vi ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi do-tuần). Các núi có phần chìm trong nước đều tám vạn do-tuần ở trên Kim Luân. Các biển đều sâu tám vạn do-tuần (nay mới rõ là từ tâm núi Tu-di hướng về Nam đến lớp Bản Sơn là tám vạn do-tuần qua bảy biển nước thơm và mười sáu vạn do-tuần, qua bảy Kim sơn tám vạn do-tuần, đến bờ Nam núi thứ bảy tính ra có hai mươi tám vạn do-tuần. Đường tắt xuyên Nam Bắc tính ra năm mươi sáu ức vạn do-tuần).
Kinh Trường A-hàm nói: Phía Nam núi Tu-di có Thiên hạ tên là Diêm-phù-đề (Hán gọi là Thắng Kim Châu; luận Tân-bà-sa gọi là Thiệm-bộ), cõi đất đó phía Nam hẹp phía Bắc rộng, ngang dọc rộng bảy ngàn do-tuần, mặt người giống hình đất này, có cây lớn tên là Diêm-phù, chu vi bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, nhánh lá bốn phía năm mươi do-tuần, người sống một trăm tuổi, chết yểu giữa chừng rất nhiều.
Luận A-tỳ-đàm nói: Châu Nam Thiệm có y phục trang sức nhiều loại không giống nhau. Trong một đời người hành dâm vô số lần. Nhưng có người tu hành đến chết vẫn không dâm dục.
Kinh Khởi Thế nói: Ở phía Bắc biển lớn có cây Diêm-phù, dưới cây này có đống vàng Diêm-phù-na-đàn cao hai mươi do-tuần (vì có loại vàng đặc biệt này ở dưới gốc cây nên lấy tên cây đặt tên châu).
Luận Thuận Chánh Lý nói: Trong hai mươi châu có một Giá-mạtla (Luận Tân-bà-sa nói là nơi ở của La-sát, hai Phiệt-la-già đều có người ở).
Kinh Trường A-hàm nói: Ở phía Đông núi Tu-di có thiên hạ tên là Phất-vu-đãi (Hán gọi là Thắng Thân, Lập Thế gọi là Phất-đề-bà), đất đó ở phía Đông hẹp phía Tây rộng, hình bán nguyệt, ngang dọc rộng chín ngàn do-tuần, mặt người cũng giống hình bán nguyệt, có cây chúa tên là Già-lam-phù, chu vi bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá bốn phía rộng năm mươi do-tuần, người sống hai trăm tuổi (kinh Lâu Thán nói là ba trăm tuổi) ăn cơm cá thịt, lấy lúa lụa và châu đem đổi nhau ở chợ, có lễ cưới hỏi.
Luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: Người ở Đông Phất-đề-bà có nhiều dục tính, một đời người hành dâm sáu, bảy lần. Cũng có người tu hành đến chết vẫn không dâm dục, ăn cá thịt đã chết, không giết hại, đầu cao phía trước để tóc phía sau, mặc quần xong mặc áo phủ bên ngoài.
Thuận Chánh Lý Luận nói: Có hai trung châu, một là Đề-ha, hai là Tỳ-đề-ha đều có người ở. Kinh Trường A-hàm nói: Phía Tây núi Tudi có thiên hạ gọi là Cù-gia-ni (Hán gọi là Ngưu Hóa. Tân-bà-sa gọi là Cù-đà-ni), đất đó hình như măt trăng tròn, mặt người cũng giống như thế, dọc ngang tám ngàn do-tuần, có cây chúa tên là Cân-đề, chu vi bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, nhánh lá bốn phía rộng năm ngàn do-tuần, người sống ba trăm tuổi lấy ngựa bò, châu ngọc trao đổi nhau ở chợ.
Luận A-tỳ-đàm nói: Người cõi đất đó sát sinh ăn thịt, người khi chết thì thiêu tử thi, bỏ xuống nước hoặc chôn trong đất, cưới hỏi giống người ở Nam Châu. Người dâm dục nhiều lên đến mười – mười hai lần, cũng có người đến chết vẫn không dâm dục. Vật trang sức đều giắt ở tóc, mặc quần áo cả trên dưới.
Luận Thuận Chánh Lý nói: Có hai Trung Châu, một là Xá Hổ, hai là Đát Lý Noa đều có người ở.
Khởi Thế Luận nói: Dưới cây Cân Đề có một con trâu đá cao một do-tuần nhân đó gọi là Cù-đà-ni (nhân lấy đó đặt tên châu).
Kinh Trường A-hàm nói: Phía Bắc núi Tu-di có thiên hạ tên là Uất-đơn-việt (Hán dịch là Tối Thắng – Luận Tân-bà-sa gọi là Câu-lô châu), đất đó vuông vức, mặt trời cũng giống thế, rộng một vạn do-tuần. Có cây chúa tên Am-ta-la, chu vi bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, nhánh lá bốn phía rộng năm mươi do-tuần, các núi non, ao tắm hoa trái rất sum xuê, chim chóc đua hót. Bốn mặt có ao A-nậu-đạt chảy ra bốn sông lớn, không có các thú hầm hố gai góc, ruồi muỗi rắn rít trùng độc, lúa nếp tự nhiên đầy đủ các mùi vị. Có ngọc châu Ma-ni tên là Diễm quang đặt dưới chõ vàng tự nhiên (lúa nếp tự nhiên là tự mọc, chõ vàng tự nhiên là tự đốt cháy), khi cơm chín thì ánh sáng tắt. Có cây tên là Khúc cung, các lá xếp chồng nhau trời mưa không dột, nam nữ ở cõi ấy nghỉ đêm dưới cây. Có những cây thơm khi trái chín thì tự bày ra các thứ y phục hoặc đồ vật hay thức ăn. Trong sông có nhiều thuyền báu bơi chèo vui thú. Khi vào tắm thì cởi y phục để trên bờ, ngồi thuyền sang sông, gặp y phục cứ mặc vào không cần y phục cũ. Rồi đến cây thơm lấy các nhạc khí có âm thanh rất hay cùng hòa nhạc mà đi. Người ở cõi ấy không có các tật bệnh, dáng vẻ giống nhau, tóc màu xanh đậm ngang mày mà thôi. Khi người khởi dục tùy nhìn vào người nữ nào thì người ấy theo đến vườn rừng. Nếu là cha mẹ không hành dục được thì cây không rủ xuống che kín, hai người sẽ tự bỏ đi. Nếu không phải người thân thì cây rủ xuống che kín cả hai tùy ý giao hoan tự một đến bảy ngày sau đó mới tan cuộc. Người nọ mang thai bảy, tám ngày thì sinh. Tùy sinh trai gái rồi đem đặt ở ngã tư đường, những người đi đường sẽ đưa ngón tay cho ngậm mút, ngón tay tiết ra chất sữa ngọt chạy khắp thân đứa bé. Sau bảy ngày đứa bé trưởng thành cùng bằng với cha mẹ, nam theo nam chúng, nữ theo nữ chúng. Người cõi này chết không có khóc lóc thương tiếc (vì người sống đúng ngàn tuổi nên không thương tiếc người chết), sau khi làm đẹp thây chết bèn đem đặt ở ngã tư đường, có loài chim tên là Ưu úy thiền già gắp đem bỏ ở nơi khác (A-tỳ-đàm nói chim này tha thây chết đến ngoài núi mà nuốt). Đất ở cõi ấy mềm theo bước chân mà hiện ra rồi biến mất. Khi tiểu tiện thì đất nứt ra, đi tiêu xong đất liền lại. Người nào đời trước tu mười nghiệp lành thì sinh vào châu này. Sống lâu ngàn tuổi không hơn không kém. Khi chết rồi sinh vào cõi trời hay chỗ lành khác.
Luận A-tỳ-đàm nói: Người Bắc Châu có nhiều dục, trong một đời sống hành dâm đến bốn, năm lần, cũng có người tu hành đến chết vẫn không dâm dục.
Luận Thuận Chánh Lý nói có hai Trung Châu, một là Cự-la-bà, hai là Kiêu-la-bà đều có người ở.
