PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

TÁM TỔ TỪ HƯNG ĐẠO TRỞ ĐI

Tổ thứ 10: Thiên thai Hưng Đạo Tôn giả đại Pháp sư.

Tổ thứ 11: Thiên thai Chí Hạnh Tôn giả đại Pháp sư.

Tổ thứ 12: Quốc Thanh Chánh Định Tôn giả đại Pháp sư.

Tổ thứ 13: Quốc Thanh Diệu Thuyết Tôn giả đại Pháp sư.

Tổ thứ 14: Quốc Thanh Cao Luận Tôn giả đại Pháp sư.

Tổ thứ 15: Loa Khê Tịnh Quang Tôn giả đại Pháp sư.

Tổ thứ 16: Tứ Minh Bảo Vân Tôn giả đại Pháp sư.

Tổ thứ 17: Tứ Minh Pháp Trí Tôn giả đại Pháp sư.

****

Lúc xưa Ngô Việt Vương xin thụy phong các Tổ nhưng ba tổ Long Thọ, Bắc Tề và Nam Nhạc chưa kịp phong. Nay cùng tính từ Thúy Pháp sư trở xuống những vị mà không có hiệu Sư, thì ngay từ văn của bản kỷ, thu nhặt các hành trạng thật sự của các ngài để tôn xưng. Vì chính đó là nghĩa lớn của việc tôn Tổ. Giả sử có ngày nào có người muốn khảo luận về đức tốt đẹp để dâng lên vua xin ban cho huy hiệu cao quý thì có thể may mắn căn cứ vào đây mà định tên, ngõ hầu không sai sự thật. Hoặc nếu có ai nghi rằng chỉ đời nay riêng thụy phong, thì như ở đời Hán, môn nhân của Chu Mục đã cho Thái Ấp mà thụy phong cho ông là Văn Trung Tiên Sinh. Đời Tấn môn nhân của Đào Tiềm thụy phong cho ông là Tĩnh Tiết Tiên Sinh (thấy trong Hán thư phần Tống Sử), Đời Đường môn nhân của Tiêu Dĩnh Sĩ đã thụy phong cho ông là Văn Nguyên Tiên Sinh (Triệu Lân Nhân Thoại Lục), Đời Nguyên, Diên Tổ được thụy phong là Thái Tiên Sinh (cha của Nguyễn Kiết). Đây đều là kẻ môn nhân riêng thụy phong mà không có lỗi.

Về việc Thánh nhân truyền đạo cho nhau là cốt để làm sáng tỏ giáo quán mà thôi. Trước suy tôn tổ Long Thọ, sau là ngài Kinh Khê, chín đời làm Tổ. Đến như hai Sư Thúy và Tu nối nhau diễn giảng khiến Tổ nghiệp không mất. Nhưng khi gặp tai ách Hội Xương thì kinh sách đều mất nên ba sư Ngoại, Tú, Tủng chỉ truyền đạo Chỉ Quán. Đến đời ngài Loa Khê nhờ Ngô Việt Vương tìm ra Di thư ở biển Đông mà Đế Quán từ nước Cao Ly đem giáo quyển ấy đưa về cho Trung Quốc mình. Do đó mà Tổ đạo lại được chấn hưng mạnh mẽ. Đời Tứ Minh lại trung hưng nên thật có chỗ nhờ cậy. Các Sư ấy hoặc công khai hoặc âm thầm “thuật nhi bất tác” thì gọi đó là Tổ. Bởi đó mà việc truyền thụ có kế thừa, việc nối nhau có thứ tự. Đây là Kỷ ghi về tám Tổ từ ngài Hưng Đạo trở xuống.

Tổ thứ 10: Hưng Đạo Tôn Giả: Đạo Thúy

Không biết Sư sinh quán ở đâu. Vào khoảng năm Đại Lịch đời Đường (Đại Tông) Sư đến nương nhờ ngài Kinh Khê tại Phật Lũng. Sư thông suốt các chỗ u huyền không chút trệ ngại. Ngài Kinh Khê vui mừng bảo rằng: “Con ta có thể kế thừa đạo nghiệp của ta!” Bèn truyền cho Sư bộ Chỉ Quán Phụ Hành. Sư vì chúng diễn giảng, làm sáng tỏ những ý chỉ sâu kín khiến người nghe không ai chẳng lãnh ngộ. Bạn đồng môn với Sư là Nguyên Hao mới gặp lần đầu đã rất kính phục. Năm Trinh Nguyên thứ hai mươi mốt, có Sư Tối Trừng ở Nhật Bản từ xa tìm đến cầu pháp, nghe Sư diễn giảng, lãnh nhận thọ học ngày đêm cố gắng mãi, viết hết bộ Nhất Tông Luận Sớ để đem về. Khi sắp lên đường bèn đến Thái Thú ở Quận Đình để xin một lời làm chứng cứ. Thái Thú là Lục Thuần vui mừng khen lòng thành ấy bèn đề rằng: Sa-môn Tối Trừng, tuy người nước ngoài, tánh thật cùng nguồn, tư chất thông minh, đạo tục đều kính, sáng chói ở nước nhà, lại được bậc danh Hiền truyền giáo là Pháp sư Thúy. Ngài là bậc thu muôn pháp vào một tâm, thấu mọi nẻo bởi Tam quán. Nay Sư Tối Trừng lại được ngài mật truyền, nói năng không ngoài Kinh Luận. Lại còn e học giả nước mình chưa thể tin vào thuyết này nên xin được ấn ký, đâu chẳng đáp lời. Tối Trừng bèn ngồi thuyền trở về Đông hải, chỉ lên một ngọn núi nói là Thiên thai, rồi lập lên ở đấy một cảnh chùa để truyền giáo, phong hóa rất thịnh hành hàng đầu, người theo học ngày càng đông. Bèn xa tôn Thúy Sư làm Thủy Tổ. Nhật Bản thật sự được truyền giáo bắt đầu từ đấy (Ngài Triều nói rằng: Trong bài minh của tháp Minh Trí có nói: Ngài Kinh Khê truyền cho Hạnh Mãn, Mãn truyền cho Quảng Tu. Xét theo Đại Tống Tăng Truyện thì Thúy Pháp sư truyền cho Quảng Tu, Quảng Tu truyền 12 lại cho Vật Ngoại. Nay dựa vào Tống Truyện coi Thúy Sư kế thừa Kinh Khê là đúng. Triều Thị đích thân thấy Minh Trí, không biết lúc ấy do đâu mà có thuyết lạ này.

Lời thuật rằng: Chỉ Yếu Xích Nhật Bản do Càn Thục soạn ra ghi rằng: “Sư Thúy biết đưa lên dị nghĩa trong Chỉ Quán, lấy ba cõi làm ba thứ vô lậu, tóm thâu trong ba thứ đó. Thiết nghĩ Sư Thúy đã nhận được Chỉ Quán ở Tổ Kinh Khê, không duyên cớ gì mà đặt ra thuyết này. Đặc biệt bọn Càn Thục vì nghĩa riêng này mà giả lời Sư Thúy nói thế thôi. Nên biết rằng trong Bộ Nhật Bản Biệt Hành Thập Bất Nhị Môn Đề đã nói: Hòa Thượng Quốc Thanh Chỉ Quán là chỗ nương tựa của mọi người trong nước Trung Quốc. Chỉ Yếu lại nói: Ông ta đã từng bày ra cái ý chỉ khác, nên Tối Trừng đến nước ấy y theo đó chép về. Dựa vào đây lại biết người trong nước căn cứ vào bản trước đó rồi giả danh Hòa Thượng Chỉ Quán để viết ra câu nói ấy. Lời nói của ngài Tứ Minh đáng là để chê Càn Thục Phụng Tiên mà thôi. Nhưng người đời không biết nên gọi là chê ngài Đạo Thúy. Xin hiểu theo lời luận này.

