PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 11

LIỆT TRUYỆN CÁC SƯ

PHẦN 1

* Nối pháp ngài Thiên Trúc Thức Pháp sư

Đời thứ hai có:

Diệu Quả, Văn Xương Pháp sư. Minh Trí Tổ Thiều Pháp sư.

Pháp Hỷ, Thanh Giám Pháp sư.

Chân Tịnh, Tư Vĩnh Sám Chủ.

Bảo Khánh, Pháp Nhuận Pháp sư.

Thiên Trúc, Bản Dung Pháp sư.

Thiên Trúc, Tư Ngộ Thị Giả.

Thừa Tướng Vương Khâm Nhược.

Gián Nghị Đại Phu Hồ Tắc.

Chức Phương Lang Trung Thôi Dục Tài.

Thị Lang Mã Lượng.

Đời thứ ba có:

Diệu Quả Thiên Thọ Pháp sư (nối Sư Xương).

Hải Nguyệt, Tuệ Biện Pháp sư (năm người này nối Minh Trí).

Tinh Tuệ, Tư Nghĩa Pháp sư.

Biện Tài Nguyên Tịnh Pháp sư. Thần Trí Đời Thắng Pháp sư. Quảng Huệ, Cư Bạch Pháp sư

Đời thứ tư có:

Pháp Bảo Tung Nhã Pháp sư. Từ Hạnh Trí Thâm Pháp sư

Hai vị này nối Sư Hải Nguyệt

Năm vị sau đây nối Sư Tịnh Tuệ:

Viên Ứng, Đức Hiền Pháp sư.

Thần Trí, Trọng Nguyên Pháp sư.

Từ Giác, Vĩnh Kham Pháp sư.

Tịnh Chiếu, Tuệ Nhật Pháp sư. Viên Ngộ, Tư Thượng Pháp sư Hai vị này nối Biện Tài:

Pháp Giám, Nhược Ngu Pháp sư. Linh sơn, Tắc Chương Pháp sư

Đời thứ năm có:

Chỉ Nguyên, Như Cảo Pháp sư (nối Pháp Bảo) Từ Minh Tuệ Quán Pháp sư (nối Thần Trí). Từ Thọ, Tử Lâm Pháp sư (nối Từ Giác).

* Nối pháp ngài Hưng Quốc Cơ Pháp sư.

Đời thứ hai có:

Hưng Quốc, Lệnh Tường Pháp sư. Phước Nguyên, Ngộ Trì Pháp sư.

* Nối pháp ngài Tiền Đường Hiểu Pháp sư.

Đời thứ hai có: Pháp Hiển, Ngộ Thành Pháp sư.

Đời thứ ba có: Đâu-suất, Thủ Nhân Pháp sư.

Việc làm đạo ta hưng thịnh là ngài Tứ Minh Pháp Trí, nên các học sĩ khắp nơi đều hướng về. Nối nghiệp người trước mà lại nổi tiếng hơn thì có Quảng Trí, Thần Chiếu, Nam Bình là ba Sư bày pháp nhà truyền nối ý Phật, dùng cái mưu trung hưng giáo quán để mở rộng vô cùng, để đời này có nơi nương tựa. Do đó mà viết nên liệt truyện các Sư này. Như về một dòng Từ Vân từ các Sư Xương, Thiều trở đi, năm đời không nghe tiếng thì nay cũng xin nêu đủ liệt truyện. Còn phái Từ Vân trở về trước thì xếp thứ tự tiếp nhau không làm xáo trộn với con cháu của ba nhà ở Tứ Minh.

 

NỐI PHÁP NGÀI THIÊN TRÚC THỨC PHÁP SƯ

1. Pháp sư Văn Xương:

Sư người Vĩnh gia, theo nương học từ lâu với ngài Từ Vân thông suốt được ý đạo, bấy giờ được chúng tôn là hàng trên trước. Sư lại sang Hồ nam gặp ngài Pháp Trí nên chỗ đạt càng xa. Sư quay về chốn cũ, vì Diệu quả Đệ nhất thế mà lập mới diệu tông, bèn sao chép lại những điều các thầy đã giảng truyền phó chúc. Nhưng Sư dặn rằng: Nếu có những chỗ lạ thì có thể trích thêm đem vào. Trong nhóm hơn hai mươi môn đệ truyền giảng của ngài Từ Vân thì Sư đứng đầu (thấy trong Từ Vân Hạnh Nghiệp Ký – Tứ Minh và Cự Sư Thư).

