SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Phẩm 1: TỰA
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại núi Kỳ-xà-quật trong thành Vương xá, cùng đại chúng Tỳ-kheo trên trăm ngàn vị, đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, tâm ý mềm mỏng, là bâc Đại tượng vương, việc làm đã xong, đã được lợi mình, sạch hết kết sử, bỏ gánh nặng, đạt được chánh trí, được giải thoát. Chỉ riêng ngài A-nan là còn ở bậc Hữu học, chứng quả Tu-đà-hoàn.
Lại có năm trăm Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều đã thấy Thánh đế.
Lại có các vị Đại Bồ-tát đều đã được Tổng trì và các Tam-muội, thực hành không, vô tướng, vô tác, đã được Đẳng nhẫn, Vô ngại Đà-la-ni, đều được năm thần thông, lời nói ra đều được mọi người kính tin, không còn biếng trễ, đã rời bỏ danh lợi, nói pháp không cầu báo đáp, vượt qua pháp nhẫn
sâu xa, được năng lực vô úy, vượt qua các việc ma, tất cả nghiệp chướng khéo nói pháp nhân duyên. Từ vô số kiếp đến nay, các ngài đã phát thệ nguyện lớn, nhan sắc hòa vui, thường thưa hỏi trước, lời nói dịu dàng, ở giữa đại chúng tự tại không sợ, đã giỏi nói pháp. Từ vô số ức kiếp, biết rõ các pháp như huyễn, như sóng nắng, như trăng đáy nước, như hư không, như tiếng vang, như thành Càn-thát-bà, như mộng, như bóng, như hình tượng trong gương, như biến hóa, đã được sự không ngăn ngại, không sợ hãi, biết rõ tâm hành chí hướng của chúng sinh, dùng trí tuệ nhiệm mầu mà cứu độ chúng sinh. Các vị đã thành tựu đại nhẫn, ý chí không ngăn ngại, được quán pháp như thật, nguyện nhận lãnh vô lượng thế giới của chư Phật, nhớ nghĩ đến chư Phật trong vô lượng thế giới, chánh định thường hiện tiền, có thể thỉnh vô lượng chư Phật, có thể dứt trừ các kiến chấp, phiền não, an trú và xuất sinh trăm ngàn Tam-muội. Các Đại Bồ-tát đã thành tựu vô lượng công đức như vậy. Danh hiệu các ngài là: Bồ-tát Bạt-đà-ba-la, Bồtát Kế-na-dà-la, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Tinh Đắc, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Chủ Thiên, Bồ-tát Đại Ý, Bồ-tát Ích Ý, Bồ-tát Tăng Ý, Bồ-tát Bất Hư Kiến, Bồ-tát
Thiện Tấn, Bồ-tát Thế
Thắng, Bồ-tát Thường Cần, Bồ-tát Bất Xả Tinh Tấn, Bồ-tát Nhật Tạng, Bồ-tát Bất Khuyết Ý, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồtát Văn-thùsư-lợi, Bồ-tát Chấp Bảo Ấn, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Di-lặc, có trăm ngàn muôn ức na-do-tha Đại Bồtát như vậy. Hàng Đại Bồtát này đều là bậc Nhất sinh bổ xứ, tiếp nối thành Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn tự trải tòa Sư tử rồi ngồi kiết già ngay thẳng, chánh niệm hiện tiền, nhập vào Tam-muội vua của Tam-muội, tất cả Tam-muội vào trong Tam-muội đó. Sau đó, Đức Phật khoan thai xuất định, dùng Thiên nhãn nhìn xem thế giới, rồi nhẹ nhàng mỉm cười. Từ tướng bánh xe ngàn căm dưới lòng bàn chân phát ra sáu trăm muôn ức tia sáng. Từ mười ngón chân, hai mắt cá, hai bắp chân, hai gối, hai vế, eo, lưng, rún, bụng, hông, ngực, chữ vạn, vai, cánh tay, mười ngón tay, cổ, miệng, bốn mươi răng, mũi, mắt, tai, sợi lông trắng, nhục kế, mỗi chỗ trên thân Phật phóng ra sáu trăm muôn ức tia sáng. Từ những tia sáng này phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Từ tam thiên đại thiên thế giới cũng chiếu đến các cõi nước chư Phật số như cát sông Hằng ở phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc, bốn bên trên dưới. Chúng sinh nào gặp được ánh sáng này, thì chắc chắn đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ánh sáng chiếu qua các cõi Phật ở phương Đông số như cát sông Hằng và các cõi ở phương