VII

23/ Ngày hai mươi chín tháng tư

Giảng về việc tu đạo, chư Phật chư Bồ Tát chỉ bảo dẹp trừ tập khí. Còn tập khí tức còn làm chúng sanh. Hết tập khí tức làm thánh hiền. Diệu dụng của chư thánh hiền, biết rõ phiền não tức Bồ Đề. Nếu không nhận thức rõ, thì Bồ Đề tức là phiền não. Hoán chuyển phiền não và Bồ Đề như xoay trở bàn tay. Tuy vậy, nói thì dễ nhưng làm lại rất khó. Thiền sư Điểu Khòa nói:

– Không làm các việc ác. Luôn hành những điều lành. Đứa nhỏ ba tuổi có thể hiểu lý này, nhưng lão già tám mươi hành chẳng được.

Hư Vân tôi hổ thẹn muôn phần, vì tập khí thâm trọng, không thể xoay đầu nhìn lại chính mình, cùng không thể xả bỏ chấp trước. Lúc đến am tranh này, tôi muốn lang thang ngang dọc; không đoái hoài đến người, chỉ thích đi lên ngàn đỉnh núi. Việc của thường trụ, không cần đến tôi. Nếu lo lắng nhiều việc, tức làm người bận rộn. Tôi đã từng quản lý hai ngàn nhà, tập khí chấp trước khó trừ khó xả. Nhìn sự việc mà chẳng thấu suốt thì thiên lệch vào ái trước.

Sáng nay, thầy tri sự bảo mọi người không cần ra đồng làm việc, mà tôi lại bảo phải làm. Có người nói rằng tôi rất quan liêu phong kiến. Dĩ nhiên, thầy tri sự có lý lẽ riêng; thầy bảo rằng đại chúng làm lụng quá cực nhọc, nên cần nghỉ ngơi đôi chút. Song, chánh phủ hiệu triệu, kêu gọi chúng ta phải tự nỗ lực làm ăn. Chúng ta đã vay mượn chánh phủ hàng trăm ký lúa. Sao không cố gắng hưởng ứng lời kêu gọi, tự cố gắng trồng trọt? Nhận biết mọi người đều ăn uống thiếu thốn khổ cực, và sợ giữa năm không mua đủ lúa thóc, nên tôi phải tìm cách xoay sở. Nhân vì mỗi ngày, mỗi người đáng lý ra phải được mua một ký rưởi gạo. Song, hiện tại mỗi người bị giảm bớt ba lạng. Tôi nhận thấy rằng lương thực của chúng ta chóng bị giảm bớt. Gạo ít mà không tăng gia sản xuất thì làm sao đủ ăn! Hôm nay nghỉ ngơi. Ngày mai lại nghỉ ngơi. Ngày kế, nếu trời mưa, cũng lại nghỉ ngơi. Ba ngày liên tiếp, nghỉ ngơi không làm ruộng, thì sao trồng trọt sản xuất được? Vì vậy, quý vị có bảo tôi phong kiến thì tôi là phong kiến. Song, trong phong kiến tôi chẳng có phong kiến, và trong chuyên chế chẳng có chuyên chế, nên so với cường quyền vô công lý thì không đồng. Hiện nay, mùa xuân mưa xuống khắp đồng. Nếu không thừa dịp này mà chịu cực khổ chút ít, xin hỏi giữa năm lấy gì mà ăn? Tuy nói là khổ, nhưng so với dân làng dưới núi, chúng ta làm việc rất nhẹ nhàng thảnh thơi. Dân làng mỗi ngày phụ giúp chúng ta cấy lúa để có gạo ăn. Ngày ngày, họ dầm mưa dãi nắng, không dám biếng nhác. Nếu làm biếng một chút thì sợ chúng ta không nhờ đến. Thế nên, họ chịu đựng cực khổ rất nhiều, lại cán đán làm việc rất thông thạo. Chúng ta không cực khổ bằng họ, sao nay lại than van!

24/ Khai thị trong ngày tết giữa năm

Hôm nay, tết giữa năm vốn là ngày vui của người thế tục. Là người xuất gia, chớ nên đắm trước. Khi xưa, Hư Vân tôi cũng tùy thuận thế tình, sống gần thành phố, được người cúng dường bánh chưng. Chùa chiền cũng hưởng tết như thế tục. Hiện tại, núi Vân Cư không có ai cúng dường bánh chưng. Bánh chưng vốn để cúng cho quỶ thần, sao chúng ta lại đi gói bánh này? Nấu nướng bánh chưng thật uổng phí công sức, thời gian, mà chỉ nên nấu cơm nếp để ăn tết thôi.

Người người sống trên thế gian, phải nên lưu tiếng tốt lại thiên cổ, chớ để vết nhơ ngàn năm. Quốc gia trọng nhất là trung, nghĩa, tiết, lễ. Đệ tử Phật một niệm không sanh liền nhận ra bổn lai diện mục của mình, còn hơi sức đâu để ý đến điềm lành họa phúc. Song, nếu chưa đạt đến lý vô sanh thì chưa có thể tránh khỏi điềm lành dữ họa phúc.

Vài ngày qua, có nhiều cơn bão lụt. Năm ngoái, bão lụt xảy ra cũng trong những ngày này. E rằng bão lụt năm nay phá hoại mùa màng nghiêm trọng hơn những năm trước. Vì xả chấp trước không nổi, tôi đi ra ngoài cửa núi, thấy dưới chân núi nước chảy lan tràn như biển cả. Lúa mạ trên đồng bị tổn hoại rất nhiều so với năm rồi. Lương thực của dân chúng không biết ra sao! Tài chánh và việc mua thực phẩm của chúng ta cũng trở thành vấn đề rắc rối. Thế nên, đại chúng hãy cố gắng chịu cực khổ để qua cửa ải này.

Những lần ngoài chợ không có bán gạo, may mắn nhờ ơn chính phủ chiếu cố, nên mua được lúa thóc. Lúc trước, mỗi người mua được một ký rưởi gạo. Hiện nay, bị giảm bớt bốn lượng, chỉ còn hai mươi lượng. Một trăm cân lúa, xay ra chỉ còn bảy mươi cân gạo. Mua nhiều lúa thì không được. Một trăm ký lúa tốn hai mươi đồng. Một trăm ký bột gạo tốn bốn mươi đồng. Tốn hao rất nhiều, nhưng chẳng mua thì không thể được. Đại chúng hãy lượng ước mà ăn. Từ đây về sau, không thể ăn cơm, mà chỉ ăn cháo. Mua lúa thì sợ rằng mua không được, mà lúa trồng thì chưa chín. Chúng ta hãy nhổ khoai tây, nấu chung với cháo mà ăn. Mỗi cân khoai tây, mắc một đồng hai mươi xu. Giá khoai mắc hơn giá gạo. Song, khoai do chúng ta tự trồng, nên không tốn hao tiền. Ăn khoai độn với cháo, hãy cố gắng vượt qua cửa ải gian nan này.

25/ Rằm tháng năm

Lễ Bố Tát ở tùng lâm được tổ chức hai lần trong mỗi tháng, tức là ngày rằm và cuối tháng. Chiếu theo kinh Phạm Võng và Tứ Phần giới bổn, nửa tháng tụng giới một lần. Nay tôi đơn lược giải thích. Giới, tiếng Phạn gọi là Thi La. Tàu dịch là Tịnh Trụ, Thiện Trụ, Trưởng Dưỡng. Mỗi nửa tháng, tập hợp đại chúng để thuyết giới, khiến tỳ kheo trụ trong tịnh giới, và có khả năng trưởng dưỡng pháp lành. Phật quán thấy tất cả chúng sanh bị khổ não trong vòng luân hồi, vì bỏ giác hợp với trần lao, tập khí nặng nề. Do đó, Ngài phải phương tiện chế ra giới luật, để khiến họ đoạn trừ tập khí, bỏ trần lao mà hợp với tánh giác.

Luật tức bàn về giới luật. Tiếng Phạn gọi là Tỳ Nại Da. Tàu gọi là Diệt hay Luật; tân dịch là điều phục. Giới luật diệt các điều xấu ác, nên gọi là diệt. Luật pháp ở thế gian phán xét tội nặng nhẹ, cũng gọi là luật. Điều hòa các nghiệp thân miệng ý, cùng chế phục các hạnh ác, nên gọi là điều phục. Quy thức của giới luật rất nhiều. Sợ quý vị quên mất nên Phật dạy rằng mỗi tháng phải tụng giới hai lần. Giới Bồ Tát là thể. Giới tỳ kheo là dụng. Trong ngoài nếu nhất như, thì thân tâm được tự tại. Tụng giới chẳng phải chỉ dùng miệng lưỡi đọc văn từ, mà tụng được thì phải hành được. Giảng đến việc trì giới thật rất khó khăn. Lệch một chút, liền phạm giới. Trì giới như đầu đội chảo dầu sôi; nếu không cẩn thận, để nghiêng lệch chút ít, thì dầu liền đổ ra, tức là phạm giới. Mỗi nửa tháng tụng giới xong, phải nhớ phải hành. Miệng tụng, tâm tư duy, để khi gặp cảnh đối duyên thì không phạm giới, và không khởi mười điều ác. Vì những lý do đó, Phật bảo chư tỳ kheo phải tụng giới hai lần trong một tháng.

Người sơ phát tâm tu đạo, cung cách bên ngoài phải nên cẩn thận. Rất nhiều vị lão tăng, cung cách diện mạo cũng chưa hợp với đạo cho lắm. Nếu một đời chất trực, tinh tấn chuyển hóa, hun đúc thân tâm, mọi nơi mọi thời đều không để phạm giới, thì mới được xem là tỳ kheo thanh tịnh. Trong giới luật, tuy có phân tánh giới, giá giới, nặng nhẹ, nhưng chớ phạm giới nào. Trì giới thanh tịnh như trăng sáng mùa thu, thật không dễ dàng, phải nên chú ý. Lúc tỳ kheo tụng giới, người chưa thọ giới không thể lắng nghe. Các Sa Di phải đến trai đường tụng giới, rồi nghe hòa thượng phó chúc dạy bảo.

Quý vị chớ quên bổn phận xuất gia. Biểu hiện tướng xuất gia không khó, chỉ việc cạo tóc đắp y ca sa liền được gọi là tăng sĩ. Hiện tại, có nhiều cư sĩ thường cạo đầu. Thế thì ai là tăng sĩ chân thật? Như người uống nước, tự biết lạnh nóng. Hy vọng mọi người hãy nên tinh tấn.

