SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN 3
Phẩm 9: VUA BẠCH TỊNH CHỌN VỢ CHO THÁI TỬ
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Khi ấy Bạch Tịnh vương cùng với Thái tử và các ngƯời trong dòng họ Thích đứng ở ngay chỗ đó. Các lực sĩ, trưởng giả trong dòng họ Thích tâu vua Bạch Tịnh:
-Vua đã biết việc đó, các Phạm chí này chưa được rốt ráo.
Vua nói:
-Giả sử Thái tử bỏ nước, bỏ ngôi vua, thành Như Lai mới được rốt ráo. Giả như không xuất gia, làm Chuyển luân vương, dùng chánh pháp trị vì gọi là pháp vương, tự nhiên có bảy báu:
1. Bánh xe vàng báu.
2. Ngựa màu xanh biếc.
3. Voi trắng.
4. Ngọc Minh nguyệt.
5. Vợ là ngọc nữ.
6. Bề tôi chủ kho tàng.
7. Bề tôi chủ binh.
Và có một ngàn người con khôi ngô tuấn tú, sức khỏe mạnh mẽ, tài trí vượt bậc. Một người có thể chống cự một ngàn người, có khả năng dẹp trừ oán dịch. Nếu làm Phật, dứt dòng Thánh vương, chỉ còn Tản vương, mọi người xưng danh hiệu.
Bạch Tịnh vương lại bảo:
-Hãy xem xét ngọc nữ nào đáng làm vợ Thái tử.
Năm trăm bà con trong dòng họ Thích đều nói lên:
-Tôi sẽ đi tìm người xứng đáng để làm vợ Thái tử.
Vua Bạch Tịnh nói với tất cả bà con trong dòng họ:
-Nay tìm vợ cho Thái tử rất là khó khăn. Không biết người con gái nào có thể vừa ý Thái tử?
Họ cùng nhóm họp suy nghĩ và bàn luận việc này rồi cùng nhau đến nói với Thái tử, xin Thái tử suy nghĩ.
Thái tử hẹn bảy ngày nữa sẽ trả lời.
Bồ-tát suy nghĩ: “Ta không tham dục lạc thì không nên ở đời. Ta bỏ cõi trời Đâu-suất đến ở cõi này tâm không hề quyến luyến một việc gì. Lặng yên thiền định, dùng phương tiện khéo léo gánh vác lấy tất cả. Siêng năng gần gũi đạo tràng, đem tình thương không tổn hại bao trùm khắp để khuyên nhủ, giúp đỡ tất cả, liền nói kệ:
Dòng vua sinh bậc kính
Lửa sinh hoa sen lớn
Có sức dưỡng Bồ-tát
Ức năm hóa cam lộ
Không bỏ ý hưng đạo
Không sợ, đức chân thật
Điều tâm ta ưa thích
Chí thanh tịnh bất động
Bồ-tát sống trong dục
Khéo léo giáo hóa vợ
Ái dục không an lạc
Bỏ hại, học công huân.
Bấy giờ Bồ-tát sai một người thợ tài giỏi đúc một pho tượng bằng vàng ròng rất xinh đẹp và dùng văn tự viết lên nơi đó: “Giả sử có người con gái nào đức hạnh, lễ nghĩa, hình dáng diện mạo giống y như đây, ta mới có thể bằng lòng. Không dùng kẻ tầm thường, người đúng như thế này ta mới cưới: Nhan sắc dung mạo như vàng ròng, trong ngoài tương ưng, thân khẩu không chống trái, tâm tịnh như hư không, an hòa sáng láng, không buông lung, lời lẽ nói ra luôn có lòng thương yêu, không hại, kính phụng đạo nghĩa. Đối với Sa-môn, Phạm chí trì giới bố thí, điều ta cầu xin, không ganh ghét, không nhàm chán, tánh tình hiền lành, không sai thời gian, ngay thẳng, không dua nịnh, luôn luôn kính chồng, không có ý khác, ý không phóng dật, không mang thai, không sinh con, bỏ cống cao tự đại, hầu hạ chồng như kẻ tôi tớ, không uống rượu, không ham vị ngon, không mê âm thanh, không ngu đần tăm tối, tiêu trừ cội gốc vô minh, biết pháp, an trụ nơi chân đế, không sơ xuất, vụt chạc, không có tà thuật, thường biết hổ thẹn, không ác khẩu nguyền rủa, thường vâng thờ và thực hành chánh pháp. Thân, miệng, ý thanh tịnh. Lời nói và việc làm luôn đi đôi. Tâm khiêm tốn, phần nhiều tu hạnh từ bi thương xót, không khinh thường người trên, không ngu đần cứng cỏi, không có lòng sân giận, trong chúng vui vẻ an hòa, không bị sai lầm, siêng năng làm các việc lành. Đối với bạn bè luôn tỏ lòng cung kính, xem như Thế Tôn. Nghĩ họ cũng như mình, tiếng tốt lan khắp. Tu tất cả các nghiệp lành, thường phụng thờ cung kính. Người vợ như thế ta mới có thể bằng lòng”.