Tổ thứ 11: Chí Hành Tôn Giả: Quảng Tu

Ngài họ Lưu, người ở Hạ côn, Đông dương. Sớm theo học với ngài Đạo Thúy, nghiên cứu tinh thông giáo quán, nhưng lại chuyên tâm về thực hành. Mỗi ngày Sư thường tụng các kinh Pháp Hoa, Tịnh Danh, Quang Minh, Phạm Võng, Tứ Phần Giới Bản làm khóa tụng hằng ngày. Lại sáu thời luôn dạy Sám hối. Đến lúc tuổi già Sư càng dốc sức cố gắng. Mỗi năm tu Tùy Tự Ý Tam-muội, suốt bốn mươi chín ngày chưa một lần vì công việc mà bỏ qua. Quan thứ sử Thiên thai là Vi Hành rất quý trọng giáo môn thỉnh ngài vào Quận đường để giảng Chỉ Quán, khiến Vi Hành phát ngộ ngay từ chiếu ngồi nghe pháp. Bấy giờ các người đến nghe không ai không vui mừng.

Năm Hội Xương thứ ba (đời Đường Võ Tông) ngày mười sáu tháng hai, Sư viên tịch tại Thiền lâm, an táng tại Kim địa đạo tràng. Môn đăng đệ tử rất đông, ở hàng Thượng thư thì có ngài Vật Ngoại. Sau hai mươi ba năm, đệ tử là Lương Tư Kính Văn khai mộ đem thiêu nhục thân Sư, thu được hơn ngàn hạt xá-lợi to bằng hạt đậu. Ngay ở trên nền cũ, xây tháp để phụng thờ.

Tổ thứ 12: Chánh Định Tôn Giả: Vật Ngoại

Ngài họ Dương, là người Hầu quan ở Mân chi. Từ lâu theo học với tổ Quảng Tu và được truyền Chỉ Quán. Ngài vừa nói vừa làm. Năm cuối Đại Trung (đời Tuyên Tông) là năm mất mùa. Ngài ở trong thất ngồi kiết già nhập chánh định, trước đó bảo đệ tử rằng: Nếu ngươi còn sống thì khi năm giống lúa mọc lại, hãy đánh chuông khánh để dẫn ta xuất định. Hơn năm sau, đệ tử làm theo lời dặn thì ngài xuất định. Đến năm Trung Hòa thứ năm (đời Hy Tông), ngày Rằm tháng ba, ngài viên tịch tại chùa Quốc thanh và an táng bên tháp viện của tổ Trí Giả. Đệ tử thượng thủ của ngài là Nguyên Tú, Kỉnh Hưu, Tuệ Ngưng… đều truyền đạo ở đời nối vững nghiệp nhà.

Tổ thứ 13: Diệu Thuyết Tôn Giả: Nguyên Tú

Ngài là người ở Thiên thai, nương theo Pháp sư Ngoại ở chùa Quốc thanh học Chỉ Quán, thấu suốt được ý chỉ. Ngài giảng thuyết giỏi, không vì chúng học trò đông hay ít mà vui buồn. Một hôm ngài lên tòa thuyết giảng, chúng tụ hội ít người, có khoảng mười vị Tăng lạ từ ngoài đi vào dáng vẻ rất uy nghi, kính cẩn vào ngồi ở hàng cuối để nghe pháp. Buổi giảng tan thì cùng lên thăm hỏi rồi ra đi. Sư sai thị giả theo mời thì các Tăng ấy đều bay lên hư không vẫy tay cười chào mà đi. Khoảng năm Hy Chương thiên hạ loạn lạc khắp nơi, kẻ học đạo chợt hợp chợt tan. Ngài lấy cớ việc tu đắc định tuệ để làm khó người khác. Nhưng chỉ có Thanh Tủng và Thường Thao luôn theo hầu hạ, lâu ngày được thấu suốt tôn chỉ. Thường Thao truyền cho Nghĩa Tùng, Nghĩa Tùng truyền cho Đức Trù, Đức Trù truyền cho Tuệ Vũ, Tu Nhã… đều là hàng kế thừa nổi tiếng…

Tổ thứ 14: Cao Luận Tôn Giả: Thanh Tủng

Ngài là người ở Thiên thai, nương theo Tú Pháp sư chuyên tinh về Chỉ Quán, sớm chiều không biến trễ và được kế thừa làm chủ chùa Quốc thanh, nói và làm đều rốt ráo. Lúc đó họ Tiền lập nước, một cảnh Thiên thai ở Ngô việt cũng là thuộc địa. Sư lãnh chúng được ở yên nên khuyên họ gắng chí bảo rằng: Bên ngoài có vua quan hộ trì nên khỏi nạn binh lửa, trọn ngày được sống yên, há không cố gắng tiến tu để đền ơn nước sao? Mỗi khi vía lễ, Sư lên tòa luận nghĩa lý cao xa mãi không thôi, đồ chúng không dám lộ vẻ mệt mỏi. Học trò nối nghiệp ngài là Hy Tịch, Chí Nhân, Giác Di…

Tổ thứ 15: Tịnh Quang Tôn Giả: Hy Tịch

Ngài tự là Thường Chiếu, họ Hồ, ở Vĩnh gia. Lúc mới mang thai ngài bà mẹ không thích ăn đồ huyết nhục. Khi sinh ra thì trên đầu ngài 1 có dính một vật giống như cái mũ tía (Ngài sinh năm Kỷ Mão, niên hiệu Trinh Minh thứ năm đời Lương Mạt Đế). Từ nhỏ ngài thưa cùng song thân xin xuất gia. Bèn vào chùa Khai nguyên nương theo thầy tụng kinh Pháp Hoa, chỉ đầy tháng thì thấu triệt. Năm ngài mười chín tuổi (năm Thiên Phước thứ hai đời Tấn Cao Tổ) ngài xin xuống tóc thọ giới Cụ túc rồi đến Cối kê học Luật, hiểu sâu về Trì Phạm. Bèn đến Thiên thai học Chỉ Quán với Tủng Pháp sư. Những điều ngài lãnh ngộ như Nhất Biến Chiếu ở Hà nam (Cao Tăng truyện nói: Mãn châu có Bất Thính Thái, Hà nam có Nhất Biến Chiếu). Có lần ngài đến ngụ chùa Dục vương ở Tứ minh, mộng thấy lên chùa Quốc thanh, trên cao có tòa bảo tàng, đề chữ Văn-thù đài, có vòng rào ngăn cách muốn vào không được. Chốc lát thấy Đức Quan Âm từ trong nhà bước ra tay dắt ngựa chiến, gật đầu đón tiếp. Bỗng tự biết thân mình cùng Quan Âm là một thể. Từ đó trở đi luận thuyết vô ngại. Giáo tích Thiên thai xưa, xa kể từ An Sử nổi loạn (năm cuối Thiên Bảo, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh nối nhau làm loạn), gần thì từ năm Hội Xương đốt phá (năm Hội Xương thứ năm đời Võ Tông đã dẹp bỏ Tăng Ni, đốt phá Tự viện). Sách vở mất hết, người truyền còn biết căn cứ vào đâu. Sư luôn cố sức kiếm tìm. Trước đây Sư ở Kim Hoa Cổ Tàng chỉ có được một quyển sớ về kinh Tịnh Danh. Ý Trung Vương ở Ngô Việt nhân xem Vĩnh Gia tập có lời giống nhau: “Nếu trừ bốn Trụ hoặc thì chỗ này là bằng, nếu phục vô minh thì Tam tạng là kém” liền đem hỏi Thiều Quốc sư (Truyền Đăng Thiên Thai Đức Thiều Quốc sư, họ Trần, nối tiếp Thanh Lương Ích Thiền sư, đến Thiên thai xem di tích của tổ Trí Giả có cảm tưởng như đã ở đó từ lâu, lại đồng họ với tổ Trí Giả, nên người thời ấy nghi là hậu thân của tổ). Đức Thiều nói rằng: Đây là giáo nghĩa nên hỏi Tịch Sư ở Thiên thai. Vương liền cho mời. Sư ra khỏi Kim Môn. Vương lập giảng đường để hỏi nghĩa trước. Sư đáp: Đây là rút từ Diệu Huyền của tổ Trí Giả. Từ cuối đời Đường thời thế loạn ly, kinh sách mất hết. Cho nên các văn đây phần lớn đều ở nước ngoài. Lúc đó Ngô Việt Vương sai sứ giả mười người đến Nhật Bản tìm lấy Kinh sách đem về. Vua liền xây chùa Loa khê đề biển Định tuệ, ban hiệu là Tịnh Quang Pháp sư và thụy phong các Tổ ở Thiên thai (chỉ thụy phong mười sáu Tổ Thiên thai). Một nhà giáo học đông đảo là do sức trung hưng của Sư (Nhị Sư Khẩu Nghĩa nói: Ngô Việt Vương sai sứ lấy về được năm mươi báu vật. Đến Cao Ly tìm giáo văn thì nước ấy sai Đế Quán đến dâng biếu các bộ, nhưng không có Trí Luận Sớ, Nhân Vương Sớ, Hoa Nghiêm Cốt Mục, Ngũ Bách Môn… Dựa vào đây thì biết ở hai nước hải ngoại là Nhật Bản – Cao Ly đều có sai sứ đến. Nếu nói giáo văn là một báu vật lại trở về với Trung Quốc thì tất là Đế Quán của Cao Ly đã dâng quyển Giáo Văn là đúng).

