PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 30

XIV: GHI VỀ BA ĐỜI PHẬT XUẤT HIỆN

Chư Phật ra đời từ nhiều kiếp lâu xa, trước đây chỉ trình bày sơ lược về lịch sử Đức Thích-ca. Nay căn cứ vào ba ngàn Như Lai để nói về bảy Phật nối tiếp nhau ra đời và tướng diệt của Tượng Pháp và Mạt Pháp của Phật đời nay. Nối tiếp là Đức Di-lặc hạ sinh đến cuối cùng là đức Lâu Chí thành Phật, cho đến kiếp Tinh Tú ở vị lai đều được ghi chép tóm tắt. Ở đây chỉ luận về việc hoằng hóa ở một cõi phía Nam núi Tu-di, mà có thể biết được khắp các cõi nước mười phương. Sư Kinh Khê nói: Tất có một bậc giác ngộ đầu tiên rồi đem Đạo này giác ngộ cho người sau, tiếp nối mãi không thôi, số người giác ngộ càng thêm nhiều cho đến mười phương ba đời chư Phật. Để nói rõ nghĩa này nên soạn ra phần ghi về ba đời chư Phật xuất hiện sau đây:

Tiếng Phạm gọi Kiếp-ba, Hán dịch là Phân biệt thời tiết (theo Trí Luận). Về tuổi thọ của loài người từ tám vạn bốn ngàn tuổi, cứ mỗi trăm năm thì giảm đi một tuổi, giảm đến còn mười tuổi. Rồi một trăm năm lại tăng lên một tuổi (hoặc gọi là con hơn tuổi cha) và tăng mãi đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Trong thời gian một lần giảm và một lần tăng gọi là một tiểu kiếp. Cứ hai mươi lần tăng giảm là một trung kiếp. Cứ tổng số thành trụ hoại không trong bốn trung kiếp là một đại kiếp (theo luận Tân-bà-sa). Nay luận về ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai thì mỗi đời có một đại kiếp.

Kiếp Quá khứ trang nghiêm (kiếp này có Thành trụ hoại không mỗi thứ là hai mươi tiểu kiếp).

Kiếp Thành có hai mươi tiểu kiếp (mỗi tiểu kiếp có một lần tăng một lần giảm sau phỏng theo đây).

Kiếp Trụ có hai mươi tiểu kiếp. Có ngàn Phật nối tiếp ra đời. Đứng đầu là Phật Hoa Quang và cuối cùng là Phật Tỳ-xá-phù (bảy Phật ở quá khứ thì có ba Phật ở kiếp Trang nghiêm và bốn Phật ở Hiền kiếp hiện tại).

Hàng thứ chín trăm chín mươi tám là Phật Tỳ-bà-thi. Ngài họ Câu-lợi-nhã, cha là Bàn-đầu, mẹ là Bà-đề, con là Phương Ưng, Thị giả là Vô Ưu. Lúc người sống tám vạn tuổi thì ngài ra đời. Ngài ở thành Bát-đầu-bà-đề, ngồi dưới cây Ba-ba-la mà nói pháp ba hội độ cho ba mươi bốn vạn tám ngàn người.

Hàng thứ chín trăm chín mươi chín là Phật Thi-khí. Ngài họ Câulợi-nhã, cha là Minh Tướng, mẹ là Quang Diệu, con là Vô Lượng, thị giả là Nhẫn Hạnh. Lúc người sống bảy vạn tuổi thì ngài ra đời. Ngài ở thành Quang Tướng, ngồi dưới cây Phân-đà-lợi mà thuyết pháp ba hội độ cho hai mươi lăm vạn người.

Hàng thứ một ngàn là Phật Tỳ-xá-phù. Ngài họ Câu-lợi-nhã, cha là Thiện Đăng, mẹ là Xưng Giới, con là Diệu Giác, thị giả là Tịch Diệt. Lúc người sống sáu vạn tuổi thì ngài ra đời. Ngài ở thành Vô Dụ, ngồi dưới cây Ta-la mà nói pháp độ được mười ba vạn người (theo kinh Trường A-hàm). Xét theo kinh Bồ-tát Bản Hạnh thì từ Tỳ-bà-thi… ba Phật cách nhau kiếp số rất xa không giống như ở kiếp Trang nghiêm. Nay nói bảy Phật phần lớn đều theo nghĩa ba ngàn Phật ở ba đời của kinh Dược Vương và Kinh A-hàm.

Kiếp Hoại hai mươi tiểu kiếp.

Kiếp Không hai mươi tiểu kiếp (bốn Tướng Thành – Trụ – Hoại – Không đều thấy ở trong Hiền kiếp nói sau).

Kiếp hiện tại Hiền kiếp vì có nhiều hiền nhân nên gọi là Hiền kiếp (theo Trí Luận).

Kiếp Thành hai mươi tiểu kiếp, từ sau kiếp hoại Không của kiếp Quá khứ trang nghiêm cho đến nay.

Khi Hiền kiếp mới thành lập thì ở cõi trời Quang âm trên không trung đầy mây sắc vàng khắp che cõi Phạm thiên. Mưa lớn trút xuống hạt to như trục xe chứa trên tầng Phong luân kết thành tầng Thủy luân. Nước dâng lên đến cõi Thiên trụ. Mưa tạnh rồi thì nước rút, bấy giờ gió lớn nổi lên, thổi nước thành bọt văng lên không trung tạo thành cung điện Phạm thiên bằng bảy báu. Nước lại rút xuống và gió thổi như trước, khiến bọt nước tạo thành cung điện Ma-la-ba-tuần. Kế đến tạo cõi trời Tha hóa tự Tại lần lượt đến cung điện Dạ-ma thiên. Nước lại rút xuống, gió lớn lại nổi lên, thổi bọt nước tạo ra núi Tu-di, bằng bốn báu hợp thành. Lại thổi bọt nước tạo ra cung điện bảy báu của cõi trời Tam thập tam. Lại ở lưng chừng núi tạo ra cung điện Tứ Thiên vương và mặt trời, mặt trăng, các sao, cung điện bằng bảy báu. Rồi tạo ra cung điện của các loại Dạ-xoa Phả Lê ở giữa không trung. Lại ở bốn mặt núi Tudi thì tạo ra thành của Tu-la cũng trang nghiêm bằng bảy báu. Lại thổi bọt nước tạo ra núi Thất Kim, bốn Đại Châu, tám vạn Tiểu Châu vây quanh một Tiểu Luân Thiết Vi do Kim Cang tạo ra. Như thế gió lớn nổi lên thổi xoáy vào đất bằng khiến càng sâu thêm rồi đặt vùng nước lớn vào đó tạo nên bảy biển nước thơm và biển nước mặn. Rồi ở dưới đất bằng thì tạo ra cung điện Viêm Ma La là nơi ở của Địa Ngục. Như thế cả tam thiên thế giới cùng thành trong một lúc. Ngoài ra còn tạo núi Đại luân vi bao quanh các cõi đại thiên này. Trong đó cả cõi trời Lục dục. Núi Tu-di, mặt trời, mặt trăng, bốn châu cho đến núi Tiểu thiết vi mỗi thứ đều có cả vạn ức. Đây là căn cứ vào hai mươi lần tăng giảm thứ lớp mà thành (theo kinh Khởi Thế).

