SỐ 222
KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 15: VÔ PHƯỢC

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Tại sao gọi Đại Bồ-tát mặc áo giáp đại đức là trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Khi Đại Bồ-tát mặc áo giáp giới đức, hành Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-lamật, Bát-nhã ba-la-mật thì gọi là trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn. Mặc áo giáp bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật. Mặc áo giáp pháp nội không, pháp ngoại không, pháp chư sở hữu tự nhiên không, mặc áo giáp trí nhất thiết. Mặc áo giáp trang nghiêm bằng hình tượng Phật rồi, liền dùng ánh sáng chiếu sáng tam thiên đại thiên thế giới, tám phương trên dưới cũng lại như thế, ánh sáng ấy không đâu mà không khắp. Lại có khả năng làm chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới, cho đến hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông, tám phương trên dưới cũng lại như thế, không đâu là không chấn động. Đại Bồ-tát ấy dùng ánh sáng này trụ Thí ba-la-mật, mặc áo giáp đại thệ nguyện Đại thừa, biến tam thiên đại thiên thế giới đều thành lưu ly biếc. Vừa biến tam thiên đại thiên thế giới thành lưu ly biếc xong, lại biến làm Chuyển luân thánh vương. Đã biến thành hình dạng trang nghiêm của Chuyển luân thánh vương, liền bố thí rộng rãi, người đói thì cho ăn, người khát thì cho uống, không có y phục thì cho y phục, không hương cho hương. Các loại trang sức, hương tạp, hương bột, xe cộ, voi ngựa, tôi tớ, người giúp việc, đều thỏa mãn theo ý người xin. Nhà cửa, chỗ cư ngụ hiện có, nghề nghiệp sinh sống và các thứ khác, theo ý của mọi người muốn có đều làm cho họ có được. Đồ ăn thức uống, y phục, hương hoa, voi ngựa, nhà cửa đang sở hữu đều bố thí cho mọi người. Làm cho mọi người có được những vật theo ý muốn rồi, liền vì họ phân biệt thuyết pháp, nói nghĩa đầy đủ, làm cho tu theo sáu pháp Ba-la-mật. Các loài chúng sinh theo thuyết pháp rồi liền theo sự hướng dẫn hành Ba-la-mật, khiến cho đạt đến Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Này Tu-bồ-đề! Ví như nhà ảo thuật thông minh và đệ tử thông minh ở tại ngã tư đường hóa làm mọi người đang làm ăn sinh sống. Vì sao? Vì pháp của các nhà ảo thuật tự hiện ra như thế. Rồi nhà ảo thuật dùng các thứ huyễn này bố thí cho vô số người thiếu thốn như là đồ ăn uống, y phục, hương hoa, các đồ trang sức, voi ngực, nhà cửa…

Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Nhà ảo thuật ấy có sự ban phát cho mọi người chăng?

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không.

Đức Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Như thế việc Đại Bồ-tát mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn hành sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm, pháp nội không, pháp ngoại không, pháp nội ngoại không và pháp chư sở hữu tự nhiên không; mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn hành mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật và mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn trí nhất thiết; mặc áo giáp đại đức hóa làm hình dạng Phật, ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới và hằng hà sa cõi nước chư Phật ở phương Đông, cùng tám phương trên dưới, không đâu là chẳng khắp, hằng hà sa cõi nước chư Phật trong mười phương chấn động sáu cách, dùng ánh sáng lớn trụ Thí ba-la-mật, theo nhu cầu của mọi người, cho thức uống, y phục, hương hoa, đồ trang sức, voi ngựa, nhà cửa, nghề nghiệp sinh sống, tuy là hóa hiện sự bố thí đã xong, nhưng không cho gì hết. Tuy mọi người có đến nhận lãnh vật dụng sinh sống, nhưng không có người cho, cũng không có người nhận. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, vì các pháp như thế cũng lại như huyễn, huyễn chẳng lìa pháp. Đó là Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ Giới ba-la-mật, muốn dùng để cứu hộ các loài thọ sinh cho nên hiện làm dòng Chuyển luân vương. Vị này khi đã được lập nên ngôi Chuyển luân vương rồi, liền dùng mười điều thiện để xây dựng và khai mở chúng sinh tu bốn Thiền, bốn Đẳng tâm, bốn Định vô sắc, bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật vì các chúng sinh nói kinh điển rộng khắp, chưa từng làm cho chúng sinh lìa đạo nghĩa ấy, có khả năng khiến cho họ an ổn đến được Phật đạo. Đó là Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Này Tu-bồ-đề! Ví như nhà ảo thuật tài giỏi, hoặc đệ tử thông minh, ở ngã tư đường, hóa ra vô số người chẳng thể kể xiết, rồi vì các người đó giảng thuyết kinh pháp, tạo lập mười điều thiện, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật.

Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao?

Thật có người trụ mười điều thiện, ba mươi bảy phẩm, mười

Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật chăng?

Trả lời:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không.

–Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát khai hóa chúng sinh, khiến trụ mười điều thiện, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, cũng không có sự khuyến hóa chúng sinh. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì cái gọi là các pháp ấy cũng lại như huyễn, huyễn chẳng lìa pháp.

Này Tu-bồ-đề! Như thế là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ Nhẫn ba-la-mật, khai hóa tất cả các loài chúng sinh xây dựng Nhẫn độ vô cực.

Sao gọi là Bồ-tát trụ Nhẫn ba-la-mật, khai hóa tất cả các loài chúng sinh xây dựng pháp Nhẫn nhục ba-la-mật vô cực?

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ khi mới phát ý, mặc áo giáp đại đức mà tự thệ nguyện: “Giả sử tất cả các loài chúng sinh dùng đao gây hại ta thì ta là Đại Bồ-tát, chẳng nên phát khởi ý sân hận, dù trong giây lát, cũng lại giáo hóa tất cả các loài chúng sinh khiến an lập ở nhẫn này.”

Này Tu-bồ-đề! Ví như nhà ảo thuật tài giỏi và đệ tử thông minh, ở ngã tư đường, hóa làm vô số người chẳng thể tính đến, rồi liền dùng gậy đánh. Dùng đao chặt gây hại. Như vậy, thật có sự đánh đập và chặt phá gây hại không?

Ngài Tu-bồ-đề trả lời:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không.

Đức Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Như vậy, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu có đao gậy gây hại thân mình thì đều nhẫn chịu. Lại giáo hóa chúng sinh khiến an lập nhẫn này, không có người đánh, cũng không có người nhẫn chịu.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trụ Nhẫn ba-la-mật, trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ Tinh tấn ba-la-mật khuyến hóa tất cả các loài chúng sinh, khiến đều an lập ở Tinh tấn ba-lamật.

Sao gọi là Đại Bồ-tát an lập chúng sinh ở Tinh tấn ba-la-mật vô cực?

Này Tu-bồ-đề! Khi Đại Bồ-tát, tâm ý tu theo trí Nhất thiết mà phát đạo ý, thì cũng không tưởng nghĩ, cũng không tinh tấn, khuyến khích chúng sinh khiến đi theo hạnh ấy.

Này Tu-bồ-đề! Ví như nhà ảo thuật tài giỏi và đệ tử thông minh, ở tại ngã tư đường, hóa làm vô số người chẳng thể tính đếm, rồi khiến họ hành tinh tấn, giữ gìn thân, khẩu, ý, thì thực ra cũng không có người, cũng không có thân, khẩu, ý, cũng không có việc hành trì.

Này Tu-bồ-đề! Cũng như thế, Đại Bồ-tát tạo lập Tinh tấn bala-mật, khuyến hóa tất cả các loài chúng sinh, khiến hành tinh tấn thì không có tưởng tinh tấn, cũng không có việc hành trì, cũng không có khai hóa các loài chúng sinh an lập tinh tấn. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trụ Tinh tấn ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ Thiền ba-la-mật, khuyến hóa tất cả các loài chúng sinh hành Thiền ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là Đại Bồ-tát trụ Thiền ba-la-mật? Bồ-tát bình đẳng trụ các pháp thì các pháp không loạn, cũng chẳng thấy các pháp phiền não. Đại Bồ-tát có thể dùng sự an trụ này, đối với Thiền ba-la-mật bình đẳng tại vô bổn, khuyến khích trợ giúp chúng sinh đối với pháp bình đẳng mà vị ấy đã giáo hóa, chưa từng trái nghịch, xa rời lời dạy của chư Phật, cho đến khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không thấy đạt đến Vô thượng Bồđề. Thí như nhà ảo thuật tài giỏi và đệ tử thông minh, ở ngã tư đường, hóa làm vô số người chẳng thể tính đếm, rồi khiến đều ngồi thiền, định tĩnh tâm ý, nhưng thật không có định, cũng không có loạn.

Này Tu-bồ-đề! Cũng vậy, Đại Bồ-tát khuyến hóa chúng sinh, khiến hành pháp như thế, nhưng chẳng thấy các pháp có người nhất tâm hoặc có người loạn ý. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trụ Thiền ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ Bát-nhã ba-la-mật khuyến hóa các loài chúng sinh, khiến họ đều trụ ở Trí độ vô cực.