Có Sư Hưng Giáo Minh, lúc tuổi hai mươi, khi nghe kinh xong thường tự nghi rằng: Ngài Ca-diếp cầm y trượng sáu của Đức Thích-ca khoát vào thân trăm trượng của ngài Di-lặc thì vừa y. Vậy y biết dài ra chăng hay thân biết ngắn lại chăng? Lúc đó Thiều Quốc sư ở tại Vân cư (thuộc Thiên thai), liền tụ họp năm trăm chúng. Minh đem việc đó ra hỏi. Quốc sư nói: Tòa chủ từ khước hội này của ông. Ông ta giận dữ phất tay áo bỏ đi. Quốc sư nói: Nếu ta đáp rằng ông sai thì sẽ có nhân quả. Minh trở về Loa khê, liền bị thổ huyết. Sư nghe nói kinh hãi bảo: Kẻ mới thọ giáo này đã dám ngỗ ngược xúc phạm Bồ-tát. Sư Minh nhắc lại lời nói trước. Sư bảo: Ông không hiểu ý của Quốc sư, hãy mau đến sám hối. Minh liền kính cẩn đến trước Quốc sư khóc lóc đảnh lễ sám hối. Quốc sư làm bài tụng nói trước rằng:

Đạo chư Phật bằng nhau
Cao thấp rõ như thế
Thích-ca và Di-lặc
Như ấn in vào bùn.

Minh từ đó hết bệnh, liền đến tạ ân Sư và thưa: Nếu không có lời dạy bảo của Sư thì con đã chết rồi! (Nhị Sư Khẩu Nghĩa nói: Huyền Bậc Sơn Quân nói rằng: Quốc sư chính là tổ Trí Giả, xây dựng pháp đường Đô Liệu Loa khê là người đứng đầu hội Phóng sinh, còn các Tăng chúng trong chùa là các loài cá tôm đã được phóng sinh trước đấy).

Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (triều ta là Tống Thái Tông), Sư từ Thiên thai ra ở tại lầu phía Đông của chùa Châu trị, mộng thấy cột chùa bị lún chìm trong đất, liền dời sang ở phía Tây. Đêm ấy chợt có mưa xuân khiến núi lở lầu đổ sụp. Mọi người đều cho là Sư có Thiên nhãn. Năm Ung Hy thứ nhất, quan huyện Vĩnh an mời Sư đến ở tại chùa Quang minh để truyền giới cho chúng Tăng, bỗng tượng Phật lớn trong chùa bị đổ, trong bụng rơi ra một bài Phát Nguyện Văn. Nguyên là ở đời nhà Đường, năm Hàm Thông thứ sáu, Sa-môn Hy Cảo đã truyền giới và khuyên bảo bảy người trong làng tạo ra tượng này. Họ cùng nguyện rằng sau khi chết rồi sẽ đầu thai làm đàn ông và xuất gia từ bé để truyền pháp độ sinh. Lúc đó những kẻ chứng kiến đều cho đó là tiền thân của Sư.

Vào ngày mồng bốn tháng mười một năm Ung Hy thứ tư, Sư lâm bệnh, dặn môn nhân không cho khóc lóc cúng kiến. Nói xong Sư liền nhắm mắt. Môn nhân xây một tháp nhỏ an táng ở Phương trượng. Sư thọ sáu mươi chín tuổi, hạ lạp năm mươi, đệ tử được truyền pháp hơn trăm người, mười người ngoại quốc. Trong đó ngài Nghĩa Thông là bậc nhất, các vị kế sau là Trừng Úc, Bảo Tường. Những quan dân trước đây được Sư truyền giới cùng đón rước chân tướng của Sư về chùa Khai nguyên, mặc áo tang cúng tế, cảm động khắp cả thành, trời cũng u ám buồn thảm. Về sau môn nhân định dời tháp, khi mở quan tài ra thì thấy thân thể Sư còn tươi như người sống, tóc dài ra hơn mấy tấc. Bèn dời về an táng ở phía Đông nam chùa Quốc thanh. Ngài Trừng Úc làm bài minh nói về Sư để mọi người biết. Sư giảng về ba Đại Bộ mỗi thứ hai mươi lượt, giảng về Duy-ma, Quang Minh, Phạm Võng, Kinh Cang Ty, Pháp Giới Quán, Vĩnh Gia Tập… mỗi thứ vài lượt. Thuật về Nghĩa Lệ Bất Nhị Môn… các Khoa, Tiết chừng vài quyển (thấy trong các văn ở Cao Tăng Truyện…)

