KINH
PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Hùng

 

Quyển 3

Phẩm thứ 8: BỐN PHÁP

[868a] Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Bậc đại bồ-tát thành tựu bốn pháp, có thể nói kinh Đại bát-nê-hoàn cho người khác nghe. Bốn pháp đó là: Tự mình chuyên chính, giúp người chuyên chính, tùy thời hỏi đáp, hiểu rõ nhân duyên.

– Tự chuyên chính là: nghe pháp của Phật có thể tùy thuận nhàm tởm sợ hãi, toàn thân sởn ốc. Như nghe Phật dạy thà ôm cây cháy, lửa đỏ bừng bừng, thiêu rụi thân thể thành than chứ không thể nào đối với phương tiện mật giáo của Đức Như Lai khi tâm chưa ngộ nghe thuyết hữu thường sinh lòng phỉ báng, nhưng nghe ma giáo ca tụng luận thuyết về pháp thế gian, giảng nói vô thường thì cho là thật. Thà đưa lưỡi liếm cây củi đang cháy chứ không dám nói Như Lai vô thường; nếu nghe ai nói liền thấy sợ hãi, phải khởi lòng thương đối với người ấy. Phải tin sâu sắc pháp thân Như Lai trường tồn bất diệt, pháp già, bệnh, chết, không thể hủy hoại. Phải biết Đức Phật Thế Tôn là bậc không thể nghĩ bàn, giáo pháp Ngài dạy cũng y như vậy. Như Ta nói kinh ví dụ Cây Khô[141]… hãy khéo giữ gìn, đó là bồ-tát tự chuyên chính mình.

– Giúp người chuyên chính: Lúc Phật thuyết pháp, có người phụ nữ bồng đứa con nhỏ đang còn bú mớm đến chỗ Đức Phật lễ sát chân Ngài. Trong lòng bà có một mối hoài nghi, nên cứ đứng yên trầm ngâm nghĩ ngợi. Bấy giờ Thế Tôn biết bà nghĩ gì, liền lấy con bà ra làm thí dụ mà nói pháp rằng: “Thí như người mẹ khéo nuôi con mình, mới đầu lấy tay mớm sữa cho con, chờ nó nuốt hết mới mớn thêm nữa”. Bấy giờ người nữ tâm liền tỏ ngộ, bạch với Phật rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Ngài là Đại thánh, biết tâm niệm con mới nói lời này. Từ nay mỗi sáng con sẽ cho con của con ăn sữa thật nhiều chắc cũng không hề hại gì”. Phật bảo: “Không phải! Khi trẻ lớn khôn, cho nó ăn cơm cũng không hại gì”. Người nữ vui mừng bạch với Phật rằng: “Kỳ thay, Thế Tôn! Ngài khéo tùy thuận nói pháp dễ tiêu và không dễ tiêu. Để giáo hóa người, trước hết Ngài nói về pháp vô thường, khổ, không, bất tịnh. Nếu chúng sinh nào lòng tin chưa vững mà nói cho họ nghe pháp thường trụ thì sẽ phá hoại tín căn của họ, như người uống sữa mà vẫn chưa tiêu”. Phật bảo: “Lành thay! Này người thiện nữ, nên học như vậy, phương pháp nuôi con là lúc còn nhỏ, từ từ cho ăn thức ăn mềm dẻo và lại dễ tiêu. Khi tuổi lớn khôn thì cho ăn các thức ăn cứng hơn, cũng sẽ tiêu hóa không có hại gì. Ta cũng như vậy, vì các đệ tử trước nói bất tịnh, vô thường, khổ, không, như cho con ăn thức ăn mềm dẻo. Khi đạo tâm đã tăng trưởng lên rồi, có thể kham nhận các pháp Đại thừa thì Ta mới dạy giáo pháp Đại thừa Đại bát-nê-hoàn, cho ăn sáu món thức ăn cứng hơn, là vị ngọt, đắng, cay, chua, mặn, nhạt. Lấy mọi khổ đau làm món vị chua, vô thường vị mặn, vô ngã vị đắng, vui thích vị ngọt, ngô ngã vị nhạt, thường pháp vị cay, lấy củi phiền não, đốt lửa huyễn nghiệp, nấu chín pháp thực Đại bát-nê-hoàn thành vị cam lồ. Lại nữa thiện nữ! Thí như có hai chị em nhà nọ, có duyên sự cần phải ra khỏi nhà đến thôn xóm khác, hoặc sẽ ở lâu không thể về liền. Họ có hai con, một đứa rất ngoan, một đứa rất hư, cho nên lúc đi, bao nhiêu trân bảo, kho tàng bí mật đều không nói cho đứa con hư biết, mà đem giao phó cho đứa con ngoan”. Người nữ bạch Phật: “Đúng vậy, Thế Tôn”! Phật hỏi người nữ: “Tại sao kho báu không nói cho đứa con hư đốn biết”? Người nữ bạch Phật: “Bởi đứa con hư làm điều phi nghĩa, phóng túng buông lung, ăn tiêu vô độ, vì vậy không nói. Còn đứa con ngoan có thể gầy dựng gia nghiệp giàu sang, vinh hiển dòng họ, nên giao cho nó”. Phật bảo: “Đúng vậy! Giáo pháp của Ta cũng y như vậy. Lúc Ta phương tiện muốn vào nê-hoàn, pháp yếu bí mật bảo tạng Như Lai phải trao đệ tử, không trao những người phạm giới, tà kiến. Đối với Như Lai, nay bà chớ nghĩ là pháp diệt tận, mà phải nghĩ rằng là pháp thường trụ”. Người nữ bạch Phật: “Con thường nghĩ tưởng Như Lai thường trụ”. Phật bảo: “Này bà! Như lời bà nói, nên quán như vậy, chớ nên nghĩ rằng các pháp diệt tận, phải biết Như Lai là pháp thường trụ, không phải là pháp biến dịch đổi thay, không phải là pháp hủy diệt từ từ. Nếu như người nào thường xuyên tu tập, quán tưởng Như Lai là pháp thường trụ, phải biết người đó nhà nhà có Phật. Như vậy gọi là giúp người chuyên chính.

– Tùy thời hỏi đáp là như có người đến hỏi Như Lai: “Con phải làm sao được danh đại thí[142], tiếng đồn khắp chốn, thiên hạ đều hay mà không tổn mất một chút tài sản”. Phật bảo kẻ ấy: “Với người thanh tịnh, không nuôi súc vật, trâu bò, đày tớ, tu trì phạm hạnh thì đem những thứ nô tỳ, vợ con… vui vẻ cho họ; người không ăn thịt, vui vẻ đem thịt bố thí cho họ; người không uống rượu, dù chỉ một giọt, vui vẻ đem rượu khuyến khích họ uống; người ăn đúng thời, vui vẻ dâng cúng những lúc phi thời; người bỏ trang sức những thứ hương hoa, thì đem hương hoa, những đồ trang sức, vui vẻ cho họ. Đem những thứ ấy, cho người thế kia, rồi quay trở về. Nếu làm như vậy liền được mang danh là Đại thí chủ, thiên hạ đều biết nhưng mà chưa từng tổn hao một hào tài sản của mình”. Thuyết như vậy là tùy thời hỏi đáp.

Bấy giờ bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

– Như Thế Tôn dạy, người không ăn thịt mà cho họ thịt, người ăn thịt đó mắc tội không lớn, như vậy chẳng phải là làm tăng trưởng tà kiến ngoại đạo? Vì vậy nên chế giới không ăn thịt?

Phật bảo Ca-diếp:

– Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử khéo hiểu ý Phật. Bồ-tát hộ pháp nên phải như vậy. Này thiện nam tử! Từ ngày hôm nay Ta cấm đệ tử không được ăn thịt. Giả sử nhận được những thức ăn khác phải thường quán tưởng như ăn thịt con. Vì sao đệ tử của đức Như Lai mà lại ăn thịt? Chư Phật đã dạy người nào ăn thịt là bị đoạn mất hạt giống đại từ.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Vì sao được ăn ba món tịnh nhục[143]?

Phật bảo Ca-diếp:

– Ba món tịnh nhục là Ta tùy việc tạm thời chế ra.

Ca-diếp lại thưa:

– Là do nhân gì?

Phật bảo Ca-diếp:

– Có chín cách nhận, trừ mười loại thịt[144]. Đây cũng tạm chế, phải biết từ nay không được dùng nữa.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:

– Vậy sao Thế Tôn từng khen thịt cá là thứ ăn ngon?

Phật bảo Ca-diếp:

– Ta chưa từng nói thịt cá là thứ thức ăn thơm ngon. Ta chỉ nói rằng cây mía, lúa tẻ, lúa gạo, đường phèn, các loại trái cây là thức ăn ngon, như Ta khen ngợi các thứ y phục trang nghiêm vẫn là ba y hoại sắc. Phải biết thịt cá là loại thức ăn tanh hôi ô uế, chỉ làm tăng trưởng thêm lòng tham muốn.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Nếu Thế Tôn cấm không được ăn thịt thì năm món như: sữa, dầu, vải bông, ngọc bội, da thú, cũng không được nhận.

Phật bảo Ca-diếp:

– Nghĩ lạ, Ca-diếp? Ông chớ nhận thức như bọn ngoại đạo nhóm Ni-kiền-tử[145].

