GIẢI THÍCH KINH ĐỊA TẠNG
Nguyễn Minh Tiến dịch giải

 

Kinh văn

Phẩm thứ hai: Phân Thân Bồ Tát Cùng Tụ Họp

Giảng giải

Trong các thế giới có địa ngục, hết thảy những phân thân của Bồ Tát Địa Tạng đều đáp ứng sự triệu tập, cùng tụ họp đến thành tựu pháp hội. Đây là phẩm thứ hai của kinh này.

Thích nghĩa

Nhân vì phẩm trước, đức Phật đã nói ra nhân duyên tu tập đủ mọi sự hiếu thuận của Bồ Tát Địa Tạng trong quá khứ, nên giờ [các phân thân của Bồ Tát] liền tụ họp lại để tự mình chứng minh hết thảy những việc đó.

Phân thân là nói Bồ Tát trong lúc tu tập công đức, ứng hợp với cơ duyên của chúng sinh mà hóa hiện. Bồ Tát có thể từ một thân hóa hiện ra vô cùng vô tận các phân thân, giống như vầng trăng giữa trời cao phản chiếu hình ảnh vào trong nước [ở khắp mọi nơi].

Lúc này, Bồ Tát Địa Tạng đưa các phân thân của ngài ở khắp nơi cùng về tụ tập nơi cung trời Đao-lợi đảnh lễ Phật, tuy là để làm việc chứng minh sự thật nhưng cũng là đặc biệt nhận lãnh những lời dặn dò giao phó của đức Như Lai.

Kinh văn

Lúc bấy giờ, ở trong trăm ngàn muôn ức số lượng không thể nghĩ, không thể bàn, không thể đo lường, không thể nói hết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, có bao nhiêu phân thân của Bồ Tát Địa Tạng trong tất cả các địa ngục đều tụ hội về cung trời Đao-lợi.

Giảng giải

Khi ấy có vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, không thể nghĩ tưởng biết được, không thể bàn luận hiểu được, không thể đo lường tính toán, không thể nói hết, trong đó có bao nhiêu địa ngục, mỗi nơi đều có phân thân của Bồ Tát Địa Tạng, cùng nhau tụ họp về cung trời Đao-lợi.

Thích nghĩa

Con số ức có bốn cấp độ, mười muôn là một ức, hoặc trăm muôn là một ức, hoặc ngàn muôn là một ức, hoặc muôn muôn là một ức. Hiện lấy cả bốn số trăm, ngàn, muôn, ức liệt kê ra cả, đó là chỉ rõ muốn dùng số muôn muôn là một ức.

Cũng giống như những số lượng đó, muốn tính toán đã không thể rõ ràng, huống chi lại còn tăng thêm hình dung không thể nghĩ bàn, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, trong mỗi địa ngục đều có một phân thân, hết thảy đều tụ hội? Như thế có thể biết rằng, thế giới đã khó đo lường, thì số địa ngục trong đó cũng như số lượng phân thân của Bồ Tát làm sao có thể tính toán được?

Kinh văn

Nhờ thần lực của đức Như Lai, mỗi vị phân thân đều từ chỗ của mình, cùng với những người được giải thoát từ nghiệp đạo, cũng nhiều đến số ngàn muôn ức na-do-tha, cùng mang hương hoa đến cúng dường Phật. Những người cùng đi đến đều là nhờ sự giáo hóa của Bồ Tát Địa Tạng nên vĩnh viễn không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Giảng giải

Do nhân duyên đức Như Lai có đủ oai lực thần thông phổ biến khắp nơi, nên có thể khiến cho các vị Bồ Tát ở khắp các xứ sở cùng với đại chúng các vị đã được giải thoát, đại chúng đã thoát ra từ các nghiệp đạo, hết thảy đều tụ họp lại, hết thảy số lượng lên đến ngàn muôn ức na-do-tha, đều mang theo hương hoa đến cúng dường Phật. Tất cả những người cùng đi đến với Bồ Tát Địa Tạng đó, đều là nhờ sự giáo hóa của Bồ Tát Địa Tạng nên vĩnh viễn không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Thích nghĩa

Sự giải thoát có phân biệt đại giải thoát và tiểu giải thoát. Những vị đạt được giải thoát không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đều là đại giải thoát.