Luận A-tỳ-đàm nói: Người Nam Thiệm châu cao ba, năm hoặc bốn cánh chỏ. Người Đông thắng Châu cao tám cánh chỏ, người Tây Châu cao mười sáu cánh chỏ. Người Bắc châu cao ba mươi hai cánh chỏ (kinh Khởi Thế nói người Nam châu cao ba, năm cánh chỏ. Người Đông Tây châu chiều cao giống thế, người Bắc châu cao bảy cánh chỏ. Mỗi cánh chỏ là một thước tám nhà châu).
Kinh Trường A-hàm nói: Nam Thiệm châu có ba điều tốt:
- Mạnh mẽ nhớ dai hay tạo hạnh nghiệp.
- Riêng tu phạm hạnh.
- Có Phật ra đời ở cõi ấy.
Luận Tân-bà-sa nói: Tứ Đại Châu ở trong tám châu, người có hình dạng thấp bé. Có thuyết nói châu Giá-mạt-la chỉ có quỷ La-sát ở. Lại có năm trăm tiễu châu khác hoặc có người ở hoặc phi nhân ở hoặc trống không.
Kinh Bồ-tát Tạng nói: Phật nói rằng: Ta quán biết chúng sinh thường bị mười khổ bức bách: Một là sinh, hai là già, ba là bệnh, bốn là chết, năm là buồn rầu, sáu là oán thù, bảy là khổ thọ, tám là lo, chín là đau buồn, mười là sinh tử lưu chuyển. Khi chúng sinh chứng được Bồ-đề sẽ xa lìa các bức bách đó.
Tứ Giáo Nghi nói: Lúc tạo nhân làm ngũ thường giữ ngũ giới, làm mười phẩm Thiện thì cảm được thân người.
Lời bàn: Người Bắc châu sống nhất định một ngàn tuổi nên khi chết không khóc lóc thương tiếc. Không có Phật ra đời nên không nghe được Phật pháp, đây là một trong tám nạn. Thuở xưa người ta bảo Liệt Tử đưa Hoàng đế mộng du đến nước Hoa Tư Thị, tức là bắc Châu vậy, chưa biết có đúng không? Còn Nam châu thì có Phật pháp có thể học. Phần đông những người có căn khí Đại thừa đều sinh vào châu này. Vì tuổi thọ ngắn gấp, các khổ bức bách nên sợ hãi mà phát tâm siêng tu đạo hạnh. Đây là điều tốt nhất trong bốn châu.
Kinh Hoa Nghiêm nói: Tam thiên đại thiên thế giới do vô lượng nhân duyên mà thành đại địa, nương vào thủy luân, phong luân, không luân, không thì không có chỗ nương, do cảm nghiệp của chúng sinh mà thế giới an trụ.
Kinh Tân Bồ-tát Tạng nói: Vì chư Phật thành tựu được trí bất tư nghì nên có thể biết các tướng gió mưa. Biết trên đời có gió mạnh tên là Ô-lô-bác-ca. Chúng sinh có những cảm biết đều do gió này quấy động. Lớp phong luân này cao đến ba Câu-lô-xá (Câu-lô-xá, Hán dịch là khoảng một tiếng trống. Căn cứ theo kinh Tạp Bảo Tạng thì năm dặm là một Câu-lô-xá. Luận Tỳ-đàm nói tám Câu-lô-xá là một do-tuần, tức do-tuần trong phẩm Trí Luận phải bằng bốn mươi dặm). Trong hư không, bên lớp gió này, lại có một lớp gió nổi lên gọi là Thiệm-bạc-ca. Lớp phong luân này cao mười do-tuần… Như thế lần lượt các Luân sáu vạn tám ngàn câu-chi tướng phong luân. Lớp Phong luân trên cùng tên là Châu Biến Thượng Giới là lớp mà Thủy luân nương tựa. Lớp nước này dày sáu mươi tám trăm ngàn do-tuần. Lớp nước này là nơi đại địa nương tựa vào, nó dày đến sáu vạn tám ngàn do-tuần. Trên mặt lớp đất này có một tam thiên đại thiên thế giới. Thổ, thủy, phong luân hiểu ra như sau:
Trên là thổ luân, kim luân kế là thủy luân, lớp dưới cùng là phong luân.
Về thổ và kim luân:
(Câu-xá luận nói cộng có ba mươi hai vạn do-tuần. Kinh Khởi Thế nói cộng có bốn mươi tám vạn do-tuần. Tân Bồ-tát Tạng nói có sáu vạn tám ngàn do-tuần. Kinh Lâu Thán nói đất có hai mươi ức vạn dặm, Kim lật, Kim cang mỗi thứ có hai mươi ức vạn dặm. Kinh Lập Thế cộng có ba mươi hai vạn do-tuần. Kinh Quang Minh nói đất sâu mười tám vạn do-tuần, dưới có lớp cát vàng. Nay căn cứ vào kinh Khởi Thế thì có bốn mươi tám vạn, đây e mất hết bốn chữ. Theo kinh Khởi Thế Nhân Bản thì: Trên nước có gió thổi biến lớp trên thành vàng, như lớp váng đặc trên mặt sữa chín, đó gọi là Kim Luân. Theo Tăng Nhất Ahàm thì lớp đất dày sáu vạn tám ngàn do-tuần. Theo Kinh Quang Minh của Đàm-vô-sấm thì lớp đất dày sáu mươi vạn tám ngàn do-tuần.) Về thủy luân:
(Câu-xá nói: Tám mươi vạn do-tuần, kinh Khởi Thế nói là sáu mươi vạn do-tuần, kinh Bồ-tát Tạng nói sáu mươi tám trăm ngàn dotuần, kinh Lâu Thán nói là tám mươi ức vạn dặm, kinh Lập Thế Nhân Bản nói: Vì nghiệp lực chúng sinh nên nước không tan chảy, như thức ăn chưa tiêu thì không rơi vào Thục Tạng.) Về phong luân:
(Câu-xá nói một trăm sáu mươi vạn do-tuần, kinh Khởi Thế nói ba mươi sáu vạn do-tuần, kinh Bồ-tát Tạng nói sáu vạn tám ngàn câuchi Phong Luân, kinh Lâu Thán nói có năm trăm hai mươi ức vạn dặm – Trí Luận nói đại thiên thế giới đều nương vào Phong Luân làm nền tảng.
Bàn rằng: Những điều kinh luận nói ra không thể chỉ có một, chỉ có Câu-xá và Lập Thế hơi giống. Nghĩa của Phật nói ra không lẽ có khác. Đó là do các bộ Chủ nghe nhận tùy cơ mà có sai khác và các dịch Sư chọn tiếng không giống nhau.
Chân núi Tu-di cao lên một vạn do-tuần, núi vây quanh rộng một vạn do-tuần, đó là chỗ ở của trời Kiên thủ. Lại cao thêm gấp bội ở trên (Nhân Bản nói hai vạn) có núi vây quanh rộng tám ngàn do-tuần, đó là chỗ ở của trời Hoa Phát. Lại cao thêm gấp bội (Bản Nhân nói ba vạn), có núi vây quanh bốn ngàn do-tuần, đó là chỗ ở của trời Thường Phóng Dật. Lại cao thêm gấp bội (cả ba trời đều nói là gấp bội tức đều lấy một vạn làm gấp bội. Cho đến trời Tứ Thiên vương là bốn vạn do-tuần. Kinh Nhân Bản nói: Phân nửa núi là bốn vạn hai ngàn do-tuần, là chỗ ở của trời Tứ Thiên vương) có núi vây quanh rộng bốn ngàn do-tuần. Đó là chỗ ở của các trời nhật, nguyệt, tinh tú và Tứ Thiên vương (theo luận Bà-sa).
Dưới núi Tu-di có ba cấp bậc, là chỗ ở của các Thần, đều có bảy lớp tường viện đều là chỗ ở của Dạ-xoa (theo kinh Khởi Thế Nhân Bản), cả ba cõi trời này đều là chỗ ở của Dược-xoa và là sở bộ của Tứ Thiên Vương.
