Đ a n g t i d l i u . . .
Phật Học Vấn Đáp Duy Thức Học

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP
PHẦN DUY THỨC HỌC 

Lý Bỉnh Nam giải đáp
Thích Đức Trí chuyển ngữ
(Từ Hán ngữ hiện đại sang Việt ngữ)

 

26- Hỏi: Thần thức nhập thai là khi người phụ nữ bắt đầu mang thai hay là lúc sanh sản mới nhập vào?

Đáp: Cả hai trường hợp có thể xảy ra, nhưng trường hợp nhập thai khi người phụ nữ mang thai là phổ thông nhất. Trường hợp sau xảy ra ngay khi người nữ sanh sản là đối với bậc cao đức đã tự tại không muốn thọ khổ trong thai ngục, nên có một thức thay thế nhập thai, đợi đến thời sanh sản trở lại chuyển đổi.

27- Hỏi: Có phải thức A lại da vãng sanh sau khi người chết vài tiếng đồng hồ, có phải khi thân thể lạnh rồi mới thực sự thoát ra hay không? những chúng sanh khác đều như thế hay sao?

Đáp: Phải xem thời gian xả hơi ấm nhanh hay chậm mà luận, không phải trường hợp chúng sanh nào cũng giống nhau.

28- Hỏi: Duy thức học nói hai yếu tố ngã không và pháp không để hiển thị “Thắng nghĩa vô tánh”. Từ bản văn mà luận giải thì chưa rõ hết nghĩa, nhưng theo quan điểm nhà Phật thì tất cả pháp tuy huyễn mà còn pháp tánh, nói vậy thì trước sau như có vẽ mâu thuẩn, làm thế nào để giải thích? Hiểu như thế nào để được trọn vẹn?

Đáp: Tánh là thật thể, ngã và pháp đều không có thật thể, cho nên nói: “Thắng nghĩa vô tánh”; nói cách khác là pháp tánh chân không gọi là viên thành thật tánh. Tánh này có hai tính chất là bất biến và tùy duyên. Bất biến là bản chất của chân không, tùy duyên tức có nương gá lẫn nhau khởi ra các tướng hư huyễn của pháp hữu vi, cho nên nói: “Tất cả Pháp tuy huyễn nhưng còn có pháp tánh”. Pháp tánh tức là “Chân không pháp tánh” và “Thắng nghĩa vô tánh”, cùng nghĩa mà khác tên.

29- Hỏi: Oán là một của mười tập nhân trong kinh Lăng Nghiêm có nói đến(Xem trong quyển tám kinh Lăng Nghiêm), làm chủ yếu của tâm pháp. Ưu là một trong năm món khổ của tâm pháp, Hỉ và Xả thuộc trong mười một tâm thiện. Ưu còn thuộc vào trong phiền não tâm sở. Nhưng thấy Đại Sư Thái Hư giảng về trăm pháp của Duy Thức học thì không xếp hai món tâm Ưu và Oán vào tâm sở pháp. Nếu chiếu theo luận thì tâm sở pháp trong Duy Thức học vẫn còn chưa đầy đủ phải không?

Đáp: Tâm oán và tâm Ưu thuộc ở tâm sở hữu pháp, trong năm món biến hành có tâm sở Thọ, Thọ này có năm, Ưu thì thuộc yếu tố nhập. Trong tùy phiền não có ba tâm sở: Phẩn, Hận, Não; Oán đã thuộc yếu tố nhập. Tâm không dừng nghỉ trong từng sát na, chỗ nào cũng có, nếu căn cứ vào một quyển sách thì sẽ thấy chướng ngại. Cho nên bản văn trình bày theo phương pháp quy nạp, ngôn từ tuy đơn giản nhưng không thiếu sót ý nghĩa.

