KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN TRUNG

Phẩm 12: HÀNG PHỤC CHÚNG MA

Khi ấy, vô số trăm ngàn các vị Tỳ-kheo trong chúng hội, các vị Trưởng lão như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, A-na-luật, Ly-việt, Kiếp-tân-na… liền đứng dậy chắp tay, bạch Đức Thế Tôn:

–Hôm nay chúng con đã đầy đủ đạo Thánh, không trái với chí lớn, đã hàng phục được ma oán. Chúng con xét thấy đầy đủ năm tội nghịch thì được năm điều an vui, đầy đủ tà kiến, lìa bỏ chánh kiến. Hôm nay chúng con đã hại vô số muôn ngàn mạng người, đều được thành tựu Phật đạo đạt đến cảnh giới vô dư và đã diệt độ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn yên lặng. Trong chúng có vô lượng trăm ngàn vị đến đự hội nghe lời nói ấy đều sinh tâm nghi, cho rằng lời nói ấy có nghĩa gì? Mục đích của ý nghĩa đó lẽ gì? Vì thế mà tâm họ cảm thấy mờ mịt, các bậc ấy đều đã chứng quả A-la-hán mà còn nói những lời như thế huống chi là phàm phu? Vị nào đang đứng thì đứng yên, vị nào đang ngồi thì ngồi im lặng, hầu như không thể đứng dậy được.

Tôn giả A-nan vâng theo Thánh chỉ của Đức Thế Tôn, biết rõ tâm niệm của vô số trăm ngàn chúng sinh, nên hỏi Bồ-tát Văn-thùsư-lợi:

–Nghe các vị Trưởng lão nói như vậy, chúng hội thay đều hồ nghi, chẳng hay mục đích của lời nói ấy là gì? Mà Đức Thế Tôn yên lặng không nói?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

–Thưa Tôn giả A-nan! Kinh này gọi là Pháp Luân Bất Thoái Chuyển Bồ-tát Chi Địa, vì thế các vị Trưởng lão ấy có thể bàn luận thêm, để cho các vị Bồ-tát Đại sĩ đã đạt pháp không thoái chuyển tận mắt thấy rõ và tăng thêm niềm tin.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

–Vì sao các vị Trưởng lão lại nói những lời như thế? Đức Thế Tôn thì im lặng. Như vậy thì các vị Trưởng lão ấy bằng với Bậc Vô Thượng Chánh Chân không thoái chuyển rồi?

Đáp:

–Đúng vậy, sẽ thành Chánh giác thì không còn có chuyện trở lại nữa.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại bảo Ton giả A-nan:

–Hành động không sáng suốt thì gọi là mẹ; mọi người phải suy cứu để giết hại hết thứ mẹ này. Tư tưởng không tốt, tham đắm tình sắc, đó gọi là cha; phải dứt trừ các ý tưởng bất thiện, xa lìa các tình niệm, đạt được tâm không đắm mê dứt hết các pháp phàm phu, rửa sạch hết tư tưởng bất tịnh là sự khác biệt giữa Thánh và phàm, phá vỡ các vọng niệm mà không làm hại đến Đại pháp, khởi tâm Như Lai để dứt bỏ vọng tưởng, vì đối với tất cả các pháp đều không có nơi sinh, vì vậy mà các Trưởng lão đã nói là “Hôm nay chúng con đầy đủ năm tội nghịch”. Sở dĩ nói như thế là vì khi nêu lên chữ ‘nghịch’, các vị ấy đã không vướng chấp ở ý tưởng ‘nghịch phản’, vì vậy các vị Trưởng lão ấy đã nói trở thành năm điều an vui.

Xét năm điều an vui ấy đều như mộng, huyễn, hình bóng, tiếng vang, ngựa đồng, biết rõ tuệ này thực hành không thiếu sót, thì được năm điều an vui. Vì sao? Vì chúng không có gốc rễ, dù không có gốc rễ nhưng vẫn nói đến chuyện trừ hết, như thế mới thích ứng với sự bình đẳng. Giảng nói về trí tuệ của bậc Thánh tức là đạt đến pháp Nhẫn, ở đây gọi là “năm điều an vui đầy đủ”.

Các vị Trưởng lão ấy nói “Hôm nay chúng con được lìa chánh kien, sống với tà kiến”, nói như thế tức là thấy các pháp đều ở trong tà kiến. Nhưng các pháp hư vọng chân thật, đều không thực có. Ví như hư không, không có tướng mạo thì mọi thứ thật giả, đến đi, đều không có chỗ hướng về, không thể giữ gìn. Vì sao? Vì các pháp vốn tự nhiên, xem các pháp này đều bình đẳng, giống như các pháp, tà kiến cũng như thế. Các vị Tỳ-kheo này không phải không có tà. Vì sao? Vì để lìa mọi ý tưởng đạt đến Thánh đạo của Phật thì phải có sự giác ngộ về các pháp, về ý nghĩa sâu xa đầy đủ của kinh điển, tức là đạt đến diệu lý vô sở đắc. Cho nên, này A-nan! Các Tỳ-kheo này cùng nói là “Hôm nay chúng con có đủ tà kiến, lìa bỏ chánh kiến”.