Tiểu kiếp thứ nhất (gồm giảm và tăng), sau kiếp hoại quá khứ, tất cả loài hữu tình từ lâu tụ họp trong cõi trời Quang âm, nên số thiên chúng càng đông đảo chật hẹp, những kẻ giảm phước thì bị sinh vào các cõi dưới.

Cõi thế gian đầu tiên có một Thiên tử từ cõi Quang âm chết rồi sinh vào cung điện cõi Đại phạm, đó là Phạm vương, trải một lần giảm một lần tăng liền nghĩ rằng không có dân phạm nào đến sinh ở chỗ ta (Phạm Vương tứ lúc mới sinh ra đến khi chết đi trải qua Thành – Trụ – Hoại. Không sáu mươi tiểu kiếp làm một đời sống).

Tiểu kiếp thứ hai (gồm giảm và tăng), lúc đó các trời Quang âm đến sinh vào Phạm thế làm Phạm phụ thiên (có tuổi thọ bốn mươi tiểu kiếp, tức là kiếp tăng giảm thứ hai của kiếp Thành đến kiếp tăng giảm thứ nhất thì chết).

Tiểu kiếp thứ ba (gồm giảm và tăng). Các trời Quang âm đến sinh vào Phạm thế làm trời Phạm chúng (tuổi thọ hai mươi Tiểu kiếp tức là từ kiếp tăng giảm thứ ba của kiếp Thành đến kiếp tăng giam thứ nhất của kiếp trụ thì mất. Hoặc nói theo đây mà sinh thì trước sau bất định và khi chết thì cũng trước sau bất định). Dần dần sinh xuống các cõi trời Lục dục và cõi người. Lại do sức ác nghiệp mà dần dần sinh vào ngạ quỹ, bàng sinh và địa ngục. Sau thành thì trước hoại, pháp đó cứ như thế. Lúc đó các trời Quang âm hết phước lại hóa sinh làm người. Hoặc do ham nhìn thấy đất mới, ánh sáng chiếu xa bay đi tự tại không có tướng nam nữ, cả chúng đông cùng sinh nên gọi là chúng sinh. Đất phun suối ngọt có vị như cháo mật, lấy tay chấm vào nếm thử liền đam mê mùi vị, mất cả thần túc và ánh sáng ở thân. Lúc đó thế gian tối đen nhờ gió thổi biển mà xuất hiện mặt trời, mặt trăng ở khoảng lưng chừng núi Tu-di soi khắp thiên hạ. Bấy giờ loài người thấy mặt trời hiện ra thì mừng vui, lặng mất thì sợ sệt. Từ đó bèn có ngày đêm sáng tối, xuân thu các mùa năm tháng… hết vòng thì lại bắt đầu. Do mê đắm vị đất mà nhan sắc xấu xí. Vị đất mất đi thì sinh ra cây rừng dây leo (kinh Lâu Thán nói là hai cây Bồ Đào) rồi cùng mê đắm ăn uống. Khi rừng dây leo biến đi thì liền sinh các lúa thóc tự nhiên không có chất đường nhưng đủ các mùi vị thơm ngon. Ăn thứ này vào dần dần tích tụ các chất bả dơ trong thân, muốn thải bỏ đi tất phải do hai đường đại tiểu. Do đó mà thành căn nam nữ. Người có tính dục nhiều thì sinh làm nữ. Do nghiệp lực đời trước bèn có dâm dục rồi thành vợ chồng cùng sống chung. Các trời Quang âm sau sinh làm người đều vào thai mẹ, bèn có thai sinh. Lúc đó trước hết loài người tạo ra đại thành Chiêm-bà rồi đến tất cả thành quách. Các thứ gạo thóc tự nhiên sáng gặt thì chiều chín, cắt xong lại mọc ra, hạt gạo dài bốn tấc. Lúc đó chúng sinh chỉ lấy hai ngày lương cho đến năm ngày. Dần dần sinh ra lúa thóc cắt rồi không sinh ra nữa. Các thứ lúa thóc ấy hư mất thì sinh buồn rầu. Mỗi người tự phong cho mình ruộng đất nhà cửa và tự gieo trồng. Sau đó có nhiều trộm cướp chiếm lấy ruộng lúa người khác, bèn sinh ra tranh cãi đánh đấm nhau, nhưng không giải quyết được. Bèn thương nghị lập ra một Bình đẳng vương để thưởng thiện phạt ác. Bèn có dao gậy giết chóc trị tội. Mọi người phải cung cấp cho vị ấy gọi là Sát-đế-lợi (Hán gọi là Điền chủ). Từ đó các vua lấy đây làm đầu. Lúc đó cõi Diêm-phù-đề rất giàu có yên vui, cả nhân dân trong tám vạn quận quốc xóm làng đều nghe tiếng gà gáy liền nhau, không có bệnh hoạn, không nóng quá lạnh quá, ai cũng đều tu thập thiện, dùng chánh pháp để trị nước, nhân dân yêu kính nhau mạng sống rất dài lâu (các kinh phần nhiều đều nói sống hết tám vạn bốn ngàn tuổi kể cả số tăng giảm mà không nói là rất lâu). Sau vì vua không thực hành chánh pháp nên số tuổi giảm dần. Khi đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì thân người cao tám trượng. Cứ một trăm năm giảm một tuổi thì thân giảm đi một tấc. Như thế giảm còn mười tuổi thì thân còn một thước, gọi là Tột kiếp giảm. Sau đó cứ một trăm năm lại tăng một tuổi (có kinh nói con hơn tuổi cha, dẫu có việc này tăng giảm không bằng nhau), tăng mãi đến tám vạn bốn ngàn tuổi, gọi là tột Kiếp Tăng. Một lần giảm một lần tăng hết một lượt thì bắt đầu trở lại. Khi tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì có Kim Luân vương ra đời, có ngàn con bảy báu, cai trị bốn cõi thiên hạ, đất nước phì nhiêu hưng thịnh, con gái năm trăm tuổi mới lấy chồng. Sau đó khi gặp mỗi đầu kiếp tăng đều có Kim Luân vương ra đời (theo kinh Trường A-hàm).

Tiểu kiếp thứ tư (gồm giảm và tăng) cho đến tiểu kiếp thứ hai mươi (gồm giảm tăng) đó là:

Kiếp Trụ hai mươi tiểu kiếp:

Tiểu kiếp thứ nhất (gồm giảm tăng). Các trời Quang âm đến sinh vào cõi Phạm thế. Đầu tiên là trời Phạm chúng đến đây, tuổi thọ đủ hai mươi tiểu kiếp.

