PHẬT TỔ THỐNG KỶ
Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 5
Phần II: HAI MƯƠI BA TỔ Ở TÂY VỨC
Tổ thứ 1: Ma-ha Ca-diếp.
Tổ thứ 2: A-nan-đà.
Tổ thứ 3: Thương-na Hòa-tu và (Từ A-nan) Mạt-điền-địa.
Tổ thứ : Ưu-ba-cúc-đa.
Tổ thứ : Đề-ca-đa.
Tổ thứ 6: Di-giá-ca.
Tổ thứ : Phật-đà Nan-đề.
Tổ thứ : Phật-đà Mật-đa.
Tổ thứ : Hiếp Tỳ-kheo.
Tổ thứ 10: Phú-na Dạ-xa.
Tổ thứ 11: Mã Minh.
Tổ thứ 12: Ca-tỳ-ma-la.
Tổ thứ 13: Long Thọ.
Tổ thứ 1: Ca-na-đề-bà.
Tổ thứ 1: La-hầu-la-đa.
Tổ thứ 16: Tăng-khư Nan-đề.
Tổ thứ 1: Tăng-khư Gia-xá.
Tổ thứ 1: Cưu-ma-la-đà.
Tổ thứ 1: Xà-dạ-đa.
Tổ thứ 20: Bà-tu-bàn-đà.
Tổ thứ 21: Ma-noa-la.
Tổ thứ 22: Hạc-lặc-na.
Tổ thứ 23: Sư tử.
Chỉ Quán Luận nói rằng: Người tu hành khi nghe nói Phó pháp tạng thì biết là tông đầu tiên. Người được giao truyền pháp tạng đầu tiên là ngài Ca-diếp, cuối cùng là ngài Sư Tử, gồm hai mươi ba vị, nhưng ngài Mạt-điền và ngài Thương-na Hòa-tu lại đồng thời, nếu tính luôn thì có hai mươi bốn tổ. Các Tổ này đều từ kim khẩu thọ ký (việc trích ở bộ Phụ Hành) đều là Thánh nhân đã giáo hóa lợi ích rất nhiều. (Pháp Tạng Kinh nói: Sau khi ta diệt độ sẽ có hai mươi bốn Tôn giả ra đời truyền bá pháp của ta). Phụ Hành nói: Đời tượng và mạt pháp có Bốn Y hoằng truyền Phật pháp. Trong truyện đã nói: Đều là Thánh nhân cho nên phần lớn đều là Tứ Y, cũng có thể chung cả ba, hai Y. Vì bậc Sơ Y là phàm không được gọi Thánh (Diệu Huyền nói rằng năm phẩm sáu căn là Sơ y, Thập trụ là Nhị y, Thập hạnh, Thập hướng là Tam y, Thập địa, Đẳng giác là Tứ y. Đây là theo Đại thừa mà luận về Bốn y. Như kinh Niếtbàn có nói: Có bốn hạng người hay hộ trì chánh pháp làm chỗ nương tựa cho đời:
- Sơ y, nội ngoại phàm Tiểu thừa.
- Nhị y, tức Sơ quả.
- Tam y tức quả thứ hai và ba.
- Tứ y tức quả thứ tư.
Đây là theo Tiểu thừa mà luận về bốn y. Nay nói phó pháp tức là Đại thừa. Nên Phụ Hành đã nói là Đại thừa Tứ y. Nói trung truyện tức là truyện Phó Pháp Tạng, một bản gọi là Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Kinh).
Nay luận về các Tổ thừa truyền đại pháp thì các tổ Cúc-đa… nói rằng: Chứng Tiểu quả là căn cứ theo ý của ngài Kinh Khê gọi bốn quả là chân phước điền hóa đạo dễ dàng. Tuyên nói giống đây tức bốn y là giống như bốn quả. Thế nên từ kim khẩu nói các Thánh đã phá hết vô minh, ngôi vị ở bốn y, trong thì hoằng truyền đại pháp, ngoài thì hiện dáng Tiểu thừa. Để làm sáng phó pháp, nên soạn ra tiểu sử hai mươi bốn vị Tổ sau đây.
Tổ thứ 1: Ma-ha Ca-diếp (Mahakasyapa)
(Ma-ha Ca-diếp: Hán dịch là Đại Ẩm Quang. Vì Tổ tiên xưa thân có ánh sáng che mất các ánh sáng khác, nên lấy đó làm họ. Tôn giả này là hậu duệ, thân cũng có ánh sáng che mất các ánh sáng khác. Trong hàng đệ tử Phật có Thập Lực Ca-diếp và ba Ca-diếp khác. Vị này là lớn nhất trong những người cùng họ Ca-diếp, nên thêm chữ Đại để phân biệt.
Ngài tên Tất-bát-la (Đây là tên cây Bồ-đề. Vì cha mẹ cầu tự thần cây này mà sinh ra ngài nên lấy tên cây đặt tên). Ngài là người nước La-duyệt-kỳ (Hán dịch là Vương xá thành, tức thành trong nước Magià-đà). Cha là Ca-tỳ-la (Hán dịch là Đầu mặt có sắc vàng ròng, bởi là hậu duệ của Tiên nhân Kim Quang). Đời gọi là Đại Phú Trưởng giả. Cả mười sáu nước không ai sánh bằng, vì giàu gấp ngàn lần vua Bình-sa (tức vua Tần-bà-ta-la, Hán dịch là Nhan Sắc Đoan Chánh). Vua có ngàn lưỡi cày bằng vàng. Vì sợ tội hơn vua nên giảm bớt một lưỡi, chỉ dùng chín trăm chín mươi chín lưỡi cày vàng hai trâu kéo, có sáu mươi kho chứa vàng hạt, sức chứa ba trăm bốn mươi hộc.
Thuở xưa sau khi Phật Tỳ-bà-thi diệt độ (Hán dịch là Thắng Quan). Tượng trong tháp màu vàng ròng bị hư vài chỗ. Khi đó có cô gái nghèo xin được viên kim châu đem tu bổ lại mặt pho tượng. Lúc ấy ngài Ca-diếp là thợ đúc vàng đã sửa xong. Nhân đó cùng lập thệ hai người chúng ta thường là vợ chồng thân có sắc vàng ròng luôn hưởng sung sướng. Do nguyên nhân đó mà chín mươi mốt kiếp đều sinh vào hàng trời người, cuối cùng được sinh làm Phạm thiên thứ bảy (Đại Phạm sơ thiền ở trên cõi Lục dục nên kể là thứ bảy).
Bấy giờ ở nước Ma-già-đà (Hán dịch là Bất Hại) có một Bà-lamôn là một cự phú nhưng không con cái nối dõi. Bên nhà có một Thần cây, ông thường đến cầu con nhưng đã nhiều năm không ứng nghiệm. Liền nổi giận bảo: Ta cầu tự trong bảy ngày nếu không linh nghiệm sẽ đốt bỏ cây.
Thần cây sợ quá bay lên cầu cứu Phạm thiên. Phạm Thiên vương nhìn thấy có một Phạm thiên sắp mạng chung, liền khuyên hãy sinh vào nhà ấy. Vừa tròn mười tháng thì sinh một bé trai, mình sắc vàng ròng ánh sáng rực rỡ chiếu xa bốn mươi dặm, có đủ ba mươi tướng đẹp (Văn Cú, vậy là thiếu hai tướng bạch hào và nhục kế).
Thầy bói bảo rằng: Cậu bé này do phước đời trước tất sẽ xuất gia.
Đến năm mười lăm tuổi định cưới vợ cho con, thì con bảo cha mẹ tìm được cô gái nào có sắc vàng như con, con mới cưới. Cha mẹ liền mời các Bà-la-môn đúc tượng một cô gái bằng vàng rồi đẩy xe đi khắp thôn xóm lớn tiếng rao rằng: Cô gái nào gặp Thần vàng mà chịu cưới sẽ gặp được chồng quý.
Các cô gái đều chạy ra xem. Riêng có một cô gái mình vàng vẫn ngồi yên. Chúng bạn ép kéo cô ra gặp tượng vàng. Các Bà-la-môn thấy được bèn làm lễ cưới. Cưới xong, cả hai vợ chồng đều không có dục ý nên mỗi người ở riêng một phòng. Cha mẹ biết được bèn dẹp một phòng bắt hai người phải ở chung.
Ca-diếp bảo: Khi ta ngủ thì nàng đi kinh hành, khi nàng ngủ thì ta đi kinh hành.
Tâm ý của chồng vợ đều rất chán ghét thế gian, nên mong cầu xuất gia. Liền bỏ việc nhà vào sâu chốn rừng núi. Dạ nghĩ miệng nói rằng: “Chư Phật Như Lai đều xuất gia tu đạo, nay ta cũng theo Phật xuất gia.” Liền mặc áo hoại sắc, cạo bỏ râu tóc. Trên không trung Thiên thần bảo rằng: Đức Thích-ca Như Lai hiện cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị A-la-hán đang ở tại vườn Trúc trong thành Vương xá.
Ca-diếp nghe xong liền đi về phía vườn Trúc. Phật thì đi ngược lại. Đến thôn Bạt-kỳ gặp Phật, ngài dâng lên Phật y báu, Phật trao cho ngài đại y Phấn tảo. Khi mới nghe Tăng thượng giới, định, tuệ liền được vô lậu, lúc đó ngài đã được một trăm hai mươi tuổi. Vợ ngài lần hồi cũng được quả A-la-hán. Ngài Ca-diếp thọ pháp khất thực tu mười hai hạnh Đầu-đà đến già không bỏ.
Ngài thường bảo rằng: “Ta nhận được y Phật luôn tưởng thầy tưởng tháp, chưa từng ngã đầu vào gối huống là nằm ngủ, vì đại y ấy luôn sách tấn ta.”
Phật bảo rằng: Nay thầy đã già các căn suy yếu, vậy hãy bỏ việc khất thực và nhận trường y.
Ca-diếp thưa: Con nguyện trọn đời tu hạnh Lan-nhã (Hán dịch là Tịch Tịnh Xứ là một trong mười hai hạnh Đầu-đà).
Phật bảo: Tốt lắm! Nếu Ca-diếp ở đời tu hạnh Đầu-đà thì pháp ta sẽ còn trụ lâu.
Ngài Ca-diếp tu Đầu-đà đã lâu, tóc dài y bẩn. Khi đến chỗ Phật thì các Tỳ-kheo đều khinh dễ. Phật bèn nhường nửa ghế bảo ngài ngồi. Ca-diếp không dám. Phật liền rộng khen công đức của Ca-diếp không khác chi Phật sao chẳng chịu ngồi. Các Tỳ-kheo nghe thế đều kinh hãi. Phật nhân đó nói tích xưa. Xưa có vua Văn-kiệt-đà (Phụ Hành nói là Đảnh Sinh Vương) tài giỏi tuyệt luân. Trời Đế Thích khâm phục đức của vua liền dẫn một ngàn ngựa xe ra cung khuyết đón vua lên trời, chia ghế cùng ngồi, cùng hưởng vui thú, xong lại đưa vua về cung. Xưa ngài Ca-diếp đem tòa sinh tử mời ta cùng ngồi. Nay ta đã thành Phật nên lấy tòa chánh pháp để đáp lễ xưa. Ngài Ca-diếp ngồi chung với Phật. Lúc đó hàng trời người đều gọi ngài là thầy Phật. Ngài Ca-diếp liền sụp dưới chân Phật lớn tiếng bảo rằng: Phật là thầy ta, ta là đệ tử của Phật (v.v…).
Ở thành Tỳ-da-ly có một Trưởng giả tên là Duy-ma-cật, phương tiện thị hiện có bệnh để làm lợi ích chúng sinh.
