KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN TRUNG
Phẩm 7: KHÔNG TRỞ LẠI
Phật lại bảo A-nan:
–Do đâu Như Lai hết mực khen ngợi về việc không trở lại của Bồ-tát?
Vì đối với Bồ-tát tất cả sự tồn tại, mọi nơi chốn hành động tạo tác đều nhằm vượt qua ba cõi để đạt tới ánh sáng của Phật, dứt bỏ các hành, đã hàng phục được các hành thì không còn trở lại nữa. Vì sao? Vì Bồ-tát đã nhận thấy tất cả các pháp không hề có đi đến hay trở lại, đã vượt khỏi thế giới phàm phu, lìa bỏ trí tuệ thế tục.
Bồ-tát đã hội nhập trí tuệ giác ngộ của Phật, đạt diệu lý Vô sở trụ và các pháp bình đẳng. Vì sao? Vì Bồ-tát đã tạo được cõi vắng lặng, khong còn bị chao đảo của hạng phàm phu, không nhờ dựa vào Thánh đạo để lấp các nẻo ác, thoát khỏi dục tình, không còn tham đắm trong cảnh áo cơm, đạt tới nẻo sáng suốt tột bậc.
Bồ-tát cũng giũ bỏ các thứ kiến chấp, không còn mê đắm, dứt bỏ tất cả sáu mươi hai thứ tà kiến, thoát khỏi sinh tử quán sát Nêhoàn, dứt bỏ mọi vọng tưởng đạt đến cõi vô vi.
Bồ-tát không kinh sách, tịnh uế, đường ác, dứt bỏ thái độ cao ngạo cho mình là hơn hết. Bồ-tát đã ra khỏi cái nguồn tạo nên bao tối tăm, ưu khổ, phá bỏ ái dục, diệt trừ mọi mê mờ, nhổ sạch gốc rễ tham ái dục lạc cùng bao thứ phiền não trói buộc, tự chiến thắng kiêu mạn buông lung, chính là nhưng chướng ngại, xa lìa hiểu biết thế gian, do đấy mà luôn nhớ nghĩ đến Phật thừa, nhằm đạt được trí tuệ của bậc Thánh.
Bồ-tát quên mình nhằm dứt bỏ ái lạc trong cõi Dục, tu tập theo cội gốc thanh tịnh, là chí nguyện của các bậc Thánh đời quá khứ, đạt đến trí tuệ vô thượng của các Đức Phật và mở rộng sự hiểu biết ấy, được tất cả chúng sinh hết mực tôn quý, xem tất cả các thừa là trí tuệ Phật. Mọi nhận thức và tư duy mà Bồ-tát đạt được chính là vô tưởng về ngã, pháp, dứt bỏ tất cả các mối hồ nghi. Bồ-tát đạt đến như vậy thì không còn trở lại nữa.
Phật lại hỏi A-nan:
–Nếu như có người chẳng thể an trụ nơi đạo thì phải giúp cho họ đứng vững trong đạo. Điều đó càng hiểu rõ là chúng sinh đều có sẵn sự sáng suốt để tiếp cận đạo, có khả năng hiểu biết như vậy thì chế ngự mọi vọng tưởng của con người. Vì sao? Vì mọi nhận thức về muôn vật là không, thế giới con người có luận bàn, trí tuệ của đạo là bình đẳng. Vì sao? Vì sự nhận biết rõ như thế đối với các loại chúng sinh thấp kém là không, mà đối với hạng người ở cõi thanh tịnh cũng là không, xa lìa mọi vọng tưởng. Tất cả mọi người cùng với không chẳng có khác nhau, chẳng có thân mạng, chẳng được tồn tại lâu dài nên cũng là không. Nhưng hư không không phải là không, cũng nên lìa bỏ tất cả vọng tưởng.