Tiểu kiếp thứ hai (giảm tăng). Tiểu kiếp thứ ba (giảm tăng). Tiểu kiếp thứ tư (giảm tăng). Tiểu kiếp thứ năm (giảm tăng). Tiểu kiếp thứ sáu (giảm tăng). Tiểu kiếp thứ bảy (giảm tăng). Tiểu kiếp thứ tám (giảm tăng). Tiểu kiếp thứ chín (giảm tăng).

Khi loài người giảm đến năm vạn tuổi thì Đức Phật thứ nhất là Câu-lưu-tôn ra đời, họ là Ca-diếp, cha là Lễ Đức, mẹ là Thiện Chi, thị giả là Thiện Giác, con là Thượng Thắng. Ngài ở thành An hòa, ngồi dưới cây Thi-lợi-sa mà nói pháp, một hội độ được bốn vạn người.

Khi giảm đến bốn vạn tuổi thì Đức Phật thứ hai là Câu-na-hàm Mâu-ni ra đời. Ngài họ Ca-diếp, cha là Đại Đức, mẹ là Thiện Thắng, thị giả là An Hòa, con là Đạo Sư. Ngài ở thành Thanh Tịnh, ngồi dưới cây Ô Tạm Bà-la-môn mà thuyết pháp, một hội độ được ba vạn người.

Khi giảm còn hai vạn tuổi thì Đức Phật thứ ba là Ca-diếp ra đời. Ngài họ Ca-diếp, cha là Phạm Đức, mẹ là Tài Chủ, thị giả là Thiện Hữu, con là Tập Quân. Ngài ở thành Ba-la-nại ngồi dưới cây Câu-niluật mà thuyết pháp, một hội độ được hai vạn người.

Khi giảm còn một trăm tuổi thì Đức Phật thứ tư là Thích-ca Mâuni ra đời. Khi xưa lúc giảm còn một vạn tuổi, Phật quán sát thấy chúng sinh không có cơ độ được, đến lúc còn một trăm tuổi, kiếp cuối bức bách khổ sở, nên ngài ra đời (theo kinh Trường A-hàm và Luận Đại Trí Độ).

Khi giảm còn tám mươi sáu tuổi thì chánh pháp dứt mất một ngàn bốn trăm năm.

Xét theo Pháp Trụ Ký, Phật bảo ngài A-nan rằng: Sau khi ta diệt độ thì Chánh pháp là một ngàn năm, nhưng do có người nữ xuất gia nên giảm còn năm trăm năm và Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt pháp một vạn năm. Trong Thiện Kiến Luận bảo rằng: Lúc đầu Phật không độ người nữ, sau Phật nói cho Pháp Bát Kỉnh nên chánh pháp lại được một ngàn năm. Pháp Uyển thì nói: Thiên Nhân đáp lời ngài Nam Sơn rằng: Cây Tích trượng của Phật để lại hang Rồng suốt bốn mươi năm, vì sau khi Như Lai diệt độ thì có Phi Hành La Sát có thể nói giảng được mười hai Bộ Kinh, giả làm Thiện Tỳ-kheo mà ăn thịt các Tỳ-kheo trì giới mỗi ngày đến bốn trăm người. Sau đoạn bỏ tội ác này bèn vào ở trong hang Rồng nên khiến Chánh pháp tăng thêm bốn trăm năm, Tượng pháp tăng một ngàn năm trăm năm, Mạt pháp tăng hai vạn năm.

Khi giảm còn bảy mười tám tuổi vào khoảng tám trăm năm của tượng pháp, chính là tuổi thọ ngày nay vậy (vì sau khi Phật diệt độ hai ngàn hai năm thì tuổi thọ giảm đi hai mươi hai năm, đó là năm Thuần Hựu thứ mười một, đời Tống Lý Tông).

Khi giảm còn sáu mươi mốt tuổi thì không còn tượng pháp, tức hai ngàn năm trăm năm (xem giải thích trước).

Khi giảm còn ba mươi tuổi thì vào thời mạt pháp ba ngàn một trăm năm, người cao ba thước, lúc đó nạn đói khát nổi lên, do nhân dân đều làm thập ác, các thứ cỏ rau gạo thóc năm thứ vị ngon đều biến mất, bấy giờ chỉ nấu xương khô coi như đại yến tiệc. Nếu gặp một hạt gạo thì giấu đi như một báu vật, sáu, bảy năm trời không hề mưa, nước còn không có huống gì ăn uống. Phần nhiều người đều chết đói, phố chợ vắng tanh. Đến bảy năm bảy tháng bảy ngày thì tai ương này mới dứt. Bấy giờ có một người tập họp các nam nữ có phước đức lại được khoảng vạn người để lưu truyền nòi giống loài người. Kẻ nào làm thiện khi muốn ăn uống trời sẽ mưa xuống (trích các văn của A-tỳ-đàm Luận, Du-già Đối Pháp Luận, Kinh Trung A-hàm, Trang Thung Lục…).

Khi giảm còn hai mươi tuổi thì vào thời mạt pháp còn bốn ngàn mốt năm. Người cao hai thước. Khi đó tai ương dịch nạn nổi lên, do người làm ác quá nhiều, phần lớn đều bệnh chết không ai chôn cất, quận ấp hoang vắng, chỉ còn ít nhà. Trải suốt bảy tháng bảy ngày nạn ấy mới dứt, chỉ còn sót lại một vạn người lưu truyền nòi giống. Người nào làm thiện khi cần cơm ăn áo mặc trời sẽ mưa xuống.

Khi giảm còn mười tuổi thì vào lúc mạt pháp còn năm ngàn một trăm năm, người cao một thước. Con gái mới năm tháng đã gã chồng. Khi đó tai ương binh đao nổi lên, do người làm ác càng dữ, ai nấy đều khởi lòng giết hại. Những kẻ làm ác sẽ được mọi người kính trọng, dù cầm cỏ cây ngói đá đều biến thành dao kiếm, rồi giết hại lẫn nhau, kẻ chết ngang vô số. Có người ghét ác chạy vào núi ẩn trốn. Suốt bảy ngày bảy đêm nạn này mới dứt, chỉ còn khoảng một vạn người lưu truyền giống. Những kẻ lẫn trốn bấy giờ xuất hiện, nhìn thấy nhau khởi lòng thương xót, cùng làm các pháp lành, nếu cần cơm áo thì trời liền mưa xuống. Do hay làm lành nên tuổi thọ lại tăng và cứ trăm năm thì tuổi thọ lại tăng một tuổi (từ trên gọi là Tiểu Tam Tai, chỉ hư hại chánh báo, nếu gặp Đại Tam Tai thì y chánh đều hoại).

Khi tuổi thọ người Nam Thiệm-bộ châu còn mười tuổi thì kiếp đao binh giết hại lẫn nhau, Phật pháp lúc đó tạm tiêu mất (theo Pháp Trụ Ký).

