KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 2: GIỮ VỮNG LÒNG TIN

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ này xong, Tôn giả A-nan liền bước đến bạch Phật:

–Bạch Đức Đại Thánh, hôm nay Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi sẽ hỏi Như Lai về chuyển pháp luân không thoái chăng?

Đức Phật bảo:

–Đúng như vậy!

Tôn giả A-nan hỏi:

–Vì sao lại chỉ giảng nói về pháp không thoái chuyển ấy?

Phật dạy:

–Này A-nan! Các Phật, Thế Tôn đều dựa trên pháp không thoái chuyển mới nói pháp được.

A-nan lại hỏi:

–Do duyên tối thắng nào mà chuyển từ việc dốc tin cho đến quả vị Duyên giác, Như Lai chỉ nhằm nêu bật các pháp của Bồ-tát?

Phật dạy:

–Đúng thế, này A-nan! Nên biết trong kinh điển thường đề cao vai trò của Bồ-tát là hơn hết. Vì sao? Vì thân ta sở dĩ xuất hiện ở cõi đời có năm thứ vẩn đục này là vì chí nguyện nhằm cứu vớt những hạng người thấp kém. Các Phật phải dùng các phương tiện quyền xảo, tùy theo thời nghi mà giảng nói kinh pháp. Kẻ ít ham thích những điều giảng dạy nhiệm mầu, phần nhiều đều hâm mộ các pháp, thấp kém, do đó mà Như Lai cũng đã dùng các phương tiện khéo léo để nói các pháp như đã nói, dần dà mới giảng nói các pháp Đại thừa, là những pháp cốt yếu, căn bản. Cho nên phải quán tâm để thuận theo sự phát khởi của tâm ý người nghe mà cứu độ họ. Chí nếu đã đạt đến chỗ nhu hòa, an ổn, không còn có chỗ để tạo lập, mọi khổ vui đều dứt trừ, thấu hiển không từ đâu sinh, chẳng sạch, chẳng diệt, an vui trong cảnh vô vi, dần dần hướng về đại tuệ, Nhất thiết trí…

Bấy giờ Đức Thế Tôn yên lặng không nói.

Khi ấy, Tôn giả A-nan hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Đức Như Lai vì sao im lặng không nói?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Ở thế gian ít người tin được các pháp Như Lai đã giảng nói ấy, ngay như vô số chư vị La-hán ở đây, cũng có tới hàng trăm hàng ngàn vị khi nghe Đức Thế Tôn nói thì trong lòng ngạc nhiên không hiểu, cho rằng Như Lai vì sao lại giảng dạy kinh khác lạ như thế. Nay ta tận mắt xem trong bốn chúng đệ tử ở đây thấy họ lòng còn đầy những ngờ vực. Sao Đức Như Lai không nhân đấy mà nói rõ, từ những trường hợp tin tưởng đặc biệt cho đến vâng thờ Chánh pháp, đạt quả vị Duyên giác, có vướng mac gì đều khiến được thông đạt. Vô số ức các vị Trời, Rồng, Thần đều cùng do dự, sao Đức Như Lai không nhân đấy mà làm rõ hơn nữa các đầu mối. Con đường tu tập của Bồ-tát không trở lại, cũng không vướng mắc vào bước đường của bậc Duyên giác, vô lượng trăm ngàn ức Bồ-tát ở đây cũng chưa thấu đạt, nên Đức Thế Tôn đã hết lời khen ngợi con đường tu tập của Bồ-tát, từ trường hợp giữ vững lòng tin cho tới việc vâng thờ Chánh pháp, đạt bốn quả Thanh văn, Duyên giác. Có thể nói rằng khi Đức Thế Tôn giảng nói pháp ấy thì tất cả sông ngòi lớn nhỏ, mương rãnh suối khe thảy đều bị dừng lại không thể chảy được. Chim bay trên không cũng không thể lui tới được. Mặt trời, mặt trăng như không còn trước mặt ta, ánh sáng bị che lấp nên cảnh vật trở nên rất u tối. Vì sao? Vì pháp ấy vô cùng nhiệm mầu, khó hiểu, cho nên Đức Như Lai im lặng không nói.