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Vậy phải thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Từ ngày hôm nay, Ta cấm đệ tử không được thọ dụng ba món tịnh nhục, và bỏ chín cách thọ nhận thức ăn dù không có mười loại thịt đã cấm, cho đến loài vật tự nhiên chết đi cũng không được ăn. Bởi vì sao vậy? Người nào ăn thịt thì khi đi đứng ngồi nằm chúng sinh thấy đều sợ hãi, vì nghe sát khí[146] từ nơi người ấy, như người ăn món hưng cừ[147] hay tỏi, nếu vào hội chúng ai cũng chán ghét; người nào ăn thịt cũng y như vậy, tất cả chúng sinh nghe mùi sát khí lo sợ bị chết, những loài có mạng, dưới nước trên đất, hoặc bay trên không, thấy đều chạy trốn. Vì vậy bồ-tát chưa từng ăn thịt, vì độ chúng sinh tùy thời ăn uống kỳ thật chẳng ăn. Lại nữa thiện nam! Ta nê-hoàn rồi, về đời lâu sau có những tì-kheo tuy là học đạo mà tự cống cao, cho mình chứng quả, hoặc Tu-đà-hoàn, hoặc Tư-đà-hàm, hoặc A-na-hàm, hoặc A-la-hán. Trong đời ác trược, những người lang thang, bần cùng khốn khổ xuất gia học đạo phần nhiều lạm dụng danh tự tì-kheo[148], vì lợi dưỡng mà cung kính bạch y[149]; hình trạng tiều tụy như đứa chăn trâu; thân mặc cà-sa[150] như kẻ thợ săn trá hình bắt thú; mong cầu danh lợi của cải thế gian như mèo bắt chuột; các bệnh gầy gò, ghẻ lở, phong cùi, thân thể bất tịnh mà đắp y phục hiền thánh mâu-ni; thân hình giống như ngạ quỷ bần cùng, lạnh rét khốn khổ, chẳng phải sa-môn giả tướng sa-môn. Ở đời sau này, lúc chính pháp hoại, pháp luật hành xử, kinh điển chính luận mà Ta đã chế, đều bị trái ngược. Ai nấy tự tạo kinh luận, giới luật, nói giới luật mình ăn thịt thanh tịnh là điều Phật dạy; tự tạo luận tụng[151] trái ngược lẫn nhau; đều xưng sa-môn đệ tử Thích-ca. Lại nữa thiện nam! Giáo pháp Ta dạy thụ dụng ngũ cốc, lúa gạo còn sống và tự tay làm cá thịt mà ăn đều không thanh tịnh; học nghề ép dầu, cùng các kỹ thuật làm thợ công xảo, thợ mộc, luyện da, lui tới quốc vương, xem sao, làm lịch, chế biến thuốc thang, học luận thanh âm, văn từ xảo thế, chăn nuôi súc vật, nuôi giữ nô tỳ, cất chứa tiền tài, vàng bạc, san hô, ngọc bội, cẩm thạch, trân châu, vật báu, nuôi dưỡng các loài sư tử, hổ, báo, chồn, chuột, mèo, cáo, cất chứa thuốc độc, luyện thuật bùa chú, làm thợ vẻ tranh, viết sách sớ điệp, tạo sự nghiệp bằng các trò mưu mẹo khiến người mê hoặc, ca múa huyễn hoặc, đấu vật, nhuộm răng, thân ướp hương thơm, lấy hoa cài tóc, trau chuốt thể hình, và còn tất cả những vật phi pháp, hoặc giống phi pháp, Ta đều bảo đó là pháp bất tịnh.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Có những quốc độ mà dân nước ấy phần nhiều ăn thịt, nếu đi khất thực đều nhận thức ăn trộn lẫn với thịt, thì các tì-kheo và tì-kheo-ni, hàng ưu-bà-tắc và ưu-bà-di, ở trong nước ấy làm sao giữ được đời sống thanh tịnh?

Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Nếu nhận thức ăn trộn lẫn với thịt, nên bỏ thức ăn vào ở trong nước, tách cơm với thịt riêng ra mỗi thứ, rồi lấy cơm ăn thì không phạm giới.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:

– Nếu như thức ăn trộn lẫn với thịt mà không thể phân thì phải làm sao?

Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Nếu ở đất nước mà mọi người dân ăn thịt là chính, tất cả thức ăn thảy đều có thịt, thì Ta cho phép bỏ hết thịt ra, còn lại thức ăn đem bỏ vào nước, làm mất hương vị của thịt đi rồi sau đó mới dùng. Còn như cá thịt có thể phân ra mà ăn là tội. Ngày nay Ta chế giới không ăn thịt là có nhân duyên. Nếu không nhân duyên thì nhân thuyết kinh Đại bát-nê-hoàn cũng sẽ cấm chế không được ăn thịt. Như thế gọi là tùy thời hỏi đáp.

– Hiểu rõ nhân duyên là nếu tì-kheo hay ưu-bà-tắc hỏi nghĩa như vầy: Vì sao Thế Tôn, Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chính Giác lúc mới xuất thế không vì đệ tử mỗi mỗi chế giới? Mỗi mỗi không thuyết pháp môn như vậy? Sao không thuyết ba-la-đề-mộc-xoa[152] đến nơi rốt ráo? Nghĩa này thế nào? Tỳ-ni[153] là gì? Này thiện nam tử! Nghe Ta phân biệt nghĩa lý của ba-la-đề-mộc-xoa. Ba-la-đề-mộc-xoa có nghĩa là ít muốn biết đủ, thành tựu uy nghi, không còn đọa lạc vào đường súc sinh, lìa mọi nhiễm trước, hết thảy thân mạng đều được thanh tịnh. Đọa lạc là đọa vào bốn đường ác, địa ngục thiêu đốt. Uy nghi nghĩa là ít muốn biết đủ, nên không đọa lạc vào đường súc sinh, hết thảy thân mạng đều được thanh tịnh, cho nên giới bổn gọi là không đọa. Đọa trong địa ngục A-tỳ khổ đau gọi là đọa lạc. Bố-tát[154] nghĩa là nuôi lớn hai điều, một là tăng trưởng giới bổn mộc-xoa, hai là làm cho lìa mọi tà thuyết. Tỳ-ni nghĩa là giới luật vi tế, điều phục uy nghi, những vật phi pháp mình không tiếp nhận, cũng không cho người, gọi là tỳ-ni. Trong đó ai phạm bốn pháp giới trọng, mười ba hữu dư, ba mươi xả đọa, chín mươi mốt pháp đọa, bốn pháp hối quá, trăm pháp chúng học, hai pháp bất định, bảy pháp diệt tránh, những người phỉ báng kinh điển và bọn nhất-xiển-đề, phạm những tội như thế mà không hướng đến những người thanh tịnh phát lồ sám hối, một mực che dấu, như rùa giữ kĩ sáu chi của mình, thì tội phạm giới ngày đêm tăng trưởng. Vì sao Thế Tôn biết có tội này mà không kết giới? Khiến cho chúng sinh đọa vào ác thú? Giống như một người dẫn theo nhiều người muốn đi phương khác đã chỉ bày rõ cho con đường chính, nhưng vẫn có người quên mất đường chính lạc vào đường khác, có người lanh lợi hô hoán kịp thời khiến người lạc đường quay lại đường chính. Giáo pháp Như Lai cũng y như vậy, lúc đầu chỉ nói con đường duy nhất thẳng đến nê-hoàn, nếu các tì-kheo phạm nhiều lỗi lầm, khi đó mới nói quả báo phạm tội, rồi chế giới cấm. Như vậy Thế Tôn chỉ đường chân thật, vì mọi chúng sinh nói rõ công đức của mười nghiệp lành. Trong các vị trời, Phật là hơn hết. Trong tất cả pháp, Phật là chính pháp. Ngài thương chúng sinh, nói rõ công đức của mười nghiệp lành, bình đẳng thương yêu tất cả chúng sinh y như con một. Nếu có chúng sinh đọa trong địa ngục, vì muốn cứu độ chúng sinh này thoát khỏi cảnh địa ngục thì đức Như Lai có thể ở trong địa ngục kéo dài tuổi thọ một kiếp, hoặc hơn một kiếp. Vì vậy làm sao có thể để cho tì-kheo phạm giới tăng trưởng tội lỗi đọa trong đường ác? Như người thợ may, may xong áo mới, sau đó cắt xé cho rách nát đi rồi khâu vá lại. Thí như ông vua Chuyển luân thánh vương mới đầu dùng pháp mười nghiệp thiện lành giáo hóa nhân dân. Về sau dân chúng ác hạnh tăng dần, vua lấy Tự Tại Kim Luân[155] Bảo thần ra chế pháp luật, điều phục chúng sinh. Thế Tôn cũng vậy, lúc đầu chưa kết giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, về sau tì-kheo phạm tội tăng dần, khi ấy mới lấy nhân duyên phạm giới làm điều căn cứ rồi chế giới cấm để cho chúng sinh, những người giữ giới an lạc tu tập thấy nhân duyên đó càng thêm hoan hỷ, tín tâm tăng trưởng, nhẫn đến bình đẳng quán chiếu nghĩa lý bốn pháp chân thật thậm thâm vi diệu, như vua Chuyển luân tự tại sử dụng Bảo thần Kim Luân. Pháp luân của Phật cũng y như vậy, cũng là giáo pháp vô lượng chư Phật. Chư Phật Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Giáo pháp Phật thuyết chẳng thể nghĩ bàn. Những người nghe được giáo pháp của Phật chẳng thể nghĩ bàn. Những ai tin được kinh này cũng là chẳng thể nghĩ bàn. Như vậy gọi là khéo hiểu nhân duyên, là đại bồ-tát thành tựu bốn pháp có thể nói kinh Đại bát-nê-hoàn cho người khác nghe. Hiện nói nhân duyên và nhân duyên của Đại bát-nê-hoàn chính là bộ kinh Đại bát-nê-hoàn. Như vậy gọi là khéo hiểu nhân duyên.

– Tự chuyên chính là thành thật trở lại với chính bản thân, chuyên hướng về kinh Đại bát-nê-hoàn, phải biết đấy là tự mình chuyên chính. Lại có khả năng giúp người chuyên chính là biết tì-kheo tâm đã thành thục mới nói bổn kinh Đại bát-nê-hoàn, nói Đức Như Lai trường tồn bất diệt, phải biết đây là giúp người chuyên chính. Tùy thời hỏi đáp là như Ta vì Ca-diếp mà nói bậc đại bồ-tát lợi trí vi diệu, có nhiều bí yếu, phương tiện mật giáo, chẳng phải thanh văn hay hàng duyên giác có thể suy lường, đó chính là kinh Đại bát-nê-hoàn, đây cũng gọi là tùy thời vấn đáp, tùy vào tâm tưởng của mọi chúng sinh mong muốn điều gì thì nói pháp ấy, chẳng phải hư vọng. Thí như một người diễn tả hư không bằng nhiều tên gọi, là không, là hư, là không gì cả, hay là vô số… diễn tả như vậy chẳng phải hư vọng. Như Lai thuyết pháp cũng y như vậy. Bộ kinh Đại bát-nê-hoàn này nói bốn pháp ắt hẳn có chỗ ứng hợp, chẳng phải hư vọng.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Nếu Đức Như Lai trường tồn bất diệt thì trái ngược với khế kinh[156] Phật dạy.

Rồi thì bồ-tát nói bài kệ rằng:

Như đốt viên sắt nóng

Rồi bỏ vào nước lạnh

Sức nóng nó mất dần

Chẳng biết nó về đâu

Giải thoát hết tất cả

Qua vực sâu tử sinh

Mãi an lạc bất động

Chẳng biết ở nơi nào?

[870a] Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Chớ dùng bài kệ nói điều sai lầm, cho rằng Như Lai mãi mãi mất hẳn. Chẳng phải sắt nóng bỏ vào trong nước sức nóng của nó dần dần mất hẳn. Chư Phật Như Lai vĩnh diệt nê-hoàn cũng y như vậy. Như viên sắt nóng bỏ vào trong nước, sức nóng mất dần, Như Lai cũng vậy, vô lượng phiền não, trói buộc, hoạn nạn, thảy đều tiêu diệt, thí như sắt nóng bỏ vào trong nước sức nóng của lửa tuy đã diệt mất, nhưng tính của sắt vẫn còn nguyên vẹn. Như Lai cũng vậy, vô lượng kiếp số, lửa dữ phiền não đều tiêu diệt cả, nhưng tính Như Lai là tính kim cang vẫn hằng thường tại, không phải là pháp biến dị thay đổi, không phải là pháp hủy diệt từ từ. Đức Phật Như Lai giải thoát tất cả, vượt qua mọi chốn vực sâu sinh tử, thể nhập nê-hoàn là đi đến chỗ mọi nẻo thú hướng hoàn toàn vĩnh diệt, không thể biết được, vì vậy nói rằng:

Giải thoát hết tất cả

Qua vực sâu tử sinh

Mãi an lạc bất động

Chẳng biết ở nơi nào?