Khi ấy Bạch Tịnh vương nghe Bồ-tát nói như vậy, bảo với vị Phạm chí xem tướng vào thành Ca-di-vệ, đi khắp từng nhà tìm xem những cô gái đẹp, xem ai có đức tướng này. Quân tử, trưởng giả, thợ, thầy, thường dân, so sánh ai có công huân đầy đủ như đây không? Nếu có được như vậy, Thái tử mới đón về. Vì sao? Vì Thái tử không ưa nơi dòng họ, chỉ ưa người có đức hạnh mà thôi. Liền khi ấy đọc kệ:
Quân tử dòng Phạm chí
Thầy, thợ, hay thường dân
Người có đức như thế
Mới nên cưới về vậy
Không ưa dòng họ sang
Chỉ quý hạnh tao nhã
Có chí thành công huân
Tâm mới ưa như vậy.
Khi ấy Phạm chí nghe nói bài kệ này xong, đi khắp thành Ca-tỳ- la-vệ, đến từng nhà một để xem người như thế. Vừa vào một nhà kia, thấy một cô gái xinh đẹp như Thiên nữ trên trời, nhan sắc tột bậc, thanh tịnh như hoa sen, không cao không thấp, không trắng không đen, không mập không ốm, nói chung đầy đủ sự cân đối của một cô gái thuộc hạng đẹp đẽ quý phái. Khi ấy người thiếu nữ chào Phạm chí xem tướng và hỏi ông ta:
-Phạm chí muốn gì?
Phạm chí trả lời:
-Đức vua Bạch Tịnh sinh chân Thái tử, đoan chánh không ai có thể so sánh, ba mươi hai tướng tốt và công đức oai thần rực rỡ. Tự tay Thái tử viết kệ: “Thiếu nữ nào có hình tướng dung mạo đứng đầu trong hàng trời người, ta mới cưới người đó”.
Khi ấy cô gái xinh đẹp đọc bài kệ:
Bài kệ Phạm chí nói
Rõ ý muốn thấy sắc
Phạm muốn biết sắc đó
Ta đều có đầy đủ
Người đáng làm chồng ta
Đoan chánh rất khó sánh
Bạch Thái tử việc này
Đừng bỏ lỡ cơ hội.
Phạm chí nghe bài kệ đó, trở về chỗ vua thưa rõ sự việc như vậy:
-Thiên vương xem xét, người như vậy không đáng làm vợ Thái tử sao?
Vua hỏi:
-Người con gái nào?
Phạm chí đáp:
-Người con gái đó sinh trong gia đình dòng chiến sĩ họ Thích.
Vua tự nghĩ: “Hình mạo Thái tử vượt hẳn người đời, sắc diện thanh tịnh, e không vừa ý, để cho Thái tử tự chọn lấy. Ta sẽ đi đến nhà Vô ưu nhóm họp các thiếu nữ, rồi bảo Thái tử tự mình xem xét. Bồ-tát tự xem xét, mắt hướng về người mình ưa thích”.
Bấy giờ, vua Bạch Tịnh đem các thứ ngọc châu quý báu làm một giảng đường xinh đẹp mời hết tất cả các thiếu nữ xinh đẹp trong thành La-vệ tự tập về giảng đường kia.
Bồ-tát đi đến giảng đường, ngồi nơi tòa nhân hiền. Vua sai sứ giả: “Hễ thấy Bồ-tát hướng mắt nhìn về phía nào mà tỏ ý vui thì liền đến báo cho ta biết”. Bấy giờ Bồ-tát gặp các thể nữ.
Khi ấy, thiếu nữ trong gia đình dòng chiến sĩ họ Thích tên là Cù-di (Gopa) cùng các thể nữ đi đến chỗ Bồ-tát. lui đứng một bên, chăm nhìn Bồ-tát mắt không hề chớp. Bồ-tát nhìn khắp thiếu nữ, tức thì mỉm cười vui vẻ, rồi đem chuỗi ngọc báu trao tặng cho Cù-di. Cù-di thưa: ‘Thiếp không ham thích các thứ anh lạc báu, sẽ dùng công đức để tự trang nghiêm thân”.
Thái tử trở về cung thất, khen việc chưa từng có. Nay Cù-di hiểu rõ được cuộc đời là vô thường, không ham sự giàu sang vinh hiển ở đời.
Khi ấy sứ giả đi đến chỗ vua tâu lại đầu đuôi sự việc: Người mà Thái tử để ý hướng mắt đến chính là nàng Cù-di trong dòng họ Thích. Vua nghe thưa như vậy, sai Phạm chí đi làm mối tìm người con gái này để làm vợ Thái tử. Gia đình dòng chiến sĩ họ Thích nói:
-Theo dòng họ của chúng tôi, người nào có nghệ thuật mới gả con gái cho. Nếu Thái tử có nghệ thuật, biết rõ về bắn cung, cỡi ngựa, đánh cờ, thơ văn, toán số và lễ nhạc, sáu môn nghệ thuật thảy đều biết đầy đủ, chúng tôi mới gả con gái cho.
