PHẬT HỌC TINH YẾU
Soạn giả: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Trọn bộ 3 thiên
MỤC LỤC
- Thiên I Chương 01: Xã hội Ấn Ðộ trước khi đức Phật ra đời
- Thiên I Chương 02: Nền học thuyết Ấn Ðộ trước Phật giáo
- Thiên I Chương 03: Dòng dõi đức Phật
- Thiên I Chương 04: Ðức Thích Tôn trước khi thành đạo
- Thiên I Chương 05: Ðức Thích Tôn sau khi thành đạo
- Thiên I Chương 06: Bốn kỳ kết tập
- Thiên I Chương 07: Kinh điển đạo Phật
- Thiên I Chương 08: Sự phân phái của đạo Phật
- Thiên I Chương 09: Giáo nghĩa các bộ phái
- Thiên I Chương 10: Tiểu thừa và Ðại thừa
- Thiên I Chương 11: Sự phát triển của Tiểu thừa
- Thiên I Chương 12: Sự phát triển của Ðại thừa
- Thiên II Chương 01: Chúng sanh trong ba cõi
- Thiên II Chương 02: Thân trung hữu và sự thọ sanh
- Thiên II Chương 03: Thế giới quan của đạo Phật
- Thiên II Chương 04: Cõi đại thiên và thời kiếp
- Thiên II Chương 05: Từ đức Thích Ca đến Phật Di Lặc
- Thiên II Chương 06: Các chủng loại thế giới
- Thiên II Chương 07: Biển thế giới Hoa Tạng
- Thiên II Chương 08: Pháp giới tổng luận
- Thiên III Chương 01: Xuất phát điểm của đạo Phật
- Thiên III Chương 02: Phật giáo với gia đình
- Thiên III Chương 03: Phật giáo với xã hội
- Thiên III Chương 04: Khái yếu về Tam Quy
- Thiên III Chương 05: Khái yếu về Ngũ Giới
- Thiên III Chương 06: Khái yếu về Thập Thiện
- Thiên III Chương 07: Ăn chay
- Thiên III Chương 08: Luân hồi và nhân quả
Ðôi Lời Phi Lộ
Ba tạng Kinh-điển của Phật-giáo hiện nay gồm có đến hơn vạn quyển. Trong ấy, những Kim-ngôn của Ðấng Ðiều-Ngự và huyền-nghĩa của chư Tổ, hàm ẩn Ðạo-lý thâm thúy vô biên. Muốn du ngoạn trong bể Phật-pháp bao la, hay lên đỉnh non thánh-giáo để nhìn khắp nơi bằng tầm mắt càn-khôn-nhất-lãm, phải phí nhiều thời giờ và tâm lực, mà giữa cuộc sống nhiều vướng bận ngày nay, ít ai làm nổi. Vì lẽ ấy, đã từ lâu bút giả có ý muốn gom góp phần tinh yếu của thánh-giáo viết ra thành tập, để giúp những vị mến đạo mầu của Ðức Thế-Tôn, có sự hiểu biết khái quát về pháp Phật. Và ý định nầy đã được thực hiện từ năm 1963, nhân lúc sắp sửa ra đảm nhận trường Phật-Học Huệ-Nghiêm.
Nội dung của toàn tập PHẬT HỌC TINH YẾU sau đây gồm có nhiều thiên, mỗi thiên phân thành nhiều chương, và mỗi chương bao hàm nhiều mục. Ðó là hệ thống phân biệt để duyệt giả dễ ghi nhận. Ðiều đáng chú ý là phần trích dẫn những Kinh-luận trong đây, nghĩa lý nó không có tánh cách nhất định. Tại sao thế? Bởi giáo pháp của thánh-nhân nói ra đều tùy thời tùy cơ để dắt dìu, phá chấp. Có thể một lời thuyết giáo đối với căn cơ nầy thích hợp nhưng với cơ khác không thích hợp, với thời gian trước tiện nghi song với thời nay không tiện nghi. Cho nên một vị tôn túc đã bảo: “Y theo Kinh giải nghĩa là oan cho chư Phật ba đời, nhưng lìa Kinh một chữ tức đồng với ma thuyết”. Vậy chỗ thu thập của người khéo học Phật là không chấp Kinh, không bỏ Kinh, như người đời đã bảo: “Khôn chết, dại cũng chết, duy biết mới sống”. Và người khéo học Phật cũng đừng chấp lý bỏ sự, hay chỉ theo sự quên phần lý. Về việc được ý quên lời nầy, duy mỗi người tự thể hội, không thể nói hết được.
“Trần chẳng tương quan, bể cả nương dâu mặc thay đổi. Lòng không sở đắc, thông xanh mây trắng tự vui nhàn”. Xin mượn hai câu nầy để chúc sự thành tựu của duyệt giả sau khi đọc xong toàn tập PHẬT HỌC TINH YẾU.
Ngày 12-8-1965
Tỳ-khưu Thiền Tâm, tự Liên Du