Phật bảo ngài Đại Ca-diếp: Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Ca-diếp thưa: Con không thể đến thăm bệnh được. Vì sao? Con nhớ thuở xưa khi con vào thôn nghèo khất thực, ngài Duy-ma-cật đến bảo con rằng: “Dùng một bữa ăn phải thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và chúng Hiền Thánh, sau rồi mới ăn. Người ăn như thế không có phiền não, không lìa phiền não, không nhập định ý, không ra khỏi định ý, không trụ thế gian, không trụ Niết-bàn. Người thí vậy ấy, không có phước lớn, không có phước nhỏ, không giúp ích, không làm hại. Đó là vào ngay Phật đạo, không nương Thanh văn. Này Ca-diếp! Ăn như thế mới là người không ăn uổng của thí.” Khi con nghe lời ấy rồi thì con hết sức kính phục Bồ-tát, lại không khuyên người tu hạnh Thanh văn, Bích-chi-phật. Thế nên con không thể đến thăm bệnh được. (Kinh Duy-ma)
Ở hội Pháp hoa, Đức Thế Tôn bảo ngài Xá-lợi-phất rằng: Diệu pháp như thế chư Phật Như Lai lúc đó mới nói.
Khi đó ngài Xá-lợi-phất hiểu rõ các pháp đã nói ấy. Đức Thế Tôn bèn thọ ký ở vị lai thầy sẽ làm Phật hiệu là Hoa Quang.
Lại bảo ngài Xá-lợi-phất rằng: Nay phải dùng ví dụ để nói rõ nghĩa này.
Bèn nói: Một trưởng giả nọ có căn nhà lớn đang bùng cháy dữ dội. Trưởng giả phương tiện khuyên dỗ các con lấy ba thứ xe dê, xe nai, xe bò và các thứ đồ chơi đẹp để dẫn chúng ra khỏi nhà lửa. Sau đó mới ban cho một xe trâu trắng thật lớn. Như Lai cũng thế.
Đầu tiên nói ba thừa để dắt dẫn chúng sinh, sau chỉ dùng Đại thừa mà độ thoát. Lúc đó bốn đại Thanh văn Ca-diếp… đều hiểu ý chỉ này bèn nói ví dụ cùng tử. Bảo rằng chúng con như kẻ cùng tử bỏ cha đi mất hơn năm mươi năm, sau mới gặp lại nhưng ý chí thấp kém, nên trong suốt hai mươi năm sai dọn dẹp phân.
Từ đó trở đi mới tin tâm tướng thể, kết tình cha con, chính thức nhận lãnh gia nghiệp. Tự nói bọn chúng con từ xưa đến nay chỉ ham pháp Tiểu thừa. Thế Tôn dùng sức phương tiện nói trí tuệ Như Lai, nay con mới biết. Thế Tôn đối với trí tuệ Phật không hề lẫn tiếc. Thế nên bọn chúng con nói vốn không có tâm mong cầu. Nay đại bảo của Pháp vương tự nhiên mà đến, như chỗ Phật tử mong được thì nay đã được. Thế nên Thế Tôn lại bảo Ca-diếp nói dụ Dược Thảo kể rõ sự hiểu biết 60 của mình.
Rồi bảo rằng ở vị lai thầy sẽ được làm Phật hiệu là Quang Minh (kinh Pháp Hoa, đây là Phó pháp chung). Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: Bao nhiêu chánh pháp vô thượng nay ta đều phó chúc cho Ca-diếp, Cadiên sẽ là chỗ y chỉ lớn cho các ông (kinh Niết-bàn, đây là phó pháp riêng, A-nan Vấn Kinh nói: Ta nhập Niết-bàn rồi, Đại Ca-diếp sẽ là chỗ y chỉ lớn cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni như ta không khác).
Lúc đó ngài Đại Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử đang ở tại núi Kỳxà-quật, cách thành Câu-thi năm mươi do-tuần. Ngài Ca-diếp trong bữa ăn trưa thì bỗng tâm hồi hộp, thân run rẫy, từ định xuất ra thấy đất động mạnh, liền biết Như Lai đã nhập Niết-bàn. Liền dắt đệ tử về thành Câuthi, đến chỗ Kim quan của Phật. Như Lai đại Bi thương xót Ca-diếp nên nắp Kim quan tự mở, hiện bày thân vàng ròng bền chắc.
Ngài Ca-diếp buồn thương nghẹn ngào, rẩy nước thơm vào thân quấn chặt ngàn xấp lụa trắng. Nắp Kim quan đóng lại. Ngài Ca-diếp nói kệ, thì đôi bàn chân của Như Lai có tướng ngàn căm hiện ra ngoài Kim quan. Ca-diếp đảnh lễ khen ngợi đôi chân Kim cang, xong rồi đôi chân thụt vào. Từ lồng ngực Phật lửa bùng lên bao phủ Kim quan và thiêu cháy dần, trải suốt bảy ngày đêm lầu thơm mới tắt (phần sau kinh Niết-bàn – Ngài Ca-diếp cùng các đệ tử đi về thành Câu-thi, giữa đường gặp một Phạm chí cầm hoa Mạn-đà-la bảo rằng: Thế Tôn đã nhập Niếtbàn được bảy ngày rồi, tất cả trời người đều đến cúng dường. Tôi từ nơi ấy mà được hoa này, rút từ kinh Phó Niết-bàn).
Lễ trà-tỳ Phật mới được bảy ngày thì Ca-diếp bảo năm trăm vị A-la-hán đi khắp mười phương mời tất cả A-la-hán, có đến tám ức tám ngàn vị cùng đến tập hội ở rừng Song thọ để nghe pháp ngôn (kinh Bồtát Xử Thai). Lúc đó gặp mùa Hạ an cư. Ngày rằm đầu tiên, Ca-diếp cùng một ngàn A-la-hán ở tại thành Vương xá kết tập ba tạng. Vua A-xà-thế mỗi ngày cúng dường một ngàn phần ăn suốt cả mùa Hạ (Trí Luận). Ngài Ca-diếp hoằng trì chánh pháp đến hai mươi năm (nhằm năm thứ tám, Nhâm Thìn, đời Chu Ý Vương), rồi mới phó chúc pháp tạng cho A-nan. Trước ngài lễ bốn tháp (bốn chỗ xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn mỗi nơi đều có xây tháp bảy báu), kế lễ tám tháp (vua tám nước xây tháp thờ Xá-lợi ). Sau đó vào Long cung lễ tháp ria Phật, tiếp đó là bay lên trời lễ tháp thờ răng Phật. Đến từ giả vua A-xà-thế thì gặp lúc vua đang nghỉ. Liền đến núi Kê túc (ba đỉnh núi này như chân gà ngữa ra, tức là núi Linh thứu), ngài lấy cỏ trải làm tòa ngồi và phát ba lời nguyện:
- Nguyện thân này và y bát đang có đây đều không hư hoại đợi đến khi ngài Từ thị hạ sinh.
- Nguyện khi nhập diệt tận định rồi thì ba ngọn núi họp lại thành một.
- Nguyện nếu A-nan hoặc vua A-xà-thế có đến thì núi tạm mở ra.
Khi ấy vua A-xà-thế nằm mộng thấy rường nhà bị gãy. Thức dậy vua than thở thương tiếc liền đến ngay núi Kê túc thì thấy toàn thân ngài Ca-diếp đang nghiễm nhiên nhập định. Vua khóc òa rồi chất các gỗ thơm định làm lễ trà-tỳ.
Ngài A-nan bảo vua: Ngài Ca-diếp nhập định trụ thân để đợi Phật Di-lặc, chớ nên thiêu.
Vua cúng dường xong liền trở về bản quốc, ba ngọn núi họp lại như cũ. Đến sau ba hội của ngài Từ Thị, có vô lượng chúng sinh kiêu mạn cùng lên núi này. Ngài Từ Thị búng tay thì núi liền mở ra. Ngài Ca-diếp bèn trao y lại cho ngài Từ Thị và chí thành kính lễ, xong liền bay lên hư không hiện các thần biến và hóa lửa đốt thân rồi nhập tịch diệt (kinh Phó Pháp Tạng, Mai Khê tập, ngài Kinh Khê nói với Phật Tuệ Tuyền Thiền sư rằng: Việc Thế Tôn cầm hoa rút từ điển nào? Sư Tuyền đáp rằng: Tạng Kinh không ghi. Ngài bảo: Trong khoảnh khắc ở tại vườn Hàn lâm ngẫu nhiên gặp được Đại phạm vương hỏi Phật để quyết nghi ba quyển kinh. Có người bảo rằng Phạm vương ở tại hội Linh sơn lấy hoa Kim sắc ba-la dâng lên thỉnh Phật nói pháp. Thế Tôn bước lên tòa cầm hoa đưa ra trước chúng, cả trăm vạn trời người đều không hiểu ý, riêng có Ca-diếp mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: Ta có Chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn Diệu tâm giao phó cho Ca-diếp).
Lời thuật rằng: Diệu Kinh nói rằng: Thế Tôn mở sáng Đại Pháp, Ca-diếp hiểu rõ, đây là nghĩa chung về Phó pháp. Kinh Niết-bàn nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo: “Bao nhiêu chánh pháp vô thượng nay ta đều phó chúc cho Ca-diếp.” Hậu phần kinh Niết-bàn lại bảo: “Ca-diếp đến chỗ Kim Quan của Phật nói kệ. Phật hiện ra đôi bàn chân.” Kinh Anan Vấn nói: Phật sắp nhập Niết-bàn bảo Ca-diếp rằng: “Hãy nên làm chỗ Đại y chỉ cho bốn chúng…” Các văn như thế đều ở Niết-bàn, tức là nghĩa riêng của phó pháp. Chung thì cả đại chúng đều hiểu rõ, còn riêng thì chỉ một mình Ca-diếp nắm giữ. Nay Niết-bàn phó chúc chính là ở nghĩa riêng, tức là các Tổ truyền nhau giữ gìn không dứt. Như có người lấy sự hiểu rõ Pháp Hoa làm phó pháp thì chỉ là được cái ý chung mà thôi.
Tổ thứ 2: A-nan-đà (Ananda)
Ngài sinh vào ngày tám tháng hai đúng ngày Phật thành đạo, ngài là em của Điều-đạt, con thứ hai của chú Phật là Bạch Phạn Vương (A Nan-đà Hán dịch là Khánh Hỷ, nói việc vua và cả nước đều vui mừng khi mới sinh ngài). Ngài mặt đẹp như trăng tròn, mắt như hoa sen xanh. Năm lên tám ngài theo Phật xuất gia, được Bạch Tứ Yết-ma thọ Cụ túc giới, là hàng đa văn bậc nhất. Năm ba mươi mốt tuổi ngài làm thị giả Phật, nghe nhớ pháp tạng.
Đến hội Pháp hoa Phật bảo A-nan rằng: Ở đời sau ông sẽ được làm Phật hiệu là Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương.
Lại bảo các Bồ-tát rằng: Ta và A-nan ở chỗ Phật Không Vương đồng lúc phát tâm Bồ-đề, nhưng A-nan thường ham học rộng (đa văn), còn ta thường chuyên cần tinh tấn. Thế nên nay ta đã chứng Bồ-đề mà A-nan lại hộ trì pháp ta, cũng hô trì pháp tạng của chư Phật đời vị lai. Sau khi Phật diệt độ thì ngài Đại Ca-diếp kết tập pháp tạng tuyển chọn một ngàn vị A-la-hán, bảo ngài A-nan lên tòa Sư tử tuyên nói các kinh. Khi ngài Ca-diếp sắp nhập diệt thì đem pháp tối thắng phó chúc lại cho ngài A-nan và nói rằng: Thuở xưa Phật Định Quang còn làm Sa-môn có nuôi một Sa-di thường bảo đọc kinh, nếu đọc thiếu sót liền quở trách. Lúc đó Sa-di khất thực nuôi thầy, nếu kinh không thuộc thì lại bị thầy quở trách rất dữ. Thầy Sa-di buồn khổ vừa đi vừa đọc. Lúc đó có vị Trưởng giả hỏi biết sự tình liền bảo thầy Sa-di chớ buồn lo nữa. Từ đây trở đi ta sẽ luôn cúng dường đầy đủ. Bấy giờ thầy Sa-di không đi khất thực nữa, chuyên tâm đọc tụng kinh rất đầy đủ. Thầy Sa-di thuở ấy tức là Thế Tôn đây, còn vị Trưởng giả nuôi ăn kia tức là A-nan. Vì phước duyên này nên trí tuệ thâm diệu nghe nhiều nhớ giỏi (thuật rằng Sa-di học kinh tất có lợi nhớ dai, còn Trưởng giả nuôi ăn cũng có công chuyên về học nhiều. Cho nên tin vào việc làm thiện làm ác ở đời, việc làm xong tất có quả báo, khí phần chiêu cảm đâu tránh được).
