PHẬT TỔ THỐNG KỶ
Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 12
PHẦN 2
*Nối pháp ngài Tứ Minh, Pháp Trí Pháp sư (đời thứ nhất) gồm có:
Quảng Trí, Thượng Hiền Pháp sư.
Thần Chiếu, Bản Như Pháp sư.
Nam Bình, Phạm Trăn Pháp sư.
Tam Học, Tắc Toàn Pháp sư.
Phù Thạch, Sùng Cự Pháp sư.
Quảng Từ, Tuệ Tài Pháp sư.
Quảng Nghiêm, Hàm Oánh Pháp sư.
Tuệ Nhân, Trạch Giao Pháp sư.
Viên Trí, Giác Tông Pháp sư.
Sùng Pháp, Từ Đoan Pháp sư.
Tứ Minh, Văn Xán Pháp sư.
Đơn Khâu, Từ Khiêm Pháp sư.
Tứ Minh, Nguyện Bân Pháp sư.
Quảng Ấn, Trí Hoàn Pháp sư.
Tường Phù, Văn Trí Pháp sư.
Tam Cù, Văn Bỉnh Pháp sư.
Tứ Minh, Dụng Khanh Pháp sư.
Tứ Minh, Cư Vĩnh Pháp sư.
Tứ Minh, Tự Nhân Pháp sư.
Sùng Khánh, Bản Viên Pháp sư.
Thiên thai, Tuệ Châu Pháp sư.
Tam Cù, Hoài Tập Pháp sư.
Viên Trí, Chí Hào Pháp sư.
Nhật Bản, Nguyên Tín Pháp sư.
Nội Thị Du Nguyên Thanh.
Nối pháp có hai mươi bảy vị (theo bài minh ở tháp). Người nhập thất có bốn trăm bảy mươi tám vị (theo Thật Lục). Thăng đường có một ngàn người (theo bài minh ở tháp).
****
NỐI PHÁP NGÀI PHÁP TRÍ PHÁP SƯ
1. Pháp sư Thượng Hiền:
Sư người Tứ minh, được vua ban hiệu Quảng Trí, nương học Giáo Quán với ngài Pháp Trí, được nghe giảng về Tịnh danh đốn ngộ, ý chỉ tánh tướng, hầu Thầy đã lâu bèn được tôn là bậc cao đệ. Năm Thiên Thánh thứ sáu (đời vua Nhân Tông) nối ngài Pháp Trí làm chủ Diên Khánh, hoằng đạo rất thạnh hành. Ngài Tuyết Đậu Hiển Thiền sư nghe danh, bèn xuống núi đến hỏi, rồi yết bảng nấu trà để bày lễ mừng. Người truyền nhau cho là việc tốt đẹp. Có buổi sáng Sư vào Sám đường thấy có một con hổ nằm phục trước ghế. Sư thẳng đến trải ni sư đàn trên lưng hổ, tuyệt nhiên chẳng thấy gì. Quốc sư nước Nhật Bản sai Thiệu Lương… mang kinh Pháp Hoa chữ vàng làm tiến lễ xin theo học Pháp luân. Sau ba năm học xong liền giả từ trở về Nhật Bản hoằng hóa rộng rãi đạo này. Trong năm Minh Đạo đời vua Nhân Tông, ngài Tịnh Giác ở Linh chi viết thư đến Sư luận chỉ yếu, giải nghĩa tam thiên, chỉ là tâm tánh đầy đủ pháp tục đế, chưa phải là gốc của Trung đạo. Thỉnh Sư cùng đi ngược lại Sư thừa, Sư bèn viện dẫn văn ngài Kinh Khê nói về ba ngàn tức không, giả, trung, bảo là hà tất phải chuyên ở giả mà giúp nghĩa tam thiên câu thể câu dụng của ngài Tứ Minh. Học giả đều nương theo đó (hai thư qua lại đều thấy ở Quảng Trì Di Biên). Sư có soạn sách như Thích Kim Ty (mất bản), Thích Lập Thoại (tức Phù Tông Trung Sư, có ghi về Quảng Trí Truyện và Pháp Trí Nhị Sư Khẩu Nghĩa). Sư là người có công lớn về phò trợ đại giáo, khéo mở sáng kinh chương, nối tiếp ý chỉ diệu tông truyền lại. Sư đã từng soạn Xiển U Chí, dùng bảy thứ Nhị đế mà làm tiêu nghĩa Vương của kinh Quang Minh (chính là bốn giáo, phụ là ba tiếp) là thuyết của ngài Pháp Trí. Kịp sau khi soạn Quang Minh Ký thì thâu lấy mà dùng (thấy ở Khẩu Nghĩa Kinh Chương).
