PHÁP VŨ THI THÀNH
(NHỮNG TRẬN MƯA PHÁP CUỐI CÙNG TRONG THÀNH CÂU THI NA)

Thiện Phúc

 

Phải thực tình mà nói, về một khía cạnh nào đó, sự giác ngộ của Đức Phật chính là đỉnh cao tuyệt về thành quả của Ngài, nhưng thật ra chính là giáo pháp theo sau đó của Ngài đã đặt nền tảng vững chãi cho di sản muôn đời của Ngài để lại cho hậu thế. Tăng đoàn và Ni đoàn được thành lập để bảo đảm sự truyền bá giáo lý này đến các thế hệ mai sau, và vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, hoàng đế A Dục đã đóng một vai trò chính yếu trong việc truyền bá Phật giáo một cách rộng rãi tại Ấn Độ. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi đạt được đại giác, Đức Phật đã lưu lại dưới gốc cây Bồ Đề thêm 49 ngày với niềm hỷ lạc vô biên. Trong khoảng thời gian này, Ngài nhận thức rằng những gì Ngài đã hiểu biết là một chân lý vi diệu và khó khăn mà những người khác còn những ham muốn trần tục khó lòng thấu hiểu. Ngài đi đến kết luận rằng chân lý này sẽ trở nên vô nghĩa khi Ngài cố tìm cách giảng dạy cho người khác về sự giác ngộ của Ngài, nhưng vị đại Phạm Thiên Sahampati hiện ra thỉnh cầu Ngài chia xẻ sự khám phá của Ngài cho nhân loại. Bị thúc đẩy bởi lòng bi mẫn vĩ đại của chính mình, Đức Phật quyết định xem xét lại thế gian. Ngài thấy chúng sanh có nhiều hạng bậc khác nhau, giống như hoa sen trong hồ, một số nằm ngầm dưới làn nước, một số mọc tựa lên mặt nước, lại có một số khác vươn cao khỏi mặt nước và đứng thật vững chãi. Ngài hiểu rằng cũng giống như vậy, con người thì có người tốt, có người xấu, một số dễ dàng chỉ dạy và một số khác thì khó khăn. Do tính đa dạng này và vì lòng bi mẫn lớn lao của Ngài dành cho chúng sanh, Đức Phật thay đổi ý định của Ngài và quyết định dẫn dắt chúng sanh. Đức Phật đã truyền dạy giáo pháp của Ngài trong 45 năm liền sau đó, cho đến lúc Ngài nhập Niết Bàn. Số tín đồ của Ngài ngày càng tăng và cộng đồng Tăng bắt đầu thành hình. Chính Đức Phật vẫn tiếp tục chu du thuyết giảng và khất thực. Ngài truyền dạy pháp của mình không phân biệt, Ngài nói chuyện với hàng vua chúa cũng như thứ dân đều giống nhau, và chỉ dừng chân trong ba tháng mùa mưa. Đức Phật không chỉ định người kế vị. Khi những vị đệ tử của Ngài hỏi Ngài ai sẽ là người dẫn dắt giáo hội sau khi Ngài nhập diệt, Ngài đáp rằng họ phải tự bản thân tiếp tục và tuân theo Pháp mà Ngài đã truyền dạy cho họ. Bổn phận của Tăng đoàn là duy trì giáo pháp khi Ngài không còn ở thế gian này nữa.