Các vị Trưởng lão ấy còn cho: “Hôm nay chúng con đã hại vô số trăm ngàn mạng người”. Lúc nói lời ấy là không nhằm đến vô số hàng ngàn muôn các vị người, thần. Khi nghe, các pháp đều như huyễn, mộng, hình bóng, tiếng vang, ngựa đồng. Trừ bỏ ý tưởng về con người, không có tôi, ta, lìa ý tưởng về tuổi thọ của con người, vượt qua các gốc lành phát tâm đối với đạo lớn, không còn gieo trồng các hạt giống, tu theo đạo nghĩa, các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ lìa bỏ mọi ý tưởng về ta, người, thọ mạng, không thân thì cũng không còn vướng trong mối lo về sự, mở đầu chung cuộc. Vì sao? Vì không còn ý tưởng về ta, người, hết hẳn không còn, đạt đến rốt ráo, không khởi pháp nhẫn, cho nên nói là: “Hôm nay chúng con đã hại vô số trăm ngàn mạng người”. Nói như thế là các vị Trưởng lão muốn nói lên ý nghĩa là: Hôm nay chúng con đã đạt được Phật đạo, đã đạt đến cảnh giới vô dư mà diệt độ khai hóa vô lượng ức trăm ngàn mạng người, giúp diệt trừ phiền não, đạt được Thánh đạo. Vì sao? Vì các vị ấy đều phát tâm đạo Vô thượng Chánh chân, khi nói lời ấy đều đã đạt được pháp Vô sinh nhẫn. Do vậy mà lời than trách đã trở thành lời khen ngợi: Hôm nay chúng ta đã dứt sạch tình dục, thành tựu Phật đạo, không còn hình bóng phiền não, trừ hết các cấu uế sinh tử. Cho nên điều ấy nhằm nói với chúng ta rằng hôm nay các vị đó đã đạt được đạo lớn, đạt đến cảnh giới Vô dư mà diệt độ. Các vị Hiền giả ấy muốn an trụ trong Đại thừa chứ không an trụ trên các cõi trời.

Thưa Nhân giả A-nan! Các thiện nam, thiện nữ phát tâm đạo Vô thượng chánh chân, vượt khỏi mọi tạo tác của thế tục, tâm luôn được thanh tịnh, không còn bị trói buộc của các pháp thế tục, vì thế nên phát tâm đạt được tất cả ý nghĩa, xả bỏ mọi vọng chấp, đạt đến chỗ rốt ráo của kinh điển, tức là cảnh giới vô dư mà diệt độ, đó là vì A-nan tu tập theo Bồ-tát thừa, người hành đạo Bồ-tát không tu tập theo các hành tu thường ngày. Những kẻ căn trí thấp kém thì tu theo hạnh tu thường ngày. Đó không phải là người có trí tuệ sáng suốt. Vì sao? Ví như không có những kẻ thân tín canh giữ các nơi quan trọng trong cung điện của các vị trời, thì không có sự sáng sủa, không được ra vào, các việc qua khứ không được rõ ràng, không có ngày đêm, không có nghĩ tưởng. Những kẻ ngu tối luôn khởi ý nghĩ về ngày đêm. Còn các bậc Bồ-tát Đại sĩ thì tu theo đại đạo, học hỏi các bậc Thiện tri thức, chí không còn giới hạn trong ý tưởng về ngày đêm. Vì sao? Vì phải dứt sạch mọi vọng niệm thì mới đạt đến Phật đạo.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói bài tụng:

Chỗ gọi chẳng nhớ thí
Yêu mình, chấp có thân
Nếu kia chẳng dứt bỏ
Gọi là chẳng dao động.
Nhận rõ về giận dữ
Tự nhiên chẳng khởi tưởng
Đạo Thánh vốn không chốn
Nên kia không thể động.
Chỗ gọi là giết mẹ
Đầu cuối từ đó sinh
Trừ sạch mọi cội nguồn
Nên gọi là hại mạng.
Chẳng thuận niệm là cha
Ưa thích pháp dục tình
Hiểu điều đó vốn không
Rốt ráo không hình mạo.
Hóa độ về không thân
Chẳng biết rõ nẻo đến
Không động, không chỗ trụ
Nói người quy hướng nghe.
Tu hành pháp La-hán
Pháp phàm phu cũng vậy
Các ái dục nên dứt
Nói người quy hướng nghe.
Khởi ý tưởng hữu vi
Xét tôi, ta tự nhiên
Các pháp chẳng thể hoại
Thì không âm thanh nói.
Chỗ biết của Như Lai
Nhớ nghĩ về chuyện cũ
Liền nhổ gốc rễ ấy
Cho không từ đâu sinh.
Vì bỏ ý nghĩ vui
Cũng đồng với không hai
Dù cho hiểu điều đó
Mà cho là bình đẳng.
Chỗ nói năm dục lạc
Kẻ tục khen năm dục
Dứt bỏ tưởng vô thường
Nghĩ nhớ như huyễn hóa.
Đầy đủ, không thiếu thốn
Thì hoại, ái dục không
Cho nên những thứ ấy
Trước khen ngợi Thế Tôn.
Nhận rõ các tội phước
Cũng ví như mộng ảo
Rốt ráo không chốn sinh
Trí tuệ ấy biết tỏ.
Rõ các pháp sân, tà
Vắng lặng, chẳng bền chắc
Bị tà kiến lừa dối
Kia biết rõ trí mầu
Tất cả pháp chẳng thật
Chớ nên gần pháp ấy
Việc dối chẳng đáng nương
Như hư không, không chỗ.
Hiểu khắp thấy tất cả
Nên khen là chánh kiến
Pháp ấy là bình đẳng
Rõ tuệ thấy, chánh đẳng.
Còn những kẻ ngu tối
Khởi nhân tưởng liền diệt
Tìm người không thật có
Nên không có người chết.
Vô số người sinh ra
Nên bỏ tưởng thọ mạng
Liền dứt hết các niệm
Chấp có mạng tội nặng.
Dứt trừ tưởng chúng sinh
Chẳng có chấp tuổi thọ
Do vậy nói lời này:
Ta hại vô số người.
Xả bỏ các phiền não
Pháp vô ứng, bất ứng
Rõ đạo không tướng mạo
Nên không chỗ diệt trừ.
Hàng phục các ma lực
Đạt đạo pháp thanh tịnh
Các pháp không tranh chấp
Chẳng sinh cũng chẳng diệt.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói kệ xong thì năm ngàn người có tâm hồ nghi đang ở trong chúng tâm ý liền được mở tỏ, sáng suốt hoàn toàn, đạt được pháp nhẫn không từ đâu sinh. Các vị ấy đều dâng chiếc y đang mặc trên để cúng dường Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và đồng thưa:

