KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN TRUNG
Phẩm 10: DUYÊN GIÁC
Phật bảo A-nan:
–Vì sao Như Lai bảo rằng Bồ-tát là Duyên giác? Là vì Bồ-tát đã nhận rõ thực chất của các pháp. Nói rõ hơn là thấu đạt tất các pháp là không, không có hình tướng chủng loại nao, không bị hoại diệt, xem xét nhận biết các pháp hiện hữu là không hề bị mất đi, nên gọi là Duyên giác.
Đối với kinh sách của các Đức Phật thì không thể suy nghĩ bàn luận, tỏ rõ mọi mầm mống sinh tử đều như Nê-hoàn, không có trong ngoài thì không thật có, tất cả các pháp không sinh không diệt, bản tế của con người chính là Nê-hoàn, được gọi là vốn tịnh nhưng vướng mắc ở ngôn từ, cho nên không có tất cả pháp, các pháp không thật có, tạm dựa theo tên gọi để giảng nói chứ lời nói không thể đến được. Vì sao? Vì mọi ngôn ngữ là không, điều từ miệng nói ra là không nên chẳng thể lý giải được. Bản tế của các pháp chính là lý Vô của đạo Phật. Quán xét để nhận rõ lẽ ấy nên gọi là Duyên giác.
Tự xét sắc ấm chỉ là âm thanh. Sắc ấm này từ sắc sinh ra, chỉ có tên gọi, vì lìa ngôn từ và âm thanh thì không còn có ấm nữa. Sắc ấm đó là không thân, không ngã. Vì sao? Vì miệng tạo ra dấu hiệu, lời nói cũng không, không sinh không diệt, lời nói tự nhiên. Đối với cái tôi, cái ta, đã không đắm trước, không cho là tồn tại được lâu dài huống chi là ngôn từ phát ra từ miệng mà cho là lâu bền sao? Mắt thấy sắc ấm có thể gây nên khổ thọ. Khổ thọ ấm diệt thì cũng không còn có tên gọi. Do lời nói phát ra từ miệng mà gọi là khổ thọ, do khổ thọ ấm thân vô ngã. Vì sao? Vì chỗ gọi là khổ thọ ấm do ngôn từ nêu ra là không, không sinh không diệt. Ngôn từ không vướng mắc về thân đã là vô sở trụ huống chi là ngôn từ. Hiểu rõ khổ thọ là do tích tụ thì xem xét tưởng uẩn cũng là tịch tĩnh. Tưởng uẩn đã không thì tư tưởng về tưởng uẩn cũng chỉ là tên gọi không thân, không ngã. Vì sao? Vì những lời nói ra gọi là tư tưởng chỉ là do tích tụ mà có, ngôn từ ấy là không, không sinh không diệt, nhận rõ ngôn từ như vậy thì đạt được an nhiên không còn vướng mắc, tâm không chỗ bám víu huống chi là ngôn từ. Quán tưởng ấm đã như thế thì sinh tử ấm cũng diệt. Hành ấm thì không sinh không diệt, cái gọi là hành ấm là không thân, không ngã. Vì sao? Vì ngôn từ để diễn tả hành ấm là không, không sinh không diệt, nên rốt lại chỉ là sự vướng mắc đối với ngôn từ mà thôi. Cái ta không thể tồn tại lâu dài huống chi là lời nói. Quán hành ấm như thế rồi thì đến thức uẩn. Giả sử thức uẩn an nhiên vắng lặng thời thức ấm không có, chỉ là do âm thanh chứa nhóm. Vì sao? Vì tên gọi thức ấm đã là không, không sinh không diệt cho nên ngôn từ ấy là tự nhiên. Tâm đã không có chỗ dừng trụ huống chi là lời nói. Do đó năm ấm đều không thật có. Nhận rõ về bản vô nên gọi là Duyên giác. Vì sao? Vì ngôn từ từ nơi miệng phát ra đã do duyên hợp mà thành, mà xét cho cùng thì cũng không duyên hợp, các nhân chẳng duyên với nhau, nên giảng thuyết có lời mà kỳ thật là vô ngôn. Đối với năm ấm thì tất cả những điều ấy hoàn toàn không còn chỗ vướng mắc, cũng không tạo ra các nhân, nên gọi là Duyên giác.
Bấy giờ, Đức Phật nói bài tụng:
Mắt thấy tất cả pháp
Nhận rõ biết là không
Không vướng mắc các sắc
Rốt ráo chẳng hình tướng.
