GIẢI THÍCH KINH ĐỊA TẠNG
Nguyễn Minh Tiến dịch giải
Kinh văn
Phẩm thứ năm: Các danh hiệu địa ngục
Giảng giải
[Trong phẩm này] Bồ Tát Địa Tạng nói về các danh hiệu của địa ngục. Đây là phẩm thứ năm của kinh này.
Thích nghĩa
Phần trước, phẩm nói về nghiệp duyên là sự chiêu cảm của tư duy, ý niệm; phẩm nói về nghiệp cảm là sự báo ứng. Phẩm này nói về sự khổ sở [của chúng sinh chịu báo ứng].
Nơi chốn của địa ngục cũng như thực tế hình trạng của địa ngục như thế nào, phần trước đã nói qua sơ lược. Nói chung, người thông minh sáng suốt thì trong mọi hoàn cảnh, tình huống đều thông suốt phóng khoáng, tự sinh hoan hỷ, nên ở đâu cũng là cõi trời; người ngu si mê muội thì trong mọi hoàn cảnh, tình huống đều lo âu buồn khổ, khởi sinh phiền não, trói buộc rối rắm không dứt, vì vậy mà ở chỗ nào cũng là địa ngục. Không phải chỉ sau khi chết mới đọa vào địa ngục, mà hiện tại còn sống cũng đã phải nhận lãnh những nỗi thống khổ của địa ngục rồi.
Kinh văn
Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Phổ Hiền thưa với Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Thưa nhân giả! Xin ngài vì bốn chúng trời, rồng cùng với hết thảy chúng sinh trong hiện tại và tương lai, hãy giảng nói về những nơi thọ nhận khổ báo của chúng sinh trong thế giới Ta-bà cũng như trong cõi Diêm-phù-đề, cùng với những danh hiệu của địa ngục và các quả báo xấu ác, để chúng sinh trong đời mạt pháp về sau biết được những quả báo này.”
Giảng giải
Vào lúc ấy, Đại Bồ Tát Phổ Hiền đứng trước Bồ Tát Địa Tạng thưa rằng: “Thưa nhân giả! Nguyện xin ngài vì bốn vị Thiên vương, hàng trời, rồng cùng với hết thảy chúng sinh trong hiện tại và vị lai, hãy giảng nói về những nơi mà chúng sinh trong thế giới Ta-bà cũng như trong cõi Diêm-phù-đề sẽ phải nhận chịu báo ứng, về danh hiệu các loại địa ngục, cùng với các loại quả báo xấu ác, để cho các chúng sinh trong đời mạt pháp tương lai được biết về những loại quả báo này.
Thích nghĩa
Phổ Hiền, là nói vị này có khả năng thí pháp khắp nơi, hiền thiện đồng như chư Phật.
Nhân giả là tiếng tôn xưng bậc có lòng nhân từ, bi mẫn.
Về danh hiệu của địa ngục, Bồ Tát Phổ Hiền dù đã biết rõ, nhưng hàng trời, rồng cũng như chúng sinh đều chưa rõ biết, do vậy thỉnh cầu Bồ Tát Địa Tạng giảng nói.
Kinh văn
Bồ Tát Địa Tạng đáp rằng: “Thưa nhân giả! Nay tôi nương oai thần của Phật cùng sức của bậc Đại sĩ là ngài, xin lược nói về danh hiệu của các địa ngục cùng những chuyện quả báo xấu ác. Thưa nhân giả! Về phía đông cõi Diêm-phù-đề có ngọn núi tên là Thiết Vi. Trong núi ấy tối đen sâu thẳm, ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu đến, có địa ngục lớn gọi là Cực Vô Gián. Lại có địa ngục tên là Đại A-tỳ.
Giảng giải
Bồ Tát Địa Tạng đáp lời rằng: “Thưa Nhân giả! Nay tôi nương nhờ oai thần của Phật, cùng với nguyện lực của bậc Đại sĩ, xin nói lược qua về tên gọi của các địa ngục cùng với những quả báo của việc phạm tội, việc làm những chuyện xấu ác. Thưa nhân giả! Về phía đông của cõi Diêm-phù-đề có một ngọn núi, gọi là núi Thiết Vi. Trong núi ấy tối đen sâu thẳm, không có ánh áng mặt trời mặt trăng, có một tầng địa ngục tên gọi là (Chú giải của soạn giả) Vô Gián. Lại có một tầng địa ngục nữa tên là Đại A-tỳ.
Thích nghĩa
Địa ngục thì bốn phương đều có, nhưng vì cõi Diêm-phù-đề của chúng ta nằm về phía đông, nên đây chỉ nói về địa ngục ở phương đông.
Hai địa ngục Vô gián và A-tỳ đều nằm ở một nơi. Tội nhân trong các ngục ấy chịu đựng những sự khổ sở cũng rất giống nhau.