–Chúng tôi mong có được sự hiểu biết về đạo pháp như vậy, những lời giảng nói như thế, nhằm khai hóa chúng sinh, hiểu rõ tuệ sâu, không bị trở ngại cũng như Nhân giả.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Lành thay, lành thay! Đó là điều tốt đẹp nhiệm mầu, phá trừ được các lưới nghi, gồm các kinh sách Phật.

Tôn giả A-nan bước đến bạch Phật:

–Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giáo hóa, dắt dẫn như thế nào mà nay Thế Tôn khen ngợi như thế?

Đức Thế Tôn đáp:

–Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã dẫn dắt hóa độ vô số trăm ngàn hạng người, giúp họ đến với đại đạo, giúp họ hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của kinh này.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tat Văn-thù-sư-lợi như vậy là khen ngợi chuyển pháp luân không thoái chuyển, dẫn vào phép tắc của Phật chăng?

Đức Phật nói:

–Đúng thế, A-nan! Bồ-tát đã giảng về pháp luân không thoái chuyển để làm cho đạo pháp được phát huy hưng thịnh. Vì sao? Vì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi là một người bạn lành, khéo léo dẫn dắt chúng sinh.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

–Bạch Trời Trong Trời, hiện nay, số các vị Tỳ-kheo đứng ở trước Phật hiện giờ, đều đã giữ vững niềm tin, kính thờ Chánh pháp, tám bậc, phát huy đạo pháp, hành hóa, chẳng trở lại, không vướng mắc, cùng tu các hạnh Thanh văn, Duyên giác, như thế các vị trong chúng hội này có phát tâm đối với đại đạo chăng?

Đức Thế Tôn bảo:

–Trong số các vị ở đây, có những người biếng trễ, yếu kém, tâm ý mờ tối nên khó giáo hóa, lại kiêu mạn không cầu tiến, ý nghĩ luẩn quẩn trong chuyện cơm áo; chẳng chịu khó học hỏi các pháp nhiệm mầu, chỉ ưa chuộng các pháp lợi, thích đề cao các pháp hữu vi nên chỉ gây thêm những phiền phức, ồn náo; đối với tám bậc nên đạt thì chẳng dốc sức mà lại chạy theo sức mạnh nên không có được sự an vui, các căn chẳng ổn định; tâm ý buông lung kiêu căng tự cho mình là hơn người, chí nguyện chỉ nhằm mưu cầu cho bản thân mình và mạng sống của mình, không chịu dứt bỏ các lỗi lầm, phạm giới, tham lam, ganh ghét, mà lại tưởng cầu Phật pháp. Những người ấy thảy đều đi theo bạn xấu, ưa thích tà trí, không chịu kính nhận Trí độ vô cực. Thuận theo duyên ngoài, tham đắm các thu vui về tài sắc, cơm áo, từ xưa tới nay chỉ bận bịu với chuyện tối ngủ sớm dậy, không dốc lòng tinh tấn, đánh mất đạo tâm. Ngôn ngữ thì phạm đủ các lỗi lầm của miệng như nói lưỡi hai chiều, nói lời ác độc, nói dối, nói thêu dệt. Tâm chí thì chỉ mang bao ý tưởng độc hại, tranh chấp với nhau, coi trọng tội phước, chẳng tin các pháp giải thoát như Không, Vô tướng, Vô nguyện; quên bỏ các hạnh bất sinh bất diệt, phá hoại tất cả pháp, không bao giờ khởi tướng. Họ là những người như thế!

Bấy giờ, Đức Phật im lặng không nói thêm nữa.

Tôn giả A-nan nương theo uy thần Phật hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Vì sao Đức Thế Tôn im lặng không nói nữa?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Vào thời gian cuối cùng của cõi đời năm trược, thì người pháp như thế, chẳng tin ý nghĩa sâu mầu của kinh, vì thế mà Phật im lặng.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

–Vẫn có ít người tin theo hay tất ca đều chẳng tin theo?

Đáp:

–Người tin được thì ít, người có trí tuệ sáng suốt như Tôn giả chẳng hạn thì ít ỏi mà những kẻ ngu tối thì nhiều. Vì sao? Vì không thích tu tập nên không hiểu biết về đạo pháp.

Này Tôn giả A-nan! Tình trạng là như vậy, nghe các pháp lành thì ít kẻ vui thích, mà lắm kẻ chẳng ham chuộng, ví như có người tin theo thì thường bị chúng rời bỏ, không được cung kính. Những người tin theo đạo pháp nếu có đi tới các quận, huyen, thôn ấp hoặc những chốn đô hội trong nước thì hay bị mọi người chế giễu. Vì sao? Vì những kẻ đó gây tội lỗi từ trước, gốc công đức mỏng nên bị phiền não che lấp không thấy được Chánh pháp.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

–Những người hướng tới Chánh pháp giảng nói lại có ít người tin theo, do đâu mà có tình trạng như vậy?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Vì có những người trong số đông Tăng chúng lìa bỏ Phật, không tin vào đại đạo.