A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề là phiên âm từ tiếng Phạn. Dich sang tiếng Trung quốc thì a là chữ vô (không), ba chữ nậu-đa-la là thượng (trên), chữ tam là chính, chữ miệu là đẳng, hai chữ bồ-đề là giác. Hợp tất cả lại là Vô thượng Chính đẳng Chính giác.

Chính đẳng là không tà vạy, không thiên lệch. Giác là giác ngộ. Có thể giác ngộ không tà vạy, không thiên lệch, đó là đầy đủ trí tuệ Phật.

Kinh văn

Hết thảy đại chúng này, từ nhiều kiếp lâu xa trôi giạt trong sinh tử luân hồi, không ngừng chịu khổ trong sáu đường. Nhờ lòng từ bi rộng lớn và thệ nguyện sâu xa của Bồ Tát Địa Tạng nên mỗi người đều được chứng quả. Khi đến cung trời Đao-lợi rồi, lòng họ vô cùng phấn chấn, chăm chú chiêm ngưỡng đức Như Lai không hề rời mắt.

Giảng giải

Những vị trong đại chúng này, từ những kiếp số lâu xa đến nay đắm chìm trong biển sinh tử, tùy theo nghiệp lực mà trôi giạt lưu chuyển, chịu khổ trong sáu đường luân hồi không lúc nào được tạm dừng. Nhờ nơi nhân duyên Bồ Tát Địa Tạng có tâm từ bi rộng lớn, thệ nguyện thâm sâu, nên mỗi vị trong số họ đều chứng đắc được quả vị. Khi họ đã đến cung trời Đao-lợi rồi, trong tâm khởi sinh sự hoan hỷ, vui mừng phấn chấn, hết lòng cung kính hướng về đức Như Lai mà chiêm ngưỡng, ánh mắt không một lúc nào tạm rời đi.

Thích nghĩa

Nói về sóng nghiệp, đã có biển sinh tử thì tự nhiên có sóng nghiệp, chúng sinh trong đó chợt sống chợt chết, cùng trong biển lớn mà sóng nơi cao nơi thấp, chúng sinh kẻ chìm người nổi không giống nhau. Con người nếu không đạt được giải thoát thì mãi mãi ở trong biển sinh tử, tùy sóng nghiệp mà lưu chuyển.

Quý vị muốn được giải thoát, không tùy sóng nghiệp lưu chuyển, thì phải y theo lời răn dạy của Bồ Tát Địa Tạng, được nương nhờ thệ nguyện lớn lao của Bồ Tát sẽ tu thành quả Phật giống như ngài.

Kinh văn

Bấy giờ, đức Thế Tôn duỗi cánh tay có màu vàng ròng xoa đầu tất cả các vị phân thân của Đại Bồ Tát Địa Tạng trong trăm ngàn muôn ức không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, không thể nói hết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, rồi nói rằng: “Ta ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược, giáo hóa những chúng sinh cứng đầu khó dạy như vậy, khiến tâm họ được điều phục, bỏ nẻo tà, về đường chánh. Nhưng trong mười phần còn lại một, hai, vẫn còn giữ tập khí xấu ác.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, đức Thế Tôn duỗi ra rất nhiều cánh tay có màu vàng ròng, xoa trên đỉnh đầu tất cả các vị phân thân của Bồ Tát Địa Tạng trong trăm ngàn muôn ức, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, không thể nói hết a-tăng-kỳ thế giới, rồi nói rằng: “Ta ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược, giáo hóa những chúng sinh cứng đầu khó dạy như thế, khiến cho những kẻ ương ngạnh xấu ác đều được điều phục, buông bỏ tà đạo, quay về nương theo chánh pháp. Thế nhưng trong mười phần cũng còn lại một, hai phần vẫn giữ tập quán xấu ác.”

Thích nghĩa

[Phật] duỗi [tay] ra là hàm nghĩa mở rộng, khai hóa. Phật có thần lực chuyển biến của Như ý thông, nên có thể dùng một cánh tay mẫu-đà-la, một bàn tay đâu-la-miên, biến hóa thành vô số, có thể xoa đỉnh đầu của vô số không thể nói hết các phân thân Bồ Tát Địa Tạng, trực tiếp ủy lạo, an ủi từng vị, đó cũng là an ủi chúng sinh chúng ta.