Thảo Am Lục nói rằng: Tằng Lỗ Công có soạn bài minh ở tháp ngài Quảng Trí, nhưng đời sau không truyền lại, vì đã bị giặc Kiến Viêm đốt phá cả các chùa. Tiếc thay!
2. Pháp sư Bản Như:
Sư là người ở Câu chương, Tứ minh, theo học với ngài Quốc Ninh ở Bản quận. Trước Sư nương với ngài Pháp Trí ở giữa ngàn chúng nổi tiếng là trẻ tuổi tài cao, sách vở thơ bút của Sư đều có phép tắc được đời ưa chuộng, Sư thường thỉnh ích chánh nghĩa của kinh, ngài Pháp Trí bảo rằng: Hãy dẹp hết đạo của ông đi, đến làm tri sự cho ta ba năm. Khi việc xong Sư lại thỉnh ích. Ngài Pháp Trí liền quát lên một tiếng lại gọi Bản Như! Sư bỗng hoát nhiên tỉnh ngộ, bèn làm bài tụng rằng:
Mọi chỗ gặt đường về
Quay đầu thấy cố hương
Xưa nay việc hiện tại
Hà tất phải suy lường?
Ngài Pháp Trí khẳng định rằng: Nếu trước bảo ông thì sao có được hôm nay. Năm Tường Phù thứ tư, ngài Từ Vân dời về ở Linh sơn thân đến giảng hôi của ngài Pháp Trí tìm người thừa kế mình. Ngài Pháp Trí bảo: Cứ chọn người trong chúng. Ngài Từ Vân ngước nhìn đến Sư liền bảo: Người này được đấy. Sư đến Thừa thiên (là tên cũ của Năng Nhân Đông Sơn) mà chấn hưng đạo pháp. Trải suốt ba mươi năm, chúng thường có năm, sáu trăm. Pháp Hoa, Niết-bàn, Quang Minh, Vô Lượng Thọ, Quan Âm Biệt Hành, Huyền Chỉ Quán, Kim Ty, Quán Tâm Luận… đều giảng nói sáu, bảy lượt. Sư thường tập họp khoảng trăm Tăng tu Pháp Hoa Trường Sám một năm thấy có nhiều điềm lành ứng nghiệm. Tháng bảy năm Bảo Lịch thứ hai, Phò mã Lý Tuân Úc tâu vua ban cho Sư hiệu Thần Trí và Tử Y, lại ban cho bốn ngàn năm trăm quyển giáo văn của ngài Trí Giả để làm tư liệu giảng thuyết. Có lần Sư ở góc Tây nam của chùa thấy một con hổ nằm ngủ, Sư lấy gậy gõ bảo: “Đây không phải là chỗ mầy ngủ”, hổ cúi đầu mà đi (nay là Đình Hổ Khê ở chùa Bạch liên). Sau ở chỗ hổ nằm xây cất am thất vây quanh. Trước đó có năm thần chung ở đấy. Mỗi khi Sư tọa thiền thì luôn khiêng giường Sư đang ngồi đi trên hư không, Sư không thèm hỏi. Một hôm năm Thần đến thưa rằng: Sư đã chiếm chỗ của chúng tôi, vậy xin đến sườn núi kia mà cất nhà đắp tượng, đã có đủ đất ở núi ấy. Sư đến xem thì thấy trên sườn núi có một đống đất mới lấy đắp tượng thì vừa đủ. Sư mến mộ đạo phong ở Lư sơn, bèn cùng Thừa tướng Chương Tuân Công và chư hiền giả kết thành Bạch liên xã, sáu bảy năm đến nay đã thành một