Khi ấy, mười muôn đóa hoa sen đang bay vòng quanh phòng của Phật, thảy đều đồng thanh tỏ lời thỉnh cầu:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn giảng nói về pháp không thoái chuyển, là pháp cốt yếu thanh tịnh của kinh điển Đại thừa. Chúng con đã từng theo chín mười hai ức, trăm ngàn triệu triệu Phật và được nghe kinh Trí tuệ này, ở nơi các cõi Phật đó thảy đều tu tập theo pháp ấy.

Tôn giả Xá-lợi-phất cũng bước đến trước Phật hết lòng thưa bày:

–Cúi mong Bậc Đại Thánh giảng nói chuyển pháp luân không thoái. Vào lúc gần sáng, con đã cùng với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đi dạo khắp cả vô số cõi Phật ở mười phương, đều nghe các Đức Phật, Thế Tôn ở các cõi ấy nói về pháp nhiệm mầu đó.

Bấy giờ, trong hư không có đến tám mươi lăm ức trăm ngàn triệu triệu vị trời đều cung kính hướng về Đức Thế Tôn thỉnh cầu, mong được nghe Đức Như Lai nói về pháp không thoái chuyển:

–Chúng con hiện đang ở cõi này nhưng đã từng đi theo chín mươi hai ức trăm ngàn triệu triệu các Đức Phật học hỏi, thọ nhận pháp ấy.

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

–Mong được Thế Tôn thương xót mà giảng nói pháp không thoái chuyển. Do đâu mà Thế Tôn nói về ý nghĩa của việc dốc sức tin tưởng, kính thờ Chánh pháp cho đến đạt quả vị Duyên giác. Bốn chúng đệ tử ở đây thảy đều im lặng chăm chú muốn nghe Thế Tôn giảng rõ về pháp ấy, hiện nay có vô số trăm ngàn chúng chưa dứt bỏ được kết sử. Vì sao Thế Tôn lại cố làm sáng tỏ con đường tu tập của Bồ-tát từ việc giữ vững niềm tin, kính thờ Chánh pháp cho đến đạt quả vị Duyên giác. Mối nghi ngờ lớn ấy phải được giải rõ. Cúi mong Như Lai khởi tâm từ bi thương xót mà dứt bỏ mối vướng mắc này, khiến cho tất cả cùng nhận thấy những chứng cớ rõ ràng mà dốc lòng tin theo Thánh đạo.

Phật bảo A-nan:

–Đúng thế! Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác nên trong khi thuyết pháp giảng kinh chẳng phải giải thích thêm về những chứng cớ đã rõ ràng.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Thế nào là những chứng cớ đã rõ ràng?

Đức Thế Tôn dạy:

–Chứng cớ rõ ràng về kinh sách và người nghe, sau đó mới nói pháp. Pháp lực của Như Lai là Đẳng giác sáng suốt nhất, vì chứng cớ rõ ràng ấy đã phân biệt. A-nan phải lắng nghe khéo suy nghĩ ghi nhớ, giờ ông đã rõ sở nhân của Như Lai nhằm nói về tánh chất sáng tỏ tốt đẹp của hạnh Bồ-tát từ việc giữ vững niềm tin, kính thờ Chánh pháp cho tới đạt quả vị Duyên giác.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng với đại chúng lắng nghe và lãnh thọ giáo pháp.

