KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN TRUNG
Phẩm 8: KHÔNG VƯỚNG MẮC
Phật lại bảo A-nan:
–Vì sao Như Lai khen ngợi Bồ-tát là không hề vướng mắc?
Vì Bồ-tát đã diệt hết thảy mọi hành, lìa khỏi nơi chốn phát sinh ra chúng, không dựa vào các Đức Phật để độ thoát chúng sinh, không còn tạo tác để gây nên những cấu nhiễm của phiền não, cũng như đã dứt mọi khổ vui, chỉ nhắm cứu giúp muôn loài, vì thế nên gọi là không vướng mắc.
Bồ-tát lìa bỏ mọi vọng động chao đảo của sự tìm cầu, đạt đến cõi vô sở trụ, xem tất cả các pháp đều không, hiểu rõ lẽ vắng lặng, không chạy theo các vọng tưởng, dùng định để dứt bỏ các suy nghĩ, vọng tưởng cho dù có kẻ muốn phá hoại chí nguyện của mình, đã nhận thức các pháp là không nên không còn vướng mắc, đối với Phật đạo đã dứt sạch mọi vọng tưởng, đầy đủ tánh chất tự lập tự độ nên gọi là không vướng mắc.
Bồ-tát giảng nói kinh sách để phá bỏ mọi thứ mê lầm, khen ngợi các Đức Phật thời xưa là Bậc Đẳng Chánh Giác, từ đó giáo hóa chúng sinh trong hiện tại và vị lai.
Bồ-tát không buông lung, được thanh tịnh, không nhơ uế chỉ bàn luận về lẽ vắng lặng nên gọi là không vướng mắc.
Bậc Bồ-tát Đại sĩ khai mở, hóa độ mọi người đứng vững trong Phật đạo, mong đạt đúng con đường các bậc Thánh đã đi, đối với tất cả các pháp không còn bị ràng buộc, đầy đủ tâm Từ bi để thực hiện lòng nhân ái của Phật, không hề bám víu vào một nơi nào, tâm từ thể hiện như vậy nên gọi là khong vướng mắc.
Bồ-tát hóa độ chúng sinh mà không thấy mình hóa độ được người nào cả, tâm đại Bi rốt ráo, thông tỏ lẽ vô trụ, nên gọi là không vướng mắc. Vì tất cả chúng sinh nên thi ân bố thí, nhận thức và lãnh hội đạo pháp trên tinh thần vô tướng, dứt bỏ mọi thứ vọng tưởng nên gọi là không còn vướng mắc.
Bồ-tát khen ngợi lực dụng của sự giác ngộ, thể hiện ý nguyện đạt lẽ bất trụ, nhổ sạch mọi gốc rễ của vọng chấp phân biệt, chí nguyện hóa độ chúng sinh, thông tỏ các pháp đều thanh tịnh khiến cho nghĩa mầu của đạo được thành tựu, không hề có mảy may cố chấp bám dựa nên được gọi là chẳng còn vướng mắc.
Bồ-tát hành hóa đều không vướng vào nơi chốn, tạo tác thì không hề tham tiếc thân mạng, đối với muôn vật cũng không có chỗ nương tựa, chỉ mong đạt sự hòa hợp với mọi người chứ không hủy diệt muôn vật, từ đó giảng nói các pháp hữu vi, như thế thì gốc vốn là không, nên gọi là không vướng mắc.
Bồ-tát đến các cõi Phật, nơi đi tới không có chỗ đến, xem chư Phật, Thánh là bậc tôn quý không dấy khởi niệm phân biệt gốc ngọn, con đường giác ngộ là không, là vắng lặng, nên gọi là không vướng mắc.