Sau khi đến Thi Thành, lúc Đức Phật sắp nhập diệt, Ngài yêu cầu chư Tăng họp lại nếu họ có vấn đề nào cần muốn hỏi. Tất cả mọi người đều im lặng. Đức Phật nhìn thoáng qua mọi người trước khi Ngài tóm tắc lại những lời di huấn sau cùng của mình trong đó bao gồm việc nhấn mạnh đến những giáo pháp cốt lõi mà Ngài đã dạy trước đây: Tam Pháp Ấn, Tứ Thánh Đế, Bát Thánh Đạo, Tứ Vô Lượng Tâm, Nhân Quả Nghiệp Báo, Mười Hai Nhân Duyên, Lục Độ Ba La Mật, Thiểu Dục Tri Túc, Cố Gắng Tiết Độ Tự Chế &Thu Thúc Thân Tâm, Quân Bình Tham Dục, Thân Cận Thiện Tri Thức, Không Thân Cận Ác Tri Thức, Tuân Thủ Giới Luật, Tam Tu Giới Định Huệ, Lợi & Hại Của Sự Phóng Dật & Không Phóng Dật, Y Nương Nơi Phật Pháp, Hãy Làm Nơi Nương Tựa Nơi Chính Mình, Chư Pháp Vô Thường, Thân Tâm Vô Thường, Những Chướng Ngại & Thử Thách Lớn Trên Đường Tu Tập, Vượt Qua Chướng Ngại Và Thử Thách Trong Tu Tập, vân vân. Sau đó, đức Phật nói kinh Di Giáo, tức là những giáo pháp cuối cùng truyền lại trước khi Ngài nhập diệt. Cuối cùng, những phút giây trước lúc nhập diệt, đức Phật nhấn mạnh với chư Tăng những lời dạy cuối cùng của Ngài: “Tất cả vạn vật đều đi đến hoại diệt. Bây giờ các con hãy nỗ lực tinh tấn.” Sau đó Ngài nằm nghiêng về phía bên phải giữa hai cây Sa La Song Thọ, Ngài bắt đầu nhập sâu vào các tầng thiền rồi cuối cùng nhập vào Niết Bàn, sau đó không bao giờ còn tái sanh trở lại nữa. Nhục thân của Ngài được hỏa táng, theo ước nguyện của Ngài xá lợi được chia cho loài người và chư Thiên; và các bảo tháp được dựng lên để lưu giữ xá lợi của Ngài.

Vào khoảng năm 2009, Thiện Phúc đã biên soạn bộ Phật Pháp Căn Bản, gồm 8 tập. Tuy nhiên, quả là rất khó, đặc biệt là người tại gia với nhiều gia vụ, đọc hay nghiên cứu một bộ sách với khoảng 6184 trang giấy khổ lớn. Vì vậy mà Thiện Phúc đã trích một số chương trong 8 tập, đặc biệt là chương 127 trong tập V ra, cố gắng biên soạn gọn lại và in thành tập sách nhỏ có nhan đề là “Pháp Vũ Thi Thành”. Quyển sách nhỏ này cũng được gọi là “Những Trận Mưa Pháp Cuối Cùng Trong Thành Câu Thi Na” hay Tối Hậu Pháp Vũ Thành Câu Thi Na. Đây không phải là một nghiên cứu về triết lý thâm sâu của Phật giáo, mà nó chỉ đơn thuần trình bày những trận mưa pháp hay những bài pháp cuối cùng của đức Phật, một bậc giác ngộ vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Trước khi nhập diệt, đức Phật đã trút những trận mưa pháp cuối cùng xuống Thành Câu Thi Na. Nói cách khác, trước khi ra đi đức Phật đã mở ra một kỷ nguyên mới: khởi điểm của một đời sống bớt khổ thêm vui cho toàn thể thế giới. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng tu Phật không nhất thiết là phải xuất gia vào chùa làm Tăng hay Ni, mà nó có nghĩa là bước vào việc thực tập những bài tập được liên kết để thiết lập những mẫu mực sống hằng ngày của mình, làm cho đời sống của chúng ta trở nên yên bình hơn. Đức Như Lai đã giải thích rõ về con đường diệt khổ mà Ngài đã tìm ra và trên con đường đó Ngài đã tiến tới quả vị Phật. Đường tu tập còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Pháp Vũ Thi Thành” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.

Đáng lý lời đầu sách có thể chấm dứt ở đây; tuy nhiên, khi tác giả vừa hoàn tất quyển sách này vào cuối tháng tư năm 2021 thì nạn dịch Corona đã hoành hành trên khắp địa cầu trên cả năm nay, giết chết không biết bao nhiêu sanh linh mà kể, đặc biệt là dân chúng tại các nước Trung Hoa, Hoa Kỳ, Âu Châu, và gần đây người dân Ấn Độ, dân của vùng đất Phật, đang bị ảnh hưởng nặng nề của nạn dịch bệnh Corona. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho dân chúng Việt Nam, dân chúng tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề, và dân chúng trên khắp thế giới vượt qua nạn dịch và sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

Thiện Phúc