26/ Ngày mười sáu tháng năm

Đêm qua tôi đã nói về việc tụng giới pháp hai lần trong một tháng, tức ngày rằm và đầu tháng. Đây là lời giáo huấn phát xuất từ kim khẩu của đức Thế Tôn. Khi Phật sắp nhập Niết Bàn, tôn giả A Nan hỏi:

– Bạch đức Thế Tôn! Chư tỳ kheo đời vị lai phải tôn ai làm thầy?

Phật bảo:

– Tỳ kheo các ông, sau khi Ta diệt độ, phải nên tôn kính Ba La Đề Mộc Xoa, như mờ tối được sáng, như người nghèo được châu báu. Nên biết, giới pháp chính là bậc đạo sư của các ông, không khác gì như Ta còn tại thế.

Ba La Đề Mộc Xoa tiếng Tàu gọi là biệt giải thoát, tức bảy phi năm thiên giới cấm của thân miệng. Nếu không phạm thì mới được giải thoát. Tôn Ba La Đề Mộc Xoa làm thầy, tức kính giới là bậc đạo sư.

Giới pháp có rất nhiều loại. Do đó, sợ rằng dễ dàng quên mất và phạm đến, nên mỗi nửa tháng phải tụng giới một lần để trì giữ. Đã thọ giới nào thì phải thường tụng, và nghe giới đó. Chưa thọ thì không được tụng hay nghe giới. Chưa thọ giới mà lại tụng giới, thì bất hợp pháp. Vì vậy, trước khi thọ giới, thầy tụng giới hỏi:

– Người chưa thọ giới Bồ Tát, trong đây có ra khỏi chưa?

Thầy Duy Na đáp:

– Trong đây không có ai chưa thọ giới Bồ Tát.

Lúc tụng giới tỳ kheo, cũng phải hỏi như thế. Đệ tử Phật có bảy hạng: Một là Tỳ Kheo. Hai là Tỳ Kheo Ny; đây là nam nữ thọ giới Cụ Túc. Ba là Thức Xoa Ma Na, tức người nữ tập học sáu giới pháp. Bốn là Sa Di. Năm là Sa Di Ni; đây là nam nữ thọ mười giới. Sáu là Ưu Bà Tắc. Bảy là Ưu Bà Di; đây là nam nữ thọ năm giới căn bản. Sa Di không được nghe chư Tỳ Kheo tụng giới, vì sợ rằng nếu Sa Di thấy Tỳ Kheo phạm giới liền sanh tâm cống cao ngã mạn, khinh bỉ chư tăng. Thế nên, trước khi tụng giới, Sa Di đến trai đường, đảnh lễ quỳ xuống. Vị Thượng Tọa liền vỗ ấn, bảo:

– Các Sa Di hãy lắng nghe! Thân người khó được, giới pháp khó nghe. Thời giờ qua mau, đạo nghiệp khó thành. Mỗi người phải tự thanh tịnh thân miệng ý, chuyên cần học tập kinh luật luận, cẩn trọng chớ nên làm biếng.

Chúng Sa Di thưa:

– Chúng con y giáo phụng hành.

– Các ông có khả năng tín thọ phụng hành. Vậy hãy đứng dậy, lễ bái rồi lui ra.

Sau khi Sa Di lễ bái và lui ra, chư Tỳ Kheo mới bắt đầu tụng giới. Đã thọ giới Phật chế, liền đắc giới thể thanh tịnh, tức được giải thoát, nhập quả vị Phật, đồng như đấng đại giác, mới là Phật tử chân chánh. Thọ giới pháp của chư Phật là một việc rất hy hữu. Vì vậy, sau khi thọ giới, phải nên cẩn trọng hộ trì giới pháp. Thà chết mà vẫn giữ giới, còn hơn sống mà mất giới.

Luật Tăng Kỳ viết: “Nước Ba La Chi có hai vị tỳ kheo cùng nhau đến thành Xá Vệ, định vấn pháp nơi đức Thế Tôn. Giữa đường, miệng khát mà không có nước uống. Khi đến một giếng nước, vị Tỳ Kheo thứ nhất liền lấy tay vớt nước uống. Vị Tỳ Kheo thứ hai thấy nước có trùng, nên không dám uống. Thấy vậy, vị Tỳ Kheo thứ nhất hỏi:

– Sao Thầy không uống nước?

Vị Tỳ Kheo thứ hai bảo:

– Đức Thế Tôn chế giới, không được uống nước có trùng.

– Nếu không chịu uống, chắc Thầy phải chết khát, thì làm sao gặp được đức Thế Tôn?

– Thà thân này chết, chớ không dám phạm giới Phật chế.

Chẳng bao lâu, vị thầy thứ hai bị chết vì khát, nhưng thần hồn lại vãng sanh lên cung trời Đao Lợi, được thân trời đầy đủ phước báo. Tối hôm đó, vị trời này liền bay đến nơi Phật trú, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi nghe pháp yếu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm sau, vị tỳ kheo uống nước có trùng, đi đến nơi Phật trú.

Phật biết duyên cớ, nhưng vẫn cố ý hỏi:

– Ông từ đâu đến, đi có bạn không?

Vị tỳ kheo kia liền thuật lại sự tình. Nghe xong, Phật quở:

– Ông là kẻ ngu si, không xứng đáng đến đây gặp Ta. Người gặp Ta đầu tiên, chính là tỳ kheo chết khát. Nếu có tỳ kheo, phóng dật giải đãi, không nhiếp các căn, tuy cùng sống chung với Ta một nơi, mà thật rất xa Ta. Tuy gặp nơi đây, nhưng Ta thực chẳng thấy ông. Nếu các tỳ kheo ở nơi bờ bể, không phóng dật giãi đãi, thường luôn tinh tấn, thúc liễm các căn, tuy ở xa nhưng Ta thường thấy và thường gần gũi người này”.

Từ sáng đến tối, so với vị tỳ kheo giữ giới, chúng ta giống như trư bát giới, chim thiêu khí chướng, vậy có phải là Phật tử chân chánh không? Phật chế giới cho chư tỳ kheo là trước khi uống nước, phải dùng đãy lọc nước. Lọc xong rồi mới được dùng. Hiện nay ở trong nước, ai thường dùng đãy lọc nước? Phật cũng chế giới phương tiện là khi uống chỉ dùng mắt thường mà nhìn xem nước có trùng hay không, chứ không nên dùng thiên nhãn. Nếu nhìn bằng thiên nhãn, thì sẽ thấy trong nước có rất nhiều côn trùng, nên không thể uống được. Nếu miễn cưỡng mà uống, thì phạm giới cấm. Chiếu theo quy định của quyển Tỳ Ni Nhật Dụng, trước khi uống nước, dầu có thấy trùng hay không, đều phải tụng kệ chú. Kệ viết: “Phật quán thấy trong một cốc nước, có tám muôn bốn ngàn côn trùng. Nếu không trì chú này, như ăn thịt của chúng sanh”.

Chú viết: “Án bạt tất ba la ma ni sa ha”.

Thời gian qua mau, mỗi ngày mười hai thời: Sáng sáu thời, và chiều sáu thời. Mỗi ngày có hai mươi bốn tiếng. Mỗi tiếng có bốn khắc. Mỗi khắc có mười lăm phút. Mỗi phút có sáu mươi giây. Thời giờ trôi qua mau trong từng sát na; bỗng chốc lại vụt đến già. Các vị sa di, từ lúc lọt lòng cho đến nay, chớp mắt đã được hai ba mươi tuổi. Quý vị có thấy thời gian trôi qua mau, mà đạo nghiệp khó thành chăng? Người vừa xuất gia, đạo tâm rất chân thành, nhưng vì đạo nghiệp chưa thành, nên ngày lại qua ngày, trở thành lười biếng. Vì thế bảo:

– Năm đầu xuất gia, thấy Phật trước mắt. Năm sau, thấy Phật ở Tây Thiên. Năm thứ ba, hỏi Phật cho tiền.

Nếu đạo tâm không bền vững dài lâu, thì đạo nghiệp khó thành. Đạo tâm như sương mai buổi sáng, thì làm sao cắt đứt sanh tử? Do đó, lời phó chúc cuối cùng của tôi:

– Mỗi người phải thanh tịnh thân miệng ý, chuyên cần tu học kinh luật luận, cẩn trọng chớ phóng dật lười biếng.

Tôi xin khuyên quý vị hãy tinh tấn, chớ để thối tâm. Khổng Tử bảo:

– Phải thường hành những điều đã học.

Chớ phân biệt ngày đêm sáng tối, đi đứng nằm ngồi, mà phải giặt giũ rèn luyện thân tâm, khiến ba nghiệp thanh tịnh.

Kinh là đường lộ, tức con đường thoát khỏi sanh tử. Luật tức là giới luật, bao gồm năm giới, mười giới, cụ túc giới, Bồ Tát giới. Luận tức là những lời trước tác của các vị đại đệ tử Phật về việc phát dương diệu nghĩa trong kinh và luật. Các vị sa di phải nên phát tâm vì đạo, thường chuyên cần tu học kinh luật luận, chớ để phí uổng thời giờ.

27/ Ngày mười bảy tháng năm

Xưa kia, Triệu Châu hỏi Nam Tuyền:

– Thế nào là đạo?

Nam Tuyền đáp:

– Tâm bình thường là đạo.

– Có thể hướng đến được không?

– Nếu vừa nghĩ hướng đến tức có giai cấp.

– Nếu không suy nghĩ thì làm sao biết đó là đạo?

– Đạo không bám chấp vào cái biết hay cái không biết. Biết tức là vọng giác. Không biết tức là vô ký. Nếu thật sự đạt đến chỗ không còn nghi ngờ gì về đạo, giống như hư không, rộng rãi thênh thang, sao còn bám vào thị phi nhân ngã?

Triệu Châu nghe lời này bèn ngộ đạo.