Tổ thứ 16: Bảo Vân Tôn Giả: Nghĩa Thông

Ngài tự là Duy Viễn, người nước Cao Ly, dòng dõi họ Y (Ngài sinh năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Thành thứ hai, đời Minh Tông, Hậu Đường). Ngài Phạm tướng lạ lùng, đỉnh đầu có nhục kế, lông mày xoắn uốn lại, kéo ra dài năm, sáu tấc. Thuở bé, ở viện Quy sơn tôn ngài Thích Tông làm thầy. Sau khi thọ giới Cụ túc, ngài học về Hoa Nghiêm, Khởi Tín Luận được cả nước tôn quý. Vào năm Thiên Phước đời Tấn, ngài đến Trung Quốc (ngài ở cuối năm Thiên Phước mới mười sáu, mười bảy tuổi. Chính khi ngài thọ giới Cụ túc, học Hoa Nghiêm, đến Trung Quốc thì phải sau hai mươi tuổi. Lấy lịch suy ra thì đó là thời Hán Chu. Nay nói là năm Thiên Phước, e sai). Ngài đến Vân cư tại Thiên thai (nơi ở của Thiều Quốc sư) chợt có được khế ngộ bèn đến gặp tổ Loa Khê, nghe Tổ nói ý chỉ Nhất tâm tam quán bèn than rằng: Cái học Viên Đốn này tất các thứ khác đều phải noi theo. Ngài bèn ở đấy theo học. Lâu ngày lãnh hội hoàn toàn, tiếng đồn vang xa khắp nơi. Một hôm ngài từ biệt bạn đồng học rằng: Tôi muốn đem đạo này dẫn dắt người chưa nghe. Liền từ quê mẹ, ngồi thuyền sang Đông hạ, đem đạo Tứ minh sắp lên tàu biển. Thái sư quận thú là Tiền Duy Trị (con chú bác với Trung Ý Vương) nghe ngài đến bèn thiết lễ đón rước để thưa hỏi các điều tâm yếu. Lại thỉnh ngài làm giới Sư đích thân truyền cho Bồ-tát giới. Cả đạo tục đều đua nhau kính lễ xem ngài là thầy mô phạm. Tiền Công cố lưu giữ ngài thưa rằng: Hoặc làm sứ hoặc dạy học (Mạnh Tử có câu: Đi thì làm Sứ, dừng thì dạy học như Trọng Ni) đệ tử không dám cản . Như nói Lợi sinh hà tất phải ở Kê Lâm ư? (Kê Lâm là tên khác của nước Cao Ly). Ngài bảo: “Duyên đã hợp với ông, ta không từ được”, nhân đó không đi. Năm Khai Bảo thứ nhất (triều đại ta là Thái Tổ), quan tào sử là Cố Thừa Huy nhiều lần đến nghe ngài dạy bảo nên đã đổi nhà thành viện truyền giáo, mời ngài đến ở. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ tư, sư Pháp Trí đến học với ngài (lúc đó ngài năm mươi ba tuổi, Pháp Trí hai mươi). Đến tháng mười hai năm Thái Bình Hưng Quốc thứ sáu, đệ tử là Diên Đức đến kinh sư tâu vua xin biển tên chúa. Đến tháng tư năm thứ bảy thì vua ban biển là Bảo Vân. Năm Ung Hy thứ nhất, sư Từ Vân mới đến theo học với ngài (ngài năm mươi tám tuổi, Từ Vân mới hai mươi hai). Ngài diễn bày giáo quán suốt hai mươi năm, kẻ đến học với ngài không kể hết. Ngài thường gọi mọi người là “Người đồng hương”. Có người hỏi duyên cớ, ngài đáp: Ta coi cõi Tịnh độ là cố hương, các người đều sẽ vãng sinh, thì tất đều là đồng hương với ta.

Đến ngày mười một tháng chạp năm Đoan Củng thứ nhất, ngài nằm nghiêng bên phải mà viên tịch. Ngày làm lễ trà-tỳ thì xá-lợi đầy trong xương, môn nhân an táng ngài ở phía Tây bắc chùa A-dục vương (khi chùa A-dục vương chưa tu thiền, học đồ có lần thỉnh sư Bảo Vân mấy lần đến giảng. Khi ngài Bảo Vân viên tịch rồi nhân đó an táng hài cốt ngài ở đất ấy). Ngài thọ sáu mươi hai tuổi. Năm Trị Bình thứ nhất (đời Anh Tông), chủ Nam hồ là Pháp Tôn Tông Chánh, xây tháp đá vuông bốn góc, làm bia đá ghi lại cho mọi người biết (tức sau năm ngài bảy mươi bảy tuổi. Đến năm Tuyên Hòa thứ bảy (đời Huy Tông), chủ chùa A-dục vương là Xương Nguyệt Đường lấy cớ đất hoang vu tháp đổ nát, bèn dời tháp ngài vào tháp của Oai Sư, đem hài cốt về Ô thạch sơn. Hài cốt ngài lấp lánh ánh sáng, gõ nghe tiếng leng keng, xá-lợi ngời năm sắc đóng lớn trên xương, cạo ra cả vốc tay. Người chủ sau là Trí Khiêm khắc lại lời ký trên tháp đá để trong am ở Ô thạch (thấy trong Trấn Tổ Tập Thạch Tháp Ký).

Hiểu Thạch Chi nói rằng: Lời ký ở tháp đá có người bảo những trước thuật của ngài tản mát không được truyền lại. Song khảo cứu các chương ký ở Tứ minh thì có lần ngài làm bỉnh bút sớ ký Quán kinh, giải thích về Quang Minh Huyền Tán. Bởi Tứ Minh thừa hưởng các nghĩa đó để làm văn các bài sao, ký. Vậy thì không phải là không truyền. Hãy còn một bộ tán thích nhưng không được truyền rộng rãi.

Loa Khê sưu tầm giáo điển như châu mất mà lại được. Ngài Bảo Vân có phú chúc cho hai người kế thừa để truyền bá gia nghiệp, thì đời chỉ tôn sư Pháp Trí là người trung hưng. Vì Sư có viết sách lập ngôn mở sáng Tổ Đạo bài bác phái sơn ngoại, có công nối thạnh đạo thống. Nên ngài Từ Vân khen rằng: Chương An đã mất, Kinh Khê không còn, có bậc nhân Sư này để tiếp nối ánh sáng kia, một nhà Đại giáo trọn vẹn. Nhân đó làm lời từ rằng: Giáo bộ một nhà, thứ nào Tỳ Lăng Sư chưa ghi thì phải ghi hết. Bốn thứ Tam-muội người khó làm thì đều làm hết. Kính cẩn giải thích danh ngôn, thành thật mà làm Thực Lục.

Tổ thứ 17: Pháp Trí Tôn Giả: Tri Lễ

Ngài tự là Trí Ngôn, họ Kim ở đất Tứ minh (đời truyền tụng ngài ở ngõ Bạch tháp tại Quận Thành). Người cha đi cầu tự khắp nơi nhưng chưa sinh con. Nên cùng vợ là Lý thị đến cầu Phật. Nằm mộng thấy Thần tăng dắt một đứa bé đến bảo rằng: “Đây là La-hầu-la con Phật.” Nhân đó có thai. Khi sinh ra bèn đặt tên ấy (đó là năm Canh Dần niên hiệu Kiến Long thứ nhất, Thái tổ được nhà Chu nhường ngôi), ngài có thần cách riêng biệt không giống mọi người. Lên bảy tuổi thì mẹ mất, thương khóc mãi không nguôi. Bèn xin cha đi xuất gia và đến chùa Thái bình hưng quốc theo thầy là sư Hồng Tuyển. Đến mười lăm tuổi thọ giới Cụ túc, chuyên sâu luật bộ.

Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ tư (đời Thái Tông) theo học giáo quán với ngài Bảo Vân (lúc đó Sư hai mươi tuổi) mới ba ngày, thì thủ tọa gọi Sư bảo rằng: Pháp giới thứ lớp ông nên giữ gìn.

Sư hỏi: Sao gọi là pháp giới?

Thủ Tọa nói: Pháp môn Đại tổng tướng viên dung vô ngại là nó đấy.

Sư nói: Đã Viên dung vô ngại thì sao lại còn gọi là thứ lớp?

Thủ tọa không trả lời được. Sư ở một tháng thì tự giảng Tâm Kinh. Người nghe phục Sư về sự hiểu nhanh. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm, người cha mộng thấy Sư quỳ trước ngài Bảo Vân và được ngài cầm bình rót nước vào miệng. Từ đó các ý chỉ Viên Đốn một lần nghe qua thì Sư đều thông suốt. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ sáu, Sư thường thay ngài Bảo Vân giảng kinh.

