Pháp tạng

Từ điển Đạo Uyển


法藏; C: făzàng; J: hōzō; 1. Kho tàng giáo pháp – thường đề cập đến kinh điển Phật giáo (s: dharma-kośa) để phân biệt với Luật tạng. Đây là phần kinh do ngài A-nan trùng tuyên trong kì kết tập lần thứ nhất (Đệ nhất kết tập 第一結集). 2. Phật pháp như là sự thật tối hậu trong ý nghĩa, tư tưởng triết học. 3. (643-712); Tăng sĩ học giả vào đầu đời Đường, do những đóng góp to lớn của Sư vào sự phát triển và củng cố tông Hoa Nghiêm, nên được xem là Tổ thứ 3 của tông nầy. Sau khi phát tâm tu tập ban đầu tại Thái Bạch sơn (太白山), sư trở thành đệ tử của vị Tổ thứ 2 tông Hoa Nghiêm là Trí Nghiễm (智儼). Sau khi Trí Nghiễm viên tịch vào năm 670, sư chính thức xuất gia tại chùa Thái Nguyên (太原寺). Sau đó sư lần lượt đi đến rất nhiều chùa để truyền bá giáo lí Hoa Nghiêm và hỗ trợ chương trình phiên dịch. Cuối cùng sư trở nên nổi tiếng trong giới quan chức triều đình nhà Đường. Sư là thầy của Hoàng hậu Vũ Tắc Thiên. Sư viết rất nhiều sách và luận giải, tác phẩm gồm có: 1. Hoa Nghiêm kinh thám huyền kí (華嚴經探玄記), 20 quyển; Hoa Nghiêm ngũ giáo chương (華嚴五教章), 3 hoặc 4 quyển; Khởi tín luận nghĩa kí (起信論義記), 5 quyển. Các đệ tử của sư gồm có Văn Siêu (文超) và Huệ Uyển (慧苑). Sư cũng là sư đệ của một đệ tử khác của ngài Trí Nghiễm – là Nghĩa Tương (義湘, k: ǔisang), người sáng lập tông Hoa Nghiêm tại Hàn Quốc. Sư kết giao thân mật với vị nầy và còn giữ liên lạc sau khi Nghĩa Tương trở về Tân La. 4. Tăng sĩ thuộc Tam giai giáo xuất thân từ chùa Tịnh Vực (淨域寺), sau được bổ nhiệm coi sóc Vô tận tạng (無盡藏) ở Phúc Quang tự (福先寺) và Hoá Độ tự (化度寺).