KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Phẩm 17: NÓI VỀ VIỆC BÀI BÁNG KINH NÀY
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
–Nếu có người nghe kinh này mà chẳng tin tưởng ưa thích, lại chê bai hủy báng thì mắc tội như thế nào?
Phật bảo A-nan:
–Ông hãy yên lặng, đừng nên hỏi như vậy.
A-nan bạch Phật:
–Cúi xin Thế Tôn nói rõ việc ấy. Nếu người chẳng tin nghe tội phỉ báng thì được tự hối cải không?
Phật nói:
–Người phạm năm tội nghịch, còn thêm việc giết hại mạng người trong tam thiên đại thiên thế giới, thì tội ấy thế nào?
A-nan thưa:
–Rất nặng, bạch Đấng Trời Trong Trời! Tội ác ấy thật vô lượng!
Đức Phật dạy:
–Người phỉ báng pháp, tội ác cũng bằng như thế, nếu có kẻ phá hoại hủy diệt các ngôi chùa, tháp của Phật nhiều như số cát sông Hằng thì sau khi Phật nhập Nê-hoàn lại thiêu đốt chùa chiền, thì tội đó có nặng không?
A-nan thưa:
–Rất nặng, bạch Đấng Trời Trong Trời! Hạng người ấy thật chẳng nên nghĩ tới!
Đức Phật dạy:
–Này A-nan! Ta sẽ vì hạng người ấy mà nói rõ về tội lỗi như thế. Nếu lại có người phá hủy tận diệt Phật pháp cả trong thời quá khứ, đương lai, hiện tại thì tội ác ấy thế nào?
A-nan thưa:
–Tội ác ấy rất sâu xa, không thể tính kể!
Phật dạy:
–Kẻ bài báng kinh này tội ác cũng như thế, nếu ngăn cấm người khác khiến họ không được học kinh thì tội ấy như thế nào?
Đức Phật nói tiếp:
–Giả sử chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giơi đều tu tập theo mười điều lành, lại phát tâm cầu đạo Vô thượng chánh chân, nếu có kẻ móc mắt hết tất cả những người kia thì tội ác đó thế nào?
A-nan thưa:
–Bạch Đấng Trời Trong Trời! Tội ấy rất nặng, kẻ ấy trong vô số kiếp thường phải chịu mù lòa, lại phải chịu nạn bị lửa thiêu đốt trong địa ngục.
Phật bảo A-nan:
–Vì thế mà ta ân cần dặn dò ông, giả sử có người phỉ báng, ngăn cấm một người khác khiến người đó không được thực hành theo kinh pháp thì tội ấy còn nặng hơn trường hợp kia!
A-nan lại hỏi Phật:
–Nếu như có người phát tâm cầu đạo, mà nghi ngờ kinh này nhưng không phỉ báng, thì tội ấy thế nào?
Phật dạy:
–Kẻ ấy tuy có phát tâm nhưng trước và sau đều hồ nghi nên sẽ luôn xa cách các Đức Phật, Thế Tôn tùy theo mức độ nghi ngờ ấy, rồi cũng tùy theo mức độ nghi ngờ đó mà trong từng ấy kiếp sẽ không được gần gũi Chánh pháp.
A-nan bạch Phật:
–Nếu co kẻ đã không tin tưởng ưa thích kinh này, lại ngăn cấm mọi người khiến họ không được học hỏi, vậy thì kẻ đó phải chịu tai họa là thân hình lớn nhỏ thế nào? Cũng như là phải chịu tội nhiều ít ra sao?
Phật bảo:
–Này A-nan! Đừng nên hỏi như thế.
A-nan lại bạch Phật:
–Cúi mong Thế Tôn giảng nói về điều ấy, trong bốn chúng đệ tử hiện có ở đây cũng có người đã dấy khởi tâm nghi hoặc. Lại nữa, ở đời vị lai, dân chúng ở những vùng biên địa hay các nước lớn nghe được kinh pháp này, mà thường sinh tâm nghi ngờ thì sẽ khiến họ tin tưởng, hiểu rõ, không còn phỉ báng nữa.