Đức Phật dạy:

–Này A-nan! Do nhân nào mà Như Lai khen ngợi hạnh Bồ-tát về việc dốc sức giữ vững niềm tin? Là vì Bồ-tát chỉ dạy hóa độ chúng sinh vô lượng không thể tính kể hết, khiến họ đứng vững trong sự dốc tin, được thấy các Đức Phật, cũng như các vị Bồ-tát đã thấy Bậc Đại Thánh mà không chấp vào thân Phật, nhận thức đúng đắn và thích hợp về lẽ sinh tử, cũng không quyến luyến thân năm ấm này vì nó như hư không. Đó là hạnh Bồ-tát giữ vững niềm tin.

Lại nữa, này A-nan! Bồ-tát tin các pháp là Không, đúng với những điều Như Lai đã giảng dạy không hề sai khác. Lại nữa, này A-nan! Bồ-tát thành thật tin vào trí tuệ Phật, trong tâm tự nghĩ, do nhân gì mà trí tuệ bình đẳng, nhưng cũng không vướng vào chỗ quy hướng của trí tuệ ấy, xem xét như vậy chính là giữ vững niềm tin. Lại nữa, Bồ-tát không tin năm dục mà đạt được đạo lực, đó là dốc tin. Lại nữa, Bồ-tát vì nhân duyên gì điều phục tâm mình thích ứng với mọi cách pháp thí, riêng đạt đến quả vị Chí chân Chánh đẳng Chánh giác, tâm luôn an nhiên dốc sức đối với pháp thí, tâm nhớ nghĩ về điều ấy, đó chính là giữ vững niem tin.

Lại nữa, Bồ-tát đối với tất cả sở hữu của mình đều có thể đem thi ân bố thí, không hề tiếc đến thân mạng mình để khuyên giúp đạo pháp, không chọn lựa khi thi ân bố thí, không khoe khoang, bỏn sẻn, tất cả đều la phước đức đều nhằm khuyên giúp đạo pháp, luôn quán xét các pháp là không, không thấy mình là Bồ-tát. Sự xét nét chính đáng ấy đã tạo nên niềm tin.

Lại nữa, Bồ-tát dốc lòng với Phật đạo mà tâm không buông lung, ham chuộng các pháp tĩnh lặng để dứt trừ sự vọng động của sáu căn, không tham luyến những thứ ấy mà chí nguyện quên phép tắc của bậc Thánh, hóa độ dẫn dắt chúng sinh không phải là vì chỗ đứng của mình, mà là khiến ho quy thuận kinh Phật, khiến cho đạo pháp càng thêm khởi sắc, hưng thịnh. Bồ-tát phát tâm vì đạo lớn, không chấp vào tâm ấy, cũng không tham đắm; đồng với pháp giới, vì biết rõ tất cả chỉ là sự kết hợp của âm thanh và ngôn từ, đều do bốn đại cùng các thứ khác hợp nên; lại tin rằng tạo tác của muôn vật là vô thường, khổ, không, vô ngã. Sự tin tưởng đó đem đến sức mạnh cho niềm tin vào ý nghĩa của giới, do vậy mà không buông lung, các nghiệp được thanh tịnh, ý được tập trung, chánh thọ vắng lặng vô vi, tin tất cả các cõi đều quy về không, vô tận, thân tâm và pháp giới không khác, đó chính là gốc của niềm tin. Quan sát và nhận thức như vậy nhưng không hề lìa bỏ chúng sinh, xem tất cả con người và pháp giới là bình đẳng, nhưng cũng không thấy pháp giới là có thật. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh rốt cuộc đều quy về pháp giới. Giả sử dốc tin vào các pháp như thế đó goi là giữ niềm tin.

Lại nữa, Bồ-tát đều tin tưởng chúng sinh, những người có tham dục, cũng không có thọ. Tâm của Bồ-tát luôn an nhiên như hư không, không thấy sự tạo lập của chúng sinh, luôn mở rộng tầm nhìn đến các loài chúng sinh, tất cả đều là Nê-hoàn. Vì sao? Vì chúng sinh là không, nên xét kỹ sự thật cũng vốn là không, vì vậy mà xem chúng sinh đều là Nê-hoàn và khiến cho vô số người đều kính tin như thế. Cho nên Bồ-tát đã giư vững niềm tin của mình.