Ngài A-nan đi du hóa khoảng hai mươi năm, thường đến Trúc lâm (tức chùa Trúc lâm ngoài thành Vương xá). Một hôm ngài nghe Tỳkheo đọc kệ rằng:
Nếu người sống trăm năm
Không thấy lão hạc nước
Không bằng sống một ngày
Mà được thấy rõ ràng.
Ngài buồn thảm bảo: Đây không phải là kệ Phật, phải đọc như vầy:
Nếu người sống trăm năm
Không hiểu pháp sinh diệt
Không bằng sống một ngày
Mà hiểu biết rõ ràng.
Tỳ-kheo đem hỏi thầy. Thầy bảo: “A-nan già cả lẩm cẩm nói không đáng tin.”
Sau đó ngài A-nan vẫn nghe Tỳ-kheo kia đọc kệ như trước. Bèn tự nghĩ: “Nay Tỳ-kheo này không nghe lời dạy của ta, thì ở đời vô ích. Phải nên nhập diệt thôi.”
Liền đến vua A-xà-thế nhưng gặp lúc vua nghỉ. Vua nằm mộng thấy cây lọng bị gãy liền kinh sợ tỉnh giấc. Kẻ hầu thưa rằng: Ngài Anan sắp nhập diệt có đến đây tìm gặp. Vua òa khóc hỏi hiện ngài đang ở đâu?
Đáp rằng: Ngài đi về hướng nước Tỳ-xá-ly. Vua liền điều động bốn loại binh mã (voi, ngựa, xe, bộ) đuổi theo đến sông Hằng, thì ngài A-nan đã ngồi thuyền ra đến giữa sông.
Vua đảnh lễ thưa rằng: “Bậc đèn sáng ba cõi, xin chớ nhập Niếtbàn.”
Khi ấy có năm trăm tiên nhân ở núi Tuyết quán thấy A-nan sắp nhập Niết-bàn liền cùng bay lên hư không đến cầu xin xuất gia. Ngài A-nan liền biến sông Hằng thành đất vàng ròng và nói pháp, các tiên nhân nghe xong đều chứng A-la-hán, rồi cùng nhập diệt (tức Mạt-điềnđịa năm trăm tiên nhân…). Ngài A-nan vọt thân lên hư không hiện mười tám thứ thần biến rồi nhập Phấn tấn Tam-muội và chia thân làm bốn phần: Một phần cho Thích Đề-hoàn Nhân, một phần cho Long vương Ta-già, một phần cho con của Tỳ-xá-ly, một phần cho vua A-xà-thế. Cả bốn nơi đều xây tháp cúng dường Xá-lợi (thấy trong các kinh: Pháp Hoa, Phó Pháp Tạng, Đại Luận, Văn Cú, Diệu Lạc…).
Tổ thứ 3: Thương-na Hòa-tu (Sanakavasa) và Mạt-điền-địa.
Ngài là Trưởng giả ở thành Vương xá. Đời quá khứ là một Thương chủ, giữa đường gặp một vị Bích-chi-phật bị bệnh nặng liền xin thuốc trị bệnh. Khi thấy áo ngài cũ xấu liền dâng cúng áo lông quý đẹp. Bíchchi-phật bảo: “Áo Thương-na này (hoặc dịch là Áo cỏ. Ở Tây Vức có cỏ Cửu chi tú, nếu có các La-hán sinh ra thì cỏ này mọc trên đất sạch) dùng để xuất gia thành đạo, nên phải mặc áo này mà nhập diệt.”
Ngài liền bay lên không trung hiện mười tám thứ thần biến, rồi nhập Niết-bàn. Thương-na thương tiếc chất gỗ thơm để trà-tỳ và xây tháp cúng dường Xá-lợi. Nguyện ở đời sau có công đức, oai nghi và y phục như ngài ấy không khác. Do nguyện lực này mà suốt năm trăm đời thân trung ấm luôn mặc áo thương na này. Đến thân sau cùng thì khi mới sinh ra trên mình đã có áo này, áo cùng lớn theo thân. Khi xuất gia thì áo biến thành pháp phục, khi thọ giới Cụ túc thì áo cũng có chín điều. Nhân đó gọi là Thương-na Hòa-tu (theo Tây Vức Ký thì từ nước Phạm Diễn-na đi sang núi Tuyết, ở phía Đông có một Già-lam chứa áo Thương-na chín điều có ráng màu đỏ. Khi ngài Thương-na nhập diệt đã để lại áo này và bảo đệ tử rằng: Khi pháp diệt mất thì áo này mới hư nay thấy áo đã hư hỏng nhiều).
Thuở xưa Như Lai đi sang nước Ma-đột-la thấy rừng cây xinh tươi liền bảo A-nan rằng: “Sau khi ta diệt độ sẽ có Tỳ-kheo Thương-na Hòatu ở trong núi này mà xây dựng Tăng-già-lam, thuyết pháp giáo hóa”. Sau đó Thương-na đã vào biển nhặt được nhiều châu báu nên đến Trúc lâm mở hội Đại thí. Nghe Phật Thế Tôn, Ca-diếp, Mục-liên đều đã diệt độ, liền trịnh trọng bày lễ Bát- Giá-ư-sắc (Hán gọi là Hội thí năm năm một lần) và tạo dựng lầu cửa…
Ngài A-nan bảo: Ông đã tài thí, nay lại pháp thí. Vậy hãy xuất gia học đạo lợi ích chúng sinh.
Thương-na đáp rằng: Rất đúng nguyện của con.
Ngài A-nan liền độ cho xuất gia và thành A-la-hán.
Xong ngài bèn đến núi Mạn-đà dùng Từ Tam-muội mà hóa độ cho hai con Độc long và xây dựng thiền thất. Ngài lại đến núi Bạch tượng ở nước Kế Tân ngồi yên nhập định. Lúc đó, đệ tử ngài là Ưu-ba-cúc-đa có năm trăm đệ tử cũng còn bị sinh tử kiêu mạn cống cao. Cúc-đa liền nhập Tam-muội quán thấy mình không có duyên với họ. Chỉ có thầy mình mới hóa độ được. Bèn chí tâm nghĩ đến Thương-na Hòa-tu. Ngài liền dùng thần lực từ trên không bay xuống áo quần dơ xấu đến ngồi trên tòa Cúc-đa. Đám đệ tử nổi giận hỏi người nào bẩn thỉu mà dám ngồi ở tòa của thầy ta? Bèn đến bạch thầy. Cúc-đa lật đật đến phòng sụp lạy thưa: “Đệ tử nghĩ rằng thầy luôn có đức tướng trang nghiêm”. Thương-na liền chỉ lên hư không thì hương và sữa rơi xuống như núi cao và suối chảy. Cúc-đa không hiểu là Tam-muội gì. Thương-na bảo đây là Long phấn tấn Tam-muội. Như thế lần lượt có đến năm trăm thứ Tam-muội đều không biết và Thương-na đều giải thích. Lại bảo Cúcđa rằng: “Tam-muội của Như Lai thì ngài Mục-liên không biết, Tammuội của ngài Mục-liên thì các Thanh văn khác không biết, Tam-muội của A-nan thầy ta thì ta không biết, nay Tam-muội của ta thì ông cũng
không biết. Sau khi ta Niết-bàn rồi thì có bảy vạn bảy ngàn kinh Bản Sinh, một vạn tạng A-tỳ-đàm, tám vạn Tỳ-ni Thanh Tịnh đều diệt mất theo ta”. Lúc đó các đệ tử đều rất hối tiếc tự trách. Ngài Thương-na nói pháp họ đều chứng quả A-la-hán. Ngài liền bay lên hư không hiện mười tám thứ thần biến rồi nhập Niết-bàn. Ngài Cúc-đa chất gỗ thơm để hỏa tà-tuần (tà-tuần là tiếng Phạm tức ý nói hỏa thiêu) rồi nhặt Xá-lợi và xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Mạt-điền-địa (Đệ tử Kế của A-nan) Ngài là người đứng đầu nhóm năm trăm Tiên nhân ở núi Tuyết. Khi ngài A-nan sắp nhập Niết-bàn thì ngài đến sông Hằng. Đất ở đây rúng động mạnh. Các tiên biết được bèn bay đến và cầu xin xuất gia. Ngài A-nan liền hóa nước sông đặc lại thành đất vàng ròng. Cả năm trăm Tiên nhân đều xuất gia và thành A-la-hán (Mạt-điền-địa, Hán dịch là Trong, vì các Tiên ở trong sông này mà được giới). Khi ấy ngài Mạt-điền-địa muốn nhập Niết-bàn trước. Ngài A-nan phó chúc rằng: Phật thọ ký cho ông đến ở nước Kế Tân xây dựng Phật pháp. Sau khi ngài A-nan Niết-bàn rồi thì Mạt-điền-địa đến nước Kế Tân hàng phục rồng dữ và giữ gìn Phật pháp. Khi sắp nhập Niết-bàn thì ngài bay lên hư không hiện mười tám thứ thần biến sau đó bèn nhập diệt (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 4: Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta)
Ngài là người nước Ma-đột-la, dung mạo đoan chánh thông minh tài giỏi. Lúc đầu ngài Thương-na Hòa-tu dạy cho ngài về pháp hệ niệm. Nếu nghĩ việc ác thì vạch xuống đá một vệt đen, nghĩ việc thiện thì vạch một điểm trắng. Cúc-đa theo lời dạy mà nhiếp niệm. Lúc đầu điểm đen nhiều hơn, sau đen trắng bằng nhau, đến cuối ngày thứ bảy thì toàn điểm trắng. Ngài Thương-na bèn nói cho Tứ Thánh đế, ngay khi đó liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Lúc bấy giờ trong thành có một dâm nữ tên là Bà-tu-mật, nghe đồn Cúc-đa hình dung đẹp đẽ liền cho người đến mời nhưng Cúc-đa không chịu. Có con trai một vị Trưởng giả là người quen cũ của dâm nữ, làm lái buôn từ xa về mang nhiều châu ngọc đến muốn giao tình cùng cô nàng. Dâm nữ tham châu báu nên giết chết anh con trai ấy rồi đem chôn trong nhà. Người nhà ông Trưởng giả đến tìm kiếm, đào đất lên bắt gặp, liền thưa lên vua. Vua bắt dâm nữ chặt hết tay chân, xẻo tai cắt mũi, rồi đem bỏ trên gò hoang. Ngài Cúc-đa đi giáo hóa đến gặp dâm nữ.
Bà-tu-mật nói: Khi tôi hình dung còn đẹp mời ngài chẳng đến, bây giờ nhan sắc tiêu tan đến đây làm gì?
Đáp rằng: Ta nhìn thấy thật tướng của nàng mà đến chứ nào phải vì dục tình. Nàng vốn dùng sắc đẹp để mê hoặc chúng sinh, khác nào chiếc bình sơn vẽ đẹp mà toàn đựng đồ dơ thúi, người trí biết rõ trọn không ham thích. Nay nàng hãy quán kỹ sắc này vô thường là nơi chứa nhóm các khổ chỉ như ghẻ lở. Vậy nên phương tiện mà cầu giải thoát.
Dâm nữ tâm được khai ngộ liền chứng Pháp nhãn tịnh, nên khi chết liền được sinh lên trời. Nhân đó Cúc-đa quán sát các pháp là khổ, không, vô thường, liền chứng được quả A-na-hàm.
Lúc mới đầu, khi Cúc-đa gặp ngài Thương na cầu xin xuất gia, ngài hỏi: Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
Đáp rằng: Con mười bảy tuổi.
Thương-na lại hỏi: Thân ông mười bảy hay tánh ông mười bảy?
Cúc-đa đáp: Thầy tóc bạc, vậy tóc thầy bạc hay tâm thầy bạc?