2. Pháp sư Tổ Thiều:

Sư họ Lưu ở Thiên thai. Được vua ban hiệu là Minh Trí. Năm mười chín tuổi Sư thông suốt Pháp Hoa. Được độ vào chùa Đông dịch tham học với ngài Từ Vân đạt được áo chỉ, bèn hầu hạ ngài làm thầy. Khi dời đến Linh sơn thì Sư ở vào hàng Nhất tòa. Ngài Từ Vân khi sắp về ở Thảo Đường, gọi Sư đến nói rằng: “Ông hãy đến đó thay ta mà truyền giáo.” Bèn sai Sư sang núi ấy. Sư liền mang hài cỏ vui vẻ ra đi, lúc đến bờ sông, ngài cho gọi Sư lại bảo rằng: “Ta chỉ thử ông thôi, ông nên ở lại núi này.” Sư vâng lời. Mọi thứ đều thành khuôn phép. Ngoài việc giảng dạy Sư luôn tu tứ Tam-muội, lấy đó làm khóa tụng hằng ngày. Cột kèo nhà cửa chưa đầy đủ, Sư ra sức sửa chữa. Một hôm Sư bảo chúng rằng: “Ta nhận lời gởi gấm của ngài Từ Ân, nay đã già rồi, lại cũng sắp có việc ở Đông lãnh, vậy Tuệ Biện nên vì ta mà làm thượng thủ để kế thừa tốt cho ta.” Sư vào am cỏ yên thân. Không bao lâu sư có bệnh, rồi ngồi kiết già mà tịch, Sư thọ bảy mươi hai tuổi, hạ lạp năm mươi hai. Xưa Sư ở Đông dịch tu Quang minh Tam-muôi suốt một trăm ngày đêm, mới năm mươi ngày chợt thấy cờ xí rợp trời phía trước, kẻ dẫn đường hô lớn: “Đây là Đại Biện Tôn Thiên. Sư liền vái chào. Thiên bảo: “Sư nên ở đây truyền bá Đại thừa lợi ích quần sinh”, nói xong liền biến mất. Sư thường đến Kinh sư, đạo truyền vượt ngoài sông Hoài, sông Tứ. Sư mộng thấy có vị Phạm Tăng xoa đầu Sư bảo rằng: Ta là Hòa thượng Văn-thù dạy ông năm nghĩa Vô sinh.” Khi tỉnh dậy thì đọc năm Tạng thông suốt như nuốt băng tuyết. Sư lại mộng thấy mình vào một ngôi chùa cổ, có vị Tăng ngồi xổm bảo Sư rằng: “Ta nói cho ngươi nghe Đệ nhất nghĩa đế”, nghe xong như nước Cam lồ rót trên đảnh đầu liền thấy y và chánh báo như bóng mây. Có người hỏi: “Người mà thấy Hòa thượng nhân đâu mà vui mừng?” Sư đáp: “Thấy người thì luôn tưởng nhớ đến Phật.”

3. Pháp sư Thanh Giám:

Sư người Vân giang, được vua ban hiệu là Thiền Tuệ, Sư vì ngài Từ Vân mà soạn bài tựa Xí Thạch Quang Niệm Tụng Nghi, trong ấy tóm tắt rằng: Tôn giả Từ Vân đã tu Quang Giáo Môn, đệ tử là Thanh Giám được học bốn thứ Tam-muội và tu theo pháp ngài truyền lại, riêng mình làm sáng tỏ các pháp chưa truyền bà rộng khắp. Nhân đó mà với năm chương cũ đã sửa sang đầu đuôi, lại thêm hai chương Thị Pháp và Thích Nghi làm thành bảy khoa.

4. Sám chủ Tư Vĩnh:

Sư hiệu Chân Tịnh, vào tu ở Thăng Quả Tú Chi gần gũi lâu ngày với ngài Từ vân, siêng tu nghiệp Tịnh độ. Chúng thời ấy tôn kính Sư gọi là Túc Thượng cũng gọi là Sám Chủ. (Từ đây bản kỷ thiếu hai người)

5. Thị giả Tư Ngộ:

Sư là người Tiền Đường. Hầu ngài Từ Vân giảng kinh lâu nhất, nên thấu suốt quán đạo, giỏi trì chú pháp, dùng nước chữa dứt các bệnh, người đến xin đông như chợ. Đương khi tụng kinh thân Sư và Tượng thờ thường sinh ra xá-lợi. Nănm Thiên Thánh thứ ba, ngài Từ Vân muốn đem giáo quyển của tổ Trí Giả xin vua cho nhập Đại Tạng. Thừa tướng Văn Mục Vương Công đem việc tâu lên vua. Tư Ngộ bảo: “Đây không phải việc tầm thường xin cho phép tiểu tử tôi giúp sức.” Bèn vẽ tượng Thiên Thủ Đại Bi, bày khóa lễ đọc chú nguyện rằng: “Nếu việc thành tựu xin tự thiêu để báo đáp.” Lại gặp Thừa tướng qua đời, Sư càng chuyên tâm tụng chú. Năm sau thì được chỉ vua chấp thuận. Sư rất mừng bèn chất củi làm lầu. Lại thưa ngài Từ Vân xin lửa. Ngài Từ Vân lấy than hồng trong lư đưa cho. Sư cầm lấy không chút do dự. Liền vào lầu củi tự thiêu. Sau khi lửa tắt áo ca-sa đắp thân vẫn y nguyên như lúc còn sống. Ngài Từ Vân bèn thêm gỗ thơm, đọc chú cầu nguyện rồi châm lửa đốt. Sư theo ngọn lửa rực sáng mà hóa. Xá-lợi năm sắc rất nhiều, ba năm sau vẫn còn tìm thấy. Ngài Từ Vân làm bài tán khắc vào đá có câu: “Ngộ là học trò ta vì pháp mà thiêu thân, ngọn lửa phừng phừng, niềm vui rạng rỡ, đợi lửa sắp tàn, kiết già sừng sửng, khi xương cháy vụn xá-lợi như ngọc, xưa tin ứng nghiệm, đời nay khó được, tuổi đời ba mươi thật bậc trượng phu! (Từ đây bản kỷ thiếu mất bốn vị Tể quan).

