KINH
PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Hùng

 

Phẩm thứ 13: NHƯ LAI TÁNH

[883b] Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Như Lai có ngã, còn chúng sinh trong hai mươi lăm hữu thì có hay không?

Phật bảo Ca-diếp:

– Ngã chân thật là thể tính Như Lai, phải biết tất cả chúng sinh đều có, nhưng chúng sinh bị vô lượng phiền não che đậy không hiện. Như một kẻ nghèo, trong nhà có cả kho tàng trân bảo mà chẳng hay biết. Bấy giờ có người khéo biết kho báu chôn giấu chỗ nào, bảo kẻ nghèo rằng: “Ông làm cho tôi, tôi sẽ trả ông tiền tài, bảo vật”. Người nghèo trả lời: “Tôi không thể làm. Bởi vì sao vậy? Bởi vì trước đây trong nhà của tôi có kho trân bảo, không thể bỏ đi”. Người kia lại nói: “Ông là người ngu, không biết chỗ để kho báu ở đâu, chi bằng để ta lấy rồi cho ông, dùng hoài không hết”. Kẻ nghèo liền nghe theo lời ông ấy. Sau đó người kia tìm ra kho báu trong nhà kẻ nghèo, giao cho ông ta. Kẻ nghèo vui mừng, rất lấy làm lạ, biết được người kia là chỗ nương nhờ rất là chân thật. Hết thảy chúng sinh cũng y như vậy. Mỗi người đều có thể tính Như Lai, nhưng bị vô lượng phiền não che lấp nên chẳng tự biết. Như Lai phương tiện dẫn dắt, khai hóa khiến cho tự biết trong thân của mình có tính Như Lai, vui mừng tin nhận.

– Lại nữa thiện nam! Thí như người mẹ vừa mới sinh con liền bị mang bệnh. Thầy thuốc phương tiện, hòa trộn thuốc tốt với sữa, mật ong cho đứa trẻ bú. Bảo người mẹ rằng: “Cẩn thận đừng cho con bú sữa mình, để thuốc tiêu hết, rồi hãy cho bú”. Thầy thuốc lại lấy thuốc đắng thoa lên đầu vú người mẹ, đứa trẻ muốn bú, nghe mùi thuốc đắng, liền nhả ra ngay. Khi biết thuốc trong người nó đã hết, sau đó người mẹ rửa vú cho thật sạch rồi cho con bú. Cũng vậy, thiện nam! Như Lai dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh, bước đầu chỉ dạy chúng sinh tu hành hết thảy các pháp đều là vô ngã. Lúc tu vô ngã, diệt trừ ngã kiến[233], diệt sạch ngã kiến liền chứng nê-hoàn. Để trừ cái ngã thế gian cho nên phương tiện mật giáo nói về vô ngã, sau đó mới nói thể tính Như Lai, chính là cái ngã chân thật xa lìa khỏi pháp thế gian.

Ca-diếp bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Lúc người mới sinh trí tuệ còn ít, từ từ lớn lên, trí tuệ cũng sáng, nếu như có ngã thì chắc chắn rằng trước sau vẫn vậy. Nhưng bởi trí tuệ dần dần tăng trưởng, cho nên biết rằng thật là vô ngã. Lại nữa, nếu như có ngã thì không sinh tử, nhưng có sinh tử, nên biết vô ngã. Giả sử hết thảy đều có Phật tính thì không khác nhau, nhưng nay hiện thấy có hàng trưởng giả, phạm chí, sát-lợi, cư sĩ và cả hàng chiên-đà-la, mọi loài chúng sinh có nghiệp khác nhau, thụ thân bất đồng. Giả sử chúng sinh đều có Phật tính thì phải đồng đẳng, nhưng nay bất đồng, cho nên biết rằng chẳng có Phật tính. Lại nữa, nếu như thật có Phật tính thì đã không có sát sinh, trộm cướp tạo nên vô số nghiệp ác, bất thiện. Nếu như chúng sinh có Phật tính thì người điếc phải nghe, người mù phải thấy, người câm phải nói. Nếu như mọi loài đều có Phật tính thì nó ở đâu? Nó hòa hợp thân, xanh, vàng, đỏ, trắng, ở trong muôn màu, là ở một chỗ, hay ở khắp thân?