Thương-na biết đó là hàng Pháp khí liền độ cho đi xuất gia, thọ giới Cụ túc xong liền chứng A-la-hán.
Thương-na bảo: Phật thọ ký cho ông một trăm năm sau là hàng tọa thiền bậc nhất, giáo hóa nhiều chúng sinh.
Cúc-đa nghe lời dạy liền tập họp chúng thuyết pháp. Ma vương Ba-tuần hóa làm voi trắng trang sức bảy báu, lại hiện ra gái đẹp mỹ miều khiến đại chúng nhìn thấy không chú tâm nghe pháp. Cúc-đa biết là ma hiện ra, liền lấy ba thây chết của rắn, chó, người hóa làm tràng hoa đem đeo vào cổ ma thì hiện lại thành thây chết sình rã đầy dòi tửa, ma dùng hết thần lực cởi ra không được. Liền bay lên không trung hỏi các trời.
Trời Phạm thiên bảo: Bị sức Thần thông của đệ tử Phật đâu thể cởi ra được. Ngươi nên quy y Tôn giả, ngài tha cho thì cởi ra được.
Ma Ba-tuần bèn đến chỗ Tôn giả, rạp mình cúi lạy cầu xin ngài cởi dùm ba thây chết.
Tôn giả bảo: Ngươi đừng phá hoại chánh pháp nữa thì ta cởi cho.
Ma thưa: Xin vâng. Tôn giả liền cởi ba thây chết ra.
Cúc-đa luôn hận mình không được gặp Phật liền hỏi ma: Ngươi thấy tướng Phật ra sao có hiện ra được chăng?
Ma đáp: Được. Ngay đó trước khu rừng lớn thấy một hình Phật hiện ra tướng hảo rực rỡ như một núi vàng ròng, ánh sáng chiếu khắp mười phương, Phạm vương, Đế Thích theo hầu Cúc-đa vui mừng bất giác sụp lạy.
Ma hiện lại nguyên hình bảo: “Tôi là kẻ phàm phu, đâu đáng để bậc Thánh lạy!”
Đến ngày thứ tư thì ma hiện xuống, lớn tiếng thông báo đến tất cả rằng: “Ai muốn được giàu sang sung sướng, sinh làm trời người hoặc muốn cầu Niết-bàn là nơi an ổn bậc nhất, nay không còn gặp Đức Như Lai đại Bi nói pháp nữa, tất cả hãy đến chỗ Tôn giả Cúc-đa để nghe diệu pháp mà chí tâm tu hành.”
Khi ấy tất cả nam nữ trong thành đều tụ họp và tùy căn cơ mà ngài nói các pháp, có trăm ngàn chúng sinh đều được quả Tu-đà-hoàn, một vạn tám ngàn người thành A-la-hán. Khi đó vua A-thứ-ca (tức vua A-dục) nghe Tôn giả đang ở núi Ưu-đà nói pháp cho đại chúng, bèn sai sứ đến thưa là vua muốn đến thăm hỏi. Tôn giả lấy cớ là nơi quê mùa hiểm trở, nên đích thân đến thành Hoa thị rờ đầu vua mà nói kệ, nêu rõ ý chỉ: Nơi nào ngày xưa Như Lai có đến hoặc trú ngụ đều nên xây tháp. Cúc-đa hóa độ chúng sinh nếu ai cả vợ chồng đều chứng quả La-hán thì bỏ một cái thẻ bốn tấc. Số thẻ này chất đầy trong một nhà bằng đá cao một trượng sáu, dài rộng cũng thế, thần thông và giáo hóa của ngài không khác chi Phật. Chỉ ngài thiếu ba mươi hai tướng. Nên đời gọi ngài là Phật không tướng hảo.
Khi hóa duyên đã mãn, ngài hiện mười tám thứ thần biến rồi diệt độ, đồ chúng lấy thẻ trong nhà đá làm lễ trà-tỳ. Nhân dân gào khóc thu nhặt Xá-lợi và xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 5: Đề-ca-đa (Dhrtaka)
Ngài là người nước Ma-đột-la. Ban đầu khi Cúc-đa hóa duyên sắp xong có đến nhà một ông Trưởng giả, ông hỏi: Đại Thánh vì sao chỉ đi một mình?
Đáp: Ta là người xuất gia không có người hầu hạ, nếu có ai làm ơn xin chỉ dùm.
Trưởng giả nói: “Sau này sinh con, tôi sẽ cho theo hầu thầy.”
Sau sinh được trai tên là Đề-ca-đa, rất giỏi kinh luận. Ngài Cúc-đa đến hỏi và dắt về Tăng phòng độ cho xuất gia. Khi tròn hai mươi tuổi liền truyền giới Cụ túc. Ngày đầu tiên đoạn dứt các kết Kiến đế được quả Tu-đà-hoàn. Đến lần Yết-ma thứ nhất thì dâm, nộ, si mỏng hẳn chứng được quả Tư-đà-hàm, lần yết-ma thứ hai, các kết ở Dục giới đều dứt chứng được quả A-na-hàm, lần yết-ma thứ ba nhanh chóng dứt hẳn phiền não ba cõi, kiến lập phạm hạnh thành A-la-hán, ba minh chiếu xa, sáu thông đầy đủ, đi đứng ẩn hiện tự tại vô ngại.
Ngài Cúc-đa bảo rằng: Giờ nhập Niết-bàn của ta đã đến, nay phó chúc cho ông pháp bảo này, ông nên truyền bá rộng rãi.
Về sau Đề-ca-đa hóa độ thế gian và nhập Niết-bàn ở vùng Trung Ấn Độ. Trời người buồn thương thu nhặt Xá-lợi xây tháp thờ ở núi Bantrà (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 6: Di-giá-ca (Miccaka)
Ngài thuộc người Trung Ấn Độ, là vị đứng đầu của tám ngàn Tiên nhân, học rộng hiểu nhiều có đại biện tài. Ngài đến gặp Đề-ca-đa nói rằng: Ngày xưa cùng thầy sinh cõi Phạm thiên. Con bỗng gặp A-tư-đà dạy cho phép Tiên, còn thầy gặp được đại Thiện tri thức tu tập Phật đạo, từ đó khác đường đến nay đã được sáu kiếp. Vị Tiên ấy thọ ký rằng sáu kiếp nữa con sẽ gặp bạn đồng học của con mà chứng được Thánh quả, vậy nay gặp đây không phải là túc duyên ư? Đề-ca-đa liền nói pháp cho nghe và chứng được Vô lậu. Các Tiên chúng không tin phục. Đề-ca-đa bèn hiện phép thần biến, khi đó toàn chúng mới tin phục và đều được đạo quả. Ngài Đề-ca-đa khi sắp nhập Niết-bàn liền phó chúc chánh pháp bảo rằng: Đức Phật phó chúc chánh pháp cho ngài Đại Ca-diếp và lần lượt truyền đến ta, nay ta phó chúc cho ông hãy nên truyền bá rộng rãi. Di-giá-ca tuân lời hoằng truyền chánh pháp, khai đạo Niết-bàn cho chúng sinh. Khi hóa duyên đã mãn bèn nhập Niết-bàn. Đại chúng thu nhặt Xá-lợi xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 7: Phật-đà Nan-đề (Buddha Nandi)
Ngài là người Bắc Thiên Trúc, tuệ sáng nói giỏi được kính phục nhất đương thời.
Lúc đầu, khi ngài Di-giá-ca mới đến nước ấy thấy trên bờ tường thành có đám mây ánh sắc vàng, liền khen rằng: “Dưới đó tất có bậc Đại sĩ có thể truyền nối chánh pháp”, bèn đến tìm.
Quả nhiên thấy ở cửa chợ có Phật-đà Nan-đề, liền bảo rằng: Thầy ta là Đề-ca-đa nói: Đức Thế Tôn lúc xưa khi đi đến vùng Bắc Ấn này đã nói với A-nan rằng: Cách ba trăm năm sau khi ta diệt độ, sẽ có một Thánh nhân tên là Phật-đà Nan-đề ở đây hoằng pháp.”
Nan-đề thưa: Con nhớ thuở xưa đã từng hiến tặng Như Lai một bảo tòa, nhân đó ngài đã thọ ký cho con là ở Hiền kiếp trong pháp Đức Thích-ca sẽ hoằng truyền chánh pháp, nay rất phù hợp với lời thầy.
Bèn cầu xin xuất gia. Khi vừa nghe nói pháp liền được bốn quả. Khi ngài Di-giá-ca sắp nhập Niết-bàn liền đem chánh pháp phó chúc để ngài truyền bá rộng rãi. Sau khi thấy hóa duyên đã mãn ngài Nanđề bèn nhập Niết-bàn. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 8: Phật-đà Mật-đa (Buddha Mitra)
Ngài người nước Đề-già, có đức lực sâu chắc khéo giáo hóa quần sinh. Lúc đầu, khi ngài Nan-đề đi hành hóa đến nước ấy thấy nhà nọ có ánh sáng trắng, liền bảo đồ chúng rằng: “Trong đây có vị Thánh nhân có miệng mà không nói, có chân mà không đi”, rồi cùng đến nhà ấy.
Vị Trưởng giả nhà ấy hỏi: Vì sao đến đây?
Nan-đề đáp: Ta đến tìm đệ tử.
Trưởng giả nói: Tôi có đứa con nay đã năm mươi tuổi không nói không đi, đâu thể theo hầu?
Nan-đề bảo: Đúng thật là đệ tử của ta.
Mật-đa bỗng trỗi dậy đảnh lễ, đi bảy bước, xong miệng nói kệ rằng:
Cha mẹ ta không thân
Ai là kẻ thân nhất?
Chư Phật chẳng đạo ta.
Ai là người tột đạo?
Ngài Nan-đề nói kệ đáp:
Ngươi nói cùng tâm thân
Cha mẹ không thể sánh.
Hạnh ngươi cùng đạo hợp
Chư Phật chính là tâm
Ngoài nói có tướng Phật
Cùng ngươi không giống nhau.
Muốn biết bản tâm ngươi
Không hợp cũng không lìa.
Ngài lại bảo rằng: “Người này thuở xưa đã từng gặp Phật, lòng Từ bi rộng lớn nghĩ đến cha mẹ tình thương khó bỏ nên chẳng đi chẳng nói.”
Trưởng giả liền cho xuất gia và chứng đạo quả. Rồi đi hoằng hóa chánh pháp. Lúc đó có vị quốc vương tôn thờ ngoại đạo khinh hủy Tam bảo. Ngài Mật-đa muốn đến điều phục bèn đích thân cầm cây phướn đỏ đi trước vua suốt mười hai năm.
Sau vua hỏi: Đây là người nào?
Đáp rằng: Ta là bậc trí giỏi nghị luận.
Vua liền triệu tập các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ cùng lên điện Chánh thắng để nghị luận cùng một Sa-môn. Ngài Mật-đa lên tòa nghị luận như nước chảy. Người trí cạn nói một tiếng liền bị bẻ, kẻ thông biện nói đến câu thứ hai thì hết lời. Nhà vua đích thân biện bác, nhưng vừa mở lời liền bị khuất phục. Vua liền hồi tâm trở lại làm Phật tử. Bấy giờ trong nước có ông Ni-càn hủy báng chánh pháp, giỏi về toán số (bói toán) (Ni-càn, Hán dịch là Tự Ngạ Ngoại Đạo). Ngài Mật-đa đến hóa độ, lấy các số thuật của Ni-càn thường đem ra để chửi bới làm nhục Phật mà bảo rằng: Ngươi nay tạo tội tất phải đọa địa ngục, không tin hãy bói thử xem.
Ni-càn liền bói thì biết phải đọa địa ngục, liền bạch Tôn giả rằng:
“Làm thế nào con khỏi được tội này?”
Ngài Mật-đa nói: “Ngã từ đất thì từ đất đứng dậy. Ngươi phải quy y Phật thì tội này mới có thể hết.”
Bấy giờ Ni-càn nói năm trăm bài kệ để khen ngợi Như Lai hầu chuộc lại lỗi xưa. Ngài Mật-đa bảo: “Ngươi đã tạo thiện nghiệp tất được sinh lên trời, không tin hãy bói xem.”