NỐI PHÁP NGÀI MINH TRIỀU PHÁP SƯ

1. Pháp sư Tuệ Biện:

Sư tự là Nột Ông, họ Phó, người Hoa đình, hiệu là Hải Nguyệt, theo học với ngài Phổ Chiếu. Lúc đầu du học ở Thiên Trúc. Khi đến

Hiệp Giản, có cụ già áo mão cân đai đi qua cầu, đón rước vào cửa rồi biến mất. Ngài Minh Trí mới gặp Sư lần đầu rất lấy làm lạ. Sư liền chú tâm học Giáo Quán. Khi lớn tuổi, ngài Minh Trí bảo Sư thay mình ở tòa thứ nhất mà diễn giảng. Một hôm Sư mộng thấy ngài Chương An cầm cây lược vàng gõ vào miệng Sư bảo: Ông khuyên dạy người phải được Biện Tuệ. Sư luôn khổ vì bệnh tỳ vị, mộng thấy Thiên thần bưng mâm vàng đựng đầy nước bảo Sư nhắm mắt rồi đổ nước để rửa ruột. Đến tám năm sau, ngài Minh Trí bảo Sư nối ghế chủ giảng. Quan hàn lâm là Thẩm Cấu cai trị đất Hàng rất oai phong, ai thấy đều kinh sợ mất vía, nhưng Sư vẫn thung dung như thường. Cấu lấy làm lạ, mời Sư làm Đồ Tăng Chánh. Lúc đó Tô Tử Chiêm làm Thông Thú, có làm bài tựa Tăng Sư nói rằng: Tiền Đường Phật Tăng thạnh hành, mà khắp thiên hạ thì người học giả đạo đức tài trí cùng kẻ dối lừa hèn hạ lẫn lộn ở một nơi, khó đánh giá cho đúng. Cho nên ngoài Tăng chánh phó ra cần bổ thêm một viên Đô tăng chánh, ở bậc dưới của chánh phó chuyên trách về sổ sách án điệp, tới lui đón đưa, Đô Sư đã điều hành trọn vẹn. Thật ra Sư dùng hạnh giải để làm gương cho chúng mà thôi. Khi Sư nhậm chức rồi thì nếu việc quản lý trong tự viện mình được rảnh rang Sư liền tập họp chư Tăng các chùa cùng các bậc hạ tòa tài giỏi, mở cuộc sát hạch hỏi nghĩa lý, đặt tên là “Cực vi hồ”. Cuộc sát hạch gồm mười câu hỏi. Ai trả lời được năm câu thì trúng tuyển, ai trả lời dưới ba câu thì bị loại. Sau đó mới bổ nhiệm vào những tự viện theo cấp bậc khác nhau. Do đó các chùa đều tôn kính tuân theo quy tắc đó. Sự hoằng truyền suốt hai mươi lăm năm, người theo học có số ngàn. Có một đêm kẻ trộm vào thất, Sư cởi áo đưa cho bảo kẻ trộm theo đường tắt mà đi. Buổi vãng niên, Sư bớt việc giao tiếp, trở về nương chốn thảo am, sáu thứ luôn theo mình (sáu thứ là y, bát, ngọa cụ, giấy viết, phất trần, lư hương). Bấy giờ đất Ngô việt có đại hạn, cầu mưa ở tượng Quan Âm chùa Thiên trúc đã lâu mà không ứng nghiệm. Sư hay có bệnh ngủ trưa mộng thấy một cụ già áo trắng đội mũ đen bảo rằng: “Đúng ngọ ngày mai tất có mưa.” Tới hẹn quả có mưa. Xa gần đều cảm mộ sự chí thành của Sư. Đến ngày mồng bảy tháng mười năm Hy Minh thứ sáu, buổi sáng Sư rửa mặt súc miệng xong nói lời giã biệt với chúng, rồi ngồi kiết già chắp tay mà hóa. Lúc xưa Sư có dặn phải đến dốc núi phía Đông rồi mới đậy nắp Kim quan (Khám). Sau bốn ngày đến dốc núi thì thấy Sư ngồi kiết già như lúc còn sống, trên đỉnh đầu vẫn còn ấm. Khiêng hết dốc, đồ chúng an táng xong mới lui về.

Đông Pha Tập nói rằng: Sau khi Sư tịch hai mươi mốt năm, ta bị trích đến Tuệ Châu em của Sư là Tư Nghĩa có dặn Tham Liêu xin làm bài Tán nhân viết tựa rằng: Ta ở đất Hàng mộng thấy đến Tây hồ thấy một đại điện trên có bảng đề: “Di-lặc hạ sinh, cố nhân Hải Nguyệt, dòng giỏi biện tài đều tới lui ở đó. Bèn làm ba bài Tứ Tuyệt mà điếu, bài thứ nhất:

Muốn tìm di tích nhìn áo cũ
Vốn đã vô sinh sao mất được
Đêm nay trăng sáng giảng đường xưa
Thềm cũ tiếng sương rơi Thánh thoát.

Sau đó Tham Liêu đến Dĩnh thủy vào gặp Tử Do bảo rằng: Biện tài đến như Tử Chiêm mà có được lời minh. Chỉ riêng Hải Nguyệt không có minh sao? Tử Do cũng làm bài minh đề ở tháp.

1. Pháp sư Tư Nghĩa:

Sư tự là Hòa Phủ, họ Lăng, người ở Võ Khoang Hồ Chi. Sư thi Pháp Hoa được trúng tuyển hạng nhất nên được độ xuất gia. Sư theo học với ngài Minh Trí do nghe giảng mà được ngộ, thường mở túi thơm đưa ra mười câu hỏi. Sư đáp đều khế hợp ý chỉ. Khi ngài Minh Trí lui về ở Thảo đường, đại chúng cùng đưa ngài vào thất, khi chúng tan Sư vẫn còn đứng hầu một bên, ngài Minh Trí hỏi: Ông vừa thấy gì? Đáp: Thấy đại chúng lạy rồi lui ra. Ngài bảo: “Ta bảo ông sau này phải ở tại núi đây mà nối thạnh đại giáo và về sau cũng nhập vào thất này….” Sư trải tu bốn hạnh Tam-muội. Bỗng trên cổ Sư nổi lên một bướu thịt. Đêm Sư mộng thấy Công đức thiên đến cho Sư ăn một quả đào, thì bệnh liền tiêu. Năm Hy Ninh thứ tư, được vua ban cho Tử Y và hiệu là Tịnh Tuệ. Thừa tướng Tô Tụng cai trị đất Hàng, thỉnh Sư về ở chùa Thiên trúc. Ở đấy Sư chấn hưng đạo pháp ở núi ấy suốt hai mươi ba năm rồi lui về ở Thảo đường đúng như lời ngài Minh Trí đã nói trước. Năm Nguyên Hựu thứ ba, ngày mười tám tháng hai, giữa đêm Sư giã biệt chúng ngồi kiết già mà hóa. Đại chúng tụng niệm rất lâu. Bỗng Sư cất tiếng bảo: Ta đến hầu Đức Quan Âm Đại sĩ, mới đi thì thấy một vị Sa-môn mình ánh sắc vàng vẫy tay bảo ta rằng: “Báo duyên của ông chưa dứt, bảy ngày nữa ta sẽ đến rước.” Đến ngày hai mươi lăm Sư lại ngồi kiết già mà hóa. Đến ngày nhập khám, có vầng mây đỏ phủ bên trên in tuồng như dẫn đường hướng về phía Tây rồi ẩn mất.