Chúng ta bắt chước người xưa, nói lời trống rỗng, bảo để tâm bình thường, mà tâm này ai ai cũng có, nhưng thấy được đạo gì? Điều trọng yếu là nếu nhận ra tâm bình thường, thì nơi nơi đều là đạo. Không nhận biết tâm bình thường thì điên đảo suốt ngày. Tại sao? Chúng ta không chịu xoay đầu, nhìn lại chính mình, chỉ lo hướng ngoại truy cầu, bỏ tánh giác, hợp với trần lao. Từ sáng đến tối, lưu chuyển theo ngoại cảnh, bỏ đạo rong đuổi bên ngoài, tìm sờ không được gương mặt của mình. Sao gọi là tâm bình thường? Tâm bình thường tức là tâm dài lâu. Từ đầu năm đến cuối năm, từ sanh đến tử, thường thường như thế, mới gọi là tâm bình thường. Ví như người thế tục, nếu tiếp đãi khách quen thuộc, thì chỉ dùng cơm nước bình thường, mà không bày biện món ngon vật lạ. Tiếp đãi như thế, có thể làm dài lâu, tức là bình thường. Nếu khách quý đến, phải bày biện món ngon vật lạ, nhưng chỉ có thể thiết đãi trong vài ngày, nên nào phải là bình thường. Nhà nhà không thể thường có lễ lộc, vì chiêu đãi khách khứa bất bình thường thì không thể làm dài lâu. Người tu đạo, nếu dụng tâm không tạo tác, không an bài, không cải biến, không có lời hoa ngôn xảo ngữ, tức là hợp với đạo, tức là tâm bình thường, và tức là khởi trực tâm. Lục Tổ bảo thiền sư Trí Hoàng:

– Nếu tâm ông như hư không, chẳng chấp không kiến, ứng dụng vô ngại, động tĩnh vô tâm, tình ái phàm thánh đều quên, năng sở đều câu thông diệt mất, thì tánh tướng như như, không thời bất định.

Những lời này, bàn về tâm bình thường. Nếu không thể tu hành tương ưng với những lời dạy đó thì luôn sống trong hang động quỶ ma, tức tâm không bình thường.

Đêm qua, tôi có nói đến giới luật. Người vừa phát khởi tín tâm, liền quy y Tam Bảo, cầu thọ năm giới. Tiến lên một bước, biết đời người là khổ, nên xả tục xuất gia, vào núi tu đạo. Nhận biết tỳ kheo là tôn quý, nên phát tâm thọ giới cụ túc. Lại phát tâm rộng lớn, cầu thọ giới Bồ Tát. Tại giới đường, nghe thầy dẫn lễ bảo:

– Phải luôn khởi tâm sám hối, hổ thẹn.

Khi ấy, vì sợ khổ đau trong sáu đường luân hồi mà phát tâm tu hành. Nghe pháp mà rơi lệ.

Tiếp đến, hòa thượng giới sư bảo:

– Quý vị có thể trì giới được không?

Các tân giới tử liền đáp:

– Chúng con có thể phụng trì.

Như thế, liền thọ xong giới. Song, vừa thọ giới xong các thói quen tật xấu lại phát sanh, khiến thối thất đạo tâm, tức tâm không bình thường. Nghĩa là cứ mãi dùng tham sân si làm tâm bình thường.

Người hiểu đạo, động tĩnh vô tâm, không nghĩ thiện ác. Tánh không tức vô tâm. Vô tâm tức là đạo. Người vừa xuất gia, không biết như thế nào là Phật pháp, quy củ, tu hành. Nếu muốn cắt đứt sanh tử, phải hành theo quy củ. Khổng Tử chế lễ nhạc chẳng ngoài việc dạy quy củ cho người. Thân chấp trì giới pháp tức là trừ khử tập khí. Thân được tự do, thì tâm có chỗ để nương y.

Người xưa có viết kệ về bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi:

“Cử tiếng niệm Phật, nước chảy chậm

Tụng kinh hành đạo, nhạn du hành

Chắp tay trước ngực, như bưng nước

Thân thẳng trên đầu, tựa chén dầu

Xem trước nhìn sau, nhẹ nhàng bước

Phải trái xoay thân, khép nửa mắt

Oai nghi động tĩnh, thường như thế

Chẳng uổng cửa không, làm tỳ kheo”.

Âm thanh ngọc ngà trong trẻo thanh khiết, xưng niệm thánh hiệu chư Phật, tức là hành pháp môn niệm Phật. Tiến lên một bước, tự hỏi mình rằng ai đang niệm Phật, tức tham thiền. Không chịu xoay đầu nhìn lại chính mình, miệng chỉ niệm Phật mà tâm lại khởi vọng tưởng, lưu chuyển theo vọng tình. Nếu như thế, niệm Phật thật vô dụng. Khi niệm Phật, miệng niệm tâm phải tư duy, và dùng trí quán chiếu; âm thanh không nhanh không chậm, như nước chảy từ từ. Miệng niệm, tai lắng nghe, không khởi vọng tưởng, thì niệm niệm lưu nhập vào biển khổ Ta Bà. Nghe một danh hiệu Phật, được vô lượng công đức. Chỉ dùng một danh hiệu Phật, mà có thể độ vô lượng chúng sanh. Khi tụng kinh, hoặc nhìn thẳng mà đọc, hoặc ngồi mà đọc, hoặc quỳ mà đọc, hoặc mặc niệm mà đọc, hoặc học thuộc lòng, v.v…, mọi cách thức đều được cả. Tùy theo kinh văn mà quán tưởng, và xem trong kinh bàn luận về đạo lý gì. Hành đạo tức đi kinh hành. Đi từng bước chân chậm rãi, không loạn động, không nghiêng bên đông, ngả bên tây, mà đi như nhạn bay trật tự trên nền trời. Từng bước đi không khẩn cấp, không chậm chạp. Mọi cử chỉ hành động đều dụng công. Chấp hai bàn tay lại mà chẳng để vô tâm. Mười ngón tay khắn khít với nhau, không chênh lệch, không co giản, dạng trạng như bưng cốc nước. Nếu nghiêng lệch, thì nước liền đổ ra. Thân đứng thẳng như cây tùng. Hai bàn chân hợp lại thành chữ bát. Hai ngón chân cái cách nhau khoảng tám phân. Hai gót chân cách nhau khoảng hai phân. Gáy cổ phải chạm cổ áo. Đầu thẳng thừng, không nghiêng ngửa, như đang đội chén dầu, nếu không chú ý thì sẽ đổ xuống. Đi như gió, phải xem xét trước sau. Bước đi nhẹ nhàng, không kéo lê giày dép. Đi trên cầu thang, chớ làm vang tiếng động lớn. Cỏ xanh chớ dẫm, phải thương mến hộ trì sanh vật. Mắt chỉ nên mở phân nửa, nhìn không quá năm bảy thước. Đi đứng nằm ngồi, oai nghi nếu trang trọng nghiêm túc, sẽ khiến người nhìn, sanh tâm cung kính. Lúc đầu, nếu không tự khiển trách, thì tương lai làm sao giáo hóa chúng sanh được! Tự thúc thủ hành vi chân chánh, không bị đọa lạc, thì mới nhiếp hóa chúng sanh. Có tu đạo hay không, cử chỉ hành động như thế nào, người khác nhìn vào liền biết rõ. Tâm bình thường tức là tâm trước sau như một. Trải qua bao phong ba hiểm nạn, tâm này vẫn như như bất động.

Ví như Hám Sơn lão nhân, Ngài là bậc mô phạm cho chúng ta. Ngài sanh vào đời nhà Minh, ngày mười hai tháng mười năm Gia Tĩnh thứ hai mươi lăm (1546). Năm mười hai tuổi, xin cha mẹ cho xuất gia, rồi lễ hòa thượng Tây Lâm tại chùa Báo Ân, ở Nam Kinh, làm thầy thế độ. Sau đó, Ngài thọ giới cụ túc nơi hòa thượng Vô Cực. Sau khi hòa thượng Tây Lâm viên tịch, dầu chỉ mới được hai mươi tuổi, mọi việc lớn nhỏ trong chùa, đại chúng đều nghe theo sự quyết định của Ngài. Sau này, Ngài theo đại sư Vô Cốc ngồi thiền tại chùa Thiên Giới. Năm hai mươi tám tuổi, nhân du hành đến núi Ngũ Đài, thấy cảnh núi Hám Sơn thâm sâu hùng vĩ, nên Ngài tự lấy tên núi mà đặt danh hiệu cho mình. Năm hai mươi chín tuổi, Ngài duyệt xem “Triệu Luận”, bèn liễu ngộ mà không bám văn nghĩa. Thiền sư Cao Phong, pháp lữ của Ngài, bảo:

– Xin chúc mừng! Thầy có vốn trụ núi rồi!

Năm ba mươi tuổi, Ngài đốn ngộ, bèn viết kệ:

“Chớp mắt tâm niệm cuồng dừng

Căn trần nội ngoại đều thấu suốt

Thân bay độc phá thái hư không

Vạn tượng xum la từ khởi diệt”.

Từ lúc cắt tóc xuất gia, đến năm bảy mươi mốt tuổi, đôi chân Ngài đi du hành khắp nơi. Mỗi lần Ngài lên tòa thuyết pháp, nói một hơi cả ngàn lời. Việc này được thị giả ghi lại đầy đủ trong quyển tiểu sử niên giám của Ngài. Sự tích về cuộc đời Ngài, kể rõ rằng trong bao thập niên, dầu hoàn cảnh thiên biến vạn hóa, chịu muôn ngàn khổ đau, nhưng đạo tâm thủy chung bất biến. Đó là tâm bình thường, dài lâu. Lúc bị đày đến Lôi Dương, Ngài có viết bài Quân Trung Ngâm:

“Cởi áo tu liền đổi dạng

Vốn tin tùy duyên là đạo tràng

Chịu đựng nắng gắt như lửa cháy

Nan tiêu băng tuyết lạnh tâm tràng”.

Tâm Ngài kiên cố bất biến, mới thổ lộ ra những lời này. Ngài chính là bậc mô phạm cho chúng ta.

Ngày nay, Phật pháp bị suy vi quá mức, vì trải qua bao phong ba bão táp. Trước ngày giải phóng, tăng ni toàn quốc có khoảng tám trăm ngàn vị. Năm ngoái, chỉ còn bảy mươi ngàn vị. Trong mười người thì có tới chín người hoàn tục. Đó là vì tâm không dài lâu, và không kiên cố. Bị lửa đốt một chút là chân đứng không yên. Nếu là Phật tử chân chính, phải nên lập chí nguyện, có đầy đủ tâm tràng sắt đá. Đầu tiên phải học oai nghi, tuân theo quy củ, mà không sợ kẻ khác bảo mình là người cứng đầu. Phải giữ tâm đến chết, mãi mãi tôn kính giáo giới của Phật. Do bao kiếp trồng căn lành, nên đời này mới được vào cửa Phật. Phải nỗ lực cầu đạo, trừ khử tập khí. Làm được những việc này rồi, thì từ từ sẽ trở thành những bậc đại tu hành, sớm đắc nhập lý thể. Chớ chạy vào chợ búa danh lợi, làm tay sai cho quốc vương. Tâm phải kiên cố, vĩnh cửu không đổi. Tâm bình thường động tĩnh nhất như.