Sao gọi là tự trụ Bát-nhã ba-la-mật, khuyến hóa chúng sinh trụ Trí độ vô cực?

Này Tu-bồ-đề! Như vậy, Đại Bồ-tát cũng không có pháp để hành, cũng không có kết quả đạt được. Đại Bồ-tát ấy trụ Bát-nhã bala-mật rồi, cũng dùng pháp này khai hóa tất cả các loài chúng sinh, khiến đạt đến chỗ không chướng ngại. Thí như nhà ảo thuật tài giỏi và đệ tử thông minh, hóa làm vô số người chẳng thể tính đếm, có trí tuệ biện tài, phân biệt nhiều sự việc, thật ra không có trí tuệ, cũng không nói điều gì.

Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Thật có nói có nghe chăng?

Đáp:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không.

Đức Phật dạy:

–Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn, tự trụ pháp tự nhiên, khai hóa hằng hà sa chúng sinh, khiến đều thật hành Thí-ba-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, vì họ giảng thuyết pháp. Giả sử chúng sinh được nghe sáu pháp Bala-mật này, thì chẳng bao giờ lìa sáu pháp Độ vô cực, cho đến khi đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tất cả mười phương đều như thế. Giống như cõi nước chư Phật ở phương Đông, tất cả mười phương đều như thế, không có gì sai khác.

Này Tu-bồ-đề! Ví như nhà ảo thuật tài giỏi và đệ tử thông minh, ở ngã tư đường, hóa làm vô số người không thể tính đếm, thật hành việc Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ, nhưng thật ra cũng không Bố thí, cũng không Trì giới, cũng không Nhẫn nhục, cũng không Tinh tấn, cũng không Nhất tâm, cũng không Trí tuệ.

Này Tu-bồ-đề! Như thế là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển tâm chí tôn sùng trí Nhất thiết chưa từng khởi phát tâm niệm nào khác, cũng không tin điều gì, không nghe thọ gì, hoặc khai hóa người an lập ở Thí ba-la-mật, hoặc khai hóa người an lập ở Giới ba-la-mật, hoặc khai hóa người an lập ở Nhẫn ba-la-mật, hoặc khai hóa người an lập ở Tinh tấn ba-la-mật, hoặc khai hóa người an lập ở Thiền ba-la-mật, hoặc khai hóa người an lập ở Bát-nhã ba-la-mật, hoặc khai hóa người đạt đến không chỗ an lập, không chỗ khai hóa. Hoặc khai hóa một số người an lập ở bốn Ý chỉ, khai hóa một số người an lập ở bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, khai hóa một số người an lập ở mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, hoặc chẳng khai hóa. Hoặc khai hóa người an lập ở quả Tu-đà-hoàn, hoặc khai hóa người an lập ở quả Tư-đà-hàm, hoặc khai hóa người an lập ở quả A-na-hàm, hoặc khai hóa người an lập ở quả A-la-hán, hoặc khai hóa người an lập ở quả Bích-chi-phật. Hoặc có một số người chẳng thể khai hóa, hoặc an lập một số người ở trí Nhất thiết, hoặc một số người chẳng nên khai hóa. Có một số loài chúng sinh nhiều chẳng thể đếm biết, chẳng thể hạn lượng nên khai hóa an lập họ ở Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật. Khai hóa chúng sinh nhiều chẳng thể tính đếm, chẳng thể hạn lượng an lập ở trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thế nào? Bồ-tát khai hóa một số người chẳng thể tính đếm đều có chỗ hướng đến, đều có chỗ phát khởi, đều khiến được độ. Vậy thật có chỗ phát khởi, có người được độ chăng?

Đáp:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không.

Đức Phật dạy:

–Như vậy, Đại Bồ-tát dùng sáu pháp Ba-la-mật có sự khai hóa ba mươi bảy phẩm và các Phật pháp, bốn Đạo, Duyên giác cũng không có chỗ hướng đến, cũng không có chỗ độ thoát.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nếu con nghe pháp, quán sát ý nghĩa trong đó, thường quán Đại Bồ-tát thì chẳng phải trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn. Vì sao? Vì từ không mà hưng khởi các tướng tự nhiên. Vì vậy cho nên, bạch Đức Thiên Trung Thiên, quán sát các sắc thì sắc là không, các thọ, tưởng, hành, thức là không. Quán sát nhãn thì nhãn là không; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là không. Quán sát nhãn sắc thức, nhĩ thanh thức, tỷ hương thức, thiệt vị thức, thân xúc thức, ý pháp thức, mười tám chủng cũng đều là không. Nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc, sở xúc của sáu tình ấy, cũng lại như vậy, đều là không, tất cả đều không, pháp sở tập cũng không.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Thí ba-la-mật cũng không, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-lamật, Bát-nhã ba-la-mật cũng đều là không. Quán sát bên trong cũng không, cái nội không cũng không, cái tự nhiên vô sở hữu cũng không, cái không ấy cũng không. Bốn Ý chỉ cũng đều là không, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo cũng đều là không. Mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng đều là không. Cái gọi là Bồ-tát cũng không, trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn cũng không.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì vậy nên quán Đại Bồ-tát là không trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Này Tu-bồ-đề, đúng như lời ông nói. Trí