A-nan bạch Phật:

–Cúi mong Thế Tôn giảng nói, người muốn nghe tuy ít nhưng được nghe lời Phật chỉ dạy thì tất cả đều rất vui mừng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nhìn khắp bốn phương, rồi đưa tướng lưỡi dài che phủ cả tam thiên đại thiên thế giới. Vì từ lưỡi phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu khắp các cõi nước nhiều như số cát sông Hằng. Tức thì bốn bộ chúng nương theo lời dạy của Phật, tận mắt nhìn thấy về phương Đông có các Đức Phật Thế Tôn ở các cõi nước nhiều như số cát sông Hằng đều nói chuyển pháp luân không thoái chuyển này, những người nghe hội đều được nghe pháp từ xa, không có gì khác nhau. Bốn chúng trong hội đều thấy sự biến hóa như thế, tất cả đều nhat tâm đồng thanh cất tiếng bạch Phật:

–Kính mong Bậc Đại Thánh, chúng con hết mực tôn kính những điều Thế Tôn khen ngợi về chuyển pháp luân không thoái chuyển, như lời Phật đã nói. Thành thật không có gì sai khác chúng con tận mắt thấy vô lượng không thể suy nghĩ bàn luận vô số các Đức Phật, Thế Tôn ở vô số cõi nước giảng về ý nghĩa sâu mầu của kinh này thảy đều giống nhau. Kính mong Thế Tôn nói rõ điều ấy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền thu lưỡi vào rồi bảo A-nan:

–Những kẻ nói lời dối trá làm sao có được chiếc lưỡi như thế?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đấng Trời Trong Trời, không thể có được! Thế Tôn là Bậc phụng pháp chí thành, khai hóa chánh nghĩa, chứa nhóm công đức, trải qua vô số kiếp, mở rộng trí tuệ bao la mới có được tướng tốt ấy. Cho nên Thế Tôn hãy thương xót mà giảng nói, nếu các thiện nam có người tin tưởng ưa thích, thì việc học hỏi tuy còn ít nhưng nếu được nghe Phật chỉ dạy, tận mắt trông thấy chứng cớ rõ ràng thì sẽ rất vui mừng, phát tâm tinh tấn tu học không biếng trễ.

Phật bảo A-nan:

–Tất cả bốn chúng ở đây chưa từng gặp kinh điển như thế nên chí hướng còn lờ mờ. Các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ cùng tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ thần, A-tu-luân,… nay nghe kinh này, đều được không còn lui sụt. Họ sẽ dần đạt đến đạo Vô thượng Chánh chân Tối chánh giác, ở nơi các cõi ấy giảng về ý nghĩa của pháp đó, thảy đều giống nhau, cũng như ta hiện nay vậy.

Bấy giờ, bốn chúng đệ tử cùng với Trời, Rồng, Quỷ thần… đều hết sức vui mừng, xé rách lưới nghi, đều tay cầm hương hoa tung rải lên mình Phật; lại có những người nữ cởi những xâu chuỗi ngọc quý đang mang trên mình tung lên chỗ Phật, tất cả đồng lòng thành kính bạch Phật:

–Hôm nay Đức Như Lai Đại Thánh Chí Chân Đẳng Chánh

Giác, không có hai lời.

Phật lại bảo A-nan:

–Đúng như những lời ông đã nói, thành thật không sai khác! Lời Như Lai giảng dạy không có hai lời, nhằm để dứt trừ lỗi lầm, những ngu si tối tăm do lòng tham gây nên, giả sử người có trí tuệ được gần gũi với Phật là bậc Trời trong trời thì sẽ được như ý nguyện.

A-nan hỏi Phật:

–Thế nào gọi là trí tuệ được gần gũi Phật?

Đức Thế Tôn hỏi lại:

–Hiền giả không hiểu được điều ấy sao?

A-nan đáp:

–Bạch Thế Tôn! Con không sáng suốt nên không hiểu.

Đức Thế Tôn bảo:

–Giả sử có những người nghe tên Phật Thích-ca, đều liền đạt được pháp không thoái chuyển, được bước đi trên con đường Phật Thánh. Vì sao? Vì Phật đạo là sự sáng suốt hết mực, cùng khắp, dứt sạch mọi thứ tham, sân, si. Cho dẫu chỉ dâng một cành hoa cúng dường Như Lai còn được giác ngộ, huống nữa là được gần gũi với trí tuệ Phật. Sau khi ta diệt độ, nếu có người giữ gìn xá-lợi của ta mà cúng dường, quy ngưỡng thì sẽ đạt được các ý nguyện.

A-nan lại hỏi:

–Những người tinh tấn tu tập, không nghi ngờ, chuyên tâm nghe nhận kinh điển, tất cả đều không thoái chuyển, như thế những người ấy sẽ thành Phật chăng?

Phật dạy:

–Nếu có những người chỉ nghe tên Đức Phật Thích-ca, đều sẽ đạt được Chánh giác Vô thượng. Vì sao? Vì nếu không như thế thì lời Phật nói là có khác, sẽ là hai lời.