Phật bảo Ca-diếp:

– Thí như ông vua có sức mạnh lớn và có bảo châu ma-ni trừ được những chất kịch độc đeo ở trên đầu, lúc cùng giao tranh với nước thù địch, bảo châu vua đeo bị vùi lấp mất vào trong thân thể, máu thịt và da che mất bảo châu, tìm kiếm chẳng thấy, liền nghĩ đã mất. Bấy giờ thầy thuốc đến điều trị bệnh, vua hỏi thầy thuốc: “Ta có bảo châu mà để quên mất, tìm kiếm khắp nơi, chẳng biết ở đâu. Phải biết tài bảo là vật vô thường, y như bọt nước, mau sinh mau diệt, hư dối, như huyễn”. Vua cứ nghĩ rằng đã mất bảo châu. Thầy thuốc trả lời: “Bảo châu vẫn còn, chớ nghĩ đã mất. Lúc ngài giao đấu, bảo châu bị lẫn vào trong thân thể, máu thịt và da che đậy đi mất, cho nên chẳng thấy”. Ông vua chẳng tin, bảo với thầy thuốc: “Trong máu thịt này chỗ nào có châu? Nói chuyện xa vời”! Lúc ấy thầy thuốc bèn lấy châu ra. Vua thấy châu rồi mới tin thầy thuốc biết điều kỳ đặc. Hết thảy chúng sinh cũng y như vậy, mỗi mỗi đều có tự tính Như Lai, nhưng vì quen theo bạn xấu mới khởi dâm, nộ, si mê, đọa ba đường ác, dẫn đến trôi lăn trong hai lăm cõi, thụ vô số thân. Tự tính Như Lai như châu ma-ni lẫn trong phiền não, dâm, nộ, si mê, chẳng biết ở đâu. Với ngã thế gian, tu quán vô ngã, chẳng hiểu Như Lai là bậc lương y, phương tiện mật giáo dạy quán vô ngã, nhưng không biết được tự ngã chân thật, vì vậy Như Lai lại dùng phương tiện khiến diệt vô lượng lửa dữ phiền não, khai thị hiển hiện tự tính Như Lai.

– Lại nữa, thiện nam! Như trong núi Tuyết có loại thuốc ngọt tên là thượng vị. Lúc Chuyển luân thánh vương chưa ra đời, thuốc ấy ẩn mất, không thấy hiện hữu. Bao nhiêu người bệnh đều đi tìm thuốc, đào ở trong đất để tìm nhựa thuốc, hoặc được vị ngọt, hoặc được vị đắng, hoặc được vị cay, hoặc được vị chua, hoặc được vị mặn, hoặc được vị nhạt, nhưng những người bệnh được các vị đó chứ không thật sự được thuốc thượng vị, vì phước đức mỏng, đào đất chẳng sâu. Đến lúc Chuyển luân thánh vương có đủ sức mạnh phước đức xuất hiện ở đời liền được thứ thuốc chân thật thượng vị. Cũng vậy, thiện nam! Tự tính Như Lai bị quá nhiều thứ, vô lượng phiền não, ngu si che lấp, cho nên chúng sinh chẳng được thượng vị tự tính Như Lai. Dù bị vô lượng hành nghiệp dẫn dắt thụ thân khắp chốn, thể tính Như Lai vẫn không thể mất. Những thân hình đó đã bị chết đi, gọi là đoản thọ. Còn tính Như Lai gọi là chân thọ[234], chẳng đoạn, chẳng hoại, cho đến thành Phật. Thể tính Như Lai không hại, không sát, chỉ có tấm thân tự tính nương nhờ có hại, có sát, như những người bệnh tạo các nghiệp tà bị báo vô lượng, thọ thân sát-lợi, phạm chí, cho đến sinh tử ở trong hai mươi lăm cõi, vì không thật sự thấy tính Như Lai.

– Lại nữa, thiện nam! Như người đào đất tìm Kim cương báu, cầm cái đục bén, đục đất, đá cứng khiến cho vỡ vụn, chỉ có Kim cương là không bị vỡ. Tự tính Như Lai cũng y như vậy, kiếm bén thiên ma không thể làm hại, chỉ có thân thể tự tính nương nhờ bị thương hại thôi, tự tính Như Lai không hề bị hại. Cho nên phải biết, tự tính Như Lai không hại, không sát. Đây là lời dạy chân thật của Phật, rằng kinh Phương đẳng vừa là cam lộ, vừa là độc dược.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Khế kinh Phương đẳng vừa là cam lộ, vừa là độc dược nghĩa là thế nào và dẫn đến đâu?

Phật bảo Ca-diếp:

– Thiện nam, lắng nghe! Hôm nay Ta sẽ giảng cho ông nghe.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Có người uống cam lộ

Được thành tiên trường thọ

Có người uống cam lộ

Tổn thọ mà chết yểu

Người vì độc mà chết

Kẻ nhờ độc mà sống.

[884b] Cam lộ chính là trí tuệ vô ngại của pháp Đại thừa. Độc dược cũng là trí tuệ vô ngại của pháp Đại thừa. Giống như đề hồ, tô du, đường phèn, người ăn không tiêu, gọi là độc dược, còn người ăn tiêu, gọi là cam lộ. Chúng sinh vô trí chẳng hiểu mật giáo Phương đẳng Đại thừa, thì đối với họ gọi là độc dược; Thanh văn, Duyên giác trụ pháp Đại thừa và chư Bồ-tát, những bậc đại hùng trong chốn loài người thì gọi cam lộ. Thí như sữa trâu dù có khác màu nhưng cùng một vị. Cũng vậy, Ca-diếp! Phải biết pháp tính Như Lai an trú trong thân Bồ-tát chứng pháp vô úy, thì thể tính đó cũng đồng một vị với thể tính Ta.