chùa lớn. Bèn lấy một phần ba núi rừng ở Năng nhân, chỉ núi làm ranh để lấy củi nấu cúng. Vua Nhân Tông khâm phục đạo phong của Sư bèn ban cho tên Bạch Liên. Đến năm Hoàng Hựu thứ ba, ngày mười tám tháng năm Sư có chút bệnh, bèn lên tòa thuyết pháp cùng chúng nói lời giã biệt. Đêm ấy tất cả cột kèo ở Pháp đường, kho gác, Phương trượng… đều gãy, chuông trống đánh không kêu, các ngư dân trên sông thấy có vị Tăng ngồi trên đám mây bay về hướng Tây. Sáng sớm hôm sau Sư nằm nghiêng bên phải mà tịch. Lúc đó khí trời nóng bức mùi hương lạ nực nồng. Đến tháng ba năm sau xây tháp ở phía Bắc chùa để nguyên nhục thân Sư. Môn nhân giở kim quan thì thấy dung nhan Sư vẫn như lúc còn sống, tóc và móng đều mọc dài ra, có một hoa sen lớn mọc ở trước tháp. Sư thọ bảy mươi tuổi, hạ lạp năm mươi ba, học trò nối pháp của Sư rất đông. Có lần Sư ở trong ấp Thiên thai truyền giới cho chúng, vừa làm phép Yết-ma thì chợt có ánh sáng từ tháp ngài Trí Giả ở chùa Quốc thanh núi Xích thành chiếu thẳng đến pháp tòa của Sư. Lúc đó có hội cúng ngàn Phật và đãi cơm ngàn người nghèo. Hoa đặt trên chiếu nơi Phật tòa đáng lẽ không héo mà héo, còn hoa ở chỗ người nghèo đáng lẽ héo mà lại tươi. Toàn chúng khen ngợi là điềm lạ. Sư từng làm Nhân Vương Sám Nghi, soạn Hành Pháp Kinh Sớ đến mười thứ cảnh giới thì ngưng sau đó Hàm Pháp sư viết tiếp trọn bộ.
Vấn Tuyên Tử Ký nói: Mùa Xuân năm Gia Định thứ tư, Trụ Sơn Giám Đường bảo: Tháp của Sư phải ở sau Phương trượng, dãi dầu với gió mưa không cần nói. Lúc sắp dời đi mới đào đất được vài tấc thì mùi hương sực nức, trên mộ phần mọc lên một cành hoa sen chiếu sáng rực rỡ. Kịp khi mở nắp Kim Quan thì dáng từ vẫn ung dung, râu tóc dài ra, y áo không mục, xá-lợi đày khám. Toàn chúng kinh sợ than thở. Rồi đem an táng lại. Ngài Kính An luận rằng: Thân máu thịt của Pháp sư được bao bọc bởi y phục đẹp, ở trong đất hai trăm năm mà không rã nát, nếu không phải do sức trì giữ đặc biệt của giới định tuệ Tam-muội thì ai có thể làm được như thế? Coi thường tháp Tổ là lỗi của Giám Đường chẳng phải do lời thưa nói mà hôm nay mới nhìn thấy, sao đủ để biết cái điềm lành về nhục thân và y phục của Pháp sư bền chắc không hư rã. Bày hiện việc này phải chăng là chính do ý Tổ ngầm khiến ư? (Quán Kinh Sớ – Lấy hoa ở tòa, quán làm áo mình mặc. Nay lấy áo bọc mà ví).