30- Hỏi: Hàng mở đầu của chương kinh Pháp Bảo Đàn có nói: “Nào ngờ tự tánh vốn thanh tịnh”. Đoạn cuối của chương này lại nói:”Tự tánh năng chứa vạn pháp, gọi là Tạng thức”. Tạng thức chính là A lại da thức, chân vọng hòa hợp, tại sao có hai câu nói về tự tánh không giống nhau? Có phải đoạn trước nói bổn tánh vốn thanh tịnh là thể, sau nói tánh ấy hàm chứa vạn pháp là dụng?

Đáp: Chân như là thuộc bản giác, vọng do bất giác mà có vô minh, giống như vàng nằm ẩn trong quặng, tuy vàng và cát tuy một chỗ nhưng vàng vẫn là vàng và cát vẫn là cát. Chân vọng hòa hợp cùng bản tánh thanh tịnh chẳng có gì là mâu thuẩn. Công năng chứa đựng(Hàm tạng)là đứng về phương diện dụng mà nói, đúng như điều ông đã nêu trên.

31- Hỏi: Quan điểm Thiền tông là chỉ thẳng tâm người, kiến tánh tức thành Phật. Như trên đã nói, theo văn giải nghĩa, kiến tánh tức kiến A lại da của chính mình, kiến A lại da tức thành Phật. Trong Bát Thức Quy Củ nói trước quả vị Bất Động Địa mới xả tạng thức, sau địa vị Kim Cang Đạo mới không còn quả dị thục, như vậy ý nghĩa thế nào? Đệ tử có chỗ nghi vấn, kính mong thầy từ bi chỉ dạy.

Đáp: Tánh là thuộc về thể, A lại da là thuộc về dụng. Như thau rửa mặt, nói cái thau là thể, khi nói thau rữa mặt là nói cái dụng của cái thau. Khi dùng rửa mặt nên gọi là thau rửa mặt, sau khi đổ nước không rửa mặt nữa cũng gọi nó là thau rữa mặt. Hiểu được lý này tức không còn nghi ngờ về tên gọi của Tánh và A lại da. Cho nên người xưa thường nói “Kiến tánh thành phật”, nếu nói “Kiến A lại da thành Phật” chắc rằng mọi người chưa nghe qua.

32- Hỏi: Trong mười hai chi phần nhân duyên, Ý nghĩa Hành trong Vô minh duyên hành của đứng trước chi phần danh sắc, vậy khi chưa có hình sắc làm sao có sự tạo tác của Hành? Xin khai thị điểm này.

Đáp: Pháp có phân biệt sắc và tâm, Hành có phát khởi sắc tâm, Hành trong Vô Minh Hành là do tâm pháp sanh khởi chẳng phải Hành của bảy món biểu hiện nghiệp của thân và khẩu1. Tâm lại phân thành năng và sở. Vậy Hành ở đây lại là thuộc pháp của tâm sở.

33- Hỏi: Tám thức, mỗi thức đều có bốn phần, thế nào là Kiến phần, tướng phần, chứng phần và chứng tự chứng phần của thức thứ tám? Cái gì là Kiến phần, tướng phần, chứng phần và chứng tự chứng phần của thức thứ năm, thức thứ sáu và thức thứ bảy?

Đáp: Câu hỏi này có nhiều vấn đề, tại sao không đề cập bốn phần của thức thứ một cho đến thức thứ bốn; nếu nói bốn phần của bốn thức mà hiểu được rồi thì có thể suy luận mà biết bốn cái sau. Câu hỏi tuy đơn giản, nhưng muốn biết bốn phần của bốn thức sau, xem ra đối với ý nghĩa bốn phần còn chưa hiểu rõ tường tận. Ở đây khó nói hết ý, tám thức này đối với hàng sơ cơ biết về thức thứ sáu, thứ bảy và thứ tám cũng còn mơ hồ, huống gì luận đến bốn phần là không dễ dàng. Tuy nhiên chỉ giải thích từ thức thứ tám trở xuống với ý nghĩa tổng quát thôi. Tướng phần của thức thứ tám là các chủng tử, kiến phần là thức thứ bảy. Thường biết về thức thứ bảy này là kiến phần của thức thứ tám, còn gọi là Tự chứng phần. Do đây khởi lên tác dụng của năng duyên, khảo chứng lại tự chứng của thức thứ bảy là kiến phần của thức thứ tám, xác nhận một cách đúng đắn, đây là Chứng tự chứng phần của thức thứ tám, các thức khác tương tự như vậy.