Đức Thế Tôn có đủ trí tuệ, đại bi, nên có thể thiết lập các phương pháp điều phục những chúng sinh cứng đầu khó dạy. Phật dùng giới luật điều phục thân của chúng ta; dùng định tuệ điều phục tâm của chúng ta. Thân tâm đã được điều phục, tự nhiên có thể bỏ tà theo chánh.

Thế nhưng vẫn còn một, hai phần là những người chưa trừ dứt được tập khí xấu ác, nên Phật khuyên Bồ Tát Địa Tạng hãy làm giống như ngài, thiết lập đủ mọi phương tiện, điều phục những người ấy, độ thoát những người ấy.

Kinh văn

“Như Lai cũng phân thân trăm ngàn muôn ức, rộng bày nhiều phương tiện. Hoặc có những người căn tánh nhanh nhạy, nghe qua liền tin nhận. Hoặc có những người đã sẵn quả lành, thường khuyên bảo khuyến khích liền được thành tựu. Hoặc có những người tối tăm ngu độn, dạy dỗ lâu ngày mới chịu nghe theo. Hoặc có những người nghiệp chướng nặng nề, không sinh lòng kính ngưỡng. Hết thảy những chúng sinh như vậy, mỗi hạng đều khác biệt, [Như Lai đều] phân thân độ thoát. Hoặc hiện thân nam, hoặc hiện thân nữ, hoặc hiện thân trời rồng, hoặc hiện thân quỷ thần, hoặc hiện thành núi rừng, nguồn nước, đồng bằng, sông, hồ, suối, giếng… làm lợi ích cho mọi người, rồi [khiến cho] tất cả đều được độ thoát. Hoặc hiện thân Thiên đế, hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Chuyển luân vương, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân quốc vương, hoặc hiện thân tể tướng, hoặc hiện thân quan thuộc, hoặc hiện thân tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, cho đến hiện các thân Thanh văn, La-hán, Bích-chi Phật, Bồ Tát để hóa độ, không chỉ duy nhất hiện ra thân Phật trước mắt chúng sinh.”

Giảng giải

[Này Bồ Tát Địa Tạng,] không chỉ Như Lai khuyên ông phân thân cứu độ, mà chính Như Lai xưa nay cũng phân thân trăm ngàn muôn ức, rộng bày nhiều phương tiện pháp môn để cứu độ [chúng sinh]. Hoặc có những chúng sinh căn tánh lanh lợi, mẫn tiệp, vừa thuyết pháp cho họ nghe xong, họ tức thời tin nhận. Hoặc có những người sẵn có quả lành, Như Lai ân cần khuyên dạy khuyến khích, họ liền thành tựu. Hoặc có người căn tánh si mê tăm tối, Như Lai dùng đến sự nhẫn nại lâu dài, nghĩ ra phương cách để cảm hóa họ, khiến họ quay về nương theo chánh đạo. Hoặc có những người nghiệp chướng sâu nặng, không sinh tâm kính ngưỡng [Tam bảo]. Hết thảy thảy những chúng sinh như thế, mỗi hạng đều khác biệt nhau, Như Lai cũng đều phân thân độ thoát tất cả. Hoặc hiện ra thân nam, hoặc hiện ra thân nữ, hoặc hiện ra thân trời rồng, hoặc hiện ra thân quỷ thần, hoặc hiện ra hình tượng núi rừng, nguồn nước, đồng bằng, sông, hồ, suối, giếng… đều để làm lợi ích hết thảy chúng sinh, âm thầm đứng sau mà khiến cho tất cả đều được độ thoát. Hoặc hiện ra thân Đế thích, thân Bồ Tát, để chuyển hóa cứu độ chúng sinh, không chỉ duy nhất có thân Phật hiện ra trước mắt chúng sinh.

Thích nghĩa

Pháp tánh của Phật là không lay động, nay nhân vì muốn độ thoát chúng sinh nên tự nhiên phải phân thân hiện khắp, uyển chuyển phù hợp với những căn tánh khác biệt nhau [của chúng sinh]. Bất kể là những loài căn tánh lanh lợi như thai sinh, hóa sinh; căn tánh ám độn như thấp sinh, noãn sinh, Như Lai đều dùng biện tài thuyết dạy đủ mọi pháp để cảm hóa, khai thị. Thậm chí còn hóa hiện vào các cảnh giới xấu ác như súc sinh, địa ngục để giáo hóa, hơn nữa còn tự nguyện thay chúng sinh chịu khổ.