[870a] Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Như đem sắt nóng bỏ vào trong nước, sức nóng của nó dần dần mất hẳn, rồi lại đem nó bỏ vào trong lửa. Như Lai Nê-hoàn kỳ thật thường trụ, nhưng vì chúng sinh lại vào vô lượng lửa dữ sinh tử, đoạn trừ tất cả oán kết hoạn nạn trói buộc chúng sinh. Lành thay, Thế Tôn! Như Lai trường tồn, là điều chắc thật.

Phật bảo Ca-diếp:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam tử! Thí như ông vua Chuyển luân thánh vương vào trong hậu cung cùng với mỹ nữ vui hưởng dục lạc, phút chốc sau đó đi ra ngự viên, đến hồ nước tắm, khoái lạc tự tại. Bấy giờ trong cung chẳng thấy bóng vua chớ bảo mất hẳn. Chư Phật Thế Tôn bỏ Diêm-phù-đề, thị hiện vô thường cũng y như vậy, chớ bảo vĩnh diệt, như vua Chuyển luân bỏ chốn thâm cung dạo chơi lâm viên khoái lạc tự tại. Như Lai cũng vậy, bỏ chốn thâm cung vô lượng phiền não, vào vườn tổng trì[157], có hoa thất giác[158], có hồ tắm mát, dạo chơi thoả thích, dùng trí phương tiện tự tại hóa hiện, vô lượng phiền não đã diệt từ lâu.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Như Thế Tôn dạy, Như Lai đã diệt vô lượng kiếp số sinh tử phiền não, hoạn nạn khổ đau, Ngài đã vượt qua biển lớn ngũ dục[159], vậy thì tại sao lúc còn bồ-tát ở trong thâm cung vui thú dục lạc cùng với mỹ nữ? Và làm thân phụ của La-hầu-la[160]? Do đó nên biết Ngài chưa đoạn hết phiền não hoạn nạn, Ngài chưa vượt qua biển lớn ngũ dục.

Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Chớ nói lời đó với Đức Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác. Sở dĩ gọi là Đại bát-nê-hoàn bởi có khả năng kiến lập nghĩa lớn, nay ông lắng nghe và diễn nói rộng cho người khác nghe, chớ sinh nghi ngờ. Bậc đại bồ-tát trụ trong nê-hoàn có khả năng lấy núi chúa Tu-di bỏ vào hạt lúa, vậy mà bao nhiêu chúng sinh sống ở nơi núi Tu-di chẳng bị nhiễu hại, đến đi đứng ngồi, chẳng biết ai làm, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến, biết bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn an trí Tu-di vào trong hạt lúa rồi sau trả lại. Cảnh giới của bậc Đại bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn là y như vậy. Lại nữa thiện nam! Bậc đại bồ-tát trụ trong Đại bát-nê-hoàn cầm lấy đại địa của cả ba ngàn thế giới bỏ vào hạt lúa, bao nhiêu chúng sinh trong thế giới ấy chẳng bị nhiễu hại và chẳng thể biết ai đem mình đến, ai an trí mình ở tại chỗ đó, ngoại trừ chúng sinh có được tri kiến biết bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn cầm lấy ba ngàn đại thiên thế giới an trí vào trong hạt lúa rồi sau trả lại như cũ. Lại nữa thiện nam! Bậc bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn lại đem ba ngàn đại thiên thế giới an trí vào trong lỗ chân lông mình, vậy mà chúng sinh của thế giới ấy chẳng bị nhiễu hại và chẳng tự biết ai đem mình đến, ai an trí mình ở tại chỗ đó, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến biết bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn đem cả thế giới ba ngàn đại thiên an trí vào trong lỗ chân lông của thân thể quý ngài rồi sau trả lại. Lại nữa thiện nam! Bậc bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn, ở thế giới này có thể đem cả mười phương quốc độ của các chư Phật để trên đầu kim, như lấy đầu kim nâng chiếc lá táo, rồi đem đi qua quốc độ Phật khác mà các chúng sinh chẳng bị nhiễu hại và đều chẳng hay ai đem mình đi, ai an trí mình vào quốc độ ấy, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến biết bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn và dùng thần lực để làm việc ấy. Lại nữa thiện nam! Bậc bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn nắm hết tất cả quốc độ mười phương bỏ vào tay phải, như người thợ nung nắm lấy bánh xe làm bằng đất nung ném qua phương khác, xa đến vô lượng thế giới vi trần, mà các chúng sinh không bị nhiễu hại, và chẳng tự hay ai đem mình đi, ai an trí mình vào thế giới ấy, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến biết bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn và dùng thần lực để làm việc ấy. Lại nữa thiện nam! Bậc bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn lấy hết thế giới khắp cả mười phương bỏ vào hạt bụi, mà các chúng sinh chẳng hề tổn hại, và chẳng tự hay ai đem mình đến an trí tại đó, ngoại trừ chúng sinh có được tri kiến, biết bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn, và dùng thần lực để làm việc đó. Này thiện nam tử! Đại bồ-tát trụ Đại bát-nê-hoàn có đại thần lực, thị hiện vô số những việc như vậy, cho nên gọi là Đại bát-nê-hoàn. Những việc bồ-tát đã làm khi trụ Đại bát-nê-hoàn tất cả chúng sinh không thể lường được. Nay ông làm sao có thể biết được Như Lai gần gũi với năm món dục, và làm thân phụ của La-hầu-la? Lại nữa thiện nam! Ta trụ ở trong Đại bát-nê-hoàn là vì việc lớn, ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, trăm ức mặt trời và cả mặt trăng, trăm ức cõi nước Diêm-phù-đề này hóa hiện nhiều cách, y như cảnh giới định Thủ Lăng Nghiêm[161] đã nói, ở trong ba ngàn đại thiên thế giới và Diêm-phù-đề đều lấy Đại bát-nê-hoàn để thị hiện nê-hoàn, nhưng mà chẳng phải nhập bát-nê-hoàn một lần sau cuối, mà còn trở lại cõi Diêm-phù-đề ở trong năm dục thị hiện thụ thai, cha mẹ của Ta gọi Ta là con, nhưng Ta từ thuở quá khứ xa xưa, vô số kiếp trước đến nay đã đoạn sạch hết ái dục, không còn thụ thân nhiễm ô bất tịnh, không còn thụ thân thụ thực ô uế, thân Ta chính là pháp thân thanh tịnh, sự sinh đã đoạn. Ta dùng trí tuệ phương tiện tùy thuận, ở Diêm-phù-đề thị hiện sinh ra làm một đồng tử, khi vừa sinh ra, bước về hướng bắc bảy bước và nói: “Trong loài trời, người đến a-tu-la chỉ có mình Ta là tôn quý nhất, không ai sánh bằng”. Cha mẹ vui mừng cất tiếng khen rằng: “Ta sinh đứa con, vừa mới chào đời đã đi bảy bước, là chuyện hiếm trong cuộc đời này”! Vào lúc bấy giờ, mọi loài chúng sinh đều nói kỳ lạ, nhưng Ta chưa từng làm thân đồng tử. Từ vô lượng kiếp đến nay Ta đã lìa hạnh anh nhi, pháp thân thanh tịnh, chẳng phải là thân gân cốt xương thịt, thức ăn nuôi lớn. Pháp thân thị thiện tùy thuận thế gian, làm thân đồng tử, hướng về phương nam bước đi bảy bước là muốn chỉ rõ, trong mọi phước điền Ta là hơn hết; hướng về phương tây bước đi bảy bước là muốn nói rõ, Ta sẽ là người hoàn toàn đoạn tận sinh lão bệnh tử, trong cõi chúng sinh đây là thân cuối; hướng về phương đông bước đi bảy bước là muốn nói rõ trong mọi chúng sinh Ta là bậc thầy dẫn đường tối thượng; hướng về bốn gốc bước đi bảy bước là muốn nói rõ Ta sẽ đoạn tận mọi thứ tà thuyết, quét sạch phiền não, hành động của ma, thiên tử Tự Tại đều phải hàng phục, và Ta sẽ thành Ứng Cúng Đẳng Giác; nương giữa hư không, nhẹ đi bảy bước là Ta thị hiện không bị nhiễm ô, như hư không kia; hướng về phương dưới, bước đi bảy bước là muốn nói rõ, Ta sẽ phá bỏ tất cả lửa dữ ở trong địa ngục, nổi mây pháp lớn, rưới mưa pháp lớn, an lạc chúng sinh, mưa trận mưa đá đại pháp đè bẹp tất cả ác giới. Ta sinh ở cõi Diêm-phù-đề này thị hiện vẫn còn búi tóc là muốn cho chúng sinh biết búi tóc trên đầu của đồng tử kia chư thiên, loài người không ai có thể cầm dao đến cắt búi tóc ở trên đỉnh đầu Ta được. Trong vô số kiếp Ta đã từ bỏ búi tóc này rồi, nay lại thị hiện vẫn còn búi tóc là để tùy thuận thế gian mà thôi. Ta thị hiện vào trong miếu thờ trời, đại lực thiên thần, Thích Phạm hộ thế[162] cúi đầu cung kính đảnh lễ sát chân, vì vô số kiếp Ta đã làm thầy của cả trời, người, nay thị hiện vào miếu trời là để tùy thuận thế gian. Ở Diêm-phù-đề Ta còn thị hiện việc đeo khoen tai, nhưng thật ra chẳng có người nào dám đeo khoen cho Ta. Mái tóc xoắn tròn, rủ xuống bên phải như bờm sư tử, hết thảy nhân dân đều thấy tóc Ta như bờm sư tử, nhưng vô số kiếp Ta đã từ bỏ mái tóc rủ ấy, nay Ta thị hiện mái tóc xoắn tròn, rủ xuống bên phải như bờm sư tử là để tùy thuận thế gian mà thôi. Ở Diêm-phù-đề, Ta cũng thị hiện vào trong học đường, nhưng trong ba cõi không ai có thể làm thầy Ta được, duy chỉ có Ta làm thầy trời, người, vì vậy cho nên gọi Ta là bậc Nhất thiết chủng trí[163]. Nhiều kiếp Ta đã từng học thành tựu trí tuệ vô thượng, nhưng nay thị hiện vào trong học đường là để tùy thuận chúng sinh mà thôi. Ta cũng thị hiện cưỡi voi, cưỡi ngựa, xử dụng xe báu, giữ các kho báu, thân ở thâm cung hưởng thụ dục lạc, lãnh đạo việc nước, nhưng thật chưa từng bị những thứ đó làm cho nhiễm trước, vì từ lâu xa Ta đã xả ly tất cả thứ ấy như bỏ đàm giải. Ta còn thị hiện thụ năm món dục, lãnh đạo việc nước, làm Chuyển luân vương, vua Diêm-phù-đề, nhưng vô số kiếp Ta đã từ bỏ địa vị vua chúa, vận chuyển pháp luân cam lồ vô thượng, nay Ta thị hiện làm vua Chuyển luân chỉ là tùy thuận thế gian mà thôi. Ở Diêm-phù-đề Ta cũng thị hiện thấy cảnh sinh, già, bệnh, chết, rồi Ta từ bỏ cung vàng điện ngọc với mọi dục lạc xuất gia, mọi người đều thấy đồng tử xuất gia, nhưng Ta chỉ vì hóa độ chúng sinh và để tùy thuận thế gian nên mới thị hiện xuất gia. Ta cũng thị hiện chứng đắc bốn quả của bậc sa-môn là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, trải qua chín lớp thứ tự thiền định[164], tu bốn chân đế, chúng sinh đều thấy Ta rất mau chóng thành bậc La-hán không ai sánh bằng, nhưng nhiều kiếp trước Ta đã chứng quả cứu cánh La-hán, nay vì hóa độ mọi loài chúng sinh cho nên thị hiện lần đầu tiên chứng. Ta lại thị hiện đến dưới gốc cây trải cỏ làm tòa, hàng phục chúng ma thành đạo vô thượng, nhưng nhiều kiếp trước Ta đã hàng phục tất cả chúng ma và mọi phiền não, đã chứng đắc được pháp vị cam lộ. Ta cũng thị hiện thở ra hít vào, đại tiện tiểu tiện, nhưng thân Ta là pháp thân thanh tịnh đâu có các thứ phiền phức đó nữa, mà chỉ thị hiện theo cách thế gian. Thị hiện ăn uống là vì chúng sinh, kỳ thật Ta chẳng có niệm đói khát, thị hiện ăn uống là để tùy thuận theo cách người đời. Trong vô số kiếp Ta thường chứng đắc các ba-la-mật[165] thậm thâm vi diệu, nên chẳng còn bị thời tiết chi phối, nhưng phải tùy thuận theo cách thế gian, thị hiện ở trong nhà cửa phòng xá, kỳ thật không có mấy việc ngủ nghỉ, ợ, ngáp phiền phức. Thị hiện ngồi, nằm, kinh hành, dòm ngó, liếc qua, liếc lại, ngẩng lên, cúi xuống, kỳ thật pháp thân của Ta không có các cử chỉ đó. Thị hiện tắm rửa, thân thể sức dầu, dùng cành dương chi để mà súc miệng, nhỏ thuốc sáng mắt, nhưng mà pháp thân đâu có sử dụng những thứ không được thanh tịnh như vậy. Thân thể của Ta, tay chân mềm mại như cánh lá sen, miệng ngát hương hơm như hoa ưu-bát, đôi mắt trong sáng tựa như mặt trăng, nhưng để tùy thuận thế gian nên phải thị hiện thế kia. Ta còn thị hiện sống hạnh thiểu dục, khất thực xin ăn, mặc đồ phấn tảo[166], nhưng nhiều kiếp trước Ta đã thực hành thành tựu cứu cánh đời sống của một sa-môn khổ hạnh. Ta thị hiện giữa nhân gian làm cha của La-hầu-la, làm con của vua tên là Tịnh Phạn, mẹ là Ma-da, quyến thuộc đầy đủ, nhưng có khả năng từ bỏ cuộc sống an vui thế tục xuất gia học đạo, sống ở trong rừng, ngồi dưới gốc cây, đoạn mọi thô tế của năm món dục và những trạng thái thọ lạc khác nhau. Bỏ ngôi vương tử dòng họ Cù-đàm, thị hiện xuất gia hóa độ chúng sinh. Như Lai không hề đắm nhiễm năm món dục lạc khi làm cha La-hầu-la. Ta thị hiện có đầy đủ cha mẹ là để tùy thuận theo cách thế gian, chúng sinh đều thấy Ta là người thường, kỳ thật Như Lai chẳng như người trời, chẳng giống người đời. Lại nữa, ở Diêm-phù-đề Như Lai thị hiện nhập bát-nê-hoàn nhưng mà không phải vào nê-hoàn hẳn, chúng sinh đều bảo Như Lai vĩnh diệt, nhưng mà pháp thân Như Lai thường trụ, chẳng phải là pháp thay đổi, hoại diệt. Thị hiện nê-hoàn là pháp thường trụ của các chư Phật. Có khi thị hiện làm một tì-kheo phạm bốn tội trọng, mọi người đều thấy, nhưng mà kỳ thật Ta chưa bao giờ thể hiện giải đãi. Hoặc lại thị hiện làm nhất-xiển-đề, hoặc phá hoại Tăng, mọi người đều thấy Ta tạo tội nghiệp địa ngục Vô gián, nhưng mà kỳ thật Ta không hề có tâm phá hoại Tăng, thật ra không ai phá hoại Tăng được. Ở Diêm-phù-đề Ta còn thị hiện hộ trì chính pháp, mọi người đều thấy Ta là đại sĩ hộ pháp đắc lực, nhưng đây chỉ là pháp thường của Phật và hàng bồ-tát. Ở Diêm-phù-đề hiện làm Thiên ma ai cũng đều thấy, kỳ thật Ta không tạo nghiệp của ma. Ở Diêm-phù-đề hiện làm thân nữ, ai cũng ngạc nhiên: Lạ thay, hôm nay người nữ thành Phật! Nhưng mà kỳ thật Như Lai chưa từng làm thân nhi nữ, tùy theo nhân duyên và chỗ mong cầu của mọi chúng sinh mà thị hiện làm thân nam, thân nữ. Ở Diêm-phù-đề Ta thị hiện vào bốn loài súc sinh, mọi người đều bảo là súc sinh thật, kỳ thật Ta không tạo nghiệp súc sinh, thị hiện vào đó là để tùy thuận thế gian mà thôi. Ta lại thị hiện vào chúng Phạm thiên, làm thầy bọn họ, chỉ vì phương tiện dẫn dắt chúng sinh phụng thờ Phạm thiên để khiến cho họ kính tin chính pháp chứ Ta không hề tạo nghiệp Phạm thiên, hiện tướng Phạm thiên chỉ là tùy thuận thế gian mà thôi. Ta lại thị hiện vào trong nhà chứa độ các dâm nữ, không hề khởi lên ý tưởng tham dục, tâm như hoa sen chẳng nhiễm bùn nhơ. Thân tướng trang nghiêm, đến khắp những nơi ồn ào náo nhiệt, phương tiện dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh có tâm nhiễm ô. Ta lại thị hiện vào trong kỹ viện hiện làm kỹ nữ nhưng dùng chính pháp giáo hóa mọi người; vào trong học đường thị hiện làm thầy dạy bọn trẻ con; hoặc vào quán rượu, chiếu bạc, hý viện để giáo hóa người, nhưng Ta không hề tạo nghiệp như họ; đến nơi gò mả độ các chim thú, nhưng Ta chẳng phải là thân súc sinh; vào nhà trưởng giả truyền trao chính pháp; vào chốn đại thần chỉ dạy việc nước; vào chỗ thái tử dạy làm hộ pháp; vào nhà vương hầu làm bậc tiên vương vận dụng chính pháp để mà trị quốc; Ta còn thị hiện ra các mầm bệnh nhân đó chữa trị những người bệnh ấy, rồi đem chính pháp dạy họ chán lìa bệnh khổ của thân, chúng sinh cho rằng thật có mầm bệnh; Ta cũng thị hiện mất mùa đói khát rồi đem thức ăn cam lộ bố thí cho những chúng sinh đói khổ trở về nương tựa chính pháp, chúng sinh bảo rằng thật có kiếp đói; Ta còn thị hiện trận kiếp đao binh, khiến cho chúng sinh tổn hại lẫn nhau, nhân đó mới đem chính pháp giáo hóa khiến họ hòa vui, chúng sinh cho rằng thật có tai kiếp đao binh chiến trận; Ta lại thị hiện tướng trạng vô thường như lửa thiêu đốt, để dạy cho những chúng sinh chấp thường, chúng sinh đều bảo thật có tai họa lửa dữ thiêu đốt. Mỗi loài chúng sinh đều đồng ngôn ngữ giống loài của mình, nhưng ai cũng cho tiếng nói loài mình hơn mọi loài khác, nên Ta tùy thuận âm thanh họ ưa mà hóa độ họ. Ta lại thị hiện đủ cả bốn loại đất, nước, gió, lửa, tùy loại chúng sinh mê đắm loài nào nhân đó độ họ. Ta lại thị hiện làm những cây thuốc, tùy mỗi căn bệnh chữa trị độ thoát chúng sinh bệnh đó. Ta lại thị hiện vào chúng ngoại đạo xuất gia làm thầy dẫn dắt bọn họ, nhưng vô lượng kiếp Ta đã lìa hẳn nghiệp ngoại đạo rồi, thị hiện như vậy cốt đem chính pháp độ họ mà thôi. Ta lại thị hiện làm thợ khéo tay, làm thầy thuốc giỏi, làm thầy bùa chú, là để giáo hóa mọi loài chúng sinh và các ngoại đạo lòng đầy kiêu mạn, vận dụng chính pháp hàng phục mọi loài tà mạn, kiêu mạn, cống cao, ngã mạn, chúng sinh thấy vậy cho Ta là người thế tục tầm thường, nhưng Phật thường trụ lìa pháp thế gian. Thậm chí Ta cũng thị hiện làm kẻ tôi tớ hạ tiện để mà tùy thuận độ cho bọn họ. Trong Diêm-phù-đề thị hiện vô số nghiệp chủng khác nhau, kỳ thật Như Lai chưa từng làm việc giống như bọn họ. Thị hiện vô số tướng loài là để tùy thuận thế gian. Trong các cõi nước, Bắc Uất-đan-viết, Tây Câu-da-ni, Đông Phất-vi-kiến, hai mươi lăm cõi[167], cho đến ba ngàn đại thiên thế giới, Ta đã tùy thuận theo pháp thế gian hóa hiện vô vàn và nói rõ trong Lăng Nghiêm tam-muội. Như Lai thành tựu trí đại phương tiện, mọi việc Phật làm đều là thị hiện, vì vậy gọi là Đại bát-nê-hoàn.

Bậc đại bồ-tát trụ công đức Đại bát-nê-hoàn tất có khả năng tùy duyên biến hóa vô số giống loài chẳng hề sợ hãi. Ông chớ nghi ngờ Ta làm thân phụ của La-hầu-la. Phải biết Như Lai từ vô số kiếp đã lìa biển lớn sinh tử ái dục. Do đó Như Lai là pháp thường trụ, chẳng phải là pháp biến đổi, hư hoại.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Nếu Đức Như Lai là pháp thường trụ, chẳng phải là pháp hủy diệt từ từ, chẳng phải là pháp biến dị đổi thay, vậy thì tại sao Như Lai khen ngợi việc nhập nê-hoàn? Thí như đèn tắt, ánh sáng của nó đi về chốn nào không ai biết được?