34- Hỏi: Sử dụng phương pháp nào để chuyển tám thức thành bốn trí? xin đưa ra bằng chứng để có thể nhận thức và dễ dàng vận dụng.

Đáp: Cần tu Bát chánh đạo và sáu ba ba mật có thể chuyển thức thành trí. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng có thể chuyển thành Thành sở tác trí. Chánh tư duy, chánh tin tấn có thể chuyển thành Diệu Quán Sát Trí. Chánh Kiến, Chánh Niệm có thể chuyển thành Bình đẳng tánh trí. Chánh định có thể chuyển thành Đại viên cảnh trí. Bố thí và trì giới tương ưng Thành sở tác trí, Tinh tấn tương ưng với Diệu quán sát trí, Nhẫn nhục tương ưng Bình đẳng tánh trí, thiền định và trí tuệ tương ưng Đại viên cảnh trí; lại nữa, ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều hổ trợ chuyển hóa tâm thức. Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực có khả năng hổ trợ chuyển năm thức trước, thất Bồ đề phần hổ trợ chuyển thức thứ sáu, Tứ niệm xứ hổ trợ chuyển thức thứ bảy,Tứ thần túc, Bát chánh đạo trợ chuyển thức thứ tám.

35- Hỏi: Trong bốn phần của Duy Thức, tự chứng phần là cái thể nương tựa của kiến phần và tướng phần (Theo bản Khởi Tín Luận Giảng Nghĩa của học giả Phạm Cổ Nông), chính là cái thể của A Lại Da Thức, vậy thì chứng tự chứng phần là cái gì?

Đáp: Muốn hiểu rõ vấn đề này, tóm lược mà trả lời để cho dễ hiểu. Bốn phần đều là một hệ tâm thức, chẳng qua phân thành hai nhóm lớn như sau: “Tự thể, tâm vương, năng duyên” và “Khởi dụng, tâm sở, sở duyên”. Kiến phần thuộc trong ba yếu tố của nhóm trước, Tướng phần thuộc trong ba yếu tố của nhóm sau; khi khởi ra tác dụng của năng duyên trong đó lấy kiến phần làm sở duyên, gọi là tự chứng phần; nhưng khi khởi tác dụng của năng duyên trong đó lấy tự chứng phần làm sở duyên, gọi là chứng tự chứng phần. Thực ra, chứng tự chứng phần này là do tự chứng phần sanh khởi, đó là tính chất kiểm định chính xác lại mà thôi, thực chất vẫn lấy tự chứng phần làm thể, kiến phần làm đối tượng duyên trước và chứng tự chứng phần làm đối tượng duyên sau đều là tác dụng của nó(Tự chứng phần).Tự chứng phần như kết quả của bài toán nhân, Chứng tự chứng phần như tính chất bản cửu chương để kiểm tra lại kết quả đó, hai yếu tố này bổ sung cho nhau mà tồn tại

36- Hỏi: Bốn từ “Tâm Vương Tâm Sở” trong Duy thức luận giải thích như thế nào? Người mới học chưa hiểu rõ ràng, mong được chỉ giáo! Xin đưa ví dụ thực tiển chứng minh để hiểu một cách thông suốt hơn!

