PHÁP THĂM DÒ HƠI NÓNG CÓ PHẢI LÀ TƯỞNG TƯỢNG?

HỎI: 

Trong Pháp thoại video của thầy Thích Chân Tính bảo là không có chứng cứ và không kinh sách nào nói đến việc thăm dò hơi nóng biết người đó tái sinh vào cõi nào, đó chỉ là sự tưởng tượng. Lại một số thầy khi con hỏi thì bảo là pháp đó là của Mật giáo, mà không giải thích. Vậy xin thầy từ bi cho con biết thật hư như thế nào, để con có lòng tin thêm vững ạ.

ĐÁP:

Trước tiên xin nói rõ là Pháp thăm dò hơi nóng không phải là tông chỉ của Tịnh Độ Tông. Tôn chỉ của tịnh độ tông là Niệm Phật Đới Nghiệp Vãng Sanh. Do đó, tất nhiên là không thấy đề cập trong ba bộ Kinh cốt yếu của pháp môn này. Tuy nhiên chẳng phải vậy mà bảo rằng pháp thăm dò hơi nóng không phải là không đúng, là tưởng tượng, nếu nói như vậy tức là chưa hiểu biết, và đang hủy báng đức Phật. Tuy không đề cập trong pháp môn Tịnh độ, nhưng đức Phật lại giảng rõ trong Duy Thức Học. Chư tổ đại đức đều chứng thực, người vãng sanh thì thần thức (thân trung ấm) của người đó sẽ xuất ra từ đảnh đầu. Không thể vì trong pháp môn bạn tu hành không nói thì bác lời dạy của đức Phật trong pháp khác. Phật pháp vốn không có pháp môn nào cả, mà Đức Từ Phụ quán sát đối cơ mà giảng dạy cho họ từng cá nhân được lợi ích.

Pháp thăm dò hơi nóng để biết thân trung ấm của người mất sẽ tái sinh vào cõi nào trong sáu nẻo, hoàn toàn chính xác và được Kinh, Luận trong Đại Tạng đều có nói đến, chỉ vì chúng ta lười không học, không đọc nên chẳng biết mà thôi. Pháp thăm dò hơi nóng để đoán cõi tái sinh của người đó, đã được chứng thực qua các bậc tổ sư, tiền bối đi trước.

Khi người bệnh đi Bác sĩ thì bác sĩ sẽ hỏi những triệu chứng, để đoán bệnh, nếu nặng hơn nữa thì thử máu, chụp hình v.v…. Thì một thân trung ấm tái sinh vào 1 trong 6 cõi cũng phải có triệu chứng để biết, có gì mà tin hay không tin. Trong Kinh Bảo Tích đức Phật dạy Bồ Tát Đại Dược như sau:

Lúc bấy giờ Ngài Ðại Dược Bồ tát thưa hỏi Phật rằng:

– “Bạch đức Thế Tôn, chúng sanh bị đọa vào nơi địa ngục có tướng trạng như thế nào‌

Phật bảo với Ngài Ðại Dược Bồ tát:

-…Những chúng sanh nào tạo nên nghiệp ác, sắp sửa đọa vào trong địa ngục, tự nhiên có lòng buồn thảm, kinh sợ. Tùy theo nghiệp của mình chiêu cảm mà tự thấy hình tượng của các cảnh địa ngục hiện ra…”

Tái sinh trong 6 nẻo luân hồi đều có triệu chứng để chứng biết được thân trung ấm theo nghiệp thọ sanh vào cõi lành hay dữ, và những triệu chứng này sẽ xuất hiện ngay thời gian trước khi bỏ thân tứ đại. Khi thân tứ đại tan rã, thần thức sẽ theo nghiệp dẫn dắt để thọ sanh, trên thân thể (6 nơi biểu tượng trên thân thể) thần thức xuất ra nơi nào thì biết người đó bị nghiệp lôi kéo tái sinh vào cõi nào, từ đảnh đầu, mắt, Tim, bụng, đầu gối, và ở bàn chân. Do vậy, mà có câu:

Ðảnh thánh, mắt sanh trời,
Bụng nóng ngạ quỷ, tim nóng người,
Bàng sanh thần thức ra đầu gối,
Nóng ở bàn chân địa ngục thôi.