Bồ-tát đạt pháp vô niệm để hướng đến đạo, diệt trừ mọi vọng niệm của chúng sinh. Suy nghĩ về hư không không bỏ mà cũng chẳng thể không bỏ. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều bình đẳng thanh tịnh, tất cả chúng sinh đều không thể bỏ. Bồ-tát bình đẳng về xa bỏ nên gọi là vô sở đắc. Đã không có sự đạt được cho nên cũng chẳng đến, điều đó được gọi là không trở lại, đối với tất cả các pháp hữu vi, vô vi thảy đều tỏ ngộ nơi tụ hội của chúng. Vượt qua được các tai hoạn ấy nên gọi là chẳng trở lại.
Bấy giờ, Phật nói bài tụng:
Pháp ấy không nơi sinh
Tạo tác nên có chốn
Dứt bỏ các chỗ trụ
Đó là chẳng trở lại.
Nhận rõ sự qua lại
Không đắm tất cả pháp
Chỗ trụ không thể được
Do đó chẳng trở lại.
Các hạnh của phàm phu
Và lời của Phật dạy
Không thể lường như thế
Nên nói chẳng trở lại.
Các pháp không nơi đến
Cũng chẳng có chốn trụ
Đạt lẽ không khứ, lai
Đó là chẳng trở lại.
Người nào chưa từng đến
Chẳng bước tới ba đường
Đi đến nẻo sáng Phật
Nên nói chẳng trở lại.
Quyết dứt tất cả dục,
Dối uống ăn không đắm,
Được đến nơi đạo tràng,
Nên nói chẳng trở lại.
Mọi tà kiến có, không
Rõ sáu mươi hai loại
Không rơi vào cõi ấy
Nên gọi, chẳng trở lại.
Pháp ấy không đầu cuối
Đã bỏ mọi sợ hãi
Tuệ ấy vốn như không
Cho nên chẳng đến được.
Thuận vắng lặng vô vi
Không đắm các phiền não
Dứt trừ các vọng niệm
Do đó chẳng nơi đến.
Đã dứt các nẻo ác
Trừ sạch các cấu nhiễm
Tu vắng lặng vô vi
Nên nói: chẳng trở lại.
Hàng phục được ma ác
Cùng bao thứ binh đao
Dứt hẳn mọi vọng niệm
Do đó chẳng nơi đến.
Nhổ gốc si, ưu phiền
Dứt bỏ gốc ái dục
Dập tắt lửa tham dâm
Nên nói, chẳng trở lại.
Hàng phục các trần cấu
Giũ sạch các vọng tưởng
Rốt ráo được giác ngộ
Nên nói, không trở lại.
Lìa bỏ hết sầu muộn
Dẹp bỏ tâm cống cao
Nhớ dứt thân năm ấm
Nên nói, chẳng trở lại.
Chí nương theo ánh sáng
Phật thừa không gì trên
Không tham họa ái dục
Nên nói, chẳng trở lại.
Đã biết chốn Phật ngự
Bậc nhất trong các kho
Phật quá khứ hiện bày
Nên nói, chẳng nơi đến.
Chốn ấy là an vui
Phật, Thánh không gì trên
Dứt các thứ nghi ngờ
Nên nói, chẳng nơi đến.
Dẫn dắt vô số người
Khiến đứng trong Phật đạo
Đã được phép tắc Thánh
Nên nói, chẳng nơi đến.
Hiểu rõ không vô giới
Tâm bình đẳng cõi người
Xa lìa mọi vọng chấp
Nên nói, chẳng nơi đến.
Hiểu rõ tất cả cõi
Pháp giới cũng như vậy
Chúng sinh chẳng thể được
Nên nói, chẳng nơi đến.
Nhận rõ đám lê dân
Hư không chẳng nhớ nghĩ
Tất cả pháp như vậy
Nên nói, chẳng nơi đến.
Kẻ nào đạt vô tâm
Dứt hết các vọng tưởng
Các niệm chẳng thành đạo
Nên nói, chẳng trở lại.
A-nan! Ta vì thế
Khen, nói việc chẳng lại
Các việc đều không lại
Được trụ trong Phật đạo.
Phật bảo A-nan:
–Do đó mà Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác khen ngợi Bồtát là chẳng trở lại. Cũng nên biết rằng điều này là phương tiện khéo léo để nêu lên vậy.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