Nam, Tây, Bắc, bốn bên trên dưới cũng như vậy. Bấy giờ toàn thân Thế Tôn tất cả lỗ chân lông đều phát ra ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới suốt đến hằng sa thế giới ở khắp mười phương. Chúng sinh nào được thấy ánh sáng này thì quyết định đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ Thế Tôn dùng hào quang thường phát ra chiếu đến tam thiên đại thiên thế giới cũng chiếu đến các cõi Phật ở phương Đông số như cát sông Hằng cho đến khắp mười phương. Chúng sinh nào thấy được ánh sáng này thì chắc chắn đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ Thế Tôn mỉm cười vui vẻ, hiện tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới, phát ra vô lượng ngàn muôn ức tia sáng. Mỗi tia sáng này hóa thành hoa báu ngàn cánh màu vàng ròng. Trên hoa báu đều có Hóa Phật ngồi kiết già giảng nói sáu pháp Ba-la-mật. Chúng sinh nào được nghe thì chắc chắn đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ánh sáng này đều chiếu đến hằng sa thế giới ở khắp mười phương, cũng hiện ra hoa báu trên đó có Hóa Phật nói pháp như vậy.
Bấy giờ, Đức Phật vẫn ngồi trên tòa Sư tử nhập Tammuội Sư tử du hý. Do thần lực Phật, cả tam thiên đại thiên thế giới đều rung chuyển sáu cách, làm cho mọi loài đều vui mừng. Trong tam thiên đại thiên thế giới này, các loài nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và tám nạn liền được sinh lên tầng trời Tứ vương, cho đến tầng trời Tha hóa tự tại. Các vị trời này tự biết túc mạng, đều rất vui mừng đồng đến chỗ Đức Phật ngự, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một phía. Hằng hà sa thế giới ở khắp mười phương cũng rung chuyển sáu cách, các loài ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và tám nạn đều được sinh lên sáu tầng trời cõi Dục.
Bấy giờ, chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới này, người mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, người điên được tỉnh, người loạn được định, người bệnh được lành, người tàn tật được nguyên vẹn, người rách rưới được áo mặc, người đói khát được ăn uống.
Tất cả mọi loài đều phát tâm lành, xem nhau như cha mẹ, anh em, chị em ruột thịt, đồng thực hành mười nghiệp lành, tịnh tu phạm hạnh, không phạm lỗi lầm, an nhiên hỷ lạc như Tỳ-kheo nhập đệ Tam thiền. Họ đều được trí tuệ tốt, giữ mình theo giới luật không làm tổn hại kẻ khác.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngự trên tòa Sư tử, trong tam thiên đại thiên thế giới này với quang minh sắc tướng oai đức rực rỡ tôn nghiêm bậc nhất, chiếu đến hằng sa thế giới ở khắp mười phương, như núi Tu-di cao hơn tất cả núi non.
Lúc Đức Thế Tôn dùng thân thường hiển bày cho chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, bấy giờ chư Thiên của trời Thủđà-hội, chư Thiên Phạm chúng, chư Thiên cuả trời Tha hóa tự tại, trời Hóa lạc, trời Đâu-suất-đà, trời Dạ-ma, trời Ba mươi ba, tứ Thiên vương cùng với người và phi nhân của tam thiên đại thiên thế giới đều đem hoa, hương, chuỗi anh lạc, hương xông, hương bột của cõi trời, họ dùng hoa sen xanh, sen trắng, sen đỏ, hoa hồng và hương lá cây của cõi trời dến cõi Phật an trụ và rải trên Đức Phật. Các hoa hương báu này dừng trên hư không hóa thành đài báu lớn rũ những chuỗi ngọc cùng lọng báu nhiều màu giăng trùm tam thiên đại thiên thế giới. Do đó, khắp tam thiên đại thiên thế giới thành màu vàng ròng, đến hằng sa thế giới ở khắp mười phương cũng giống như vậy. Chúng sinh ở cõi này và chúng sinh ở các thế giới ở khắp mười phương đều tự cho là Đức Phật chỉ nói pháp riêng cho mình mà thôi (chứ không thuyết cho ai khác).