Phật bảo Ca-diếp:

– Ông ví như vậy không đúng ý Ta. Này thiện nam tử! Thí như cây đèn đựng đầy dầu mỡ thắp lên sẽ sáng, đến khi dầu hết gọi là đèn tắt, nhưng mà kỳ thật cây đèn vẫn còn. Như Lai cũng vậy, loại dầu phiền não đã cháy hết rồi, nhưng đèn Như Lai vẫn còn chẳng mất. Nếu như dầu mỡ và đèn đều hết thì đức Như Lai nê-hoàn cũng vậy. Lửa tắt đèn còn, vì vậy Như Lai an lạc nê-hoàn chẳng còn chẳng mất. Lại nữa thiện nam! Ta nói đèn tắt là để thí dụ bậc A-la-hán, chẳng phải để nói về pháp nê-hoàn. Bậc A-la-hán đắc quả tăng thượng[168] thì đã diệt sạch mọi thứ tham muốn thức ăn ô uế ở trong cuộc đời, thí như đèn tắt. Bậc A-na-hàm nghĩa cũng như vậy. Vì vậy Ta đã phương tiện nói pháp vi diệu bí mật, chẳng nói nê-hoàn.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Bậc A-na-hàm có nghĩa là gì?

Phật bảo Ca-diếp:

– Không còn trở lại thụ thân này nữa là A-na-hàm.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn, Như Lai cũng giống những nhà ảo thuật, có pháp bí mật?

Phật bảo:

– Không phải! Pháp của Ta thuyết ví như trăng thu tròn đầy không khuyết, lìa dâm, nộ, si, không có che dấu, cũng không bí mật. Như ông trưởng giả lắm tiền nhiều của, chỉ có một con, thương yêu hết mực, đem đến nhà thầy để học bán tự[169]. Chưa được bao lâu, sợ con học vậy lâu được thành tài, trưởng giả đem con về lại nhà mình ngày đêm ân cần dạy cho bán tự. Thế nào thiện nam, người cha chỉ dạy con học bán tự có thể biết được tất cả các loại ký luận hay chăng? Nếu có thể biết tất cả ký luận vậy thì tại sao người cha chỉ dạy bán tự mà thôi? Với đứa con yêu lẽ đâu ông ấy dấu giếm không dạy ký luận hay sao?

Ca-diếp bạch Phật:

– Dạ không Thế Tôn! Vì đứa trẻ con chưa thể hiểu luận cho nên không dạy. Nếu ông tham tiếc giấu kín thì mới gọi là che giấu, đằng này lòng dạ thẳng ngay khích lệ, tùy sức đứa trẻ từ từ dạy dỗ nên không thể nói là che giấu được.

Phật bảo Ca-diếp:

– Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Đúng như ông nói, với tâm giận hờn, tham lam, keo kiệt giữ lại bí mật gọi là che giấu, nhưng Ta dùng tâm từ bi thương yêu tất cả chúng sinh y như con một, chỉ vì thấy con còn nhỏ không thể kham nhận giáo pháp thậm thâm vi diệu cho nên chưa dạy, như ông trưởng giả lúc đầu dạy con chỉ dạy bán tự. Ta cũng như vậy, dạy chín bộ kinh, mười trí, mười lực, bốn chân diệu đế, tám phần thánh đạo, luận ký thậm thâm, nhưng với giáo pháp Đại thừa phương đẳng thì chưa thể dạy. Lại nữa thiện nam! Như ông trưởng giả dạy đứa con cưng, trước học bán tự, học bán tự xong, lần lượt mới dạy ký luận thâm sâu, khiến con thông hiểu. Ta cũng như vậy, trước vì đệ tử dạy chín bộ kinh, khi biết đệ tử đã thông hiểu rồi, sau đó mới dạy luận ký Đại thừa: Như Lai trường tồn, chẳng phải là pháp thay đổi biến dị, khiến mọi chúng sinh mở rộng mắt huệ. Này thiện nam tử! Thí như mùa hạ, khi mây kéo về, sấm chớp rền vang ắt có mưa to, trăm loại thảo mộc đều được thấm nhuần. Ngày nay Như Lai cũng y như vậy, kéo mây sấm sét khởi đại pháp âm tuyên thuyết giáo pháp vi diệu bí mật Đại bát-nê-hoàn, ắt hẳn có mưa pháp vũ cam lồ an lạc chúng sinh.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Như Thế Tôn dạy chẳng hề giấu giếm, rõ ràng như việc đưa cơm vào miệng. Nhưng còn ý nghĩa như chim bay qua ở giữa bầu trời dấu vết khó tìm thì là thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

– Giấu là gom chứa, lấy về cho nhiều; giếm là cất giữ, cất giữ những gì đã nhận về được; đó là ý nghĩa hai chữ giấu giếm. Giấu giếm có hai: một là hữu vi, hai là vô vi. Giấu giếm hữu vi là những Thanh văn. Giấu giếm vô vi chính là Như Lai. Tăng có hai loại, đó là đẳng Tăng và vô đẳng Tăng. Đẳng Tăng chính là hàng Tăng Thanh văn. Hàng Tăng Thanh văn cũng không giấu giếm, vậy mà ngày nay tại sao có người nhận nuôi đầy tớ, cất giữ tiền bạc; đến như dầu vừng, muối ăn v.v… Như Lai còn không cho họ cất giữ, lẽ nào Như Lai cho họ nuôi chứa những vật như trên. Nếu ai bảo rằng Như Lai cho phép, kẻ ấy đời đời bị đọa lạc vào địa ngục Cắt Lưỡi. Đẳng Tăng Thanh văn không có giấu giếm, rõ ràng như việc đưa cơm vào miệng; tâm tư của họ không hề tham tiếc, như không tham tiếc mùi vị thức ăn, nơi mà họ đến như dấu chim qua, khó lòng tìm được. Những hạng người đó mau chóng thành đạo Vô thượng chính giác. Dấu vết khó tìm gọi là Như Lai. Hàng Tăng hữu vi còn không giấu giếm, huống Tăng vô vi! Tăng vô vi là chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai há có bí mật? Nếu có bí mật mới là giấu giếm. Khó tìm chính là chỉ cho nê-hoàn an lạc bất động, không có các tướng hư không, nhật, nguyệt, mây, mưa, đất, nước, lửa, gió, sinh già, bệnh, chết, phiền não. Thường trụ bất biến, an lạc bất động gọi là nê-hoàn. Vì chứng nê-hoàn nên gọi Như Lai đại bát-nê-hoàn. Đại có nghĩa là làm những việc lớn. Đại là tên gọi số đếm hữu vi, nếu có người nào thọ mạng dài lâu, thì gọi người đó là bậc đại thọ. Người có khả năng vận hành Phật pháp là bậc đại nhân ở trong loài người. Người nào thành tựu tám điều giác ngộ của bậc đại nhân, gọi là đại nhân. Cho nên chữ đại là tên số đếm của pháp hữu vi. Nê-hoàn nghĩa là lìa mọi ung nhọt. Thí như một người bị trúng tên độc, đau đớn vô cùng, may nhờ gặp được thầy thuốc chữa trị, vết thương đau đớn ắt được chữa lành. Người thiện nam đó lìa khỏi ung nhọt, ông thầy thuốc ấy lại qua nước khác chữa bệnh ung nhọt cho mọi chúng sinh. Đức Phật Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác cũng làm như thế, tất cả chúng sinh trong Diêm-phù-đề từ vô lượng kiếp bị nhiễm các độc phiền não tham dâm, giận hờn, si mê làm cho khổ đau, Như Lai dùng thuốc pháp vị cam lộ Đại thừa để trị những bệnh khổ ấy. Những chúng sinh này dứt bệnh khổ rồi, Ta lại thị hiện đi qua nước khác chữa trị bệnh khổ chúng sinh ở đó, vì vậy nên gọi Đại bát-nê-hoàn. Nghĩa lý chân thật và nghĩa phương tiện đều được gọi là Đại bát-nê-hoàn. Ta thị hiện vào sáu nẻo luân hồi và đường giải thoát, bất cứ chỗ nào, tùy theo chỗ cảm thụ của chúng sinh mà Ta giáo hóa, vì ý nghĩa này cho nên gọi là Đại bát-nê-hoàn.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Cách chữa trị bệnh của ông thầy thuốc, phải chăng trị dứt bệnh khổ mọi người ở chỗ này xong, ông lại xuất hiện ở một nơi khác trị bệnh cho người?

Phật bảo:

– Đúng vậy! Này thiện nam tử, có thể điều trị tất cả các bệnh khiến cho được lành, chỉ trừ bệnh nặng không thể chữa được. Chư Phật Thế Tôn cũng giống như vậy, trừ nhất-xiển-đề, mọi người còn lại đều được chữa khỏi.

Ca-diếp lại thưa:

– Giải thoát là gì? Có bao nhiêu loại?

Phật bảo Ca-diếp:

– Giải thoát có hai, sắc và vô sắc. Vô sắc chính là giải thoát của hàng Thanh văn, Duyên giác. Sắc là giải thoát của đức Như Lai. Giải thoát thuộc sắc, không nói đến sắc. Bởi vì sao vậy? Ví như chúng sinh ở cõi Phi tưởng, Phi phi tưởng kia, thân vừa có sắc, vừa không có sắc, nhưng đâu thể nói là họ có sắc. Nếu ai hỏi rằng chúng sinh Phi tưởng, Phi phi tưởng kia, thân vừa có sắc, vừa không có sắc, nhưng đâu thể nói là họ có sắc, thì họ sẽ trụ vào ở chỗ nào? Khoái lạc ra sao? Ông trả lời rằng đó là cảnh giới của các chư Phật, chẳng phải là điều Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Cúi xin Thế Tôn giảng lại ý nghĩa giải thoát nê-hoàn của Phật Như Lai.