Hoàn toàn chính xác và được kiểm chứng từ chư tổ đã chứng đạo. Trong Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Tổ Ấn Quang (tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông) cũng dạy: “Phương pháp thăm dò hơi nóng để biết người đó sanh vào loài nào, hoàn toàn chính xác và diệu dụng”. Tuy nhiên, theo tổ, cũng như lời dạy của Hòa thượng Thích Thiền Tâm trong quyển Niệm Phật Thập Yếu, thì người tu theo Pháp môn Tịnh Độ, nên nhất tâm trì danh hiệu Phật để hộ niệm cho người mất đừng lo thăm dò hơi nóng để đoán cảnh giới tái sinh, bởi vì khi thân này tan rã, đau nhức vô cùng, như Kinh dạy, ví như lột mai rùa. Thì người mất cũng đau nhức gấp bội, lúc đó khắp nơi trên thân thể đều có cảm giác đau nhức không gì diễn tả, nên một khi chúng ta va chạm vào họ sẽ làm họ đau hơn và sanh tâm giận dữ rất là nguy cho việc tái sinh của họ. Nên trong thời gian này tốt nhất là niệm danh hiệu Phật thay vì lo thăm dò hơi nóng.

Việc này chỉ có thể làm sớm nhất là người tắt thở từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, và muộn nhất thì từ 5 đến 6 giờ. Đừng đụng vào họ quá sớm, trừ khi nào đó là bậc đã từng trãi, nhiều kinh nghiệm, không ảnh hưởng đến việc tái sinh của người mất thì được, còn thường thì không nên chạm vào thân họ quá sớm.

Tất cả đều do các nghiệp nhân lành dữ đã gây tạo ra khi còn sanh tiền chiêu cảm, khi sắp lâm chung thần thức phân tán, tứ đại chia lìa, thân thể dần dần trở nên lạnh, chỗ nào còn nóng sau cùng là thần thức (Trung ấm thân) xuất ra từ nơi đó.

Pháp thăm dò hơi nóng không xuất phát từ Mật giáo, mà được xuất phát từ Duy Thức Học.

Người Phật học, nếu là học chân chánh thì nên học, áp dụng thực hành để ra kết quả, đừng tham gia vào những việc bàn luận thị phi. Biển Phật pháp mênh mông, không thâu trọn vào sự hiểu biết nông cạn bản thân của người cao ngạo, nên đừng quá sớm vội võ đoán. Nếu không càng tu càng tổn phước, mang tội phỉ báng Tam Bảo. Tất cả pháp của Phật đều là đối cơ tức là tùy vào cơ duyên của người đó mà Phật dạy pháp tu. Nếu chúng ta không hợp với pháp này thì có thể học pháp khác, bởi lẻ Phật pháp có vô lượng pháp để tu, chỉ e rằng người tu hành thời nay chỉ biết nói suông bàn luận cho vui thôi, rồi A Di Đà Phật mà muốn vãng sanh (thật là tưởng tượng, đừng nghĩ rằng muốn được vãng sanh là chuyện dễ dàng, tuy pháp dễ nhưng khó thành). Chỉ có tự mình tự tu tự học, rồi tự mình trãi nghiệm và tự chứng biết vậy, như người uống nước tự biết.

Để kết phần này xin trích dẫn những tướng trạng sắp lâm chung mà người đó theo nghiệp gì tái sinh vào cõi đó.

Sanh về Tịnh Độ:

1- Chánh quốc thuộc vào 9 phẩm sen

2- Sanh về Nghi thành (biên phương) Tịnh độ

1/ Người nào bình thường niệm Phật tinh tấn, một lòng thành tín không lui sụt, khi lâm chung biết trước ngày giờ, Chánh niệm rõ ràng, tự mình tắm gội, thay y phục, hoặc được quang minh của Phật chiếu đến thân, hoặc thấy tướng hảo của chư Phật cùng chư thánh chúng hiện thân ra giữa không trung hay đi kinh hành trước mặt, các điềm lành hiển hiện rõ ràng, kẻ ấy trong một sát na liền được sanh thẳng về nơi Tịnh độ, gần gũi chư thượng thiện nhơn, dự vào một trong 9 phẩm sen nơi chốn liên trì, hằng nghe được pháp âm của chư Phật, rốt ráo thành tựu được chánh quả.