Bấy giờ, Đức Phật nói bài tụng:

Khai hóa vô số người
Giúp thấy vô lượng Phật
Không chấp trước các Phật
Đó là vững lòng tin.
Tin, hiểu tất cả pháp
Biết rõ đều là không
An vui dạy như vậy
Đó là vững lòng tin.
Chí hâm mộ đạo tuệ
Tâm thường nghĩ điều ấy
Ta hội đủ nhân duyên
Chí sáng tâm thông suốt.
Đối với năm dục lạc
Lòng không chút tin ưa
Đạt được sức tin ấy
Đó là vững lòng tin.
Kính tin giữ giới cấm
Ta theo nhân nào thành
Dốc lòng hành pháp thí
Giống như Phật Đại Thánh.
Bậc Đại sĩ mạnh mẽ
Tâm tin, hành bố thí
Lòng không cầu phước báo
Đó là vững lòng tin.
Nếu có người cầu xin
Tâm thì đều bình đẳng
Hành động không vướng chấp
Đó là vững lòng tin.
Ưa thích việc thứ cho
Tất cả, không tham cấu
Đều hướng về Thánh đạo
Đó là vững lòng tin.
Dứt vọng động sáu căn
Thông tỏ, dứt sở cầu
Để đạt được pháp lực
Đó là vững lòng tin.
Cung kính hướng về Phật
Tâm rốt ráo trong lành
Dốc sức với đạo pháp
Đó là vững lòng tin.
Lìa bỏ sáu thứ bệnh
Tâm dứt mọi sở cầu
Rõ năm ấm là giả
Đó là vững lòng tin.
Nếu người chẳng mộ đạo
Khuyến hóa khiến ưa thích
Chẳng còn nghi Phật pháp
Đó là vững lòng tin.
Nếu thấy người vui mừng
Dẫn dắt đạo tâm ấy
Tự xét tâm không được
Đó là vững lòng tin.
Tuệ bình đẳng sáu suy
Pháp giới không sai khác
Cõi nước không thể được
Cõi nước và lời, tiếng.
Tâm thường nghĩ thỉ chung
Khổ, không, chẳng tôi, ta
Được sức mạnh trí tuệ
Đó là vững lòng tin.
Thích tu giới cấm Phật
Thanh tịnh không buông lung
Giới, định đã đầy đủ
Đó là vững lòng tin.
Ưa thích cõi vắng lặng
Chúng sinh cũng như vậy
Thảy đều có tương quan
Đó là vững lòng tin.
Không xả bỏ mọi người
Pháp giới cũng như thế
Chấp loài chúng sinh kia
Qua cõi không nghĩ bàn
Như pháp giới không khác
Tin này đã rõ ràng
Cho nên khen dốc tin
Bồ-tát không lo sợ.
Chúng sinh đều tự nhiên
Hiểu rõ không trụ xứ
Rõ muôn pháp đều không
Cõi ấy chẳng thể đạt.
Tất cả người vô vi
Cả muôn loài cũng không
Là Nê-hoàn vắng lặng
Nên làm rõ tất cả.
Nếu Bồ-tát mạnh mẽ
Hiểu chúng sinh như vậy
Cho nên được danh hiệu
Ca ngợi hạnh trì tín.
Dốc sức với Chánh pháp
Khen hạnh giữ lòng tin
A-nan nên ghi nhớ
Phân biệt nói cũng thế.
A-nan! Ta nhân đây
Hành theo đạo không dư
Là pháp đạt Đẳng giác
Bồ-tát bày ánh sáng.

Như thế, này A-nan! Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã hết lời khen ngợi vai trò của hạnh Bồ-tát, ở chỗ làm rõ ý nghĩa của việc giữ vững niềm tin, từ đó dùng các phương tiện khéo léo mà khai mở dẫn dắt chúng sinh.



KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