Khi tăng đến bốn mươi chín tuổi thì vào lúc mạt pháp là một vạn năm, Bồ-tát Nguyệt Quang ra đời ở nước Chân Đan (tức Đông độ Chấn Đán) nói pháp trọn 52 năm rộng độ chúng sinh, sau khi nhập Niết-bàn thì các Kinh Thủ-lăng-nghiêm, Kinh Ban Chu Tam-muội mất trước, còn các kinh khác cũng lần lượt tiêu mất. Chỉ Kinh Vô Lượng Thọ còn lại khoảng một trăm năm, rộng độ chúng sinh, sau đó mới mất (theo kinh Bản Khởi, Kinh Vô Lượng Thọ nói: Ở đời đương lai các kinh mất hết, ta vì từ bi thương xót, khi đó lưu lại kinh này chỉ trong một trăm năm. Nếu có chúng sinh nào gặp được Kinh này, theo ý mong ước đều được độ thoát. Nam Nhạc Nguyện Văn nói rằng: “Con nay thệ nguyện khiến Kinh này không mất cho đến khi Đức Phật Di-lặc ra đời.”)

Khi tăng đến một trăm tuổi thì vào thời mạt pháp là một vạn năm ngàn một trăm năm, người Nam Thiệm-bộ châu lại tu thiện. Lúc đó mười sáu vị A-la-hán cùng các đệ tử sinh vào cõi người, hiển bày chánh pháp vô thượng, độ vô lượng chúng sinh khiến họ đều xuất gia (theo kinh Pháp Diệt Tận, Pháp Trụ Ký).

Khi tăng đến hai trăm bốn mươi bốn tuổi thì vào lúc mạt pháp là hai vạn chín ngàn năm trăm năm. Khi Pháp sắp mất còn năm trăm năm thì người thời ấy nhất tâm tu Pháp Hoa Tam-muội, liền được sáu căn thanh tịnh. Cho nên biết mạt pháp cũng có người nhập vào cơ Đại thừa (theo Tịnh Danh Sớ dẫn Phổ Hiền Quán Kinh).

Khi tăng đến hai trăm bốn mươi chín tuổi, thì mười sáu vị La-hán hoằng pháp đã xong(từ người đời đến nay trở đi ứng với năm ngàn năm thuyết hóa) lấy tất cả kinh điển xá-lợi góp lại xây dựng tháp, ngồi kiết già và đi nhiễu tháp ấy. Sau đó thì cả mười sáu vị La-hán và tháp đều biến mất. Đó là tướng diệt tận. Từ đó có ngàn ức vị Bích-chi-phật ra đời nói pháp làm lợi ích chúng sinh (Theo Kinh Pháp Diệt Tận – Pháp Trụ Ký nói: Khi người sống bảy vạn tuổi thì mười sáu vị La-hán dùng bảy báu tạo tháp. Các di thân đà đô của Đức Thích-ca ở khắp nơi đều đem để vào tháp, cúng dường hương hoa và thưa rằng: “Trước đây chúng con nhận lệnh hộ trì chánh pháp đã làm lợi ích cho hàng trời người. Pháp Tạng đã mất, các kẻ có duyên đã tròn đủ, nay xin từ biệt để diệt độ”. Nhân sức định nguyện từ trước, nên lửa tự nổi lên đốt thân cả mười sáu vị La-hán. Bấy giờ Tháp bèn chui vào đất trụ vào tầng Kim Cang. Lúc đó chánh pháp của Đức Thích-ca đã diệt mất. Từ cõi thế gian đó có bảy trăm câu-chi Độc giác cùng một lúc xuất hiện ra đời. Khi người sống tám vạn tuổi, các Thánh Chúng Độc Giác đều diệt độ thì tiếp sau đó Đức Di-lặc Như Lai sẽ ra đời ở thế gian (Ký nói Phật pháp dứt mất trong bảy vạn năm cách mạt pháp rất xa. Nay theo kinh nói bảy trăm tuổi là đúng).

Khi người tăng đến hai vạn tuổi thì có Thiết Luân vương ra đời, một mình cai trị cả Nam Thiệm-bộ châu (theo Câu Xá Luận – Kim Ngân Đồng Thiết Luân trị một, hai, ba, bốn châu. Thiết Luân vương coi một châu, Kim Luân vương coi bốn châu).

Khi người tăng đến bốn vạn tuổi, thì Đồng Luân vương ra đời trị vì hai châu Đông và Nam. Khi tăng đến sáu vạn tuổi thì Ngân Luân vương ra đời trị vì ba châu Đông, Tây, Nam).

Khi người tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì Kim Luân vương ra đời, trị vì cả bốn Thiên hạ. Luân vương thành tựu bảy báu:

1. Kim luân báu. Nếu Thánh vương ra đi thì Kim luân báu chợt hiện ra trước ngài, bánh xe có ngàn căm do thợ trời làm ra đường kính bánh xe một trượng. Thánh vương thấy xe liền lấy tay vỗ nhẹ vào bánh xe bảo: “Nên đi về phương Đông”, thì bánh xe đúng theo phép liền chuyển về phương Đông, Vương Tướng bốn binh đi theo sau. Các Tiểu Vương ở phương Đông đến lạy thưa rằng: “Lành thay Đại Vương! Xin ngài trị vì nơi đây.” Bấy giờ Thánh vương phán rằng: “Các ông nên dùng chánh pháp mà trị vì dạy dỗ chớ nên thiên lệch oan uổng.” Các vua tuân lời. Liền theo Thánh vương đi tuần tra khắp các nước cho đến ngoài biển Đông. Thánh vương theo bánh xe đến các phương Nam, Tây, Bắc cũng thế.

2. Voi Trắng Báu. Vua ngồi trên điện bỗng voi trắng hiện ra trước, vua thử tập luyện rồi lên ngồi. Buổi sáng sớm, voi ra khỏi thành chở vua đi khắp bốn biển, giờ ăn đã trở về.

3. Ngựa Xanh Báu: Chợt hiện ra trước vua, buổi sáng sớm ra đi đến giờ ăn thì trở về.

4. Thần Châu Báu: Bỗng hiện ra trước vua, gắn trên cây cờ cao chiếu sáng một do-tuần. Người trong thành đều bắt đầu làm việc gọi đó là ngày.

5. Ngọc Nữ Báu, bỗng hiện ra trước vua, nhan sắc đoan trang, mùa Đông thì ấm, mùa hè thì mát.

6. Cư Sĩ Báu (Các kinh khác gọi là Điển Tài Báu) bỗng nhiên hiện ra. Các kho báu trong đất đều thấy biết cả.

7. Chủ Binh Báu: Bỗng nhiên hiện ra, mưu trí mạnh mẽ chuyên việc đánh dẹp.

Đó là thành tựu bảy Báu Luân vương (theo kinh Trường A-hàm).