2. Pháp sư Nguyên Tịnh:

Sư tự là Vô Tượng, họ Từ, người ở Ư tiềm, Hàng châu. Có người khách đi ngang qua nhà bảo rằng: “Khí đẹp cuộn bay lên, ắt sinh trai kỳ đặc!” Khi Sư sinh ra thì ở vai trái có nổi lên miếng thịt như điều của ca sa, tám mươi mốt ngày sau mới lặn. Ông bác thấy làm lạ bảo rằng: Đây là Sa-môn kiếp trước tất phải hầu Phật. Còn số tám mươi mốt thì đúng là Sư thọ được tám mươi mốt tuổi. Đến mười tuổi Sư xuất gia. Mỗi khi thấy giảng tòa Sư thường bảo: Ta nguyện lên tòa này nói pháp độ người. Năm mười tám tuổi Sư đến học với ngài Từ Vân, không bao lâu được sắp lên hàng cao đệ. Sau nghe ngài Minh Trí giảng về Chỉ Quán, có năm duyên Phương Tiện, có nói rằng: Dùng một bữa cơm thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các Thánh hiền rồi sau mới ăn. Bữa ăn này là một phương tiện vậy.” Sư ngộ, bảo rằng: Nay mới biết sắc hương vị xúc vốn đủ đệ nhất nghĩa đế, nhân đó Sư khóc như mưa. Từ đó gặp vật nào cũng đều là Pháp giới. Sư thay ngài Minh Trí giảng kinh suốt mười lăm năm. Quan thú ở đất Hàng là Lữ Trăn thỉnh Sư đến ở Đại bi các, Sư nghiêm thiết giới luật, đồ chúng rất sợ nhưng cũng rất mến Sư. Lữ Trăn tâu vua ban cho Sư Tử Y và hiệu là Biện Tài. Được bảy năm, Quan Hàn Lâm Thẩm Cấu cai trị đất Hàng (năm Gia Hựu đời Nhân Tông) cho rằng Thượng Trúc vốn là Quan Âm đạo tràng phải dùng âm thanh để làm Phật sự không phải chỗ của Thiền-na, bèn thỉnh Sư đến ở. Sư đục núi để tăng thêm phòng ốc, rộng tụ tập đồ chúng, hoằng truyền Phật pháp thạnh hành trùm cả hai vùng sông Triết. Năm Tông Hy thứ ba đời vua Thần Tông, quan Thú đất Hàng là Tổ Vô Trạch bị ngồi ngục ở Tuy lý (Tú châu). Sư bèn đúc chuông kể bày mọi việc nên may mắn được thả ra. Khi Sư ngụ ở Chân Như Lan Nhã định soạn Kim Ty, đặt ra vấn đáp để thuật Thuyết Sự Lý Viên Dung, làm sáng rõ diệu lý của Tổ Sư. Năm Nguyên Phong thứ nhất, có người thấy vật cúng thí của Sơn môn quá nhiều đã ỷ quyền thế cướp đoạt, chúng nhân đó giải tán. Năm sau người ấy bị triều đình chê trách mời Sư về ở lại, chúng bèn tập hợp đông vầy. Thanh Hiến Triệu Công là bạn tục của Sư làm lời tán rằng: Sư đi núi Thiên Trúc vắng, quỷ sầu; Sư về Thiên Trúc đạo tràng lại rạng rỡ (Đông Pha Ký Thi nói rằng: Đạo nhân đi khỏi núi, sắc núi úa tro tàn, mây trắng buồn ngẩn ngơ, rừng thông gào thảm thiết. Chợt nghe Đạo nhân về, chim hót núi mừng rở…). Được ba năm Sư lại ra đi, đến ở tại Long tỉnh thuộc Nam sơn, hàng sĩ thứ đua nhau dựng nhà, bèn thành một ngôi chùa ở đấy. Được sáu năm, quan thái thú Đặng Bá Ôn thỉnh Sư đến ở Nam bình, qua năm sau Sư lại trở về Long tỉnh. Lúc bấy giờ Linh sơn không người giảng kinh, Sư vì đạo tràng của Sư tổ Từ Vân, nhận lời chúng thỉnh trở về. Được hơn một tháng, trong lúc thiền định Sư thấy thần Kim giáp quỳ trước Sư thưa rằng: “Pháp sư trước đã ở đây, không duyên không nên ở lâu.” Sư theo lời Thần mách bảo bèn trở về Long tỉnh. Năm nguyên Hựu thứ tư, Tô Thức cai trị đất Hàng, có lần đến hỏi Sư rằng: Ở Bắc sơn người lãnh đạo như Sư có được mấy người? Sư đáp: Sa-môn phần nhiều tu mật hạnh không thể biết hết. Con của Pha Tử là Đãi sinh đã bốn năm mà chưa biết đi bèn thỉnh Sư đến cạo tóc và xoa đảnh, được vài hôm thì bước rất nhanh (Pha nói rằng: Sư đến xoa đầu thì liền chạy nhanh như hươu). Lúc sắp viên tịch, Sư vào ở am Phương viên, ngồi yên từ biệt khách, không nói năng ăn uống, lại cho mời Tham Liêu đến bảo rằng (Tham Liêu Đạo Tiềm): Tịnh nghiệp ta sắp thành, nếu trong bảy ngày không có điều chi trở ngại thì ta thỏa nguyện.” Đến bảy ngày Sư nói kệ dạy chúng rồi nằm thế kiết tường nghiêng hông bên phải mà an nhiên thị tịch. Lúc đó là ngày tối trời tháng chín năm Nguyên Hựu thứ sáu. Khi xây tháp xong, đệ tử là Hoài Sở đến Nhữ Ân xin Đông Pha viết bài chí, Đông Pha bảo Tử Do làm bài Minh. Sư nói pháp không kể ngày đêm. Sư thường nói: Vì quỷ thần oai đức không đầy đủ, ban ngày không đến nghe được, ban đêm vắng người họ mới có thể nghe được. Sư đốt tay cúng Phật, tay trái đốt ba ngón, tay phải đốt hai ngón. Có người muốn bắt chước, Sư ngăn lại bảo “Như ta tu Tây phương tịnh nghiệp, chưa hề phút giây bỏ sót, nếu cầu Bồ-tát phóng quang thì ánh sáng liền hiện đến.” Sa-môn Hy Trọng ngồi ăn cơm với Sư thấy giữa chân mày của Sư có ánh sáng. Khi vạch chỗ đó ra thì có mấy hạt xá-lợi. Người đời sau cũng thường nhặt được xá-lợi ở chỗ nằm của Sư. Gia Hưng lệnh là Đạo Trỉ có con bị ma ám, Sư đến chú nguyện liền hết bệnh. Chư Kỵ Trần Thị bị bệnh tim lâu ngày dần dần không nhận biết được người. Sư dùng lời dịu dàng khuyên răn thì liền tỉnh biết. Bố Y Lý Sinh học thiền đã lâu nhưng chỉ biện giải mà không thực hành muốn theo Sư xuất gia nhờ ngài Đông Pha nói giúp nhưng chưa nói đến tên thì Sư cực lực từ chối, hình như Sư đã biết trước. Ở Tú châu có cuồng Tăng hiệu là Hồi Đầu, dùng tả đạo mê hoặc người, bảo mình sẽ xây tháp lớn để người đất Ngô gieo trồng phước đức. Sẽ xây cất ở Vân ủy, vì sợ không thể dối Sư khi vào đất Hàng nên sai người đem thư trước xin lấy mười vạn quan tiền để cúng Tăng. Sư đáp rằng: “Nhận lấy tiền xây tháp nay muốn cúng Tăng thì bảo phải có văn từ rõ ràng, không được xài lộn.” Cuồng Tăng mắc cở đành thôi (Đông Pha có lời văn tế, tóm tắt rằng: Xưa ta bị đày ra đất Hàng thấy có năm ông: Giảng thuyết có Biện Trăn, tu thiền có Liên Trung. Sau hai mươi năm chỉ còn ông này, nay cũng bỏ đi. Người sau biết nương tựa ai?).

