KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN THƯỢNG
Phẩm 3: PHỤNG TRÌ CHÁNH PHÁP
Phật bảo A-nan:
–Vì sao Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, khen ngợi việc Bồ-tát kính giữ chánh pháp?
Là vì Bồ-tát đối với sự tồn tại của Phật đạo, tâm chí không lui sụt, giữ gìn phép tắc của Phật, phân biệt rõ ràng, không vượt ngoài pháp giới. Đối với kinh sách, sự thông hiểu tỏ ngộ của Bồ-tát cũng không thể suy nghĩ bàn luận, đối với pháp Tổng trì thường an định bất động, chí nguyện thuận theo lời kinh, luôn làm sáng tỏ tất cả những chỗ còn ngờ. Đối với các pháp, tự nhiên không dính mắc. Đối với pháp Tổng trì thì luôn nắm giữ với tinh thần vô trụ, thuận theo pháp Tổng trì mà không chấp kinh văn, chí thường an vui, tôn kính đạo pháp, đối với tất cả pháp mà không đắm, dùng hạnh Bất thọ để giảng nói Chánh pháp; chí, tánh nhân ái, nhu hòa, mọi hành động đều an ổn, từ đấy giảng về lý vắng lặng trong kinh sách. Đối với việc giữ gìn chánh pháp không nương không bỏ, tất cả tự nhiên theo đúng con đường của các Đức Phật, đạt được ý nghĩa như vậy nhưng chưa từng đánh mất thân mạng mình trong bước đường hành đạo. Thân thường vững bền, đời không thật có, đó gọi là Bồ-tát thường quán sát chưa từng thấy thân nầy an trụ nơi chân lý. Bồ-tát tự thuận theo Chánh pháp. Bình đẳng với cảnh giới, chẳng đến chẳng đi, có hiểu biết các Đức Phật, Bồ-tát có thể nói pháp. Đạt được điều cốt yếu thanh tịnh vô cấu, thấy tất cả pháp không hợp không tan, thấy các kinh điển bỗng nhiên biến mất, cho nên không thấy các pháp vô vi, vì thế mà không thấy. Đã không trông thấy pháp thì cũng không nắm giữ, biết cảnh giới là không thì giảng nói kinh sách, tâm ý luôn an nhiên, dứt mọi đùa bỡn, không hình tướng, mát mẻ, lìa tâm, vô tâm, tâm không thể được, vì không thể được nên đó là đạo tâm, mà tâm ấy cũng không đi lại, nêu rõ con đường vắng lặng, không thể nói năng, không thể mong cầu. Đối với pháp như vậy không dựa vào nhân, sở dĩ không dựa vào nhân vì không có việc phát huy diện mạo các pháp. Thường thuận theo kinh điển là pháp của Bồ-tát nhưng không dính mắc Nê-hoàn bất sinh, bất diệt. Bồ-tát nói nghĩa này giống như hiển bày, không ham chuộng chủng tánh, đem những điều đã đạt được như thế để xả bỏ các chủng tánh, đạt đến hạnh Bồ-tát là pháp vô sở đắc. Đối với mọi biến chuyển đều không đến không đi, tất cả các trí tuệ không quá khứ, vị lai, hiện tại. Giữ vững niềm tin như vậy chẳng lay động, không lui không bỏ, kính giữ các pháp không gấp không hoãn. Đó là giữ gìn Chánh pháp, đi đúng con đường của Bồ-tát, đạt được hạnh của các Đức Phật tức là Vô sở đắc, thành Bồ-tát Đại sĩ như thế gọi là kính thờ Chánh pháp.
Bấy giờ, Phật nói bài tụng:
Pháp tất cả các Phật
Không hề có thoái lui
Kính giữ kinh như thế
Đó gọi là giữ pháp.
Giảng pháp của các Phật
An nhiên dứt mọi tưởng
Sâu xa “bất khả đắc”
Đó gọi là giữ pháp.