28/ Ngày mười tám tháng năm

Trong quyển Thiền Môn Nhật Tụng có bài Phí Nhàn Ca của đại sư Hám Sơn. Mười câu đầu nói về mười việc khó. Mười việc khó đó, nếu bàn thì chỉ phí sức, mất thời gian, vô dụng, nên gọi là Phí Nhàn Ca. Nếu làm được mười việc này thì liễu thoát khỏi sanh tử. Mười việc này gồm có: Thể hội đại đạo khó; giữ quy củ khó; gặp thầy hiền khó; vượt khỏi trần lụy khó; tâm chân thật khó; ngộ đạo khó; giữ cửa ải khó; có tín tâm khó; có tâm cung kính khó; hiểu rõ lời kinh khó.

So với người xưa, tôi cảm thấy rất xấu hổ, không dám ra vẻ đạo mạo. Người khác xem tôi là kẻ lỗi thời, nhưng cũng có kẻ cho rằng tôi có đạo đức. Việc này tôi chẳng dám nhận. Lại nữa, có kẻ khác nhận ra tánh xấu của tôi. Những việc này, như người uống nước, lạnh nóng tự biết. Đây không phải là lời khách sáo. Người xưa bảo:

– Vẽ hổ vẽ da, khó lường cốt. Biết người biết mặt, chẳng biết tâm.

Tôi rất xấu hổ, ai nào biết đến? Trải qua bao năm, tôi chỉ lừa Phật ăn cơm. Quý vị chắc không tin điều này, cũng không hiểu nỗi khổ tâm của tôi. Khổ não vì nghiệp chướng, nói ra chẳng được. Hiện tại, chỉ ăn không ngồi rồi; muốn giảng giải mà thuyết chẳng hay. Thật ra những lời tôi nói ra, đều là điển chương của người xưa, hoặc là nước miếng của người khác. Tất cả đều là mắt thấy tai nghe, mà trong bao tử lại trống không. Chư Phật cùng thánh hiền, chỉ truyền một tâm ấn, không nói lời nào. Phật Tổ tương truyền, không ngoài việc đó. Người xưa nói được thì làm được. Riêng tôi thì nói được mà làm lại không được. Kẻ sáng mắt hiểu lời này, và nhắc nhở rằng tại sao tôi không tự giảng giải cho mình!

Ngày trước, tại Hàng Châu có người gởi thơ ẩn danh, chỉ trích tôi: “Có người tự nghĩ rằng mình là bậc tổ sư của thiền tông. Tự tôn tự đại, nhưng phần nhiều lại thầm lặng chấp không. Tuy tri giải đầy cả bụng, nhưng đối với bổn phận thì chẳng tương ưng chút nào. Chỉ a dua chạy theo quyền thế, thâu nhận lắm môn đồ. Tuy danh huyên náo một đời mà lại trống không… Vì thế, không thể lạm truyền giới pháp cho những người bất thánh bất hiền (tức những người xấu). Gặp những ai phải nên truyền mà lại không truyền, thì phải chịu phần trách nhiệm. Nếu truyền giới cho những người không nên truyền thì cũng phải chịu trách nhiệm. Không biết Đại Sư đã từng gặp người nên truyền mà lại không truyền, người không nên truyền mà lại đi truyền chưa?… Thứ nhất, hòa thượng mà để tóc dài, tức loại Sa Môn tệ hại, khiến mở cửa cho ngàn đời sau, phá gia phong giới pháp, lưu vết nhơ muôn thuở, kẻ hậu học chê cười. Thứ hai, biến cố tại Vân Môn, chẳng rõ cớ sự, chỉ tự an ủi rằng việc này do quả báo túc nghiệp, khiến cho ba tăng bị mất tích, một vị tăng bị vong mạng. Hai việc này, chứng minh công đức Đại Sư thâm sâu quá nhỉ? Khổng Tử bảo:

– Tôi rất may mắn vì cẩu thả tạo tội, mà người người đều biết.

Thơ chỉ trích này, chính là bậc thiện tri thức của tôi, thật rất tri ân. Tiếc thay, thơ không đề tên, lại không có địa chỉ hồi đáp. Người đó bảo:

– Nhờ thần minh của Đại Sư, có thể biết được. Nếu có duyên với nhau, thỉnh cầu Đại Sư hồi đáp.

Vì thế, tôi viết một lá thơ, gởi đến Hàng Châu, nhờ pháp sư Tâm Văn, kiểm xem lá thơ đó do ai viết, để hồi đáp thơ từ. Người đó bảo tôi rằng “tự xưng là bậc tổ sư; làm thầy tri thức của các học nhân; hạnh giải được tương ưng; làm bậc long tượng trong tông môn. Không hổ thẹn làm con mắt của trời người. Ngoài Đại Sư ra, còn có ai đảm đương nổi!”

Việc chỉ trích đầu tiên của người đó là tôi “tự xưng là bậc tổ sư của thiền tông”. Tôi nào dám tự xưng là bậc tổ sư như thế đâu. Song, người này lại tán thán “ngoài Đại Sư ra, còn có ai đương đảm nổi!”

Lời này tôi thật không dám thừa nhận. Hỏi về việc truyền giới pháp, chính tôi không biết mình có đắc giới hay không, sao lại dám bảo truyền được hay không truyền được? Luận về việc hòa thượng để tóc dài, người khác thật không hiểu cho tôi. Lúc vừa xuất gia, vì chưa hiểu đạo lý, nên tôi lầm ngộ học hạnh đầu đà, quấn tóc kim cô. Sau này, bị thiện tri thức mắng chửi, nên mới cắt tóc. Từ đó, mỗi năm đến đêm trừ tịch, cắt tóc một lần. Bình thường, tôi không cắt tóc và cạo râu. Tôi vốn không có ý muốn để râu tóc dài. Chiếu theo giới pháp, phải nên cắt bỏ râu tóc. Phong tục ở Trung Thổ là dùng râu tóc làm tướng đại trượng phu. Thân thể, râu tóc, thọ từ cha mẹ, nên rất nhiều chư Tổ Sư ở Trung Thổ, vì hiếu thuận như người thế tục, mà lưu râu tóc lại.

Bàn về sự biến ở Vân Môn, người này lại trách tôi không rõ việc. Thật ra, việc này chẳng can hệ gì với tôi. Ai mất tích, ai vong mạng, tôi nào biết đến! Chư Tổ Sư xưa nay gặp nạn do quả báo túc nghiệp rất nhiều. Những lời này, vì tôi vẫn còn chấp, nên mới đối đáp. Vào lúc bình thường, dùng lời người xưa để khuyên nhủ người khác, nhưng khi chính tự gặp nghịch cảnh, thì tự mình giải mở không nổi. Tin những lời chân thật của người xưa, nhưng hành không được, thật uổng công phí sức. Đàm luận thuyết không không cũng vô ích. Hận cho mình chỉ lo nói suông chữ Không tầm xào. Tuổi già bịnh hoạn, không sức hành trì; khác với người xưa, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết, đến đi tự tại.

Quý vị sơ phát tâm, đồng môn tham học, chớ đề cao hư danh, chớ nghe những lời rỗng tuếch của tôi. Nếu không tự nỗ lực tu hành, chỉ lo hướng ngoại truy cầu, thì không thể trụ tâm được. Hành trì không hạn cuộc tại gia hay xuất gia. Cả hai đều giống nhau.

Hôm nay, kể cho quý vị nghe một điển tích. Đời Minh, ở tỉnh Vân Nam, có một vị họ Thái, sống ngoài thành Tiểu Đông tại Côn Minh. Cha mẹ qua đời, để lại tài sản điền viên, nên cuộc sống sung túc. Song, ông vẫn cần mẫn lao động, tự trồng rau, đem ra chợ bán để sinh sống. Vợ trẻ đẹp, nhưng háu ăn làm biếng, thường cùng Dã Hán Tử tư thông. Ông tuy biết, nhưng không nói năng gì. Lâu sau, cô vợ không e ngại, nên ngày ngày tư thông với Dã Hán Tử, chẳng thèm đoái hoài đến chồng. Ngày nọ, ông đem rau ra chợ bán, rồi mua rượu thịt, trở về nhà thật sớm. Lúc đó, Dã Hán Tử đang tư thông cùng cô vợ, chưa kịp ra khỏi nhà, nên phải ẩn núp dưới sàng giưòng. Vào nhà, ông xuống bếp làm cơm. Cô vợ tuy biết có việc chi không hay, nhưng làm bộ rửa mặt, rồi vào nhà bếp, phụ ông chồng nấu nướng. Nấu nướng xong, ông bảo cô vợ bày biện chén đũa. Lúc cô vợ đặt để hai chén cơm, ông lại bảo:

– Hãy đặt thêm một chén cơm. Hôm nay tôi đãi khách.

Vừa đặt chén bát xong, ông bảo cô vợ mời khách ra ăn cơm uống rượu. Cô vợ ra vẻ kinh ngạc:

– Khách ở đâu?

Ông bảo:

– Ở trong phòng.

Cô vợ run rẩy nói:

– Chàng chớ nói bậy. Trong phòng làm gì có khách!

– Chớ sợ sệt, không có chuyện gì đâu! Hãy mời hắn ra. Nếu không chịu ra, tôi sẽ cho hắn một đao.

Cô vợ bất đắc dĩ phải vào kêu Dã Hán Tử ra. Ông mời Dã Hán Tử ngồi trên ghế cao, rồi cung kính, đưa rượu cho uống. Thấy Dã Hán Tử ngập ngừng, vì sợ trong rượu có chất độc, ông cầm ly rượu lên uống. Lúc đó, Dã Hán Tử mới an tâm. Ăn uống no nê xong, ông đứng dậy, lễ Dã Hán Tử ba lạy, bảo:

– Hôm nay thật là duyên lành! Vợ tôi trẻ đẹp, không ai ngó đến, nhưng nay được ông chiếu cố, thật là may mắn. Gia tài và vợ của tôi đây, nay giao cho ông hết. Xin hãy tiếp nhận!

Dã Hán Tử và cô vợ đều không dám nói năng chi. Ông liền cầm đao, bảo:

– Nếu không đáp ứng, tôi sẽ lấy mạng các người!

Hai người không biết làm gì, chỉ vâng dạ. Từ đó, một mình tay không, ông rời nhà đi đến núi Trường Tùng am Tây Lâm để xuất gia. Nơi đó, ông vừa tu hành vừa trồng rau để sinh sống. Sau này, công phu có phần tương đắc.

