KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Phẩm 14: DẪN DẮT GIÁO HÓA
Lúc bấy giờ, có vị Bồ-tát tên là Chư Căn Thường Duyệt nói bài tụng:
Mọi người sinh tưởng quả
Cứu giúp bằng niệm khác
Bình đẳng đối thật đạo
Đảnh lễ Bậc Minh Trí.
Thường giảng nói đức thật
Giảng nói quả bình đẳng
Được bình đẳng chánh giác
Đảnh lễ Bậc Minh Trí.
Vô số người tham quả
Nương thật hạnh chúng sinh
Phật đều độ tất cả
Đảnh lễ Bậc Minh Trí.
Nói pháp không sai khác
Chỗ trụ đều bình đẳng
Rõ các pháp bình đẳng
Đảnh lễ Bậc Minh Trí.
Người thường chuộng quả đức
Cố gắng chẳng đắm mê
Giải thoát mọi điên đảo
Đảnh lễ Bậc Minh Trí.
Đức sinh khởi đầy đủ
Khiến trụ vững trong đạo
Thành tựu tất cả đức
Đảnh lễ Bậc Minh Trí.
Bồ-tát Chư Căn Thường Duyệt nói bài kệ khen ngợi Phật xong, liền đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi ngồi cách chỗ Phật không xa để chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thế Tôn không hề nhàm chán, tâm ý khai mở, vui mừng.
Lúc này, Bồ-tát Liên Hoa Thủ Tạng liền đứng dậy, tung rải hoa sen cúng dường Đức Thế Tôn rồi khen ngợi:
Mọi người đều mong muốn
Độ thoát các chấp đắm
Dứt hẳn các sợ hãi
Đảnh lễ Đấng Năng Nhân.
Dứt bặt hết nơi chốn
Nói pháp không cảnh giới
Anh hùng vượt các thọ
Đảnh lễ Đấng Năng Nhân.
Hiểu rõ các pháp không
Tự nhiên, không bền chắc
Pháp bình đẳng vượt khó
Đảnh lễ Đấng Năng Nhân.
Nhổ bỏ các cội gốc
Chúng sinh đắm phiền não,
Gắng giúp khiến không sợ
Đảnh lễ Đấng Năng Nhân.
Không hãi, cũng không sợ
Là tiếng rống sư tử
Vượt qua các cảnh giới
Đảnh lễ Đấng Năng Nhân.
Dứt những mọi lo buồn
Lo khổ cũng dứt hẳn
Tâm xa trừ hung hại
Đảnh lễ Đấng Năng Nhân.
Bồ-tát Đại sĩ Liên Hoa Thủ Tạng nói kệ khen ngợi Phật xong liền bạch Phật:
–Nếu có người luôn thực hành việc lễ bái Phật như vậy thì vào đời sau cùng nghe được kinh sâu nhiệm này, trí tuệ sáng suốt, không hề có sợ hãi.
Lại có vị Bồ-tát tên Ly Dục Tích bước ra bạch Phật:
–Nếu có người nghe được kinh sâu nhiệm này, tâm vui mừng tin tưởng thì đó là bậc Minh trí, nên dùng hương hoa sớm tối cúng dường.
Lại có vị Bồ-tát hiệu là Quảng Tâm, bước ra bạch Phật:
–Đức Như Lai giảng nói kinh pháp này là đã làm cho Phật đạo hưng thịnh, người không nghi ngờ kinh này thì phúc đức không thể tính lường được, lấy việc cúng dường làm điều lợi lạc, tâm được vững chac. Đối với kẻ tin tưởng kinh này thì mọi sở nguyện đều đạt được. Trái lại, kẻ không tin thì bị ma làm chủ, tất đi theo đường của ma.
Lại có vị Bồ-tát hiệu là Liên Hoa Mục, bước ra bạch Phật khen ngợi bằng bài tụng:
Nếu người tin kinh này
Là mắt sáng của đời
Không có tâm nghi ngờ
Chỉ người rõ nẻo đạo.
Lại có vị Bồ-tát tên là Tâm Tín Duyệt liền đến trước Phật nói bài tụng:
Người nghe kinh pháp này
Vui mừng tin hơn hết
Được mọi người tôn quý
Bậc Thần minh của đời.