Phật bảo Ca-diếp:

– Giải thoát nghĩa là xa lìa mọi sự trói buộc hòa hợp. Lìa hòa hợp là sinh mà không sinh, như có cha mẹ mới sinh ra con thì gọi là sinh, còn như giải thoát thì không như vậy, nó như đề hồ tính vốn tinh khiết, không nhờ cha mẹ ái dục nuôi lớn, vì độ chúng sinh thị hiện có sinh, nên giải thoát là sinh mà chẳng sinh. Lại nữa sinh là như gieo hạt giống nó nảy thành mầm, còn nghĩa giải thoát thì không như vậy, nên nói giải thoát vốn chẳng phải sinh. Giải thoát như vậy chính là Như Lai. Thế nên Như Lai sinh mà không sinh, tạo tác nhưng mà không hề tạo tác. Tạo tác thật sự là như thành quách, lầu quán do người tạo tác mà ra, giải thoát chân thật thì không như vậy, giải thoát nghĩa là không người tạo tác. Giải thoát như vậy chính là Như Lai. Vì vậy nên biết Như Lai nghĩa là không còn tạo tác, gọi là vô vi. Còn nghĩa hữu vi, thì như thợ gốm lấy đất sét nặn ra các đồ dùng, có làm có hư, giải thoát chân thật thì không như vậy, không có tạo tác, không có hư hoại, vì vậy giải thoát là không tạo tác, là không hư hoại. Sự giải thoát đó tức là Như Lai. Nên biết Như Lai không sinh, không tử, vì vậy Như Lai là pháp vô vi, nên nói Như Lai nhập đại nê-hoàn không có các tướng già suy sức yếu. Thân thể khô gầy, thể lực suy kém, tóc bạc răng rụng là tướng già yếu, giải thoát chân thật thì không như vậy, vĩnh viễn xa lìa các tướng già suy gọi là giải thoát, giải thoát như vậy gọi là Như Lai. Như Lai không có các tướng già suy nên gọi không bệnh. Hễ nói tới bệnh thì có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh, ngoài ra đau ốm đột ngột thì nhiều không thể kể hết. Lìa mọi bệnh này gọi là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Pháp thân thanh tịnh, không có bệnh hoạn cho nên mới nói Như Lai vô bệnh. Vì không có bệnh nên chẳng có chết. Chúng sinh thường chết, vì chẳng giải thoát, có tận có tử. Vĩnh viễn thoát khỏi sự chết trói buộc gọi là giải thoát. Sự giải thoát đó tức là Như Lai. Như Lai thành tựu vô lượng công đức thượng diệu như vậy. Nói rằng Như Lai vẫn còn bị chết là điều hoang đường. Thân của Như Lai pháp thân kim cương, thanh tịnh không hoại, cho nên không chết, lìa mọi cấu uế, thì làm sao có tướng của vô thường biến hoại đổi thay. Thí như váng sữa đọng lại từng lớp trắng ngần tuyệt đẹp, giải thoát chân thật thì không như vậy. Giống như sen trắng, thanh tịnh vô nhiễm, giải thoát của Phật cũng giống như vậy, vĩnh viễn xa lìa ái dục nhơ bẩn, vì vậy Như Lai gọi là vô nhiễm, lìa mọi ngăn ngại. Nếu có người chủ quản chế nghiêm ngặt gọi là ngăn ngại, giải thoát chân thật thì không ngăn ngại, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là vô ngại thanh lương. Đối với người đời, chốn thanh lương nhất chính là cõi trời, nhưng nói như vậy là lời dối gạt, bởi vì chỉ có giải thoát mới là chân thật thanh lương. Sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là thanh lương an ổn. Sự an ổn đó, thí như đường đi không gặp giặc cướp gọi là an ổn, giải thoát chân thật thì không như vậy, tính không sợ hãi gọi là an ổn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là an ổn vô úy, lìa mọi sợ hãi. Sự sợ hãi đó, thí như quốc vương thường sợ kẻ thù, giải thoát chân thật trọn không sợ hãi, thí như ông vua Chuyển luân thánh vương chẳng có sợ hãi, giải thoát chân thật cũng giống như vậy, sự giải thoát đó chính là Như Lai. Như Lai chuyển vận bánh xe pháp vương tối thắng vô thượng chẳng có kẻ thù, vì vậy Như Lai không sợ không lo. Sự lo sợ đó, thí như quốc vương có người mưu phản mà không khả năng để hàng phục nó nên thường lo sợ. Giải thoát chân thật thì không có những nỗi lo như vậy, thí như quốc vương đã hàng phục được kẻ thù trong nhà không còn lo lắng, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Như Lai không có lo âu sợ hãi, lìa mọi bợn nhơ. Sự bợn nhơ đó thí như gió xuân thổi tung bụi đất, giải thoát chân thật lìa mọi bụi bặm, như Chuyển luân vương cột viên minh châu ở trong búi tóc bụi không vấy bẩn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, cho nên Như Lai lìa mọi bợn nhơ, lìa mọi hư dối. Sự hư dối đó dụ như ngói bể, giải thoát chân thật thì không như vậy, giống như kim cương chắc thật không bể, sự giải thoát đó tức là Như Lai, cho nên Như Lai là không hư dối, luôn luôn tự tại. Không được tự tại là như những người bần cùng thiếu nợ tài vật của chủ, bị chủ quản chế chẳng được tự do. Giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là tự tại vô ngại, chẳng ai xâm hại. Sự xâm hại là, thí như một người mùa xuân chịu nóng, mùa hạ uống rượu, mùa đông chịu rét, thì thân tổn thương, tự xâm hại mình. Giải thoát chân thật thì không như vậy, chẳng bị xâm hại, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Nên Như Lai là không bị xâm hại, lìa mọi nhơ bẩn, thí như hư không chẳng chút bợn nhơ. Giải thoát chân thật cũng y như vậy, chẳng có bợn nhơ, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Nên Như Lai là không có bợn nhơ, không còn ràng buộc. Ràng buộc nghĩa là vương vấn bạn bè, bà con quyến thuộc, giải thoát chân thật thì không còn sự ràng buộc như vậy, như Chuyển luân vương vui thú một mình không cần bè bạn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là chẳng ai ngang bằng. Như loài hoa sen sinh ra trong nước là chuyện bình thường, hoa sen sinh ra từ ở trong lửa mới là kỳ đặc, mọi người ưa thích, giải thoát chân thật cũng y như vậy, mọi người ưa thích, sự giải thoát đó tức là Như Lai, cho nên Như Lai là bậc hy hữu, kỳ đặc vô cùng chẳng ai sánh kịp. Thí như trẻ con chưa mọc răng được, thì không thể khiến cho răng mọc liền, giải thoát chân thật cũng y như vậy, kẻ sống phi thời buông lung phóng túng mà được chứng quả thì không thể có, như nhất-xiển-đề, giải đãi làm biếng, nằm dài suốt ngày mà nói thành Phật là chuyện hoang đường. Giả sử cư sĩ tại gia năm giới tin sâu Phật pháp muốn cầu giải thoát đến bờ bên kia còn không thể được, huống là những kẻ lười biếng nằm dài. Vì sao như vậy? Bởi vì bản tính thì không thể nhờ kẻ khác mà thành, cho nên giải thoát chẳng ai sánh kịp, sự giải thoát đó tức là Như Lai, vì vậy Như Lai không ai sánh kịp, vô lượng vô số. Thí như biển lớn vẫn lường đếm được, giải thoát chân thật chẳng lường chẳng đếm, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là tối thắng vô lượng. Sự tối thắng đó chẳng thể so sánh, thí như biển lớn không gì sánh bằng, sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là vời vợi tối thắng. Sự vời vợi đó thí như hư không chẳng gì vượt qua, sự giải thoát đó chính là Như Lai, Như Lai vời vợi, vua trong hàng thánh, thí như sư tử chúa tể muôn loài, giải thoát chân thật là vua các pháp, ánh sáng giải thoát chiếu khắp các pháp, sự giải thoát đó chính là Như Lai, cực kỳ cao tột. Như trong các cõi thì Uất-đan-viết[170] là thù thắng nhất, giải thoát tối thượng cũng y như vậy, sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là tối thượng bậc nhất không gì cao hơn, như trong các cõi thì Uất-đan-viết là thù thắng nhất, vô thượng giải thoát cũng y như vậy, sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là pháp thường vô thượng. Giống như sự chết đối với trời, người là pháp thường vậy, nhưng với pháp thường của sự giải thoát thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là thường trụ kiên cố. Cây chuối, bọt nước thì không bền chắt, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi tệ lậu. Thí như vách gỗ đã bị mục nát là chỗ sinh sống của loài mối mọt, còn sự giải thoát thì không như vậy, như tường sơn láng không gì bám trụ, giải thoát như vậy tất cả điều ác không thể nhiễm được, sự giải thoát đó tức là Như Lai, chẳng có giới hạn. Thí như tụ lạc, quốc thổ mới có ranh giới giới hạn, giải thoát chân thật thì không như vậy, thí như hư không khoái lạc vô biên, sự giải thoát đó tức là Như Lai, vi diệu vô cùng, chẳng có dấu vết. Như chim bay ngang dấu vết chẳng hiện, giải thoát không còn để lại dấu vết cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thâm sâu khó lường. Cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng lớn khôn, ân đức thậm thâm không thể đo lường, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thâm sâu khó thấy. Như các chúng sinh, mỗi mỗi tự thân đều có bản tính Như Lai của mình rất là vi diệu nhưng lại sâu kín rất là khó thấy, giải thoát chân thật vi diệu bí mật khó thấy hơn vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, không thể thấy được. Giống như đỉnh tướng[171] không thể thấy được, giải thoát như vậy chẳng phải Thanh văn và hàng Duyên giác có thể thấy được, sự giải thoát đó tức là Như Lai, không có nhà cửa. Gọi là nhà cửa bởi có phòng ốc làm chỗ cư trú, giải thoát chân thật thì không như vậy, thí như hư không, vĩnh viễn không thể làm chỗ ở cho hai mươi lăm cõi sinh tử cư ngụ, sự giải thoát đó tức là Như Lai, không có nắm giữ. Nắm giữ nghĩa là, như tay cầm nắm trái a-ma-lặc[172], giải thoát chân thật thì không như vậy, như nhà ảo thuật làm trò biến hóa không thể nắm được, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi uế tạp. Uế tạp nghĩa là như dùng da trâu lốm đốm nhiều màu để làm y phục, giải thoát chân thật thì không như vậy, thí như lấy sữa đúng thời đúng kỳ, thì thứ sữa ấy một màu một vị, giải thoát chân thật cũng y như vậy, một tướng vi diệu, sự giải thoát đó tức là Như Lai, bản tính thanh tịnh. Nước ao tù đọng thì không trong sạch, giải thoát chân thật thì không như vậy, như nước trời mưa một vị trong sạch, sự giải thoát đó tức là Như Lai, bản tính chân diệu. Giống như trăng trong chẳng chút mây che, giải thoát cũng vậy chân diệu vô nhiễm, sự giải thoát đó tức là Như Lai, chân diệu định tĩnh. Cứu lửa đang cháy hừng hực trên đầu thì không định tĩnh, còn sự giải thoát diệt sạch tai họa phiền não đốt cháy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính nó bình đẳng. Không bình đẳng là như hai người điên, tính không bình thường, giải thoát chân thật thì không như vậy, bản tính bình đẳng giống như mẹ con, sự giải thoát đó tức là Như Lai, bản tính tịch diệt, đến chỗ tối thượng, không còn điều gì để mong cầu nữa, giống như một người đói khát cùng cực mà được cơm ngon no đủ thỏa ý thì chẳng mong cầu thêm điều gì nữa, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính đã đoạn tận. Thí như lưỡi câu, mồi câu, dây câu đều đã đoạn sạch, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, đã đến bờ kia. Thí như dòng sông có bến có bờ, sinh tử vô lượng gọi là bờ này, giải thoát chân thật gọi là bờ kia, giải thoát chân thật tức là Như Lai, thanh tịnh lắng sâu. Lắng sâu nghĩa là chẳng như nước sông mà như biển lớn, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, chỉ thuần một vị, như cư-xá tử[173], thuần một vị đắng, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi buông lung. Buông lung tức là đam mê năm dục, giải thoát chân thật thì không như vậy, tính nó thanh tịnh, lìa dâm, nộ, si, sự giải thoát đó tức là Như Lai, điều phục khát ái. Ái có hai loại: niệm ái, pháp ái. Pháp ái tức là thương nhớ chúng sinh, giải thoát chân thật không có niệm ái, lìa ngã, ngã sở, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính nó diệt tận. Hết thảy tập khí sinh tử trói buộc đều đã diệt hết gọi là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, ví như thế gian là nơi che chở mọi sự tạo tác, sự giải thoát đó tức là Như Lai, làm chỗ nương tựa cho cả thế gian. Thí như quốc vương dạo chơi nước nhỏ, giải thoát chân thật thì không như vậy, bất động khoái lạc gọi là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, ở bất cứ đâu cũng thường an ổn. Chẳng hạn ở nơi đồng trống có nhiều hiểm nạn, sợ hãi, giải thoát chân thật thì không như vậy, giống như sư tử chúa tể muôn loài chẳng có sợ hãi, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thoát mọi bức bách. Thí như một người bị thú dữ đuổi chẳng ai cứu hộ để thoát hiểm nạn, giải thoát chân thật thì không như vậy. Như người lái thuyền, được con thuyền tốt vượt qua biển lớn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thoát mọi nhơ bẩn. Thí như từ sữa mà làm ra lạc, rồi lại từ lạc làm ra sinh tô, rồi từ sinh tô làm ra thục tô, rồi từ thục tô làm ra đề hồ, chỉ có đề hồ mới có tính chất tinh khiết bậc nhất, lìa mọi bợn nhơ, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, hàng phục tâm niệm cống cao ngã mạn. Thí như quốc vương cao mạn tự đại bảo rằng chẳng ai có thể bằng mình, giải thoát chân thật thì không như vậy, lìa mọi tâm niệm cống cao ngã mạn, vô ngã, ngã sở, sự giải thoát đó tức là Như Lai, diệt trừ vô minh. Thí như từ sữa mà làm ra lạc triển chuyển tương sinh cho đến đề hồ, như vậy đề hồ là chất tinh khiết, tự nó không còn tạp chất, nhơ bợn, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thoát dục nhàn tĩnh, không có hai pháp ngang nhau bằng nhau. Thí như voi chúa, không ở chung đàn, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi dối lừa, giải thoát ngã sở, vào Như Lai tạng[174]. Thân của trời, người và a-tu-la không được chắc thật, như cây y lan[175], cây lau, cây chuối, chẳng có bền chắc, lìa Như Lai tạng. Giải thoát chân thật thì thể nhập trong mật tạng Như Lai, lìa mọi hư ngụy, đoạn tất cả hữu, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, vào chính pháp Phật. Phi chính pháp là như hoa bách diệp, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nhập vào nhất tính. Muôn tính nghĩa là tính mọi chúng sinh, thọ mạng sai khác là thọ mạng của tất cả chúng sinh, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nhập vào nhất xứ. Mọi ngõ thể nhập không có ngã sở, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Thiện pháp nghĩa là, thí như đứa con có hiếu cha mẹ, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Ra khỏi thế gian nghĩa là vượt trên tất cả các pháp, trong tất cả vị thì vị giải thoát chân thật là nhất, sự giải thoát đó tức là Như Lai, trạm nhiên bất động. Động ở đây là như biển nổi sóng, giải thoát chân thật thì không như vậy, phướng nhân-đà-la[176] gió bốn phương thổi vẫn không lay động, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thẳng lên nhà Pháp. Nhà của thế gian lớn lắm cũng như cung điện của vua, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Ánh sáng chiếu lòa như luyện vàng ròng, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Nghỉ ngơi khoái lạc, thì như quốc vương vừa hàng phục xong các nước đối địch thân tâm khoái lạc, giải thoát chân thật xả trừ khổ ấm, nê-hoàn khoái lạc, sự giải thoát đó tức là Như Lai, đạt đến cứu cánh, chẳng còn dư tàn, lìa mọi trói buộc lao ngục sinh tử. Thí như tù nhân mãn hết tội tù được cho ra ngục, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi kết độc. Như được giải thoát vô lượng phiền não, độc xà kết hoạn, đoạn tất cả hữu, lìa tất cả khổ, được tất cả lạc, được giải thoát mãi, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa dâm, nộ, si. Tất cả phiễn não đã đoạn hết sạch, nhổ gốc ba độc, giải thoát vô dư, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa tất cả hữu. Đoạn diệt hoàn toàn tất cả chư hữu, thể nhập nê-hoàn, cứu cánh giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, siêu việt các ấm. Siêu việt tất cả các pháp bất thiện, giải thoát lâu dài, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa nơi tự ngã và mọi ngã sở. Cuộc đời vô ngã, vô ngã chân thật thì Phật tính sẽ hiển hiện rõ ràng, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính như hư không. Hư không nghĩa là không thể nắm bắt những gì vốn có, những gì vốn không, như các Ni-kiền có niệm sở hữu và không sở hữu, giải thoát chân thật thì không như vậy. Lại nữa, về nghĩa chữ không, thì như bình mật, nếu không có mật  gọi là bình không, kỳ thật chẳng phải không có cái bình, do không có vật gì ở trong đó, nên gọi bình không, nhưng mà hình sắc cái bình vẫn còn cho nên biết rằng chẳng phải không có, nghĩa chẳng phải không của sự giải thoát cũng y như vậy, có hình có sắc cho nên mới nói chẳng phải là không. Đã diệt hoàn toàn vô lượng phiền não, hai mươi lăm cõi, luân chuyển sinh tử, thế giới hành xứ tới lui đã hết, giống như không có mật ở trong bình gọi là bình không, đã diệt hoàn toàn mọi thứ họa hoạn nên gọi là không, giống như cái bình. Lìa pháp thế gian, chu du khắp chốn, lòng thường khoái lạc, chẳng hề lay động, thường trụ bất biến, nhưng cái bình kia là pháp vô thường, còn sự giải thoát thường trụ bất biến, cho nên gọi là không mà chẳng không, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa chỗ chấp trước. Chấp trước nghĩa là mê làm Đế thích, Đại lực, Phạm thiên. Tuệ giác tròn đầy nghĩa là giải thoát mọi sự ái chấp, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tham dục diệt hết. Tất cả mong cầu về sự tham muốn cũng đều diệt hết, thoát mọi đam mê gọi là diệt hết, sự diệt hết đó tức là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nê-hoàn khoái lạc. Trạng thái nê-hoàn, ví như bầy nai thấy đám thợ săn sợ đến chết khiếp, trốn vào núi sâu, gặp động tiên nhơn liền được yên nghỉ an ổn khoái lạc, sự khoái lạc đó gọi là nê-hoàn. Trạng thái nê-hoàn chẳng hề chấm dứt, giải thoát hoàn toàn tất cả các hữu, vô lượng sinh tử, phiền não đảo điên, oan gia trái thù, phương tiện trốn vào gặp được động tiên đó là chính pháp, nương tựa chư Phật, chính Pháp và Tăng, an ổn khoái lạc vô lượng chúng sinh. An ổn khoái lạc tức là nê-hoàn, chẳng hề diệt tận. Nếu chúng sinh nào quy y Tam bảo gọi là nê-hoàn, huống là Như Lai Nhất thiết chủng trí, xả hẳn thân này mà không phải là an ổn khoái lạc nê-hoàn hay sao! Nhập nê-hoàn là, như kẻ bị say, có người đến hỏi ông an lạc không? Kẻ say tỉnh lại đáp rằng an lạc, chúng sinh cũng vậy, trong vô lượng kiếp say vùi sinh tử trong hai lăm cõi, khi đã tỏ ngộ an ổn khoái lạc, an ổn mãi mãi, giải thoát bất động, không phải diệt tận, sự giải thoát đó tức là Như Lai.