Bàn về Dã Hán Tử, sau khi thọ nhận tài sản và sắc đẹp, chỉ lo ăn uống chơi bời biếng nhác. Ngày ngày mắng chửi đánh đập cô vợ. Ăn ở không yên, cô vợ rất hối hận, chạy đến am Tây Lâm, thỉnh cầu ông chồng cũ trở về. Tưởng đâu ông sẽ vui mừng, nhưng ông lại chẳng thèm đếm xỉa đến cô ta. Sau này, Dã Hán Tử phá sạch cả gia tài, khiến cô vợ không còn nơi nương tựa. Nhớ đến ân tình của chồng cũ, cô ta định báo đáp. Lúc trước, ông thường thích ăn cá tươi đuôi vàng ở Côn Dương. Cô vợ liền đi mua vài con, đem về nướng, rồi mang đến am Tây Lâm. Ông cầm và bảo:

– Tôi tiếp nhận ân tình của cô, nhưng sẽ phóng sanh những con cá này.

Cô vợ bảo:

– Chúng đã bị nướng, không thể phóng sanh!

Ông liền bỏ cá xuống nước. Đàn cá đều sống lại. Hiện nay, trong những truyện cổ tích tại Hắc Long Đàm ở Côn Minh, có nhắc đến loại cá đó. Ông Thái tuy là người thế tục, nhưng đối với tài sản vợ con, đều xả bỏ được hết, nên tu đạo được thành công. Nay khuyên quý vị, hãy xả bỏ muôn duyên, nỗ lực tu hành, thì quả thánh sẽ có kỳ!

29/ Ngày hai mươi tháng năm

Pháp của Phật thuyết ra, có thiên kinh vạn luận. Tựu chung, thiết yếu chỉ dạy chúng sanh tự hiểu rõ tâm tánh. Nếu ai nhận ra được tâm, thì đại địa chẳng có một tấc đất. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay bị vật xoay chuyển, do vì cầu pháp ngoài tâm mà không nhận ra tự tánh. Bổn gốc vốn không một vật, thì làm sao nắm bắt được muôn pháp. Vừa vọng chấp ngoài tâm có pháp, thì trở thành tà tri tà kiến. Song, bảo rằng nhận ra được tâm thì đại địa chẳng có một tấc đất, đó cũng còn tính toán. Thật ra, Phật thuyết tam Quy Y, năm giới cấm, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, cùng muôn ngàn pháp môn, đều vì để đối trị tâm chúng sanh.

Tập khí xấu xa của chúng sanh có tám mươi bốn ngàn loại phiền não. Vì thế, Phật thuyết ra tám mươi bốn ngàn pháp môn để đối trị. Đó là phương tiện thiện xảo của Phật. Quý vị có bịnh gì thì Phật cho thuốc đó. Phật thuyết ra tất cả pháp, vì để độ tất cả tâm. Nếu không có tất cả tâm, cần dùng chi tất cả pháp? Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, bị vô minh phiền não làm ô nhiễm chân tâm, nên nhận lầm bốn đại làm thân tướng của mình, mà không biết nó vốn không có thật thể, chỉ do đất nước gió lửa hợp thành, đồng như huyễn hóa. Nay muốn xoay về cội nguồn, đầu tiên phải điều phục thân tâm, đoạn trừ tập khí, chuyển tâm thô thành tâm vi tế. Từ hữu vi tiến đến vô vi, khởi dụng công từ tự tánh thanh tịnh của pháp thân. Từ sáng đến tối, đi đứng nằm ngồi, như mài như giũa, cẩn thận chú ý, đoạn trừ tập khí. Mật phải lớn, và tâm phải vi tế. Mật lớn bao trùm thân tâm, không để cảnh chuyển. Tâm vi tế, tức khí lực phải vi tế, chớ khởi tâm thô khí phù. Những việc này, tự mình có thể kiểm nghiệm. Người nguời đều sống vội vàng hấp tấp, nên khí suyễn hơi thô. Người có công phu định lực, tuy bận rộn nhưng không có khí suyễn. Từ sáng đến tối, tâm bình khí hòa. Chú tâm mà chẳng loạn, tức là định. Vọng tưởng vốn không có thật thể. Có định tức không vọng tưởng, nên tự tìm lại được nguồn tâm. Vừa khởi công phu, phải bàn về oai nghi giáo tướng. Đi đứng nằm ngồi đều có oai nghi. Chớ bảo rằng vì bận rộn mà quên đi oai nghi giới hạnh cùng việc sanh tử. Làm đệ tử Như Lai, tức là thân quyến của tiên thánh, ra vào nơi cửa vàng, hành tạng nơi bảo điện. Phải ung dung tự tại đến những nơi sóng khởi ba đào, để truyển chuyển tích trượng, thăng lên hư không. Giả sử mười đại ma quân, nghe danh mà đến quy y chánh đạo, có nên vì đó mà quên giảng oai nghi không?

Xưa kia, ngài Viễn Lục tại núi Phù Sơn, bảo một vị tọa chủ:

– Nhờ trị tâm, nên mới cầu diệu ngộ. Ngộ đạo được thì thần hòa khí tĩnh, vọng tưởng tình ngưng, dung mạo trang nghiêm khả kính, phù hợp nơi chân tâm. Nhờ điều phục nên tâm tự linh diệu, rồi sau này mới chỉ dạy muôn loài.

Thế nên, người có mắt sáng, thấy mọi hành động cử chỉ oai nghi ra sao, thì biết quý vị tu hành như thế nào. Thuở xưa, khi còn làm Bà La Môn, ngài Xá Lợi Phất gặp tôn giả Mã Thắng. Do thấy oai nghi uy nghiêm của tôn giả Mã Thắng, ngài Xá Lợi Phất bèn khởi tâm cung kính, và đi theo hỏi pháp. Tôn giả Mã Thắng bảo:

“Các pháp từ duyên sanh

Các pháp từ duyên diệt

Thầy tôi đại sa môn

Thường thuyết lời như thế”.

Nghe bài kệ này, ngài Xá Lợi Phất liền đắc pháp nhãn thanh tịnh. Trở về, Ngài đọc lại bài kệ này cho Mục Kiền Liên nghe. Nghe xong, ngài Mục Kiền Liên cũng đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Tức thời, cả hai ngài liền dẫn một trăm đệ tử, đến vườn Trúc Lâm, cầu xin xuất gia. Khi đó, Phật bảo:

– Lành thay ! Này tỳ kheo!

Phật vừa nói xong, bất chợt râu tóc của hai ngài đều tự rụng xuống, y ca sa tự quấn thân, tức thành sa môn.

Quý vị thấy đó, tôn giả Mã Thắng đi trên đường lộ, oai nghi nghiêm túc, khiến thành tựu được công đức như thế. Đấy là dùng oai nghi mà dạy người.

Quý vị sơ phát tâm, đồng tham học! Phải nên hướng theo người xưa mà học tập, cùng nhất tâm quán chiếu chính mình; đi đứng nằm ngồi, trong mười hai thời, đều để vô tâm không bị cảnh chuyển. Nếu không giữ bổn phận như thế, bị lưu chuyển mãi theo vọng tình, thì có khác gì người thế tục? Tuy nói xuất gia tu đạo, nhưng đều là lời trống không vô ích. Quý vị hãy lưu tâm.

30/ Ngày hai mươi mốt tháng năm

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo:

– Như khi Ta chỉ ngón tay, hải ấn phát quang. Ngược lại, ông vừa khởi tâm, thì trần lao liền nổi lên.

Kinh Lăng Nghiêm, do ngài A Nan phát khởi, thị hiện làm mô phạm cho chúng ta. Toàn bộ kinh, chú trọng chữ dâm dục. Do từ chữ dâm dục mà Phật thuyết ra rất nhiều ngôn từ. Đầu tiên, ngài A Nan thị hiện, đi khất thực, qua nhà dâm nữ, bị Ma Đăng Già nữ dùng thần chú Tiên Phạm Thiên Bà Tỳ Ca La, nhiếp dẫn vào phòng dâm. Nơi dâm cung phủ ma, sắp đoạn giới thể. Như Lai biết ngài A Nan bị ma thuật mê hoặc, nên thọ trai xong, liền trở về tịnh xá. Vua quan đại thần trưởng giả cư sĩ, đồng đi theo Phật, vì nguyện muốn nghe pháp yếu. Bấy giờ Thế Tôn, đảnh phóng trăm luồng ánh sáng bảo quý vô úy. Trong các luồng ánh sáng, xuất hiện các hoa sen báu ngàn cánh; trong đó có hóa thân Phật, ngồi xếp bằng đoan tọa, tuyên thuyết thần chú, rồi sai ngài Văn Thù, đem thần chú đến, cứu hộ ngài A Nan. Khi ấy, ác chú liền tiêu mất. Bồ Tát Văn Thù dẫn ngài A Nan cùng dâm nữ Ma Đăng Già, trở về nơi Phật trú. A Nan vừa thấy Phật, đảnh lễ rơi lệ, hối hận từ vô thủy đến nay, chỉ hướng đa văn, chưa hoàn toàn đủ đạo lực, nên ân cần khải thỉnh mười phương Như Lai mở phương tiện đầu tiên, để tu hành chứng đắc đạo Bồ Đề, diệu Xa Ma Tha, Tam Ma Thiền Na. Phật ứng theo lời thỉnh cầu, nên thuyết ra bộ kinh Lăng Nghiêm. Ngài A Nan gặp dâm nữ Ma Đăng Già, không thể làm chủ được. Đấy là Bồ Tát thị hiện vào thế gian, chẳng do ái dục, mà chỉ vì tâm từ bi, muốn chúng ta xả ái, cùng các tham dục, nên nhập vào sanh tử, giả việc tham ái. Kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sanh, từ đời vô thủy đến nay, do vì bao loại ân ái tham dục, nên bị luân hồi. Tất cả chủng tánh, noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, đều nhân dâm dục mà sanh ra tánh mạng. Phải biết luân hồi, ái dục là cội gốc”.

Thế nên bảo:

– Luân hồi trong ba cõi, dâm dục làm gốc. Qua lại sáu đường, ái dục làm nền tảng.

Trên thế gian, có người xuất gia kẻ tại gia, lại có người vì đạo và không vì đạo. Do không rõ tự tánh, nên đều bị năm món dục lạc xoay cuốn tới lui. Năm dục là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, thức ăn, ngủ nghỉ. Do năm món dục lạc này, mà khởi ra thất tình: Vui vẻ, bực tức, buồn bả, sung sướng, thương mến, oán ghét, mong muốn. Thất tình lại trói chặt năm món dục lạc. Vì vậy, không thể cắt đứt sanh tử.

Kinh nói: “Chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề, dùng tiền tài làm mạng sống”.

Lúc nhập thai, khởi đầu do dâm dục. Đến khi sanh ra, lại dùng tiền tài làm chủ yếu. Hòa thượng Quảng Huệ khuyên người chớ tham tài lợi:

– Tất cả nghiệp tội, đều nhân vì đắm chấp vào tiền tài vật chất mà sanh ra.