Cung điện của Nhật thiên do vàng trời và pha lê tạo thành, rộng năm mươi mốt do-tuần, chính giữa nhà nhìn từ xa thì giống hình tròn (Trí Luận nói Nhật Nguyệt vuông tròn năm trăm dặm). Có năm thứ gió thổi mà chuyển đi. Dùng vàng Diêm-phù làm xe báu cao mười sáu dotuần, vuông tám do-tuần. Nhật Thiên tử và quyến thuộc ở trong đó mà hưởng ngũ dục lạc trời. Nhật Thiên tử sống năm trăm tuổi, con cháu nối nhau để trị vì cõi trời ấy, cung điện được tồn tại trọn một kiếp (trải đủ thành, trụ, hoại, không, tám mươi tiểu kiếp là một đại kiếp). Nhật Thiên tử có ánh sáng thân, xe báu, cung điện có ánh sáng chiếu vào nhau. Có một ngàn ánh sáng, năm trăm chiếu hai bên, năm trăm chiếu ở dưới. Cung điện Nhật thiên luôn đi không dừng, sáu tháng đi về phía Bắc, sáu tháng đi về phía Nam.
Cung điện của Nguyệt thiên do bạc trời và lưu ly xanh tạo thành, cao mười sáu do-tuần, rộng tám do-tuần. Nguyệt Thiên tử cùng các Thiên nữ ở trong xe báu này hưởng ngũ dục lạc trời. Nguyệt thiên sống năm trăm tuổi, con cháu nối nhau. Cung điện tồn tại một kiếp. Nguyệt thiên có ánh sáng thân cùng cung điện tạo ra một ngàn ánh sáng, năm trăm chiếu hai bên, năm trăm chiếu phía dưới. Do đâu cung điện Nguyệt thiên dần dần hiện ra? Do Nhật thiên có sáu mươi ánh sáng sáng át vầng trăng kia, khi cách xa mặt trời dần dần thì trăng dần dần sẽ hiện sáng. Lại vì sao mặt trăng tròn sạch trọn mười lăm ngày? Khi mặt trăng cách mặt trời xa nhất thì ánh sáng mặt trời không che át được nữa. Lại vì sao suốt mười lăm ngày mặt trăng tối đen không hiện ra? Lúc này mặt trăng ở gần mặt trời nhất, nên ánh sáng ẩn mất tất cả không hiện. Lại vì sao bóng Nguyệt cung hiện ra? Đại châu này có cây Diêm-phù cao nên mặt trăng hiện bóng (Khởi Thế Bản Nhân). Thuở xưa có con thỏ tu hạnh Bồ-tát. Thiên đế bèn thử nghiệm bằng cách đòi ăn thịt, thỏ liền gieo mình vào lửa. Thiên đế thương xót bèn đem thỏ bị phỏng đặt ở cung trăng, để chúng sinh chiêm ngưỡng, biết đó là thân Bồ-tát tu hạnh từ (Tây Vức Ký).
Nam châu có mặt trời đúng Ngọ thì ở Đông châu mặt trời mới lặn và ở Tây Châu mặt trời mới mọc, còn ở Bắc Châu là nửa đêm (theo kinh Khởi Thế và Nhân Bản, ba phương kia suy ra mà biết). Tường đất của Nhật Thiên cung mỏng như cánh hoa được năm thứ gió nâng giữ (kinh Trường A-hàm). Mặt trời mặt trăng vuông tròn đều năm trăm do-tuần nhưng nay nhìn thấy không to hơn cái quạt (Trí Luận).
Cung điện của Sao lớn đều bảy trăm hai mươi dặm, Sao trung bình là bốn trăm tám mươi dặm, Sao nhỏ là một trăm hai mươi dặm (Lâu Thán Kinh). Thời quá khứ có Tiên Bà-già-bà phân bố các Sao, giữ nước nuôi người, mỗi sao đều có chủ. Ở Đông phương có bảy sao là: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Kỳ. Bắc phương có bảy sao là: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích. Tây phương có bảy sao là: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm. Và Nam phương có bảy sao là: Canh, Quỹ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn (kinh Đại Tập nói: các Sao có hình tướng, tộc họ, pháp độ, tế vật, nhân vật, quốc chủ làm chủ đều có đủ tại kinh này).
Đức Phật ở tại Thiên cung Tịnh cư bảo các sao rằng: Chúng trời du hành trên không gồm có: Cửu chấp đại thiên, hai mươi tám sao, mười hai cung thần. Nói rằng ở quá khứ Ta-la Vương Như Lai đã nói Xí Thạnh Quang Đại Oai Đức Đà-la-ni để trừ tai nạn. Nếu có quốc vương và các đại thần, tại nơi ở và các cõi nước hoặc bị năm sao bức bách như sao La Hầu, Tuệ, Bột, Yêu Tinh chiếu đến cung Bản mạng và các tinh tú xâm nhập Đế tòa mà ở tại nước, tại nhà hoặc nơi đồng trống khi bức bách hoặc thối lui hoặc tiến vào tạo các chướng nạn, thì chỉ ở nơi thanh tịnh thành lập đạo tràng và niệm Đà-la-ni này một trăm tám biến hoặc một ngàn biến (theo kinh Tiêu Tai) thì có chín thứ Chấp diệu có thể khiến cho ngày đêm thêm bớt sự giàu có hay thiếu hụt của thế gian, tên nó là Nhật nguyệt Huỳnh Hoặc (Hỏa), Thần (Thủy), Tuế (Mộc), Thái Bạch (Kim), Trấn (Thổ), La Hầu (khí dư của Hỏa), Tuệ Bột (khí dư của Thổ, theo kinh Khổng Tước). Thế giới Ta-bà có tám vạn bốn ngàn ác tinh gây tai biến. Tỳ-sa-môn là Sao Chúa Tể (theo Pháp Hoa Văn Cú – Luận Ngữ gọi là Sao Bắc Đẩu – Thiên Văn Chí gọi là Bắc Cực). Nửa núi Tu-di cao bốn vạn hai ngàn do-tuần, là nơi ở của Tứ Thiên vương (Trí Luận và kinh Nhân Bản nói giống nhau – Còn Atỳ-đàm Luận và Câu-xá-luận thì nói là bốn vạn do-tuần). Thành ở Phương Đông tên là Thượng Hiền, thành ở Phương Nam tên là Thiện Kiến, thành ở phương Tây tên là Châu La, thành phương Bắc tên là Thiên Kỉnh (giống như Trí Luận). Ở phương Đông Trị Quốc Thiên Vương (các Kinh phần nhiều đều gọi là Trì Quốc) thống lãnh Càn-thátbà (Hán dịch là Tầm Hương Hành Đế Thích cho là Nhạc Thần), Tỳxá-xà (Hán gọi là Quỷ ăn tinh khí người, cũng là Quỷ điên cuồng. Trí Luận gọi là Phú-đơn-na) ủng hộ người Đông Châu. Còn Nam Phương có Tăng Trưởng Thiên Vương thống lãnh Cưu-bàn-trà (Hán gọi là loài quỷ ăn đờm dãi), Tiết-lệ-đa (Hán gọi là ngạ quỷ đầu tiên) ủng hộ người Nam Châu. Phương Tây có Tạp Ngữ Thiên Vương (kinh Khổng Tước dịch là Quảng Mục) thống lãnh Rồng và Phú-đơn-na (Hán gọi là Ngạ Quỷ Thúi, Trí Luận gọi là Tỳ-xá-xà) ủng hộ người Tây Châu. Ở Bắc Phương có Đa Văn Thiên Vương, thống lãnh Dạ-xoa (Hán gọi là Tiệp Tật – Nay sứ giả truyền đưa thư phù trong pháp