Đáp: Tâm gọi là vua, nhân vì vua là đứng đầu cả nước lãnh đạo tất cả mọi việc, tâm cũng như thế. Nói gọn nghĩa tâm sở trong hai từ là “Sở hữu” là chỉ trong tâm còn có hơn mười loại tư tưởng thiện ác xen lẫn rất phức tạp cho nên gọi là “Sở hữu”. Nay đưa ví dụ để diễn đạt nghĩa đó: Giống như tác dụng những điều luật quốc gia phụ thuộc vào vua, ở đây tâm ví như vua. Luật lệ được vua phát ra có thể đưa đến tai họa hoặc là đưa đến phước lành cho người dân, nó có tác dụng sai biệt. Cho nên dụ cho các loại tâm sở phụ thuộc là “Sở hữu”.

37- Hỏi: Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có chú giải yếu tố Vô Minh rằng: “Si mê làm chỗ nương gá của phiền não là nghiệp”; ý nói là phiền não nương vào si mê mà sanh, phiền não nương vào si mê mà trụ. Si mê là quán trọ, phiền não là khách đến ở, nếu dẹp bỏ quán trọ thì khách không còn có chỗ đến ở. Giải thích như thế có hợp lý không?

Đáp: Bạn giải thích chỗ nương gá của phiền não, có nói “Mà sanh” và “Mà trụ”; sau đó lấy quán trọ dụ cho si mê, nghĩa lý này chưa đầy đủ, vì rằng quán trọ có thể tiếp nhận khách đến ở, không thể nói là quán trọ có thể sanh ra khách đến ở.

38- Hỏi: Lúc ngồi thiền những niệm thô không khởi nhưng giống như còn có tri giác vi tế. Vậy tri giác vi tế này là thuộc sự phân biệt của thức thứ sáu hay thuộc sự thấy biết của Tứ trong hai thiền chi Tầm Và Tứ? (Tầm là tâm niệm thô, Tứ là tâm niệm vi tế)

Đáp: Vẫn là thức thứ sáu.

39- Hỏi: Diệu quán sát trí và ý thức được phân biệt như thế nào?

Đáp: Khi vọng thì gọi là thức, chuyển vọng thành chân gọi là trí.

40- Hỏi: Thầy thường nói rằng: Người chết trong vòng bốn mươi chín ngày thì phải đi đầu thai chuyển kiếp, nhưng có người chết đã lâu hay vừa mới chết lại về báo mộng với con cháu và người thân, vấn đề này giải thích như thế nào? (Có lúc báo điều lành, có lúc báo điều dữ)

Đáp: Người chết đã đi đầu thai vào lục đạo thời gian lâu mà người thân còn nằm mộng thấy người đó, vấn đề này có hai trường hợp xảy ra: Một là do người nằm mộng có lòng thương tiếc người đã chết và ấn tượng vào tâm thức khiến phát khởi hiện hành thành tướng trạng trong mộng. Giống như một người nhiều năm trước đã đi dạo núi, nay nằm mộng thấy núi ấy, chẳng phải núi ấy về báo mộng, thực sự đó chỉ là tác dụng ý thức của chính mình. Hai là người đã chết sanh vào cảnh giới ngạ quỹ, có cơ hội thì tiếp xúc với người còn sống.

41- Hỏi: Linh hồn và thân trung ấm khác nhau như thế nào? Nhưng người niệm Phật lúc lâm chung thì linh hồn vãng sanh hay là thân trung ấm vãng sanh?

Đáp: Trung ấm còn gọi là trung hữu, có nghĩa khi thân này đã chết mà chưa sanh vào chỗ khác, thân trung gian giữa hai kiếp sống chưa định, người đời thường gọi đó là linh hồn, đúng là như vậy. Nhưng người vãng sanh Tây phương nhanh hơn thời gian co duỗi cánh tay thì không có giai đoạn trung gian. Chỉ có thể nói thần thức vãng sanh, không thể nói thân trung ấm vãng sanh. Đương nhiên cũng có trạng thái trung ấm vãng sanh nhưng đó là một trường hợp bất đắc dĩ, giống như chỉ một phần trong trăm ngàn phần mà thôi.