Ni-càn gieo quẻ tự biết mình đã hết tội được sinh lên trời, rất vui mừng, bèn cùng năm trăm người đều xin xuất gia. Khi hóa duyên đã hết ngài Mật-đa liền nhập Niết-bàn. Chúng đệ tử đem toàn thân nhập tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 9: Hiếp Tỳ-kheo (Parsvika)
Ngài là người Trung Ấn Độ. Do nghiệp đời trước nên ngài ở trong thai mẹ sáu mươi năm, khi sinh ra thì râu tóc đều bạc, chán ghét ngũ dục không thích ở nhà.
Người cha dắt đến gặp ngài Mật-đa thưa rằng: “Thằng này ở trong thai mẹ sáu mươi năm nên gọi là Nan Sinh. Từng gặp thầy tướng số nói nó là Pháp Khí, xin cho nó xuất gia.”
Đến ngày thọ giới thì đuốc rực sáng trên tòa, cảm được hai mươi mốt hạt Xá-lợi, bèn ngay ở trên tòa mà được quả A-la-hán. Ngài luôn tinh tấn khổ hạnh lưng không hề dính chiếu. Người thời đó gọi ngài là Hiếp Tỳ-kheo. Có một ngoại đạo thấy tay ngài phóng ra ánh sáng bên trong có ngầm chứa Kinh, liền bỏ tà quy chánh mà chứng được đạo quả. Khi hóa duyên đã xong. Ngài liền hiện mười tám thứ thần biến rồi nhập Niết-bàn. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi và dựng tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 10: Phú-na-dạ-xa (Punyayasac)
Ngài người nước Hoa Thị, trí thức sâu sắc học nhiều nhớ rộng. Lúc đầu, ngài Hiếp Tỳ-kheo đến nước ấy, tạm nghỉ dưới một cội cây liền chỉ đất nói rằng: “Nếu đất này biến thành vàng thì sẽ có Thánh nhân đến.”
Nói xong thì quả nhiên đất thành vàng rồi thì ngài Dạ-xa đến. Bèn thâu làm đệ tử và phó chúc cho pháp tạng để phương tiện hóa độ chúng sinh. Khi việc làm đã xong thì ngài Dạ-xa liền nhập Niết-bàn. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi, xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 11: Mã Minh (Asvaghosha)
Ngài là dòng Bà-la-môn ở nước Tang-kỳ-đa thuộc Đông Thiên Trúc. Ngài dùng dao khắc vào gậy lời minh rằng: “Trong thiên hạ này kẻ trí nào thắng ta ta xin cắt đầu tạ tội.”
Người các nước không ai dám kình địch. Lúc đó ngài Phú-na-dạxa đang ngồi trong rừng vắng. Mã Minh cống cao phách lối tin thật là có ngã, nghe Dạ-xa nói các pháp không, vô ngã, vô nhân liền đến bảo rằng: Tất cả luận thuyết ở đời ta đều bẻ gãy, lời nói này nếu sai ta xin cắt đầu tạ lỗi.
Ngài Dạ-xa nói: Trong Phật pháp có hai đế. Nếu đế thế gian thì giả gọi là ngã, còn Đệ nhất nghĩa đế thì tất cả đều vắng không, như thế thì tìm thấy ngã ở đâu?
Mã Minh biết nghĩa mình không thắng được nên định cắt đầu.
Ngài Dạ-xa bảo: Pháp của ta nhân từ không cắt đầu ngươi. Đức Như Lai đã thọ ký cho ngươi sau sáu trăm năm, ngươi sẽ truyền bá pháp tạng.
Do đó liền độ cho xuất gia. Nhưng trong tâm ông vẫn còn hối hận hổ thẹn. Lúc đó ngài Dạ-xa có kinh cất trong nhà tối, bảo Mã Minh đến lấy. Mã Minh thưa nhà quá tối. Ngài Dạ-xa dùng năm ngón tay phóng ánh sáng. Nhưng Mã Minh vẫn nghi là ảo thuật, hễ pháp ảo thuật khi biết được thì mất, nhưng ánh sáng này lại càng sáng rực. Nên liền tin phục. Rồi cần khổ tu hành nên nhận được phó chúc ở nước Hoa Thị mà du hành giáo hóa. Ngài chế ra một thứ kỹ nhạc gọi là Lại-tra-hòa-la có tiếng rất thanh nhã, tuyên nói các pháp khổ, không, vô ngã. Lúc đó trong thành có đến năm trăm Vương tử đồng lúc khai ngộ xuất gia hành đạo. Bấy giờ vua nước Hoa Thị sợ nước không người liền cấm không cho sử dụng loại nhạc ấy. Khi ấy vua Nguyệt Thị đem quân đánh thành Hoa thị. Trong thành có chín ức người, liền đòi chín ức đồng tiền vàng.
Bấy giờ vua Hoa Thị liền đưa Mã Minh một bát Phật và con gà từ tâm. Mỗi thứ trị giá ba ức tiền vàng. Mã Minh thì trí tuệ thù thắng nghĩ là Bát Phật là công đức của Như Lai, gà từ tâm thì không uống nước có vi trùng, nên dẹp hết các oán thù. Vua Nguyệt Thị rất mừng bèn kéo quân về nước. Về sau nước An Tức đánh nước Nguyệt Thị, Nguyệt Thị đánh thắng, giết chết chín ức người nước An Tức. Bấy giờ có một vị A-la-hán muốn khiến vua hối hận bèn dùng thần lực biến cảnh địa ngục hiền tiền. Vua thấy sợ quá. Khi ấy Mã Minh bảo vua rằng: Vua nghe ta nói pháp thì sẽ khiến tội này không bị đọa địa ngục. Sau đó vua muốn đánh vùng Bắc hải, quần thần oán vua là kẻ tham tàn vô đạo. Nhân lúc vua bệnh bèn lấy mền trùm rồi cho người ngồi lên, phút chốc vua ngộp mà chết. Do nghe Mã Minh nói pháp nên vua sinh vào biển lớn làm cá có ngàn đầu. Kiếm Luân hồi quay tít chặt đầu, vừa chặt xong lại mọc, lại chặt, phút chốc đầu đầy biển cả. Lúc đó có vị A-la-hán là Tăng Duy-na, vua thưa rằng: Kiếm này khi nghe tiếng kiền chùy thì dừng lại nên đỡ khổ đôi chút, cúi mong Đại đức khiến nó kêu hoài. Nên La-hán thương xót hồi kiểng thật dài. Đến sau bảy ngày thì tội khổ liền dứt. Đến nay chùa này vẫn còn lưu truyền việc hồi kiểng dài.
Ngài Mã Minh hoằng hóa đã xong liền nhập Long phấn tấn Tammuội, vọt thân đứng yên trên không trung như vầng mặt trời rồi mới trở về chỗ cũ mà nhập Niết-bàn. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng, luận Ma-ha-diễn nói vua Luân-đà có ngàn con chim trắng, khi chim hót thì vua thêm đức, nhưng các con chim này khi thấy ngựa trắng thì chúng mới hót. Vua bèn khắp tìm ngựa trắng nhưng không được. Bèn nói rằng: Nếu đệ tử Phật mà khiến chim hót được thì ta sẽ dẹp phá hết ngoại đạo. Lúc đó Bồ-tát dùng thần lực hóa hiện ngàn con ngựa trắng hý vang và ngàn chim trắng cùng hót khiến tiếp nối hưng thịnh chánh pháp nên đời tôn xưng ngài là Mã Minh).
Tổ thứ 12: Ca-tỳ-ma-la (Kapimala)
Ngài là người nước Hoa Thị, thầy của ngoại đạo có ba ngàn chúng, muốn dùng thần lực để phá khuấy Mã Minh.
Mã Minh hỏi: Thần lực của ông như thế nào?
Ma-la đáp: Ta hóa biển cả chỉ là chuyện nhỏ.
Mã Minh hỏi: Ông có thể hóa làm tánh biển chăng?
Ma-la hỏi: Tánh biển là gì?
Mã Minh nói: Núi sông đại địa đều y vào đó mà kiến lập, Tammuội sáu thông cũng do đấy mà phát ra….
Ma-la nghe rồi thì đều tin nhận, cùng cả ba ngàn chúng đồng lúc ngộ đạo và được thầy phó chúc để truyền bá chánh pháp, làm hưng thịnh Phật pháp, lợi ích quần sinh khắp vùng Nam Thiên Trúc. Viết ra bộ luận Vô Ngã đủ một trăm kệ. Luận này đến đâu thì ngoại đạo đều rút lui. Lúc đó ở Tây Ấn Độ có thái tử tên là Vân Tự Tại, ngưỡng mộ đạo đức của thầy mình nên mời vào cung cúng dường.
Ngài Ma-la nói: Phật cấm Sa-môn không được gần gũi với vua quan quyền thế.
Thái tử thưa: Ở phía Bắc thành có một hang núi có thể đến ở đó được chăng?
Ngài Ma-la liền đi đến, giữa đường gặp một rắn mãng xà lớn bèn nói pháp và truyền giới cho rắn kia liền ẩn mất. Khi ngài Ma-la đến hang đá thì có một ông lão mặc áo tơ trắng ra nghênh tiếp thưa rằng: Xưa tôi là Tăng giữ giới rất thanh tịnh, kẻ mới học đến tham hỏi trong lúc ứng đáp thường hay giận dữ mà bị báo làm rắn, ở đây đến nay đã ngàn năm. Vừa nghe nói pháp liền được thoát khổ nên đến đây lạy tạ (Đức Phật diệt độ đến nay mới sáu trăm năm, con rắn này đã làm Tăng từ thời mạt pháp của Phật Ca-diếp nên gọi là ngàn năm).
Khi hóa duyên đã hết ngài Ma-la hiện các thần biến rồi nhập diệt. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 13: Long Thọ (Nagarjuna)
Ngài là hậu duệ của các Phạm chí nước Nam Thiên Trúc. Khi mới sinh ra ở dưới một cội cây và do vào Long cung mới được thành đạo, nên gọi là Long Thọ (Theo Tây Vức Ký, Tiếng Phạm gọi là cây Na-caứ, Hán dịch là Long Mãnh). Ngài xuất hiện lúc Phật diệt độ đã bảy trăm năm. Ngài thiên tư thông ngộ. Lúc ngài còn bé thường nghe các Phạm chí đọc bốn kinh Vệ-đà có bốn vạn bài kệ, mỗi bài ba mươi hai chữ mà ngài đều hiểu rõ cú nghĩa. Tuổi còn nhỏ mà nổi tiếng khắp các nước. Các môn thiên văn, địa lý, tinh vĩ, đồ sấm, đạo thuật đều tinh luyện. Thường cùng ba bạn ý chí họp nhau bàn rằng: Ở đời các nghĩa lý có thể làm mở mang thần trí, hiển bày các ý chỉ sâu kín, bọn mình nay đều thấu suốt hết thì còn biết phương nào để tự vui thú? Lại bảo: Đời người chỉ có chạy theo sắc dục là cái vui tột cùng mà thôi. Bèn cùng nhau đến nhà thuật gia học phép ẩn mình. Thầy nghĩ rằng: Bốn ông Phạm chí này tài trí cao xa, nay vì thuật này mà chịu nhục đến với ta, nếu trao hết phương thuật này thì chỉ bỏ nghề mà thôi. Bèn cho mỗi vị một viên thanh dược mài nước thoa vào mắt thì tự nhiên thân hình sẽ biến mất.
Ngài Long Thọ mới nghe mùi hương thì biết liền thuốc ấy có bảy mươi vị, tên và số lượng đúng như toa bào chế. Thầy nghe cả kinh, liền dạy đủ phương thức cho bốn người. Được thuốc rồi bốn người cùng ẩn mình đi trên không rồi lẻn vào hậu cung của vua ở vài tháng. Các người đẹp mang thai rất đông. Vua hỏi các quan tài trí. Quan tâu: Nếu không phải yêu quái thì do pháp thuật. Có thể tán nhỏ đất để trong các cửa, nếu là pháp thuật thì giấu vết liền hiện rõ, còn yêu quái thì không có giấu vết. Nếu người thì dùng binh lính mà trừ, nếu yêu quái thì dùng chú thuật mà diệt. Vua dùng Kế ấy, quả nhiên bốn người bị lộ. Bèn khiến dũng sĩ hươi kiếm trên không mà chém đầu ba người, nhưng cách vua bảy thước thì đao kiếm không dám xâm phạm. Long Thọ rạp mình nương vào vua nên không bị hại. Mới tỉnh ngộ rằng tình dục là gốc khổ, bèn tự thề rằng nếu thoát được nạn này thì sẽ đến các Sa-môn học pháp xuất gia. Khi thoát ra khỏi cung, Long Thọ bèn vào núi đến một tháp Phật.