Bấy giờ bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Không sinh, không khởi tức là giải thoát, là Như Lai chăng?

Phật bảo Ca-diếp:

– Đúng vậy, đúng vậy! Này thiện nam tử! Không sinh, không khởi tức là giải thoát, cũng là Như Lai.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:

– Tính của hư không, không sinh không khởi, là Như Lai chăng?

Phật bảo Ca-diếp:

– Cứu cánh giải thoát chẳng như hư không. Lại nữa thiện nam! Tiếng hót thanh thoát, vi diệu của chim ca-lăng-tần-già và chim cộng mạng có giống với loài chim cú hay không?

Ca-diếp bạch Phật:

– Dạ không, Thế Tôn! Âm thanh của chúng khác nhau nhiều lắm, không thể thí dụ. Vì nhân duyên gì chư Phật Như Lai lại dùng phương tiện nói thí dụ này?

Phật bảo Ca-diếp:

– Lành thay! Lành thay! Ông khéo hiểu được thâm ý của Phật! Cho nên giải thoát chính là Như Lai, Như Lai tức là sự giải thoát ấy, sự giải thoát này không thể ví dụ. Chư thiên, loài người, chúng a-tu-la… tất cả muôn loài không thể lấy cái không thể ví dụ làm ví dụ được, chỉ có Như Lai vì để giáo hoá mới dùng phương tiện lấy cái chẳng phải ví dụ để làm ví dụ mà nói về sự giải thoát. Vì sao như vậy? Bởi sự giải thoát tức là Như Lai, Như Lai chính là sự giải thoát ấy, không hai, không khác. Không thể ví dụ lấy làm ví dụ như vầng trăng tròn, thân voi trắng lớn dụ như núi tuyết, chư Phật Thế Tôn cũng y như vậy, nói đến những điều chẳng phải ví dụ dụ cho giải thoát, vì để giáo hoá chúng sinh nên thuyết pháp phương tiện và thuyết pháp chân thật.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Vì sao phải thuyết pháp bằng hai cách?

Phật bảo Ca-diếp:

– Này thiện nam tử! Thí như có người khởi tâm sân hận với đức Như Lai, liền lấy dao kiếm tổn thương Như Lai, nhưng đức Như Lai không bị tổn thương. Này thiện nam tử, vậy thì người kia có bị mang tội Vô gián hay không?

Ca-diếp bạch Phật:

– Dạ không, Thế Tôn! Bởi vì sao vậy? Bởi thân Như Lai vẫn được bảo toàn, không bị thương tổn, cho nên không mắc tội nặng Vô gián. Thân của Như Lai pháp thân tự tại, không phải là thân cần được nuôi dưỡng, làm sao tổn hại! Tuy nhiên người kia khởi tâm độc ác, vì lý do đó mắc tội Vô gián. Đây là cách thuyết pháp phương tiện và thuyết pháp chân thật.