Đức Phật nói:
–Người ấy sẽ chịu quả báo là thân cao đến một muôn, khắp thân mình phải chịu bao thứ đau khổ không thể tính kể.
A-nan lại hỏi Phật:
–Lưỡi của kẻ ấy lớn hay nhỏ?
Phật bảo:
–Lưỡi của kẻ đó dài rộng mỗi bề bốn muôn dặm, trên lưỡi ấy luôn bị ngựa giày xéo đến năm trăm ức năm và trong năm trăm ức năm kẻ đó phải luôn uống thứ nước đồng nóng chảy đỏ rực màu lửa, trên thân thường xuyên bị lửa cháy thiêu nướng, nung đốt. Vì sao? Vì kẻ ấy là biểu hiện cho sự thọ nhận tận cùng của ác báo về khẩu nghiệp vậy.
Bấy giờ, bốn chúng đệ tử đến dự hội đang có mặt, nghe rõ lời dạy của Phật đều nổi ốc khắp mình, hết sức kinh sợ, té xỉu xuống đất, liền cùng nhau cất tiếng cầu mong Đức Phật thương xót đến mình, bày tỏ sự sám hối xin Đức Phật hãy vì các thiện nam, thiện nữ ấy mà rủ lòng cứu giúp mọi tội lỗi, nhờ vậy mới ngan được bao nỗi lo phiền về quả báo cực ác kia, cùng những ý tưởng về thân xác cao lớn chịu bao nhiêu đau khổ không thể nói hết.
Lại có một số vị khác, nước mắt hãy còn tuôn rơi, liền cùng bước đến bạch Phật:
–Vì chúng con tự mình không thể biết được đời này, đời sau nên sinh tâm nghi ngờ đối với lời dạy của Phật hiện tại cùng các Đức Phật, Thế Tôn trong mười phương, vì bị phiền não che lấp nên không tự thấy tội lỗi của mình, nay đều xin quy kính trước Phật, thành tâm thú nhận tội lỗi không dám che giấu, mong được Phật xá tội, ví như kẻ ngu dại chẳng biết gì nên đã làm trái với lẽ phải, nay tự thấy tội lỗi mình gây ra, mong được Phật thương xót xá tội cho.
Phật bảo bốn chúng:
–Lành thay, lành thay! Các vị nam nữ trong dòng họ của Như Lai, các vị đã nghi ngờ đối với pháp này, nay đã thấy rõ tội lỗi của mình, sám hối những điều mình đã gây nên thì cũng như ánh sáng mặt trời xua tan tăm tối.
Bấy giờ, A-nan liền bước đến bạch Phật:
–Nay trong chúng hội này có những vị tâm còn nghi ngờ thì sẽ chịu tội báo ra sao?
Phật dạy:
–Này A-nan! Tuy các vị ấy trong tâm nghi ngờ nhưng hiện giờ đã sám hối tội lỗi của mình, như vậy thì tội báo của các vị đó sẽ được giảm nhẹ.
A-nan lại hỏi:
–Cúi mong Thế Tôn giải thích cho chúng con được rõ.
Phật dạy:
–Các vị ấy khi sắp chết sẽ trông thấy hình ảnh địa ngục, các lỗ chân lông trên người đều đau nhức, lại còn gặp phải vô số không thể kể hết những nỗi lo lắng, chịu tội báo như thế rồi dứt. Vì sao? Vì các vị ấy đã đến trước Phật xin sám hối những tội lỗi của mình cùng dứt bỏ mọi điều nghi ngờ nên có được thêm lòng Từ bi cứu độ của vô số các Đức Phật trong mười phương nữa. Vì vậy, này A-nan!
Các thiện nam, thiện nữ phải tự xem xét, về tội báo mà kẻ phỉ báng kinh pháp Phật sẽ phải chịu lấy. Cho nên đối với những người nghe kinh này, vui mừng chẳng nghi ngờ thì những vị ấy luôn được gần gũi Phật pháp Thánh chúng, đối với giáo pháp của Phật Thánh ở quá khứ, hiện tại, vị lai giảng nói, sẽ tin tưởng kinh này và thọ trì, đọc tụng.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