hội là loại này), La-sát (Hán gọi là Quỷ dữ ăn thịt người) ủng hộ người Bắc Châu (Trích Kinh A-hàm). Bấy giờ Tỳ-sa-môn Thiên Vương (tàu gọi là Đa Văn – Quang Minh Cú Ký nói có danh tiếng phước đức đồn khắp bốn phương). Đềđầu-lại-tra Thiên vương (Hán gọi là Trì Quốc giữ gìn đất nước), Tỳlưu-lặc-xoa Thiên vương (Hán gọi là Tăng Trưởng, vì khiến Thiện căn người và mình tăng trưởng), Tỳ-lưu-bác-xoa Thiên vương (Hán dịch là Tạp Ngữ – vì hay nói năng lung tung. Lại có mắt dữ chuyên việc phạt ác khiến gặp khổ để phát tâm). Tất cả đều từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng: Kim Quang Minh là vua các kinh, bốn vua chúng con, hai mươi tám bộ và trăm ngàn quỷ thần dùng tịnh Thiên nhãn luôn xem xét ủng hộ cõi Diêm-phù-đề, thế nên chúng con tên là Hộ Thế Vương (kinh Kim Quang Minh – Các nhà chú thích Kinh Quang Minh Cú Ký nêu phương Bắc trước hết, vì ở Tây Vức coi trọng phương Bắc. Kinh Niết-bàn nói: Ví như phương Bắc đối với phương Đông là bậc cao hơn hết. Bậc Sơ Địa Bồ-tát thường làm Tứ Thiên Vương (kinh Niết-bàn). Cõi trời Tứ Thiên đều có cưới gả và hành dục như loài người, đứa trẻ hóa sinh ở trên đầu gối như đứa bé hai tuổi. Không bao lâu sau tự nhiên có báu vật đầy đủ, thức ăn trời trăm vị và nước cam lồ trời. Người phước nhiều da trắng, phước trung bình da xanh, phước kém da đỏ. Ăn xong liền lớn bằng các trời khác. Lúc mới sinh thì nhớ rõ nghiệp xưa, giỡn chơi rồi lại quên mất (kinh Trường A-hàm). Nam nữ ở Tứ Thiên khi sinh ra bằng cách hoặc ngủ trên đầu gối mẹ. Thiên nữ tác ý nói đây là con ta, Thiên nam cũng nói đó là con ta. Còn nếu sinh ra bằng cách ngủ trên đầu gối cha thì bé chỉ có một cha, các vợ khác đều là mẹ. Người Tứ Thiên hành dục vô số lần, cũng có người tu hành đến chết vẫn không dâm dục. Tất cả chư Thiên cõi dục cũng thế (theo Luận Lập Thế). Hộ Thế Tứ Vương mỗi vua có chín mươi mốt con, có oai lực lớn đều gọi là Đế, có thể hộ trì cả mười phương. Tất cả núi sông cây cối đất đai thành quách, tất cả thần quỷ đều quy thuộc Tứ Thiên Vương (theo Trí Luận).
Dưới một vua có tám Tướng quân, bốn vua có ba mươi hai Tướng ở khắp bốn thiên hạ hộ trợ người xuất gia. Vĩ Tướng Quân lớn nhất trong ba mươi hai tướng chuyên hộ trợ. Tỳ-kheo nào đạo lực yếu kém bị ma mê hoặc thì kinh hoàng sợ hãi chạy đến ứng cơ dẹp trừ (theo Thiên Nhân Cảm Thông Truyện).
Xưa có vị Bà-la-môn họ Kiều-thi-ca quen biết ba mươi hai người cùng tu phước đức. Khi mạng chung đều sinh lên đỉnh núi Tu-di. Kiềuthi-ca làm chúa trời, ba mươi hai người kia làm Phụ Thần (theo Trí Luận).
Xưa, sau khi Phật Ca-diếp diệt độ, có một người nữ phát tâm sửa tháp được quả báo làm chúa trời, có ba mươi hai người cùng giúp sửa nên được báo, làm đại thần phụ chánh, vua quan họp lại thành ba mươi ba người (theo Tịnh Danh Sớ. Tiếng Phạm gọi là Đao-lợi, Hán dịch là trời Tam thập tam).
Có Đế Thích ở trong định Thủ-lăng-nghiêm, đời vị lai thành Phật hiệu là Vô Trước (theo Pháp Hoa Văn Cú).
Núi Tu-di có bốn góc, mỗi góc có một ngọn núi (Bà-sa Luận nói cao rộng năm trăm do-tuần), Kim cang thủ Dược-xoa ở chính giữa giữ gìn các trời. Đỉnh núi Thiện Kiến có thành lớn chu vi rộng một vạn do-tuần (Luận Bà-sa. Đỉnh núi rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần, trong đó bằng phẳng có thể ở được chỉ có bốn vạn do-tuần). Các Trùng Môn cao một do-tuần, thành có một ngàn cửa, mỗi cửa có năm trăm thanh y dọa xoa đều cầm gậy gộc phòng vệ nghiêm nhặt. Trong thành có điện Thù Thắng chu vi một ngàn do-tuần, đất đó được trang sức bằng vàng ròng và tạp bảo, mềm mại như bông Đố-la, cao thấp theo bước chân đi (Thuận Chánh Lý Luận) Đế Thích ở chính giữa có thành vàng châu vi một ngàn do-tuần (tức điện Thù Thắng), thành có năm trăm cửa, trong có lầu các tên là Bì Thiền Diên, bốn phía có một trăm lẻ một lầu báu, một vạn bảy ngàn phòng, mỗi phòng có bảy Thiên nữ, mỗi Thiên nữ có bảy thể nữ, các Thiên nữ này đều là chánh phi của Đế Thích. Đế Thích cùng ở chung với A-tu-la nữ là Xá-chỉ, hóa thân ở chung với các phi (Luận A-tỳ-đàm).
Tôn giả Mục-kiền-liên đi du lịch một tiểu thiên giới, không có nơi nào đoan nghiêm như Tỳ-xà-diên đường (theo Tạp A-hàm, tức Tỳ Thiền Diên này vậy). Đường phố trong thành, người trời tùy theo phước đức mà có phòng nhà nhiều hay ít. Đường phố trong thành có năm trăm, trong đó có bảy chợ chuyên về gạo thóc, y phục, các loại hương, ăn uống, tràng hoa, đồ mỹ thuật và dâm nữ… đều có quan coi chợ. Thiên nam, Thiên nữ đến buôn bán trả giá mắc rẻ theo luật chợ búa. Tuy làm việc đó nhưng không trộm cắp, quá chỗ cần dùng thì bỏ đi. Thành Thiện Kiến đó lại có các thôn, huyện, châu trời vây quanh khắp nơi (theo Khởi Thế và Nhân Bản Kinh). Ngoài bốn mặt thành có bốn khu vườn.
1. Vườn để các loại xe (Khởi Thế, Nhân Bản nói vườn xe nhiều màu. Kinh Tạp A-hàm nói ở ngoài cửa Đông). Tùy phước đức trời mà các loại xe hiện ra.
2. Vườn Thô xấu (Khởi Thế nói là vườn Thô sáp, tạp A-hàm nói là ngoài cửa Nam). Khi trời muốn đánh nhau thì trượng giáp tự nhiên hiện ra.
3. Vườn Tạp lâm (Khởi Thế nói là vườn Tạp loạn. Ngày mười bốn, mười lăm tháng tám, trời Tam thập tam thả các thể nữ trong cung vào khu vườn này cùng các trời họp nhau đùa giỡn hưởng ngũ dục trời. Tạp A-hàm nói là ở ngoài cửa Tây). Các trời vào đó những thú vui dục trần cực diệu đều có đủ.