42- Hỏi: Pháp sư Khuy Cơ là một vị Tăng tu diệt tận định trong thời kỳ Pháp Phật Ca Diếp đã diệt, đến thời đại nhà Đường mới may mắn gặp duyên pháp sư Huyền Trang đi thỉnh Kinh, tức đã chuyển kiếp tái sanh vào Trung Quốc, mới mười sáu tuổi đỗ trạng nguyên, thời gian mê lầm an trú trong cảnh giả huyễn, bậc tu hành như thế mà còn mê khi cách ấm. Như vật thì trong thời gian dài tu thiền định như thế, thần thức đã từng đi đầu thai hay chưa? Giả sử không đi đầu thai thì trong lúc nhập định thần thức ở đâu?

Đáp: Tu theo giáo pháp Bồ tát Đại Thừa chứng quả Thất địa trở lên mới không còn bị cách ấm. Thời gian tu định, thần thức tại trong cảnh định. Định là không bị loạn động, không đến, không đi, thời gian có thể dài có thể ngắn, động là chẳng phải định; không có trường hợp thần thức sanh vào trong cảnh giới Lục đạo.

43- Hỏi: Xin thầy giải thích về đạo lý Luân hồi?

Đáp: Nếu thần thức chưa chuyển thành trí thì không tránh khởi Luân hồi, tạo nghiệp có thiện và có ác thì sanh vào lục đạo có thăng có trầm. Nghiệp thiện ác của chúng sanh rất phức tạp, tùy theo nghiệp lực mà chiêu cảm cảnh giới tương ưng, thiên biến vạn hóa. Đại khái là như vậy, biết điều này thì suy nghiệm được điều kia.

44- Hỏi: Xưa nay đối vấn đề sự tích cảm ứng hài cốt rất nhiều, nếu người sau khi chết, thần thức do nghiệp lực dẫn vào cảnh lục đạo luân hồi, Thế gian có câu: “Sống không nhận qủy, chết không nhận thây”, Vậy hài cốt làm sao có chuyện cảm ứng?

Đáp: Cảm ứng hài cốt chỉ hạn định đối với người chết sanh vào đường ngạ quỹ, vì chúng quỷ thần cũng có một phần thần thông nhưng lại chấp vào thân kiến cho nên có duyên tương cảm về hài cốt, đó chẳng phải chuyện thông thường, sự thật cũng có yêu ma khác nương dựa vào hài cốt mà chúng ta khó biết rõ.

45- Hỏi: Hôm nay có người hỏi tôi về ý nghĩa ba hồn bảy vía, rốt cuộc phải trả lời như thế nào?

Đáp: Hồn vía là vấn đề ngoài Phật giáo, có rất nhiều quan niệm về yếu tố đó. Trong nhà Nho gọi nó thuộc năng lực tinh thần, chuyển bên này biến hóa bên kia, vía hóa vía. Trong văn Dương Viết Hồn chú giải rằng: Nương vào phần linh ảnh là vía, nương vào linh khí là hồn. Y học cổ truyền lại nói hồn liên quan đến gan, vía liên quan đến phổi, cho rằng đó đều thuộc linh khí. Kinh sách nhà Nho nói về nội ảnh và có xác nhận có ba hồn bảy vía. Ngoài ra có nhiều thuyết bàn về hồn vía khác với quan điểm Phật giáo, đâu rảnh mà bàn chuyện đúng sai! Nhà Phật có nói về Tánh, do mê hoặc thì chuyển thành thức. Từ cái thức này mà các nhà ngoại đạo gọi là linh hồn. Thực ra, thức này càng mê thì càng xa tánh giác, từ một mà thành tám thức, nói ra tường tận mới hiểu, không thể vài lời mà giải hết cho bạn được.

46- Hỏi: Trung ấm thân có theo các căn(Phù trần căn) không? Nếu có thì không thể trở lại các căn của sắc thân giả làm duyên cho thấy, nghe, giác, biết; như xem ở người bị mù và điếc mất khả năng thấy và nghe thì có thể nói thân trung ấm có thức mà không có các căn không?