Thế nên, trong năm món dục, đầu tiên là tiền tài. Người có tiền tài, mới có y phục, thức ăn chỗ ở, rồi mong muốn nữ sắc, phụ nữ thê thiếp. Người nghèo cùng, thì làm việc gì cũng khó thành. Chứng minh, tiền tài rất lợi hại. Người thế gian dùng tiền tài làm nguồn vui. Không tiền thì khổ đau, nên mong muốn có tiền. Có được chút đỉnh thì lại muốn nhiều thêm. Có được bạch ngân, lại thích vàng ròng, chẳng hề biết đủ. Họ chỉ lo thân mình, và tính toán cho con cháu. Cả đời khổ nhọc, bận bịu vì tiền tài, mà không biết rằng có tiền nhưng khó mua được con cháu hiền lành. Khi vô thường đến, một mảnh giấy cũng không mang theo được. Phải nên nhìn thấu suốt tiền tài.

Xưa kia, có ba gã ăn xin, cùng đi trên đường. Cả ba đồng chợt thấy một đồng tiền trên đất. Gã thứ nhất định nhặt lấy, nhưng bị gã thứ hai ngăn lại, bảo:

– Tôi thấy đồng tiền đó trước, nên nó phải về tay tôi.

Gã thứ ba cũng bảo:

– Tôi thấy trước hết, nên nó phải thuộc về tôi.

Ba gã ăn mày chỉ vì một đồng tiền này mà tranh cãi đánh nhau trên đường phố. Quân lính tuần hành, đi ngang qua thấy họ đánh nhau rất hung hăng; vì sợ sẽ tổn thương tánh mạng, nên quân lính bắt cả ba về dinh phủ, phán xử thị phi. Quan huyện ngồi trên tòa, tra hỏi rõ nguyên do, bảo:

– Các ông không nên tranh nhau vì đồng tiền này.

Cả ba đồng nói:

– Chúng tôi bần cùng đến mức này, sao lại không tranh đồng tiền đó?

– Vậy thì mỗi người các ông hãy kể việc nghèo cùng của mình. Nếu ai là người thật rất nghèo cùng thì Ta sẽ đưa đồng tiền này cho.

Gã thứ nhất nói:

– Tôi thật rất nghèo cùng, vì nóc nhà lủng thấu trời xanh; y phục rách rưới không chỉ vá; thường lấy ngói gạch làm gối, và lấy cỏ xanh làm nệm.

Gã thứ hai bảo:

– Tôi còn nghèo cùng hơn nữa, vì trời xanh là nóc nhà, y phục chẳng che được nửa thân, gối là búi tóc, gân cốt là nệm chiếu.

Gã thứ ba bảo:

– Họ không nghèo cùng bằng tôi. Tôi bị đói khát cả chục ngày, ngủ mộng cả nửa năm, chết không nhắm mắt, chỉ vì đồng tiền này.

Quan nghe thế, liền cười to. Đây là câu chuyện tham tiền hài hước.

Đức Thế Tôn thuyết pháp, giảng giải tiền tài mê hoặc người đời, thật không gì diễn tả hết. Đa số người xuất gia cũng bị tiền tài làm mê hoặc. Xưa đồng tiền, nay là giấy bạc. Chúng trói buộc con người đến chết. Rời chúng thì chẳng sống được qua ngày. Quý vị muốn trồng trọt, làm ruộng vườn thì phải có công cụ cuốc xẻng. Không tiền thì không thể mua được dụng cụ cuốc xẻng, nên không thể trồng trọt chi hết. Chúng ta bận rộn suốt ngày, có phải chỉ vì tiền bạc thôi sao?

Người thế tục ăn mặc nếu đầy đủ rồi, lại tham đắm sắc dục. Chữ sắc này đã hại không biết bao nhiêu người. Xưa kia, các vua chúa đế vương, chỉ vì tham sắc mà mất nước không ít. Thuở xưa, vua nhà Thương, tức Hạ Kiệt, mang quân đi chinh phạt, toàn thắng bắt được Muội HỶ đem về làm vợ. Vì hoang dâm vô đạo, nên nhà Thương mới bị đoạn diệt. Vua Trụ nhà Thương luyến ái Đắc KỶ, đam mê tửu sắc, bạo ngược vô đạo. Khi bị Châu Võ Vương chinh phạt, khiến quân binh tán loạn, nên Trụ Vương phải tự sát. Thời xưa chưa có điện thoại điện báo, cảnh sát biên phòng, nên khi giặc đến, chỉ đốt cỏ khô làm hiệu. Phương pháp là lập một đài cao. Trên đài có một cái gác. Trên gác có một cái giỏ. Trong giỏ có chứa cỏ khô. Nếu có giặc đến, liền đốt lửa làm hiệu, gọi là phong toại. Khi lửa hiệu được đốt lên, thì những đài bên cạnh lập tức báo cho quân phòng thủ. Châu U Vương ân sủng chiều chuộng Bao Tự, nhưng nàng ta chẳng bao giờ cười đùa. Châu U Vương đốt lửa để hiệu triệu các nước chư hầu. Quân chư hầu đến, nhưng không thấy giặc, chỉ nghe tiếng nàng Bao Tự cười to. Sau này, Tây Di Khuyển Nhung theo giặc vây thành. Châu U Vương liền đốt lửa làm hiệu, nhưng quân chư hầu không màng đến. Khuyển Nhung xua quân chiếm thành, giết Châu U Vương dưới chân núi Li Sơn, cùng bắt đi Bao Tự. Vì vua đốt lửa hiệu, trêu ghẹo quân chư hầu, nên phải bị mất mạng. Họa tham sắc dục, vô lượng vô biên, kể không thể hết.

Lợi và danh đi liền với nhau. Danh có tốt có xấu, hoặc lưu tiếng thơm trăm đời, hay để vết nhơ muôn thuở. Điển hình là tam hoàng ngũ đế, thánh quân hiền vương. Vua Vũ nhà Hạ vâng lệnh lo việc dẫn thủy nhập điền; tám năm ra ngoài lao tâm cực khổ, ba lần đi ngang qua nhà mà không dám bước vào. Ông khai chín châu, thông chín đại lộ, đào chín sông, vạch chín núi. Làm xong nhiệm vụ đó, ông ta lại định lập thuế má, lệ cống, chế năm loại y phục, cùng khiến các nước lân bang thần phục.

Đời vua Thang, có gã thợ săn sau khi đặt lưới bẫy chim, liền cầu nguyện: “Từ trên trời xuống, từ dưới đất vọt lên, bốn phương các loại chim chóc, hãy đều chui vào lưới này”.

Nghe lời này, vua Thang than thở:

– Ô hởi! Như vậy hắn muốn bắt hết mọi loài chim chóc sao!

Nói xong, vua Thang ra lệnh cho gã thợ săn hãy mở lưới bẫy ra ba bên, chỉ còn chừa lại một bên, rồi dạy hắn ta, nên cầu nguyện như vầy:

– Nếu muốn bay bên trái thì bay. Nếu muốn bay bên phải thì bay. Nếu không còn muốn thân mạng nữa, thì hãy bay vào lưới võng này.

Đây là do đạo đức thấm nhuần, nên chư thánh lưu danh muôn thuở.

Vương Bổn, Tào Tháo, Tần Tăng, để lại vết nhơ muôn đời. Chư Phật chư Bồ Tát, chư đại tổ sư, đạo đức chân thật. Tuy các ngài không cầu danh mà danh vẫn lưu thiên cổ. Tỳ kheo Thiện Tinh, tỳ kheo ny Bảo Liên Hương, nghiệp tội thâm trọng nên đọa địa ngục, khiến lưu vết nhơ muôn năm.

Danh này cũng hại người. Nếu mình được khen là giỏi, có đạo đức, hoặc thường làm những việc khó làm, thì sanh tâm vui thích; đó là háo danh. Bị chửi mắng khiến không vui, cũng vì danh. Được khen hay chê dở, nói chung đều bị danh xoay chuyển. Trước mặt, ẩn náo súng đạn. Sau lưng khó tránh hỏa tiển.

Xưa kia, nơi thiền đường, dùng ngọ xong lại có cháo điểm tâm, rồi lên chánh điện lễ Phật, đến giám liêu uống trà đàm luận. Được khen rằng mình dụng công rất hay, liền sanh tâm hoan hỶ. Bị chê là dụng công không giỏi, thì đôi má ửng hồng, xả không nổi. Các vị tiểu thượng tọa cũng như thế. Được khen là hay thì sanh tâm vui vẻ. Bị chê là dở thì sanh tâm bực tức. Đó cũng là bị danh chuyển.

Ăn uống cũng rất lợi hại. Quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an. Người xưa nhất tâm tại đạo, ăn rau dại để no lòng. Tâm định thì rau tươi cỏ dại đều có mùi vị. Hòa thượng Long Sơn tại Đàm Châu bảo:

“Một ao lá sen, y vô số

Hoa tùng ngập đất, ăn vẫn dư

Vừa bị người đời biết nơi trú

Lại dời am thất vào thâm u”.

Người thế gian tham ăn, chấp trước mùi vị ngọt chua cay mặn nồng. Ai ai cũng thích mùi ngon vật lạ, nên sát sanh hại mạng, để thỏa thích miệng mồm bao tử. Người thích ăn chay, nhưng khi nấu nướng lại bỏ hành tỏi mỡ gà mỡ heo, để món ăn ngon hơn; chẳng bỏ được tập khí giết sanh hại mạng, vì tâm tánh giết hại vẫn còn. Tuy không ăn thịt, nhưng lại dùng dầu mỡ động vật cùng hành tỏi, thì vẫn phạm giới. Dẫu thức ăn ngon hay dở, một khi đã xuống bao tử rồi thì thành phẩn uế. Sao lại tham cầu cao lương mỸ vị, tranh nhau không ngừng! Ăn càng nhiều thì thải bỏ phẩn uế càng nhiều, có hay ho chi đâu!

Ngủ lại không thể bàn hết. Một năm có ba trăm sáu mươi ngày. Một ngày có hai mươi bốn tiếng. Ban ngày làm việc, tối đến mơ mộng. Bình thường, một năm ngủ khoảng một trăm tám mươi ngày. Việc ngủ nghỉ chiếm rất nhiều thì giờ, thật hại chết người. Người chân chánh tu hành, rất mến tiếc thời gian. Kinh Di Giáo bảo: “Ban ngày chuyên cần tu tập pháp lành, không để mất thời gian. Đầu hôm cuối hôm, cũng chớ bỏ phế công phu. Giữa đêm tụng kinh, lấy đó làm việc nghỉ ngơi. Nếu cứ mộng mị vô cớ, thì một đời trải qua vô ích, không đắc được gì cả”.