Bồ-tát không có chỗ nương dựa, an lập như cõi này, đối với vô lượng cõi nước đều xem là bình đẳng, thế giới không đùa bỡn thiếu thanh tịnh, trụ trong cõi phước đức là không, không có các cõi nước, không có lui sụt, không có người nữ, dứt trừ các tâm phiền não, ngủ nghỉ, dứt sạch mọi chốn ngăn che trói buộc, đạt đến cõi Phật Thánh, hàng phục được các ma, xua tan kẻ thù nhập vào cảnh vắng lặng, biến hóa diệu dụng, giữ vững ở cõi đại nguyện của mình, trừ bỏ ý tưởng mong đạt về một cõi nước nào đó.
Bồ-tát đầy đủ vẻ uy nghi rực rỡ của Phật, trụ nơi vô trụ, lãnh hội được dấu ấn thanh tịnh của tâm Phật, tạo được sự an lạc khắp chốn.
Bồ-tát lìa bỏ tất cả những trang sức quý giá nơi thân mình vì chúng cũng như viên ngọc có tỳ vết, chỉ tạo nên các cấu nhiễm, rốt ráo vô vi là hơn hết tất cả, được như vậy là đã thâm nhập vào cõi nhiệm mầu của Phật, quán các pháp đều không, đạo hạnh đầy đủ nên gọi là không vướng mắc.
Bồ-tát dứt bỏ mọi thứ dục lạc, cho đến cội gốc của chúng, đối với tất cả các pháp không hề biểu lộ sự tức giận, phẫn nộ, vắng lặng bình đẳng đó là trí tuệ Phật, than miệng ý an trụ trong vắng lặng vô thượng.
Bồ-tát mến cầu Thánh đạo nhưng không chấp nê vào con đường các bậc ấy đã đi, không suy nghĩ theo kẻ khác, luôn thương nhớ chúng sinh, vô tâm, bất tâm, khuyến hóa vô số ức trăm ngàn người, khiến họ đến với đại đạo, mở bày dắt dẫn bao loại sơ cơ khiến họ nhớ nghĩ các người, vật trong Phật pháp.
Bồ-tát dắt dẫn làm lợi ích cho vô số chúng sinh nhất là hạng thấp kém, khiến họ phát tâm quy ngưỡng về Phật, không gì sánh bằng.
Bồ-tát xem hết thảy các pháp đều là không, không có sự khác nhau, cái gốc nhận thức của Bồ-tát là không tuệ, cùng đứng vững trong đó, dứt mọi vọng tưởng phân biệt. Đã đạt được điều ấy thì cũng biết rõ là không hề có chỗ để nương dựa bám víu, từ đó thích ứng với chúng sinh mà giảng nói chánh pháp cho họ nghe.
Bồ-tát không chuộng các thứ lợi dưỡng, cũng không dựa vào kinh sách, lìa hết các căn, giảng pháp như vậy, vĩnh viễn mình chưa lúc nào dùng lời nói để giáo hóa muôn loài, không thấy độ người, không thấy cứu giúp chúng sinh, dứt sạch mọi vướng mắc các việc, dứt hết tham, sân, trừ bỏ kiêu mạn, quán tất cả các pháp không sinh, không diệt, phát tâm khai mở hóa độ chúng sinh muôn vật, giúp họ nhận thức chính xác và đúng đắn về lẽ sinh tử cũng như bao nỗi đau khổ của kiếp người. Phàm phu bất động thì được giải thoát. La người góp phần phát huy sự tồn tại của Phật pháp, nhưng không vướng mắc vào việc mình làm. Hóa độ mà không dựa, không trụ vào đấy, đó là điều mà Bồ-tát phải gắng sức dứt trừ mọi vọng chấp mới đạt được.
Dẫn dắt, đem lại lợi ích đối với chỗ nương dựa mình khiến họ dứt mọi vọng tưởng về Phật, cũng là điều mà Bồ-tát phải gắng sức hết mực mới thực hiện được. Tâm Bồ-tát luôn ở rộng về hướng vô niệm dùng mọi nhân duyên giúp cho đạo phát triển, xa lìa những kẻ si cuồng giả trá, tâm ý rối loạn, đầy đủ các pháp Tam-muội, thành tựu chánh định, không có các vọng tưởng điên đảo, mọi tà kiến để đạt tới trí tuệ chân chánh, giúp cho hàng Thanh van mến mộ mà trở lại đi theo con đường Bồ-tát đã đi.