Địa ngục Vô Gián trong phần trước đã có nói qua, bây giờ chỉ nói đến địa ngục A-tỳ. Địa ngục này hai chiều ngang dọc đều đo được 8.000 do-tuần, các bảy vòng thành bằng sắt, bảy lớp lưới sắt, rừng đao rừng kiếm, mỗi loại cũng đều có bảy lớp. Bên trong lại có mười tám ngục băng lạnh.
Kinh văn
Lại có địa ngục tên là Tứ Giác, lại có địa ngục tên là Phi Đao, lại có địa ngục tên là Hỏa Tiễn, lại có địa ngục tên là Giáp Sơn, lại có địa ngục tên là Thông Thương, lại có địa ngục tên là Thiết Xa, lại có địa ngục tên là Thiết Sàng, lại có địa ngục tên là Thiết Ngưu, lại có địa ngục tên là Thiết Y, lại có địa ngục tên là Thiên Nhận, lại có địa ngục tên là Thiết Lư, lại có địa ngục tên là Dương Đồng, lại có địa ngục tên là Bão Trụ, lại có địa ngục tên là Lưu Hỏa, lại có địa ngục tên là Canh Thiệt, lại có địa ngục tên là Tỏa Thủ, lại có địa ngục tên là Thiêu Cước, lại có địa ngục tên là Đạm Nhãn, lại có địa ngục tên là Thiết Hoàn, lại có địa ngục tên là Tránh Luận, lại có địa ngục tên là Thiết Phu, lại có địa ngục tên là Đa Sân.
Giảng giải
Kề bên địa ngục A-tỳ, lại có địa ngục tên là Tứ Giác, bốn vách tường ngục đều là sắt nung nóng đỏ, từ phía trên lại có sắt nung nóng đỏ rơi xuống như mưa, khiến cho tội nhân trong ngục đều bị sắt nóng đỏ ấy thiêu cháy thành tro bụi.
Lại có địa ngục tên là Phi Đao, cũng gọi là địa ngục Đao Luân, bốn phía đều là núi đao, giữa không trung có tám trăm vạn ức bánh xe đao cực lớn, vừa xoay chuyển vừa rơi xuống giống như mưa rơi, một khi vừa chạm vào thân thể tội nhân thì tay chân liền bị chặt lìa, xương thịt văng ra tứ tán.
Lại có địa ngục tên là Hỏa Tiễn, có muôn ức chiếc nỏ sắt giương lên, trăm ức mũi tên nhọn, một khi khởi động thì đồng thời phóng ra, mỗi một mũi tên nhọn ấy đều bắn vào giữa tim tội nhân.
Lại có địa ngục tên là Giáp Sơn, có vô số tội nhân vì sợ vào địa ngục nên chạy trốn vào trong núi, bỗng nhiên trước sau đều thấy lửa đỏ nổi lên, hai ngọn núi hai bên đều tự nhiên chuyển động dần dần ép chặt lại, lập tức máu chảy thành sông, xương thịt đều bị nghiền nát.
Lại có địa ngục tên là Thông Thương. Thương là một loại binh khí cán gỗ có mũi nhọn, xuyên thấu tội nhân từ trước ngực ra sau lưng.
Lại có địa ngục tên là Thiết Xa, có lửa thiêu nóng đỏ bánh xe bằng sắt, nghiền nát lên thân thể tội nhân.
Lại có địa ngục tên là Thiết Sàng, có giường bằng sắt bị lửa nung nóng đỏ, tội nhân vừa nằm lên thì thân thể bị thiêu cháy nát nhừ.
Lại có địa ngục tên là Thiết Ngưu, có rất nhiều những con trâu đúc bằng sắt được nung đỏ, vừa nhìn thấy tội nhân liền xông tới dùng sừng húc vào hoặc dùng chân giẫm đạp.
Lại có địa ngục tên là Thiết Y, có muôn ngàn chiếc áo bằng sắt nung đỏ từ trên không trung từ từ rơi xuống, mỗi chiếc áo đó đều phủ lên người tội nhân, khiến cho da thịt xương cốt đều cháy nát nhừ.
Lại có địa ngục tên là Thiên Nhận, tội nhân phải ngồi lên chiếc giường kiếm có trăm ức mũi kiếm nhọn chĩa lên, mỗi mũi kiếm ấy đều bốc lửa, đâm vào thiêu đốt thân thể tội nhân, đồng thời trên không trung lại có những thanh đao từ từ rơi xuống bổ vào giữa đỉnh đầu. Tất cả khiến cho thân thể tội nhân bị băm nát ra thành muôn ngàn mảnh nhỏ.
Lại có địa ngục tên là Thiết Lư, phần trước đã có nói qua.
Lại có địa ngục tên là Dương Đồng, phần trước đã có nói qua.
Lại có địa ngục tên là Bão Trụ, tội nhân vừa ôm vào cột đồng liền có lưới sắt tự nhiên quấn chặt nơi cổ, rồi lập tức trụ đồng bốc lửa, thiêu cháy hết thân thể.
Lại có địa ngục tên là Lưu Hỏa, khắp nơi đều có lửa cháy, hoàn toàn không có đường nào thoát ra. Ngục tốt lại dùng những cái chày sắt nung lửa đỏ rực đánh vào đầu, vào bụng tội nhân.