2/ Như người nào bình thường giữ giới, cũng có niệm Phật nhưng không được tinh tấn và tin tưởng cho lắm, khi lâm chung không có tướng lành, dữ chi cả, nhắm mắt đi xuôi tựa như người ngủ, vì kẻ ấy “nghi tình” chưa dứt (tức là tuy có niệm Phật mà lòng không tin tưởng tuyệt đối) nên không được sanh thẳng vào nơi chánh quốc mà chỉ trụ vào một nơi ở ngoài biên phương Tịnh độ mà thôi. Chỗ đó tên gọi là nghi thành.

Sanh lại cõi người:

Người nào khi lâm chung sẽ sanh trở lại cõi người thì có những triệu chứng báo trước như sau:

– Thân không bệnh nặng.

– Khởi niệm lành, sanh lòng hòa diệu, tâm vui vẻ, vô tư, ưa việc phước đức.

– Ít sự nói phô, nghĩ đến cha mẹ, vợ con.

– Ðối với các việc lành hay dữ, tâm phân biệt rõ ràng không lầm lẫn.

– Sanh lòng tịnh tín, thỉnh Tam bảo đến đối diện quy y.

– Con trai, con gái… đều đem lòng thương mến và gần gũi xem như việc thường.

– Tai muốn nghe tên họ của anh chị em và bè bạn.

– Tâm chánh trực không dua nịnh.

– Rõ biết bạn bè giúp đỡ mình, khi thấy bà con đến săn sóc thời sanh lòng vui mừng.

– Dặn dò, phó thác lại các công việc cho thân quyến rồi từ biệt mà đi.

Nếu người nào có đầy đủ mười điều “tiên triệu” như trên thì sau khi chết 49 ngày, thân trung ấm (tức là thần thức) của người chết đó sẽ đáo sanh trở lại cõi người, hưởng sự tôn quý.

Sanh lên cõi Trời:

Người nào khi sắp lâm chung sẽ sanh lên cõi Trời thì có những triệu chứng báo trước như sau:

– Sanh lòng thương xót.

– Phát khởi tâm lành.

– Lòng thường vui vẻ.

– Chánh niệm hiện ra.

– Ðối với tiền của, vợ con… không còn tham luyến.

– Ðôi mắt có vẻ sáng sạch.

– Ngước mắt nhìn lên không trung mỉm cười, hoặc tai nghe tiếng thiên nhạc, mắt trông thấy tiên đồng.

– Thân không hôi hám.

– Sống mũi ngay thẳng, không xiên xẹo.

– Lòng không giận dữ.

Nếu có được những tiên triệu như thế, thì thần thức của người chết ấy quyết định sẽ được sanh lên cõi Trời.

Ðọa vào nẻo địa ngục:

Trước khi lâm chung có các triệu chứng báo trước như sau:

– Nhìn ngó thân quyến bằng con mắt giận ghét.

– Hai tay đưa lên quờ quạng trong chốn hư không.

– Ði đại, tiểu tiện trên chỗ nằm mà không tự hay biết.

– Thân thường có mùi hôi hám.

– Nằm úp mặt xuống hoặc che giấu mặt mày.

– Hai mắt đỏ ngầu.

– Nằm co quắp và nghiêng về bên trái.

– Các lóng xương đau nhức.

– Thiện tri thức dù có chỉ bảo họ cũng không tùy thuận.

– Ðôi mắt nhắm nghiền không mở.

– Mắt bên trái hay động đậy.

– Sống mũi xiêng xẹo.

– Gót chân, đầu gối luôn luôn run rẫy.

– Thấy ác tướng hiện ra, vẻ mặt sợ sệt, không nói được, thảng thốt kêu la lớn lên là có ma quỷ hiện.

– Tâm hồn rối loạn.

– Cả mình lạnh giá, tay nắm lại, thân thể cứng đơ.

Người nào trước khi lâm chung mà có 16 triệu chứng nầy, quyết định sẽ bị đọa vào nơi địa ngục.

Ðọa vào loài quỷ đói:

Trước khi lâm chung sẽ có các triệu chứng như sau:

– Thân mình nóng như lửa.

– Lưỡi luôn luôn liếm môi.

– Thường cảm thấy đói khát, ưa nói đến các việc ăn uống.

– Miệng hả ra không ngậm lại.

– Tham tiếc tiền của, dây dưa khó chết, làm khổ gia quyến.

– Mắt thường mở trướng lên mà không nhắm lại.