Do đó, tối đến nếu có mộng mị, phải đổi cách thức tu thiền hay ứng dụng các pháp tu khác, để hàng phục ma ngủ. Người háu ăn làm biếng, chỉ ưa tham ngủ, thường không thể phát đạo tâm, không biết sám hối. Vừa tỉnh giấc bên trái, lại xoay qua ngủ bên phải. Buổi khuya ngủ chưa đủ, ban ngày lại ngủ thêm để bù đắp. Xem kinh nghe pháp, ngồi thiền niệm Phật cũng ngủ gật, bỏ phí thời giờ rất nhiều, vậy mục đích cứu cánh xuất gia để làm gì?

Cổ đức bảo:

– Nghe chuông, nằm lăn không dậy, khiến hộ pháp thiện thần quở. Hiện đời phước đức giảm; chết rồi đọa làm thân rắn.

Ngài Quy Sơn bảo:

– Thường thấy những kẻ sơ phát tâm, giải đãi làm biếng, ham ăn ngủ nghỉ, sống cuộc đời vô ích trên thế gian. Thật đáng thương thay, ai bi thiết tâm! Không đành ngậm miệng, nên phải nói lời răn nhắc này.

Hy vọng, người có tâm cầu đạo, nguyện vượt ra sanh tử, chớ để năm món dục lạc, cùng thất tình xoay chuyển. Hãy nỗ lực chuyên cần tu hành, chớ để thời gian trôi qua vô ích.

31/ Ngày hai mươi ba tháng năm

Quân lệnh ở thế gian rất nghiêm khắc. Ban hành lệnh như trời long đất lở, chẳng có ai dám vi phạm. Pháp của Phật thuyết ra cũng như quân lệnh. Là đệ tử Phật phải y giáo phụng hành, quyết không vi phạm chút tơ hào. Hôm trước, tôi có nói về việc lúc làm lễ Bố Tát, thầy thượng tọa răn nhắc Sa Di:

– Các con phải thanh tịnh thân miệng ý, chuyên cần học tập thánh giáo kinh luật luận, cẩn trọng chớ phóng dật.

Đã xuất gia, phải nhớ đến nỗi thống khổ của sanh tử, như cứu lửa cháy đầu, sao lại phóng dật lười biếng? Chuyên cần học tập kinh luật luận, tức ba tạng thánh giáo, để tìm ra con đường và phương pháp thoát khỏi sanh tử. Kinh luật luận gọi là ba đại tạng. Ba đại tạng tàng chứa hết tất cả văn nghĩa. Kinh nói bàn về định học. Luận nói về giới học. Luận nói về huệ học. Ba tạng này tức là ba học. Kinh có hai nghĩa là thường và pháp, hay kinh tuyến và tràng hoa. Tiếng Phạn gọi tạng kinh là Tố Đản Lãm Giám, hay Tu Đa La, được dịch là tràng dây; vì đây là lời của đức Phật, có thể nối buộc tất cả pháp, như tràng hoa nối liền tất cả nụ hoa với nhau. Tiếng Phạn gọi tạng luật là tạng Tỳ Nại Da hay Tỳ Ni, được dịch là Diệt, tức diệt ba nghiệp xấu. Tiếng Phạn gọi tạng luận là A Tỳ Đạt Ma hay A Tỳ Đàm, dịch là đối pháp, tức dùng trí huệ thù thắng đối quán chân lý mà chấp trì danh xưng. Lại được dịch là pháp vô so tỶ, tức trí huệ tối thắng, không gì so sánh. Tên riêng của tạng luận là Ưu Bà Đề Xá, dịch là luận, tức luận tánh tướng chư pháp mà phát sanh trí huệ thù thắng.

Người thọ giới tại tam đàn đại giới là những vị Bồ Tát và đại trượng phu. Người đã phát tâm Bồ Đề, phải làm những việc của bậc đại trượng phu và chư Bồ Tát. Bồ Đề là tiếng Phạn, dịch là đạo. Đạo tức là tâm, và là lý; nghĩa là diệu lý của tâm. Thể của tâm đồng với hư không, biến khắp ba cõi mười phương, xum la vạn tượng. Phát tâm Bồ Đề như thế, tức là Bồ Tát đại trượng phu.

Chư Phật từ bi thuyết ba thừa pháp, bao gồm muôn loại giáo pháp triết lý. Bàn về giới, Phật chế luật là tỳ kheo năm năm đầu chuyên cần học giới luật cho tường tận. Năm năm sau, đi khắp nơi nghe giáo tham thiền. Điều này chứng minh rằng việc học giới và giữ giới của đệ tử Phật rất quan trọng. Trong kinh Phạm Võng có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Phạm mười giới trọng tức phạm tội Ba La Di. Ba La Di dịch là ti tiện, hay thối đọa, bất cộng trụ, đọa nơi bất như ý, đoạn đầu, bị kẻ khác thắng v.v… Phạm giới này là phạm tội nặng nhất trong giới luật. Trong luật lại có khai giới cùng giá giới, mà đại thừa và tiểu thừa không đồng. Khai có nghĩa là hứa. Giá có nghĩa là chỉ. Hứa làm gọi là khai. Cấm làm gọi là giá. Muốn khai phải xem thời tiết nhân duyên, cùng phương tiện bên ngoài. Không có nhân duyên thì không thể khai. Giá tức là nhất giá hay vĩnh viễn giá. Tiểu Thừa và Đại Thừa có rất nhiều sự tương phản. Sự Trì của Tiểu Thừa tức là phạm của Đại Thừa. Sự Trì của Đại Thừa tức là phạm của Tiểu Thừa. Điều lệ và ngôn từ rõ ràng; hãy xem quyển Tỳ Ni về sự Chỉ Trì và Tác Trì.

Trong giới cụ túc, tỳ kheo có hai trăm năm mươi giới. Tỳ kheo ny có ba trăm bốn mươi tám giới. Những giới này, phân ra làm năm thiên:

Thứ nhất, Ba La Di là tội nặng nhất, được dịch là đoạn đầu; nếu phạm thì không thể trở thành tỳ kheo, như đầu bị cắt. Nơi thiên này, tỳ kheo có bốn giới, và tỳ kheo ny có tám giới.

Thứ hai, tội Tăng Tàng, tiếng Phạn gọi là Tăng Già Bà Thi Sa. Tăng tức là lược nói về tăng già. Tàng dịch là Bà Thi Sa. Tỳ kheo nếu phạm giới này thì gần bị chết, nhưng còn mạng tàn dư, nên phải sám hối trước tăng chúng, thì mới được toàn mạng. Do đó, gọi là Tăng Tàng. Nơi thiên này, tỳ kheo có mười ba giới, còn tỳ kheo ny thì có mười bảy giới.

Thứ ba, tội Ba Dật Đề, dịch là đọa, tức đọa địa ngục. Nơi thiên này, tỳ kheo có một trăm hai mươi bốn giới, còn tỳ kheo ny thì có hai trăm lẻ tám giới.

Thứ tư, tội Đề Xá Ni hay Ba La Đề Xá, dịch là hướng bỉ hối, tức sám hối trước một vị tỳ kheo thanh tịnh. Nơi thiên này, tỳ kheo có bốn giới, còn tỳ kheo ny thì có tám giới.

Thứ năm, tội Đột Kiết La, dịch là ác tác; tội này nhẹ. Nơi thiên này, tỳ kheo có một trăm pháp chúng học, hai pháp bất định, bảy pháp diệt tranh, cộng thành một trăm lẻ chín giới. Tỳ kheo ny có một trăm pháp chúng học và bảy pháp diệt tranh.

Tỳ kheo nghiêm thủ hai trăm năm mươi giới trong ba nghiệp bốn oai nghi, tức trở thành ba ngàn oai nghi. Mười hai thời khắc luôn tuân thủ tôn chiếu, trì tụng năm mươi bài kệ chú nhỏ trong quyển Tỳ Ni Nhật Tụng. Hàng phục tâm và chế thân không cho làm việc ác.

Bàn về ba tụ viên giới, mỗi giới đều có đủ nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới. Ví dụ, giới cấm giết hại có đầy đủ ba tụ. Xa rời nghiệp ác giết hại, nên gọi là nhiếp luật nghi giới. Vì trưởng dưỡng tâm từ bi mà không giết hại, nên gọi là nhiếp thiện pháp giới. Vì bảo hộ chúng sanh mà không giết hại, nên gọi là nhiêu ích hữu tình giới. Kinh Lăng Nghiêm bảo: “Nếu chư tỳ kheo không mặc áo tơ lụa, đi giày dép da thú, mặc y lông cừu chim chóc, uống sữa đề hồ, thì là chân chánh giải thoát, và không còn trả nghiệp báo, cùng chẳng còn dạo trong ba cõi”.

Do nhân duyên khai giới nên Tiểu Thừa có thể ăn thịt uống sữa. Bồ Tát không thể ăn thịt, mặc tơ lụa, đắp áo lông cừu chim chóc. Đây là sự khác biệt giữa giới khai, giá, trì, phạm của Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Lại nữa, tỳ kheo không được giữ tiền, không giữ một hạt gạo, không ăn thức ăn để qua đêm. Ngày nào khất thực được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Phần thức ăn dư thừa, không được giữ lại qua đêm. Bồ Tát được khai mở, tức là cầm giữ tiền thì không phạm. Rượu là giá giới trọng căn bản của năm căn, nên Đại Thừa và Tiểu Thừa không chuẩn cho khai. Chỉ trừ lúc bịnh nặng, ngoài rượu ra không còn thuốc gì để trị, thì phải bạch trước đại chúng, rồi mới được dùng. Nhân duyên khai giá của giới luật rất vi tế, phải thâm nhập nghiên cứu kỸ càng mới có thể hiểu rõ. Phật giáo hưng thịnh hay suy vi, đều do còn giới hay không. Tỳ kheo phạm giới, như trùng trên thân sư tử, ăn thịt sư tử. Thế nên, lúc sắp viên tịch, Phật thuyết kinh Niết Bàn, bảo chư tỳ kheo phải lấy giới luật làm thầy, thì Phật pháp mới trụ thế lâu dài được.

Phật lại thuyết tứ y pháp, tức là bốn pháp phải nên nương y vào. Thứ nhất, mặc y phấn tảo. Thứ hai, thường đi khất thực. Thứ ba, ngồi trú dưới gốc cây. Thứ tư, dùng thuốc cũ. Bốn loại pháp này là nhân duyên nhập đạo, và là nơi nương tựa của bậc thượng căn lợi khí, nên gọi là tứ y pháp, cũng gọi là bốn hạt giống thánh, vì khiến nhập vào thánh đạo.