Như Lai cũng hóa hiện thành núi cao để giúp người ở nơi đó an ổn tu dưỡng đạo hạnh, hóa hiện các dược liệu để giúp người trị dứt bệnh khổ, hóa hiện thành dòng nước lớn khiến trời nắng lâu không khô cạn, hóa hiện nơi bằng phẳng cao ráo làm huyệt địa chôn cất người đức độ, hóa hiện thành sông, hồ là lợi ích chúng sinh.

Thiên đế, tức Thích-đề-hoàn-nhân, là chủ tể cõi địa giới. Phạm vương, ở cõi trời Sơ thiền, là bậc chủ tể cõi đại thiên. Chuyển luân thánh vương, phân chia thành các bậc Kim luân, Ngân luân, Đồng luân và Thiết luân, lác các vị chủ tể của bốn châu thiên hạ. Cư sĩ là người tự sống thanh tịnh, nói ra những lời thương yêu tốt đẹp. Quốc vương, tức là Túc giáo vương, là bậc chủ tể bên trong phạm vi phân chia lãnh thổ một nước. Tể phụ, tức Tể tướng, [quan đứng đầu triều đình,] là người làm chủ dân chúng. Quan thuộc, chỉ chung các hàng quan chức, mưu sĩ. Trên đây đều là những người nghe đạo, Như Lai hoặc hiện Báo thân, hoặc hiện Ứng thân, đều vì họ thuyết pháp để họ được nghe.

Tiếp theo bên dưới là những hạng có căn cơ đạo pháp. Tỷ-khâu, hay tỳ-kheo, tức Tăng-già. Tỷ-khâu ni, hay tỳ-kheo ni, tức ni chúng. Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, dịch sang Hán ngữ là cận sự nam, cận sự nữ, là hàng nam nữ hoan hỷ gần gũi Phật pháp. (Các danh xưng như Thanh văn v.v… mời xem lại phần trước.) Đức Như Lai hóa hiện thành đồng hạng để chuyển hóa những người tu tập trong cùng hạng đó.

Nói tóm lại, đức Thế Tôn không một nơi nào không vào, không một hình tướng nào không hóa hiện, cũng không một nơi nào không giáo hóa chúng sinh.

Kinh văn

“Bồ Tát Địa Tạng, ông hãy quán xét, Như Lai từ nhiều kiếp đã chuyên cần khổ nhọc độ thoát những chúng sinh tội khổ cứng đầu khó dạy như vậy. Trong số đó có những kẻ chưa được điều phục, phải theo nghiệp chịu báo ứng. Nếu họ đọa vào đường ác, trong lúc họ phải chịu đựng khổ não lớn lao, ông hãy nhớ lại đức Như Lai tại cung trời Đao-lợi [hôm nay] ân cần giao phó dặn dò, từ nay đến khi Phật Di-lặc ra đời, ông hãy làm cho chúng sinh trong thế giới Ta-bà đều được giải thoát, vĩnh viễn xa lìa khổ não, gặp Phật được thọ ký.”

Giảng giải

[Bồ Tát Địa Tạng,] ông hãy nhìn Như Lai trải qua rất nhiều kiếp, chuyên cần khó khăn khổ nhọc, độ thoát những chúng sinh như thế, những chúng sinh rất khó cảm hóa, tính tình cứng rắn ngang ngạnh, chuyên phạm vào tội lỗi rồi chịu khổ. Thế nhưng trong số đó cũng có một phần chưa được điều phục, đành phải theo tội nghiệp đã làm mà chịu báo ứng. Ví như những chúng sinh ấy đọa vào những chỗ xấu ác nơi địa ngục, trong lúc họ phải chịu khổ nạn nặng nề, ông nên nhớ lại ngày hôm nay tại cung trời Đao-lợi này, Như Lai ân cần giao phó, dặn dò ông. Từ nay đến ngày Phật Di-lặc ra đời, ông hãy làm cho hết thảy chúng sinh trong thế giới Ta-bà đều được giải thoát,vĩnh viễn lìa xa các loại khổ nạn, thẳng một đường tu tập đến khi được gặp Phật, được thọ ký.