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngự tòa Sư tử vui vẻ mỉm cười, miệng phát ra ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Do ánh sáng này, chúng sinh đồng thấy chư Phật và Tăng chúng trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương. Chúng sinh ở hằng sa thế giới ở khắp mười phương cũng thấy Phật Thíchca Mâu-ni và đại chúng ở cõi tam thiên đại thiên này.
Đi về phương Đông qua hằng sa thế giới, tận cùng có cõi Đa bảo của Phật Bảo Tích. Đức Phật ấy đang giảng Bát-nhã bala-mật cho chúng Đại Bồ-tát. Nơi đó có Bồ-tát hiệu là Phổ Minh, thấy ánh sáng, thấy rung chuyển lại thấy thân Phật Thíchca Mâu-ni, nên đến thưa hỏi lý do với Phật Bảo Tích.
Đức Phật Bảo Tích dạy:
–Đó là thần lực của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở cõi Tabà cách đây hằng sa thế giới về phương Tây. Đức Phật Thíchca Mâu-ni sắp giảng nói Bát-nhã ba-la-mật cho chúng Đại Bồtát nghe.
Bồ-tát Phổ Minh bạch Phật:
–Nay con muốn đến lễ bái, cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và gặp các vị Đại Bồ-tát.
Đức Phật Bảo Tích trao hoa sen ngàn cánh màu vàng ròng cho Bồ-tát Phổ Minh, dặn rằng:
–Ông đem hoa này cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni. Ông nên nhất tâm đến cõi Ta-bà, vì các vị Bồ-tát sinh về cõi Tabà đó thật là khó sánh bằng, khó vượt hơn.
Bồ-tát Phổ Minh lãnh hoa sen ngàn cánh màu vàng ròng, từ tạ Phật Bảo Tích rồi cùng vô số đại chúng đem những hoa hương phướn lọng đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni đảnh lễ dưới chân Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đức Bảo Tích Như Lai kính lời hỏi thăm Đức Thế Tôn ít não ít bệnh, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực an ổn chăng? Nói xong, Bồ-tát Phổ Minh dâng hoa sen màu vàng ngàn cánh này cúng dường Đức Thế Tôn.
Phật Thích-ca Mâu-ni nhận hoa sen ngàn cánh màu vàng ròng rồi rải khắp cúng dường hằng sa chư Phật phương Đông.
Hoa sen ấy hóa thành hằng sa đóa hoa ở khắp hằng sa thế giới ở phương Đông. Trên mỗi đóa sen đều có Hóa Bồ-tát ngồi kiết già nói sáu pháp Bala-mật. Những ai được nghe pháp này đều quyết định đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại chúng theo Bồ-tát Phổ Minh cũng đem hoa, hương, phướn lọng của mình dâng cúng Phật Thích-ca Mâu-ni.
Đi về phương Nam qua hằng sa thế giới có cõi Ly nhất thiết ưu của Phật Vô Ưu Đức, nơi đó có Bồ-tát hiệu là Ly Ưu.
Đi về phương Tây qua hằng sa thế giới có cõi Diệt ác của Phật Bảo Sơn, nơi đó có Bồ-tát hiệu là Nghĩa Ý.
Đi về phương Bắc qua hằng sa thế giới có cõi Thắng quốc của Đức Phật Thắng Vương, nơi đó có Bồ-tát hiệu là Đức Thắng.
Đi về phương dưới qua hằng sa thế giới có cõi nước tên là Thiện của Đức Phật Thiện Đức, nơi đó có Bồ-tát hiệu Hoa Thượng.
