KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 6: VÃNG LAI

Phật lại bảo A-nan:

–Do đâu Như Lai nói hết sức rõ ràng về sự vãng lai của Bồtát?

Bấy giờ, Bồ-tát nhập vào Phật đạo, trí tuệ không thể suy nghĩ bàn luận, chí nguyện mong cầu sự giác ngộ như Phật với vô lượng nhân duyên, đối với những sự ồn náo không hề gây tạo.

Bồ-tát suy xét đến cùng về Đại đạo, dùng trí tuệ dứt trừ các duyên, hâm mộ tìm cầu ánh sáng trí tuệ của Phật, mong đạt các pháp thiền định dứt loạn tưởng, vượt hơn các thứ thiền định khác, giũ bỏ các bụi bặm cấu nhiễm, nhằm thấu đạt các pháp và kinh sách của Phật, hiểu rõ tất cả kinh, chỉ tìm ý nghĩa của kinh.

Bồ-tát chính là ánh sáng của đạo đức mà Như Lai luôn che chở giúp đỡ, các bậc ấy không hề bị dao động mà cũng không có sự dời đổi, nhớ nghĩ chúng sinh trong pháp giới tâm ý bị che lấp, gặp phải bao nỗi thống khổ, lại chẳng hiểu biết gì về kinh điển của Phật.

Bồ-tát mến cầu Phật đạo, là để được đứng vững trong trí tuệ ấy, chí nguyện lớn lao sáng tỏ, tu tập căn, lực, giác ý là nhằm để biết rõ về ba cửa giải thoát, phân biệt ý nghĩa đó. Bồ-tát luôn suy nghĩ: “Thân ta phải làm gì để giáo hóa mọi người khiến họ cũng kính mến Phật đạo, nên đem trí tuệ sáng tỏ ấy mà khuyến khích, giáo hóa các đạo tràng, mong được Phật nhãn, tâm không bị che lấp.”

Bồ-tát nhập vào chánh quán, dắt dẫn làm lợi ích cho thế gian, là nhân của trí tuệ, trên hết của chư Phật, Bồ-tát, nếu trí tuệ không thông tỏ tất cả nơi quy hướng của các pháp, thì coi như ánh sáng của sự giác ngộ chưa có thể đạt được. Do vậy mà các bậc Thánh không mong chúng sinh liền được đứng vững ngay trong đạo, đối với mọi trí tuệ ấy phải thông tỏ các pháp là không có nơi chốn, cho nên đời đương lai quán sát thế giới chúng sinh.

Bồ-tát cầu ở chốn vô tâm, mến mộ pháp bất niệm, cõi ấy không thể đạt được vì nó không đến không đi, thành tựu chúng sinh đi cũng không đi, giáo hóa người dân thấy rõ nơi chốn của đám lê dân lầm than, nhận rõ ý nghĩa đó tùy theo sự khai hóa thấy được các pháp. Tất cả chúng sinh đều tồn tại trong pháp giới, điều ấy vượt khả năng thấy biết của mắt trần, hội nhập pháp giới thì thấu suốt tất cả kinh điển là bình đẳng.

Bồ-tát quán tưởng Đại đạo, dùng trí tuệ của Phật, Thánh đế dẫn dắt những kẻ chẳng biết, chẳng hiểu đến với đạo, khiến họ mong cầu để đạt được sự giác ngộ như vậy. Nhưng Bồ-tát cũng không hề bám chặt vào trí tuệ ấy, vì nó luôn lìa mọi bụi bặm cấu uế, nên trí tuệ ấy không chỗ nào không có, nhưng nếu vướng mắc vào nơi chốn ấy thì cũng không có được trí tuệ để mong đạt đúng theo con đường đi lớn lao sáng tỏ của Phật, cũng như không thể trông thấy Phật. Đó chính là trí tuệ vĩ đại sáng chói trong các thứ trí tuệ, hơn hẳn mọi thứ trí tuệ khác, vì nó dứt bỏ sự tìm cầu cũng như không có nơi chốn để mến mộ. Đó gọi là trí tuệ sáng suốt của Phật, nếu Bồ-tát thực hành thì sẽ đạt được trí tuệ ấy. Cho nên mong cầu đến đi gọi là vãng lai.