[875c] Phật bảo:

– Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Pháp của Ta thuyết cũng giống như vậy. Lại nữa thiện nam! Ví như có một đứa con bất hiếu muốn hại mẹ mình. Bà mẹ biết được nên đã bỏ xứ chuyển đi nơi khác. Đứa con không biết mẹ mình đã đi, nên về quê cũ, đem theo dao gậy, rồi tự bảo rằng đã giết mẹ mình, nhưng mà kỳ thật thì chưa giết mẹ. Thế nào thiện nam! Như đứa con đó có bị đọa vào địa ngục Vô gián?

Ca-diếp bạch Phật:

– Dạ không, Thế Tôn! Nếu như sự việc giết mẹ đã được thực hiện hoàn tất thì mới mang tội địa ngụcVô gián, nhưng nay thân thể của người mẹ kia không bị tổn thương thì chưa mang tội địa ngục Vô gián, nhưng sẽ mang tội tương tự Vô gián, cũng như Vô gián, như vậy gọi đây là thuyết phương tiện và pháp chân thật.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng:

– Lành thay! Lành thay! Thế Tôn khéo dạy phương tiện đáng làm và không đáng làm.

[875c] Phật bảo Ca-diếp:

– Vì có nhân duyên nên mới tuyên thuyết về pháp giải thoát, vì có nhân duyên nên mới giảng rộng về các thí dụ. Thành tựu vô lượng công đức như vậy gọi là nê-hoàn, cũng là Như Lai, và đó chính là hướng đến bên kia đại bát-nê-hoàn. Hôm nay Như Lai sẽ nhập nê-hoàn, vì ý nghĩa đó cho nên gọi là đại bát-nê-hoàn.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Kính bạch Thế Tôn! Đúng thật Như Lai không hướng đến sự diệt tận hoàn toàn. Chúng con nay biết thọ mạng Như Lai là vô cùng tận.

Phật bảo Ca-diếp:

– Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Hộ trì chính pháp phải nên như vậy, phải diệt tất cả mọi tâm nghi ngờ, học trí quyết định. Này thiện nam tử! Như vậy là bậc đại bồ-tát đã thành tựu bốn pháp, khéo léo thuyết giảng bộ kinh phương đẳng Đại bát-nê-hoàn.

Kinh Đại bát-nê-hoàn, hết quyển 3

[141] Kinh ví dụ Cây Khô, tức khô thụ kinh 枯樹經; gđ: Phật thuyết khô thụ kinh 佛說枯樹經, Đại chính tập 17, kinh số 806, trang 751, thất dịch.

[142] Đại thí 大施: thí chủ lớn.

[143] Ba món tịnh nhục (tức tam tịnh nhục 三淨肉): ba loại thịt mà người bệnh có thể ăn được, gọi là tịnh nhục. 1. Mắt không thấy giết, tận mắt không thấy người ta vì mình mà giết sinh vật cho mình ăn. 2. Tai không nghe giết, với người có thể tin được, không nghe họ vì mình mà giết sinh vật cho mình ăn. 3. Không nghi giết, biết chỗ này có nhà đồ tể, hoặc có sinh vật tự chết, cho nên không nghi ngờ vì mình mà sinh vật bị giết (PQĐTĐ).

[144] Chín cách nhận thức ăn là, thuở xưa, đức Phật tạm chế cho ăn những loại thịt mà bản thân người ăn không thấy, không nghe, không nghi. Dù đã chế định như vậy, nhưng sự tổn hại sinh mạng vẫn còn nhiều, do đó, lần thứ hai đức Phật chế định cho phép nhận thức ăn có thịt không thấy, nghe, nghi, trừ mười loại thịt: người, rắn, voi, ngựa, lừa, chó, sư tử, heo, chồn, khỉ. Tuy nhiên, sự tổn hại sinh mạng vẫn còn nhiều, cho nên, đức Phật chế định lần thứ ba khiến được tường tận. Ba việc nêu trên, mỗi việc trước sau đều có phương tiện, mỗi việc lại có ba trường hợp, cộng lại thành chín, đó là: Thấy có ba trường hợp là chứng kiến thấy đoạn sự sống, thấy đem đi giết, thấy mổ xẻ sau khi ghiết. Nghe có ba trường hợp là nghe thấy tiếng kêu la khi giết, nghe kéo đi giết, nghe cắt xẻ sau khi giết. Nghi có ba trường hợp nhưng cũng không lìa các trường hợp thấy và nghe. Nghi đây là thức ăn người ta vì mình mà giết, cho đến các trường hợp trước sau dẫn đến có thịt cho mình ăn đều nghi là vì mình (Theo Kinh Đại Bát Niết-bàn tập giải, quyển 11).

[145] Ni-kiền-tử 尼揵子 (S: nirgrantha), một trong 6 ngoại đạo lớn thời Ấn Độ cổ đại (ĐPB).

[146] Sát khí 殺氣: vẻ chém giết hiện ra bên ngoài.

[147] Hưng cừ 興蕖 (S: hiṅgu): một trong năm món gia vị (ĐPB).

[148] Danh tự tì-kheo 名字比丘 (S: saṃjñ-bhikṣu): tì-kheo giả, không phải người tu hành chân thật, đó là những người làm thầy mà không thụ giới, hoặc không giữ giới thanh tịnh (PQĐTĐ).

[149] Bạch y 白衣 (S: avadāta-vasana): chúng cư sĩ tại gia (PQĐTĐ).

[150] Cà-sa 袈裟 (S: kaṣāya): y áo của tu sĩ các tì-kheo, may bằng nhiều mảnh vải đủ loại, đủ màu sắc (PQĐTĐ).

[151] Tụng luận 頌論: làm luận theo thể văn vần, hoặc thi kệ.

[152] Ba-la-đề-mộc-xoa 波羅提木叉 (S: prātimokṣa): giới luật (PQĐTĐ).

[153] Tỳ-ni 比尼 = 毘尼 (S: Vinaya): tạng luật (PQĐTĐ).

[154] Bố-tát 布薩 (S: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa): tụng giới (PQĐTĐ).

[155] Kim Luân 金輪 (S: cakra-ratna): tức Kim Luân Bảo, vật báu của Chuyển luân thánh vương được làm bằng kim cương. Theo truyền thuyết, khi Kim Luân chuyển động về hướng nào thì xứ đó đều quy phục. Kim Luân xuất hiện thì thiên hạ thái bình (PQĐTĐ).

[156] Khế kinh 契經: kinh điển trên khế hợp chân lý của Phật, dưới phù hợp căn cơ chúng sinh (ĐPB).

[157] Tổng trì 總持 (S: Dhāraṇi): có nghĩa giữ cho điều thiện không mất, điều ác không khởi, lấy niệm, định, tuệ làm thể. Chư Phật, Bồ-tát nhờ tu niệm, định, tuệ mà có đầy đủ công đức này, nên gọi là tổng trì (ĐPB).

[158] Thất giác 七覺 (S: saptabodhyaṇgāni): tức thất giác chi, bảy pháp tu tập hướng đến bồ-đề, đạt được trí tuệ, gồm niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, và xả giác chi (ĐPB).

[159] Ngũ dục 五欲 (S: pañca kāmāḥ): chỉ sắc, thanh, hương, vị, xúc, hoặc tài, sắc, danh, thực, thùy (ĐPB).

[160] La-hầu-la 羅睺羅 (S: Rāhula): con trai thái tử Tất-đạt-đa, tức đức Phật trước khi xuất gia. Sau trở thành một trong mười đại đệ tử của Phật, nổi danh “mật hạnh đệ nhất” (PQĐTĐ).

[161] Định Thủ Lăng Nghiêm (tức Thủ Lăng Nghiêm tam-muội 首楞嚴三昧; S: śūraṃgama-samādhi): định Thủ Lăng Nghiêm, kiên cố và nhiếp trì tất cả các pháp, là một trong 108 cảnh giới thiền định, chỉ có chư Phật và hàng Bồ-tát Thập địa chứng đắc được định này (PQĐTĐ).

[162] Thích Phạm hộ thế 釋梵護世: tức Đế thích và Phạm vương, là những thiên thần hộ trì thế giới và Phật pháp (ĐPB).

[163] Nhất thiết chủng trí, xem chú thích quyển 1.

[164] Chánh văn ghi cửu thứ chính thụ 九次正受: tức cửu thế đệ định (S: navānupūrva-samāpattayaḥ), gồm tứ thiền, tứ vô sắc và diệt thọ tưởng định (ĐPB).

[165] Ba-la-mật 波羅蜜 (S: Pāramitā): sự vượt thoát từ bờ sinh tử mê muội bên này qua bờ Niết-bàn giải thoát bên kia  (PQĐTĐ).

[166] Phấn tảo 糞掃 (S: pāṃsu-kūla): loại áo được khâu thành từ những mảnh áo rách, vải vụn mà người ta vứt bỏ đi ở nơi bãi rác, bãi tha ma, rồi nhặt về giặt sạch may thành y phục để mặc (ĐPB).

[167] Hai mươi lăm cõi (tức nhị thập ngũ hữu 二十五有): 25 cảnh giới chúng sinh qua lại sinh tử luân hồi, bởi vì gây nhân thì có quả, nhân quả không mất, nên gọi là hữu (PQĐTĐ).

[168] Quả tăng thượng (tức tăng thượng quả 增上果; S: adhipati-phala): một trong năm quả, tức cái quả nương vào tăng thượng duyên mà sinh ra (PQĐTĐ).

[169] Xem chú thích quyển 2.

[170] Uất-đan-viết 欝單曰 (S: Uttarakuru): đại châu phương Bắc, một trong bốn đại châu (ĐPB).

[171] Đỉnh tướng 頂相: nhục kế trên đỉnh đầu của đức Phật, là một trong 32 tướng của Phật. Tất cả trời và người đều không thể nhìn thấy đảnh tướng này (PQĐTĐ).

[172] A-ma-lặc 阿摩勒 (S: āmala, āmlikā, āmlīkā, amlaphala): cây có lá như lá táo nhỏ, hoa màu trắng, quả như quả hồ đào, vị chua nhưng đượm ngọt, có thể làm vị thuốc (ĐPB).

[173] Cư-xá tử 居舍子: không rõ loại cây gì, trái gì. Có lẽ phiên âm từ chữ kosātaki, một trong những hạt giống đắng được kể đến trong văn bản Pāli.

[174] Như Lai tạng 如來藏 (S: tathāgata-garbha): bản tính thanh tịnh của mọi chúng sinh (PQĐTĐ).

[175] Y lan 伊蘭 (S: Erāvaṇa): tên một loại cây ở Ấn Độ, nở hoa màu hồng cực đẹp, nhưng lại rất hôi, mùi hôi của nó lan xa hàng mấy chục dặm. Sách nhà Phật thường dùng chữ Y lan để chỉ về những phiền não ở đời (ĐPB).

[176] Phướng nhân-đà-la (tức nhân-đà-la tràng 因陀羅幢): cây phướn của Đế Thích.