Nhất thiết có tạo tác mà không có đối tượng tạo tác, cũng chẳng phải chẳng tạo tác, cũng không sở hữu. Tất cả chúng sinh cũng không tạo tác, cũng không sở hữu. Đại Bồ-tát vì chúng sinh nên trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn, cũng không tạo tác, cũng chẳng phải chẳng tạo tác, cũng không sở hữu.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì sao trí Nhất thiết không tạo tác, cũng chẳng phải chẳng tạo tác, cũng không sở hữu? Loài chúng sinh này cũng không có tạo tác, cũng chẳng phải chẳng tạo tác, cũng không sở hữu? Và sự trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn của các Đại Bồ-tát cũng như thế?

Đức Thế Tôn trả lời:

–Có tạo tác, có sở đắc thì có sự hưng khởi, nhưng trí nhất thiết thì không tạo tác, cũng chẳng phải chẳng tạo tác, cũng không sở hữu. Các chúng sinh ấy cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải chẳng tạo tác, cũng không có sở hữu. Vì sao? Vì sắc không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Nhãn cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Mười tám chủng, các thọ do sáu tình tiếp xúc làm duyên sinh ra cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác.

Này Tu-bồ-đề! Tôi, ta không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Và có cái biết, cái thấy, cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Vì vậy cho nên, rốt ráo gốc ngọn không có căn nguyên, cũng chẳng thể nắm bắt được. Chúng sinh và mộng cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Vì sao? Vì rốt ráo gốc ngọn không có căn nguyên, cũng chẳng thể nắm bắt được, giống như tiếng vang, trăng trong nước, trò huyễn hóa, ảnh ảo, cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Vì sao? Vì rốt ráo gốc ngọn không có căn nguyên, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Này Tu-bồ-đề! Pháp nội không cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Pháp ngoại không cũng như vậy. Pháp tự nhiên không có sở hữu ấy cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Vì sao? Vì rốt ráo gốc ngọn không, có căn nguyên, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Này Tu-bồ-đề! Cái vô bổn ấy cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Vô bổn cũng lại như thế, cũng không có pháp khác. Các loại pháp ấy trụ ở pháp giới, các pháp tịch nhiên. Cái bản tế ấy cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Vì sao? Vì rốt ráo gốc ngọn không có căn nguyên, cũng chẳng thể nắm bắt được. Bồ-tát ấy cũng không có tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Trí Nhất thiết tuệ, nhất thiết ai tuệ cũng không có sự tạo tác, cũng chẳng phải không tạo tác, cũng không có sở hành, cũng không có sở tác. Vì sao? Vì rốt ráo gốc ngọn không có căn nguyên, cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì vậy cho nên, này Tu-bồđề, trí Nhất thiết không có sở tác, cũng chẳng phải không tác. Chúng sinh cũng vậy, không có sở hành, cũng không có sở tác, cũng chẳng phải chẳng tác. Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát nương vào sự trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Này Tu-bồ-đề! Vì vậy cho nên, nên quán sát pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát cũng không có trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Như vậy, Thế Tôn dạy phân biệt ý nghĩa con xin phân biệt ý nghĩa: sắc không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức không trước, không buộc, không thoát.

Phân-nậu-văn-đà-ni-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Thưa Hiền giả! Có phải sắc không trước, không buộc, không thoát? Có phải thọ, tưởng, hành, thức không trước, không buộc, không thoát?

Ngài Tu-bồ-đề trả lời ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất:

–Thưa Hiền giả, đúng vậy! Sắc không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức không trước, không buộc, không thoát.

Ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất lại hỏi:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Vì sao sắc không trước, không buộc, không thoát? Vì sao thọ, tưởng, hành, thức không trước, không buộc, không thoát?

Hiền giả Tu-bồ-đề trả lời:

–Sắc tự nhiên, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức tự nhiên, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc như tiếng vang, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức như tiếng vang, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc như ảnh ảo, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức như cảnh ảo, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc như huyễn, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức như huyễn, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc như hóa, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức như hóa, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc quá khứ, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc vị lai không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng,

hành, thức vị lai không trước, không buộc, không thoát.