Nên có bài tụng như sau:

Trí ấy có đến đi
Tuệ Phật khó nghĩ bàn
Cho nên gọi đến đi
Chí cầu nơi Phật đạo.
Khai hóa nhiều nhân duyên
Mới theo đúng đường Phật
Việc ấy thuận trí tuệ
Mến cầu chẳng trở lại.
Không nương tất cả thiền
Giáo hóa khắp quần mê
Muốn cứu giúp tất cả
Đầy đủ sự, đến đi.
Kinh Phật pháp bình đẳng
Nhận rõ người vô tướng
Hiểu rõ gốc vốn không
Nên gọi là đi đến.
Người đạt được pháp ấy
Rõ biết tất cả tuệ
Ta cũng sẽ được thế
Muốn tìm nơi an trụ.
Chưa từng khuyên chúng sinh
Và chấp các pháp giới
Nên nói có đến đi
Chẳng gần chốn trở về.
Lo nghĩ vô số người
Trí kém, luôn gặp họa
Muốn đạt được trí tuệ
Phải cầu đạo của Phật.
Căn, Lực và Giác ý
Giảng thiền, ba giải thoát
Nhận rõ nghĩa ấy rồi
Nên cầu đạo của Phật.
Chí mến mộ đạo tràng
Chỗ dựa Phật quá khứ
Nên gọi là đến đi
Nên lập ra Đại Thánh.
Ưa mến mắt thương xót
Mắt Phật không nghĩ, bàn
Nên gọi là đi đến
Ngưỡng mộ đạo của Phật.
Cầu đạt như Phật, Thánh
Nghĩa nhiệm mầu của Phật
Tự mong cầu tuệ ấy
Nhất thiết trí trên hết.
Tỏ ngộ trí sáng ấy
Chỗ về tất cả pháp
Tuệ ấy chẳng thể được
Và cả người cầu đạo.
Cứu giúp vô số người
Đứng vững trên trí tuệ
Nên gọi là đến đi
Người đến có chỗ cầu.
Mong đến thấy cõi Phật
Cõi người không nghĩ, bàn
Nên gọi là đến đi
Cứu độ hết chúng sinh.
Tỉnh sát cõi chúng sinh
Tìm cầu chẳng thể được
Nên gọi là đến, đi
Tâm mến mộ pháp giới.
Chúng sinh không nẻo hướng
Và tất cả cõi người
Nếu thông tỏ chốn ấy
Thì nhận rõ cho đến.
Thấy tất cả các pháp
Thấy đó nhưng không hiện
Thường nhất tâm định ý
Cầu đạo lớn của Phật.
Tuệ nhiệm mầu như thế
Vô cấu và thanh tịnh
Sự phân biệt sáng suốt
Trí ấy chẳng thể được.
Điều Bồ-tát vui thích
Khai hóa các chúng sinh
Đạt được trí sáng suốt
Duyên nào đến nơi ấy.
A-nan! Ta vì thế
Giảng, nói về đến, đi
Vì hạng căn trí thấp
Thấy được chỗ niệm khởi.
A-nan! Ta vì thế
Giảng nói, việc đến, đi
Kẻ dốc sức tinh tấn
Liền tỏ ngộ lẽ ấy.
Người có đức phân biệt
Hiểu được nghĩa sâu nhiệm
Đạt được các lẽ ấy
Mau được thành đạo lớn.

Phật bảo A-nan:

–Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã giải bày nêu rõ về hành trạng của Bồ-tát. Nên biết rằng nghĩa ấy cũng dùng phương tiện khéo léo để diễn đạt vậy.



KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