Lại có địa ngục tên là Canh Thiệt, tội nhân bị kéo lưỡi ra giữ chặt, rồi có trâu kéo lưỡi cày, cày xới qua lại trên lưỡi tội nhân.
Lại có địa ngục tên là Tỏa Thủ, dùng đao búa chặt chém bửa nát đầu tội nhân.
Lại có địa ngục tên là Thiêu Cước, tội nhân đi, đứng ở bất cứ nơi nào, nơi ấy liền hóa ra chất nước kim loại nóng chảy như sáp, bàn chân vừa giẫm vào liền nóng chảy tiêu nát, chìm dần xuống đến đầu gối, hoặc chìm đến bụng, hoặc chìm đến cổ, hoặc chìm hết cả người.
Lại có địa ngục tên là Đạm Nhãn, có chim ưng bằng sắt bay đến, dùng móng vuốt tóm chặt trên vai tội nhân, rồi dùng mỏ mổ lấy con ngươi trong mắt mà ăn.
Lại có địa ngục tên là Thiết Hoàn, , phần trước đã có nói qua.
Lại có địa ngục tên là Tránh Luận, tội nhân trong đó đều sinh ra móng vuốt bằng sắt sắc nhọn hình bán nguyệt, mỗi lúc sân hận nổi lên liền tự [dùng móng vuốt ấy] cấu xé giết hại lẫn nhau.
Lại có địa ngục tên là Thiết Phu. Phu là lưỡi búa sắc bén bằng sắt, dùng làm hình cụ chém ngang lưng tội nhân.
Lại có địa ngục tên là Đa Sân, tội nhân trong đó khi sân hận nổi lên thì tàn sát lẫn nhau.
Thích nghĩa
Những người tu hành mà nghe tiếng phụ nữ ca hát cười đùa trong lòng khởi sinh ái nhiễm, cho đến những người thế tục vui thích làm việc giết hại sinh mạng, hoặc sai bảo người khác giết hại, chặt chém chân tay của chúng sinh, cắt xẻo da thịt chúng sinh, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Tứ Giác.
Những người quy tụ người khác lại để gây chiến tranh, tùy ý buông thả giết hại người khác, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Phi Đao.
Những người ngu si, vì sự tham dục, ham muốn mà bất hiếu với cha mẹ, bất kính với các bậc sư trưởng, không nghe theo những lời khuyên dạy làm người lương thiện, sai khiến người khác giết hại động vật, tự mình nuôi dưỡng những kẻ gian tà, thảy đều đọa vào địa ngục Hỏa Tiễn.
Những người đã làm nhiều nghiệp ác sẽ đọa vào địa ngục Giáp Sơn.
Những kẻ giết hại nhiều sinh mạng, lại gây chiến đánh nhau, sẽ đọa vào địa ngục Thông Thương.
Những người tà dâm ái nhiễm, nhiều tham muốn nữ sắc, sẽ đọa vào các địa ngục Thiết Sàng, Đồng Trụ.
Người tu hành không khoác áo cà-sa lại thích mặc y phục của thế tục, sẽ đọa vào địa ngục Thiết Y.
Những người thế tục không chịu nghe theo lời dạy của các bậc pháp sư, không biết báo ân, cúng dường, lại làm hại thầy, chửi mắng thầy, đánh thầy, giết thầy, làm những chuyện trái giáo pháp, không biết xấu hổ, hổ thẹn, hủy phá tượng Phật, phá hoại chùa tháp, giết hại cha mẹ, chú bác, anh chị em, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Thiên Nhận.
Những người có quyền hạn, thế lực lại ngược đãi dân lành, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Lưu Hỏa.
Những người đập nát đầu cá, rắn, rết… sẽ đọa vào địa ngục Tỏa Thủ.
Những người bắt giữ, giam cầm hết thảy các loại động vật, nướng đốt trên lửa nóng, hoặc vùi trong tro nóng, hoặc luộc bằng nước sôi, hoặc gian dâm với vợ con người khác, không tuân giữ theo pháp luật của thế gian, hoặc xuất gia mà phạm phá giới luật, hết thảy những hạng người này đều sẽ đọa vào địa ngục Thiêu Cước.
Những người nghiện ngập rượu chè sẽ đọa vào địa ngục Đạm Nhãn.
Những kẻ nhiều tham dục, ganh ghét với người khác, thường sinh sân hận, nóng giận, sẽ đọa vào các địa ngục Tránh Luận, Đa Sân.
Những người miệng lưỡi lanh lợi thường nói lời ác độc, ngợi khen kẻ xấu ác, phỉ báng chê bai người lương thiện, đều sẽ đọa vào địa ngục Thiết Phu.
Kinh văn
Bồ Tát Địa Tạng thưa rằng: “Thưa nhân giả! Bên trong núi Thiết Vi có những loại địa ngục như vậy, số lượng nhiều không giới hạn.”