Lại có vị Bồ-tát hiệu là Hỷ
Thần Linh nói bài tụng:
Người nào nghe kinh này
Tin tưởng không nghi ngờ
Là uy thần của đời
Được mọi người tôn kính.
Lại có vị Bồ-tát tên là Thường Thích đến trước Phật nói bài tụng:
Nếu người nghi kinh này
Tâm luôn khởi lo buồn
Chí bị hư vọng buộc
Mãi trôi lăn sinh tử.
Lại có vị Bồ-tát tên là Bảo Y nói bài kệ:
Vô số ức y phục
Thanh tịnh, rất nhiệm mầu
Tôn trưởng mau hóa độ
Khiến không sinh tâm nghi.
Lại có vị Bồ-tát tên là Thiền Thực đến trước Phật nói kệ:
Người tin kinh sâu này
Sẽ được ban thức ngon
Đầy đủ tất cả vị
Chuyên tinh theo hạnh Thánh.
Lại có vị Bồ-tát tên là Kiến Nhân Trụ Thánh đến trước Phật nói tụng:
Người nghi ngờ kinh này
Tâm luôn khởi lo buồn
Lại khóc than sầu khổ
Chẳng tin kinh pháp mầu.
Hoặc từ ngục sinh lên
Hoặc trở lại đường ác
Tu-di làm chốn ngăn
Hồ nghi pháp tượng này.
Bị bạn ác lôi kéo
Chẳng hiểu nghĩa sâu mầu
Bị lưới nghi trói buộc
Nên chẳng có chốn về.
Đó không thuận chánh giới,
Quán tức giận buồn lo
Khi ấy nơi trú ngụ
Được ví như thú dữ.
Đã chẳng tu đạo pháp
Biếng nhác, chẳng tinh tấn
Tin tà, không trí tuệ
Chẳng tin kinh pháp này.
Chuộng vòng quay chúng sinh
Ân ái đắm tôi, ta,
Nương vào họa ba cõi
Chẳng tin lẽ nhiệm mầu.
Kẻ ngu tối bị hại
Ưa đắm năm dục lạc
Tham dựa tự thấy thân
Phỉ báng lời chỉ dạy.
Chí chuộng y phục đẹp
Ưa thích thức ăn ngon
Ít có pháp thanh tịnh
Nên phỉ báng kinh này.
Người thích sống cõi Dục
Ham chuộng quả vô phước
Kẻ ấy tự xa cách
Chẳng được gần Thế Tôn.
Lại có vị Bồ-tát tên là Khí Ác Pháp đến trước Phật nói kệ:
Nên bỏ bọn người ấy
Ví như xa hầm phẩn
Kẻ ngu nghi kinh này
Nương cõi Dục cầu thoát.
Nên phải xa lìa chúng
Như xa thây chết thối
Kẻ nghi kinh sâu này
Nên xa cũng như thế.
Lại có người bài báng
Như giặc vây xóm làng
Mãi ở nơi chỗ tối
Thấy ác, ý nên bỏ.
Nhìn việc ấy phải rời
Là giặc, vật hung ác
Nếu bài báng kinh này
Tâm ý mãi cuồng loạn.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bước đến, bạch Phật:
–Bạch Đấng Trời Trong Trời, thật là điều chưa từng có, các vị Bồ-tát này đã nhận rõ trí tuệ của kinh, có đúng như vậy không? Nhờ vào năng lực của chánh định mà nói những lời ấy hay là nhờ vào thánh chỉ của Phật mà hiểu rõ được?
Đức Phật dạy:
–Nương vào uy thần Phật mà duyên theo ý nghĩa của kinh này nên có được năng lực chánh định đạt đến các pháp vô vi. Vì sao? Vì các vị hiện đang có mặt ở đây đều thuộc dòng họ của Như Lai, đã từng ở nơi sáu mươi ức Đức Phật mà nghe được yếu chỉ của kinh này, tin ưa, khen ngợi, cũng như hiện nay chí nguyện gắn bó với năng lực chánh định để nhờ vào uy thần Phật mà giảng kinh này, đúng như nhưng điều ta đã giảng noi không khác, nhằm làm sáng tỏ thêm.