Năm Ung Hy thứ nhất, sư Từ Vân từ Thiên thai đến bắt đầu theo học với ngài Bảo Vân. Do đó Sư có dịp giúp bạn Từ Vân, thân thiết như anh em. Đến năm Đoan Củng thứ nhất, ngài Bảo Vân viên tịch. Sư lại mộng thấy mình quảy đầu ngài Bảo Vân mang vào cánh tay trái mà đi, liền tự hiểu rằng: Việc quảy đầu là biểu hiện sự học tập đã thông suốt, việc mang đầu ở cánh tay là nắm giữ đầu Chủng Trí để hóa độ đời (Từ Vân đã soạn bài tựa trong bộ Chỉ Yếu Sao nói: Lấy cái lời tự hiểu của ngài Pháp Trí mà nói). Năm Thuần Hóa thứ hai mới nhận lời làm chủ Càn Phủ, suốt cả bốn năm diễn giảng cho nhiều người. Đến năm Chí Đạo thứ nhất, vì Tiểu Viện của Sư ở phía Tây nhỏ hẹp, người đến ở học không thể chứa được mười người, bèn dời sang Bảo ân viện ở phía Đông nam thành. Năm Chí Đạo thứ hai, làm viện chủ Hiển thông xá giảng thường trực về Thập Phương Trụ Trì Địa của giáo pháp Thiên thai. Năm Chí Đạo thứ ba, vì Tu viện hư sập nên cùng bạn đồng học là Dị Văn tính việc sửa chữa. Rồi thì Đơn Khâu Giác Viên đến nhận việc. Năm Hàm Bình thứ ba (đời Chân Tông) trong quận gặp hạn hán lớn, Sư cùng Từ Vân tu Quang Minh Sám cầu mưa suốt ba ngày không ứng nghiệm. Sư định đốt một tay cúng Phật, khi lễ sám chưa xong thì mưa ào xuống (Từ Vân Hành Nghiệp Ký nói rằng: Định ba ngày nếu không mưa thì sẽ tự thiêu, nhưng đúng hẹn thì quả nhiên có mưa lớn. Thái thú Tô đã khắc đá ghi lại sự việc này). Năm Chí Đạo thứ sáu, nước Nhật Bản sai các ngài Tịch Chiếu, Pháp sư Trì Nguyên Tín sang hỏi nhờ Sư giải đáp về hai mươi bảy điều mục. Năm Cảnh Đức thứ nhất, Sư soạn bộ Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao, thành lập Nghĩa Biệt Lý Chân Như Có tùy duyên. Ngài Vĩnh Gia Kế Tề lập chỉ lãm để vấn nạn (là môn nhân của Phạm Thiên Chiêu Sư) cho rằng Bất Biến Tùy Duyên, đó là Lý của các nhà Viên giáo thời nay, chứ Biệt Lý thì đâu thể tùy duyên được. Sư bèn đặt ra hai mươi câu hỏi để phá bỏ cái nghi ngờ ấy. Thiên thai Nguyên Dĩnh lại lập lời trưng quyết thay Tề Sư mà đáp lại, rồi Gia Hòa Tử Huyền cũng lập Tùy Duyên Phát để trợ giúp cho Tề và Dĩnh. Lúc bấy giờ đệ tử của Sư là Nhân Nhạc thuật lại nghĩa của ngài Pháp Trí, lập ra mười môn Chiết Nạn để phá chung cả ba Sư trên. Người đời cho là ngài Tịnh Giác có nhiều công Ngự Vụ (ngự vụ: Chống kẻ lấn hiếp mình). Năm Cảnh Đức thứ tư, Sư sai môn nhân là Bản Như Cối kê Thập Sư đem Thập Nghĩa Thư và Quán Tâm Nhị Bách Vấn đến thất của Chiêu Sư ở Tiền Đường. Xưa chính là hai bản Quang Minh Huyền tóm lược và mở rộng đều lưu hành ở đời. Ở Tiền Đường trước năm Cảnh Đức, Ân Sư có viết ra Phát Huy Ký để chuyên giải thích về Bản Tóm Lược bảo rằng mười thứ ba pháp thuần nói về pháp tánh, không cần phải lập Quán Tâm. Còn bản mở rộng mà có là do người sau tự ý thêm vào. Môn nhân của Từ Quang vâng theo Thanh Linh Quang Mẫn trước đây đã cùng tạo ra hai mươi điều vấn nạn, để phụ lập nên nghĩa ấy. Lúc đó Bảo Sơn Thiện Tín gởi thư xin ngài Pháp Trí bình luận điều trên (Từ Vân có bài thi gởi Thạch Bích Thiện Tín Thượng Nhân, có câu: “Từng đồng kết xã.” (Căn cứ vào đây thì biết đều cùng thờ ngài Bảo Vân). Sư vội từ chối rằng: Phàm bình là bàn luận mà không phải là tranh cãi, huống chi hai vị này đã hiểu rõ Tông ta. Thiện Tín lại thưa rằng: “Trống Pháp gầm thét đâu cần tiếng nào trước tiếng nào sau.” Do đó Sư bắt đầu viết Phù Tông Ký để làm sáng tỏ rộng rãi cái nghĩa nương pháp mà Quán Tâm cho là nếu bỏ phép Quán Tâm của Sư Ân ấy là có Giáo mà không có Quán. Có Phạm Thiên Chiêu và Cô Sơn Viên đều học theo các Tiên Môn đã viết Biện Ngoa để trợ giúp cho Bản Tóm Lược, cho rằng Quán thì có Sự và Lý, nay mười pháp này trước sau đều lấy một Pháp tánh mà xuyên suốt, đâu không phải là thuần nói về Lý quán? Sư liền nêu câu hỏi nghi ngờ để trưng bằng cớ bảo rằng: Nếu bảo mười pháp là Lý quán thì thứ huyền văn này phải là ba thứ Tam-muội trên. Bản Tóm Lược đã không có giản biệt về cảnh. Vả lại không phải theo Hạnh mà quán lý, thì biết Chiêu Sư lại trở thành có Quán mà không Giáo. Chiêu Sư lại viết thư đáp điều nghi, từ hình thức mà biến đổi cho là Huyền văn chỉ thẳng cho Tâm tánh, nghĩa đồng với Lý quán. Sư lại cật vấn trách rằng: Cái tên Tâm tánh thì Thích Thiêm đã phán định là ở nhân, mà thượng nhân lại lấy mười pháp là quả chứng của người thì hoàn toàn không phải là chỉ thẳng Tâm tánh. Lại mười pháp không nghe nói là có gián ấm, vậy lấy nghĩa nào cho là đồng với Lý quán? Chiêu Sư lại kể về năm nghĩa, bảo rằng: “Chỉ Quán theo Hạnh mà quán Tâm, bèn lập Ấm… làm cảnh, mà việc nương Pháp nhờ Sự đều không lập ấm, mà có ý bảo Lý quán lập ra là cái lệ sự pháp không cần lập ấm. Lại sau khi cật vấn đầy đủ thì biết Tâm tánh là ở Nhân. Ngầm sửa lại rằng: Đó là chỉ thẳng Pháp tánh (Điều lập ra của Chiêu Sư gọi là Ước hạnh thì không có lựa cảnh, gọi đó là Sự Pháp thì có chấp làm Lý, hai lỗi tiến thoái đều không bằng cứ, ấy là không quán mà cũng không giáo). Sư lại đặt câu hỏi nghi ngờ trách rằng: Vấn nạn là cốt trưng bày sự chỉ thẳng Tâm tánh, thuần nói rõ về Lý quán, vì sao lại lấy cái Quán Sự Pháp mà đáp lại, há không phải là nghĩa cùng lý tận rồi ư? Cái thư này đã hơn một năm mà không đáp. Sư lại viết thư đốc thúc. Sư Chiêu từ từ làm Thích Vấn: Lấy Diệu lý của mười thừa làm cảnh sở quán. Sư lại trách rằng: Xưa đã cho ba chướng bốn ma là cảnh giới, nay nếu lấy Diệu lý của mười thừa làm cảnh Sở thì tức là lấy ba chướng bốn ma làm Trí năng quán sao? Từ Phát huy đến Thích vấn thì bốn phen sửa đổi, năm lúc bị thua, thơ đi lại năm lần, trải suốt bảy năm. Bèn tổng kết trước sau viết thành hai quyển bài bác Chiêu Sư về:

  1. Không hiểu Pháp Năng quán.
  2. Không biết Cảnh Sở quán.
  3. Không phân rõ hai cảnh nội ngoại.
  4. Không biện rõ hai cách tạo thành Sự và Lý.