3. Pháp sư Phạm Trăn: (Trước đây là Hữu Trăn, vua Chân Tông đổi lại)
Sư người Tiền Đường, sau khi thọ giới Cụ túc, Sư liền đến hỏi đạo ở Tứ Minh, gặp ngài Pháp Trí quá muộn, nghe giảng về Diệu Huyền Văn Cú được đại ngộ rồi trở về quê cũ. Hận vì không được truyền trao Chỉ Quán, Sư bèn thắp hương lễ tượng đọc suốt hai mươi lần để tiêu biểu cho việc được Sư truyền thừa. Năm Hoàng Hựu thứ ba, lúc đầu Sư ở Thượng trúc, qua năm sau có chỉ vua dời Sư về Kim sơn. Năm Hy Ninh thứ năm, quan Thú đất Hàng là Ngô Thị Độc nghe danh Sư nên đón Sư về Nam Bình để hoằng hóa. Mỗi khi giảng kinh thì tóm tắt bao quát cả danh lý, xuyên suốt trước sau, nêu một nghĩa thì các nghĩa khác đều hợp, cùng tột một văn thì các văn khác đều đủ. Lúc đó người có trí nhớ tốt, bèn tập hợp xếp loại. Lúc đầu chỉ tập họp xếp loại các điều giảng dạy tản mát trong các kinh văn dẫn chứng của ngài Pháp Trí. Thủ Tọa là Hữu Nhân chép thành năm loại. Rồi ngài Tịnh Giác thêm hai, Quát Thương Thông Sư lại thêm ba, Phật Tuệ Tài Sư kiểm lại các văn xếp làm mười loại. Ngài Tứ Minh Cát Sư tùy theo các bộ pho mỗi thứ lại giảng nói thêm. Ngài Quảng Trí xem thấy bảo rằng: Việc xếp loại tập nửa được nửa mất. Được là ở đó mà biết rõ cương yếu, còn mất là cũng ở đó mà mịt mờ trước và sau. Kịp khi Sư lên tòa diễn giảng, Quần Phong Thái Sơ nói về các đầu mối ở Cao tòa, Siêu Quả Hội Hiền lập riêng Huyền Tự Tiêu Văn, mỗi mỗi văn đều mở bày ý Tổ đến Đông độ, chính thức giải thích Quán Tâm… gọi là một nhà Nam Bình (Thiên Trúc Thiền sư nói: Bỏ đi việc nghiền cắt Pháp thân dối lừa kẻ hậu học. Tra Âm viết thư cho Vô Tướng Hân, gắng sức chớ truyền. Câu nói đề hồ hóa thành tấm cám, Pháp Tạng biến ra lửa ma). Ngô Công đương buổi về hưu tất đến nghe pháp, rũ tay áo sửa hốt đứng chờ ngoài cổng thành. Sư chưa lên tòa thì quyết không vào. Một đêm Sư được mời đến thấy một người phụ nữ ở trước, hỏi thì người ấy thưa rằng: Con có việc buồn, khẩn thiết thỉnh Sư đến nhà con. Sư bèn theo đến cửa thì thấy có mấy người lôi người phụ nữ ấy để trên giường rồi lấy đại đao chém như chặt bùn. Giây lát sống lại khóc mà thưa rằng: “Thuở sinh tiền thiếp giỏi nghề băm chặt nem chả nên nay phải chịu báo này. Thiếp cúi lạy mong ngài cứu thoát!” Sư bèn truyền giới cho, rồi người ấy biến mất. Sư thường cùng ngài Tịnh Giác biện luận giáo môn bèn giải bày với quan hữu ty xin cất Cao đài dựng cây phướng đỏ. Sư phóng hào quang Phật chiến thắng ngoại đạo, kẻ luận thua bị chặt đầu cắt lưỡi treo trên phướng. Quận hầu thấy Sư tinh nhuệ về pháp chiến theo lời mà giải thích bèn nói rằng: Hành văn sáng tác thì Trăn không bằng Nhạc, còn nhớ giỏi nghe nhiều thì Nhạc không bằng Trăn. Dầu khi Sư không còn tranh luận nữa, người nghe không ai không run sợ. Tô Đông Pha khi xưa mới đến đất Hàng rất thân với Sư. Về sau làm Quận thì Sư đã tịch rồi. Pha thấy hành trang của Sư bảo rằng: “Văn này tuy khéo nhưng chưa nói được chỗ hơn người của Lão Sư ấy! Ta có lần nói chuyện với ông, Kinh Sử quần thư nếu có chỗ nào quên sót thì ông liền đọc lên ngay.” Trong năm Sùng Ninh, Sư được thụy phong là Thật Tướng Pháp Sư.