Bồ-tát chế ngự mọi sự nương tựa vào cha mẹ, vợ con, nhà cửa, anh chị em, dứt trừ mọi hệ lụy của ân ái, vượt qua mọi thagm đắm về tài sắc, cõi nước, muôn vật, lìa bỏ mọi ý tưởng tham cầu vì đó là phiền não điên đảo, khai mở hóa độ những kẻ còn mang nặng ý tưởng tham đắm về muôn vật.
Bồ-tát cũng lìa bỏ mọi sự quyến luyến về gia đình để đến chỗ vắng lặng, thoát khỏi mọi hình tướng lười nhác dư đầy thiếu kém, dứt trừ các pháp tham dục cấu uế để đạt tới cảnh giới Phật, làm cho diệu lý của đạo được hưng phát, tâm không hai không hề khởi lên ý niệm phân biệt đây là pháp vô vi, kia là các phap sinh tử, nhân duyên, không nhân duyên, đạo ý, tục tâm, phạm giới, giữ giới… Bồtát mở bày hóa độ những người ấy, tức là những kẻ còn mang nặng tư tưởng nhị kiến, khiến họ đạt được vô niệm, đoạn tận các gốc rễ nên gọi là không vướng mắc.
Bồ-tát đã vượt lên mọi khái niệm đối đãi như các Thần và Hiền thánh, lười nhác và tinh tấn, người nam và người nữ, ngu si và thông minh, giác ngộ và mê lầm… khéo dẫn dắt mọi người khiến tâm họ đạt được lẽ bất nhị, giúp cho chúng sinh tiến tới con đường giác ngộ nên gọi là không vướng mắc.
Các Bồ-tát này đã thành tựu ý nguyện không lui sụt, hoặc có người lãnh hội ý nghĩa sâu xa của kinh điển, cũng gọi là chẳng còn vướng mắc.
Các vị Bồ-tát ấy dù là xa đạo hay gần đạo vẫn luôn nhận rõ được ý nghĩa đó, không còn sinh ý tưởng nhị kiến, đạt đến đúng con đường của bậc Thánh, hội nhập cảnh giới không sinh diệt Nêhoàn.
Bồ-tát luôn lìa bỏ các vọng niệm dấy khởi để thấu đạt diệu lý Vô sở trụ, chỉ duyên theo các pháp mà khai mở hóa độ con người, như thế là an nhiên mà hiểu rõ tất cả các pháp, giảng nói về không gốc rễ cho nên gọi là không còn vướng mắc. Bấy giờ, Đức Phật nói bài tụng khen:
Dứt trừ tất cả hành
Bậc tôn cũng như thế
Lìa bỏ mọi lời dạy
Nên gọi không đắm mê.
Diệt sạch mọi phiền não
Độ thoát bao khổ đau
Cứu giúp các chúng sinh
Đó gọi không đắm mê.
Xét người, không thể được
Dục cấu cũng như thế
Các pháp không thể nắm
Nên gọi không đắm mê.
Giũ sạch các điên đảo
Lập tâm không mê hoặc
Nhận rõ các pháp không
Nên gọi không đắm mê.
Hiểu rõ biết nghĩa không
Không có các vọng tưởng
Lìa bỏ mọi điên đảo
Đó là không đắm mê.
Dứt bỏ mọi vọng tưởng
Cùng niệm xấu mọi người
Tâm ý không tà loạn
Nên gọi không đắm mê.
Rõ không, chẳng chỗ nương
Phật đạo chẳng thể lường
Luôn gắng sức tinh tấn
Nên gọi không đắm mê.
