KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Phẩm 15: BẬC SƯ TỬ NỮ
Lúc bấy giờ, đồng nữ Tư Hưu và năm trăm đồng nữ cùng thưa hỏi Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu người nữ tu học theo kinh điển này thì được công đức gì? Nếu thọ trì, đọc tụng thì phước ấy như thế nào?
Phật dạy:
– Nếu người nữ, cầu đạo Vô thượng chánh chân, muốn tu học theo kinh này thì nên quán sát người nữ khác. Vì sao? Vì nếu tu học theo kinh này chuyên tâm tinh tấn không tán loạn, thì sẽ không còn bắt chước theo người nữ khác tham đắm những việc ở đời, nhờ duyên ấy mà bỏ được thân nữ của mình.
Đồng nữ Tư Hưu lại thưa:
–Do đâu mà cho rằng người nữ vốn tham đắm đối với những việc ở đời? Vì bị mê lầm ấy nên phải mang lấy thân nữ?
Đức Phật đáp:
–Nếu có người nữ thấy những cô gái xinh đẹp, thân trang sức nhiều xâu chuỗi quý giá, nhưng không cho đó là điều vui thích, tự quan sát rồi thì xem như đó là nơi nhà xí dơ bẩn, tâm chẳng còn ưa dục, tạo sự quán tưởng, không cho là trong sạch. Còn nếu tham đắm vui thích thì phải thọ thân nữ. Lại nói về người nữ nặng về ganh ghét, ý nghĩ khác với lời nói, chẳng tương ứng nhau, trước sau chẳng hề thuận hợp. Tuy có tiếp xúc các vị Tỳ-kheo nhưng chỉ cầu danh tiếng, không phải để học hỏi kinh pháp, thường có tâm tức giận, ưa thích chốn đông đảo khách khứa, không hề có sự cầu lợi như kinh này nói. Nếu có đọc tụng thì tâm thường mong cầu, khiến cho chí nguyện bị rối loạn, chỉ vui thích với thế tục. Vì thế mà phải làm thân người nữ, không thể dứt trừ tội lỗi. Còn đối với những người nữ đã dứt bỏ ái dục, không khởi những ý tưởng tà vạy thì sẽ tiếp nhận được bản kinh này, thọ trì đọc tụng. Vì sao? Vì kinh này vốn rất thâm sâu nhằm trừ bỏ sắc trần cho người nữ.
Đồng nữ Tư Hưu lại thưa:
–Giả sử người nữ không tham muốn bản thân mình, tiếp nhận kinh pháp này thọ trì đọc tụng thì do nhân duyên nào người ấy có thể chuyển được thân nữ của mình?
Đức Phật dạy:
–Nếu muốn chuyển thân nữ thì phải tiếp nhận kinh này, thọ trì đọc tụng, chẳng còn ham muốn thân nữ, thường sợ hãi thân nữ là nhơ uế. Ví như có người thấy đống lửa lớn đang bốc cháy dữ dội mà lại tự mình nhảy vào trong ấy, miệng lại nói rằng mình chẳng hề bị lửa thiêu đốt, cũng không bị thương tổn đến da thịt. Vậy theo ý của đồng nữ thì thế nào? Người ấy nói như thế có đúng với thực tế chăng?
Đồng nữ Tư Hưu đáp:
–Bạch Đấng Trời Trong Trời, không đúng với thực tế! Vì sao? Vì đối với lửa, thì công dụng chính của nó là thiêu đốt, phải làm phỏng cháy da thịt và không thể không gây thương tích.
Đức Phật dạy:
–Đúng thế! Đối với kinh này cũng vậy, công năng của kinh này là nhằm thiêu đốt tận cùng mọi thứ ái dục, nếu còn tham đắm các hình thái của tình dục, tức là tự mình chuốc lấy sự nguy khốn trói buộc. Do đó, người nữ muốn chuyển thân nữ phải mau rốt ráo thành tựu Phật đạo, được thấy vô số các Đức Phật, Thế Tôn, đầy đủ vô lượng biện tài, thì phải tiếp nhận, thọ trì đọc tụng kinh này.
Đồng nữ Tư Hưu cùng với năm trăm đồng nữ bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con nhớ lại, thuở xưa chúng con đã theo Phật Định Quang Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác tiếp nhận, thọ trì đọc tụng kinh này, giảng nói ý nghĩa cho vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sinh nghe.
A-nan bạch Phật:
–Đồng nữ Tư Hưu này tuy là người nữ nhưng không phải là nữ. Vì sao? Vì theo như thân sau cùng của con hiện nay dùng mắt quán sát thì thấy phải chăng đồng nữ ấy biến hóa thị hiện ra như thế? Vì xót thương người nữ, muốn dùng phương tiện để độ thoát họ nên đã thu nhiếp những người nam để họ không thấy được nơi chốn, nhờ vậy mà cảm hóa những người nữ chăng?