Đáp: Đã gọi thân trung ấm có là có thân, tự nó có các phù trần căn, thân là một trong các căn. Sắc thân chẳng phải chỉ ở một loại thai sanh mà thôi, vì bốn loài chúng sanh đều có sắc thân. Vậy tác dụng của sự thấy, nghe, giác, biết chẳng phải chỉ thuộc ở phù trần căn, các căn chẳng qua là trợ thêm một duyên, duyên chủ lực là thuộc các tịnh sắc căn.

47- Hỏi: Trung hữu thân thật có không? Nếu có thì thể tướng của nó như thế nào? Nếu như trước khi nó chưa đầu thai thì nương vào chỗ nào mà tồn tại?

Đáp: Hai từ “thật có”, phương diện học lý thì vạn pháp đều không, chỉ do nhân duyên sanh ra các tướng, trung hữu thân cũng không ngoài nguyên lý đó. Tướng của nó như người nhưng nhỏ hơn, dáng vóc nằm ngang hay nằm đứng thẳng và với nhiều loại khác nhau, Kinh Trung Ấm nói rất rõ về nó, khi chưa đầu thai nương thức mà tồn tại.

48- Hỏi: A lại da thức nương vào chân như không có đến và đi, vậy thì tâm thức đến đài sen như thế nào?

Đáp: Cổ đức có câu nói:”Sanh thì quyết định sanh, đi mà thật không đi”, “Đi thì quyết định đi, sanh mà thật không sanh” có thể rõ điều ấy. Nếu chưa lĩnh hội được câu đó, nên nghĩ thêm rằng A lại da thức đã có thể đi vào lục đạo, tại sao lại không thể sanh về Tây phương?

49- Hỏi: Chuyển tám thức thành bốn trí, bốn trí thành tam thân. Mấy thức cộng thành một trí, chỉ riêng một thức nào mà thành một trí?

Đáp: Năm thức trước tổng hợp nên thành sở tác trí; chỉ riêng ý thức thành Diệu quán sát trí, thức thứ bảy chuyển thành bình đẳng tánh trí và thức thứ tám chuyển thành đại viên cảnh trí.

50- Hỏi: Bốn trí chuyển thành ba thân, bao nhiêu loại trí thành một thân, riêng loại trí nào thành một thân?

Đáp: Thành sở tác trí và Diệu quán sát trí cộng thành hóa thân; riêng loại bình đẳng tánh trí thành báo thân, đại viên cảnh trí thành pháp thân.

51- Hỏi: Nguồn gốc của chủng tử là mới sanh khởi hay là vốn có sẳn? Có phải chủng tử hữu lậu là mới sanh khởi? Có phải vô lậu chủng tử là vốn có sẳn hay không?

Đáp: Chủng tử là một loại từ ngữ dùng diễn đạt công năng chẳng phải thật có như một vật thể. Các nhà Duy thức phân chủng tử có hai loại, thức thứ tám vốn không có đầu mối, gốc của nó vốn có chủng tử, về sau huân tập các tập khí ấn tượng vào trong thức thứ tám nên có chủng tử vừa huân tập, còn gọi là chủng tử mới sanh khởi; không kể là chủng tử hữu lậu hay vô lậu, đều có hai loại:loại có sẳn và loại mới huân tập.

52- Hỏi: A lại da thức là tuần hoàn không gián đoạn, vì sao thường khi bị hôn mê bất tỉnh mất đi tri giác, rốt cuộc không phải là đã có gián đoạn một lần hay sao?

Đáp: Ở đây lấy con mắt làm ví dụ, ngay lúc sáng suốt trong sạch không bị bệnh, dụ cho cái gốc của thể tánh chiếu soi tất cả vạn vật đúng như thật tướng; Một khi mắt bị phát bệnh dụ cho A lại da khả năng nhận biết không đúng sự thật nên không thấy rõ chân tướng vạn vật. Nếu khi nhắm mắt hoặc đang ngủ thì không thấy gì, thật sự lúc ấy không khởi tác dụng cái thấy nhưng chẳng phải con mắt bị đoạn diệt, suy nghĩ việc này có thể hiểu rõ.