4. Pháp sư Tắc Toàn:
Sư tự là Thục Bình, họ Thi, người Tứ minh. Nương Báo Quốc mà xuất gia, rồi đến học giáo quán với ngài Pháp Trí. Lúc đó Nam Hồ tranh nhau suy tôn mười vị Đại đệ tử thì Sư là người đứng đầu. Sư thông cả thư sử lại giỏi trước thuật, tánh khí thẳng thắn dám nói lỗi người, do đó người rất sợ. Sư ở với Tam Học suốt ba mươi năm. Quận Thú là Lang Giản càng kính phục, từng bảo người rằng: Thục Bình tài khí lẫm liệt, nếu là Nho sĩ tất làm chức Gián Tranh, đâu có kém gì Cấp Ảm đời Hán, Ngụy Trưng đời Đường và Vương Nguyên Chi ở triều ta ư? Mùa hạ năm Khánh Lịch thứ năm, Sư từ biệt chúng, ngồi mà tịch. Đệ tử là Nhược Thủy lập Kiệt (bia tròn) cho Sư ở Diên khánh. Tác phẩm Tứ Minh Thật Lục của Sư được người khen là “Tề Ấp làm bia Quách Hữu Đạo” (Quách Lâm Tông ở đời Hậu Hán, tiến cử Hữu Đạo, không chịu mà chết. Tế Ấp làm văn bia bảo Lư Thực rằng: Ta làm rất nhiều bia đều có người thẹn vì sự ca tụng đức mình, chỉ có Quách Hữu Đạo là không có vẻ thẹn mà thôi).
Lời thuật rằng: Triệu Thanh Hiến làm văn bia cho ngài Quảng Trí, ngài Tam Học mất rồi, đệ tử là Thủy Sư Lập Kiệt. Hai bài văn này tất có nhiều việc lớn đáng ghi nhớ. Nay hai bảng đá không còn, do đó hạnh nghiệp của hai Sư khó biết. Người đời sau viết truyện chỉ là mơ hồ mà thôi. Chao ôi! Đáng tiếc!
5. Pháp sư Sùng Cự:
Sư người ở Tam cù, đến học với ngài Pháp Trí, rất thông suốt đạo Giáo Quán, ở vào hàng đệ nhất tòa. Sư ngồi nghe ngài Pháp Trí giảng đạo, ngài bảo: “Đạo ta đã có chỗ gởi rồi.” Lúc đầu Sư đến giảng thiền ở Hoàng nham đông, ngài Pháp Trí viết thư khuyên gắng rằng: Việc lập thân hành đạo là nghiệp lớn trên đời, khiêm nhường là cốt lõi đạo đức, ông phải nắm chắc, ngoài việc này ra càng phải nghiên cứu rộng năm kinh, nhã ngôn, sửa lại các văn để khỏi tầm thường và hiệu đính lại tác phẩm của Viên Xà-lê.” Chưa bao lâu Sư trở lại Tam Cù theo thọ nghiệp với Cảnh Đức Giảng Phù Thạch. Người chủ là Nguyên Huân hỏi về nghĩa từ “Chân” mà “Vọng” khởi, Sư đáp một lời liền khế lý. Sư xin về Thiền cư làm nơi truyền giáo vĩnh viễn. Quan quận tâu việc lên vua nên được chỉ vua chấp thuận. Sư bèn mở rộng trai đường để giữ yên học chúng. Ngày luận Chỉ Quán, đêm giảng Quang Minh, đồng thời dẫn chúng niệm Phật. Từng lấy pháp dung tâm của ngài Pháp Trí giải nghĩa chưa rốt, vấn nạn rộng rãi. Ngài Pháp Trí bèn thâu lại ba bậc để tránh trái nhau. Thời Chân Miếu, Sư du phương đến Kinh sư, vua nghe danh Sư bèn triệu vào nội điện, Sư giảng kinh Tứ Thập Nhị Chương và luận rõ về danh lý, vua rất vui lòng bèn ban cho Tử y, tiền bạc, hương đèn, thuốc men. Sư trở về Thiên Trúc, chúng giữ Sư làm phó giảng. Sau đó khá lâu Sư mới trở về quê cũ. Ngài Từ Vân truyền thừa cho Sư lư hương, phất trần Như ý và thư tay có lời khuyên khen Sư rằng: Ông sắp diễn giảng nơi quê nhà, hãy gắng lên! Nhẫn nhục làm áo, Từ bi làm nhà, chỗ không là ghế ngồi, thân xa lánh các não hại, miệng ít nói bàn, ý phòng khinh mạn. Với từ tâm mà độ người. Đó là ba khuôn mẫu, là bốn hạnh, gọi là thuyết an ổn.
