KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
PHẨM QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN GIẢNG LỤC

Pháp sư Bảo Tịnh Giảng Thuật 
Việt dịch: Hòa Thượng  Thích Trí Nghiêm

 

Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Giảng Lục (pdf)

DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH là đề chung của một bộ Kinh. QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỒ MÔN PHẨM là mục riêng của một Phẩm vậy. Đời nhà Dao Tần có Ngài Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch Kinh này. Đây là dịch đề. Trước giảng đề chung, sau giải mục riêng, rồi sau mới lại giảng dịch đề.

Hiện nay giảng Kinh này là Pháp vi diệu rất khó gặp được và chẳng phải dễ dàng nghe hiểu đến. Mà nay quí vị hớn hở dũng mãnh đến nghe là việc tốt đẹp lắm vậy. Nhưng trong khi nghe Kinh bất cứ hiểu được thấu suốt và rõ ràng hay chăng, quý vị đều cần phải cung kính, yên lặng thành ý để mà lắng nghe. Ai nghe thấu rõ cố nhiên được đến chỗ lợi ích của Diệu Pháp, còn những ai chẳng lãnh hội nổi thời chỉ nên đem lòng chí thành cung kính cũng vẫn có thể được lợi ích chẳng phải nhỏ nhen, vì công đức nghe Kinh chẳng thể lường được vậy. Bởi lẽ đó, nên quý vị cần phát tâm Từ bi, tâm ân trọng đặt mình trong khung cảnh vắng lặng để nghe Kinh, được vậy là có thể lãnh thọ được Diệu Đạo trong Kinh Pháp Hoa này, như ăn nhai cho tan nát, nước miếng thấm vào thời mới nghe có ý vị. Bằng trái lại là sự lãnh hội chẳng thấu rõ được.

Phẩm Phổ môn tuy là một Phẩm trong bộ Kinh Pháp Hoa, nhưng là có thể đại diện cho toàn bộ, bởi vì Diệu Pháp đều là Pháp bất khả tư nghì vậy. Kinh Pháp Hoa toàn bộ 7 quyển cộng tất cả có 28 phẩm. Phẩm Quán Thế Âm Bồ tát Phổ môn là phẩm thứ 25. Thế là đã chẳng phải toàn một bộ Kinh, mà tại sao phẩm này lại được trích riêng ra và lưu hành lẻ loi ư? Bởi vì phẩm Kinh này đã từng có điều cảm ứng phi thường vậy. Nguyên do như sau:

Vào khoảng đầu đời nhà Tấn cuối nhà Bắc Lương, ở xứ Trở Cừ, có ông Mông Tốn nhân bị bệnh nặng, Thầy thuốc chữa không lành. Nhơn lúc bấy giờ có Ngài Tôn Giả Đàm Vô Sấm, đến nhà thăm và Ngài bảo: “Bệnh này là bệnh nghiệp chướng nên niệm Phẩm Phổ môn trong Kinh Pháp Hoa tức có thể lành được”. Mông Tốn liền tuân theo và trì tụng chưa được hai ngày thời bệnh ông quả thật được lành ngay. Nhơn đó Mông Tốn mới phát nguyện trích riêng phẩm này và đơn hành lưu thông với hai Kinh nưã là A Di Đà và Kim Cang gọi là bộ Kinh Tam bảo vậy. Cũng nhờ đó mà các xứ giảng giải phẩm Kinh này rất nhiều, vì Đức Quán Thế Âm Bồ tát là Đức Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm cùng với chúng sanh ở cõi Ta bà chúng ta đã có cơ duyên sâu nặng và thuần thục, vậy nên không một ai chẳng biết đến danh hiệu Ngài và cũng không có người nào mà chẳng sanh lòng cung kính đến Ngài vậy. Vả lại đã có biết bao nhiêu người đã cảm đến việc linh ứng của Bồ tát. Cho nên hôm nay các thính chúng hớn hở dị thường dắt tay nhau mà đến nghe Kinh.

Hơn nữa, bản Lâm này (Cư sĩ Lâm) nhân ngày 19 tháng 2 mỗi năm là ngày Vía của Bồ tát Quán Thế Âm mà thỉnh giảng Phẩm Phổ môn thật là giáo pháp đã thích ứng với thời cơ và có Thể, có Dụng, có Sự, có Lý lắm vậy.

Nay đã muốn giảng Kinh, tất nhiên trước phải giải thích đề Kinh. Giờ đây trước hết là giảng 5 chữ DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là lấy Pháp và Dụ mà lập Đề. Kinh Phật có 7 thứ lập đề gọi là: đơn có 3 thứ, kép có 3 thứ, đầy đủ chỉ có một.

Đơn có 3 là:

1) Đơn nhơn, như Phật Thuyết A Di Đà Kinh.

2) Đơn Pháp, như Niết Bàn Kinh, Bát nhã Kinh.

3) Đơn Dụ, như Phạm Võng Kinh, Anh Lạc Kinh.

Kép có 3 là:

1) Nhơn và Pháp, như Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện Kinh (Địa Tạng là Nhơn, bổn nguyện là Pháp)

2) Nhơn và Dụ, như Như Lai Sư Tử Hẩu Kinh (Như Lai là Nhơn, Sư Tử Hẩu là Dụ. Ý nói Đức Như Lai thuyết pháp như con sư tử rống).

3) Pháp và Dụ, như Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

Đầy đủ (cả 3) chỉ có 1 là: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Đại Phương Quảng là Pháp, Phật là Nhơn, mà Hoa Nghiêm là Dụ). Kinh này thuộc loại Pháp và Dụ mà lập Đề.