Y phấn tảo được gọi là nạp y. Tỳ kheo dùng những mảnh vải thiêu đốt còn dư lại, vải bị trâu nhặm chuột cắn, vải của người chết bỏ lại, vải bị ngâm nước, vải bị người đời vứt bỏ vì hôi thúi. Lượm những mảnh vải đó, đem về giặt sạch, rồi may đắp thành y, nên gọi là y phấn tảo. Dùng từng miếng vải, may kết lại thành, nên cũng gọi là nạp y. Tỳ kheo dùng y phấn tảo, nên không cần dùng y do đàn việt bố thí. Ngay nơi đó, lìa được tâm tham trước.

Khất thực, tiếng Phạn gọi là Phân Vệ. Kinh Mười Hai Hạnh Đầu Đà bảo: “Có ba loại thức ăn. Thứ nhất, thức ăn được mời thỉnh. Thứ hai, thức ăn của tăng chúng. Thứ ba, thức ăn do đi khất thực mà có. Hai loại thức ăn đầu là nhân duyên khởi lậu. Tại sao? Người được thọ thỉnh, thường tự cho đó là phước đức của mình. Nếu không được thỉnh mời thì lại sanh tâm oán ghét người thí chủ, hoặc tự khinh rẻ mình, tức vì tâm tham lam mà ưu sầu, khiến làm chướng ngại đạo. Đối với thức ăn của tăng chúng, phải thường theo đại chúng mà dùng. Vị trai chủ phải trình thưa với tăng tri sự. Tâm nếu tán loạn mà thọ thức ăn đó, thì phá hoại sự hành đạo. Vì những nhân duyên đó, phải thường hành pháp khất thực”.

Mỗi đêm, ngủ dưới gốc cây, mà không trú trong nhà. Mỗi ngày ăn cơm một lần.

Kế đến, tỳ kheo có bịnh thì không cầu thỉnh thầy thuốc, không dùng thuốc mới, chỉ dùng thuốc mà người vứt bỏ. Bịnh có lành hay không, đều để tự nhiên. Hiện tại, chư tỳ kheo có ai thủ trì được? Vừa bị bịnh thì bèn có bác sĩ đông y tây y cho những toa thuốc bổ phẩm. Đã lâu rồi không còn ai hành bốn pháp y chỉ này.

Tỳ kheo là tiếng Phạn, được gọi là trừ cận, khất sĩ, phá ác, bố ma. Tỳ kheo làm phước điền cho thế gian. Nếu có ai cúng dường cho vị tỳ kheo chân chánh một bát cơm, hay nghe vị đó thuyết một bài pháp, thì sẽ tiêu trừ tất cả hoạn nạn cơ cẩn bần cùng, nên gọi là Trừ Cận. Khất Sĩ tức là trên khất cầu pháp của Như Lai để trưởng dưỡng huệ mạng, và dưới khất thực thức ăn của người thế tục để nuôi thân. Khất thực nơi Phật pháp tức là cầu pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo như tứ niệm xứ, tứ như ý túc, tứ chánh cần, năm căn, năm lực, bảy Bồ Đề phần, tám chánh đạo. Phá Ác tức là phá trừ tất cả nghiệp ác do thân miệng ý tạo ra, và chuyển đổi chúng thành mười nghiệp lành. Bố Ma tức là khi vừa xuất gia thọ giới tỳ kheo, liền thoát khỏi quyến thuộc của ma, nên cung ma bị chấn động, khiến chúng sợ hãi.

Chúng ta đã là tỳ kheo, vậy thì ai dám tự bảo mình là tỳ kheo chân chánh? Xuất gia vì muốn cắt đứt dòng sanh tử, nên phải y theo pháp mà phụng hành. Miệng tụng và tâm phải tư duy. Sáng tối tẩy rửa thân tâm, không để tham lam sân si ái kiến của thế gian xoay chuyển, cũng không nên khởi nhân ngã thị phi, háu ăn làm biếng.

32/ Ngày hai mươi sáu tháng năm

Câu đầu trong thiên hai mươi của quyển Luận Ngữ, Khổng Tử bảo:

– Học phải thường hành.

Khổng Tử dạy đồ đệ rằng học xong việc gì thì phải hành việc đó. Trong động hay tĩnh, luôn luôn nhớ đến và niệm niệm chẳng quên. Nếu chỉ học đại khái sơ sài, thì công phu không thể tương ưng, và không thể đạt đến cứu cánh. Pháp thế gian và Phật pháp đều như thế. Phải vừa học vừa hành. Phật pháp là thể. Pháp thế gian là dụng. Thể là lý, tức chân đế. Dụng là sự, tức tục đế. Phải biết đạo lý tam muội ấn của hai đế viên dung vô ngại. Nếu không dung thông thì lạc vào sự bất quân bình. Rời thể mà biểu thị sự, tức là phàm phu phàm tình. Rời sự mà giảng tâm, thì không hiểu tâm địa. Hai đế chân và tục, tên gọi rất nhiều. Chân là thể. Tục là dụng. Trong giới định huệ đều có thể và dụng. Chúng là những danh tự xuất phát từ tâm địa. Nếu có thể quán thông dung hội, thì đại đạo liền thông tận Trường An.

Xưa kia, tăng hỏi Triệu Châu:

– Thế nào là đạo?

Triệu Châu đáp:

– Bên ngoài bức tường!

– Không hỏi đạo đó.

– Vậy ông hỏi đạo nào?

– Đại đạo.

– Đại đạo thông Trường An!

Lý này như thế nào? Xin quý vị hãy tham cứu. Hiểu rõ thì nơi nơi đều là Phật pháp. Không hiểu rõ thì cứ chấp mãi trên danh tướng. Từ sáng đến tối, bôn ba bận rộn làm ruộng ăn cơm, có khác gì với người thế tục? Hiện tại, có nhiều người cư sĩ cạo đầu. Tăng sĩ lại cũng ăn mặc như người thế tục. Như thế, nơi hình tướng bên ngoài làm sao phân biệt được kẻ tăng người tục?

Người xưa bảo:

– Ruộng tâm chẳng trưởng dưỡng cỏ vô minh. Đất tánh thường khai nở hoa trí huệ.

Đây là đại đạo thông tận Trường An, tức là nơi khác biệt với người thế tục.

Người trồng lúa, nếu không nhổ cỏ dại thì khó mà thu hoạch lúa thóc thành tựu. Người tu hành nhổ sạch cỏ vô minh trong ruộng tâm, thì hoa trí huệ mới khai nở. Điều thiết yếu, nếu không để cảnh chuyển và tình không phụ vật, thì cỏ vô minh không thể tăng trưởng. Một khi hoa trí huệ khai nở, thì dầu lời thô ngữ tế đều thuyết lý vô sanh. Người xưa làm được nói được, chứ chẳng giảng lời nói suông trống rỗng. Một câu hỏi một câu đáp, tức là trả lời tại câu hỏi; thổ lộ tâm cơ, biết tất cả đều là diệu dụng. Tâm của chúng ta vì không thường trụ nơi đạo, nên luôn bị cảnh chuyển, và không thể khởi trí huệ chân thật. Nếu thường khởi niệm thống thiết vì khổ sanh tử, và tâm hoàn toàn trụ tại đạo, thì không phân biệt pháp thế gian, pháp xuất thế gian, là nam là nữ, vừa ý hay không vừa ý. Vừa khởi động niệm, tức ma xuất hiện, bị cảnh chuyển. Không phân biệt tức tự làm chủ được, mà không bị cảnh tình chuyển. Người xưa bảo:

– Quý vị có cây tích trượng. Tôi lại cho quý vị thêm một cây tích trượng.

Đây là pháp biểu thị. Vì vọng tưởng quá nhiều, tức là quý vị có cây tích trượng. Muốn dẹp trừ vọng tưởng, nên tôi dạy quý vị tu pháp quán sổ tức, quán thân bất tịnh, quán tưởng niệm Phật, tụng kinh lễ Phật, tham khán thoại đầu. Cho quý vị pháp môn tu hành, tức cho quý vị cây tích trượng. Khi dụng công, nếu quý vị có chút thọ dụng, thì trụ nơi bình yên vô sự. Có chướng ngại tức cây tích trượng của quý vị thật vô dụng. Vì thế, nay tôi đoạt lấy cây tích trượng của quý vị. Lành bịnh rồi thì không cần dùng thuốc mãi. Ngược lại, cứ chấp trước dùng thuốc mãi thì sẽ sanh thêm bịnh. Đây là nghĩa đoạt lấy cây tích trượng của quý vị. Ngài Thái Dương bảo:

“Chớ chấp núi lạnh khác cỏ xanh

Ngồi trên mây trắng, tông nào chẳng diệu”.

Trong mọi thời, đối với việc tham Thiền hay niệm Phật, điều cần thiết là miệng niệm và tâm tư duy. Mở miệng ngỏ lời mà không phân biệt thị phi, thì suốt ngày được giải thoát; không phiền não, và không khởi tâm động niệm, thì mới có công phu. Nếu không giữ tâm mà để cảnh chuyển, tức sanh phiền não, nên dụng công không có phần lợi ích, và nơi nơi đều bị sóng ngập đầy trời. Xưa kia, lúc đang nhập thất, thấy Tô Đông Pha đến, thiền sư Phật Ấn bảo:

– Nơi đây không có chỗ ngồi.

Tô Đông Pha nói:

– Tạm mượn thân tứ đại của Ngài làm ghế ngồi.

– Sơn tăng có câu hỏi, nếu học sĩ đáp được thì thỉnh ngồi, bằng ngược lại, hãy để vòng ngọc đái nơi đây.

Tô Đông Pha đồng ý. Thiền sư bèn hỏi:

– Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng thật có. Vậy cư sĩ ngồi được chỗ nào?

Tô Đông Pha không đáp được, bèn để lại vòng ngọc đái. Thiền sư cười, rồi nhận lấy. Tô Đông Pha viết kệ:

“Lưng bịnh khó đưa vòng ngọc đái

Độn căn nên cung kiếm lạc đường

Muốn dạy nàng hầu biết ăn xin

Lại cùng Vân Sơn đắp y cũ”.

Tô Đông Pha tuy thông minh, nhưng đối đáp không ra lời, vì chưa bước đến nơi thật địa.

Quý vị đồng tham học, làm sao để đến nơi thật địa? Chỉ thiết yếu, miệng niệm tâm tư duy, tinh tấn tẩy rửa suốt ngày.