Bấy giờ Ca-diếp liền nói kệ rằng:

Con quy y tam bảo

Như Lai tính thậm thâm

Tự thân Như Lai tạng

Phật, Pháp, Tăng là ba

Người quy y như vậy

Là quy y tối thượng.

[884b] Bấy giờ Thế Tôn lại vì Ca-diếp mà nói kệ rằng:

Người không biết tam bảo

Làm sao biết quy y?

Nghĩa quy y chưa hiểu

Làm sao biết Phật tính?

Nếu đã quy y Phật

Là chỗ an ổn nhất

Thì có nhân duyên gì

Lại quy y nơi Pháp?

Người quy y nơi Pháp

Là quy y tự tâm.

Lại có nhân duyên gì

Mà quy y Tăng chúng?

Không tin quy y Phật

Bậc quyết định chân thật,

Tam bảo, tính Như Lai

Do đâu biết được hết?

Vì sao chưa biết nghĩa

Đã sinh tâm suy tính

Phật, Pháp, tì-kheo Tăng

Thềm thang của tam bảo?

Như người chẳng mang thai

Mà nghĩ sẽ sinh con

Người tư duy như vậy

Chỉ tăng thêm phiền não.

Như người tìm tiếng vọng

Chẳng phải cư sĩ thật[235]

Phải siêng tìm phương tiện

Đại thừa nghĩa quyết định

Ta sẽ tuỳ nghi giảng

Khiến ông trừ lưới nghi.

[884c] Bồ-tát Ca-diếp lại dùng kệ bạch:

Pháp của ưu-bà-tắc

Là quy y nơi Phật

Không nghĩ tưởng quy y

Nơi hết thảy thiên, thần.

Pháp của ưu-bà-tắc

Là quy y nơi Pháp

Không sát hại sự sống

Để thờ cúng phi pháp.

Pháp của ưu-bà-tắc

Là quy y nơi Tăng

Không nương chúng tà đạo

Để cầu ruộng phước lành.

Cho nên nương tam bảo

Trừ ba pháp thế tục.

Ba pháp quy y này

Chính Như Lai cũng dạy:

“Ta  xưa nhờ pháp này

Nay được chỗ an ổn

Các ông cũng sẽ hành

Đến được chỗ Ta đến

Đây là đường bình đẳng

Các ông thực hành theo

Mau chóng thoát các khổ

Nghiệp sinh tử luân hồi”.

Tự tính của Như Lai

Cũng từ Thế Tôn dạy:

“Ta và mọi chúng sinh

Đồng tính Như Lai này

Đạo chư Phật tùy thuận

Chúng ta ắt nhờ đó

Cho đến chúng thiên ma

Cũng có cam lộ này

Chung quy đồng chư Phật

Ly hữu Mâu-ni tôn[236]”.

[884c] Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài kệ cho Ca-diếp rằng:

Ông chớ như Thanh văn

Trí tuệ của trẻ con

Nên biết một quy y

Chứ chẳng phải có ba

Đạo bình đẳng như vậy

Phật, Pháp, Tăng một vị

Vì diệt tà kiến, nghi

Nên lập ba pháp này.

Nay ông muốn thị hiện

Người tùy thuận thế gian

Phải theo lời dạy này

Quy y nơi tam bảo.

Nếu người quy y Phật

Chính là quy y Ta

Quy y Đẳng Chính Giác

Chánh Giác Ta đã đạt.

Người phân biệt quy y

Thì loạn tính Như Lai.

Từ nơi chỗ Như Lai

Mà sinh tâm bình đẳng

Chắp tay cung kính lễ

Là lễ tất cả Phật.

Ta là chỗ nương tựa

Chân thật cho mọi loài

Vì Ta đã đầy đủ

Thân diệu pháp thanh tịnh.

Nếu lễ tháp xá-lợi

Chính là kính lễ Ta

Ta là tháp chân thật

Tối thượng cho chúng sinh

Cũng là xá-lợi thật

Cho nên phải kính lễ.

Nếu người quy y Pháp

Chính là quy y Ta

Vì Ta đã đầy đủ

Thân diệu pháp thanh tịnh

Ta là pháp nương tựa

Chân thật cho mọi loài.

Nếu quy y chúng Tăng

Chính là quy y Ta

Mọi chúng sinh còn lại

Đều thuộc Phật chúng Tăng

Ta là Tăng chính giác

Tối thượng cho mọi loài.

Loài chúng sinh không mắt

Nhờ đây mà có mắt

Cho nên chúng Thanh văn

Và hàng Tăng Duyên giác

Đều thuộc Tăng Như Lai

Quy y chân thật nhất.