Ngài Ma-la đến hỏi. Long Thọ nghênh tiếp thưa rằng: Chốn thâm sơn vắng vẻ, Đại Đức Chí Tôn sao lại uổng công đến đây?
Ma-la đáp: Ta không phải bậc Chí Tôn, chỉ đến hỏi thăm Hiền giả mà thôi.
Long Thọ nghĩ thầm: Ông thầy này có được tánh quyết định chăng? Có đạo nhãn sáng chăng? Có phải là Đại Thánh tiếp nối chân thừa chăng?
Ngài Ma-la bảo: Ông tuy nói trong tâm mà ta đã biết ý, chỉ tính việc xuất gia thì lo gì ta không phải Thánh?
Long Thọ hối lỗi tạ tội liền xin xuất gia. Trong chín mươi ngày đọc thông ba tạng. Ở cõi Diêm-phù này có những pháp gì thì đều thông suốt, biện tài vô ngại. Tự cho là người Nhất thiết trí, muốn từ cửa Cùđàm mà vào.
Thần giữ cửa thưa rằng: Nay trí tuệ của ngươi có khác gì lửa đom đóm dám so ngang mặt trời mặt trăng, hột đình lịch mà sánh với núi Tu-di, ta thấy nhân giả không phải là Nhất thiết trí tại sao dám từ cửa này mà vào.
Long Thọ thấy chùn lòng và tự nghĩ rằng: Các kinh Phật trên thế giới này tuy câu rất hay nhưng nghĩa chưa rốt, vậy ta nên phô diễn để khai ngộ cho kẻ hậu học. Ngài lại muốn lập sư dạy giới, cải tạo y phục khiến có chút ít không giống nhau. Muốn dẹp các tình nên chọn lựa ngày lành tạo dựng tịnh thất ở riêng một mình trong phòng thủy tinh. Đại Long Bồ-tát thương ý định ấy nên liền dùng thần lực rước ngài vào cung điện ở biển lớn, mở hộp bảy báu, cho ngài xem các kinh điển Phương đẳng.
Trong chín mươi ngày, ngài thông hiểu rất nhiều. Đại Long bảo: Nay ngài đã xem hết các kinh chưa?
Sư đáp: Kinh của ngài nhiều vô lượng tôi không thể đọc hết được, nay tôi chỉ đọc hơn mười lần số kinh ở cõi Diêm-phù.
Đại Long bảo: Các kinh trên cung trời Đao-lợi còn nhiều gấp trăm ngàn vạn lần ở đây.
Sư ở trong Long cung tu hành hoát nhiên thấu suốt, hiểu rõ về nhất tướng, thâm nhập Vô sinh pháp nhẫn. Đại Long biết Sư đã ngộ đạo liền tiễn Sư ra khỏi cung (Phụ Hành nói rằng: Đại Long tiếp Sư vào cung cả mùa Hạ chỉ tụng có bảy kinh Phật).
Có vua nước Nam Thiên Trúc rất thâm nhiễm tà kiến, Sư muốn hóa độ, nên đích thân cầm cây phướng đỏ đi trước vua suốt bảy năm.
Vua hỏi: Ông là ai?
Đáp rằng: Ta là người Nhất thiết trí.
Vua hỏi: Chư Thiên hiện đang làm gì?
Đáp rằng: Các trời đang giao chiến với A-tu-la.
Phút chốc từ trên không trung dao kiếm nối nhau rơi xuống, rồi đến tai mũi của các A-tu-la… Vua kinh sợ hiểu ra, liền cúi đầu đảnh lễ. Lúc đó trên điện có vạn Bà-la-môn đều khen là thần đức, nên cạo bỏ râu tóc xin xuất gia. Bấy giờ có các chúng ngoại đạo đến cùng ngài nghị luận. Nhưng khi mới nói một tiếng liền bị khuất phục, nên xin xuất gia. Có một vị Bà-la-môn rất giỏi chú thuật xin vua cho cùng ngài đấu sức. Vị Bà-la-môn hóa ra một vạn hoa sen lớn ở trong ao rồi mình ngồi trên ấy. Ngài Long Thọ liền hóa thành một voi trắng đi vào ao vươn vòi quấn lấy hoa sen đưa lên cao và quăng xuống đất khiến vị Bà-la-môn bị thương ở lưng liền tâu vua xin hối lỗi, nhân đó cầu xin xuất gia. Ngài Long Thọ viết ra các bộ Đại Bi Phương Tiện Luận có năm ngàn kệ, bộ Đại Trang Nghiêm Luận có năm ngàn kệ, bộ Đại Vô Úy Luận có mười vạn kệ (Phụ Hành nói: Đại Bi Luận nói về thiên văn địa lý, cách chế tạo thuốc quý; bộ Trang Nghiêm Luận nói về pháp môn tu tất cả công đức. Còn bộ Đại Vô Úy Luận nói về Đệ nhất nghĩa và Trung Quán Luận chỉ là một phẩm trong đó, đây tức là Đại Trí Độ Luận), bộ Ưu-bàđề-xá Luận có mười vạn kệ. Các vị sư thuộc phái Tiểu thừa thấy ngài Long Thọ quá cao sáng rực rỡ nên luôn ganh ghét.
Khi hóa duyên đã hết, ngài hỏi các sư Tiểu thừa rằng: Nay quý vị có thích tôi sống lâu trên thế gian này chăng?
Đáp rằng: Nhân giả thật chẳng muốn mà thôi!
Bỗng một hôm ngài nhập Nguyệt luân Tam-muội, chỉ nghe pháp âm mà không thấy thân tướng ngài ở đâu. Chỉ có đệ tử ngài là Đề-bà biết được bảo rằng: Thầy thị hiện Phật tánh không phải là thanh sắc.
Ngài Long Thọ bèn phó chúc pháp cho Đề-bà. Rồi ngài vào tịnh thất suốt cả ngày không ra. Đệ tử phá cửa vào thấy ngài nhập vào Tammuội thoát xác mà đi. Các nước ở Thiên Trúc đều lập miếu kính thờ ngài như thờ Phật (kinh Phó Pháp Tạng, kinh Ma-ha Ma-gia, ngài Trí Giả nói: Thọ sinh sinh thân, rồng sinh Pháp thân, nên gọi là Long Thọ. Hai ngài Cô Sơn và Từ Vân đều gọi Long Thọ là Tổ thứ mười ba, vì các Tổ chánh thống ở Tây Vức thì không kể Mạt-điền-địa là Tổ).
Tổ thứ 14: Ca-na-đề-bà (Canadeva)
Ngài là dòng Bà-la-môn nước Nam Thiên Trúc. Trong nước có một vị Thiên thần bằng vàng đứng cao sáu trượng, hiệu là Đại tự tại thiên. Có ai cầu xin đều được báo ứng. Ngài Đề-bà vào miếu cúi lạy, Thiên thần trợn mắt nhìn.
Đề-bà nói: Phàm làm Thần thì phải lấy sự sáng suốt linh ứng mà thu phục mọi người, nay ông lấy vàng làm đẹp hao phí của nhân dân, thật quê mùa dốt nát thay!
Liền leo lên thang cao đục bỏ mắt tượng thần. Sáng hôm sau ở miếu thờ thần hóa thành một người bằng xương thịt, thân cao mấy trượng có con mắt trái khô héo.
Thần bèn đến tòa ngài Đề-bà bảo rằng: Giỏi lắm Đại sĩ! Hãy bày tiệc đầy đủ và trả lại mắt cho ta!
Ngài Đề-bà bèn lấy tay trái móc mắt đưa cho. Đòi mãi, ngài móc mắt mãi đến cả vạn lần. Thiên thần khen giỏi lắm Đại sĩ! Thật là bố thí chân thượng.
Về sau ngài Đề-bà đến chỗ ngài Long Thọ. Ngài Long Thọ để một bát nước đầy trước tòa. Ngài Đề-bà bỏ một cây kim vào bát rồi vui vẻ vào gặp mặt. Liền cạo đầu xuất gia và được phó pháp. Lúc bấy giờ vua Nam Thiên Trúc tin dụng tà đạo. Phép nước xuất tiền mướn người hộ vệ. Ngài Đề-bà liền đầu quân, làm tướng vác kích đi trước mở đường, chỉnh đốn xong xuôi các nơi. Vua mừng công liền vời đến hỏi.
Ngài đáp: Tôi là người trí giỏi biện luận.
Vua liền lập tòa biện luận. Ngài lập luận ba nghĩa: Trong các bậc Thánh chỉ có Phật là thù thắng, trong các pháp chỉ có pháp Phật là vô tỷ; phước điền thế gian chỉ có Tăng là bậc nhất. Nếu khắp tám phương luận sĩ nào phá được thuyết này tôi xin cắt đầu tạ lỗi. Lúc đó các ngoại đạo lời và lý đều cạn nên cùng xin xuất gia. Có một ngoại đạo thẹn vì thầy mình bị khuất phục nên oán hận, khi ngài Đề-bà ở nơi rừng vắng viết Bách Luận, thì kẻ ngoại đạo cầm dao đến liều mạng nói rằng: Ông đã dùng dao không để phá nghĩa thầy ta, nay ta dùng dao sắt để phá bụng ông.
Khi ngũ tạng bị lôi ra ngoài nhưng ngài chưa chết nên liền bảo kẻ ngoại đạo rằng: Ông hãy lấy y bát của ta rồi trốn gấp đi, đệ tử của ta vì chưa đắc đạo tất sẽ bắt ông.
Khi đệ tử đến thấy vậy cất tiếng than khóc và đuổi tìm các nẻo hiểm yếu, thì ngài Đề-bà bảo rằng: Các pháp vốn không, không có ngã và ngã sở. Không có người làm hại cũng không có kẻ bị hại. Có gì là thân, có gì là oán? Kẻ kia làm hại là hại cái báo đời trước của ta chứ không phải là hại ta đâu.
Khi đó ngài bỏ thân xác ra đi. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi dựng tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 15: La-hầu-đa-la (Rahulata)
Ngài người nước Ca-tỳ-la, thông minh khác thường. Khi ngài Cana-đề-bà đến nước Ca-tỳ-la, có ông Trưởng giả tên là Tịnh Đức, ở trong vườn ông có một cây sinh ra nấm. Chỉ có Trưởng giả và con là La-hầuđa-la hái ăn, hái rồi nấm lại mọc còn các bà con khác đều không thấy nấm. Ngài Đề-bà biết được nhân đời trước nên đến nhà ông ấy bảo rằng: Ngày xưa gia đình ông đã từng cúng dường cho một vị Tỳ-kheo mà vị này đạo nhãn chưa sáng nhưng sống nhờ vào của cúng thí nên bị báo làm cây nấm. Ngày xưa chỉ có ông và con ông chí thành cúng dường nên nay được hưởng.
Lại hỏi Trưởng giả đã bao nhiêu tuổi.
Ông thưa: Đã bảy mươi chín.
Ngài bèn nói kệ:
Vào đạo không thông lý
Đem thân trả nợ thí
Tuổi ông tám mươi mốt
Cây không sinh nấm nữa.
Ông Trưởng giả tin phục liền cho con xuất gia.
Ngài Đề-bà nói: Thuở xưa Đức Như Lai thọ ký cho người con này sau hai trăm năm mươi năm sẽ làm vị đại giáo chủ. Liền cạo đầu và phó chúc cho y bát để rộng truyền chánh pháp. Lúc đó có một Bà-la-môn viết bộ sách Quỷ Danh có mười vạn bài kệ rất khó hiểu. Nhưng ngài Long Thọ chỉ nghe qua một lần liền hiểu. Ngài Đề-bà nghe lại cũng hiểu, đến ngài La-hầu nghe ngài Đề-bà nói, lại cũng hiểu rõ.