A-nan hỏi Phật:
–Người nào nghe kinh này, liền vui mừng tin tưởng, không hề hồ nghi, thì những người trong dòng họ của Như Lai, là nam hay nữ, được phước đức thế nào?
Phật bảo A-nan:
–Những người trong dòng họ của Như Lai, là nam hay nữ, chí cầu đạo Vô thượng chánh chân, ví như đem bảy chất báu đầy khắp trong thiên hạ này mà cúng dường Như Lai, lại có người nghe được kinh sâu nhiệm này tâm liền vui mừng, tin tưởng, không nghi ngờ thì phước đức còn hơn việc cúng dường các thứ châu báu kia.
Đức Phật nói tiếp:
–Ví như đem hết số châu báu trong thiên hạ cũng như toàn bộ các thứ châu báu trong các thế giới chư Phật nhiều như số cát sông Hằng mà cúng dường Như Lai, lại có người nghe được kinh này, tâm vui mừng, kính tin thì phước đức hơn hẳn việc cúng dường kia.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Ví như trong thiên hạ
Bảy thứ báu đầy khap
Đem cúng dường Như Lai
Thế Tôn thành Đại Tuệ.
Kẻ trí nghe kinh này
Tin, ưa, không dao động
Phước đức ấy hơn hết
Đức ấy không hạn lượng.
Ví như cát sông Hằng
Các cõi Phật cũng vậy
Cúng dường Đức Thế Tôn
Không bằng nghe kinh này.
A-nan bạch Phật:
–Những người trong dòng họ của Như Lai, hoặc nam hay nữ, nghe kinh pháp này mà vui mừng tin tưởng, thọ trì, đọc tụng thì phước đức ấy thế nào?
Phật dạy:
–Nếu các vị nam, nữ trong dòng họ của Như Lai cầu đạo Vô thượng chánh giác, thì những vị ấy trải qua trăm kiếp cúng dường Như Lai, cũng như tu các pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ; lại được năm thứ thần thông, mỗi vị trong trăm kiếp ấy luôn hiểu rõ mọi việc ở thế gian, không hề nghi ngờ, nhưng không tin nhận kinh này thì những kẻ ấy chẳng hề biết cúng dường Phật.
Bấy giờ, Đức Phật nói bài tụng:
Nếu trong một trăm kiếp
Kính cúng dường Thế Tôn
Thức ăn uống đầy đủ
Chưa phải thật cúng dường.
Người tin thọ kinh này
Mới thật cúng dường Phật.
Bỏ ý tưởng dựa đạo
Pháp cúng dường các Phật.
Như thế hợp lời dạy
Đúng là kính thờ Phật
Pháp cúng dường Đẳng giác
Như Lai là Pháp thân.
Giả sử trong trăm kiếp
Chọn toàn y phục quý
Mà cúng dường Thế Tôn
Là chưa thật cúng dường.
Người thọ trì kinh này
Luôn tôn quý cung kính
Mới that kính thờ Phật
Hơn việc cúng y phục.
Nếu trải qua trăm kiếp
Ngọc báu, hương hoa thơm
Cúng dường lên Thế Tôn
Chưa thật cúng dường Phật
Nếu thọ trì kinh này
Dứt ý tưởng dựa quả
Đó chính là cúng dường
Thế Tôn tuệ trên hết.
Nếu xây tháp bảy báu
Để cúng dường Thế Tôn
Đều cao như Tu-di
Chưa là cúng dường Phật.
Nếu thọ trì kinh này
Chẳng còn thấy ta, tôi
Là cúng dường trên hết
Không có gì hơn được.
Nếu trong một trăm kiếp
Có người giữ giới cấm
Chẳng thọ trì kinh này
Giới ấy không tên tuổi.
Người thọ trì kinh này
Giới ấy rất được khen.
Nếu giữ giới thanh tịnh,
Giới này không gì hơn
Vô lượng chẳng nghĩ bàn
Trí sáng thuận kinh này
Theo nhân duyên kính thờ
Giới cấm luôn đầy đủ.
Giới ấy đều rốt ráo
Chẳng gọi là hủy giới
Người tu học kinh này
Liền hợp với lời dạy.