Phật hỏi A-nan:

–Như cây Câu-loại có bóng mát che được năm trăm chiếc xe, nếu có năm trăm người ngụ ở dưới bóng cây ấy thì đều được bóng cây che phủ. Như thế thì lúc đem trồng, cây ấy lớn hay nhỏ?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhỏ!

Đức Phật nói tiếp:

–Này A-nan! Như cây Câu-loại lúc đem trồng thì nhỏ xíu, nhờ chăm sóc tưới nước cùng với thời tiết dần dần trở nên to lớn, cành lá tỏa ra che khắp cả một vùng hết sức rộng lớn. Cây trồng và chăm sóc còn được như thế huống chi là những người đã dốc lòng theo Phật đạo, nghe được danh hiệu Đức Thánh Tôn, thì việc vun trồng gốc công đức cũng giống như vậy, công hạnh ấy dần dần sẽ được đầy đủ, chẳng hề bị hư hoại hay mất đi, để đạt tới đạo Vô thượng chánh chân. Vì sao như thế? Là vì tất cả các pháp ấy là nguồn gốc của mọi sự vun trồng, hoàn toàn chẳng có sự nương tựa, gốc của các thứ mầm mống phát khởi vốn là không cho nên không thể bị mất mát. Tất cả các pháp ấy không có chỗ nương tựa, diễn bày.

A-nan hỏi Phật:

–Chỉ có Phật nói điều ấy vì đó là bản nguyện của Phật hay là đạo pháp của các Đức Phật, Thế Tôn cũng đều như vậy?

Đức Phật dạy:

–Bản nguyện của ta là nếu có kẻ nào nghe được danh hiệu ta thì liền được pháp không thoái chuyển và thành Tối chánh giác, pháp của các Đức Phật cũng đều như thế cả. Vì sao? Vì các pháp của các Đức Phật đều bình đẳng.

A-nan lại hỏi:

–Pháp của các Đức Phật thảy đều bình đẳng, vậy sao còn

phải dùng đến bản nguyện?

Đức Phật nói với Tôn giả A-nan:

–Các Bồ-tát Đại sĩ nghe nói kinh này, giả sử có phát nguyện hoặc không phát nguyện, thế thì các vị trong chúng hội này có thể chứng mình rằng các vị đó đã nghe pháp ấy chăng?

A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Không hề có điều ấy. Pháp ấy rất nhiệm mầu, các Đức Phật, Thế Tôn đã đem trí tuệ lớn lao của mình để soi sáng dẫn dắt chúng sinh.

Đức Phật nói:

–Đúng vậy, đúng vậy, này A-nan! Sự giác ngộ của các Đức Phật hết sức lớn lao, sang suốt nên đã dùng nhiều phương tiện để khai hóa khiến họ được đứng vững trong Thánh đạo. Ta ở nơi cõi Phật, vì lòng Từ bi thương xót chúng sinh, nhất là hạng căn trí thấp kém, nên chẳng hề tiếc rẻ thân mạng, tất cả mọi thứ sở hữu đều bố thí mà không bỏn sẻn, luôn tinh tấn tu tập không biếng nhác, đối với tất cả pháp không còn mê đắm, thực hành pháp Bồ-tát, chứa nhóm công đức, tu theo kinh điển sâu xa, tất cả là nhằm để cứu giúp chúng sinh, nhờ vậy mà đạt được Phật đạo.

A-nan hỏi Phật:

–Bạch Thế Tôn! Điều ấy thật là khó đạt, ít có, nay Thế Tôn nói kinh này sao bọn ma ác không đến quấy phá kẻ tu học, để khiến họ không thấy được công đức mà phát tâm đạt được đạo Vô thượng chánh chân?

Phật bảo:

–Do bọn ma chẳng nghe. Vì sao? Vì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã dùng thần thông biến hóa.

Lúc này, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi liền thu hồi oai thần. Bấy giờ, Ma vương Ba-tuần ở trên hư không từ xa nghe âm thanh Phật giảng về chuyển pháp luân không thoái chuyển, lắng nghe và biết đó là pháp âm của Đức Phật Thích-ca thì tâm Ma vương liền sinh sợ hãi, khắp mình nổi ốc, miệng lẩm bẩm:

–Thế là Bậc ấy đã hoàn toàn hơn ta, đã gồm thâu hết thảy mọi

sức mạnh khiến ta chẳng còn chốn nương thân cũng như chẳng còn có cõi nước!

Lẩm bẩm như thế rồi Ma vương buồn bã khóc lóc, thân thể tiều tụy như một lão già trăm tuổi gần đất xa trời. Rồi thì Ma vương, tuy thân thể đã biến đổi như vậy, vẫn cố dấy động bốn thứ binh, tập hợp trong khắp tam thiên đại thiên thế giới các thứ ma khác nhau và các quân ma cùng các vị trời đến chỗ Phật, binh trượng nghiêm chỉnh, uy thần của các ma bức não Bồ-tát lúc mới thành Phật, hiện thân lão suy, cầm gậy thì run rẩy, mặt nhăn nheo, da chùng, bốn thứ binh được bố trí khắp hư không, tất cả đều cùng nghe rõ từ xa pháp âm của Đức Phật Thích-ca đang giảng về pháp không thoái chuyển nên tâm chúng đều được an định.