Vị Bà-la-môn cả kinh bảo rằng: Các Sa-môn giống như đã học từ trước bèn tin phục.
Khi thấy hóa duyên sắp mãn, ngài La-hầu bèn nhập Niết-bàn. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi và dựng tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 16: Tăng-khư-nan-đề (Sanghanandi)
Ngài là thái tử con vua Bảo Trang Nghiêm ở thành Thất-la-phiệt. Mới sinh ra đã biết nói, thường khen ngợi Phật pháp. Đến bảy tuổi thì chán tục, vua cha ngăn cấm. Đến chín tuổi thì ngài La-hầu đến sông Kim thủy chỉ tay nói rằng: Cách đây năm trăm dặm có Thánh nhân tên là Nan-đề, Phật đã thọ ký cho một ngàn năm sau sẽ nối ngôi Thánh.
Ngài liền dẫn chúng đến gặp thì gặp lúc Nan-đề đang nhập định, hai mươi mốt ngày xuất định, Nan-đề liền xin xuất gia và đắc đạo, được phó chúc chánh pháp. Một hôm ngài La-hầu dùng tay nâng bát vàng lên cung trời Phạm thiên lấy cơm về đưa cho đại chúng. Đại chúng bỗng chán ghét cơm trời. Ngài La-hầu bảo không phải lỗi ta mà chính là nghiệp của các ông. Ngài liền gọi Nan-đề đến chia ghế ngồi cùng ăn, đại chúng vẫn còn ngờ.
Ngài La-hầu nói: Nan-đề đây quá khứ là Phật Ta-la Vương thương xót chúng sinh nên hiện ra đời. Các ông cũng ở trong kiếp Trang nghiêm chứng được ba quả chỉ chưa chứng được vô lậu mà thôi.
Chúng thưa: Thần lực của thầy thì con có thể tin, chứ Phật quá khứ kia thì còn nghi.
Ngài Nan-đề nói: Khi Như Lai còn tại thế thì đất bằng, nước ngọt.
Khi ngài diệt độ tám trăm năm rồi thì người không tin hết lòng, không tin Chân như mà chỉ ưa thần biến. Nói xong liền tay cầm bình lưu ly từ từ đưa vào đất đến lớp Kim cang luân lấy nước Cam lồ đem về đặt trước chúng.
Bấy giờ chúng mới hối lỗi tạ tội. Có vị A-la-hán đầy đủ công đức, ngài Nan-đề dùng một kệ thử rằng:
Sinh dòng Chuyển luân vương
Không phải Phật, La-hán
Không thọ Hữu đời sau
Không phải Bích-chi-phật.
Vị La-hán không hiểu bèn bay lên cung trời hỏi Đức Di-lặc.
Ngài Di-lặc bảo: Đời lấy hòn đất nhão để trên bàn xoay nắn thành cái bình, há đồng với các Thánh đời sau ư?
Vị La-hán quay về nói câu ấy.
Ngài Nan-đề nói: Đây tất là ngài Di-lặc nói với thầy câu ấy rồi.
Khi hóa duyên đã mãn, ngài níu tay mặt vào cây mà diệt độ, chúng đệ tử muốn dời xác ngài đi nhưng quá cứng chắc không lay được. Cho voi lớn đến kéo cũng không được. Bèn chất gỗ thơm làm dàn rồi làm lễ trà-tỳ luôn cả cây. Khi thiêu xong thân cháy tan nhưng cây vẫn xinh tươi. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi và xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 17: Tăng-khư-gia-xá
Ngài người nước Ma-đề. Bà mẹ ngài nằm mơ thấy có vị Thần lớn cầm cái gương, nhân đó có thai, mới bảy ngày đã sinh. Ngài Nan-đề đi hành hóa đến nước ấy thì thấy trên một ngọn núi có đám mây tía hình cái lọng. Liền dắt chúng đến đó. Bỗng có một cậu bé tay cầm cái gương tròn đến thẳng trước ngài.
Ngài hỏi: Cái cậu đang cầm biểu hiện cho cái gì?
Cậu đáp:
Đại viên cảnh chư Phật
Trong ngoài không vết nhơ
Hai người cùng nhìn thấy
Tâm mắt đều giống nhau.
Cha mẹ nghe con nói liền cho cậu bé xuất gia ngay.
Một lúc khác khi nghe gió thổi chuông kêu vang trên điện, thầy hỏi Gia-xá: Chuông kêu hay gió kêu?
Gia-xá đáp: Không phải gió, cũng không phải chuông mà là tâm con kêu.
Ngài có lần ra bờ biển thấy cung điện bảy báu, liền đến đó khất thực nói kệ rằng:
Đói là bệnh thứ nhất
Đi là khổ bậc nhất
Biết thật pháp như thế
Có thể được Niết-bàn.
Chủ nhà ra đón mời vào tòa ngồi lấy bát cúng dường. Ngài Gia-xá thấy trong nhà có hai ngạ quỷ trần truồng đói meo, đầu mình bị xiềng xích, thấy quái dị bèn hỏi.
Chủ nhà đáp: Một đứa con tôi, một đứa con dâu. Bởi lúc xưa khi tôi bố thí thì cả vợ chồng nó đều giận hờn. Tôi nhiều lần khuyên bảo nhưng vẫn không nghe. Nhân đó thề rằng: Nếu khi tội nghiệp này phải chịu quả báo dữ thì cho ta thấy các ngươi. Thế nên bị báo như thế!
Ngài lại đến một nơi có lầu đài cao đẹp, chúng Tăng đi kinh hành, có tiếng chuông tập họp ăn cơm. Khi ăn gần xong thì cơm biến thành máu mũ, họ lại dùng bát đánh nhau chảy máu rồi bảo nhau rằng: Tiếc chi thức ăn để phải chịu khổ này.
Ngài Nan-đề đến hỏi, chúng đáp: Chúng con ở thời Đức Phật Cadiếp cùng ở một nơi. Khi có khách Tỳ-kheo đến thì giận giữ giấu cất thức ăn không chịu chia cho. Do đó hôm nay phải chịu báo khổ này.
Như thế ngài đi chu du khắp vùng đại hải, xem khắp năm trăm địa ngục liền sợ hãi cầu phương tiện được tránh khỏi. Sau đó ngài chứng quả La-hán. Thấy có năm trăm Tiên nhân đang tu đạo trong rừng liền đến đó nói ba kệ khen Phật, Pháp, Tăng, năm trăm Tiên nhân đều được chứng đạo. Khi hóa duyên đã mãn, ngài bèn nhập Niết-bàn. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi , xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 18: Cưu-ma-la-đà (Kumarata)
Ngài là con của Bà-la-môn ở nước Nguyệt Thị. Khi ngài Gia-xá đến nước ấy thì tới nhà ngài gõ cửa.
Ngài Cưu-ma nói: Nhà này không có người!
Ngài Gia-xá nói: Người nói không người đó là ai vậy?
Cưu-ma biết là dị nhân nên vội mở cửa đón tiếp. Ngài Gia-xá bảo rằng: Đức Phật thọ ký là sau khi ngài diệt độ một ngàn năm thì có Đại sĩ xuất hiện ở nước Nguyệt Thị nối truyền chánh pháp.
Bèn độ cho ngài xuất gia và phó pháp cho. Ngài từng đến một nước mà người ở đấy không chịu nghe pháp, ngài liền bảo họ: Các ông có thể tập họp một vạn con ngựa sắt đến trước chỗ tôi…
Khi đó ngài Cưu-ma chỉ nhìn qua một lần thì có thể phân biệt một cách chắc chắn không nhầm lẫn về tên người, sắc ngựa, y phục, tướng mạo. Do đó cả nước đều tin phục. Có con của một Trưởng giả tên là Xà-dạ-đa đến hỏi thầy rằng: Cha mẹ con là kẻ sùng kính tin đạo nhưng luôn bệnh tật, gặp việc không vừa ý, còn người bên cạnh làm nghề giết mổ thì khỏe mạnh, gia đình hòa hợp. Vậy tại sao người kia may mắn mà con bị khổ sở thế?
Sư đáp: Do sự tạo nghiệp có trước sau cho nên luận về quả báo không nhất định. Như người nhân từ mà yểu còn kẻ bạo ngược lại sống lâu, đám nghịch ác thì tốt mà kẻ nghĩa nhân lại xấu. Là vì nghĩa và nhân là thân hiện đời làm thiện, còn yểu và xấu là cái ác của đời trước mà thân hiện đời phải chịu báo. Còn bạo ngược nghịch ác là thân hiện đời làm ác, sống lâu và tốt là cái thiện của đời trước mà thân hiện đời được hưởng báo. Nhân quả thiện ác tùy nghiệp mà thọ báo. Cho nên trước sau không nhất định.
Xà-dạ-đa nghe xong liền hết nghi. Ngài Cưu-ma nói: Ông tuy tin ba nghiệp nhưng chưa rõ nghiệp từ hoặc sinh ra. Nhân hoặc mà có thức, thức nương vào bất giác, bất giác do tâm. Nhưng tâm vốn thanh tịnh, không sinh diệt, không tạo ác, không báo ứng, không hơn thua mà luôn vắng lặng, linh thông sáng suốt. Nếu ông thâm nhập vào pháp môn này thì sẽ giống như Phật.
Dạ-đa hiểu rõ ý chỉ thì túc tuệ liền phát hiện. Ngài Cưu-ma liền lấy móng tay cào lên cánh cửa vẽ thành hoa sen đỏ mới nở phóng ra luồng sáng lớn, rồi diệt độ. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi và dựng tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 19: Xà-dạ-đa (Jayata)
Ngài là người Bắc Thiên Trúc. Khi ngài đi du hóa thế gian, nổi tiếng là người nói giỏi. Có thầy Tỳ-kheo phạm giới muốn tự sám hối.
Ngài Dạ-đa bảo rằng: Nếu thầy làm theo lời tôi thì tội sẽ tiêu hết.
Bèn hóa ra hầm lửa rồi bảo thầy nhảy vào đó. Thầy Tỳ-kheo muốn hết tội nên nhảy đại vào, thế là lửa thành dòng nước mát.
Ngài Dạ-đa bảo: Thầy đã chí thành hối lỗi nên tội nay đã tiêu hết.
Rồi nói pháp cho nghe và thầy thành A-la-hán. Một hôm ngài dắt đệ tử vào thành Thi-la, chợt buồn bã lại theo đường trở về. Giữa đường ngài nhìn thấy một con chim, lại vui vẻ mĩm cười. Học trò xin thầy nói rõ nguyên do.
Thầy bảo: Lúc nãy khi ta đến cửa thành thì thấy có một ngạ quỷ con, nó bảo: “Mẹ con vào thành xin ăn đã tròn năm trăm năm mà chưa thấy về, con rất đói khát chẳng biết làm sao.” Khi ta vào thành quả nhiên thấy quỷ mẹ đến trước ta nói rằng: “Con vào thành đến nay đã năm trăm năm, hôm nay mới nhặt được bãi đờm của một người định đem về cho con. Nhưng đám quỷ thần khỏe mạnh giữ cửa thành định cướp lấy. Vậy xin ngài giúp đưa con ra khỏi thành.” Ta liền đưa quỷ mẹ ra khỏi thành. Hỏi nó sinh đến nay đã được bao lâu. Nó đáp: “Con sinh ra đến nay đã thấy thành này bảy lần đổ nát rồi xây dựng lại, chán chường phải sống trong sinh tử chịu khổ dài lâu…” Thế nên ta buồn bã không vui. Lại ở quá khứ cách nay chín mươi mốt kiếp, ở thời Phật Tỳ-bà-thi ra đời giáo hóa. Lúc đó ta làm con một trưởng giả nhưng luôn nghĩ chuyện xuất gia. Cha mẹ không cho lại ép cưới vợ cho ta. Và ta có một con trai. Khi nó lên sáu thì ta lại định xuất gia. Nhưng ông bà dạy cháu rằng nếu cha mầy muốn xuất gia làm Sa-môn thì phải ôm chân mà khóc. Ta vì lòng thương nên lại không xuất gia. Do đó đứa con ấy phải trôi nổi trong năm đường sinh tử, suốt chín mươi mốt kiếp, mà cũng chưa được gặp nhau. Nay ta dùng đạo nhãn quán sát thì thấy con chim bay trước ta đó chính là con ta thuở xưa. Vì thương đứa con ngu si phải ở lâu trong sinh tử nên ta mỉm cười.