Hiện tại quán pháp này
Hiểu không, biết tự nhiên
Tự tại, nhận biết rõ
Cội gốc không thật có.
Hiện đạt được điều ấy
Rõ năm ấm như thế
Tức là Bình đẳng giác
Duyên giác dứt nhớ nghĩ.
Chúng sinh đều vô vi
Tâm họ không thật có
Bản tế không có sinh
Thanh tịnh, dứt nghĩ bàn.
Tất cả người không sinh
Quán thấy không hề diệt
Các pháp không dấy khởi
Đó gọi là vô vi.
Chúng sinh đều Nê-hoàn
Xét rõ chỗ hướng tới
Không người cũng như bóng
Nên gọi là vô vi.
Chẳng dùng tên gọi ấy
Chúng sinh là Nê-hoàn
Chẳng sinh, cũng không diệt
Như miệng nói lời khen.
Nêu rõ tất cả không
Người chẳng hiểu phi ngôn,
Do đó vì chúng sinh
Thị hiện nói Nê-hoàn.
Miệng phát lời nói giả
Không chốn cũng không nghĩ
Từ miệng có lời dạy
Tìm gốc chẳng thật có.
Ấm không ở bản tế
Lời nói không bày được
Các âm thanh giảng nói
Ấm người, cũng không nghĩ.
Tất cả mong Nê-hoàn
Bản vô và thỉ tế
Vắng lặng không buông lung
Cứu giúp có chỗ về
Gốc tịnh, tiếng vang xa
Chúng sinh cũng như vậy
Không thân nên vắng lặng,
Gốc tịnh, không tâm niệm.
Gốc pháp là như thế
Mượn danh để khen ngợi
Cội nguồn chẳng thật có
Sở dĩ có lời nói.
Không vì việc dua nịnh
Mà để cùng nhận rõ
Tận cùng đều không, vô
Rõ thấu gốc chúng sinh.
Lời ấy chẳng nương giảng
Lời nói không hiển bày
Các chúng sinh như thế
Nên không đắm gốc người.
Nơi phát ấm là không
Tiếng ấy không có khác
Lời ấy cũng như thế
Bờ mé cùng như vậy.
Không Chân đế như thế
Giác rồi không suy nghĩ
Đó là đạo bình đẳng
Duyên giác không nghĩ bàn.
Giác rồi, đối gốc sắc
Đó chỉ tiếng của ấm
Vắng lặng sắc ấm này
Nên không có tiếng nói.
Tự nhiên lìa dứt hết
Nên gọi là không thân
Ta, tôi đã tự nhiên
Thấy đó chẳng nơi chốn.
Nhân lời gọi là ấm
Gốc sắc chẳng có thân
Âm thanh đều ve không
Chẳng sinh cũng chẳng diệt.
Do miệng mà có lời
Tìm gốc chẳng thật có
Lời ấy do si sinh
Tên gọi là sắc ấm.
Hiện tại quán thức ấm
Các tiếng không thật có
Ấm này đều vắng lặng
Nên chẳng còn hưởng ấm.
Bấy giờ xa lìa thân
Cái gọi là tôi, ta
Đã cho tự nhiên không
Không hề được bền chắc.
Ấm sở duyên của miệng
Thức ấm như hư không
Lời nói vốn vắng lặng
Không sinh cũng không diệt
Nếu có chỗ giảng nói
Xét kỹ vốn đều không
Chẳng thông tỏ lời nói
Nên nói là sắc ấm.
Các âm không có nói
Hạn ấy chẳng thật có
Không sinh cũng không diệt
Không nơi, không quyết định.
Chẳng phiền não xâm chiếm
Cũng chẳng tạo các pháp
Không nắm giữ, lìa bỏ
Không điều, không Nê-hoàn
Kia cũng không vắng lặng
Chẳng có chỗ trông nhìn
Chẳng ưa thí, dục lạc
Chẳng nhác, chẳng tinh tấn.
Chẳng loạn, chẳng nhất tâm
Kia cũng chẳng giữ giới
Chẳng vật nào thanh tựu
Vì sao phải giữ giới?
Năm đường chẳng có niệm
Dứt nghĩ cũng như thế
Chẳng lo, không sợ hãi
Chẳng thoát, chẳng trói buộc.
Tuy giảng, không chỗ diễn
Đó gọi là sắc nhập
Các pháp âm như thế
Chẳng đạt, chẳng đắm lời.