Đức Phật dạy:
–Này A-nan! Đồng nữ Tư Hưu ấy, không phải nam cũng không phải nữ, không ở trong pháp ấy. Vì sao? Vì quan sát cội gốc các pháp thì không thể nói là người nam hay người nữ, vì tất cả các pháp đều không thật có, bình đẳng không sai khác. Vì sao? Vì các pháp là như vậy, chẳng phải nam, chẳng phải nữ. Đồng nữ Tư Hưu đã nhận rõ ý nghĩa của kinh này, không còn bị vướng mắc, đã đạt được ánh sáng của các pháp. Vì thế, A-nan! Nếu có người nữ muốn cầu được thân nam thì nên theo pháp tu hành của đồng nữ Tư Hưu, tiếp nhận kinh này, thọ trì đọc tụng.
Bấy giờ, có năm trăm vị Tỳ-kheo-ni liền bước đến bạch Phật:
–Tất cả chúng con, từ hôm nay trở đi đã tiếp nhận kinh này, thọ trì đọc tụng, chẳng còn ham thích thân người nữ, xem đó là nhơ uế nên chán ghét thân này, từ nay trở đi không còn coi trọng chuyện ngủ nghỉ, chuyên tâm trì tụng kinh cho được thông suốt để đạt đến chánh định.
Lúc ấy, Đức Phật khen:
–Lành thay! Những lời nói đó thật đã nêu được ý nghĩa của việc đọc tụng, như mặc áo giáp đức lớn, thông đạt tinh tấn, chẳng còn ham đắm thân nữ, vì thế các nhân giả càng nên siêng năng tu tập tiếp nhận kinh này, thọ trì đọc tụng.
Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo-ni nghe lời Phật dạy đều hết sức vui mừng, liền cởi y đang mặc trên mình phủ lên chỗ Phật để cúng dường và khen ngợi bằng bài tụng:
Hôm nay chúng con vui
Mong làm thân người nam
Chẳng khác lời Phật dạy
Sẽ được đời quý trọng.
Bấy giờ, các bà vợ của năm trăm vị trưởng giả nghe các vị Tỳkheo-ni được Phật khen là đã mặc áo giáp đức hạnh, liền đứng dậy bước đến bạch Phật:
–Bạch Đấng Trời Trong Trời! Chúng con từ nay trở đi xin tiếp nhận kinh nay, thọ trì đọc tụng, mong cho chúng con được sự tự tại, không còn bị người bó buộc ngăn cấm cũng như không còn xét nét soi mói đến nhan sắc của kẻ khác, lìa khỏi mọi sự sai khiến của ma cùng bao lo âu hoạn nạn. Vì sao? Vì dù cho người nữ được sinh ra trong các gia đình vương giả, vẫn luôn có những ràng buộc chẳng được tự tại, suốt đời phục dịch cho chồng con. Vì vậy chúng con kể từ hôm nay trở đi luôn gắng sức tinh tấn, giả sử có người chỉ nói được ý nghĩa của một câu trong kinh này thôi, chúng con cũng không dám bài bác. Cho đến khi thân mạng này chấm dứt, chúng con chẳng gần gũi chồng nữa, để chúng con đọc tụng và hiểu được ý nghĩa kinh này.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi những người vợ của các trưởng giả:
–Lành thay, lành thay! Những người nữ này, nay ở trước Phật đã rống lên tiếng rống của sư tử, những lời ấy thật hết sức tốt đẹp như mặc được áo giáp vô cực. Như chí nguyện của các vị ấy là không còn soi mói đến nhan sắc của người khác, chẳng còn gánh vác những vật nặng nề như mười tháng cưu mang, cũng không còn vào bào thai, mà chỗ sinh là cõi Phật thanh tịnh, chỗ không có người nữ, không có lỗi lầm.
A-nan hỏi Phật:
–Các vị nữ này sẽ sinh vào thế giới tên là gì mà không có lỗi lầm?
Phật nói:
–Thế giới ấy hiệu là Bảo liên hoa tạng, các vị sẽ được sinh về cõi đó.
A-nan lại hỏi:
–Thánh hiệu của Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ở thế giới ấy là gì?
Đức Phật nói:
–Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Nhất Thiết Chư Bảo Diệu Trân Chi Quang Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, hiện đang nói pháp, vợ các trưởng giả nhờ tu học kinh này mà được thấy Đức Như Lai đó.
Bấy giờ, vợ các trưởng gia vui mừng hớn hở, tâm lành phát khởi, liền cởi trăm ngàn xâu chuỗi bằng bảy thứ ngọc báu đang đeo trên người tung rải lên chỗ Phật để cúng dường và cùng đọc bài kệ:
Nay đạt được nguyện lớn
Sẽ bỏ thân người nữ
Lời Phật dạy không sai
Miệng nói lời chí thành.
Sẽ dứt thân ngu này
Thân tội ương người nữ
Kẻ ngu si tham đắm
Chẳng rõ biết vốn không.
Không còn thọ bào thai
Dứt trừ chỗ thọ thân
Đã được nghĩa vô thượng
Không hề có nơi chốn.
Vợ của các trưởng giả nói kệ xong liền cùng nhau cung kính chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thế Tôn, mắt không hề chớp.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