Lúc này, ma vương Ba-tuần tự biết mình chẳng còn thứ gì là của mình cả, chỉ còn cô độc một thân, không người hầu hạ, rất đổi lão suy, cũng chẳng còn có một vị tướng nào giúp đỡ, thế lực hầu như chẳng còn gì, các cõi nước trong ba cõi chẳng còn nơi nào dung thân được, nên nói:

–Cúi xin Như Lai là Đấng Đại Từ luôn thương xót hết thảy muôn loài thì cũng nên thương tưởng đến thân tôi. Cho dù các cõi của tôi được Như Lai hóa độ tất cả, thì cũng xin Như Lai cho tôi một ít tay chân để phục dịch việc nước nôi chẳng hạn.

Đức Phật bảo Ma vương:

–Loài người rất nhiều không thể suy nghĩ, bàn luận hết được. Giả sử các Đức Phật hằng ngày xuất hiện mỗi lúc một nhiều như số cát sông Hằng, hóa độ các loài chúng sinh vô lượng trăm ức na-dotha không thể tính kể thì cũng không hết được. Loài người đâu có hết!

Ma vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Loài người tuy nhiều nhưng thân tôi hiện nay thì cô độc, chẳng còn kẻ tay chân thuộc hạ để giúp đỡ, ví như đang đi trên đường mà đột nhiên bị trượt ngã lăn nơi đất thì cũng không thể tự mình đứng dậy được, cho nên luôn mong được sự an ủi vỗ về khiến tôi được vui mừng. Kính mong Thế Tôn hãy mau thương xót mà vỗ về khiến đám quyến thuộc của tôi được thêm đông.

Phật bảo Ma vương:

–Ngươi hãy yên tâm, những kẻ không nghe được pháp này và lìa bỏ sự tin tưởng, những kẻ ấy thảy đều là bạn của ngươi.

Ma vương nghe xong rất vui mừng, sinh tâm lành rồi nghĩ:

–Ta sẽ bày vẽ cho con người, tuy nghe pháp này nhưng không thích thú tin tưởng, trong tâm hồ nghi; mà đã do dự nghi ngờ thì tất sẽ theo đường chỉ dẫn của ta.

Nghĩ đoạn, ma vương Ba-tuần lại bạch Phật:

–Kính mong Thế Tôn thương xót, mở rộng lòng đại Từ bi, an ủi vỗ về, khiến tôi vui mừng sung sướng, không còn lo lắng sầu khổ nữa. Ấy là, đối với những người hướng về Phật nghe giảng kinh, chỉ cần nghe danh hiệu Phật Thích-ca liền được không thoái chuyển và sẽ đạt đến đạo Vô thượng chánh chân. Vậy mong Đức Thế Tôn im lặng chớ nên nói pháp ấy. Đó là những người đã huân tập mầm mống căn lành, chỉ cần nghe danh hiệu thì càng thêm tinh tấn, đứng vững nơi đạo lớn.

Đức Phật đáp lời Ma vương:

–Ngươi hãy an tâm, chớ nên lo nghĩ sợ sệt. Ta sẽ khiến cho chúng sinh không đứng vững trong ý đạo, loài người vẫn còn y nguyên, mọi người thảy đều được yên, chẳng bị dao động, chẳng hề biết ghi nhận suy xét về các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ta sẽ khai dẫn chúng sinh chẳng lìa bỏ tà kiến; không đứng vững trong chánh kiến; đối với sáu mươi hai thứ nghi hoặc, tất cả đều như không hay biết; chẳng còn nhớ nghĩ về quá khứ vị lai cũng như hiện tại; không dứt bỏ sự giết hại chúng sinh như sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt và tham, sân, si; cũng chẳng khuyến khích mọi người theo về với chánh đạo, không hóa độ con người tu tập theo sáu pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ; cũng không dạy người tôn thờ bốn ân, biết thi ân cho người, khéo yêu thương đem lợi lạc cho người khác đều cứu giúp hóa độ họ; không có chỗ nương nhờ, không nghĩ tới loài người, chẳng tưởng nhớ đến anh em, vợ con, cha mẹ cùng với nam nữ thân thuộc, trừ bỏ bạn thân, sớm tối ngày tháng, một tháng nửa tháng, moi ý tưởng về chuyển biến. Ma vương Ba-tuần hãy yên tâm, ta sẽ khuyến khích con người từ bỏ mọi tư tưởng về sáu Độ vô cực, về đạo lớn, về các hạnh như mười Lực, bốn Vô úy, các Căn, Lực, Giác ý, tám Chánh đạo, Phật pháp Thánh chúng cùng Nhất thiết trí, đạo nghĩa, giáo hóa chúng sinh, đối với tất cả các pháp đều khiến cho chúng chẳng có biến đổi.

Bấy giờ, Ma vương hết sức vui mừng, không kiềm chế được, nên ngay lúc ấy dung mạo tươi tỉnh, mặt mũi sáng sủa, tung rải liền hoa lên mình Phật, đi nhiễu quanh Phật ba vòng và nói bài kệ: Thế Tôn Bình Đẳng Giác Tâm ta rất vui thích Chánh Giác lời chắc chắn Ta làm gì như ý.

Ma vương Ba-tuần nói xong bài kệ liền trở về cõi trời cùng vui chơi năm thứ dục lạc với các quyến thuộc chẳng còn lo buồn sầu khổ, sinh tâm rộng lớn.

Lúc Đức Thế Tôn nói về phẩm Hàng Ma này xong thì khắp các cõi trong tam thiên đại thiên thế giới hiện bị rung chuyển sáu cách.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Hiện giờ, uy đức của Ma vương đã khiến cho mặt đất rung chuyển chăng?