Tiểu kiếp thứ mười (giảm và tăng). Khi giảm đến tám vạn tuổi thì Đức Phật thứ năm là Di-lặc ra đời. Khi đó đất cõi Diêm-phù-đề bằng phẳng và như lưu ly, bụi cây rừng rậm sum xuê, cao ba mươi dặm. Có tám vạn bốn ngàn bảo thành nhỏ ở khắp thiên hạ, ở giữa có thành lớn tên là Xí-đầu-mạt, lâu đài bảy báu, bảy lớp hàng cây, vườn rừng ao tắm, nước Bát công đức, ngõ hẻm đường lớn rộng mười hai dặm. Cõi nước an ổn không có oán thù trộm cướp cùng các tai ương về nước lửa, đao binh, đói khát. Có cột minh châu cao mươi hai dặm, sáng hơn mặt trời chiếu sáng suốt ngày đêm. Khi gió thơm thổi đến thì châu trên cột mưa xuống các chuỗi anh lạc, mọi người lượm lấy mà dùng. Các lưới báu giăng che trên thành, khi gió thổi thì chuông giảng nói về quy y Phật, Pháp, Tăng. Thân người cao một trượng sáu, sống trọn tám vạn tuổi, không hề chết giữa chừng. Các cô gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Mỗi ngày nhận được các diệu lạc đi sâu vào Thiền Định như ở trời Tam Thiền. Mọi người đều có tứ tâm cung kính hòa thuận nhau, ấy là điều do Đức Di-lặc từ tầm dạy dỗ. Vì họ giữ giới không giết hại nên chỉ có ba bệnh: Một là ăn uống, hai là tiêu tiểu, ba là già yếu. Có loại gạo thơm ngon, một lần trồng bảy lần gặt hái, đủ trăm mùi, ăn vào liền tiêu hóa, khi tiêu ra thì đất nứt và mọc lên hoa sen đỏ để che mùi xú uế. Khi người nào già thì tự đến gốc cây ngồi niệm Phật chờ chết và được sinh vào cõi trời Đại phạm và ở trước chư Phật. Có vị Chuyển luân vương tên là Nhương Khư có ngàn con bảy báu, có bốn kho tàng lớn đầy cả châu báu. Mọi người nhìn thấy nhưng không có tâm tham đắm, ai nấy bảo nhau rằng: Các chúng sinh thời xa xưa của Phật Thích-ca vì tranh giành cướp giật của báu này mà gây bao nhiêu tội sinh tử. Khi ấy Bồ-tát Di-lặc ở cung trời Đâu-suất sắp xuống làm Phật nên gá sinh vào nhà một Bà-la-môn, cha tên là Tu-phạm-ma, mẹ tên là Phạm-ma-bạtđề. Khi gá thai hạ sinh thì thân có sắc vàng ròng đủ ba mươi hai tướng, ngồi hoa sen báu ánh sáng chói lòa, thân cao ba mươi hai trượng, như núi vàng ròng. Ngài chánh niệm quan sát khổ, không, vô thường, không thích ở nhà. Khi đó vua Nhương Khư cầm đài bảy báu dâng lên, ngài Di-lặc nhận xong đem cho các Bà-la-môn, họ liền đập ra và chia nhau. Ngài Di-lặc thấy đài báu vô thường trong phút chốc liền biết các pháp hữu vi đều bị mài mòn tiêu mất, nên tu tưởng vô thường khen ngợi kệ vô thường của chư Phật quá khứ:

Các hạnh vô thường
Là pháp sinh diệt
Sinh diệt hết rồi
Vắng lặng là vui.

Nói lời kệ xong ngài liền xuất gia học đạo. Ngài đến ngồi dưới gốc cây Bồ-đề Long Hoa, tại đạo tràng Kim Cang Trang Nghiêm ở ngoài thành Xí-đầu-mạt (cành lá như Rồng báu nhã ra trăm hoa báu, nên gọi Long Hoa). Ngay đầu hôm ngày ấy, ngài hàng ma và thành đạo, các trời Tứ Thiên Thích Phạm thỉnh ngài chuyển pháp luân. Khi đó vua Nhương Khư cùng tám vạn đại thần cùng xin xuất gia, râu tóc tự rụng liền thành Sa-môn. Bấy giờ Đức Phật Di-lặc cùng vua Nhương Khư và các Tỳ-kheo Tăng, Thiên Long Bát Bộ vào giữa thành Xí-đầumạt. Chỗ ấy, Kim cang bảo tòa mà chư Phật Quá Khứ đã ngồi, tự nhiên vọt lên. Đức Phật liền ngồi tòa ấy mà chuyển pháp luân. Các Bà-lamôn và Trưởng giả Tu-đạt-na lúc đó chính là Trưởng giả Tu-đạt bây giờ. Bảo Nữ của Chuyển luân vương (tức Ngọc Nữ báu) Xá-di-bà-đế lúc đó, nay là Bà-tỳ-xá-khư, thân tộc Tu-ma-đề của Di-lặc lúc đó nay là Tỳ-kheo Thiện Hiền, mỗi người cùng tám vạn bốn ngàn người xuất gia học đạo lúc đó, nay là vua Nhương Khư và ngàn con xuất gia, chỉ để một con nối dõi ngôi vua. Đức Thế Tôn Di-lặc ở Hội đầu từ tòa Kim cang nói pháp, có chín mươi sáu ức người được quả A-la-hán, ở Hội thứ hai, tại vườn Hoa lâm ngoài thành nói pháp, có chín mươi bốn ức người được quả A-la-hán. Hội thứ ba cũng ở vườn Hoa lâm nói pháp, có chín mươi hai ức người được quả A-la-hán (theo Tây vức Ký – Ở nước Ba-lanại nơi Đức Di-lặc được thọ ký thành Phật, Phật bảo ngài Di-lặc rằng: Số người được độ trong cả ba Hội nói pháp đều là số chúng sinh đã gieo trồng phước đức trong pháp của ta để lại, các hàng xuất gia, tại gia, trì giới, phạm giới đều nhờ ngài hóa độ mà chứng quả giải thoát. Độ xong ba Hội, ngài bèn độ các bạn lành đồng duyên). Lúc bấy giờ Đức Di-lặc cùng vô số người lên đỉnh núi Kỳ-xà-quật, đưa tay rờ ngọn núi thì ngài Ma-ha Ca-diếp liền xuất định cầm y Tăng-già-lê trao cho ngài Di-lặc, rồi vọt mình lên hư không làm mười tám phép thần biến rồi nhập Niếtbàn. Chúng liền thu nhặt xá-lợi của thân xây tháp thờ trên đỉnh núi. Đức Di-lặc trụ thế sáu vạn năm. Sau khi nhập diệt thì hàng trời người thu nhặt xá-lợi, ở khắp bốn thiên hạ xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp. Chánh pháp trụ thế được sáu vạn năm, tượng pháp cũng sáu vạn năm (trích chung trong các kinh Di-lặc Hạ Sinh, kinh Di-lặc Lai Thời, kinh Di-lặc Thành Phật, kinh Hiền Ngu, kinh Bồ-tát Xử Thai thì cách đời Dilặc năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm. Kinh nào cũng nói năm mươi ức bảy ngàn sáu mươi vạn năm. Còn kinh Di-lặc hạ sinh, kinh Thượng Sinh đều nói là năm mươi sáu ức vạn năm. Trang Thung Lục thì nói từ khi Phật diệt độ đến khi Đức Di-lặc hạ sinh thì có tám trăm tám mươi vạn chín ngàn hai trăm năm. Các thuyết nói không giống nhau cũng chưa từng thấy sửa sai).