4. Vườn Hỷ lâm (Khởi Thế nói vào đó thì vui vẻ. Tạp A-hàm nói ở ngoài cửa Bắc). Các trời chơi giỡn đều sinh vui vẻ.
Bốn vườn trên mỗi khu đều một ngàn do-tuần, mỗi vườn đều có ao như ý, chu vi năm mươi do-tuần, có nước tám công đức. Ở phía Tây nam ngoài thành có Thiện pháp đường. Lúc đó trời Tam thập tam luôn tập họp luận bàn chế phục A-tố-lạc về việc đúng pháp và không đúng pháp. Ở phía Đông bắc có cây Viên Sinh, ngày hoa nở gặp thuận gió thì mùi thơm nghe xa đến một trăm do-tuần, nếu ngược gió thì cũng nghe xa đến năm mươi do-tuần (Luận Thuận Chánh Lý). Bên trong Thiện pháp đường có tám vạn bốn ngàn cột. Vào pháp đường này rồi thì không có lỗi ác xúc như buồn ngủ, ợ ngáp… Khi Đế Thích lên tòa thì hai bên có mười sáu Thiên Vương theo ngồi, có hai Thái tử, hai đại tướng quân ngồi hai bên các trời. Trì Quốc Thiên Vương cùng đại thần Quân Tộc cung kính các trời nên nương ngồi ở cửa Đông, còn Tăng Trưởng Thiên Vương thì ngồi ở cửa Nam, Quảng Mục Thiên Vương thì ngồi ở cửa Tây, Đa Văn Thiên Vương thì ngồi ở của Bắc. Các Tứ Vương này tâu lên Đế Thích và các Thiên Vương về chuyện thiện ác của thế gian
tám ngày mỗi tháng, các đại thần của Tứ Vương đi tuần tra khắp thế gian. Ngày mười bốn thì Thái tử của Tứ Vương đi tuần tra, ngày mười lăm thì chính Tứ Vương đích thân đi quan sát các việc thiện ác. Nếu không có nhiều người thọ giới bố thí, Đế Thích nghe tâu buồn rầu nói rằng: Thiên chúng sẽ giảm bớt, Tu-la tăng nhiều (Luận A-tỳ-đàm).
- Trời Thiện pháp đường (tức Đế Thích).
- Trời Trụ phong.
- Trời Sơn đảnh.
- Trời Thiện kiến thành.
- Trời Bát tư địa.
- Trời Trụ câu tra.
- Trời Tạp điện.
- Trời Hoan hỷ viên.
- Trời Quang minh.
- Trời Ba lợi thọ viên (tức Viên Sinh Thọ).
- Trời Hiểm ngạn.
- Trời Tạp hiểm ngạn.
- Trời Ma-ni tạng.
- Trời Tuyền hành địa.
- Trời Mật điện.
- Trời Phát ảnh.
- Trời Nhu nhuyến địa.
- Trời Tạp trang nghiêm.
- Trời Như ý địa.
- Trời Vi tế hành.
- Trời Ca âm nhạc.
- Trời Oai đức luân.
- Trời Nguyệt hành.
- Trời Ta lợi.
- Trời Tốc hành.
- Trời Ảnh chiếu.
- Trời Trí tuệ.
- Trời Chúng phận.
- Trời Trụ luân.
- Trời Thượng hành.
- Trời Oai đức nhan.
- Trời Oai đức luân.
- Trời Thanh tịnh.
(Theo Kinh Chánh Pháp Niệm)
Vốn khi làm người cho ăn uống, đèn đốt sáng và tiền của nên gọi là Thích Đề-hoàn Nhân (Hán gọi là Năng Thiên Chủ), vốn khi làm người có họ như vậy nên gọi là Kiều-thi-ca. Xá-chỉ là hoàng hậu thứ nhất nên gọi là Xá-chỉ-bát-đê. Ở một tòa nghĩ ra ngàn thứ nghĩa nên gọi là Thiên Nhãn. Làm chủ trời Tam thập tam nên gọi là Nhân Đề Lợi (theo kinh Trung A-hàm – Vốn có ngàn tên, nhưng dịch không đủ). Đế Thích có sức Kim Cang Sử (theo kinh Khổng Tước).
Khi trời Tam thập tam sinh thì tay của Thiên nữ có hoa sinh ra, tự biết là có con, liền đem hoa trao cho chồng, bảy ngày thì trời sinh, biết rõ phép trời, đi trong cung điện thấy có Thiên nữ chưa chồng, nàng liền đến nói rằng: Này Thánh tử hãy về cung điện của ngài, tôi là kẻ chưa chồng nay xin cúng dường nhau (kinh Tỳ Tà Tiên Nhân). Khi trời mới sinh ra như đứa bé mười hai tuổi, chỗ sinh của cha mẹ hoặc ở trên hai đầu gối hay ở trên hai bắp vế. Sinh ra liền có bát báu đựng đầy, vị tu đà trời cho đến rượu trời. Tùy phước thượng trung hạ mà có màu trắng, đỏ, đen. Khi ăn uống xong thì thân hình to ra bằng người lớn (kinh Khởi Thế và Nhân Bản). Một mình tu Thập Thiện Thượng Phẩm thì sinh lên cõi trời Đao-lợi (Tứ Giáo Nghi).
Luận chung về chư Thiên
Đồ hình về đại thiên tam giới
Về thân lượng (Câu-xá Luận) – Y lượng (kinh Trường A-hàm) – Thọ lượng (Luận Tỳ-đàm và Câu-xá nói giống nhau) – Ánh sáng thân (Trí luận) – Ăn uống, Nghiệp nhân (kinh Tam Giới Sai Biệt) – Quả báo, Cảnh lượng (Luận Bà-sa), Phàm Thánh, Luận chỗ thân Vô sắc, Luận về Thiên chủ, Luận về Tứ thiền, Tứ địa.
Tứ Thiên vương thân cao nửa dặm, y phục nặng nửa lượng, một ngày đêm của Tứ Thiên vương bằng năm mươi năm ở cõi người và tuổi thọ của Tứ Thiên vương là năm trăm tuổi. Chín trăm vạn năm ở cõi người thì bằng một ngày đêm ở Đẳng hoạt địa ngục. Và ở Đẳng hoạt sống năm trăm tuổi. Ba trăm hai mươi bốn ức năm ở nhân gian bằng một năm ở Đẳng hoạt.
Trời Đao-lợi, thân cao một dặm, y phục nặng sáu thù, một trăm năm ở cõi người thì bằng một ngày đêm ở cõi Đao-lợi. Và cõi này sống một ngàn tuổi. Ba ức sáu mươi vạn năm ở cõi người thì bằng một ngày đêm ở Hắc thằng địa ngục và số địa ngục này sống một ngàn tuổi.
Trời Dạ-ma thân cao một dặm rưỡi, y phục nặng ba thù, hai trăm năm ở nhân gian bằng một ngày đêm ở cõi trời này và trời này có tuổi thọ một ngàn năm, mười bốn ức bốn trăm vạn năm ở nhân gian thì bằng một ngày đêm của địa ngục Chúng hợp. Và số tuổi của địa ngục này là hai ngàn năm.
Trời Đâu-suất có thân cao hai dặm, y phục nặng một thù rưỡi, bốn trăm năm ở cõi người là một ngày đêm ở cõi trời này và cõi này sống bốn ngàn năm, năm mươi bảy ức sáu trăm vạn năm ở cõi người là một ngày đêm ở khiếu địa ngục. Và tuổi thọ của địa ngục này là bốn ngàn năm.
Trời Hóa lạc có thân cao hai dặm rưỡi, y phục nặng một thù, tám trăm năm ở cõi người bằng một ngày đêm ở cõi này và tuổi thọ ở cõi này là tám ngàn năm, hai trăm ba mươi ức vạn năm ở cõi người thì bằng một ngày đêm của Đại khiếu địa ngục. Và số tuổi của địa ngục này là tám ngàn năm.
Trời Tha hóa tự tại có thân cao ba dặm, y phục nặng nửa thù, một ngàn sáu trăm năm ở nhân gian thì bằng một ngày đêm ở cõi này và số tuổi thọ cõi này là một vạn sáu ngàn năm, chín trăm hai mươi mốt ức sáu trăm vạn năm ở cõi người thì bằng một ngày đêm ở Nhiệt địa ngục. Và số tuổi ở địa ngục này là một vạn sáu ngàn năm.
Trời Ma-la-ba-tuần sống đến ba vạn hai ngàn tuổi (theo Câu-xá Luận, kinh Trường A-hàm và A-tỳ-đàm Luận).
* Tuổi thọ ở Sắc giới chỉ dùng kiếp làm số đo.
Trời Phạm chúng sống nửa kiếp (hai mươi tiểu kiếp) thân cao nửa do-tuần.
Trời Phạm phụ sống một kiếp (lấy bốn mươi tiểu kiếp làm một kiếp) thân cao một do-tuần (bốn mươi dặm).