Phạm chí liền trở về tâu lại đầy đủ với Bạch vương. Vua tự suy nghĩ rồi đem việc đó nói với Bồ-tát. Bồ-tát tâu vua:
-Hãy thôi! Tìm để làm gì.
Vua hỏi:
-Vì sao con nói thôi? Ông tướng mà không có nghệ thuật sao? Bàn về việc chính đáng mà con nói thôi đi!
Thái tử tâu vua cha:
-Việc đáng nên làm, con đều có thể làm.
Vua hỏi Bồ-tát:
-Con có được nghệ thuật gì?
Bồ-tát thưa:
-Giữa đời này chẳng có nghệ thuật gì đặc biệt khác lạ với chúng ta cả. Sắp đến sẽ thấy.
Vua liền cười:
-Con có thể biểu diễn nghệ thuật ư?
Bồ-tát thưa:
-Con có thể. Xin phụ vương nhóm họp tất cả thân tộc trong dòng họ Thích sẽ cùng con biểu diễn nghệ thuật. Vua ra lệnh cận thần lịnh cho cả nước dộng chuông đánh trống báo bảy ngày nữa Thái tử sẽ biểu diễn nghệ thuật. Ai có nghệ thuật đều đến dự hội.
Trong thời gian bảy ngày có tất cả năm trăm người trong thân tộc dòng họ Thích đều đến nhóm họp. Người nào có nghệ thuật cao hơn hết thì sẽ đem con gái của gia đình dòng chiến sĩ họ Thích gã cho người đó. Người nào đứng đầu về bắn cung, đánh cờ sẽ cưới được người con gái này.
Mọi người cùng nhau đi ra cửa thành. Bấy giờ Điều-đạt tay dắt một con voi đi vào cửa thành, thấy các Thích chủng nhóm họp, muốn trổ tài nghệ, liền dùng tay phải xách đầu con voi, tay trái cầm vòi quật xuống đất giết chết con voi. Ngay khi ấy, Nan-đà cùng các đồng bạn đi ra cửa thành, thấy con voi to lớn nằm chết ngay giữa đường, hỏi:
-Ai giết?
Đáp:
-Điều-đạt giết.
Nan-đà xách con voi để nằm qua một bên lề đường.
Bấy giờ Thái tử ra cửa thành, thấy con voi chết này, dừng lại hỏi:
-Ai giết con voi này?
Thị giả thưa:
-Điều-đạt giết.
Bồ-tát lại hỏi:
-Ai đem dời nó nằm sang một bên đường?
Thưa:
-Hiền giả Nan-đà.
Bồ-tát bảo:
-Rất tốt! Thân con voi to lớn như vậy, mùi hôi thối sẽ xông khắp trong thành.
Liền dùng tay phải xách con voi quăng ra ngoài thành, cách hào thành rất xa. Khi ấy vô số trăm ngàn Thiên nhân ngợi khen vang dội, cùng nhau nói:
-Hay thay! Hay thay!
Chư Thiên trong hư không đọc kệ tán thán:
Tay cầm voi trắng lớn
Thân đã chết rất nặng
Ném bỏ ra ngoài thành
Cách hào thành rất xa
Đây ắt là chí Thánh
Thân lìa tục bình đẳng
Chóng thành Nhất thiết trí
Do Thánh lực thường còn.
Bấy giờ năm trăm bà con dòng họ Thích đều đi đến cửa thành, cùng nhóm họp ngay ở chỗ khoảng đất rộng rãi, muốn biểu diễn nghệ thuật. Vua Bạch Tịnh cùng với các nhà thế lực lớn trong dòng họ Thích đến chỗ biểu diễn nghệ thuật. Có vô số người theo hầu Bồ-tát, muốn được thấy nghệ thuật của Ngài.
Bấy giờ dòng họ Thích trước đó đã thấy Bồ-tát ở nơi trường học, khen ngợi và nêu rõ tên của sáu mươi bốn loại sách. Thầy Tuyển Hữu thấy vậy rất lấy làm lạ, bảo chưa từng có. Trên trời, trong nhân gian, không ai có tài nghệ như vậy. Các Quỷ thần, Rồng, A-tu-luân thảy đều không sánh kịp. Xem thấy nghệ thuật của Ngài, biết đây chính là bậc Thánh nhân. Do sức hiểu biết của Ngài cùng tột, Ngài hiểu rõ hết tất cả nghĩa lý văn tự đầu đuôi, không một chỗ nào là không thông suốt. Nghe, thấy đức của Ngài vượt hẳn cả Thích, Phạm, chư Thiên, Nhật, Nguyệt. Chúng ta chính mắt nhìn thấy đạo thuật như vậy, ai có thể hơn Ngài.
Bà con dòng họ Thích bảo với mọi người:
-Bồ-tát tuy vào trường học, nhưng Ngài đã thông suốt hết tất cả các môn thơ văn, toán số, nghệ thuật. Người kiến thức như vậy thật rất ít có.
Nay gặp đại chúng cùng một lúc đến nhóm họp nơi đây là để tranh hơn thua hay để biểu diễn nghệ thuật; mọi người xem để biết ai là người thắng?