Mọi nhân duyên giảng kinh
Vắng lặng dứt đùa bỡn
Khuyên người theo đạo đức
Nên gọi không đắm mê.
Chân nhân tu hạnh từ
Khiến chúng sinh an vui
Khuyên người không thể được
Nên gọi không đắm mê.
Vốn không giảng kinh sách
Thi ân khắp muôn loài
Không hề có tưởng người
Nên gọi không đắm mê.
Chân chánh Căn, Lực, Giác
Giải thích rõ người biết
Thân mình được tuệ này
Nên gọi không đắm mê.
Biết người sống vắng lặng
Pháp thanh tịnh tỏ đạo
Khai mở giáo pháp Phật
Nên gọi không đắm mê.
Chẳng tin tưởng muôn vật
Mắt xem thấy hiện tiền
Tất cả không thật có
Đó gọi chẳng đắm mê.
Không nương các cõi Phật
Tại nước hành nhân nghĩa
Xứ sở bình đẳng giác
Giảng pháp chúng sinh nghe.
Chân nhân giác chánh pháp
Nhưng xem như chẳng thấy
Như quán kỹ Thánh giác
Đó gọi không đắm mê.
Nước thành tựu tự nhiên
Nay tôi biết điều ấy
Rốt ráo không đầu mối
Đó gọi không đắm mê.
Bỏ những sự hiểu biết
Tâm đã sạch sân, hại
Hợp chân như không hận
Thành tựu đạo vắng lặng.
Ý định cũng chẳng mất
Tạm yên không nơi dấy
Nhớ nghĩ đạo cũng thế
Nên gọi không đắm mê.
Người vật chẳng thêm động
Cõi chúng sinh cũng vậy
Muôn người cũng an nhiên
Hóa độ theo nghĩa đạo.
Chúng sinh đến với đạo
Chốn ấy luôn vô niệm
Trí tuệ đều bình đẳng
Đó gọi không đắm mê.
Bình đẳng, không hình loại
Tất cả pháp cũng thế
Tâm chánh cũng như đạo
Nên gọi: không nhớ nghĩ.
Cái gọi là ứng chân
Các pháp không vướng mắc
Giảng cho người hiểu được
Vắng lặng không nương tựa
Giảng pháp nghĩa người nghe
Tuy nói nhưng không dạy
Độ khắp vô số người
Thấy mọi người chẳng động.
Chúng sinh không thể đạt
Muôn kẻ dứt trừ chấp
Giúp người lìa tà kiến
Vượt khỏi mọi khổ não.
Tất cả pháp không sinh
Pháp ấy cũng chẳng diệt
Thấy vọng tưởng chúng sinh
Thoát khỏi mọi khốn ách.
Các sắc không tăng giảm
Mọi khổ cũng như vậy
Nhận rõ lẽ sinh tử
Cứu giúp khiến không người
Pháp Hiền thánh bất động
Phàm phu cũng như thế
Đứng ở trên nghĩa Phật
Chí hóa độ không đắm.
Mọi người đều mong quả
Và ý niệm Duyên giác
Vượt ngoài cả giác ý
Nói pháp này người nghe.
Khiến phát khởi tâm đạo
Thường nương chỗ bố thí
Giới, Nhẫn nhục cũng vậy
Nên giảng không chỗ nương.
Sự hiểu biết điên đảo
Tu tập rất tinh tấn
Để dứt vọng niệm này
Nên nói không đắm pháp.
Chỗ nhớ nghĩ ý đạo
Tà trí cùng tuệ sáng
Ở đây không chỗ nương
Nên nói không đắm pháp.
Pháp ấy chẳng sinh niệm
Biết rõ hết mọi nẻo
Mà nói pháp như thế
Nên gọi không chỗ đắm.
Tự chấp mình có thân
Thanh văn thường nhớ nghĩ
Để dứt trừ tưởng này
Nên nói không đắm mê.