Trời Đại phạm sống một kiếp rưỡi (sáu mươi tiểu kiếp) thân cao một do-tuần rưỡi.
Trời Thiểu quang sống hai đại kiếp (từ đây trở đi đều nói đại kiếp, tức gồm cả Thành Trụ Hoại Không tám trăm bảy mươi tiểu kiếp) thân cao hai do-tuần (từ đây trở đi thân lượng đều theo tuổi thọ).
Trời Vô lượng quang sống bốn đại kiếp, thân cao bốn do-tuần.
Trời Quang âm sống tám đại kiếp, thân cao tám do-tuần.
Trời Thiểu tịnh sống mười sáu đại kiếp, thân cao mười sáu dotuần.
Trời Vô lượng tịnh sống ba mươi hai đại kiếp, thân cao ba mươi hai do-tuần.
Trời Biến tịnh sống sáu mươi bốn đại kiếp, thân cao sáu mươi bốn do-tuần.
Trời Vô vân sống một trăm hai mươi lăm đại kiếp, thân cao một trăm hai mươi lăm do-tuần (cõi trời này có tuổi thọ và thân giảm bớt ba kiếp ba do-tuần).
Trời Phước sinh sống hai trăm năm mươi đại kiếp, thân cao hai trăm năm mươi do-tuần.
Trời Vô tưởng, trời Quảng quả đều sống năm trăm đại kiếp, thân cao năm trăm do-tuần.
Trời Vô phiền sống một ngàn đại kiếp, thân cao một ngàn dotuần.
Trời Vô nhiệt sống hai ngàn đại kiếp, thân cao hai ngàn do-tuần.
Trời Thiện kiến sống bốn ngàn đại kiếp, thân cao bốn ngàn dotuần.
Trời Thiện hiện sống tám ngàn đại kiếp, thân cao tám ngàn dotuần.
Trời Sắc cứu cánh sống một vạn sáu ngàn đại kiếp, thân cao một vạn sáu ngàn do-tuần (Trường A-hàm, Luận A-tỳ-đàm).
Cả hai trời Hóa lạc và Tha hóa, việc mặc y phục tùy tâm mà lớn nhỏ nặng nhẹ.
Cõi trời Sắc giới không cần mặc y phục, nếu có mặc thì đều giống nhau. Trên đầu không có búi tóc nhưng giống như đội mão trời, không có hình tướng nam, nữ, chỉ có một loại (kinh Khởi Thế, Nhân Bản).
* Về tuổi thọ của trời Vô sắc
Trời Không xứ sống hai vạn kiếp, trời Thức xứ sống bốn vạn kiếp, trời Vô sở hữu xứ sống sáu vạn kiếp, trời Phi phi tưởng xứ sống tám vạn đại kiếp.
Cả ba cõi đều có chết yểu. Chỉ có Bắc châu, trời Đâu-suất, thân sau cùng của Bồ-tát, trời Vô tưởng đều có thọ mạng nhất định, không có chết yểu (theo A-tỳ-đàm). Không xứ có hành định, hành tuệ, mỗi cõi đều một vạn kiếp. Thức xứ có hành định, tuệ mỗi cõi đều hai vạn kiếp. Còn hai địa trên chỉ có hành định có tướng gấp đôi cho nên chỉ sáu vạn, tám vạn (Bà-sa Luận).
Các trời do nghiệp báo sinh ra ánh sáng thân. Các trời cõi Dục lấy đèn đuốc minh châu… bố thí và do trì giới, thiền định thanh tịnh nên thân thường có ánh sáng. Các trời cõi Sắc hành thiền ly dục, tu Tam-muội hóa quang nên thân thường có ánh sáng hơn trời Dục giới. Như ánh sáng thường của Đức Thích-ca mỗi bên một trượng. Ánh sáng các trời rất lớn, tuy vô lượng do-tuần nhưng bên ánh sáng một trượng của Phật thì bị át mất không hiện.
Trời Tứ Thiên vương có bốn màu, xanh, đỏ, vàng, trắng. Các trời Dục giới màu cũng thế. Khi mới sinh nếu thấy hoa xanh thì thân có màu xanh (Trí Luận).
Pháp Uyển nói: Các trời Sắc giới lấy hỷ làm thức ăn. Trời Vô sắc giới lấy ý nghiệp làm thức ăn. Lại nói: Trời Sắc và Vô sắc giới đều lấy Thiền duyệt pháp hỷ làm thức ăn. Các trời Dục giới nào phước dày thì cam lộ đầy ly, trăm vị đều đủ. Kẻ phước mỏng tuy có ăn uống nhưng thường không vừa ý. Nên kinh nói: Thí như các trời cùng ăn uống, tùy phước đức mà màu cơm có khác. Bậc cao thấy màu trắng, bậc trung thấy màu vàng, bậc thấp thấy màu đỏ.
Kinh Y Chánh Pháp Niệm nói: Trời Dạ-ma trở lên đến hết cõi trời Sắc giới thì giàu nghèo đều bằng nhau. Trời Đao-lợi trở xuống thì báo có dày mỏng. Nên Kinh nói: Có trời phước mỏng bị đói chết xuống làm người cõi Diêm-phù thì thích ăn táo chua. Lại nói: Trời Tứ Thiên vương ăn vị Tu-đà trời. Vườn rừng ao vườn đều tự nhiên sinh ra tất cả mùi vị, các trời Dục giới ăn cũng như thế. Chúng sinh nào tu đủ thập thiện thì được quả báo trời Dục giới.
Người nào tu Thập thiện hữu lậu và định tương ứng thì được quả báo trời Sắc giới. Lại người nào có tu định Tứ không thì được báo trời Vô sắc giới (kinh Tam Giới Sai Biệt).
Tứ Vương Đao-lợi, nếu ai riêng tu Thượng phẩm Thập thiện thì được sinh. Nếu cõi trời Dạ-ma trở lên thì gồm tu định vị đáo vì chưa nhập vào định căn bản (Vị đáo định cũng gọi là định Dục giới. Pháp tu thấy đầy đủ trong Chỉ Quán).
Dạ-ma, Hán gọi là Thiện thời, vì lúc nào cũng ca hát vui sướng.
Đâu-suất, Hán gọi là Tri túc, vì đối cảnh ngũ dục mà sinh hỷ túc.
Hóa lạc là đối với cảnh biến hóa mà tự vui.
Tha hóa là đối với cảnh mình người đều có thể hóa dụng tự tại. Cả bốn trời trên đều ở giữa hư không (Tứ Giáo Nghi Tập Giải).
Dưới trời Phạm thân thì có các cung điện của Ma-la-ba-tuần (kinh Khởi Thế Nhân Bản). Trong hai cõi Dục và Sắc giới riêng có Ma cung. Ma đó lòng ganh ghét cũng như đá mài, mài mòn các công đức. Cung điện ấy rộng sáu ngàn do-tuần, tường cung bảy lớp (kinh Lâu Thán – Đại Luận nói: Ma-la dịch là Đoạt mệnh. Ba-tuần là tên của vua ma. Ngài La-thập nói: Hán dịch là Sát giả vì luôn muốn đoạt dứt tuệ mạng của người. Niết-bàn Sớ rằng: Nương vào Phật pháp mà được thiện lợi, không nghĩ việc báo ân lại muốn giết hại. Phụ Hành nói: Chữ Ma là từ đá. Từ đời Lương Võ Đế đến nay gọi ma là kẻ hay quấy rối người nên đổi lại là quỷ. Kinh Tịnh Danh nói: Phần lớn là Bồ-tát Bất Tư Nghì giải thoát ứng hiện làm Ma vương. Thùy Dục Ký nói: Trên cõi trời thứ sáu riêng có chỗ ở của Ma-la thuộc trời Tha hóa tức là “Ma Thiên tử”).
Đại phạm, Hán gọi là Ly Dục, trừ loại bị tội ở dưới đất, ở trên thì bay lên cõi Sắc (Pháp Hoa Sớ). Phạm vương không có chỗ ở riêng, chỉ ở giữa. Trời mà có lầu các cao là đó (Câu-xá Luận).