[885a] Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Bậc đại Bồ-tát phải nghĩ như vầy: Giả sử bất thiện, vô tri tích tụ, cũng nên biết rằng ta có Phật tính, giống như tráng sĩ lúc đi chiến đấu phải biết mình là chủ tướng ba quân, là chỗ tất cả binh lính nương nhờ. Thí như con vua lúc làm thái tử phải tự biết mình là hơn tất cả những vương tử khác, sẽ nối ngôi vua, làm chỗ nương tựa chân thật cho tất cả vương tử khác, quyết không sinh tâm nghĩ mình hạ liệt. Này thiện nam tử! Bậc đại Bồ-tát cũng y như vậy, lập chí kim cương, vượt ba pháp kia, như vương tử nọ thành tựu đức tính không còn sợ hãi, đối với ba pháp bỏ mọi suy nghĩ. Như Lai tối thượng, giống như đỉnh tướng là tối thượng nhất, chẳng Phật, chẳng Pháp, chẳng Tì-kheo Tăng. Mọi sai biệt kia như nấc thang vậy, làm chỗ thế gian nương tựa là để cứu độ thế gian, trong pháp chân thật thị hiện vô lượng, như là ba pháp dẫn dụ giáo hóa chúng sinh vô tri, trí tuệ trẻ con, khiến vào Đại thừa, trí tuệ sâu bén.

Bồ-tát Ca-diếp lại nói kệ rằng:

Biết nghĩa chân thật này

Nhưng vẫn hỏi Như Lai

Muốn Bồ-tát hiển phát

Dõng mãnh lìa nhiễm ô.

Hay thay! Lời Thế Tôn

Việc làm của Bồ-tát

Trí Đại thừa sâu bén

Như luyện tuệ kim cương.

Hay thay! Lời Thế Tôn

An lập chư Bồ-tát

Như Lai khéo hiển thị

Con nay cũng phải vậy

Hết thảy mọi chúng sinh

Sẽ tự mình khuyến phát

Như Lai tạng tự thân

Đều là ba quy y

Hết thảy mọi chúng sinh

Tin, thụ nhận kinh này

Ai đã lìa phiền não

Và ai chưa ly dục

Đều phải nương tự thân

Như Lai tạng vi diệu

Chỉ có một quy y

Chẳng hai, cũng chẳng ba

Bởi vì sao như vậy

Thế Tôn phân biệt rộng

Mỗi mỗi tự thân có

Như Lai tạng vi diệu

Vì biết được nghĩa này

Không cần phải tam quy

Ta vì cả thế gian

Làm chỗ nương chân thật

Pháp và Tăng tì-kheo

Hết thảy đều nhiếp thụ

Thanh văn, Bích-chi-phật

Đều phải nên kính lễ

Để cho hàng bồ-tát

Hướng thẳng đến Đại thừa

Tánh Như Lai như vậy

Là không thể nghĩ bàn

Đầy đủ ba hai tướng

Và tám mươi vẻ đẹp.

[885b] Phật bảo Ca-diếp:

– Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Chư vị Bồ-tát nên học lợi trí thậm thâm như vậy. Lại nữa thiện nam! Ta sẽ nói thêm về việc thể nhập tạng tính Như Lai.

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Có ngã trường tồn thì

Trọn không bị khổ hoạn

Giả sử không có ngã

Không ai tu phạm hạnh.

Hết thảy pháp vô ngã

Đây là thuyết đoạn diệt.

Ai nói ngã trường tồn

Đó là thuyết chấp thường.

Hết thảy pháp vô thường

Cũng là thuyết đoạn diệt

Hết thảy pháp thường hằng

Đó là thuyết chấp thường.

Hết thảy pháp là khổ

Chính là thuyết đoạn diệt

Hết thảy pháp là lạc

Đó là thuyết chấp thường

Tu tưởng tất cả thường

Thì mau được thuyết đoạn

Tu tất cả vô thường

Thì mau đắc thường tưởng.

Thí như chặt trùng lâu[237]

Được một mong thành hai.

Cũng vậy, tu thường tưởng

Thì mau được đoạn diệt

Nếu tu thuyết đoạn diệt

Cũng mau được thường tưởng

Như thí dụ đã nói

Được một lại mong nhiều.

Ngoài ra tu pháp khổ

Là nói điều bất thiện

Tu pháp thường an vui

Chính là nói điều thiện

Tu các pháp vô ngã

Quán vô lượng phiền não

Tu các pháp thường tồn

Phật tính và niết-bàn

Tu các pháp vô thường

Là thân chẳng kiên cố

Tu các pháp thường hằng

Như Lai và Tam bảo

Cùng bình đẳng, giải thoát

Là các pháp chân thật

Những điều Như Lai dạy

Chẳng giống ví dụ kia.

Phải biết trừ nhị biên[238]

Ở trung đạo thuyết pháp

Chấp thường và đoạn diệt

Phải xa hai thuyết đó.