Giảng giải
Bồ Tát Địa Tạng nói: “Thưa nhân giả! Trong lòng núi Thiết Vi có những loại địa ngục giống như vừa kể, về số lượng thì nhiều đến không có giới hạn.”
Thích nghĩa
Trong hết thảy mỗi một địa ngục đều có thiết lập những ngục nhỏ bên trong, nên nói là không cùng tận. Rốt cuộc đều do phàm phu vọng khởi tâm ái nhiễm và bám chấp, đem cảnh giới vô vi vốn có xưa nay miễn cưỡng tạo thành cảnh giới hữu vi, do đó mà khởi sinh bao sự báo ứng khổ hoặc vui.
Kinh văn
Lại có địa ngục Khiếu Hoán, địa ngục Bạt Thiệt, địa ngục Phẩn Niệu, địa ngục Đồng Tỏa, địa ngục Hỏa Tượng, địa ngục Hỏa Cẩu, địa ngục Hỏa Mã, địa ngục Hỏa Ngưu, địa ngục Hỏa Sơn, địa ngục Hỏa Thạch, địa ngục Hỏa Sàng, địa ngục Hỏa Lương, địa ngục Hỏa Ưng, địa ngục Cứ Nha, địa ngục Bác Bì, địa ngục Ẩm Huyết, địa ngục Thiêu Thủ, địa ngục Thiêu Cước, địa ngục Đảo Thích, địa ngục Hỏa Ốc, địa ngục Thiết Ốc, địa ngục Hỏa Lang.
Giảng giải
Bên trong hai địa ngục lớn là Vô Gián và A-tỳ, lại có địa ngục Khiếu Hoán. Địa ngục thứ tư trong địa ngục Bát Nhiệt gọi là Khiếu Hoán, địa ngục thứ năm là Đại Khiếu Hoán. Ở đây, ngục tốt nắm lấy tội nhân ném vào trong một vạc nước sôi lớn mà luộc, rồi lại kéo ra đặt lên một tấm vĩ nóng lớn, lật nướng qua lại cho khô đi, cho nên tội nhân đau đớn kêu khóc lớn tiếng.
Trong địa ngục Bạt Thiệt thì ngục tốt dùng móc sắt móc vào banh miệng tội nhân ra, rồi kéo lưỡi tội nhân dài ra bên ngoài, dùng móc câu giữ chặt lại.
Trong địa ngục Phẩn Niệu thì tội nhân bị trôi giạt chìm đắm trong một dòng sông toàn là phẩn uế, nước tiểu, hôi thối không thể chịu nổi.
Trong địa ngục Đồng Tỏa thì dùng cùm sắt lớn có dây buộc chặt vào cổ tội nhân, đầu dây kia buộc giữ vào núi sắt, buộc tội nhân phải mang cùm sắt nặng ấy mà chạy.
Trong địa ngục Hỏa Tượng, những con voi toàn thân bốc lửa, rượt đuổi thiêu đốt tội nhân.
Trong địa ngục Hỏa Cẩu có dòng sông tro nóng nước sôi sục ở hai bên bờ, hết thảy những con chó đều có màu tím đen, dơ nhớp hết sức đáng sợ, cắn xé xương thịt trên thân thể tội nhân trong ngục để ăn.
Trong các địa ngục Hỏa Ngưu, Hỏa Mã, những con trâu, con ngựa đều bốc lửa toàn thân, lồng lộn hết sức truy đuổi tội nhân, giẫm đạp đến chết, hoặc đâm húc đến chết, hoặc bị lửa trên thân chúng thiêu chết.
Trong địa ngục Hỏa Sơn, cả hai ngọn núi đều bốc lửa, tội nhân đi vào trong núi, cả hai ngọn núi liền tự nhiên hợp lại, ép chặt tội nhân nát thành bụi nhỏ.
Trong địa ngục Hỏa Thạch, tội nhân bị ném lên những tảng sắt đá, lại có một tảng sắt đá khác đè ép lên phía trên, nghiền nát thân thể tội nhân khiến cho máu mủ chảy tràn ra, xương tủy cũng nát thành tro bụi.
Địa ngục Hỏa Sàng cũng chính là địa ngục Thiết Sàng.
Trong địa ngục Hỏa Lương, tội nhân bị treo lên trên cây xà ngang bốc lửa để thiêu đốt.
Địa ngục Hỏa Ưng chính là địa ngục Thiết Ưng.
Trong địa ngục Cứ Nha, tội nhân bị trói quặt tay bằng dây xích sắt đen, rồi dùng cưa cưa xẻ thân thể, cưa đi rồi cưa lại, cưa nát hết thân thể rồi cưa đến răng, lợi.
Trong địa ngục Bác Bì, trước hết mang tội nhân ra lột da, sau đó cắt xẻo dần ra từng miếng thịt ném lên tấm da của chính họ.
Trong địa ngục Ẩm Huyết có rất nhiều loài trùng độc, cắn rứt hút lấy máu thịt của tội nhân, rồi lại cắn gặm vào gân, tủy.