Khi ngài thấy hóa duyên đã hết liền nhập Niết-bàn. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi và xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 20: Bà-tu-bàn-đà (Vasubandhu)
Ngài là người nước La-duyệt, họ Tỳ-xá-khư. Bà mẹ nằm mộng thấy nuốt hai viên ngọc, một viên sáng, một viên tối và khi tỉnh giấc thì biết mình có thai. Bảy ngày sau đó có một vị A-la-hán tên là Chúng Hiền đến nhà. Người cha tên là Quang Cái ra đảnh lễ thì ngài nhận, đến khi bà vợ ra đảnh lễ thì ngài lại đứng dậy tránh đi và bảo xin hồi lễ Pháp thân Đại sĩ.
Rồi gọi Quang Cái nói rằng: Vợ ông mang thai Thánh tử nên ta tránh đi, không phải là trọng người nữ đâu.
Lại nói: Vợ ông sẽ sinh hai người con, một tên là Bà-tu-bàn-đà, người kia tên là Sô-ni (Hán dịch là Dã Thước Tử (chim khách). Ngày xưa khi Đức Như Lai ở núi Tuyết tu đạo thì Sô-ni làm tổ trên đầu ngài. Khi Phật thành đạo thì Sô-ni làm vua nước Na-đề. Phật thọ ký cho hai trăm năm sau sẽ sinh vào nhà của Tỳ-xá-khư ở thành La-duyệt, cùng ở trong thai với Thánh mà không thấy chật hẹp.
Quả nhiên một tháng sau thì sinh ra hai con. Bàn-đà về sau theo ngài Xà-dạ-đa. Đến ngày xuất gia thì cảm đến Bồ-tát Tỳ-bà-ha đến làm yết-ma. Ngài học rộng hiểu nhiều giáo hóa rộng khắp chúng sinh. Khi sắp Niết-bàn ngài bay lên không trung hơn nửa do-tuần rồi trở về tòa ngồi mà diệt độ. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi, xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 21: Ma-noa-la (Manorhita)
Ngài là con kế của vua nước Na-đề. Ngài Bàn-đà đi du hóa khi đến nước ấy liền bảo vua Tự Tại rằng: Đức Phật đã thọ ký rằng một ngàn năm sau sẽ có Thần lực đại sĩ nối tiếp ngôi Thánh, đó chính là người con kế của vua.
Vua bèn cho ngài xuất gia và lãnh nhận phó chúc ở cõi Nam Thiên Trúc mà hóa độ lợi ích chúng sinh. Có ngài Tam tạng Dạ-xa công đức sánh ngang với ngài.
Dạ-xa bảo ngài rằng: Từ sông Hằng trở về phương Nam có hai nước Thiên Trúc, người ở đấy phần nhiều là tà kiến, trưởng lão giỏi hiểu luận âm thanh, nên ở đấy mà tự tại giáo hóa. Còn từ sông Hằng lên phía Bắc người của ba nước Thiên Trúc kia có thể dễ dạy hơn, tôi xin ở đấy mà lợi ích chúng sinh.
Ngài Ma-noa-la liền theo lời mà đến hai nước Thiên Trúc rộng hoằng hóa luận Tỳ-la Vô Ngã (Tổ thứ mười hai làm luận Vô Ngã) đã thu phục được tất cả kẻ dị đạo tà kiến. Sau đó ngài Ma-noa-la đến nước Tây Ấn Độ, vua tên là Đắc Độ. Nhân khi đi đường thấy có một tháp nhỏ nhưng nhiều người khiêng không nổi, vua liền mời ba nhà Phạm hạnh, Thiền quán và Chú thuật đến để hỏi nguyên nhân trên thì họ đều không biết.
Bèn hỏi ngài Ma-noa-la, ngài đáp: Cái tháp này do vua A-dục tạo ra, mà nay xuất hiện là do phước lực của Đại vương.
Vua nghĩ: Bậc Chí Thánh rất khó gặp, đời vui chẳng lâu.
Bèn truyền ngôi cho Thái tử rồi theo thầy xuất gia. Trong khoảng bảy ngày thì chứng được bốn quả.
Thầy bảo Đắc Độ rằng: Con hãy ở lại nước này mà độ người, còn ta sẽ đi du hóa ở nước khác.
Liền đốt hương phó chúc. Khói hương bay đến nước Nguyệt Thị. Vua nước ấy hỏi các đại thần: Đó là điềm lành gì?
Lúc ấy có Tỳ-kheo Hạc-lặc-na thưa rằng: Đây là điềm Tổ sư ở Tây Ấn Độ sắp đến nơi, nên gởi tin hương trước.
Vua hỏi: Thần lực của Tổ ấy ra sao?
Đáp: Xa vâng lời thọ ký của Phật đương hoằng truyền đại pháp.
Vua cùng Hạc-lặc-na hướng về phương xa đảnh lễ. Khi Tổ đến thì ngài Hạc-lặc-na hỏi rằng: Con ở trong rừng suốt chín năm có một đệ tử tên là Long Tử, lúc bé rất thông minh, con xét suốt ba đời vẫn không biết được gốc tích.
Tổ đáp: Đứa con này vào kiếp thứ năm đã sinh vào dòng Bà-la-môn ở nước Diệu hỷ, đã dùng gỗ chiên-đàn cúng chay cho chùa Dõng chuông, nên được quả báo ấy. Khi thấy hóa duyên đã xong, Tổ liền ngồi kiết già nhập diệt. Vua cùng các đệ tử xây tháp và phụng thờ nhục thân của Tổ (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 22: Hạc-lặc-na (Haklena)
Ngài là người nước Nguyệt Thị. Năm lên bảy tuổi, thấy dân chúng vào miếu cúng Thần, liền đến chê Thần rằng: Ông dối làm họa phước để gạt gẫm người đời, phải giết vật tế cúng hao phí hằng năm!
Bỗng miếu và tượng cùng sụp đổ. Đến năm ba mươi tám tuổi ngài mới gặp Tổ Ma-noa-la bảo ngài rằng: Thầy thuở xưa có năm trăm đệ tử vì phước ít nên họ phải đọa làm loài chim, nay cảm ân nghĩa của ông nên thầy làm bầy hạc luôn bay theo.
Ngài Lặc-na hỏi: Phải dùng phương tiện nào để khiến họ được giải thoát.
Ngài Ma-noa-la nói kệ:
Tâm theo muôn cảnh đổi
Chỗ đổi thật kín sâu
Theo dòng nhận được tánh
Không vui cũng không buồn.
Bầy hạc nghe kệ xong thì kêu lên và bay đi. Ngài Lặc-na đi hành hóa đến vùng Trung Ấn, có vua Vô Úy Hải mời ngài nói pháp, chợt thấy hai người mặc áo lụa hồng cùng đến đảnh lễ, giây lâu biến mất.
Vua hỏi đó là người gì?
Ngài nói: Đó là hai Thiên tử mặt trời, mặt trăng đấy.
Khi ấy ngài Tỳ-kheo Sư Tử đến nghe pháp. Tổ chỉ về hướng Đông bắc hỏi: Thầy thấy khí ấy như thế nào?
Ngài Sư Tử đáp: Con thấy khí ấy như cái cầu vồng trắng vượt lên trời, nhưng có một làn khí đen vắt ngang.
Tổ bảo: Sau khi ta mất năm mươi năm, ở Bắc Thiên Trúc sẽ có tai nạn liên lụy đến thân ông.
Rồi thầm nói việc ấy với ngài. Sau đó Tổ hiện mười tám phép thần biến rồi diệt độ. Đồ chúng thu nhặt Xá-lợi và xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Tổ thứ 23: Sư Tử (Aryasimha)
Ngài là người Trung Ấn Độ. Khi đắc pháp rồi ngài du hóa đến nước Kế đếnTân. Khi ấy có ông Ba-lợi-ca vốn quen thiền quán, có năm nhóm là thiền định, tri kiến, chấp tướng, xả tướng, bất ngữ. Ngài Hóa độ thu phục cả năm chúng. Xa gần đều nghe tiếng. Có hai ngoại đạo là Ma-mục-đa và Bộ-lạc-già theo học huyễn thuật, lén giả hình Sa-môn lẻn vào cung vua phạm dâm với hoàng hậu và cung phi, lại bảo nếu việc bại lộ sẽ quy tội cho hàng Thích tử.
Sau đó việc đổ bể, vua nổi lôi đình bảo: Ta vốn kính trọng Tam bảo, cớ gì Sa-môn lại làm nhục ta lắm thế?
Liền phá hủy chùa chiền, giết hại chúng Tăng. Vua tự mang kiếm đến chỗ Tổ hỏi: Ngài đã được không uẩn rồi chăng?
Tổ đáp: Đúng thế!
Vua nói: Uẩn đã không thì xin cho tôi đầu ngài.
Tổ đáp: Thân đã chẳng phải của ta sao lại luyến tiếc đầu?
Vua bèn cắt đầu ngài, một dòng sữa trắng từ cổ phun lên cao mấy trượng. Cánh tay vua bỗng đứt lìa rơi xuống đất, bảy ngày sau thì vua chết.
Thái tử Quang Thủ than rằng: Cha ta cớ sao lại gây nên họa này?
Bấy giờ có Tiên nhân ở núi Tượng bạch, hiểu rõ nhân quả bèn nói cho Thái tử túc nhân đời trước. Rồi đem nhục thân của Tổ xây tháp cúng dường (kinh Phó Pháp Tạng).
Lời thuật rằng: Đức Phật đã được Túc mạng thông nên thọ ký việc thành đạo ở vị lai dù trải qua rất nhiều kiếp nhưng đều biết trước há nay chỉ thọ ký đến tổ thứ hai mươi bốn rồi chấm dứt. Trộm xét ý Phật có hai nghĩa:
- Lấy việc tổ Sư Tử bị nạn mất mạng coi như một ách nạn về truyền bá Phật pháp.
- Các Tổ về sau tuy có nối nhau nhưng e là không sánh được với bậc Tứ y đại Thánh.
Cho nên đến đây thì kim khẩu không nói là không có Tổ kế thừa. Đời bảo tổ Sư Tử gặp nạn nên không có người nối pháp, chỉ là lời nói của kẻ ngu si mà thôi. Tông phái ta nói Tổ truyền thừa chấm dứt ở ngài Sư Tử, nhưng phái Thiền lâm lại thêm bốn Tổ. Do đó mà tranh nhau phải quấy nhiều đời không dứt. Thử lấy ý lớn để dứt khoát thì không có trở ngại chi, nghĩa là dù tổ Sư Tử gặp nạn mất mạng thì không phải là không có đệ tử để truyền thừa. Đặc biệt chỉ không phải là số người do kim khẩu thọ ký trước mà thôi. Nhưng việc kể thêm bốn Tổ đến tổ Đạt-ma là người đầu tiên đến Đông độ thì gồm cả thảy là hai mươi tám Tổ. Việc này cũng không hại chi đến phái Thiền lâm. Muốn nói lên sự thực là chỉ nói bốn Tổ truyền nhau đến tổ Đạt-ma thì được. Nay lại nói dẫn kinh thiền làm chứng thì vừa đủ để thấy rõ việc mình làm là không thật. Ngài Tung Minh Giáo lập bản đồ quy định các Tổ thì bảo là thiền kinh kể đủ hai mươi tám Tổ. Nay kiểm tra kinh thì thấy chỉ kể có chín Tổ nhưng tên phần lớn lại không đồng. Ngài Phưởng Pháp sư làm bài “Chỉ Ngoa” để bài bác thật là đúng vậy.