Tiểu kiếp thứ mười một (giảm và tăng) – Tiểu kiếp thứ mười hai (giảm và tăng) – Tiểu kiếp thứ mười ba (giảm và tăng) – Tiểu kiếp thứ mười bốn (giảm và tăng) – Tiểu kiếp thứ mười lăm (giảm và tăng). Trong Kiếp giảm này từ Phật Sư Tử thứ sáu đến Phật Dục Lạc gồm có chín trăm chín mươi bốn Phật nối nhau ra đời nói pháp độ người (theo kinh Dược Vương và luận Câu-xá).

Đức Phật bảo vua Tần-bà-ta-la rằng: “Ở thời quá khứ khi Phật Nhiên Đăng diệt độ rồi, có một con khỉ đột thấy vị A-la-hán nhập định bèn đến lấy tọa cụ đắp vào làm ca-sa rồi đi nhiễu quanh vị Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo xuất định bèn giảng nói cho khỉ Tam quy, Ngũ giới và phép cầu Bồ-đề. Con khỉ thọ giáo xong vui mừng hớn hở leo lên cây rơi xuống mà chết. Liền được sinh lên cõi trời Đâu-suất, gặp vị Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ nói cho đạo Vô thượng. Từ đó trở về sau gặp vô số Phật và thân cuối cùng thì kế sau Đức Di-lặc mà thành đạo Bồ-đề, hiệu là Phật Sư Tử Nguyệt, hiện nay chính là Bà-tu-mật-đa (theo kinh Sư Tử Nguyệt Phật).

Tiểu kiếp thứ mười sáu (giảm tăng) – Tiểu kiếp thứ mười bảy (giảm tăng) – Tiểu kiếp thứ mười tám (giảm tăng) – Tiểu kiếp thứ mười chín (giảm tăng).

Tiểu kiếp thứ hai mươi (giảm tăng), trong Kiếp Tăng sau cùng, có vị Phật Lâu-chí thứ một ngàn vì sức bản nguyện nên ra đời vào Kiếp Tăng. Sáng sinh chiều diệt. Người thời ấy rất chán đời thường, tu các Thiền Định, ở Kiếp số thọ mạng cao nhất nên rất dễ hóa độ, giả sử có người tánh Sa-môn làm nhiễm ô hạnh Sa-môn, có hình dạng giống Samôn đắp y ca-sa thì ở chỗ Phật Di-lặc đều được nhập Niết-bàn không còn sót (Luận Câu-xá và kinh Đại Bi).

Lời bàn: Các học trò mà Đức Thích-ca giáo hóa chưa rốt ráo được đem gởi cho Phật Di-lặc, các học trò còn sót của Phật Di-lặc được đem gởi cho chín trăm chín mươi bốn Phật. Các chúng sinh còn sót được thứ lớp gởi nhau cuối cùng đem gởi cho Phật Lâu-chí. Đời Phật Lâu-chí rất dễ hóa độ. Nếu có kẻ không hiểu có thể cho là cơ cực độn. Và cơ cực độn phải đợi đến kiếp Tinh tú, thật buồn thay! Chư Phật đời đời vẫn luôn gặp hàng chúng sinh còn sót. Dẫu không gặp Phật ra đời mà được thế là may mắn lắm rồi. Bởi nếu trong thời gian không gặp Phật lại tạo các tội ác cực nặng thì trường kiếp vô gián tất cùng Phật trái nhau, điều này rất đáng buồn đau. Như ngài Mục-liên vào địa ngục hỏi thăm Điềuđạt, thì ngục tốt hỏi: “Ở đây có Điều-đạt thời Phật Ca-diếp và Điều-đạt thời Phật Thích-ca, ngài muốn hỏi thăm người nào?” Đây tuy đại quyền biến nhưng cũng khó lượng định, vì quyền tất dẫn đến thật. Thà không có bọn bị thật báo. Nếu căn cứ vào đời mạt pháp ở cõi này mà tu hành, có giáo không chứng mà mong được dễ dàng thì không gì bằng chuyên tu hạnh Tịnh độ cầu vãng sinh. Khi lên được bực Vô sinh tất ở mãi không thoái chuyển. Các Phật sau này giáo hóa mãi tất được nhờ cậy, nguyện đến làm chúng tham dự ảnh hưởng tốt. Xin gởi lời mong những kẻ có chí nên lo nghĩ việc tiến tu Đạo nghiệp.

Đức Phật Câu-lưu-tôn ra đời khi người có tuổi thọ bốn vạn tuổi. Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni ra đời khi người sống ba vạn tuổi. Đức Phật Ca-diếp ra đời khi người sống hai vạn tuổi. Đức Phật Thích-ca ra đời khi người sống trăm tuổi. Đức Phật Di-lặc ra đời khi người sống tám vạn bốn ngàn tuổi. Đức Phật Sư Tử ra đời khi người sống bảy vạn tuổi. Đức Phật Quang Viêm ra đời khi người sống chín vạn tuổi. Đức Phật Nhu Nhân ra đời khi người sống sáu vạn tuổi. Đức Phật Hoa Thị ra đời khi người sống năm mươi vạn tuổi. Kế đó lại có Đức Hoa Thị, người sống đến chín ức tuổi. Phật Thiện Minh ra đời khi người sống bảy vạn tuổi. Phật Hiện Nghĩa ra đời khi người sống một trăm tuổi… Đức Phật Tuệ Nghiệp thứ một ngàn (tức Phật Lâu-chí) ra đời khi người sống tám vạn tuổi.

Khi ngàn Phật Hiền Kiếp qua rồi thì sáu mươi lăm kiếp không có Phật (đây đều luận về một tiểu kiếp có một lần giảm một lần tăng). Sau đó có một kiếp tên Đại xưng, thời xa xưa là một ngàn con của Trạch Minh Luân vương, ở kiếp này đều thành bậc Chánh giác. Qua hết kiếp ấy thì tám mươi kiếp không có Phật ra đời. Sau đó có một kiếp tên là Dụ Tinh Tú, thời xa xưa là tám vạn đại thần của Trạch Minh Luân vương, ở kiếp này đều thành bậc Chánh giác. Qua hết kiếp này thì ba trăm kiếp cũng không có Phật ra đời. Sau đó có một kiếp tên là Trọng Thanh Tịnh, các Thánh hậu thể nữ của Trạch Minh Luân vương đều thành Chánh giác (theo kinh Hiền Kiếp).

Lời Bàn: Luận Câu-xá ước định ba đời tăng giảm, luận về ba ngàn Phật lần lượt ra đời, kinh Hiền Kiếp nói chư Phật ra đời có xa gần số kiếp không nhất định. Đây có ba ý:

  1. Phật phó cơ nói không đồng nhau.
  2. Kết tập các bộ khác nhau không giống.
  3. Việc truyền dịch trước sau không giống nhau.