Lại nói về các địa ngục Thiêu Thủ và Thiêu Cước. Trong Bát Nhiệt địa ngục thì địa ngục thứ sáu gọi là Thiêu Chích và địa ngục thứ bảy gọi là Đại Thiêu Chích, trong các địa ngục này, toàn thân tội nhân bị thiêu đốt, thịt da đều chín bấy, tiêu nát. Trong hai địa ngục Thiêu Thủ và Thiêu Cước thì tội nhân chỉ bị thiêu cháy chân tay.
Trong địa ngục Đảo Thích có một cái cây bằng sắt rất lớn được nung đỏ, cây có gai dài đến mười sáu tấc. Ngục tốt lôi kéo tội nhân lên cây ấy thì bao nhiêu gai đều quay xuống, lại lôi kéo tội nhân từ trên cây xuống thì bao nhiêu cây gai đều quay lên. Lôi kéo nhiều lần lên xuống như vậy thì da thịt đều bị cắt xẻo hết.
Trong địa ngục Hỏa Ốc và Thiết Ốc, tội nhân bị giam nhốt trong tòa nhà sắt lớn, lại bị lửa nóng thiêu đốt, tội nhân không có chỗ nào né tránh được, liền bị thiêu đốt toàn thân nát nhừ mà chết.
Trong địa ngục Hỏa Lang có những con chó sói hung dữ toàn thân bốc lửa, rượt đuổi tội nhân, chân đạp, miệng cắn xé, ăn dần từng miếng thịt trên thân thể tội nhân cho đến hết.
Thích nghĩa
Đọa vào địa ngục Khiếu Hoán là báo ứng của những người ôm lòng sân hận, độc ác, tạo các nghiệp ác, tích tập đủ loại tà kiến.
Đọa vào các địa ngục Bạt Thiệt, Phẩn Niệu, Đồng Tỏa, là báo ứng của hạng Phạm chí đúng pháp bảo là sai pháp, sai pháp lại bảo là đúng pháp, phạm giới luật không chịu sám hối.
Đọa vào địa ngục Hỏa Cẩu là báo ứng của những người nuôi tằm rồi đun luộc để ăn.
Đọa vào địa ngục Hỏa Ngưu, Hỏa Mã là báo ứng của những kẻ tà hạnh, dâm dục.
Đọa vào các địa ngục Hỏa Sơn, Hỏa Thạch đều là báo ứng của những người tạo nghiệp nghiệp ác.
Đọa vào địa ngục Cứ Nha là báo ứng của những người tạo khẩu nghiệp xấu ác.
Đọa vào địa ngục Bác Bì là báo ứng của những người làm nghề đồ tể, giết hại động vật như heo, dê, trâu, bò, nai… để sinh sống, hoặc cũng là báo ứng của những người chuyên bắt các loại cá, các loại chim v.v…
Đọa vào địa ngục Ẩm Huyết là báo ứng của những người trộm cắp, tà dâm.
Đọa vào các địa ngục Thiêu Thủ, Thiêu Cước là báo ứng của những người vì tham miếng ăn ngon mà giết hại chúng sinh, chặt chân chặt tay, chiên nướng luộc thui…
Đọa vào địa ngục Đảo Thích là báo ứng của những người phụ nữ tà dâm, hoặc khinh nhờn tệ bạc với chồng, phản bội chồng, lại còn tạo tác thêm nhiều nghiệp ác khác.
Đọa vào các địa ngục như Hỏa Ốc… đều là báo ứng của những ác nghiệp do chính mình tạo tác.
Kinh văn
Bên trong các địa ngục như thế, mỗi địa ngục lại có các địa ngục nhỏ hơn, hoặc một hoặc hai, hoặc ba hoặc bốn, thậm chí đến số trăm ngàn. Tên gọi các địa ngục ấy đều không giống nhau.
Giảng giải
Bên trong hết thảy các loại địa ngục như thế lại có các loại địa ngục nhỏ hơn, hoặc thêm một loại, hoặc hai loại, hoặc thêm ba, bốn loại, cho đến có thêm hàng trăm loại. Trong đó tên gọi mỗi loại địa ngục đều không giống nhau.
Thích nghĩa
Bên trong các loại địa ngục lại còn có nhiều địa ngục nhỏ, phụ thuộc vào địa ngục lớn đó. Những địa ngục như vậy làm sao có thể kể ra hết được?
Kinh văn
Bồ Tát Địa Tạng nói với Bồ Tát Phổ Hiền: “Thưa nhân giả! Các địa ngục đó đều là do những nghiệp ác của chúng sinh cõi Nam Diêm-phù-đề chiêu cảm mà hiện ra như vậy.
Giảng giải
Bồ Tát Địa Tạng nói với Bồ Tát Phổ Hiền: “Thưa nhân giả! Những địa ngục như thế đều là do nghiệp lực của những chúng sinh làm ác trong cõi Nam Diêm-phù-đề chiêu cảm nên mới có những địa ngục như vậy.