Cảnh Am nói: Đạo cao đức trọng trí sáng luận giỏi làm Đại Pháp Chủ là chỗ đời nương tựa cho đời, mà việc xuất xử ăn uống còn không được tự tại. Sư ở Thượng Trúc gần hai mươi năm, ở Linh sơn chỉ hơn một tháng. Song luận về kết duyên thì bậc Đại hiền vẫn có điều chưa khỏi được.

3. Pháp sư Đái Thăng:

Sư người ở Cối kê, hiệu Thần Trí, từ lâu theo học với ngài Minh Trí, người thời ấy tôn Sư là người luận thuyết giỏi. Ngay trước, khi Tiền Võ Túc Vương còn làm Soái ở đất Hàng, có lần bị bệnh mắt có màng. Đêm Vương mộng thấy vị tiên mặc áo lụa trắng nói rằng: Từ Vĩnh Gia đến đây. Sáng sớm Tăng Vĩnh Gia dâng điệp xin hiến tượng Quan Âm nói là đã vớt được trên biển. Các Sư trên núi rước về nhưng khiêng không nổi. Liền báo mộng là muốn về ở Việt thành. Võ Túc Vương liền kính cẩn đến nghênh đón, khi nhìn thấy tượng thì mắt Vương sáng lại. Vương bèn lập am tên là Phước hưng để thờ tượng. Tượng cao sáu thước phạm tướng uy nghiêm, đèn đốt suốt đêm như thờ người sống. Khoảng năm Nguyên Hựu, Sư đến ở Hưng phước, bấy giờ Thanh Hiến Công làm Soái. Hạn hán lâu lại thêm dịch bệnh, cầu cúng lâu ngày không ứng nghiệm, Vương bèn dẹp hết các việc cúng kiến thường nhật, thỉnh Sư rước tượng vào phủ, khẩn thiết nguyện cầu, chỉ một đêm thì mưa ào xuống như trút nước, dịch bệnh cũng tiêu mất. Vương tâu về triều được vua ban cho Sư hiệu Thần Trí, tên am là Viên thông. (Sau đây bản kỷ bỏ sót một vị)