Đại phạm là vua, Phạm phụ là Quan, Phạm chúng là dân (Pháp Uyển Châu Lâm). Trời Thiểu quang có ánh sáng ít nhất, trời Vô lượng quang thì có ánh sáng hơn cõi trước. Trời Quang âm không có giác quán nói năng, lấy ánh sáng làm lời nói. Lại trời này nói chuyện thì miệng phóng ra ánh sáng. Trời Thiểu tịnh thì bỏ hỷ nhận lạc làm tịnh, chưa bằng ngôi vị trên nên là thiểu. Trời Vô lượng tịnh thì thanh tịnh hơn cõi trước. Trời Biến tịnh thì thanh tịnh cùng khắp, không có lỗi lầm. Trời Vô vân trở xuống cõi Tam thiền đều nương vào đây mà trụ, đến cõi Tứ thiền này thì mới ở giữa hư không (Lăng-nghiêm nói là: Trời Phước sinh). Trời Phước sinh, ai có sức phước thù thắng thì sinh lên đó (Lăngnghiêm nói trời Phước ái). Trời Vô tưởng, ngoại đạo ở cõi này chỉ nhận một thời gian tâm tưởng không hiện hành, nhận báo năm trăm kiếp vô tâm. Báo hết thì tâm liền nổi tà kiến, kiếp sau đọa địa ngục. Trời Quảng quả có quả báo hơn hết. Vô vân, Phước sinh, Quảng quả ba cõi này là chỗ ở của phàm phu.
Người tu Thượng phẩm Thập thiện, tu thiền thì được sinh lên ba cõi trời Vô phiền, vì không có kiến tư phiền não xen lẫn.
Trời Vô nhiệt vì lìa hết nhiệt não. Trời Thiện kiến vì định chướng dần dần suy yếu, thấy rất sáng suốt. Trời Thiện hiện, vì hình sắc biến đổi thù thắng có thể khéo biến hóa. Trời Sắc cứu cánh, vì sắc pháp cao tột nhất tức là chỗ rốt ráo. Năm cõi trời này gọi là năm Na-hàm (Hán gọi là Bất Lai, là chỗ ở của Thánh nhân quả thứ ba, cũng gọi là Ngũ tịnh cư, Ngũ bất hườn thiên).
Đồ hình về Đao-lợi Thiên Cung
* Về cõi Vô sắc
Trời Không xứ, vì người tu chán tai họa của lồng sắc, tâm muốn xuất ly, nên tu quán phá ba thứ sắc:
- Sắc khả kiến khả đối tức mắt thấy sắc trần.
- Sắc bất khả kiến khả đối, tức thinh trần vị xúc.
- Sắc bất khả kiến bất khả đối, ý duyên Pháp trần tức sắc vô biểu.
Trời Thức xứ, vì chán sợ hư không vô biên nên tu Quán bỏ cái không ở bên ngoài ở trước mà duyên với thức bên trong. Trời Vô sở hữu xứ thì ngoại cảnh gọi là Không, nội cảnh gọi là Tâm, bỏ hai cảnh này mà vào vô sở hữu.
Trời Phi phi tưởng xứ, tức không phải có tưởng thức xứ, cũng không phải không có tưởng vô sở hữu, bỏ hai thứ có và không mà vào định trên.
Tất cả chúng trời đều nói tiếng của Phật, đó là tiếng vùng Trung Ấn Độ, song không cần học hỏi mà tự nói hiểu (Luận Thuận Chánh Lý).
Có nghiệp sát, đạo, dâm, vọng, nếu sinh làm người thì nhan sắc tiều tụy, không có oai đức. Nếu có các nghiệp khác mà được sinh làm trời (như ở Đao-lợi) thì hình dung giảm kém, các đồ trang nghiêm báu có ánh sáng yết ớt. Thiên nữ đều ghét bỏ, các trời khác chê cười, nếu đánh nhau với A-tu-la tất bị họ giết (kinh Chánh Pháp Niệm).
Các trời khi sắp lâm chung thì năm tướng suy hiện ra:
- Y phục dơ bẩn.
- Hoa trên mão bị héo.
- Hai nách tiết mồ hôi.
- Thân thể có mùi hôi.
- Không thích ngồi tòa của mình (luận Tân-bà-sa).
Trong ba mươi hai cõi trời này chỉ có hai cõi là phàm phu ở. Đó là Đại phạm Thiên vương không thấu suốt nghiệp nhân. Nói rằng ta có thể tạo hóa ra tất cả trời đất muôn loài, vì có cao mạn này nên Thánh nhân không cùng ở chung. Còn trời Vô tưởng chỉ có ngoại đạo, do tu định Vô tưởng nên thọ báo vô tâm năm trăm kiếp, hưởng xong thì nổi tà kiến lại bị đọa vào địa ngục, do đó Thánh không sinh trong cõi đó. Có năm cõi chỉ riêng Thánh ở, gọi là Ngũ tịnh cư thiên. Phàm khi sinh vào đó đều tiến lên Hướng Na hàm. Thân được Tứ thiền, liền từ vô lậu mà khởi huân tu thiền nghiệp. Hoặc khởi một phẩm cho đến chín phẩm thì mới được sinh. Kẻ phàm phu không huân tu thiền nghiệp nên không được sinh vào các cõi này. Còn hai mươi lăm cõi trời kia thì Thánh Phàm cùng ở chung (Luận Bà-sa).
Bàn rằng: Luận thân ở cõi Vô sắc. Lúc đầu nói là không có chỗ thì luận Bà-sa nói rằng: Tứ không lìa báo có hình sắc, nhưng không có chỗ riêng, chỉ ở trong hai cõi Dục và Sắc giới mà thành tựu nghiệp Tứ không vô sắc.
Nói là không có thân, thì luận Câu-xá nói rằng: Không sắc không thân. Toản thì nói: Không có sắc nghiệp quả, không phải thân dị thục. Kinh Lăng-nghiêm nói: Trời Tứ không đó thì thân tâm dứt mất, định tánh hiện tiền, không có sắc nghiệp quả. Ngài Cô Sơn giải thích rằng: Không sắc nghiệp quả hiển bày nhưng có sắc định quả. Kế đến nói “có chỗ” thì Khởi Thế nói rằng: Bội Sắc cứu cánh có không xứ cho đến phi phi tưởng xứ đều gọi là chỗ ở của các trời. Kinh Hoa Nghiêm nói: Tỷ căn của Bồ-tát nghe được mùi hương cung điện ở Vô sắc giới. Nói có thân, thì A-hàm nói rằng: “Khi ngài Xá-lợi-phất mất thì trời Vô sắc khóc lệ rơi như mưa nhẹ mùa Xuân.” Kinh Nhân Vương nêu: Chúng trời Vô sắc. Còn kinh Trung Ấm nói: Như Lai đến cõi Vô sắc chư Thiên lễ bái. Đại Chúng Bộ thí nói: Chỉ không có sắc thô, không phải không có sắc tế. Tịnh Danh Sớ nói: Nếu không hiểu nghĩa giáo thì nói Vô sắc giới là Vô sắc, nếu hiểu nghĩa giáo thì nói Vô sắc giới là có sắc. kinh Niết-bàn nói: Sắc của cõi Vô sắc không phải hàng Thanh văn, Duyên giác biết được. Nay đều nói ở đây là theo nghĩa sau.
Bàn rằng: Luận về chúa trời thì có hai nghĩa chung riêng. Nếu luận chung thì Ma, Phạm ở Dục giới mỗi vị đều có nghĩa chúa. Thích Thiêm nói: Tứ Thiên vương là chúa bốn thiên hạ (đây nói tuần du thưởng phạt là chúa). Đại Luận nói: “Đế Thích làm chúa hai cõi trời (là Tứ Vương và Đao-lợi). Ma vương làm chúa Dục giới (ở trên đảnh Dục giới). Đại Phạm vương làm chúa trời ba cõi.” Tịnh Danh sớ nói: Đế Thích là chúa trời Địa cư còn Phạm vương là chủ thế giới Ta-bà, thống ngự cả đại thiên (thống ngự cả trên dưới). Thiên Nhân Cảm Thông Truyện đáp lời ngài Nam Sơn rằng: Ma vương tuy là chúa Dục giới, nếu Đế Thích, Tứ Vương hành trì Phật pháp thì Ma không thể chế phục được. Diệu Lạc nói: “Phạm tức là chúa cõi Sắc, cũng là Chúa ba cõi, Ma làm chúa cõi Dục.” Phụ Hành nói: Phạm Vương làm Chúa ba cõi, những vị khác là thuộc thần.