Đức Phật nói:

–Chẳng phải thế đâu! Đó là do lúc ta giảng về phẩm Hàng Ma này có đến sáu vạn bốn ngàn người đạt được pháp Nhẫn bất khởi.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

–Có ai hồ nghi chẳng hiểu chăng?

Đức Thế Tôn nói:

–Những người mới hướng tới nghe thấy thảy đều lo nghĩ kết thành mối nghi, tâm họ đều nghĩ rằng, ta đã nghe rõ như vậy, Thế thì những lời nói ấy là nói cái gì, nhằm đi về chốn nào? Tất cả đều chẳng hiểu thấu!

A-nan bạch Phật:

–Kính mong Thế Tôn, hãy mau vì chúng hội này mà hiện ra ánh sáng rực rỡ, xé tan lưới nghi. Thật con chưa rõ do đâu mà Như Lai nói với Ma vương: “Ba-tuần hãy yên tâm, ta giáo hóa chúng sinh khiến họ không đứng vững trong đạo, đối với thế giới chúng sinh này chẳng có dao động, chẳng phát khởi tâm đạo, không dựa vào trí tuệ, không lìa bỏ tà kiến, chẳng trụ nơi chánh quán, đối với sáu mươi hai thứ nghi hoặc chẳng hề chuyển dời, cũng không có ý tưởng về quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng lìa bỏ các giới cấm là sát, đạo, tham dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói lời ác độc, và ghét, sân, si, cũng chẳng có Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tan, Nhất tâm, Trí tuệ, không hòa thuận với cha mẹ, anh em, vợ con, chẳng có ý niệm về ngày đêm, một tháng nửa tháng, lìa mọi ý tưởng ấy, cũng chẳng hề dao động, không tôn thờ sáu Độ vô cực, cùng Vô úy, Căn, Lực, Giác ý, Phật pháp Thánh chúng, Nhất thiết trí, khiến cho chẳng chuyển dời. Ba-tuần cứ yên tâm, ta sẽ khai hóa tất cả chúng sinh khiến họ chẳng tin theo ý nghĩa chuyển biến, chẳng đứng vững nơi các hạnh…”

Kính mong Thế Tôn hay mau phân biệt nêu rõ nguyên nhân nào mà Thế Tôn đã giảng như vậy, khiến cho các vị trong chúng hội này dứt hết mọi mối nghi hoặc, tâm ý được mở thông, cũng như đối với đời sau, nhất là ở các cõi nước xa xôi biên địa được gặp Chánh pháp sáng tỏ, lãnh thọ các kinh điển, thọ trì đọc tụng, chẳng còn do dự hồ nghi!