NỐI PHÁP NGÀI HẢI NGUYỆT BIỆN PHÁP SƯ

1. Pháp sư Tòng Nhã:

Sư người Tiền Đường, được vua ban hiệu Pháp Bảo. Lúc đầu Sư theo ngài Hải Nguyệt học thông Chỉ Quán bèn tự bảo rằng: Nói trong mà làm đục sẽ bị Thánh hiền quở trách. Bèn vào viện Thiên Vương ở Nam Sơn mà tụng Pháp Hoa lên đến năm tạng (một tạng là năm ngàn tám mươi bốn cuốn), Kim Cang Bát-nhã bốn tạng, Di-đà Kinh mười tạng, Lễ Tháp Xá-lợi mười biến (một biến là tám vạn bốn ngàn lạy), Lễ Thích-ca ba mươi vạn biến, Lễ Di-đà một trăm vạn biến, lạy danh hiệu Phật năm ngàn vạn tiếng, lạy kinh Pháp Hoa, một chữ ba lạy, ba lần. Tâm quyết vãng sinh Tịnh độ, một đời không xây lưng về hướng Tây. Hiến sứ là Vô Vi Dương Kiệt làm bài tán An Lạc Quốc gồm ba mươi chương để làm đẹp. Trong đó có câu: “Tịnh độ khắp các cõi, đâu riêng gì Tây phương, chỉ được vào một cửa, mọi nơi đều Bồ-đề.” Sư muốn rộng hoằng hóa thế tục, bèn ở chùa Thọ nghiệp tịnh trụ mà vẽ ba bậc chín phẩm, đem khắc bài tán vào đá. Người đến xem đều được cảm hóa. Một hôm Sư không bệnh ngồi kiết già mà thị tịch. Có điềm lành thiên nhạc tấu trên không trung và mùi hương lạ đầy thất.

2. Pháp sư Trí Thâm:

Sư được vua ban hiệu Từ Hạnh, họ Thẩm, người ở Gia hòa. Lúc đầu Sư nương ngài Hải Nguyệt học về giáo quán. Khi đã thành, Sư trở về học với Sùng Phước Tây Tự, rồi mở Trường đường, cúng Vân Thủy, lập Sám hội Quang minh kỳ, suốt hai mươi năm mà chỉ như một ngày. Sư chuyên tu Tịnh độ, khuyên người niệm danh hiệu Phật, được Sư giáo hóa số người đông không kể xiết. Đến tháng sáu năm Ất Mùi niên hiệu Chánh Hòa, Sư ngồi mà tịch. Để khám suốt bảy ngày mà sắc mặt Sư vẫn không đổi. Đến ngày trà-tỳ thì có mùi hương lạ lan tỏa khắp nơi. Mọi người đến nhặt hết xá-lợi và xương tàn.

NỐI PHÁP NGÀI TỊNH TUỆ NGHĨA PHÁP SƯ

1. Pháp sư Đức Hiền:

Sư người Lâm An, vua ban hiệu là Viên Ứng. Lúc Sư còn nhỏ, xem bói thầy tướng bảo: “Ngày nọ sẽ bị nạn quan, chỉ có xuất gia mới khỏi được”. Cha tin lời, bèn cho Sư đến nương chú là Hải Nguyệt. Hải Nguyệt nói: “Ông cháu ta nối nhau gia nghiệp mới thành, ngươi muốn đến đây làm chủ nhân chăng?” Sư bèn bỏ đi. Sau đó xuống tóc lại đến chùa Thiên trúc tham học với ngài Tịnh Tuệ. Sư rất thông suốt đạo Giáo quán, lâu ngày được sắp vào hàng Đệ nhất tòa. Có một tục sĩ vào gặp ngài Tịnh Tuệ thưa rằng: Con gái tôi bị ma quấy nhiễu chợt gào chợt khóc, xin Sư Từ bi cứu giúp!” Ngài bảo: “Thủ tọa của ta trị nó được.” Kẻ sĩ bèn đến vái chào. Sư bảo: “Đặt một cái giường ở trên gác rồi cô gái đến đó ngủ”. Giây lát Sư bỏ đi. Cô gái thưa cha rằng: “Con vừa được Sư khai ngộ cho, nên nay xin đi luôn.” Từ đó thần thức cô được an định. Khi ngài Tịnh Tuệ ở yên tại Thảo đường thì Sư lên nối tiếp ở tòa giảng kinh. Quả là phù hợp với lời ký trước “về đây làm chủ” của ngài Hải Nguyệt. Sư ở đó được năm năm, không bệnh mà qua đời. Sư bảo môn nhân rằng: Thuở sinh tiền ta nhờ đạo lực mà thoát nạn, nay chết rồi e không khỏi được. Môn nhân bèn tạo tượng Sư đưa vào Tổ đường, dùng sắt mà bảo vệ cổ pho tượng. Trong năm Kiến Viêm, giặc Kim Chân Châu Vương Tử kéo quân đánh Chiết giang, chạy vào Thiên Trúc, lên Bảo điện thì các tượng đều đứng dậy vái chào, riêng tượng Sư không nhúc nhích. Vương nổi giận bảo đem chém nhưng cổ tượng có sắt nên không hề hấn gì. Vương lại bảo chất củi đầy cửa mà đốt. Nhưng khi củi tàn mà nhà vẫn y nguyên như cũ. Giặc cả kinh khen ngợi đảnh lễ lui ra.

2. Pháp sư Trọng Nguyên:

Sư hiệu Thần Trí. Đúng tuổi thọ giới, liền theo học giáo pháp với ngài Tịnh Tuệ ở Thiên trúc. Rồi kế thừa làm chủ Tổ phụ đạo tràng, Đạo Phong rực rỡ. Được sáu năm thì Sư lui về chốn Thảo đường. Sư mời thủ tọa là Vĩnh Kham lên nối mình, Sư bảo: Các vật ở trong liêu đều để lại cho người sau, Phương trượng có chỗ dùng thì cũng đầy đủ. Sư chỉ lấy theo ba y, một bát, lò hương, phất trần, ni sư đàn, giấy mực và đồ giặt rửa, đời gọi là bảy vật tùy thân. Sư bước qua Thảo đường kịp nhìn qua liêu Thủ Tọa, chỉ còn một cái chăn, ngoài ra không gì khác. Người đời không ai không kính trọng đạo đức của hai Sư.