Bọn phàm ngu thế gian

Hiểu lầm lời Phật dạy

Ví như người bệnh gầy

Vội uống lầm sữa tô

Có, không thêm bệnh ấy?

Thí như người bệnh nặng

Bốn đại xung đột nhau

Mà không được hòa hợp

Đàm uẩn[239] tăng không ngừng

Gió thổi càng như đốt

Phong uẩn đã trái nhau

Đàm dãi lại càng tăng

Tứ đại không điều hòa

Nên thân thể phát cuồng

Thầy thuốc khéo trị bệnh

Tùy thuận an bốn đại

Trừ diệt tất cả bệnh

Toàn thân khỏe, an vui

Như bốn rắn độc lớn

Vô lượng phiền não, hoạn

Thầy thuốc khéo trị bệnh

Tính bình đẳng, an ổn

Và tính bình đẳng đó

Gọi là Như Lai tạng

Được nghe Như Lai tính

Xa lìa tất cả giới

Thường trụ, không thay đổi

Có, không đều chẳng vướng

Kẻ ngu chỉ vọng thuyết

Không hiểu pháp bí mật.

Như Lai vì chúng sinh

Phương tiện nói thân khổ

Kẻ ngu không thể biết

Bảo thân Ta đoạn diệt

Người trí mới hiểu rõ

Không thụ hết tất cả

Biết được trong thân Ta

Có hạt giống an lạc.

Nghe Ta vì chúng sinh

Phương tiện nói vô thường

Kẻ ngu bảo Thân ta

Như đồ bằng đất nung

Người trí tuệ biết rõ

Không nhận hết tất cả

Biết được thân Ta có

Là pháp thân vi diệu.

Nghe Ta vì chúng sinh

Phương tiện thuyết vô ngã

Kẻ ngu bảo pháp Phật

Hết thảy đều vô ngã

Người trí mới hiểu rõ

Đó giả danh, phi tận

Chẳng mê nơi thanh tịnh

Như Lai chân pháp tính.

Nghe Phật vì chúng sinh

Phương tiện thuyết giáo không

Kẻ ngu không hiểu được

Bảo rằng ngôn ngữ đoạn

Người trí thì hiểu rõ

Không gồm thâu tất cả

Biết pháp thân Như Lai

Trường tồn không thay đổi.

Nghe Ta vì chúng sinh

Phương tiện thuyết giải thoát

Người ngu không hiểu được

Bảo giải thoát là hết

Người trí thì hiểu rõ

Không hẳn đến chỗ đoạn

Như Lai, Nhân Sư Tử[240]

Bậc tự tại độc hành

Ta vì chúng sinh thuyết

Vô minh duyên các hành

Người ngu không hiểu được

Bảo đó là hai pháp

Nhưng người trí hiểu rõ

Minh, vô minh tuy khác

Pháp giải thoát chân thật

Thì chẳng có hai tướng.

Duyên các hành sinh thức

Kẻ ngu bảo là hai

Người trí biết hành, duyên

Tuy hai mà chẳng hai.

Thập thiện và thập ác[241]

Kẻ ngu theo hai tướng

Người trí mới hiểu rõ

Tuy hai mà chẳng hai.

Có tội và vô tội

Kẻ ngu bảo là hai

Người trí khéo hiểu rõ

Tự tính vốn chẳng hai.

Tướng thanh tịnh, bất tịnh

Kẻ ngu bảo là hai

Người trí khéo hiểu rõ

Tự tính vốn chẳng hai.

Tạo tác, chẳng tạo tác

Nói tất cả mọi pháp

Kẻ ngu không thể biết

Bảo đó là hai pháp

Người trí khéo hiểu rõ

Tự tính vốn chẳng hai.

Nói tất cả các pháp

Là có khổ và lạc

Kẻ ngu không thể biết

Bảo đó là hai pháp

Người trí khéo biết rõ

Tự tính vốn chẳng hai.

Ta vì chúng sinh thuyết

Tất cả hành vô thường

Kẻ ngu chẳng thể biết

Thuần tu Như Lai tính

Người trí khéo hiểu rõ

Tự tính vốn chẳng hai.

Ta vì chúng sinh thuyết

Tất cả pháp vô ngã

Kẻ ngu không thể biết

Nói Phật thuyết vô ngã

Người trí hiểu tự tính

Ngã, vô ngã chẳng hai.

Vô lượng vô số Phật

Đều thuyết Như Lai tạng

Ta cũng nói tất cả

Kinh tích tụ công đức

Ngã, vô ngã chẳng hai

Các ông khéo thụ trì.