Thích nghĩa
Bồ Tát thường chỉ bày cho chúng sinh cõi Diêm-phù, đó là vì chúng sinh cõi Diêm-phù tánh khí rối loạn, chạy theo hoàn cảnh bên ngoài mà tập thành nghiệp ác, không chịu làm thiện. Tích tụ đủ mọi loại nghiệp ác nên mới hình thành đủ mọi loại địa ngục.
Kinh văn
“Nghiệp lực rất lớn lao, sánh với núi Tu-di, sâu như biển lớn, có thể làm chướng ngại Thánh đạo. Do vậy, chúng sinh đừng xem thường việc ác nhỏ nhặt mà cho là không có tội. Sau khi chết đều có báo ứng, dù một mảy may cũng phải nhận chịu. Thân thiết như cha với con, mỗi người cũng đều có nẻo đi riêng, ví như có gặp lại nhau cũng không thể thay nhau chịu tội. Nay tôi nương nhờ oai lực của Phật mà sẽ nói lược qua những chuyện tội báo trong địa ngục. Xin nhân giả tạm chứng cho lời ấy.”
Giảng giải
Nghiệp lực đó hết sức lớn lao, có thể so sánh với núi Tu-di, sâu xa sánh như biển lớn, lại có thể che chướng con đường tu tập Thánh đạo. Nghiệp lực lớn lao như thế cho nên khuyên dạy chúng sinh đừng xem thường những việc ác nhỏ nhặt mà cho rằng không có tội. Phải biết rằng sự báo ứng sau khi chết, cho dù mảy may nhỏ nhặt cũng đều phải nhận chịu. Cha con với nhau cho dù tình cảm chí thân, đến lúc phải thọ nhận quả báo cũng phân chia riêng biệt. Ví như có gặp gỡ cũng không thể thay nhau chịu tội. Nay tôi nương nhờ oai lực của Phật, nói lược qua những chuyện tội báo trong địa ngục, xin nhân giả tạm thời chứng giám cho lời nói của tôi.
Thích nghĩa
Nghiệp lực nếu so với núi Tu-di ắt cao hơn, so với biển lớn ắt sâu hơn, thậm chí còn có thể làm che chướng Phật pháp, Thánh đạo. Quý vị nghĩ xem nghiệp lực của người đời lớn lao như vậy có đáng sợ hay không? Phàm phu chúng ta, trong một ngày đêm có tám ức bốn ngàn muôn lần khởi tâm động niệm, niệm niệm không dừng nghỉ, mỗi một niệm như vậy đều có nhân duyên báo ứng, niệm ác thì quả báo ác, niệm lành thì quả báo lành, như bóng theo hình, không mảy may sai chạy.
Ý niệm còn có báo ứng, huống hồ là tự thân làm việc ác nhỏ. Việc lành tích lũy được nhiều thì sau khi chết sinh lên cõi trời. Việc ác tích lũy nhiều thì sau khi chết đọa xuống địa ngục, tự làm tự chịu, dù một mảy may cũng không thể thay đổi. Mỗi người sinh ra mình trần thân trụi, chết đi cũng mình trần thân trụi, cho dù là cha mẹ, anh em, vợ con, bè bạn cũng không giúp đỡ được gì, cũng không chủ động được gì.
Nói tóm lại, muôn pháp đều từ tâm sinh khởi, muôn pháp cũng từ nơi tâm mà diệt. Có thể thấu hiểu rốt ráo được cảnh giới không sinh không diệt thì tâm Phật tự nhiên hiển hiện. Tâm niệm si mê rối loạn thì chướng ngại tâm Phật, làm đủ mọi việc bất thiện, tạo tác tích lũy nghiệp ác không hình tướng. (Trong kinh nói rằng, nếu nghiệp ác mà có hình tướng thì hư không rộng lớn cũng không dung chứa hết.) Tương lai rồi phải thọ lãnh quả báo xấu ác trong địa ngục, đừng cho rằng nghiệp không nhìn thấy được mà tùy ý buông thả làm việc ác.
Kinh văn
Ngài Phổ Hiền đáp lại rằng: “Từ lâu tôi đã biết về quả báo trong ba đường ác, mong nhân giả nói ra để hết thảy những chúng sinh làm việc ác trong đời mạt pháp về sau được nghe nhân giả giảng nói, sẽ quay về quy y Phật.”
Giảng giải
Ngài Phổ Hiền đáp lời Bồ Tát Địa Tạng: “Từ lâu tôi đã biết về ngài, đã biết về những quả báo trong ba đường ác, nên hy vọng ngài sẽ nói ra những lời này, để cho hết thảy những chúng sinh làm việc ác trong thời mạt pháp sau này được nghe những lời của nhân giả mà quay về quy y Phật.
Thích nghĩa
Bồ Tát Phổ Hiền biết rằng ngài Bồ Tát Địa Tạng là bậc giáo chủ trong các địa ngục đã từ lâu xa. Bây giờ bậc giáo chủ trong các địa ngục giảng nói về những sự việc, hình trạng trong địa ngục, chúng sinh được nghe qua rồi nhất định sẽ phải tin nhận. Một khi đã có niềm tin thì có thể khuyên bảo họ quy y Phật, tránh được việc phải chịu tội báo trong địa ngục.