Thích nghĩa

Phật [Thích-ca Mâu-ni] từ vô lượng kiếp trong quá khứ, vì muốn cảm hóa những chúng sinh cứng đầu khó dạy, đã từng xả bỏ vô số những vợ con, thành quách, đất nước, lại còn xả bỏ cả đầu, mắt, chân, tay, tủy, não trong thân thể, [ví như tích lũy lại, số lượng ấy còn] hơn cả núi cao, biển lớn. Ngài trải qua đủ mọi khổ hạnh như thế, không gì khác hơn là muốn điều phục những chúng sinh cứng đầu khó dạy, độ thoát những chúng sinh như chúng ta đang chịu khổ nạn. Thế nhưng vẫn còn một phần những chúng sinh do nghiệp chướng sâu nặng không chịu sinh lòng tin nhận, kính ngưỡng, vẫn giữ nguyên sự cứng đầu ương ngạnh, buông thả theo tập tính mà hành động, nên đành chỉ có thể tùy theo nghiệp ác đã tạo mà nhận chịu đủ mọi quả báo khổ não. [Phật dạy] Bồ Tát Địa Tạng: “Nếu nhìn thấy những chúng sinh ấy trong lúc phải chịu những nỗi đớn đau khổ não cực kỳ thì phải độ thoát những chúng sinh ấy, khiến cho hết thảy những chúng sinh ấy thảy đều chứng quả thành Phật. Đó là một trách nhiệm lớn lao, về sau ông hãy gánh vác.”

Về hai chữ thọ ký, Phật vì người khác nói ra gọi là thọ, nói cho biết trước một hạn kỳ gọi là ký. Ví như Phật bảo một người nào đó rằng vào ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, ông sẽ thành Phật. Đến ngày tháng năm ấy thì quả nhiên người ấy thành Phật, đó là thọ ký.

Kinh văn

Lúc bấy giờ, các phân thân của Bồ Tát Địa Tạng ở khắp các thế giới liền hợp lại thành một thân duy nhất, rơi lệ cảm mến bạch Phật rằng: “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, nhờ ơn Phật dẫn dắt, giúp cho con đạt được thần lực không thể nghĩ bàn, đầy đủ trí tuệ lớn lao. Những phân thân của con đã biến hóa đầy khắp các thế giới nhiều như số cát của trăm ngàn muôn ức con sông Hằng. Mỗi một thế giới đó, con biến hóa hiện ra trăm ngàn muôn ức phân thân. Mỗi một phân thân ấy hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến cho quay về kính ngưỡng Tam bảo, vĩnh viễn lìa khỏi sinh tử, đạt đến niềm vui Niết-bàn. Chỉ cần [chúng sinh nào] ở trong pháp Phật làm được việc lành nhỏ nhặt như một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc rất nhỏ như sợi tóc, con đều sẽ dần dần độ thoát, khiến cho họ được lợi ích lớn lao.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, những phân thân của Bồ Tát Địa Tạng nghe lời giao phó dặn dò của Phật thì tất cả liền hợp trở lại thành một thân duy nhất, rơi lệ cảm động, buồn thương lưu luyến, đối trước Phật thưa rằng: “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, nhờ được Phật dẫn dắt, khiến cho con có được thần thông pháp lực không thể nghĩ bàn, có được đầy đủ trí tuệ lớn lao. Những phân thân của con biến hóa đầy khắp trong các thế giới nhiều như số cát của trăm ngàn muôn ức con sông Hằng. Trong mỗi một thế giới đó, lại biến hóa ra trăm ngàn muôn ức phân thân, mỗi một phân thân ấy đều có thể độ thoát cho trăm ngàn muôn ức người, khiến cho rất nhiều người như vậy đều quy y, kính tin Tam bảo, vĩnh viễn thoát ly khổ nạn sinh tử, thẳng đường đạt đến niềm vui Niết-bàn. Chỉ cần có người ở trong pháp Phật làm được việc lành, bất kể là nhỏ nhoi như một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc chỉ là chút ít nhỏ nhặt như sợi tóc, con cũng sẽ dần dần độ thoát cho người ấy, khiến cho họ đạt được lợi ích hết sức lớn lao.”