Nếu không tu kinh này
Là chẳng cầu Phật đạo
Tuy thờ Phật đầy đủ
Cũng coi như không tu.
Tu giới giống như thế
Nhận rõ nghĩa kinh này
Thọ trì theo từng quyển
Thì giới cấm đầy đủ.
Giả sử trong trăm kiếp
Nhất tâm tu nhẫn nhục
Ví có kẻ giận mắng
Đều nhẫn với mọi người.
Nếu người trì kinh này
Nghe, thọ trì, đọc tụng
Nhẫn ấy là trên hết
Nhiệm mầu chẳng thể lường.
Hoặc người chặt chân tay
Tâm không hề oán giận
Chẳng bực, chẳng chao đảo
Tâm ấy cũng không khởi.
Nhẫn nhục được như vậy
Thực hành trong trăm kiếp
Kẻ làm được điều đó
Nhẫn ấy chưa đặc biệt.
Nếu người trì kinh này
Nghe, thọ trì, đọc tụng
Nhẫn ấy là trên hết
Nhiệm mầu chẳng thể lường.
Nếu thọ trì kinh này
Nhẫn đó là trên hết
Vòi vọi không gì bằng
Chân thật, chang hư dối.
Lời dạy Chân chẳng mất
Tuệ Phật không gì hơn
Không chê bai kinh này
Tất cả được như nguyện.
Giả sử trong trăm kiếp
Tinh tấn không biếng nhác
Sớm tối không ham ngủ
Tất cả được như nguyện.
Nếu tu học kinh này
Giảng nói được, trí sáng
Tinh tấn là trên hết
Siêng tu không ai hơn.
Nếu trong một trăm kiếp
Là Thần tiên, năm thông
Chẳng được nghe kinh này
Thì không có thần túc,
Giả sử thọ pháp này
Nhận rõ, không vướng mắc
Thần thông đã đạt được
Tất cả không ai bằng.
Dù cho trong trăm kiếp
Tu hành các trí tuệ
Vượt mọi trí thế gian
Vui chơi theo năm dục,
Nếu không tu kinh này
Thì chẳng có trí tuệ
Bậc Thánh được mạnh mẽ
Thọ trì kinh mầu này.
Ấy chính bậc Đạo trí
Thông tỏ trí tuệ Thánh
Nếu nghe kinh sâu mầu
Vui mừng và vâng làm
Có tuệ sâu nhận biết
Biết các pháp về đâu
Phải nên nói kinh này
Trí tuệ cũng như thế.
Tu tập kinh điển chánh
Tất cả không có hai
Nên tu hạnh tinh tấn
Tu trì kinh sâu này.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở trước Phật nói bài tụng:
Giả sử bốn ngàn dặm
Hoặc xa bốn ngàn dặm
Mà đến nghe kinh này
Thuận theo đức quả Phật
Liền đến nơi nhà ấy
Chẳng cho đạo là khó
Kẻ trí phải mau đến
Nơi nào tìm kinh này.
Người muốn được thiền định
Tất cả đều vượt qua
Tụng đọc, nói kinh này
Thọ trì, giải thích nghĩa.
Nếu cầu, tất cả an
Chỉ chuộng hạnh Bồ-tát
Giảng nói kinh điển này
Đất nước được an vui.
Được thấy Bình đẳng giác
A-di-đà, vô niệm
Mà tu theo nghĩa kinh
Tất cả lời Phật dạy.
Đức Phật nói:
–Lành thay, lành thay! Hiền giả A-nan! Đúng như lời ông nói, không có gì sai khác. Các vị nam nữ trong dòng họ Như Lai, những người khen ngợi kinh này, trong thời gian trì tụng thì tâm không loạn động, xa lìa tất cả vọng tưởng, nơi ở luôn được tự tại, được thấy các Đức Phật Thế Tôn khen ngợi kinh, tâm không tán loạn, khi sắp chết, mắt nhìn thấy vô số các Đức Phật, Thế Tôn. Vì sao? Vì các vị nam nữ trong dòng họ của Như Lai ấy luôn được tất cả các Đức Phật che chở, giúp đỡ, nhờ người ấy thọ trì, đọc tụng này mà được như vậy.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