Nên khó thể hòa hợp (lệ này rất nhiều). Song luận bỏ qua việc thứ lớp chứng đắc tăng giảm thì tất lấy luận Câu-xá làm gốc. Chương Kiếp của Từ Ân chính là lấy ở luận này.

Hai mươi Tiểu kiếp hoại (giảm – tăng). Hỏa tai hủy diệt đến cõi Sơ thiền (Kiếp hoại có Đại tam tai là lửa, nước, gió. Nay trong Hiền Kiếp chỉ luận có một lần hỏa tai. Nếu hai tai nước và gió không ở trong Hiền Kiếp thì sau sẽ giải thích riêng ba tướng đó). Khởi đầu từ địa ngục rốt đến trời Phạm thiên, các loài hữu tình thế gian đều trải qua mười chín lần tăng giảm, lần lượt bị diệt hết chỉ có khí thế gian là khoảng không còn lại cho đến tam thiên đại thiên thế giới tất cả các loài hữu tình đều tiêu mất hết. Đến một kiếp tăng giảm cuối cùng thì khí thế gian này mới hoại. Có bảy mặt trời từ đáy bể mọc ra, các đại hải khô cạn, núi Tu-di đổ sụp. Gió thổi lửa dữ đốt cháy đến cõi Phạm thiên tất cả đều thành tro bụi. Cho đến cả tam thiên thế giới cùng lúc đều cháy tan. Đây là y báo chánh báo cùng hoại nên gọi là Kiếp hoại (theo Luận Thuận Chánh Lý).

Hai mươi Tiểu kiếp không (giảm tăng). Từ cõi Sơ thiền Phạm Thế trở xuống thế giới đều trống không, như trong hang tối, không có mặt trời, mặt trăng và đêm ngày, chỉ toàn đen tối mịt mù, như thế suốt hai mươi lần tăng giảm, nên gọi là Kiếp không (theo Câu-xá Luận).

Kiếp Tinh Tú ở vị lai (ngàn Phật ra đời như sao trên trời).

Hai mươi Tiểu kiếp thành (giảm tăng).

Hai mươi Tiểu kiếp trụ (giảm tăng). Trong kiếp này có ngàn Phật thứ lớp ra đời. Bắt đầu từ Đức Phật Nhật Quang và cuối cùng là Đức Phật Tu-di Tướng (theo kinh Dược Vương). Phật nói: Sau khi ta diệt độ rồi, nếu có ai siêng tu các công đức, làm các hạnh Tam-muội, xưng tụng danh hiệu Đức Di-lặc, tu hành sáu pháp Ba-la-mật thì nhất định sẽ sinh về cõi trời Đâu-suất. Và cũng theo Phật Di-lặc hạ sinh xuống cõi Diêmphù là người thứ nhất được nghe pháp. Lại ở đời vị lai sẽ gặp được tất cả chư Phật Hiền Kiếp, ở Kiếp Tinh Tú cũng gặp được tất cả chư Phật và được thọ ký quả Bồ-đề (theo kinh Di-lặc Thượng Sinh).

Hai mươi Tiểu kiếp hoại (giảm tăng) – hai mươi Tiểu kiếp không (giảm tăng). (Các tướng thành trụ hoại, không đều giải thích như trước).

Nếu có ai trong một ngày đêm giữ được giới bất sát thì nhất định không gặp tai Binh đao khởi lên. Người nào đem một quả Ha-lê-lặc

khởi tâm ân cần thanh tịnh dâng cúng chúng Tăng thì nhất định không gặp tai Tật dịch nổi lên. Kẻ nào hay đem một nắm cơm cúng thí cho các hữu tình nhất định không gặp tai Đói khát nổi lên. Hai châu Đông Tây không có ba tai căn bản mà chỉ có ba tai tương tợ. Nghĩa là sân giận mạnh mẽ giống như binh đao, thân gầy ốm giống như bệnh tật; nhiều lần đói khát giống như đói khát. Ở Bắc Châu thì những tai căn bản và tương tợ đều không có (theo luận Tân-bà-sa). Khi ba tai ương nổi lên thì lại có ba thứ giảm sút cùng cực:

  1. Tuổi thọ, tức là giảm hết mức, còn mười tuổi.
  2. Chỗ nương tức thân người thấp bé nhất chỉ còn một chỏ tay.
  3. Đồ dùng, tức gạo tẻ là thức ăn cao cấp nhất, lấy tóc làm áo là quý nhất, lấy sắt là thứ trang sức quý nhất (theo Luận Du-già. Kiệt là thước nhà Chu bằng một chỏ tay).

Về Đại Tam tai. Cuối một Đại kiếp thì có một Hỏa tai nổi lên (như trước đây Hiền kiếp có tám mươi Tiểu kiếp thành trụ hoại không là một Đại kiếp). Như thế trải qua bảy Đại kiếp thì có bảy lần Hỏa tai. Gồm có bảy lần hủy diệt hết cõi Sơ thiền. Lại trải qua một Đại kiếp thì có một lần thủy tai nổi lên, hủy diệt đến cõi Nhị thiền. Như thế là bốn mươi chín lần hỏa tai trong đó có xen kẻ bảy lần thủy tai. Lại trải qua bảy lần hỏa tai nữa tất cả gồm năm mươi sáu lần hỏa tai đốt cháy cõi Sơ thiền, bảy lần thủy tai hủy diệt cõi Nhị thiền. Lại trải qua một Đại kiếp thì có một lần phong tai nổi lên. Tính chung sáu mươi bốn Đại kiếp thì đủ tướng trước sau của Đại tam tai (Dựa vào Câu Xá Luận mà nêu nghĩa trên).