Thích nghĩa

Bồ Tát Địa Tạng nghe lời dặn dò giao phó của đức Thế Tôn, muốn ngài nhận lãnh gánh vác trách nhiệm quan trọng lớn lao, nhìn thấy trong sáu đường vẫn còn nhiều chúng sinh chịu khổ nên muốn ngài cứu giúp những chúng sinh ấy. Đức Thế Tôn đã dặn dò giáo phó rồi, ắt sẽ rời xa, nhìn việc hôm nay càng nhớ chuyện xưa, lại như người con hiếu nhận lời di chúc [của cha], sao có thể không rơi lệ lưu luyến? Bồ Tát là bậc đại hiếu, đương nhiên sẽ nhẫn nại ở lại trong cõi đời uế trược, hóa hiện đủ mọi phân thân, vào trong các nẻo luân hồi cứu độ chúng sinh, lấy đó làm việc báo đáp ơn đức từ bi của Phật.

Chúng sinh trong địa ngục mà còn rộng đường cứu độ, khiến cho họ đạt đến niềm vui Niết-bàn, thì đối với những người chịu làm việc thiện, tự nhiên càng phải giúp cho họ sớm được gặp Phật thọ ký, được lợi ích lớn lao.

Kinh văn

“Kính mong đức Thế Tôn đừng vì những chúng sinh tạo ác nghiệp đời sau mà lo nghĩ!” Bồ Tát ba lần bạch Phật như vậy: “Kính mong đức Thế Tôn đừng vì những chúng sinh tạo ác nghiệp đời sau mà lo nghĩ!”

Giảng giải

Bồ Tát sau khi nhận sự giao phó dặn dò liền đáp lời đức Phật: “Kính mong đức Thế Tôn không cần phải vì những chúng sinh đời sau tạo nhiều ác nghiệp như vậy mà lo nghĩ!” Cùng một câu ấy, Bồ Tát thưa với Phật ba lần: “Kính mong đức Thế Tôn không cần phải vì những chúng sinh đời sau tạo nhiều ác nghiệp như vậy mà lo nghĩ!”

Thích nghĩa

Bồ Tát muốn làm yên lòng Phật, không cần thiết phải lo nghĩ, đó là tỏ rõ ngài tự mình có đủ khả năng nhận lãnh gánh vác trách nhiệm lớn lao trọng đại như vậy. Liên tiếp ba lần thưa trước Phật, đó là tỏ rõ ngài đã có sự quyết tâm kiên định.

Kinh văn

Lúc bấy giờ, đức Phật ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng: “Lành thay! Lành thay! Ta tán trợ niềm vui của ông, ông đã có thể thành tựu tâm nguyện rộng lớn phát khởi từ nhiều kiếp lâu xa trước đây. Một khi việc rộng độ chúng sinh hoàn tất, ông sẽ chứng đắc quả vị Bồ-đề.”

Giảng giải

Vào lúc đó đức Phật ngợi khen tán thán Bồ Tát Địa Tạng, nói rằng: “Rất tốt! Rất tốt! Ta tán trợ ông, giúp ông được hoan hỷ, giúp ông có thể thành tựu tâm nguyện rộng lớn mà ông đã phát khởi từ nhiều kiếp lâu xa trước đây. Đợi đến khi việc rộng độ chúng sinh đã hoàn tất ông sẽ chứng đắc quả Phật.”

Thích nghĩa

Đức Phật nói “Lành thay” lần thứ nhất là ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng phân thân khắp mọi nơi, khiến cho hết thảy chúng sinh đều kính tin Tam bảo, được lợi ích lớn lao. Lại nói “Lành thay” lần thứ hai là ngợi khen Bồ Tát có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với đời sau, khiến cho những chúng sinh làm việc ác [biết tu tập để] không phải gánh chịu nỗi khổ lớn lao.

Đức Phật nói “Ta tán trợ niềm vui của ông” là nhắc lại nội dung trong phần trước, lúc đó Bồ Tát còn là một cô gái bà-la-môn đã đối trước tháp thờ tượng Phật mà lập nguyện rộng lớn. Đức Phật hỗ trợ cho Bồ Tát được thành tựu viên mãn tâm nguyện, khiến ngài được hoan hỷ.