Đi về phương trên qua hằng sa thế giới có cõi nước tên là Hỷ của Đức Phật Hỷ Đức, nơi đó có Bồ-tát hiệu Đức Hỷ. Các Bồ-tát trên đây ở cõi mình thấy ánh sáng chiếu khắp và mặt đất rung chuyển… liền cùng đại chúng cầm hương hoa, phướn lọng đến thế giới Ta-bà kính lễ cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni, đồng như Bồ-tát Phổ Minh ở phương Đông.
Bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới trở thành trang nghiêm nhiệm mầu như thế giới Hoa tích cùng thế giới Phổ hoa. Đức Như Lai biết các Đại Bồ-tát cùng các trời, người và tám bộ chúng ở hằng sa thế giới đều đã nhóm họp nên gọi Tôn giả Xálợi-phất dạy:
–Đại Bồ-tát muốn dùng Nhất thiết chủng trí để biết rõ tất cả pháp, thì phải tu tập Bát-nhã ba-la-mật.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát muốn dùng Nhất thiết chủng trí để biết tất cả pháp, thì phải tu tập Bát-nhã ba-lamật như thế nào? Phật dạy:
–Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bát-nhã ba-la-mật.
Vì pháp không có sự để xả bỏ nên được đầy đủ Bố thí ba-lamật; vì người cho, kẻ nhận và vật cho đều chẳng thật có; vì tội và không tội đều chẳng thật có nên đầy đủ Trì giới bala-mật; vì tâm chẳng động nên đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật; vì thân tâm tinh tấn chẳng biếng trễ nên đầy đủ Tinh tấn ba-lamật; vì chẳng tán loạn, chẳng say mê nên đầy đủ Thiền định ba-la-mật; vì chẳng chấp trước tất cả pháp nên đầy đủ Trí tuệ ba-la-mật.
Đại Bồ-tát dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bátnhã ba-la-mật. Vì bất sinh nên đầy đủ bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm niệm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám phần Thánh đạo, Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tam-muội Vô tác, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc, tám Bội xả, tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Nhất thiết xứ.
Cũng đầy đủ chín pháp tưởng về thây chết: Tưởng sình, tưởng nứt, tưởng máu chảy, tưởng thối rã, tưởng bầm xanh, tưởng giòi trùng ăn, tưởng vữa nát, tưởng xanh trắng, tưởng đốt cháy tiêu tan.
Cũng đầy đủ tám chánh niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí xả, niệm thiên, niệm hơi thở ra vào, niệm chết.
Cũng đầy đủ mười pháp quán: Quán vô thường, quán khổ, quán vô ngã, quán món ăn nhơ nhớp, quán tất cả thế gian đều không đáng ưa thích, quán chết, quán bất tịnh, quán dứt trừ, quán lìa dục, quán diệt tận.
Cũng đầy đủ mười một trí: Pháp trí, Tỷ trí, Tha tâm trí, Thế trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tận trí, Vô sinh trí, Như thật trí.
Cũng đầy đủ ba Tam-muội: Tam-muội có giác có quán, Tammuội không giác có quán, Tam-muội không giác không quán.
Cũng đầy đủ ba căn: Căn chưa biết muốn biết, căn biết và căn đã biết.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn biết khắp tất cả công đức của Phật, như mười Trí lực, bốn Vô sở úy, bốn Trí vô ngại, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi, thì phải tu tập Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn được đầy đủ đạo tuệ, muốn dùng tuệ để được đầy đủ đạo chủng tuệ, muốn dùng đạo chủng tuệ để được đầy đủ Nhất thiết trí, muốn dùng Nhất thiết trí để được đầy đủ Nhất thiết chủng trí, muốn dùng Nhất thiết chủng trí để dứt trừ tập khí phiền não, đều phải tu tập Bát-nhã ba-lamật.