Các pháp chẳng nghĩ nhớ
Biết rõ không mọi điều
Nói rõ đó không gốc
Nên nói không đắm mê.
Cha mẹ cùng anh em
Nhà cửa, mọi sở hữu
Đều là nẻo sinh tử
Chẳng thể thành Phật đạo.
Luyến vợ con, chị em
Chỗ nương cậy trông mong
Nếu không chỗ tựa nương
Nên nói không đắm mê.
Tạo tác chuyện sinh tử
Thì nghĩ đến họ hàng
Thấy vì có tình dục
Bạn bè ta từ trước.
Tự nghĩ thân có ngã
Tâm đuổi theo các việc
Phân biệt theo điên đảo
Ắt gặp chốn của ma.
Lìa bỏ nẻo sinh tử
Vòng quay của tai họa
Khen ngợi đức Nê-hoàn
Nên nói không đắm mê.
Giảng nói pháp hữu lậu
Hưng suy và tranh chấp
Đây đều nói âm thanh
Đó gọi không đắm mê.
Chúng sinh thường tranh lợi
Buông lung, tham muôn vật
Muốn cứu giúp muôn loài
Nên nói không đắm mê.
Kẻ tham luyến gia đình
Tâm nhớ thực hành đạo
Ngu độn ý như thế
Nêu rõ lẽ không đắm.
Chỉ thấy pháp thấp hèn
Không thấy nghĩa chân diệu
Chẳng tỉnh giác các niệm
Nên hóa độ không đắm.
Dứt trừ nghĩa phàm phu
Chuyên tinh ưa Phật pháp
Giũ sạch mọi mong cầu
Nên gọi chẳng đắm mê.
Nếu thấy hạnh thiện ác
Chúng số pháp như thế
Vô số người cũng vậy
Nên cứu giúp không đắm.
Đầy đủ các tướng tốt
Tinh tấn không thể tính
Mà nương dựa tướng ấy
Thánh hiền được cứu giúp.
Trang nghiêm các cõi Phật
Thành tựu pháp tối thượng
Nương dựa cõi chánh giác
Dẫn dắt đến không đắm.
Ý nghĩa pháp vô vi
Hoặc được, hoặc không được
Đó là hạnh Thánh đạo
Mới đứng vững Chánh nguyện.
Không giới, không thấy phạm
Buông lung và trí tuệ
Kẻ mê tối, yếu kém
Luôn vướng hai việc ấy.
Chúng sinh khởi tưởng đó
Các niệm không thể tính
Trừ dứt mọi vọng khởi
Nên nói không đắm pháp.
Kính mến các bậc Thánh
Cũng nhớ nghĩ vô đức
Phân biệt pháp phàm phu
Nên nói không đắm mê.
Để được hạnh như thế
Kẻ nam và người nữ
Hiền thánh và phàm phu
Tâm vướng vao nhị kiến.
Người sinh hai việc đó
Việc làm của kẻ ngu
Nương dựa hai bờ ấy
Nên hóa độ không đắm.
Biến động không lui sụt
Tạo tác mà không tạo
Muốn đến với đạo Thánh
Nên tâm khởi niệm ấy.
Mới đạt được đạo lớn
Không sinh cũng không diệt
Tâm thường nghĩ vọng tưởng
Để cầu pháp vô vi.
Chúng sinh nhận nơi ấy
Hiền nhân nhớ muôn loài
Nên gọi không đắm mê
Cứu giúp mọi vọng cầu.
Đó là pháp Bồ-tát
Vì hiện A-la-hán
Do đó khởi pháp nhẫn
Tự cho là không đắm.
Giảng nói việc La-hán
Đó đáng là Bồ-tát
Gọi trụ không đắm mê
Đạt đến đạo Vô thượng.
Phật bảo A-nan:
–Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác khen ngợi về sự không mê đắm của Bồ-tát, cũng nên biết đó là phương tiện khéo léo.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