Về luận riêng, thì ở đây có ba:
1. Luận riêng về Phạm vương. Văn Cú nói: Phạm vương ở trong Thiền trung gian, trong có Giác Quán, ngoài có nói năng, được chúa thống lãnh làm vương, riêng tu thiền làm Phạm dân, có thêm Tứ vô lượng tâm thì làm chúa. Lại nói: Phạm vương ra hiệu lệnh thống trên quán dưới. Biệt Hành Sớ nói: Phạm tức chúa cõi Sắc tên là Thi-khí. Luận Tỳ-đàm nói: “Cõi Nhị thiền trở lên không có phép nói năng nên không lập vương.” Thiền môn nói: Sơ thiền có Tâm giác quán thì có phép nói năng, làm chúa thống lãnh chúng sinh dưới đất cho tiện.
2. Riêng luận về Ma-hê, thì Đại Luận nói: “Ma-hê-thủ-la có tám cánh tay, ba mắt, cưỡi trâu trắng.” Lại nói: Qua khỏi cõi trời Tịnh cư, có Thập trụ Bồ-tát hiệu Đại Tự Tại là chúa đại thiên giới. Kinh Quán Đảnh nói: “Chữ Đế Oai Linh.” Kinh Hoa Nghiêm nói: Chúa Đại thiên giới là Ma-hê-thủ-la. Niết-bàn Sớ nói: Nếu nói chúa cõi thế gian thì chín là Ma-hê-thủ-la. Phụ Hành nói: Ma-hê-thủ-la có thể che cả đại thiên được cử làm Thế Tôn coi là gốc tạo hóa.
3. Đối luận về Ma Phạm, Niết-bàn Sớ nói: Ma-hê-thủ-la ở trên đỉnh cõi Sắc làm chúa đại thiên giới. Như trong Pháp Hoa có nêu ra Phạm Thiên Vương là chúa thế giới. Kỳ thật vị này chỉ thống lãnh Tiểu Thiên. Kinh muốn nói tốt nên gọi là chúa mà thôi (Ngài Chương An xét định thế). Còn đây là ở giữa đại thiên nên được làm chúa đại thiên. Dưới bậc này mà không được làm chúa đại thiên Giới thì có đến vạn ức Phạm Vương. Đây là chỗ ở của Phạm Vương Thi-khí, ở chính giữa đại thiên nên gọi là chúa. Còn nơi khác chỗ ở các Phạm bị lệch (không còn chính giữa) nên không được làm chủ. Nên nay dứt khoát rằng: Ma-hê ở trên đỉnh cõi Vô sắc, vì báo thù thắng nên làm chúa, còn Phạm vương ở giữa đại thiên thống ngự nên là chúa.
Bàn rằng: Từ xưa nói về trời mà chưa biết nghĩa Tứ Thiền Bốn địa, do vì các văn quá rườm khó tách riêng. Nay căn cứ vào kinh Nhân Bản, A-tỳ-đàm, Bà-sa Luận… đều dùng tên trời, thứ lớp cao hơn, cách nhau xa xôi nhưng đều có chỗ ở. Các cách lập nghĩa chưa đủ làm bằng. Nay căn cứ vào Câu-xá Luận đã nói: Phạm Thiên không có chỗ ở riêng chỉ ở trong Phạm phụ nơi nào có lầu đài cao là đó. Pháp Uyển cũng nói: Đại phạm là vua, Phạm phụ là Quan, Phạm chúng là dân. Căn cứ vào đây thì ba trời đồng ở Sơ thiền chỉ là một địa mà thôi. Như bộ Tát-bà-đa vì thân và tuổi thọ của hai trời Vô tưởng và Quảng quả giống nhau, vì đồng ở một chỗ. Kinh Lăng-nghiêm nói: Từ trời Phước ái có hai nhánh rẽ: Phước đức tròn sáng thì gọi là trời Quảng quả, còn thân tâm đều diệt mất thì gọi là trời Vô tưởng (hai nhánh rẽ là phân hai loại. Đây đồng với nghĩa Tát-bà, vì đồng một chỗ vậy). Kinh lại nói: Trong đây lại có năm trời Bất hoàn (trong đây chỉ cho Tứ Thiền). Tứ Thiền bốn vị Thiên Vương chỉ có nghe theo mà không thể thấy biết. Như bậc A-la-hán ở đạo tràng thâm sơn của thế gian thì người thô thiển thế gian không thể thấy được. Căn cứ vào đây thì biết chỉ trời Quảng quả mới gọi là vua. Mà ở trong đây có đầy đủ là năm trời Na-hàm, một trời ngoại đạo cùng ở Tứ Thiền, chỉ một địa mà thôi. Tứ Đệ Thiền Môn nói: Trong Nhân Vương Kinh, Phật nói mười tám Phạm cũng nên có dân, có vua khác nhau. Trong Tứ Thiền có Đại tịnh vương. Kinh Anh Lạc nói: Các thiền đều có Phạm vương. Kinh Lăng-nghiêm cũng nói: “Tứ Thiền bốn vị Thiên vương.” Kinh Hoa Nghiêm nêu “Chúng có ba mươi chín vị.” Trong khoảng Dục giới thì các trời đều xưng vương, Sắc giới thì các Thiền đều xưng vương.” Còn các trời khác thì không nêu. Nay biết rõ là Sơ thiền coi Đại phạm là vương. Mà ba kinh đều nói bốn Thiền đều có vua (ba Kinh: Nhân Vương, Anh Lạc, Lăng-nghiêm), thì biết ba cõi trời Quang âm, Biến Tịnh, Quảng Quả đều có vua, còn các cõi khác thì có nghĩa một quan một dân. Nên nay căn cứ vào ý chỉ các Kinh Đại thừa là Từ Sơ thiền đến Tứ Thiền, lập làm bốn Địa gọi Quảng Quả là vua, Phước Ái là quan, Vô Vân là dân. Còn năm cõi Na-hàm, một cõi ngoại đạo thì ở nhờ trong trời Quảng quả. Cả chín cõi trời trên đều ở trong một địa Tứ Thiền (Nhị Thiền, Tam Thiền cũng theo lệ này). Hoặc vì thân và tuổi thọ ở các trời không đồng, cần phân chỗ ở khác nhau như các kinh luận Tiểu thừa. Song Phạm Vương, Phạm Phụ, Phạm Chúng thì thân và tuổi thọ dài ngắn không bằng nhau. Lại Quảng Quả và Vô Tưởng tuy là năm trăm kiếp, nhưng Quảng-quả thì có chết yểu, mà Vô Tưởng thì nhất định sống trọn quả báo. Do đây mà luận thì tuy thân và tuổi thọ không đồng vẫn không ngại gì đồng chỗ ở. Cũng như người Diêm-phù có người sống lâu cũng có người chết yểu. Vả lại Kinh Hoa Nghiêm nói các Thiên vương đều là Thập địa Bồ-tát, thì đây đều là lấy quyền mà dẫn thật. Ở trong trời mà hóa ra thật báo của trời để khiến họ thoát nghiệp trời mà được xưng vua. Nếu bảo vua mà phải tìm riêng một chỗ ở cùng cách ngăn với các trời khác, thì khi dùng họ làm vua, các cõi trời khác đâu thần phục kính ngưỡng họ. Nếu không luận điều này đâu không trái nghĩa dẫn thật ư? Có kẻ bảo Nhị Thiền trở lên không có phép nói năng (A-tỳ-đàm) thì làm sao giáo hóa được? Song trời Quang âm đã dùng ánh sáng làm tiếng nói, thời biết các trời ở Địa trên, các oai nghi tới lui đâu không phải ngôn giáo. Từ nghĩa này mà suy ra thì không điều gì không được.