Sách gồm mười chương tên là Thập Nghĩa Thư. Lại giả lập hai trăm câu hỏi để chất vấn. Lúc đó Cô Sơn ở bên tòa của Chiêu Sư mà quán biết Thập Luận nhưng biện không được, bèn vội vàng đem đến Bạch Quận Thú. Đến mà không gặp ông để nhờ chống đỡ, nên trở về mà không đáp từ cho Sư. Đến năm Đại Trung Tường Phủ thứ hai, việc sửa lại Viện Bảo Ân đã xong, từ ngày hưng công đến nay đã mười năm, để dành đá đợi hỏi để khắc bài ký này. Năm Đại Trung Tường Phủ thứ ba thì xin Quận tâu lên vua, đến tháng mười, vua ban cho biển chùa là Diên Khánh. Đến năm thứ năm thì Sư cùng Dị Văn lập lời Giới thệ trao cho đệ tử để tuyên thệ, trong đó tóm tắt rằng: Ta mới dùng tâm mười phương để nhận nơi ở này, kịp khi xây cất sửa chữa nơi ở yên, cốt vì học chúng đâu dám riêng tư cho mình, chỉ vì Tông ta có năm đức không chọn xa gần, ta đem trao cho chúng muốn ở đây. Những tính toán sau này đều phải đúng y như thế. Năm Đức ấy là:

  1. Kẻ cựu học Thiên thai không gồm giảng các Tông phái khác.
  2. Nghiên cứu tinh thông sâu rộng, tránh xa việc “phù ngụy.”
  3. Giới đức có danh tiếng là do việc hành xử của mình.
  4. Quyết làm đạo ta vinh dự vang xa không bị khuất phục.
  5. Lời lẽ luận đạo hay đẹp dẫn dắt người.

Bởi vì sao? Nếu gồm giảng thì tức phản bỏ lời ta phó chúc. Nếu “phù ngụy” thì tất có lầm lạc khi truyền thụ, có Giới đức sẽ làm sáng tỏ Đạo hoằng hóa, danh tiếng vang xa thì bền chắc ở Đạo nghiệp sau đó mới dùng lời biện luận nghĩa lý thuận hợp dẫn dắt được người. Với năm điều đó cần nên khiến tăng lên, không nên ít hơn.

Ngày Rằm tháng hai năm Đại Tung Tường Phủ thứ sáu, bắt đầu lập hội Niệm Phật Thi Giới, Sư đích thân làm Sớ văn để ngụ ý khuyên dạy. Từ năm này việc đó cho là thường nhật. Đến năm thứ bảy thì soạn bộ Dung Tâm Giải, nói rõ về Nhất Tâm Tam Quán, hiển bày về bốn ý chỉ: Tịnh Độ – Năm Thiên Hy thứ nhất, Sư gọi đồ đệ bảo rằng: “Vì nửa bài kệ quên mình, vì một câu kinh mà nhảy vào lửa, tâm vì pháp của Thánh nhân như thế. Nay ta sẽ quên mình để cảnh tỉnh những kẻ biếng lười.” Bèn cùng Dị Văn kết đồng chí với mười người nguyện tu Pháp Hoa Sám trong suốt ba năm, sau đó sẽ tự thiêu để cúng dường diệu kinh (Người tu khổ hạnh quên thân đã hỏi tên của mười vị Tăng kia nhưng rất tiếc không thấy ghi). Bí thư là Giám Dương Ức (tự là Đại Niên, làm quan đến chức Hàn Lâm, thụy là Văn Công) ở xa ngưỡng ngộ Đạo phong của Sư bèn thưa Thừa Tướng Khấu Chuẩn tâu vua ban thưởng Tử y và lại viết thư chúc mừng. Khi nghe Sư Kết sám quên thân, bèn viết thư khuyên mời Sư nên trụ thế, bảo rằng vì là thời kỳ Thiên thai Giáo mới phục hưng, việc chính là phải có truyền trì để làm Đạo sư cho đời. Thư đi thư lại bốn lần Sư vẫn giữ lời thề trước. Dương Công bèn viết thư cho Quận Thú là Lý Di Canh cùng Nghi Thiên Trúc Từ Ân nhờ khuyên can giúp. Quan Thái Thú đích thân dẫn các quan đến khuyến thỉnh sư thuyết pháp lợi sinh. Vả lại mật giới, lân xã cần phải luôn bảo hộ. Lại đến gặp ngài Từ Vân ở Đông Hạ cùng hợp lực khuyên ngăn. Cả phò mã Lý Tuân Úc cũng gấp rút viết thư khuyên can (cưới con gái của Thái Tông là Ngụy Quốc Công Chúa, thụy là Văn Hòa Công). Sư xét ý công tư thì thấy đều ngăn trở nguyện trước của mình. Bèn lại kết hợp với mười vị Tăng hẹn tu Đại Bi Sám pháp ba năm để đáp lại lời thề xưa. Năm ấy Sư làm Tiêu Phục Tam Dụng Chương, đối lại với Xiển Nghĩa Sao của Cô Sơn nói rằng: “Không biết tánh ác là nghĩa lý độc.” Có người tên Hàm Nhuận làm Thiêm Nghi cho rằng: Vì ba thứ Tiêu Phục đều căn cứ vào Viên Luận. Ngài Tịnh Giác dẫn nghĩa sớ trải bốn giáo mười pháp giới để trừ ba chướng. Làm sách Chỉ Nghi để giúp nghĩa của Sư. Năm Thiên Hy thứ tư, Phò Mã Lý Tuân Úc tâu lên vua về cao hạnh quên mình của Sư, vua mừng khen không ngớt, đặc biệt ban hiệu cho Sư là Pháp Trí Đại sư, tuyên chỉ: “Sư phải trụ thế để diễn giảng đạo giáo.” (Quận thú là Trần Hy Bạch đề lời ở tháp của Viện rằng: Quan nội Hàn Dương Ức vì Xu Sứ Mã Tri Tiết soạn ra văn bia Phụ Thần Đạo không nhận nhuận bút, xin tâu vua tiến cử hiệu Tứ Minh cho Sư, nhân đó Tri Tiết tâu vua, vua vời lên hỏi. Ức nhân đó nói việc Sư vì pháp quên mình. Vua phán: Hãy truyền lời Trẫm nói: “Mời Sư trụ thế để truyền giáo.” Do đó ban cho hiệu là Pháp Trí. Căn cứ vào bia Hành Nghiệp, vào lời Minh của tháp, vào Thật Lục, vào Pháp Trí Vãng Phục Thư đều nói là Lý Tuân Úc luận về việc tiến cử xin ban hiệu. Nay biết rõ lời đề của Hy Bạch tất lúc đó phải hỏi các Tăng trong chùa. Vì nói lầm nên cũng đề bia lầm). Năm ấy ở Viện Dịch Kinh tại Kinh Sư hàng chứng nghĩa đứng đầu tuyển chọn được hai mươi ba vị, mỗi vị đều mượn thi thơ để khen tốt đạo đức (Quan thị chế họ Triều nói việc này trong bài tựa khắc ở đá). Năm Thiên Hy thứ năm, vua nghe việc Sư hết lòng vì đạo nên sai nội thị là Du Nguyên Thanh đến chùa tuyên lệnh tu Pháp Hoa Sám trong ba ngày để cầu phước cho cả nước. Nguyên Thanh muốn biết về Chỉ Thú của Sám Pháp thì Sư trình bày đầy đủ về Tu Pháp Yếu Chỉ. Năm đó, Sư đã soạn xong các bộ Quan Âm Biệt Hạnh Huyền Ký, Quán Kinh Sớ, Diệu Tông Sao. Khi ấy môn nhân của Phạm Thiên là Hàm Nhuận làm bộ Chỉ Hà để bác Diệu Tông. Vả ông ta chấp nhặt về Sắc Độc Đầu không đủ nghĩa ba ngàn, bởi đó là dư đồ của Chiêu Viên. Ngài Tịnh Giác làm Quyết Mô để trình bày ý Chỉ Sắc và Tâm Không hai. Lại bình rằng các Sư khác còn mê mờ về nghĩa của sáu tức của Cứu Cánh Phúc Vạn. Có một hôm ngài Tịnh Giác cùng Sư Quảng Trí bàn về Quán Tâm hay Quán Phật nhờ Sư quyết đoán. Sư bèn trình bày nói về Ước Tâm Quán Phật, bảo rằng căn cứ vào tâm tánh mà quán Y Chánh báo kia, thì ngài Tịnh Giác làm thinh bỏ đi. Từ đó quay lưng với Tông mà làm Bộ Tam Thân Thọ Lượng Giải và riêng lập lời vấn nạn, khuyên thầm tu theo lời sau trước mà không nghe bên ngoài. Sư nghĩ đó là dị thuyết gây hại cho đời sau, bèn thêm vào Liêu giản mười ba khoa nữa để bài bác việc trên. Khi ấy ngài Tịnh Giác ở Thiên Trúc căn cứ vào Thập Gián Thư bảo rằng cha có con tranh cải, thì thân không rơi vào chỗ bất nghĩa. Sư lại viết Giải Báng, gọi quyển Thập Gián thành quyển Tăng Giảm Nhị Báng. Ngài Tịnh Giác lại viết quyển Tuyết Báng bảo là lầm dùng quyền thật để phân biệt hơn kém. Lúc đó Sư đang bệnh, bảo môn nhân đọc cho nghe, bèn thở dài rồi viên tịch nên không luận nữa. Về sau có Hy Tối tức là con của Quảng Từ, cháu của Pháp Trí đã viết quyển Bình Báng để biện bạch. Ngài Tịnh Giác lúc đó vẫn còn khỏe mạnh gặp bảo rằng: Lời nói của Tứ Minh đã đi rồi (Từ khi Sư bệnh để lại một Tiết Chỉ dự bị xếp đặt việc hậu sự).