Không hề bỏ các cõi
Pháp giới không nghĩ bàn
Để đạt đến nghĩa ấy
Đó gọi là giữ pháp.
Kính pháp luôn dốc lòng
Việc làm của các Phật
Tâm không chút vướng mắc
Đó gọi là giữ pháp.
Nắm giữ không tiến, lùi
Tất cả pháp tự nhiên
Không chấp vào kinh điển
Đó gọi là giữ pháp.
Không ở trong vắng lặng
Kính giữ đúng nẻo chánh
Vì thuận theo kinh kia
Đó gọi là giữ pháp.
Đạo thường là Pháp thân
Mến cầu pháp nhiệm mầu
Dứt trừ sự biếng nhác
Đó gọi là giữ pháp.
Nghe, kinh thì lãnh thọ
Học, suy nghĩ, luyện tập
Tánh nhân từ an nhiên
Đó gọi là giữ pháp.
Thường giảng nghĩa đạm nhiên
Theo kinh nhưng không chấp
Đạt được hạnh vô tưởng
Đó gọi là giữ pháp.
Tâm vững bền cùng đạo
Trí sáng, hành vô trụ
Thấy thân mình là không
Kia hiểu sâu như thế
Cho đến thấy không thân
Pháp giới thì bình đẳng
Không đến cũng không đi
Nhận rõ các tưởng thân
Các Phật và Bồ-tát
Có thể giảng nói pháp
Khắp đến kinh điển này
Đó gọi là giữ pháp.
Tất cả pháp vô vi
Pháp giới rất thanh tịnh
Người kính giữ kinh này
Đó gọi là giữ pháp.
Xem khắp tất cả kinh
Vừa thấy, liền chẳng thấy
Nếu không thấy các pháp
Đó là không chỗ giữ.
Các cõi này đều không
Cho nên giảng pháp giới
Tự nhiên lìa các tưởng
Không thân, không đùa bỡn
Tâm lìa bỏ ba cõi
Chí cũng “bất khả đắc”
Nếu không đến được tâm
Niệm ấy là trên hết
Chí nguyện vốn không ý
Giảng pháp nghĩa vắng lặng
Không lời, không đắm nhiễm
Tâm ấy là hơn hết.
Kính thờ được pháp này
Không sinh tâm đắm nhiễm
Không nương vào các cõi
Đó gọi là giữ pháp.
Bồ-tát kính thờ pháp
Như thế hợp kinh sách
Không nương, không chỗ khởi
Hiện bày không tạo tác.
Theo đúng đường đã dạy
Thuận các chủng tánh kia
Đạt được ý nghĩa này
Nên khen ngợi chủng tánh
Tánh ấy nên vun trồng
Đó là nghĩa Bồ-tát
Thuận theo pháp Tổng trì
Đó gọi là giữ pháp.
Rốt không thấy các pháp
Tất cả không chốn đến
Nếu dốc lòng tìm cầu
Cũng không phải pháp ấy.
Nên vì không thú hướng
Mà hiểu tất cả pháp
Phân biệt rõ Tổng trì
Không tạo tác, dao động.
Không bỏ, không chốn tìm
Pháp ấy liền hiện rõ
Không nâng lên, hạ xuống
Tổng trì vui các pháp.
Với các pháp đều không
Giảng nói không chấp trước
Chẳng đạt nơi các kinh
Đó gọi là giữ pháp.
A-nan! Ta hôm nay
Giảng nói hạnh Bồ-tát
Thông đạt đạo nhiệm mầu
Đó gọi là giữ pháp.
A-nan! Ta hôm nay
Khen ngợi người kính pháp
Khiến người nhớ đạo mầu,
Khai mở cho muôn loài.
Trao truyền vô số pháp
Chỗ Bồ-tát ngợi khen
Phương tiện an ổn mãi
Nên khen ngợi kinh này.
Phật bảo A-nan:
–Do vậy mà Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác khen ngợi pháp Tổng trì của Bồ-tát, nghĩa hiển bày này cũng là phương tiện khéo léo.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