3. Pháp sư Vĩnh Kham:

Sư được vua ban hiệu Từ Giác, sống đời cao cả. Bình sinh Sư không bước chân đến chùa Ni. Sư theo học với ngài Tịnh Tuệ, lâu dần được đạo. Về sau Sư nối tiếp Sư Thần Trí ở Thiên Trúc được hai mươi mốt năm. Học giả khắp nơi đều tôn Sư là Tông Chủ. Sư thường khuyên dạy chúng rằng: Biết đạo mà không ép mình làm theo cũng như thấy cơm mà không chịu ăn, rốt cuộc là người đói. Hôm khác lại gọi chúng bảo rằng: Các ông cứ một mực nhịn ăn mãi là sao? Chúng hổ thẹn trước lời nói ấy, các học sĩ cùng lúc đốc thúc nhau tu tiến để trở nên bậc anh tài trên đời.

4. Pháp sư Tuệ Nhật:

Được vua ban hiệu Tịnh Chiếu, theo học với ngài Tịnh Tuệ mà được yếu chỉ. Sư thấu suốt Tam tạng, ưa tu thiền định, lấy việc phù vân mà đãi người, không phân biệt ngu hay trí. Có bị làm nhục Sư không hề đổi sắc, mọi người đều khen Sư đã được đại nhẫn của Phật. Sư nối ngài Từ Giác ở Thiên Trúc hơn mười năm, giảng đạo rất tinh tấn nối sáng nghiệp cha anh.

5. Pháp sư Tư Thượng:

Sư sớm theo học hiểu diệu đạo của ngài Tịnh Tuệ. Năm Chánh Hòa thứ nhất có chiếu vua mời Sư đến ở Thượng trúc và ban hiệu là Viên Ngộ. Sư giảng nói giản dị sáng sủa, các học giả đều ngưỡng mộ. Sư thường bảo: Nghĩa học của tông ta không chung với sách Nho, nhưng ta e người giảng dạy chưa thấu đáo hết nghĩa lý ấy. Dẫu nghĩa chưa tường tận còn ý ấy ở đâu? Vậy hãy được ý mà quên lời, từ đó người học sẽ thành công. Nhưng nếu người sơ tâm mới học thì trước hết phải tìm hiểu văn nghĩa mới được.

NỐI PHÁP NGÀI BIỆN TÀI TĨNH PHÁP SƯ

Pháp sư Nhược Ngu:

Sư người Hải diêm, họ Mã, được vua ban hiệu là Pháp Giám. Sư theo học giáo với ngài Biện Tài được khen ngợi là kẻ sớm thành đạt. Quan Quận thú đón Sư đến hoằng pháp ở Nam bình nhưng Sư không đi, bèn mời ngài Biện Tài đến ở. Đó là lúc Sư ở Long tỉnh sáu năm. Sau Sư đến Tiên Đàm ở Hồ chi xây cất Trường đường để tiếp đãi. Dựng gác lớn, tạo tượng Tây phương, kết họ với đạo niệm Phật thường có đến mấy trăm người. Trong suốt ba mươi năm người dự hội phần đông đều có điềm lành được Phật đón rước. Tháng chín năm Tỉnh Khang Mậu Ngọ, Sư bảo đồ chúng rằng: Ta mộng thấy Thần nhân bảo rằng: Bạn đồng học với các ông là Tắc Chương được Phổ Hiền Hạnh Nguyện Tam-muội, đã vãng sinh Tịnh độ, đang ở cõi ấy đợi các ông, các ông sao có thể để lâu mãi thế? Sư liền khiến chúng phúng tụng Quán Kinh, vừa xong bèn nói: Phật đã hiện tiền, chúng ta cùng đến đó. Liền để lại bài kệ rằng:

Ngàn hoa giăng lưới giữa khoảng không
Trong mộng ao sen bảy báu hiện
Bước đến đất Tây đường yên ổn
Một chút hồ nghi ắt cũng không.

Khi trà-tỳ Sư thì được cả trăm hạt xá-lợi. Tháp Sư ở Đông vũ. Khi Sư mới xuất gia mộng thấy cô gái áo trắng trao cho hai mươi bảy thẻ lớn. Sau đúng y số năm Sư hưởng dương (sau đây bản kỷ để thiếu mất một người. Như Cảo ở sau ngài Tử Lâm).

NỐI PHÁP NGÀI TỪ GIÁC KHAM PHÁP SƯ

Pháp sư Tử Lâm:

Sư được vua ban hiệu Từ Thọ. Thuở nhỏ Sư theo học với ngài Từ Giác và thâm ngộ được Viên Chỉ. Sư lại đến gặp ngài Phật Trí Dụ Thiền sư nghiên cứu kỷ Tâm Yếu. Lúc đó ngài Thiên Trúc được chỉ vua ở trong núi để làm công đức cho Thái hậu Từ Phước. Suốt hai mươi tám năm trong việc diễn giảng Sư luôn đề cao đại nghĩa. Các thiền lữ nghe đạo phong của Sư mà đến thì đều cảm phục sự biện luận của Sư. Ngài Đại Tuệ Cảo Thiền sư đến luận bàn cùng Sư, suốt đêm không hay trời sáng liền bảo Sư rằng: Người bây giờ chỉ biết Sư có giáo, Kính Sơn lại nhận là lão Sư có thiền và làm lời đề nói về sự thật ấy rằng: Khi ngộ được Toàn Đà-la-ni Tam-muội thì đối với tất cả pháp đều được đại tự tại. Trên đầu lưỡi, lời lẽ tuôn trào Đệ nhất nghĩa đế không hề sai trái.