Năm Thiên Thánh thứ nhất (năm đầu vua Nhân Tông), Sư soạn xong bộ Quang Minh Huyền Thục Di Ký, bắt đầu viết Tứ Thập Nhị Chương Đáp, Thái Thiền sư Thập Vấn. Lúc bấy giờ Thiên Đồng Ngưng Thiền sư đưa tặng Sách, Luận, Chỉ Yếu, Sao, Gián trình bày về ba môn hạ của Đạt-ma được đạo cạn sâu, thư qua thư lại không thôi. Thái Thú Lâm thỉnh Sư nói về chỗ dung hội của thuyết đó, bất đắc dĩ Sư phải nói tóm tắt vài lời dễ hiểu (Các thư qua lại giữa hai người nói đủ trong Giáo Hạnh Lục, Trung Pháp sư viết bài tựa ở sau, thuật tóm lược việc này).

Năm Thiên Thánh thứ ba, trước là năm Thiên Hy thứ nhất, vua mới ban chiếu khiến mọi người lập ao phóng sinh. Sư muốn hoằng dương Phật pháp nên vào ngày Lễ đản sinh của Phật đều họp chúng giảng kinh, tác pháp và phóng sinh chim cá. Năm ấy vì các việc nghe thấy ở Quận nên vua sắc lệnh cho Xu Mật Lưu Quân soạn bài văn để chỉ dạy người sau. Thái thú Tằng Hội lập bia ở chùa (thấy trong Giáo Hạnh Lục), có một đêm Sư mộng thấy Thần Già-lam bảo rằng: “Ngày mai Tướng Công đến.” Quả có Tằng Công dẫn con là Công Lượng vào chùa, thì Sư lấy điềm mộng báo với bà mẹ, phu nhân bèn tạ rằng: “Suốt 2 đời sau này không dám quên nhau” (hai câu sau là dự bị lo việc hậu sự. Nay theo Giáo Hạnh Lục thì có Tằng Phủ bỏ Thiếp Trang Điền). Kịp khi Công Lượng vào làm Thừa tướng bèn mua lại số đất đai nhà cửa ấy năm sau mới hóa độ chúng (Tằng Lỗ Công lúc mới sinh nằm mộng thấy có vị Lão Tăng vạch màn vào chúc mừng. Năm lên tám đã biết vấn nạn. Sau hưởng tử tuất về làng. Tăng Nguyên Đạt ngồi thuyền đến Tiền Đường nghe Thiên Trúc cảnh đẹp bèn đến chiêm lễ. Khi mới đến thấy có một cô gái mặc áo lụa trắng từ cửa chùa bước ra, gọi Đạt bảo rằng: Tằng Xá Nhân năm mươi bảy tuổi vào Trung Thư. Thượng tòa năm ấy cũng được hiệu Sư. Nói xong không thấy nữa (biến mất). Đến năm ấy quả nhiên được vua phong chức Thừa Tướng, thờ vua suốt ba triều đại, được tặng chức Thái sư Trung Thư Lệnh, thụy là Tuyên Tĩnh, được hưởng thêm anh miếu. Tế Tương giữ Tiền Đường đem việc linh dị của Đại sĩ tâu lên Triều đình nhân đó vua ban hiệu là Linh Cảm).