Lời thuật rằng: Phù Thạch trước học với ngài Pháp Trí và đến Đông Thiền bèn để lại thư, lúc đó đã định phần thầy trò rồi vậy. Sau Sư từ Kinh Sư trở về Thiên Trúc, ngài Từ Vân đãi Sư như con, cho nên khi Sư trở về quê ngài cũng đã trao lời. Đây thấy hai vị Tôn giả tình đạo pháp không gián đoạn, nhưng xưa nay Đồ phả đã xếp ngài Từ Vân ở hàng thấp, vì không chịu xét vậy. Nếu thế thì nay căn cứ vào Giám Sư Lục để hệ thống dòng Tứ Minh, xem Đồ thì không còn lầm nữa.
6. Pháp sư Tuệ Tài:
Sư họ Từ, người ở Lạc thanh, Vĩnh gia. Sư sống an nhàn ở Bạch hạc sơn. Năm Tường Phù do lễ Đàm ân mà được độ (Chân Tông phong cho Thái Sơn và ra chiếu Tự Quán mỗi nơi độ một người). Năm mười ba tuổi Sư được thọ giới Cụ túc rồi đến học ở Tứ minh. Sư tánh thức chậm lụt u tối, thường trì tụng chú Đại Bi, để nguyện học thông đạo Tổ. Bỗng mộng thấy có vị Phạm tăng thân cao mấy trượng cởi áo ca-sa khoác vào mình Sư hô lớn rằng: “Tuệ Tài suốt đời nhớ ta!” Sáng hôm sau Sư đến giảng đường thì hoát nhiên khai ngộ. Những điều đã nghe trước đây đồng thời thấu suốt. Chưa bao lâu các thủ chúng bốn tòa đều tôn phục. Sư lại đến gặp ngài Từ Vân kính cẩn quy phục chuyên cần sớm tối không bỏ. Năm Trị Bình thứ nhất, Quan Thú đất Hàng là Thẩm Cấu mời Sư giảng Pháp Tuệ Bảo Các, hai mươi năm trước sau vẫn giữ một tiết. Quan thái úy Lư Công tâu lên được vua ban cho Sư hiệu Quảng Từ. Phù Thạch đến thỉnh, Sư liền thuận theo ý chúng. Chưa bao lâu lại lui về ở dưới tháp Lôi Phong. Sư thường nhón chân tụng một trăm lẻ tám biến chú Đại bi làm khóa tụng, lại nhón chân trọn một ngày đêm niệm danh hiệu Đức Di-đà. Một đêm nọ Sư nằm mộng thấy mình đến lầu báu ở Cung khuyết, có một người đến bảo rằng: “Ông sẽ sinh về Tịnh Độ Trung Phẩm.” Mùa Xuân năm Nguyên Phong thứ nhất có hàng vạn kẻ xuất gia đến nhờ Sư truyền Đại giới. Khi làm phép Yết-ma thì trên đảnh tượng Đức Quan Âm chiếu hào quang sáng rực cả giảng đường. Ngài Tịnh Từ Thủ Nhất Thiền sư làm bài Ký Giới Quang. Đến ngày hai mươi mốt tháng năm năm Nguyên Phong thứ năm, Sư mặc áo đến tòa viết kệ 02 khen Phật rằng: “Nhất quyết con sinh Tịnh độ” rồi yên lặng mà hóa. Tháp Sư ở bên phải am. Sư thọ tám mươi sáu tuổi, hạ lạp bảy mươi ba. Người kế thừa là Pháp Tông Giới Châu… mười người. Sư dáng vẻ cổ xưa nhưng tánh điềm đạm, ít nói quả dục. Lúc đó các giáo môn dị luận ồn ào chốn Triết giang, Sư vẫn một mình tuần tự giảng dạy không hề dấu diếm. Thanh Hiến Triệu Công giao tiếp với Sư đạo vị rất thân thiết. Kịp khi trấn thủ đất Việt, ông làm thi gởi Sư:
Về được Lạc bang thật thích vui,
Lôi Phong am vắng dạ bùi ngùi,
Triết giang chớ bảo tin thơ vắng,
Một sớm tin thơ mấy lượt vui.