Kinh văn
Bồ Tát Địa Tạng thưa rằng: “Thưa nhân giả! Những chuyện tội báo trong địa ngục là như thế này.”
Giảng giải
Bồ Tát Địa Tạng nói rằng: “Thưa nhân giả! Những chuyện tội báo trong địa ngục quả thật như đã được kể ra như sau.”
Thích nghĩa
Một câu này là để chứng thực mọi hình trạng, sự việc trong địa ngục quả thật đúng như đã nói, để khiến cho chúng sinh phải tin chắc không nghi ngờ.
Kinh văn
“Có địa ngục kéo lưỡi tội nhân rồi bắt trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục moi tim tội nhân cho quỷ dạ-xoa ăn, hoặc có địa ngục nước sôi sùng sục bỏ toàn thân tội nhân vào nấu, hoặc có địa ngục nung đỏ trụ đồng rồi bắt tội nhân ôm trụ, hoặc có địa ngục nhiều đám lửa dữ rượt đuổi thiêu đốt tội nhân, hoặc có địa ngục toàn là băng giá, hoặc có địa ngục tràn ngập phẩn uế, hoặc có địa ngục đầy những quả chùy gai bay lượn, hoặc có địa ngục toàn những cây giáo bốc lửa, hoặc có địa ngục chỉ đánh vào ngực, vào lưng tội nhân, hoặc có địa ngục chỉ thiêu cháy tay chân, hoặc có địa ngục rắn sắt quấn siết quanh tội nhân, hoặc có địa ngục xua đuổi chó sắt [rượt cắn tội nhân], hoặc có địa ngục toàn là lừa sắt.”
Giảng giải
Có loại địa ngục kéo lưỡi tội nhân ra, rồi cho trâu bò kéo cày trên lưỡi.
Lại có loại địa ngục ở giữa dòng sông tro nóng có rừng kiếm sắc nhọn, quỷ la-sát dùng chĩa sắt đâm vào giữa tim tội nhân lấy ra, rồi gọi quỷ dạ-xoa đến ăn.
Lại có loại địa ngục có 500 quỷ la-sát thổi lò lửa lớn, đun chảo nước lớn sôi sùng sục, bỏ tội nhân vào nấu, chỉ trong chốc lát thân thể đều chín nhừ, lại dùng chĩa đâm vào vớt ra, ném cho chó sắt ăn. Chó ăn vào rồi nôn ra, tội nhân liền sống lại, rồi lại bị bắt lấy ném vào chảo đun nấu tiếp.
Lại có loại địa ngục dùng những cụm lửa lớn rượt đuổi thiêu đốt tội nhân.
Lại có loại địa ngục tội nhân toàn bị ngập chìm trong băng giá lạnh buốt, hai bề ngang dọc rộng đến hai mươi ngàn dặm, gió thổi băng lạnh rét buốt thấu xương, lạnh quá mà chết.
Lại có loại địa ngục tràn ngập phẩn uế hôi thối không có hạn mức, chia ra làm mười tám ngăn, mỗi ngăn rộng tám ngàn do-tuần, đều có bốn vách tường vây quanh, trên tường có trăm ngàn vạn ức đao kiếm. Trong đó sinh ra những con trùng bằng sắt, miệng nhổ ra phân nóng. Tội nhân nuốt loại phân này vào liền bị trùng sắt cắn vào lưỡi, gặm ăn vào tim.
Lại có loại địa ngục tội nhân bị rơi vào chỗ tối tăm mông lung, có loài quạ sắt mỏ và móng vuốt dưới chân đều dài và sắc nhọn, từ trên núi bay xuống gắp lấy tội nhân. Tội nhân gấp rút bỏ chạy, chân vừa chạm đất thì có chùy gai sắt quật ngang, gai đâm xuyên thấu xương tủy. Cứ như vậy trải qua trăm vạn ức năm. Chỗ này chỉ nói địa ngục chùy sắt có gai, nhưng tất cả các địa ngục khác, đại thể thời gian mãn hạn thoát ra khỏi ngục cũng đều lâu xa như vậy.
Loại địa ngục toàn những cây giáo bốc lửa (hỏa thương), cũng giống như địa ngục bị giáo đâm như đã nói, bất quá chỉ là những cây giáo có thêm lửa nóng.
Lại có loại địa ngục chỉ toàn đánh vào ngực, vào lưng tội nhân.
Lại có loại địa ngục chỉ thiêu đốt chân tay. Cai ngục bắt tội nhân cầm hộp sắt nóng, trong hộp bốc lửa thiêu cháy tay tội nhân.
Các loại địa ngục có rắn sắt, chó sắt đều giống như đã nói ở phần trước.
Trong địa ngục toàn lừa sắt, đó là tội nhân biến hình thành con lừa, bị lửa thiêu đốt, hoặc tội nhân phải cưỡi trên lừa sắt bốc lửa, thiêu đốt thân thể.