Năm Thiên Thánh thứ tư, Sư viết Quang Minh Văn Cú Ký vì việc viên tịch quá gấp không viết được trọn pho. Sau có môn nhân là Quảng Trí đã viết tiếp một phẩm Tán Phật để hoàn thành trọn bộ. Vào ngày mồng một tháng giêng năm Thiên Thánh thứ sáu, Sư lập Quang Minh Sám hẹn bảy ngày thì viên tịch. Đến ngày thứ năm, Sư ngồi kiết già mời đại chúng đến nghe pháp xong, chợt Sư niệm danh hiệu A-di-đà Phật hơn mấy trăm tiếng rồi an nhiên thị tịch. Sư thọ sáu mươi chín tuổi, hạ lạp năm mươi bốn. Khâm liệm Sư để lộ thiên suốt mười bốn ngày, dung nhan vẫn tươi như lúc còn sống, tóc vẫn mọc dài, cái lưỡi còn nguyên tươi như cánh sen hồng. Đến năm Minh Đạo thứ hai vào tháng bảy, thỉnh linh cốt của Sư về xây tháp thờ ở bên tả của Sùng Pháp Viện tại phía Nam Thành. Hàng đệ tử Pháp Lãnh của Sư có ba mươi vị như Thượng Hiền, Bản Như, Phạm Trăn, Tắc Toàn, Tuệ Tài, Sùng Cự, Giác Tông… Số người nhập thất có bốn trăm tám mươi người, số lên tòa thuyết pháp có cả ngàn người. Chính tay Sư dắt lên tuyên thệ có bảy mươi người. Từ năm Hàm Bình thứ hai trở đi Sư chuyên việc Sám giảng, thường ngồi không nằm, chân không hề bước ra ngoài, quyết tu đến cùng. Sư giảng Pháp Hoa Huyền Nghĩa bảy lượt, Văn Cú tám lượt, Chỉ Quán tám lượt, Niết-bàn Sớ một lượt, Tịnh Danh Sớ hai lượt, Quang Minh Huyền Nghĩa mười lượt, Biệt Hành Huyền bảy lượt, Quán Kinh Sớ bảy lượt, Kim Cang Ty, Chỉ Quán Nghĩa Lệ, Đại Ý, Thập Bất Nhị Môn, Thủy Chung Tâm Yếu… nhiều lượt không kể xiết. Sư tu Pháp Hoa Sám thời hạn hai mươi mốt ngày năm lượt, Quang Minh Sám thời hạn bảy ngày hai mươi lượt, Di-đà Sánm thời hạn bảy ngày năm mươi lượt, Thỉnh Quan Âm Sám thời hạn bốn mươi chín ngày tám lượt, Đại Bi Sám thời hạn hai mươi mốt ngày mười lượt. Gia kết với mười Tăng tu Pháp Hoa Sám thời hạn dài ba năm, cùng mười Tăng tu Đại Bi Sám suốt ba năm. Sư đốt ba lóng tay để cúng Phật, tạo ra các hình tượng Di-đà, Quan Âm, Thế Chí, Phổ Hiền, Tổ sư Đại Bi Thiên thai hơn hai mươi tượng. Sư in viết Giáo thừa cả một vạn quyển, viết Tục Di Ký ba quyển, Quang Minh Văn Cú Ký sáu quyển, Diệu Tông Sao ba quyển, Biệt Hành Huyền Ký bốn quyển, Chỉ Yếu Sao hai quyển, Phò Tông Ký hai quyển, Thập Nghĩa Thư ba quyển, Quán Tâm Nhị Bách Vấn một quyển, Giải Báng Thư ba quyển, Kim Quang Minh Tam-muội Nghi, Đại Bi Sám Nghi, Tu Sám Yếu Chỉ, mỗi thứ một quyển.

Ngoài ra, còn có Như Dung Tâm Giải, Nghĩa Lệ Cảnh Quán, Khởi Tín Dung Hội Chương, Biệt Lý Tùy Duyên Nhị Thập Vấn, Tiêu Phục Tam Dụng Chương, Quang Minh Huyền Đương Thể Chương Vấn, Đáp Thích Nhật Bản Nguyên Tín Vấn, Thích Dương Văn Công Tam Vấn, Giáng Vĩ Vấn Đáp (đều chép trong Giáo Hạnh Lục). Sư đối với Khởi Tín Luận có chỗ ngộ nhập lớn cho nên bình thời khi viết sách luận thường dẫn ra để làm bằng. Về sau có người riêng đến giảng đường hỏi về Khởi Tín Luận thì Sư chỉ bày không hề quên. Thuở xưa lúc Sư được vua ban cho Pháp phục, ngài Thần Chiếu gởi thư chúc mừng. Sư đáp: Ba thuật ít tu danh thấu triều đình (trong Chỉ Quán An Nhẫn nói rằng: Danh dự, lợi dưỡng, quyến thuộc chứ nên thọ chớ nên mang. Suy như thế mà không từ bỏ thì phải giấu Đức bày vụng về. Nếu giấu mình mà không thoát được thì hãy nhảy một cái bỏ xa vạn dặm. Nếu danh lợi quyến thuộc từ ngoài đến phá ta thì hãy nhớ ba thuật này mà cắn răng chịu đựng chắc chắn khó lay chuyển. nếu nghiệp phiền não định kiến, kiêu mạn từ trong phá ta, thì cũng phải nhớ ba thuật tức không, tức giả, tức trung. Giả sử có banh da xé thịt thì tâm vẫn không loạn động, vì làm việc lớn cần nên yên nhẫn. Phụ Hành nói: Ngoại chướng là giặc yếu, gọi đó là danh dự… Còn nội chướng là giặc mạnh gọi là phiền não… Với hai loại giặc nội ngoại dùng thuật không giống nhau). Chỉ nhờ ơn Chúa Thượng ban cho pháp phục, chỉ thẹn nào vinh, sao lại nhọc công chúc mừng? Khi Chỉ Yếu vừa soạn xong, Tuyết Đậu Hiển Thiền sư xuống núi đến hỏi han thấy thư thì vô cùng khâm phục. Liền thiết trai chúc mừng đích thân niêm yết bảng trà để vui về việc ấy.

Lời bàn: Cuối đời Đường thiên hạ loạn ly, sách vở Thiên thai trôi dạt sang Đông hải. Ngay lúc đó đối với những người đến học phải giảng thêm Hoa Nghiêm để làm đẹp cho Tông Thuyết. Kịp khi tông ta trùng hưng thì Đạo này hãy còn tăm tối. Đến thời Loa Khê Bảo Vân, các sách vở mất mát được trở về tuy có diễn giảng chút ít nhưng kẻ thấy sai, thói quen vẫn chưa đổi, nên Ân Thanh vẫn diễn giảng gồm Hoa Nghiêm như trước. Sau khi nhóm Chiêu Viên luận bậy, bọn Tề Nhuận theo phái khác mà chê bai và Tịnh Gíac tuy học trò nhưng lại nội phản… đều đủ làm pháp môn hỗn độn, Tổ Đạo bị lấp vùi. Đến ngài Pháp Trí Tứ Minh có tài Thánh, nên trong thời trung hưng đã Đông chinh Tây phạt giúp cho Biển Pháp lại trong, công nghiệp thạnh hành đáng ghi nhớ. Ấy là vì Lập Âm Quán Vọng, Biệt Lý Tùy Duyên, loài bọ sên rốt ráo, Lý độc Tánh ác, ý chỉ về Duy Sắc Duy Tâm, luận bàn về quán Tâm hay quán Phật, Luận ba cặp thân Phật, tức luận đầy đủ về thể của kinh và Yếu Chỉ của Thập Bất Nhị Môn, mười thứ ba Pháp quán Tâm, phán định Thật và Quyền, nói về Tu hay Tánh. Phàm những điều mà các ngài Chương An, Kinh Khê chưa rãnh để kết tập. Các pháp môn thâm diệu đều được tiêu biểu nêu ra. Cho đó là sách lược quần hùng giá ngự, là kế truyền giáo cho các con. Từ Kinh Khê trở đi có chín Tổ trong suốt hai trăm năm, hoằng pháp truyền đạo đời nào cũng có. Đầy đủ các thể mà Tập Đại Thành, dứt mối lạ để làm thạnh chánh thống thì duy nhất chỉ có ngài Pháp Trí mà thôi. Thế nên được kể là vị Tổ có ngôi vị cao nhất xưng danh Trung Hưng với dụng ý là muốn thấy kẻ hậu học đều quy Tông. Nay các trường học ở hai bờ Đông Tây sông Triết, không đâu không noi theo đạo của Tứ Minh, quay nhìn lại thấy các Sư phái Sơn Ngoại chắc chắn không còn đất sống. Vậy thời làm cho pháp vận vô cùng chính là các Vị phái Sơn Nội này vậy.