Mùa Xuân năm Càn Đạo, vua Hiến Tông đã vời Sư vào hỏi đạo.

Vua nói: Trẫm muốn đọc kinh, vậy kinh nào cốt yếu?

Sư đáp: Kim Cang Viên Giác là đạo cốt yếu nhất.

Vua hỏi: Tham thiền như thế nào?

Sư đáp: Tu thiền cần do tự ngộ.

Vua hỏi: Lấy gì làm công?

Sư đáp: Ngưng lắng thân tâm lâu ngày tự khế hợp.

Vua đồng ý. Sau này khi triều đình có việc cần mời hỏi các bậc Đạo giáo ở đời thì Sư thường cho Tuệ Quang ở Thượng trúc góp ý. Vua rất vui mừng tiếp nhận. Một hôm Sư gọi môn nhân bảo rằng: Ta làm Thủ tọa mười tám năm, hằng ngày đều tụng một bộ kinh Pháp Hoa này. Mỗi khi thiền định thường mộng thấy Đức Phổ Hiền. Từ khi làm trụ trì đến nay không còn mộng thấy nữa, mới tin là “lãnh chúng thì tổn mình” lời nói ấy thật đúng. Sư bèn lui về ở Thảo đường. Được khoảng nửa năm, chợt Sư viết kệ để lại rồi ngồi kiết già thị tịch. Để khám Sư lại hơn một tuần nhật, lúc đó trời đang giá rét nhưng nhục thân Sư vẫn luôn ấm áp (Sau đây mới biết thiếu một vị Linh Tường).

NỐI PHÁP NGÀI PHÁP BẢO, NHÃ PHÁP SƯ

Pháp sư Như Cảo:

Sư người ở Tiền Đường, đến tham học với ngài Pháp Bảo. Đời Đường, có Phục Lễ Pháp sư đến học đạo làm kệ hỏi rằng:

Chân Pháp tánh vốn Tịnh
Vọng niệm do đâu khởi
Từ chân có vọng sinh
Vọng này do đâu dứt?
Không đầu thì không cuối
Có chung nên có thủy
Không thủy mà không chung
Mù mịt mãi lý này
Xin bày ý huyền diệu
Bẻ gãy thoát sinh tử.

Sư bảo: Câu hỏi này có hai ý. Vế bốn câu hỏi đầu là: Chân pháp vốn tịnh vọng do đâu sinh, vọng đã sinh rồi, vọng do đâu diệt. Đây là nghĩa tức chân, tức từ chân mà khởi vọng, lại từ vọng mà trở về chân. Vế bốn câu hỏi kế là: Thủy chung có không, đã nói không thủy, vì sao có chung. Nếu không có chung, vì sao có thủy. Hai câu kệ sau là đáp. Từ Cổ Thiệp Pháp sư đến Thanh Lương Khuê Phong mỗi vị đều có kệ

đáp. Nhưng trong Hồng Giác Phạm đã chép (Lâm Gian Lục) bảo đều chưa đáp ứng đúng ý hỏi. Hỏi rằng: “Chân pháp vốn tịnh, vọng do đâu khởi?”, mà nay chỉ đáp là “mê chân bất giác”. Với câu đáp đó ai trả lời không được? Sư bèn phân ra mà đáp rằng:

Chân không giữ tự tánh
Phân biệt, năng sở khởi
Tùy duyên huân nhiễm tịnh
Chỉ ở tánh mới dứt
Chân vọng một thể “Tức”
Nên nói không chung thủy
Mê ngộ tự phân biệt
Lý thủy chung rõ ràng
Hiểu gốc chân vọng này
Ai lại chịu sinh tử.

Kẻ thức giả bảo câu đáp này mới hết ý câu hỏi. Sư soạn về giáo nghĩa có tên là Chỉ Nguyên Tập (ở bài tựa ghi là soạn năm Thiệu Hưng thứ mười hai).

NỐI PHÁP NGÀI HƯNG QUỐC, CƠ PHÁP SƯ

Pháp sư Ngộ Trì:

Sư người Từ Khuê, theo học với ngài Hưng Quốc. Sư thi tụng Pháp Hoa trúng tuyển được độ. Sư thông suốt tất cả ý chỉ, sâu sắc đạo truyền thọ của Cơ Pháp sư. Sư rất có đạo phong khi thay thầy giảng pháp. Tại Vĩnh an ở ấp Tây, suối rừng rất đẹp, chúng thỉnh Sư đến khai phá, trải suốt mười tám năm nơi ấy nhà cửa tượng hình đều đầy đủ. Đầu năm Bảo Nguyên, vua Nhân Tông nghe tâu bèn ban cho Sư hiệu Phước Nguyên. Sư an chúng giảng đạo. Sư chi ly nghiêm khắc khi giảng đạo nhưng rất khoan hòa với mọi người, rất lễ nghi khi tiếp khách nhưng nói năng tao nhã suốt ngày không mỏi mệt. Nơi Sư ở có trồng nhiều cây trái đẹp, luôn đắp đường khai nước làm ruộng, nên gặp năm đói kém hạn hán không lo. Cơm và pháp đều đầy đủ, mọi người đều vui vẻ nương nhờ (Tứ Minh Giáo Hạnh có ba sách, cùng Trì Điệt làm chủ Vĩnh an sơn là đó. Việc này thấy ở Phước Nguyên Khai Sơn Ký. Trong đây bản kỷ thiếu mất hai người. Quyển này gồm có ba mươi ba vị, nhưng bản kỷ ghi chỉ có hai mươi ba vị, thiếu mất mười vị).