7. Pháp sư Hàm Oánh:
Sư theo học với ngài Quảng Nghiêm ở Tứ minh. Lại được bẩm truyền Giáo Quán của ngài Pháp Trí và đạt đến chỗ tinh áo. Người thời ấy suy tôn Sư là Giáo chủ. Sư thường lấy bạc viết kinh Pháp Hoa, khi gặp danh hiệu Phật Bồ-tát thì viết bằng chữ vàng. Đời khen Sư là “Pháp Môn Chí Bảo.” Niên hiệu Kiến Viêm gặp nạn giặc Kim, đình chùa bị đốt phá tan hoang, người ta tìm thấy bộ kinh này trong đống gạch vụn nhưng không hư một chữ. Khoảng năm Thuần Hy, Sư ở Am Liên Chỉ, đêm nghe ồn ào vạn tiếng người, cả kinh, Sư bò dậy nhìn xem thấy biệt thất đang bốc cháy mà Kinh này đặt trên gác. Sư bèn xông vào lửa cứu được Kinh còn nguyên vẹn. Người ta bảo Kinh này hai phen bị lửa thiêu rụi mà không mất thì xa là do sức Công đức Đại thừa, còn gần là nhờ hạnh nguyện trì kinh của Giáo chủ.
8. Pháp sư Trạch Giao:
Sư là người ở Thai Chi Hoàng Nham, theo học với ngài Pháp Trí mà được đạo. Năm Thiên Thánh thứ hai, Chương An Tuệ Nhân mới đổi làm giảng viện, thỉnh Sư làm tòa chủ. Ngài Pháp Trí viết lời truyền thừa, tóm tắt rằng: Nay truyền cho ông lò hương và phất trần Như ý dùng làm vật truyền pháp. Mong ông dùng Tam Học để trang sức cho mình, Tứ Tất đàn để làm lợi ích muôn vật, ông hãy yêu thích mọi người, chớ vọng nghĩ việc cầm quyền chỉ huy.
9. Pháp sư Giác Tông:
Sư học với ngài Viên Trí ở Cối kê, lại nương ở Nam hồ học xong rồi trở về. Ngài Pháp Trí gởi thiếp khuyên gắng Sư rằng: “Đã học Sơn môn ta thì phải khác với các dòng phái tầm thường, Lý Sự gồm tu, mình người đều độ, như thế mới đáng là con cháu của Trí Giả.”
10. Pháp sư Từ Đoan:
Sư người Tứ minh, theo học với ngài Sùng Pháp, lại gần gũi lâu ngày với ngài Pháp Trí. Sư được đời tôn là Giáo chủ. Vương Kinh Công Tể Ngân là bạn phương xa với Sư (Kinh Công có viết lời đề về ngài Sùng Pháp rằng: Đình nhỏ bên sông xanh bóng trúc, muôn hoa trải đất ngát hương thơm, chỉ mong những ai nhìn cảnh ấy, diệt trừ phiền não hóa thanh lương.
11. Pháp sư Văn Xán:
Sư họ Tiết, người Tứ minh. Lúc đầu Sư nương ngài Hưng Quốc Lệnh Tường Sư. Sau đó được sai đến nhập thất ngài Pháp Trí, Sư chăm chăm Giáo Quán trải suốt nhiều năm. Đến năm Thiên Thánh thứ tư, Tường Sư vì việc xây cất sửa chữa chùa tháp không giảng dạy được, nên giao việc giảng dạy cho Sư. Ngài Pháp Trí viết lời truyền thừa khuyên gắng rằng: Ta thấy ông là Pháp khí đáng truyền thụ, nên trao ông lư hương, phất trần và Uất-đa-la Tăng, mong ông một cầm, một mặc khiến đức hương ngào ngạt, Tịch nhẫn thành tựu.
12. Pháp sư Từ Khiêm:
Sư sớm nương học ngài Pháp Trí. Nhân có người bảo tam thiên là giả pháp, lấy đó mà vấn nạn. Khi ấy ngài Quảng Trí bảo rằng: “Tam thiên không lìa thật tướng thật tướng tức là Tam đế, Tam đế đều là tam thiên vậy.” Sư phục thuyết ấy, sau đó Sư viết quyển Tu Tánh Biên Ngoa, trước hết nêu rõ tam thiên không chuyên về Tục đế.” Khi ngài Quảng Trí viết thư đáp lời ngài Tịnh Giác, thì lấy lời này của Sư làm chứng cứ.