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Đạo Thánh không chốn trụ
Nẻo tuệ cũng không nơi
Lúc nói nghĩa lớn này
Người hiểu và ứng hợp.
Đường đi cùng với người
Không hai, chẳng nơi chốn
Phật vì thế nên nói
Khiến rõ không có chốn.
Chúng sinh chẳng thể động
Loài người cũng như vậy
Tất cả chẳng có thân
Rốt ráo không chỗ được.
Loại chúng sinh đều không
Cõi người chẳng thể nghĩ
Rốt lại là vô niệm
Hiểu rõ tất cả tuệ.
Mọi người chẳng thể động
Giả danh gọi thân mạng
Do bốn đại hợp thành
Diệt độ vắng lặng này
Nhận rõ năm ấm không
Tự nhiên được, bất động
Diệt độ chẳng thể được
Dù tất cả không dời.
Ấm dứt, không rung chuyển
Hiểu rõ dứt tôi, ta
Lìa thân, vắng lặng không
Rốt ráo không có đắm.
Thân đồng với năm ấm
Suy hành cũng như vậy
Vô hành cho là hành
Các ấm như hư không.
Gọi là cõi vắng lặng
Chẳng khởi cũng chẳng sinh
Các ấm, cái, nhập này
Chưa thể đổi dời được.
Chấp thân mình tôi, ta
Pháp ấy chẳng lay động
Chưa đạt được sao rúng
Nên Phật nói lời đó.
Chúng sinh chẳng xem thường
Gốc tánh chẳng thật có
Vô tâm thì đạt đến
Như nhiên, không thể được.
Cái gọi là kiến chấp
Gồm có sáu mươi hai
Không tự nhiên như vậy
Như bóng trăng dưới nước.
Sáu mươi hai kiến ấy
Cũng ví như bóng hình
Lìa hữu hình vô ngã
Tự nhiên không rung chuyển.
Tưởng quá khứ, vị lai
Hiện tại cũng như thế
Mọi tưởng không nơi chốn
Ví như bóng ngựa đồng.
Pháp ấy Không, Vô niệm
Chấp người không thật có
Các chúng sinh chẳng chốn
Nên không thể dao động.
Người ấy thích sát sinh
Đi vào chốn đồng rộng
Chí vững nẻo Nê-hoàn
Nên chẳng thể dao động.
Tuy chuyển hóa chúng sinh
Xét ra chẳng thật có
Chấp ngày không thật có
Nên gọi không hề động.
Nói đạo có quá khứ
Không hề có sinh ra
Phật đã rõ nên nói
Nên người chẳng thể động.
Giả sử kẻ sát sinh
Pháp thí chẳng nghĩ bàn
Do đấy đạo tuệ nên
Gọi là chẳng thể động.
Gọi là kẻ tà dâm
Ái dục không thật có
Vì thế nói rõ ràng
Gọi là chẳng thể động.
Các pháp nói dối ấy
Kẻ dấy không hề thoát
Tinh tấn dốc một long
Gọi là chẳng thể động.
Hai lưỡi và nói ác
Lời sàm cũng như thế
Xem tất cả lời dạy
Như huyễn, như không hình.
Đều chẳng có nơi chốn
Cũng chẳng có chỗ nương
Các ấm như tiếng vang
Niệm ấy cũng chẳng có.
Cái gọi chẳng mong thí
Yêu mình chấp có thân
Thánh đạo vốn không cõi
Gọi là chẳng thể động.
Nhận rõ việc sân hận
Tự nhiên, tưởng chẳng dấy
Nếu kia không dứt được
Nên gọi chẳng lay động.
Hiểu rõ mọi tà kiến
Kính tu hành chánh pháp
Vượt qua mọi lời nói
Gọi là chẳng thể động.
Trí tuệ nên khuyên giúp
Tất cả báu, thanh tịnh
Thương kẻ đắm sắc, tài
Dứt bỏ các tội ác.
Tri kiến và giữ giới
Lìa bỏ cả Thánh đạo
Trí tuệ chẳng thể dấy
Chẳng tìm cầu Chánh chân.
Dị học có tâm tà
Ngoài đây các nhẫn nhục
Tìm cầu đạo bình đẳng
Chẳng nương pháp vô vi.
Tinh tấn đối ba việc
Nói rõ về dị đạo
Chẳng quy về Thánh tuệ
Đó là hạnh Minh trí.
Thường tu hành chánh định
Nương tất cả các tưởng
Chẳng phải việc Phật khen
Cũng không khuyên giúp kia.
Lỗi lầm của ái dục
Không thể gọi Minh triết
Không sinh khởi các tưởng
Tuệ Phật chẳng thể lường.
Hạnh Bồ-tát mạnh mẽ
Thu nhiếp thảy muôn loài
Nên nói rõ nghĩa ấy
Tuy thọ, chẳng chỗ động.
Dứt bỏ tưởng chúng sinh
Mà phát tâm Bồ-tát
Ý đạo không sinh khởi
Gọi là chẳng thể động.
Nghĩ cha mẹ anh em
Chị em và nam nữ
Tất cả giống như huyễn
Gọi là chẳng thể động.
Tất cả các niệm ấy
Xét ra không thật có
Pháp chúng sinh đều không
Gọi là chẳng thể động.
Mọi tưởng về sớm tối
Một tháng và nửa tháng
Dứt tất cả tưởng niệm
Ví như ngựa đồng, nước
Bố thí, Trì giới cấm
Nhẫn nhục và Tinh tấn
Tất cả các niệm ấy
Là các tưởng chẳng động.
Trí tuệ của định ý
Đạo lực của Bồ-tát
Tu tập không sợ hãi
Dứt bỏ các vọng niệm.
Giác ý và nghĩ đạo
Dứt ham chuộng nẻo Thánh
Trí sáng không hề động
Chẳng bị các vọng hoặc.
Những mong cầu Phật pháp
Các tưởng Thánh như vậy
Bao nhiêu niệm có, không
Chỗ động của ngôn, hành.
Tuệ Phật không trở ngại
Chỗ nương ý tưởng đạo
Đều là xa Phật đạo
Phật Thánh chẳng nghĩ bàn.

Lúc Phật nói rõ về phẩm Hàng phục chúng ma thì có đến mười ức chúng sinh xé rách được lưới nghi, thành tựu sự sáng suốt, thông tỏ, đạt pháp Nhẫn bất khởi. Đạt được pháp nhẫn rồi, các vị ấy đều một lòng nói bài kệ:

Bậc Thánh Tôn mở đạo
Nẻo Phật chợt không nghĩ
Là Thầy của chúng con
Giúp đạo, dứt hồ nghi.
Có đủ các ánh sáng
Được trụ cõi Phật sáng
Chiếu khắp cả mười phương
Mắt thấy ngàn ức Phật.
Thấy khắp rõ ngọn nguồn
Không tham đắm hình sắc
Đội ân dày Thế Tôn
Chúng con mắt pháp tịnh.

Bấy giờ, có đến trăm ức người thảy đều cởi áo đang mặc trên người đem che trên chỗ Phật để cúng dường Bậc Đại Thánh và cùng khen ngợi:

–Đức Thế Tôn đã khiến cho tất cả mọi người đều được nghe pháp ấy, ánh sáng rực rỡ, các sở nguyện đều đạt được.

A-nan bạch Phật:

–Nếu có người được nghe Phật chỉ dạy, dẫn dắt nhận rõ về kinh Khai Hóa Ma, lại thọ trì đọc tụng, thì được phước gì?

Đức Phật dạy:

–Phước đức ấy rất rộng lớn.

A-nan lại hỏi:

–Vì sao gọi là rất rộng lớn?

Đức Phật nói:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, vào buổi sáng cúng dường một trăm Đức Phật, đến buổi trưa, buổi chiều, nửa đêm, gần về sáng cũng đều cúng dường một trăm Đức Phật, Thế Tôn như vậy; trong một ngày, một đêm cúng dường sáu trăm Đức Phật, tất cả mọi thứ cần dùng đều dâng cúng đầy đủ, công việc cúng dường như vậy cứ diễn tiến trong một ngàn năm thì phước đức là được nhiều hay ít?

A-nan đáp:

–Bạch Thế Tôn! Phước ấy rất nhiều, khong thể ví dụ được.

Đức Phật dạy:

–Nếu như có người đã hiểu rõ kinh Khai Hóa Ma, lại thọ trì, tin tưởng không nghi ngờ thì phước đức ấy còn lớn hơn nữa.

 



KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