– Ðôi mắt khô khan như mắt chim gỗ.

– Không có tiểu tiện, nhưng đại tiện thì nhiều.

– Ðầu gối bên mặt lạnh trước.

– Tay bên mặt thường nắm lại, tiêu biểu cho lòng tham lam, bỏn sẻn.

– Lúc tắt hơi, hai mắt vẫn mở.

Người nào khi lâm chung mà có 11 triệu chứng như trên, quyết định sẽ phải bị đọa vào trong loài quỷ đói, không sao thoát được.

Ðọa vào loài thú vật:

Trước khi lâm chung sẽ có các triệu chứng sau:

– Thân mang bệnh nặng, tâm mê mờ tán loạn như ở trong mây mù.

– Sợ nghe các danh hiệu Phật, không chịu nghe ai khuyên bảo điều lành.

– Ưa thích mùi cá, thịt.

– Quyến luyến vợ con, đắm đuối không bỏ.

– Các ngón tay và chân đều co quắp lại.

– Cả mình toát ra mồ hôi.

– Khóe miệng chảy ra nước.

– Tiếng nói khò khè, rít róng rất khó nghe.

– Miệng thường ngậm đồ ăn.

Người nào khi lâm chung mà có 9 triệu chứng như trên, quyết định sẽ bị đọa vào trong loài súc vật.

Trong Phật pháp đức Từ phụ Thế Tôn đã vì căn duyên của từng mỗi chúng sanh mà thuyết giáo, nếu bản thân chúng ta hợp với pháp nào, mang lại lợi ích và thành tựu thì bản thân nên tiến tu theo pháp đó. Đừng tham gia vào những việc bàn luận thị phi, phỉ báng đức Phật mà không hay biết. Nếu muốn tường tận, đúng sai nên tìm hiểu trong Đại Tạng Kinh, là nơi chứng thực, và được kiểm chứng rõ ràng. Những gì không dạy trong pháp môn Tịnh Độ chẳng lẻ đều sai hết hay sao? Vậy thì bên Thiền lấy KHÔNG làm trung điểm, mà Tịnh Độ lấy CÓ làm chỗ tựa nương, nếu nói vậy thì Tịnh Độ Niệm Phật Đới Nghiệp Vãng Sanh đều không phải là Phật pháp hay sao? Nên biết Phật pháp chỉ theo cơ duyên của mỗi người mà có sai biệt, thuốc trị lành bệnh là thuốc hay, Pháp trị lành sanh tử là Pháp Diệu.

Nam mô A Di Đà Phật.

Trân trọng,

TTPH

********

Ẩn tu uổng tiếc bạn đồng hành !
Nói lý cao huyền đắm lợi danh !
Già, bịnh, đoạ sa, không phản tỉnh
Bóng câu mấy nỗi thoáng bên mành !

Ẩn tu bền chí giữ công phu
Ba cõi không an lửa ngục tù !
Ngũ-dục, Hoàng-lương say gối mộng
Kiếp người dường một thoáng phù du !

Ẩn tu xét thấy chốn Tăng-Già
Ganh-hại thị-phi lắm bất hoà !
Danh vị, chùa chiền tranh đệ tử
Ưu Đàm, Lan Huệ héo mầm hoa.

Ẩn tu Tín, Nguyện Niệm hồng danh
Thời mạt chướng sâu đạo khó thành
Chờ đến Liên-bang lên pháp-nhẫn
Đem thuyền Bát Nhã độ quần sanh.

Ẩn tu tuy biết ý cao siêu
Mà chẳng thích ưa lý luận nhiều
Căn tánh người nay đà kém loạn
Nói hay làm phỏng được bao nhiêu ?

Ẩn tu ngại lỗi luận đua tranh
Nói cũng vì người thuyết khác hành
Thái cực ai-phân nhơn-ngã đó
Lạnh lùng huyễn lợi với hư danh !

Ẩn tu chán kẻ nói loanh quanh
Đem hiệu Di Đà phối ngũ-hành
Bao-tử giả là ao Thất-bảo
Phật lành niệm Phật để làm danh !

Ẩn tu xót kẻ học Như Lai
Thiền, Tịnh, thị phi chấp trước dày
Kiên cố đấu tranh đà hiện rõ
Đạo đời phân hóa cảnh thời nay.

(HT Thích Thiền Tâm)