Thích nghĩa
Những người phạm tội nói đâm thọc hai lưỡi, nói lời độc ác, nói dối trá, nói lời vô nghĩa, hủy báng Tam bảo, sau khi chết phải dọa vào địa ngục Bạt Thiệt, bị kéo lưỡi ra cho trâu cày.
Những người trộm cắp của cha mẹ, sư trưởng, do tội ấy phải đọa vào địa ngục bị moi tim.
Những người chuyên ăn cua luộc, gỏi cá, cắt tiết ăn sống, luộc rùa, ba ba… sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục bị luộc bằng chảo nước sôi.
Địa ngục phải ôm trụ đồng nóng thì phần trước đã có nói qua.
Người ôm lòng khắc nghiệt, sân hận đối với người khác, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục bị lửa thiêu. Ôm lòng oán hận, tâm độc ác cố kết không thể giải trừ, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục băng lạnh.
Người phá hoại tám điều trai giới, làm ô uế điện thờ thần Phật hoặc tượng Phật, kinh sách Phật, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục chìm ngập trong phẩn uế, nước tiểu.
Những người săn bắn, lưới bắt chim thú, sau khi chết đọa vào địa ngục bị chùy gai bay đập.
Những người phỉ báng sau lưng người khác, đánh đập người khác bằng hung khí, sẽ đọa vào địa ngục cũng bị đánh vào ngực, vào lưng hoặc bị đâm bởi cây giáo bốc lửa.
Địa ngục có lừa sắt là nơi báo ứng của những người tu hành làm việc nấu ăn cho tăng chúng mà giấu riêng thức ăn để ăn một mình, không phân chia đồng đều cho các vị tăng khác, sau khi chết đọa địa ngục hóa làm thân lừa, bị lửa thiêu hết sức khổ sở.
Thốc lê (鏃鏫) là tên một loại vũ khí hình ba cạnh, có nhiều gai nhọn trên bề mặt (cây chùy gai).
Kinh văn
“Thưa nhân giả! Với những quả báo như vậy, trong hết thảy các địa ngục đều có trăm ngàn loại khí cụ [hành hình], tất cả đều là đồng, sắt, đá, lửa. Bốn loại vật chất này là do các loại hành nghiệp chiêu cảm.”
Giảng giải
Thưa nhân giả! Những sự báo ứng như vậy, với đủ mọi loại địa ngục, có đến trăm ngàn các loại hình cụ, khí cụ, tất cả đều là được làm bằng đồng, bằng sắt, bằng đá hoặc dùng lửa. Đó cũng là do chúng sinh tạo nghiệp xấu ác nên chiêu cảm mà thành như vậy.
Thích nghĩa
Các loại công cụ hành hình trong địa ngục vốn dĩ không hề có, hết thảy đều do chúng sinh tạo tác nghiệp ác chiêu cảm mà thành.
Các loại vật chất như đồng, sắt, đá là ví với việc chúng sinh tạo nghiệp ác, cũng giống như các loại vật chất này luôn cứng cỏi, sắc bén, ương ngạnh, không chịu thay đổi, hối cải. Lửa là ví với sức mạnh thôi thúc tạo nghiệp ác, việc ác nếu không dứt trừ ắt cũng giống như lửa, ngày càng thiêu đốt lan rộng ra.
Kinh văn
“Nếu như nói rộng những tội báo trong địa ngục thì trong mỗi một địa ngục còn có đến trăm ngàn nỗi khổ sở, huống chi trong nhiều ngục. Nay tôi nương nhờ oai lực Phật cùng nhân câu hỏi của nhân giả mà lược nói như vậy. Nếu như nói rộng ra thì đến hết kiếp cũng chưa nói hết.”
Giảng giải
Nếu như muốn nói rộng những chuyện tội báo địa ngục thì chỉ trong mỗi một địa ngục đều có trăm ngàn cách khổ sở hành hạ, huống chi trong rất nhiều địa ngục như thế. Nay tôi nương nhờ oai thần của Phật cũng như đáp lại câu hỏi của nhân giả mà nói qua đại lược như vậy. Nếu muốn giảng nói rộng ra thì cho đến hết một kiếp này cũng không thể nói hết.
Thích nghĩa
Hết thảy các loại địa ngục xưa nay vốn không thật có. Nhân vì chúng sinh không biết giữ giới, vọng khởi các niệm xấu ác tham lam, sân hận, si mê, tạo thành đủ mọi các nghiệp ác giết hại, trộm cướp, dâm dục, nên mới chiêu cảm mà thành. Cho nên, nghiệp lực do trong tâm khởi niệm cũng giống như người họa sĩ, tự nơi thân tâm mình tạo tác các nghiệp thì cũng tự chính mình vẽ thành, tạo thành các loại địa ngục, để sau khi chết đi thì tự mình chịu tội. Do vì những nghiệp ác mà chúng sinh tạo tác nhiều vô cùng tận, không thể nói hết, cho nên [những sự báo ứng trong] địa ngục cũng nhiều vô cùng tận, không thể nói hết.