Sắc hiện tại không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức hiện tại không trước, không buộc, không thoát.

Sắc không thật, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức không thật, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc tịch mịch, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức tịch mịch, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc không chỗ sinh, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức không chỗ sinh, không trước, không buộc, không thoát. Thưa Hiền giả Phân-nậu, sắc thiện không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức thiện không trước, không buộc, không thoát.

Sắc bất thiện không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức bất thiện không trước, không buộc, không thoát.

Sắc vô ký, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức vô ký, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc không phân biệt, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức không phân biệt, không trước, không buộc, không thoát. Thưa Hiền giả Phân-nậu, sắc thế tục, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức thế tục, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc siêu thế, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức siêu thế, không trước, không buộc, không thoát.

Sắc hữu lậu vô lậu, không trước, không buộc, không thoát. Thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu vô lậu, không trước, không buộc, không thoát.

Hư vô không trước, không buộc, không thoát. Hoảng hốt không trước, không buộc, không thoát. Tất cả pháp không trước, không buộc, không thoát. Không sở hữu không trước, không buộc, không thoát. Tịch nhiên không trước, không buộc, không thoát.

Thí ba-la-mật không trước, không buộc, không thoát. Giới bala-mật không trước, không buộc, không thoát. Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật không trước, không buộc, không thoát. Phát chí thật không trước, không buộc, không thoát.

Phát chí tịch mịch không trước, không buộc, không thoát. Pháp nội không không trước, không buộc, không thoát. Pháp ngoại không không trước, không buộc, không thoát. Pháp sở hữu tự nhiên không không trước, không buộc, không thoát. Bốn Ý chỉ không trước, không buộc, không thoát. Bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo không trước, không buộc, không thoát. Mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật không trước, không buộc, không thoát. Từ hư không khởi không trước, không buộc, không thoát. Phật đạo không trước, không buộc, không thoát. Trí Nhất thiết không trước, không buộc, không thoát. Học đạo Bồ-tát không trước, không buộc, không thoát. Từ hư không sinh không trước, không buộc, không thoát. Tịch nhiên không sinh khởi không trước, không buộc, không thoát. Vô bổn không trước, không buộc, không thoát. Lại cái không khác vô bổn, thuận theo pháp trụ, không trước, không buộc, không thoát. Pháp tịch định không trước, không buộc, không thoát. Bản tế và vô vi không trước, không buộc, không thoát. Sự hưng khởi không thật không trước, không buộc, không thoát. Không tịch không có sự hưng khởi không trước, không buộc, không thoát. Thưa Hiền giả Phânnậu, đó là Đại Bồ-tát không trước, không buộc, không thoát Ba-lamật. Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-lamật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật không trước, không buộc, không thoát. Trí Nhất thiết, vô bổn tuệ, nhất thiết ai tuệ thúc đẩy thăng tiến cũng đều không trước, không buộc, không thoát. Thúc đẩy sự thăng tiến Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ không trước, không buộc, không thoát. Thúc đẩy sự thăng tiến trụ trí Nhất thiết tuệ, Nhất thiết ai tuệ không trước, không buộc, không thoát. Giáo hóa chúng sinh không trước, không buộc, không thoát. Nghiêm tịnh cõi Phật không trước, không buộc, không thoát. Phụng sự chư Phật Thế Tôn không trước, không buộc, không thoát. Lắng nghe kinh điển không trước, không buộc, không thoát. Chưa từng rời chư Phật không trước, không buộc, không thoát. Chưa từng quên mất thần thông không trước, không buộc, không thoát. Chẳng lìa năm Căn không trước, không buộc, không thoát. Chẳng bỏ tổng trì không trước, không buộc, không thoát. Chẳng bỏ Tam-muội không trước, không buộc, không thoát. Phát lòng thương đạo không trước, không buộc, không thoát. Trí nhất thiết tuệ không trước, không buộc, không thoát. Chuyển pháp luân không trước, không buộc, không thoát. Khai hóa chúng sinh trụ ở ba thừa không trước, không buộc, không thoát.

Thưa Hiền giả Phân-nậu-văn-đa-ni-phất, đó là sáu pháp Ba-lamật của Đại Bồ-tát không trước, không buộc, không thoát. Hiểu rõ tất cả các pháp Chánh giác từ hư không sinh khởi, tịch mịch đạm bạc cùng với không từ đâu sinh.

–Thưa Hiền giả Phân-nậu! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn không trước, không buộc, không thoát.