13. Pháp sư Nguyện Bân:
Sư người Tứ minh, nương học ngài Pháp Trí mà được ý chỉ, Sư giảng đạo nổi tiếng. Ngài Pháp Trí sắp viên tịch có để thơ phó chúc cho Sư nối thạnh đạo lớn.
14. Pháp sư Trí Hoàn:
Sư học với ngài Pháp Trí. Dương Văn Công khuyên ngài Pháp Trí đừng tự thiêu bèn viết thư cho ngài Từ Vân và nhờ Sư đến khuyên các ngài nên trụ thế. Khi ngài Pháp Trí lập hội Phóng sinh có thỉnh Khu Mật Lưu Quân soạn bia thuật ký. Sư viết nhiều thư thôi thúc bèn được thành văn (Từ đây bản kỷ thiếu bốn vị).
15. Pháp sư Tự Nhân:
Sư nghe ngài Pháp Trí giảng kinh, sao chép văn dẫn ở các Bộ, các danh ngôn làm thành năm loại. Việc sưu tập phân loại là bắt đầu từ Sư. Mùa hạ, năm Tường Phù thứ bảy, ngài Pháp Trí viết tập Giáo Môn Tạp Vấn gồm bảy chương và Tứ giáo Tứ đế nghĩa. Bài đáp của Sư là hay nhất, được các học giả lưu truyền nhiều. Sau Sư được cử làm Thủ chúng diễn giảng không biết mỏi mệt. Tánh Sư nhún nhường lặng lẽ không ham danh đời, do đó mà được kính mến (Sau đây bản ký thiếu một vị).
16. Pháp sư Tuệ Chu:
Sư là người Đan khâu. Khi song thân đã qua đời Sư liền bỏ nhà vào đạo. Theo học với ngài Tứ Minh mới mấy năm mà được đạo bèn bảo rằng: Ngài Pháp Trí có dạy: Phật đạo rất dễ mà thật hành rất khó. Đó là bốn thứ Tam-muội.” Năm đầu Thiên Thánh, Sư giao kết với mười bạn đồng học tu Đại Bi Hành Pháp kỳ hạn ba năm, lại giao kết với mười bốn người tu Phổ Hiền Hành Pháp cũng kỳ hạn ba năm. Lúc mới giao kết Sư thề trước tượng rằng: “Nếu Tam-muội này hoàn thành thì nguyện tự thiêu để cúng dường.” Hành pháp xong Sư trở về quê cũ đến cầu chứng với ngài Thần Chiếu. Ngài muốn giúp Sư tròn nguyện bèn khuyên kẻ đạo tục chở gỗ thơm chất thành đống lớn. Vào đêm tối trời tháng Trọng Hạ, ngài Thần Chiếu chúc rằng: Pháp Hoa chuộng bố thí con đã tu, Phạm Võng phá tối con đã noi, chỉ cột tâm với Pháp giới, Thân như, Lửa như, thì một đống lửa chứa đủ Tam-muội. Mừng thấy con tinh tấn, dâng Tịnh Minh để chân cúng dường. Con hãy lên đường!” Sư tuân lời dạy, bèn từ biệt Tứ chúng, ngồi ngay thẳng trong tháp củi, ánh lửa cháy sáng ngút trời, tuyệt nhiên không nghiêng ngã. Xá-lợi chiếu lấp lánh, ai xin cũng có. Đồ chúng an táng xương tàn của Sư ở Sơn tây. Ngài Cù Chi Tường Phủ Hoài Tập, cùng là bạn đồng học của Sư, lại cùng tu Tam-muội (Sau đây bản kỷ thiếu hai vị).
17. Pháp sư Nguyên Tín:
Là một trong mười vị đại Thiền sư của nước Nhật Bản. Năm Hàm Bình thứ sáu, Sư sai học trò là Tịch Chiếu đem giáo nghĩa với hai mươi bảy câu hỏi đến Nam Hồ xin quyết nghi. Ngài Pháp Trí đáp lời giải thích rành rẽ các câu hỏi. Tịch Chiếu lãnh hội vui mừng trở về nước. Ngài Nguyên Tín rất phục thuyết này, hướng về phía Tây lạy tạ (ở đây bản kỷ thiếu mất một vị là Nguyên Thanh).