Hiện tại đến giác ấy
Nói pháp vô cùng tận
Để thành chánh định ấy
Thì không các tiếng vang
Mắt đã nhận rõ được
Tiếng vang chỉ tên gọi
Các pháp cũng như thế
Vô ngôn, chẳng hề đắm.
Hiểu rõ nhân duyên ấy
Biết tiếng không thật có
Nên gọi đạo bình đẳng
Đó gọi là Duyên giác.
Phật bảo A -nan:
–Các vị Bồ-tát Đại sĩ nhận thức về hiện hữu, là minh hay vô minh, là hành hay chẳng phải hành. Là thức hay chẳng phải thức, là sắc hay chẳng phải sắc, là sáu nhập hay chẳng phải sáu nhập, là xúc hay chẳng xúc, là thọ hay chẳng thọ, là ái hay chẳng ái, là chỗ giữ lấy hay xả bỏ, là hữu và chẳng phải hữu, là sinh chẳng phải sinh, cùng với những lo lắng về già, bệnh, chết… tất cả tự nhiên quán sát vốn không. Quán sát như vậy nên gọi là Duyên giác.
Bấy giờ, Đức Phật nói bài tụng:
Hiện tại rõ không tuệ
Chưa từng nương để tỏ
Không thể lập có thân
Như bóng hiện trong nước.
Thông hiểu hết các nghĩa
Không đắm tất cả pháp
Giả sử chẳng nương kinh
Là tướng trạng kẻ trí.
Minh và thân không khác
Tất cả các pháp tướng
Biết nơi duyên này đến
Nên gọi là Duyên giác.
Gọi là hành của thân
Thân ấy không chốn tạo
Chẳng hề có trong ngoài
Nên vượt thân sinh tử.
Đầu, cuối như cây chuối
Chẳng lõi, không tướng mạo
Chẳng sinh, cũng chẳng diệt
Đều ví như hư không.
Hiện tại hiểu rõ rồi
Là Bồ-tát mạnh mẽ
Hiệu là Thánh bình đẳng
Duyên giác như vô niệm
Nhận rõ tất cả pháp
Vắng lặng như huyễn hóa
Thức ấy tự nhiên thế
Hiện tại hiểu rõ rồi.
Bỗng nhiên ngộ tâm ấy
Rõ thức, hành như vậy
Những dẫn dắt chỉ bày
Biết rõ các pháp không.
Nhận rõ thức cũng thế
Tất cả không vướng mắc
Hiểu rõ pháp như vậy
Biết thức cũng như huyễn.
Chỗ gọi là danh sắc
Thân và các âm thanh
Tướng mạo không, bất thành
Đó là tướng tự nhiên.
Tâm rong ruổi sáu căn
Như huyễn hóa, không lời
Hiện lời chẳng âm thanh
Cho tự nhiên đều không.
Đã tu tập lâu xa
Nhân phát sinh các nhập
Kia thì nhận biết tu
Gọi tự nhiên như không.
Tu tập thành đều không
Niệm đến nên cùng khởi
Nếu rõ gốc tu lặng
Thì biết pháp Vô trụ.
Mắt thấy tu tự nhiên
Thấy chúng sinh vắng lặng
Không khởi tội hung ác
Nên gọi là Duyên giác.
Biết rõ mọi khổ thọ
Đều không, như vốn tịnh
Như thời gian nổi bọt
Chí kính không, không thân.
Dứt bỏ các ân ái
Nên theo pháp không đắm
Tình dục đã hết hẳn
Nên gọi là Duyên giác.
Như thọ mà chẳng thọ
Nên không, chẳng thật có
Không thân sao thành tựu
Được dụ như ngựa hoang.
Ta không khởi vọng tưởng
Thân sống cũng như thế
Rõ gốc tự nhiên sinh
Rễ không, chẳng có thân.
Nên lìa pháp sinh diệt
Mọi chung cuộc chẳng sợ
Chưa khỏi lại thành thân
Tất cả được tự tại.
Hiện tại được tuệ ấy
Không hề có đắm mê
Lại tiếng của Duyên giác
Tạo nên hạnh Bồ-tát.
Phật bảo A-nan:
–Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, do duyên cớ ấy nên khen ngợi Bồ-tát là Duyên giác vậy. Cũng nên biết đó là phương tiện khéo léo, Như Lai dùng đó để nêu rõ hết mực về Bồ-tát Đại sĩ, từ việc giữ vững niềm tin, kính thờ Chánh pháp, con đường tám đẳng, đến đi chẳng trở lại, không vướng mắc Thanh văn, Duyên giác.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