Lần hỏa tai đầu tiên hủy diệt cõi Sơ thiền, khi hỏa tai sắp nổi lên thì ở địa ngục các tội nhân đã chịu xong tội, được sinh làm người, nếu kẻ nào còn định nghiệp thì chuyển sinh vào địa ngục ở phương khác cho đến không còn một hữu tình nào nữa thì gọi là địa ngục đã hoại diệt. Súc sinh, ngạ quỷ, A-tu-la cũng thứ lớp hoại diệt như thế. Khi đó cõi thế gian đều tu Thập thiện, thân người không có các loài trùng giống như thân Phật. Bởi vì lúc đó bàng sinh hoại diệt. Lúc đó ở cõi Nam Châu có một người không cần thầy dạy mà tự nhiên được Sơ tịnh lự (Sơ thiền), từ Tịnh lự xuất ra lên tiếng bảo rằng: “Ly sinh hỷ Lạc rất lạc rất tịnh.” Các người khác nghe nói xong liền nhập Tịnh lự. Khi mạng chung đều được sinh lên cõi Phạm Thế. Cả hai Châu Đông Tây đều giống như thế. Người Bắc Châu căn độn không có niệm ly dục, nên khi mạng chung thì sinh vào cõi trời Dục giới. Khi Tịnh lự hiện tiền mới có thể ly dục. Cho đến khi cõi người không còn một hữu tình nào thì gọi là cõi người đã hoại diệt. Lúc đó cõi trời Dục giới có một vị trời tự nhiên được Sơ tịnh lự cho đến đều được sinh lên cõi trời Phạm Thế, nên gọi là cõi Dục giới hoại diệt. Lúc đó trong cõi Phạm Thế có một vị trời tự nhiên được Nhị tịnh lự (Nhị thiền) lên tiếng nói: “Định sinh hỷ lạc rất lạc rất tịnh.” Các trời khác nghe nói xong đều nhập Tịnh lự, khi mạng chung đều được sinh vào cõi trời Quang âm. Cho đến cõi trời Phạm Thế (tức Đại Phạm) bị hoại diệt. Bắt đầu từ địa ngục cho đến trời Phạm Thiên qua mười chín lần tăng giảm. Các loài hữu tình thế gian lần lượt đều diệt mất hết. Chỉ còn khí thế gian trống không. Cho đến ba cõi tam thiên tất cả loài hữu tình nghiệp đồng đều bị hoại diệt cả. Trong một kiếp tăng giảm cuối cùng thì Khí thế gian mới bị hủy diệt. Do đó lần lượt có bảy mặt trời xuất hiện. Có luồng gió đen lớn thổi nước biển rẽ làm hai. Đầu tiên mặt trời thứ nhất ở lưng chừng núi Tu-di. Trên đường mặt trời đi qua cỏ cây tiêu điều khô cháy. Khi có mặt trời thứ hai, các sông lạch đều cạn, nước biển cạn dần đến bảy trăm do-tuần. Khi mặt trời thứ ba xuất hiện thì sông Hằng đều cạn. Mặt trời thứ tư xuất hiện thì ao A-nậu cạn khô. Khi mặt trời thứ năm xuất hiện thì nước trong bốn biển lớn cùng lúc cạn đến bảy ngàn do-tuần. Mặt trời thứ sáu xuất hiện thì lửa đại địa nổi lên tất cả đều bị thiêu rụi. Mặt trời thứ bảy xuất hiện thì núi Tu-di bị thiêu tan, các núi khác vắng bóng. Gió thổi mạnh đốt cháy lên cung trời, cho đến cõi Phạm thiên bị cháy rụi không còn vết tích. Từ đất, lửa nổi lên đốt cháy cung điện mình, không phải lửa từ nơi khác đốt được. Do tướng dẫn khởi trên nên nói là “đốt cháy lên.” Bắt đầu từ địa ngục cho đến cõi Phạm thiên trong một kiếp tăng giảm lần lượt bị hoại diệt. Cho đến tam thiên thế giới trong một lúc đều bị hoại diệt. Đó là hỏa tai hủy hoại. Sau khi Sơ thiền bị hỏa tai qua rồi thì thế giới trống không cũng như trong hang tối, trải một thời gian lâu đến hai mươi lần tăng giảm. Bấy giờ mây lớn, mưa xuống nước dâng lên đến trời. Gió thổi bọt nước tạo nên cung trời Phạm. Như thế cho đến cõi địa ngục là sau cùng đều được tạo dựng như trước (trong việc nói về Kiếp thành trước đây – Trích chung từ các Kinh Trường A-hàm, Kinh Nhân Bản, Luận Tạp Tâm, Luận Hiển Tông, Luận Thuận Chánh Lý, Luận Du-già Đối Pháp).

Kế đến thủy tai hoại diệt cõi Nhị thiền – Đương lúc các tai nổi lên thì địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh loài người ở bốn châu và các trời Lục dục đều lần lượt sinh lên cõi Nhị thiền. Khi đó ở Nhị thiền có một vị trời tự nhiên được định Tam thiền. Các trời khác nghe xong liền nhập vào định này mà được sinh về cõi Tam thiền. Khi đó trong cõi Nhị thiền, thủy giới cùng nổi lên hủy diệt cõi thế gian cũng như nước hòa tan muối cùng một lúc đều tiêu mất (có thuyết nói trên không trung cõi Tam thiền bỗng mưa nước tro nóng xuống. Có thuyết nói từ dưới thủy luân ở dưới nước phun lên cao). Đó là thủy tai hoại diệt cõi Nhị thiền. Qua thủy tai này rồi thì tất cả đều trống không suốt hai mươi Tiểu kiếp như trước. Và cũng như trước mây lớn mưa xuống, gió thổi bọt nước tạo thành cung trời Quang Âm, cho đến tầng địa ngục ở dưới được tạo ra sau cùng.

Phong tai hoại diệt cõi Tam thiền – Đang khi tai ương nổi lên thì dưới địa ngục các thú hữu tình và cõi Lục dục, Nhị thiền lần lượt được sinh lên Tam thiền. Lúc đó có một vị trời tự nhiên được Định tứ thiền. Các trời khác nghe nói đều nhập vào Định này mà được sinh lên cõi Tứ thiền. Lúc đó trong cõi Tam thiền đều có gió to nổi lên hủy diệt Khí thế gian, thổi các cung trời va chạm nhau thành bụi, các núi chúa cũng chạm nhau thành bụi. Gió thổi làm khô các chi tiết nên tất cả đều hoại diệt. Đó là phong tai hủy diệt cõi Tam thiền (có thuyết nói từ bên cõi Tứ thiền, bỗng gió nổi lên thổi giật tung tất cả mọi thứ. Có thuyết nói gió từ lớp phong luân ở dưới thổi lên. Rút từ Luận Thuận Chánh Lý, Luận Du-già Đối Pháp).

Vô lượng cõi thế giới ở phương Đông, hoặc có thứ sắp hoại, có thứ sắp thành, có thứ đang hoại, có thứ hoại rồi đang là không, hoặc có thứ đang thành, có thứ đã trụ. Cho đến khắp mười phương cũng thế. Như có hữu tình thế gian hoặc khí thế gian, do sức nghiệp phiền não mà sinh ra và khi sức nghiệp phiền não tăng thượng mà khởi lên (theo Luận Dugià Đối Pháp).

Vì trong Sơ thiền có Lửa Giác quán nhiễu loạn, nên bên ngoài bị hỏa tai thiêu đốt. Vì trong Nhị thiền có nước Hỷ nhiễu loạn, nên bên ngoài bị thủy tai hủy diệt. Vì trong Tam thiền có gió của hơi thở ra vào nhiễu loạn, nên bên ngoài bị phong tai hủy diệt. Còn Tứ thiền bất định nối nhau tùy các trời sinh cõi ấy thì cung điện mới hiện ra, nếu các trời đều mệnh chung thì các cung điện liền biến mất (theo Tạp Tâm Luận). Tứ thiền trong ngoài tất cả hoạn nạn đều không có (theo kinh Niếtbàn).

Mỗi kiếp Sơ thiền đều bị hủy hoại, đó là vì thuận theo tuổi thọ một kiếp của Sơ thiền. Kế đó trải qua tám kiếp mới hoại Nhị thiền là vì thuận theo tuổi thọ tám kiếp của Nhị thiền. Sau đó trải sáu mươi bốn kiếp mới hoại Tam thiền là vì thuận theo tuổi thọ sáu mươi bốn kiếp của Tam thiền (Phụ Hành).