53- Hỏi: Phật dạy rằng: Tất cả động vật đều có Phật tánh, đã có Phật tánh thì có thần thức. Lại nói: Nhìn trong một bát nước thấy có tám vạn bốn ngàn vi trùng, hiện nay các nhà khoa học dùng kính hiển vi chiếu soi thì quả thật không sai; nhưng có người lại hỏi, nếu bát nước này đổ xuống đất, thế là có nhiều tâm thức của vi trùng hay không? Nếu có nhiều thần thức, vậy thì một bát nước thì có thể biến thành quá nhiều vi trùng?

Đáp: Thần thức vô hình, nương tựa vào thân hữu hình. Nếu thừa nhận một bát nước có tám vạn bốn ngàn thân vi trùng, sao còn nghi hoặc con số tám vạn bốn ngàn thần thức. Thần thức trong một bát nước không hiện rõ nhiều, nếu đổ nước ra mặt đất nghĩ thấy quá nhiều. Nước rơi xuống đất, thân trùng bị chết thì thần thức chuyển nương chỗ khác sanh, nghĩa lý ấy quá rõ ràng. Nên biết trong hư không pháp giới chỉ trong một sát na có hằng hà sa số không thể nói số lượng chúng sanh trong bốn loại: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh bị chết; lại có hằng hà sa số không thể nói số lượng chúng sanh trong bốn loài xả thân chỗ này đầu thai hay sanh ở chỗ kia, điều đó cũng dễ hiểu.

54- Hỏi: Kinh Phật nói:”Người chết trong vòng bốn mươi chín ngày thì tùy theo nghiệp lực của mỗi người mà sanh vào cảnh giới tương ưng với nghiệp lực của họ. Còn có trường hợp, khi cơ duyên đầu thai chưa chín muồi, thường ở trong hư không giới trôi nỗi không chỗ nương tựa.” Nhưng mà người ta thường nói: “Ở phần mộ thường phát hiện tượng qoái lạ”. Đây có phải người trong lúc còn sống quá ư chấp trước, mê đắm sắc thân cho nên linh hồn cứ bám víu không rời, cho nên mới có hiện tượng đó xuất hiện phải không?

Đáp: Trong vòng bốn mươi chín ngày, gọi là “Thân Trung Hữu”, Trãi qua cuộc phiêu du trong hư không, hoặc hiện tướng quái lạ, thì trường hợp người đó đã sanh vào cảnh giới ngạ quỹ. Lại còn tâm luyến ái phần mộ của chính mình là do chấp “Thân kiến” mà có.

55- Hỏi: Phàm phu nương thần thức để đầu thai, nếu như Phật và Bồ tát vì nguyện lực tái sanh, nếu như không dùng thần thức đầu thai, không rõ cách nhập thai như thế nào?

Đáp: Tánh mê gọi là thức, Thức giác gọi là trí, thức là còn trói buộc vì nghiệp lực nên không được tự do, cho nên có thọ báo từ nguyên nhân trong vòng sanh tử là nhập thai và xuất thai. Bồ tát có nhiều cấp độ, tùy theo sự phân định nên chưa nói hết được. Nhưng Bồ tát từ thất địa trở xuống còn tồn tại thức, tùy nguyện nhập thai, dùng hóa thân để nhập thai, nếu không thì dùng Như Lai Tạng gồm thức và trí mà nhập thai. Nếu như Phật hoặc bậc Đẳng giác đã chuyển thức thành Đại Viên Cảnh Trí, pháp thân bất động, hóa thân vô lượng, dùng hóa thân mà nhập thai. Giống như trường hợp biến hóa loại chim nói pháp trong Kinh A Di Đà, theo đó mà biết.

 

Trang: 1 2 3

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận