KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Phẩm 13: NHƯ LAI
Lúc bấy giờ, có ba vị Bồ-tát đều từ phương xa đến, thể hiện những biến hóa nơi Phật đang giảng nói pháp khiến chúng hội trông thấy cho là điều chưa từng có.
A-nan bạch Phật:
–Ba vị Bồ-tát ấy đã từ cõi nước nào đến đây?
Đức Thế Tôn đáp:
–Về phương Đông, cách đây nhiều cõi nước như số cát sông Hằng có thế giới tên là Thân siêu Tu-di sơn, ba vị Bồ-tát ở tại cõi nước mình, vì nghe ta nói kinh này cho nên đến đây.
Liền đó, ba vị Bồ-tát đến đứng trước Phật, đều dùng hương hoa cúng dường Đức Thế Tôn và cùng thưa:
–Chúng con đều ưa thích tin tưởng pháp ấy, không có tâm hồ nghi. Vì sao? Vì trong lòng hết sức sáng tỏ, ví như mắt nhìn thấy rõ mọi hình sắc trước mặt mình. Đó cũng là nhờ ân che chở của Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.
Rồi một vị Bồ-tát bước đến bạch Phật:
–Như lời con nói là thành thật không hư dối, đối với kinh này con hoàn toàn không còn hồ nghi gì cả.
Vị Bồ-tát thứ hai cũng bạch Phật:
–Đối với pháp này con cũng chẳng có điều gì nghi ngờ.
Rồi vị Bồ-tát thứ ba lại bạch Phật:
–Như lời con nói là hết sức thành thật, không hư dối, Phật là Bậc Giác Ngộ thì con cũng sẽ là Phật, con đã hiểu rõ kinh này không còn nghi hoặc gì nữa.
Bấy giờ, trong chúng hội có vô số trăm ngàn những vị từ phương xa đến nghe pháp, tất cả đều cùng chắp tay, không thích chỗ mình ngồi và cùng nói:
–Phật xuat hiện ở đời, vì sao mà các vị ấy lại nói ra lời như thế?
Mọi người đều im lặng, trong tâm nghĩ: “Nay Phật hiện tại sẽ giải thích.”
Tôn giả A-nan lại bạch Phật:
–Các vị Bồ-tát ấy danh hiệu là gì?
Phật bảo A-nan:
–Một vị Bồ-tát tên Đắc Như Lai Trụ, vị thứ hai tên là Chí Đắc Thế Tôn Âm, còn vị thứ ba tên Chí Đãi Đắc Phật Thanh. Như thế, này A-nan! Như lời các vị ấy nói không hề sai khác với nghĩa thú này.
A-nan bạch Phật:
–Hiện nay trong vô số hàng trăm ngàn các vị trong chúng hội, có một số vị tâm ý còn xao động chưa được yên. Các vị ấy đều chắp tay nhất tâm hướng về Phật, bày tỏ là chẳng hay nghĩa này nhằm hướng tới điều gì? Sự so sánh ấy là nham nói về công đức chuyển biến sẽ được gia tăng thêm chăng? Ví như có một chàng trai, khôi ngô khác thường, dung mạo tươi đẹp, dùng nước sạch rửa tay, rồi dùng các thứ hương thơm quý giá xông, gội thân mình, lại mặc y phuc đẹp đẽ… thì tất nhiên là thể sắc của người đó càng thêm tươi sáng bội phần. Lấy điều ấy để so sánh với công đức của những người tin tưởng, ưa thích đối với Chánh pháp luôn cung kính hướng về Phật thì sự chuyển biến của phước đức không gì sánh kịp.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Như Lai biết quá khứ
Đương lai cũng như vậy
Thấy các pháp vốn không
Nên gọi là Như Lai.
Thông đạt việc hiện tại
Vị lai đều nêu rõ
Chẳng tạo lập ba hành
Rốt ráo như vô tưởng.
Như các Phật thời xưa
Giác ngộ không tính kể
Đều không từ đâu lại
Nên gọi là Như Lai.
Như các Phật thời xưa
Mong cầu được Thánh đạo,
Người giác cũng được vậy
Nên gọi là Như Lai.
Các pháp vốn được lập
Âm thanh đạo vắng lặng
Âm thanh không thật có
Nên gọi là Như Lai.
Chỉ hợp giới quá khứ
Đương lai cũng như vậy
Hiện tại thì vốn không
Nên gọi là Như Lai.
Như nhẫn nhục mạnh mẽ
Mang thân hình Bồ-tát
Học ấy cũng như thế
Bậc ấy là Vô thượng.
Khi còn là Bồ-tát
Lực siêng năng như thế
Chí thực hành tinh tấn
Nên gọi là Như Lai.
Như các pháp bình đẳng
Lời giảng nói không khac
Niệm không đắm vào Hữu
Nên gọi là Như Lai.
Bình đẳng chẳng còn niệm
Luôn an nhiên tự tại
Dứt mọi niệm bình đẳng
Không nghĩ, chớ khởi niệm.
Vốn không, thành Tam-muội
Đầy đủ âm thanh ấy
Tu hành định ý này
Nên gọi là Như Lai.
Các pháp đều vốn tịnh
Vốn không, chẳng chỗ nơi
Tất cả không xưng gọi
Nhân duyên không hình tướng.
Biết rõ tướng trí tuệ
Rõ pháp không cũng thế
Chí thành không nghi ngờ
Trí tuệ độ vô cực.
Chỗ độ như bậc Thánh
Cội gốc không nghĩ bàn
Sáng kia không thật có
Nên diệt độ vô lượng
Như được trí tuệ sáng
Độ khắp cũng như thế
Vì tuệ ấy không chỗ
Nên gọi là Như Lai.
Phật đạo chẳng thể đạt
Như nghĩ tưởng của ý
Chẳng được tất cả pháp
Nên gọi là Như Lai.
Đạt đến cõi vô vi
Ví như nhiều nẻo tới
Các pháp không thể tính
Khen đạo không bến bờ.
Uy thần của Thế Tôn
Pháp tắc vô sở tu
Đạo ấy là chân lý
Đều từ trí tuệ sinh.
Đạo tôn quý, vô lậu
Đều nhận rõ như thế
Đạo ấy là chánh chân
Chí nguyện thuận tự nhiên.
Có hiểu rõ Thánh hóa
Pháp an trụ bình đẳng
Dẫn dắt đến vốn không
Nên gọi là Như Lai.
Thánh đồng với bình đẳng,
Chỗ trụ thuận đường sáng
Đạo và thân vốn không
Nên gọi là Như Lai.
Nay ta giảng nói pháp
Tiếng bình đẳng như thế
Giả sử trụ ở đây
Mà mong cầu đạo lớn.
Ta do vậy, A-nan
Miệng nói ra lời ấy
Việc đó như lời nói
Thảy là hành của thức.
Hiểu rõ không lui sụt
Là Bồ-tát mạnh mẽ
Nên vì tu tinh tấn
Khen ngợi nghĩa lý ấy.
A-nan! Nhân duyên này
Tâm Bồ-tát giảng nói
Cho nên gọi Như Lai
Trí Bồ-tát mạnh mẽ.
Thuận theo các nhân duyên
Pháp đó thuộc loại gì
Vì sao gọi Thế Tôn
Bồ-tát tu Vô úy.
Giảng nói trăm ức kiếp
Nhân ấy thành Đại Thánh
Phật đạo không nghĩ nhớ
Thành tựu trí tuệ sáng.
Đều tự vì thân cầu
Dứt hết nỗi lo sợ
Nên gọi là Thế Tôn
Không hề sợ sinh tử.
Đầu cuối không hề lập
Do vậy độ chúng sinh
Nên gọi là Thế Tôn
Nào sợ hãi sinh tử.
Vì sao trụ đầu cuối
Vì sao độ chúng sinh
Thế Tôn Tối Thượng Giác
Không dẫn người pháp lợi.
Pháp cũng không hư hoại
Không bền, chẳng ly tán
Độ người siêng khổ nhọc
Là chẳng sợ sinh tử.
Đó chẳng trụ đầu cuối
Độ muôn loài như thế
Nên gọi là Thế Tôn
Không hề sợ các pháp.
Không hề sợ các nghĩa
Cùng tất cả kinh Phật
Khiến nghe vô số pháp
Không đáy, không có bờ.
Pháp chúng sinh đều không
Đạo các Phật tự nhiên
Chẳng thấy gốc các pháp
Liền nương theo kinh này.
Chuyên ròng nơi các pháp
Trí không, pháp tự nhiên
Không sợ, không việc sợ
Hiểu rõ đạo tuệ không.
Biết các pháp lừa dối
Phân biệt chẳng chỗ nương
Tinh tấn lần lượt giảng
Sẽ hiểu gốc các pháp.
Những khó khăn gắng vượt
Dứt trừ các đường ác
Không có ý lo sợ
Khỏi đường ác chúng sinh.
Hóa độ hơn ức người
Vượt nỗi sợ đầu, cuối
Thường bất động sinh tử
Từ đấy độ chúng sinh.
Độ qua bờ bên kia
Đến Thượng tôn vô vi
Được mọi người tôn quý
Nên gọi là Thế Ton.
Giải thích cho người nghe
Các pháp như hư không
Cũng chẳng có nạn, sợ
Nên gọi là Thế Tôn.
Nhờ nương tất cả pháp
Nhiều khai mở dắt dẫn
Đạo bình đẳng không khác
Pháp Thánh chẳng thể đạt.
Chúng sinh bằng với Ngài
Thì đến được đạo Phật
Nói rõ ràng như vậy
Thì không còn sợ khó
Dẫn dắt kẻ lạc loài
Độ vô số chúng sinh
Vượt qua các sợ hãi
Nên gọi là Thế Tôn.
Cởi bỏ tưởng về người
Chỉ tu tập đạo niệm
Nhổ sạch bao mầm mống
Nên gọi là Thế Tôn.
Lìa được các tư tưởng
Bồ-tát không chuộng gì
Cho nên được danh hiệu
Tôn xưng là Thế Tôn.
Pháp bình đẳng vắng lặng
Hiểu rõ tất cả nghĩa
Chí lập đời vị lai
Nên gọi là Thế Tôn.
Không cầu đạo nhiệm mầu
Kia cũng chẳng cầu danh
Giải thoát gọi Vô vi
Giảng nghĩa kinh người nghe.
Đạo dứt các kiêu mạn
Nên không có lập nguyện
Người cầu được tôn xưng
Thì chẳng mến Phật đạo.
Xem âm như tiếng vang
Do đó khởi vọng tưởng
Tham đắm tiếng hư dối
Danh dự ta như thế.
Những vọng tưởng chẳng còn
Lời nói không mê đắm
Bồ-tát không buông lung
Nên gọi là Thế Tôn.
Tiếng Đại Thánh nói ra
Tượng pháp ví như thế
Hiệu Bồ-tát tạm lập
Nên gọi là Thế Tôn.
Cho nên phải hiểu rõ
Không ai không mê hoặc
Chí thành cầu Phật đạo
Các phiền não đều dứt.
Duyên ấy và việc khác
Khen ngợi tiếng Thế Tôn
A-nan! Biết theo nhân
Mà hiệu là Bồ-tát.
A-nan! Ta vì thế
Miệng nói ra lời ấy
Các trí sáng sở duyên
Phật hiệu là Thế Tôn.
Biết rõ các phiền não
Không hề bị hoặc che
Bình đẳng giác trừ dục
Cho nên hiệu là Phật.
Nhờ đâu là Thế Tôn
Nêu rõ danh hiệu đó
Sao theo lời bạch Phật
Mà giảng nói đạo pháp.
Phật pháp không thật có
Hiểu rõ không, vắng lặng
Tất cả không vướng mắc
Nên tôn hiệu là Phật.
Hiểu rõ thân đều không
Thấy thân không ràng buộc
Kia chẳng chút chac bền
Thân chẳng tồn tại mãi.
Ngu độn lìa tuệ sáng
Không quan trọng nghĩ trọng
Biết đó đều vốn không
Nên tôn hiệu là Phật.
Nhận rõ tuệ vô minh,
Tự nhiên không có thân
Đến được trí Đại Thánh
Nên tôn hiệu là Phật.
Vọng khởi từ quá khứ
Phân biệt học vô tưởng
Rõ các tưởng không chốn
Chẳng bị niệm mê hoặc.
Giác biết sắc xưa kia
Không sinh, không nơi chốn
Kẻ ngu vì vọng tưởng
Chấp sắc chẳng hề thành.
Nhận rõ sắc vốn không
Cội nguồn không thật có
Không đắm tất cả pháp
Nên chẳng có khổ thọ.
Biết tưởng ví như huyễn
Không vật, không có thân
Đã nhận rõ tuệ này
Tất cả pháp như thế.
Thu nhiếp không chỗ đi
Tất cả thân không khổ
Không nghĩa chẳng án trụ
Nên thân không thật có.
Thân người không bền chắc
Cũng giống như cây chuối
Đều nhận rõ nghĩa này
Nên tôn hiệu là Phật.
Biết rõ, tự nhiên, không
Chấp than chẳng có trong
Ngoài cũng chẳng thể được
Che chở những loại nào?
Quán thức không thật có
Tất cả pháp cũng thế
Không nơi chốn, hình tướng
Rốt ráo không thể được.
Nhận biết các sở tri
Cho rằng vốn vắng lặng
Nếu hiểu rõ vọng tưởng
Thì không có sở kiến.
Rõ không tác là quán
Tất cả người cũng vậy
Chúng sinh các loài đồng
Cho nên không biết được.
Tự nhiên không mở bày
Các pháp không sở hành
Tất ca không có thọ
Nhân, pháp cũng đều thế.
Tất cả pháp nhẫn qua
Biết rõ chưa từng sinh
Dứt bao thứ buông lung
Nên tôn hiệu là Phật.
Hiểu rõ các kinh Phật
Kinh ấy đúng chân lý
Tất cả pháp vô xứ
Nên tôn hiệu là Phật.
Pháp ấy chính là không
Đường giác ngộ vốn không
Như Phật đạo, chẳng khác
Không thể được cội rễ.
Từ phát tâm đến nay
Chí đặt trong Đại đạo
Nên biết không có chí
Các pháp không thật có.
Duyên nào phát chí ấy
Mà mến cầu đạo Thánh
Tâm ấy đồng với đạo
Hiểu rõ không hình tướng.
A-nan! Ta vì thế
Mà nói ra kinh này
Nhân giảng rõ nẻo Thánh
Ta là Phật, Đạo Sư.
Đem pháp ấy so sánh
Âm thanh đó là Phật
Giả sử dạy như thế
Từ đó cầu Phật đạo.
Sẽ được gần Chánh đạo
Kia biết rõ pháp ấy
Chẳng còn có hai tâm
Tất cả pháp như thế.
Không nghi kinh sách Phật
Bậc Tối Thượng ở đời
Nếu hiểu lời giảng ấy
Rộng nói pháp như thế.
Lúc Đức Phật nói rõ về ý nghĩa của Như Lai, Thế Tôn, Phật xong thì có vô số trăm ngàn người trong chúng hội liền bước đến bạch Phật:
–Chúng con đã dứt sạch nghi ngờ, đã xé rách lưới kết sử, đã hiểu do từ nhân duyên gì mà Bồ-tát được danh hiệu là Như Lai, Thế Tôn, Phật; hiểu rõ pháp ấy, tự thấy tâm mình sáng tỏ, hiểu rõ tất cả pháp là không, con người chỉ vì bị phiền não che lấp nên đối với cha mẹ, vợ con có những tình cảm luyến ái, buồn giận. Chúng con được Đức Như Lai dạy trao ý nghĩa sâu nhiệm, khiến tâm chúng con được an trụ vững chắc không còn bị chao đảo, đã ngộ pháp bất động như hư không chẳng thể lay chuyển, không gì làm cho mình sợ hãi được. Như thế đấy, bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp đều không hề đổi dời. Vì sao? Vì các pháp như hư không.
Bấy giờ, vô số trăm ngàn các vị trong chúng hội đều cúi đầu lễ dưới chân Phật, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại chỗ ngồi của mình.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