[886b] – Này thiện nam tử! Phải luôn ghi nhớ kinh điển tích tụ tất cả công đức. Ta cũng đã thuyết kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa[242], là kinh bất nhị[243]. Kinh đó nói rằng ngã và vô ngã vốn là không hai[244]. Thí như từ sữa mà có được lạc, từ lạc có tô, từ tô có thục, rồi từ thục tô mới có đề hồ, trước sau là một. Nếu như lạc, tô… từ thứ khác sinh, thì là thứ khác tạo ra thứ này. Nếu sữa là lạc, vậy thì tại sao lúc còn là sữa chẳng thấy tướng lạc[245]. Như vậy là do nhân duyên xoay vần đắp đổi cùng sinh, chẳng phải tự sinh, nên nói xoay vần. Nếu từ thứ khác sinh ra thì nó ở chỗ nào đến? Ngay lúc là sữa không thấy lạc, tô, thục tô, đề hồ từ khỗ khác đến. Tất cả mỗi thứ, sữa, lạc, sinh tô… đều có tự tính của chất đề hồ, nhưng bị nhiều thứ tạp nhiễm che đậy cho nên mới có những chất khác nhau. Nếu bò ăn nhiều, sữa sẽ như máu; nếu ăn cỏ ngọt, sữa sẽ ngọt thơm; nếu ăn cỏ đắng, sữa có vị đắng; dưới chân núi Tuyết có đầm cỏ ngọt, nếu bò ăn được loại cỏ ngọt này sẽ cho đề hồ, không có màu khác. Nếu bò ăn nhiều loại cỏ khác nhau thì sữa cũng sẽ có nhiều màu khác. Minh và vô minh[246] là pháp bất nhị, cũng giống như vậy, do những hành nghiệp lỗi lầm cho nên minh thành vô minh. Hết thảy pháp thiện và pháp bất thiện đều chẳng phải hai. Cho nên phải biết, tính của Như Lai giống như đề hồ, tự tính thanh tịnh bị vướng phiền não cho nên có những hình tướng khác nhau. Như người ta nói nước biển vị mặn, không phải tất cả nước biển thuần mặn, mà trong nước biển cũng có đầy đủ tám vị của nước. Như trong núi Tuyết có nhiều cỏ độc, nhưng mà trước đây núi Tuyết cũng có rất nhiều thuốc hay. Thân của tất cả chúng sinh cũng vậy, bốn đại hòa hợp thí như rắn độc, nhưng trong thân này trước có Phật tính, như thuốc hay kia, tự tính Như Lai trước sau thường có, chẳng phải là do tạo tác mà có, nhưng vì trong đó vô lượng phiền não đua nhau nổi dậy. Tất cả chúng sinh muốn cầu thành Phật, phải trừ vô lượng phiền não kết hoạn. Thí như mùa xuân nổi mây sấm lớn nhưng mà chưa mưa, cỏ cây, hoa quả đều chưa nảy mầm; khi mùa hạ đến, mưa lớn đổ xuống, hết thảy nương nhờ. Tự tính Như Lai cũng y như vậy, vô lượng phiền não kết hoạn che đậy, tuy nghe khế kinh và các tam-muội nhưng vẫn chẳng biết tự tính Như Lai. Do vì không biết cho nên khởi tưởng ngã và vô ngã. Khế kinh Phương đẳng Đại bát-nê-hoàn pháp tạng mật giáo dạy ở thế gian, chúng sinh nghe rồi tự tính Như Lai thảy đều nảy mầm, có thể nuôi lớn, vì vậy gọi là Đại bát-nê-hoàn. Như vậy, thiện nam! Nếu chúng sinh nào học kinh Phương đẳng Bát-nê-hoàn này thì đã đền đáp ân đức Như Lai.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Hay thay, Thế Tôn! Các hàng Thanh văn và Bích-chi-phật rất là khó thấy, khó được bảo vật tự tính Như Lai.

Phật bảo Ca-diếp:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam tử! Ta cũng thường nói rất là khó thấy. Thí như một người bị bệnh màng mắt che khuất con ngươi, chẳng thấy năm sắc, đến chỗ thầy thuốc trị bệnh màng mắt. Thầy thuốc cắt được chút ít màng mây, rồi lấy một vật để ở trước mặt kêu người bệnh nhìn. Người ấy nhìn thấy, nhưng thấy loạn xạ, nói hai hoặc ba. Từ từ nhìn kỹ thấy được lờ mờ. Cũng vậy, thiện nam! Bậc đại Bồ-tát tu pháp mật giáo, thành tựu Thập trụ[247], quán sát thể tính Như Lai chân thật ở nơi tự thân, vậy mà vẫn còn mê hoặc mập mờ trong pháp vô ngã, huống nữa là hàng Thanh văn, Bích-chi có thể biết được! Này thiện nam tử! Phải nên biết rằng tự tính Như Lai khó thấy như vậy.

– Lại như một người ngước nhìn chim bay, vì xa nên không biết đúng hay sai, phải nhìn thật kỹ mới thấy lờ mờ. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân vẫn còn mê lầm, lâu sau mới thấy chỉ được lờ mờ, huống là Thanh văn và Bích-chi-phật!

– Lại như một người do đàm uẩn tăng[248], lầm lẫn phương hướng, muốn đến chỗ nào, trong tâm liên tục chuyên niệm, ghi nhớ, vậy mà vẫn còn bị quên mất đường. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân, phương tiện chuyên tâm vẫn còn mê lầm, huống là Thanh văn và Bích-chi-phật.

– Lại như một người đi xa qua vùng đồng không nhà trống, cơn khát bức loạn, từ xa trông thấy một bầy ngựa hoang, hoặc tưởng lầm nước, hoặc bảo rừng cây, hoặc nói thôn làng. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng sinh mê lầm.

– Lại nữa, thí như một người lên cao nhìn xuống đằng xa thấy ngôi tháp Phật, hoặc tưởng là nước, hoặc bảo hư không, hoặc nói nhà cửa, hoặc bảo ngựa hoang, núi đá, cỏ cây… khi có phương tiện quán sát kỹ càng mới biết là tháp. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân vẫn còn mê lầm, phương tiện quán sâu mới biết chân thật.

– Lại nữa, như người đi thuyền trên biển, từ xa trông thấy thành ấp nhưng lầm tưởng là hư không, hoặc bảo loài vật. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm.

– Lại như vương tử suốt đêm coi hát, đến mặt trời mọc nhìn thấy người thân tưởng lầm người lạ. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm.

– Lại nữa, thí như đại thần đến chỗ của vua hỏi bàn việc nước, đến khuya về nhà, trong luồng ánh chớp thấy con trâu trắng, nghĩ tưởng sai lầm cho là nhà cửa, hoặc tưởng gò mả. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân, cũng còn mê lầm.

– Lại nữa, thí như tì-kheo tự lọc nước sạch, sau đó nhìn kỹ thấy chút mảy lông, tưởng là vi trùng, hoặc là bụi bặm. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm.

– Lại như có người nhìn đỉnh núi cao, thấy có người đi, tưởng là cầm thú. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng còn mê lầm. Như người bệnh mắt, ban đêm xem tranh, hoặc bảo hình người, hoặc nói tượng thần, hoặc nói tượng Phật, hoặc bảo hình tượng Thích, Phạm, Bồ-tát. Bồ-tát Thập trụ cũng giống như vậy, quán tính Như Lai ở nơi tự thân cũng sinh mê lầm.

– Cũng vậy, thiện nam! Tự tính Như Lai rất khó thấy được, là cảnh giới Phật, không phải cảnh giới của hàng Thanh văn và Bích-chi-phật có thể thấy biết. Như vậy, thiện nam! Giáo pháp Như Lai người trí biết được phải nên tin nhận.

Bồ-tát Ca-diếp bạch đức Phật rằng:

– Như Thế Tôn dạy, tự tính Như Lai rất là vi diệu, những người mắt thịt làm sao thấy được?

Phật bảo Ca-diếp:

– Như cõi Phi tưởng, Phi phi tưởng thiên, cảnh giới của Phật, hết thảy Thanh văn và Bích-chi-phật làm sao thấy được? Nhưng họ tùy thuận khế kinh Như Lai, tín tâm phương tiện, rồi sau bình đẳng quán sát nghĩa lý. Như vậy, thiện nam! Hết thảy Thanh văn và Bích-chi-phật, phải nương kinh điển Phương đẳng nê-hoàn mà sinh tín tâm, biết được tự thân có tính Như Lai. Cho nên phải biết, tự tính Như Lai là cảnh giới Phật, chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh văn và Bích-chi-phật.

Ca-diếp bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Chúng sinh thế gian đều nói có ngã, so với tự tính, nghĩa nó thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

– Thí như thuở xưa, có hai người bạn, một người vương tử, người kia bần cùng, kết giao qua lại. Vương tử có nuôi huấn luyện con hủy[249], anh bạn nhà nghèo đã từng thấy qua. Sau đó hai người cùng đi nước khác, gặp lúc trời tối cùng thuê phòng nghỉ. Anh bạn nhà nghèo trong mộng nói mớ: “Hủy đến, hủy đến”! Tiếng la vang ra thấu cả bên ngoài. Lúc ấy có người nghe được tiếng ấy, liền đến chỗ vua, kể lại đầy đủ những gì nghe được. Vua liền bắt anh bạn nghèo thẩm vấn: “Hủy ở chỗ nào”? Bấy giờ anh bạn nhà nghèo trả lời: “Tôi không có hủy. Người bạn tôi có, tôi từng thấy qua”. Vua liền hỏi kỹ: “Hình dáng thế nào”? Anh lại trả lời: “Sừng của con hủy giống sừng con dê”. Nghe lời đó xong, vua bảo người nghèo: “Ngươi hãy trở về chỗ có con hủy, nếu tìm không có, là lời nói dối”. Thế rồi lời nói hủy giống con dê truyền trong thiên hạ. Sau đó không lâu, vua ấy mạng chung, thái tử nối ngôi, cũng dò tìm hủy, nhưng mà chẳng thấy. Lần lượt đời sau con của thái tử lên nối ngôi vua cũng y như vậy, tìm hủy chẳng được. Xoay vần tương truyền lâu dần về sau từ chuyện con hủy nhớ thành con dê. Bậc đại Bồ-tát cũng y như vậy, lúc mới ra đời, vì chúng sinh thuyết tự ngã chân thật. Trong đó có người vô tri nghe được tất cả chúng sinh đều có Phật tính, không biết là thật bèn nói vọng tưởng. Tự ngã giống như tim đèn ở giữa vô số chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng, như lời của người nằm mộng kia nói xoay vần truyền nhau thành ra tà kiến, chấp có ngô, ngã, tìm tính ngô, ngã, chẳng được thật ngã, tạo thuyết vô ngã. Nhưng mọi chúng sinh ở giữa thế gian thường khởi vọng tưởng chấp có ngô, ngã và tưởng vô ngã. Cũng vậy, thiện nam! Ta nói tự tính Như Lai chân thật tuyệt đối bậc nhất. Nếu ở thế gian ai nói lời rằng: Ta tùy thuận pháp. Phải biết người này đã lìa thế tục, họ đều là bậc Bồ-tát hóa hiện đồng như người đời.

-o0o-

[233] Ngã kiến 我見 (S: ātma-dṛṣṭi): chấp trước có thật ngã, chấp năm uẩn có thật ngã và tất cả các pháp đều có thật thể (PQĐTĐ).

[234] 真壽, mới thực sự gọi là thọ.

[235] Nguyên bản: li chân ưu-bà-tắc 離真優婆塞.

[236] Ly hữu mâu-ni tôn 離有牟尼尊: đấng Mâu-ni tôn quý đã xa lìa tất cả hữu. Bậc Ly hữu.

[237] Trùng lâu (tức lâu trùng 樓蟲): theo Nhất thiết âm nghĩa, thì lâu trùng còn gọi là tầm tang, xích hoặch, tang hạp, bộ khuất, tức con sâu đo. Nhưng thiết nghĩ đây là con đĩa (ND).

[238] Nhị biên 二邊 (S: dvaya-anta): hai cực đoan, hai pháp đối lập, trái nghịch nhau (BKTT).

[239] Nguyên bản chép chữ 癊, các bản TNM đều chép 陰. Đàm uẩn, có lẽ chỉ yếu tố nước trong cơ thể ấn át các yếu tố khác.

[240] Nhân sư tử 人師子 (Pāli: naramiuha): sư tử của loài người.

[241] Thập thiện 十善: mười nghiệp thiện: Không tham, sân, si; không sát, đạo, dâm; không nói dối, thêu dệt, ỷ ngữ, ác khẩu. Thập ác 十惡: mười nghiệp bất thiện, ngược lại với mười nghiệp thiện.

[242] Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa 大般若波羅蜜多經 (S: Mahā-prajñāpāramitā-sūtra): hay Đại Bát-nhã kinh, 600  quyển, do Ngài Huyền Trang dịch, thuộc quyển 5 đến quyển 7 trong Đại Chánh Tạng (PQĐTĐ).

[243] Bất nhị 不二 : chẳng phải một, chẳng phải hai, lìa hai bên, không chấp thường, đoạn… (PQĐTĐ).

[244] Chẳng phải hai, tức bất nhị, xem chú thích trên.

[245] Tham chiếu Bắc bản Kinh Đại bát Niết-bàn, 40 quyển, Đàm Vô Sấm dịch: 如是酪性為從乳生為從自生從他生耶。乃至醍醐亦復如是。若從他生即是他作非是乳生。若非乳生乳無所為。若自生者不應相似相續而生: Như vậy tính lạc từ sữa sinh ra, đâu thể tự sinh hay từ thứ khác mà sinh ra được! Cho đến đề hồ cũng giống như vậy. Nếu như tính lạc từ thứ khác sinh, thì thứ khác tạo không phải sữa sinh, chẳng phải sữa sinh thì sữa không có nhân duyên tạo tác, còn như tự thân lạc sinh ra lạc thì đâu thể giống, đâu thể tương tục chuyển tiếp sinh ra!

[246] Minh 明 (S: vidyā): trí tuệ giác ngộ. Vô minh 無明 (S:avidyā): vô trí, ngu si.

[247] Thập trụ 十住: quá trình tu tập của Bồ-tát phân ra thành 52 giai vị, trong đó, từ giai vị thứ 11 đến giai vị thứ 20 thuộc ‘trụ vị’, gọi là Bồ-tát thập trụ (PQĐTĐ).

[248] Xem chú thích trước. Đây không biết bệnh gì?

[249] Huỷ 兕: tức là con tê giác, sừng nó tiện dùng làm chén uống rượu, nên gọi là huỷ quang 兕光 (Thiều Chửu).