Đại Bồ-tát phải học tập Bát-nhã ba-la-mật như vậy.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn bước lên quả vị Bồtát, muốn hơn bậc Thanh văn, Duyên giác, muốn trụ bậc không thoái chuyển, muốn có sáu thần thông, muốn biết chí hướng của tất cả chúng sinh, muốn có trí tuệ hơn trí tuệ của tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật, muốn được các môn Đà-la-ni, các môn Tam-muội, đều phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn dùng tâm tùy hỷ để vượt hơn những sự Bố thí, Trì giới, Thiền định, Trí tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến, các thiền định giải thoát Tam-muội của tất cả những người cầu Thanh văn, Bích-chi-phật, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát thực hành ít Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ mà muốn do năng lực phương tiện hồi hướng để được vô lượng, vô biên công đức, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn thực hành Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-lamật, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn đời đời thân thể giống như thân Phật, có đủ ba mươi hai tướng Đại nhân, tám mươi vẻ đẹp tùy hình thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn sinh nơi nhà Bồ-tát, muốn được bậc đồng chân, muốn chẳng rời Phật, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn đem những cội lành cúng dường chư Phật và cung kính tôn trọng khen ngợi thành tựu tùy ý, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn làm cho chúng sinh thỏa mãn các thứ uống ăn, y phục, giường nệm, đèn đuốc, phòng nhà, xe cộ, thuốc men, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn làm cho chúng sinh ở hằng sa thế giới đứng vững nơi sáu pháp Ba-la-mật, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn gieo một cội lành trong ruộng phước của Phật, còn mãi cho đến khi được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vẫn không hết, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn chư Phật mười phương khen ngợi danh hiệu mình thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn vừa phát ý thì thân liền đến hằng sa thế giới ở khắp mười phương, muốn vừa phát âm thì tiếng vang đến hằng sa thế giới ở khắp mười phương, đều phải học Bát-nhã ba-lamật.
Muốn thế giới của chư Phật chẳng dứt mất thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn an trụ trong nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, rốt ráo không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, các pháp không, vô sở đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn biết nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên và tăng thượng duyên của các pháp, thì phải học Bát-nhã ba-lamật.
Muốn biết chân như, thể tánh và thật tế các pháp, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát phải như vậy mà an trụ trong Bát-nhã ba-la-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn đếm biết số hạt bụi của những hòn núi, những quả đất thuộc tam thiên đại thiên thế giới; muốn phân tích đầu một sợi lông làm trăm phần rồi lấy một phần lông ấy chấm hết nước của các suối ao, sông ngòi, biển cả trong tam thiên đại thiên thế giới mà không kinh động đến các loài thủy tộc; muốn thổi một cái liền tắt ngọn lửa cháy khắp tam thiên đại thiên thế giới như hỏa tai lúc kiếp tận; muốn lấy một ngón tay ngăn dừng những cơn gió lớn có thể làm tan nát tam thiên đại thiên thế giới cho đến tất cả các núi Tu-di như thổi tan đống cỏ mục, thì phải học Bátnhã bala-mật.
Muốn một lần ngồi kiết già có thể làm cho thân thể ở khắp tất cả không gian trong tam thiên đại thiên thế giới, thì phải học Bátnhã ba-la-mật.
Muốn dùng một sợi lông nâng các núi Tu-di trong tam thiên đại thiên thế giới ném qua khỏi vô số thế giới ở phương khác mà không làm các chúng sinh trong đó kinh hãi, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn đem một bữa ăn, một bộ y phục, một nén hương, một cành hoa, một chuỗi ngọc, một cây đèn, một cờ phướn, một lọng báu mà cúng dường đầy đủ khắp chư Phật và chư Tăng trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn làm cho chúng sinh trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương đều đầy đủ giới hạnh, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giúp cho chứng quả Tu-đàhoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả Ala-hán, cho đến được Vô dư Niết-bàn, thì phải học Bát-nhã bala-mật.
Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, lúc bố thí nên biết rõ rằng: Bố thí như vậy được quả báo rất lớn; bố thí như vậy được sinh vào dòng tôn quý; bố thí như vậy được sinh lên tầng trời Tứ vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa; bố thí như vậy được nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhờ bố thí này mà được tám phần Thánh đạo, nhờ bố thí này chứng được quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả Phật, thì phải học Bát-nhã ba-lamật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, lúc bố thí nhờ năng lực trí tuệ theo phương tiện nên có thể đầy đủ Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-lamật, Tỳ-lê-gia ba-lamật, Thiền định ba-la-mật và Bát-nhã bala-mật.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát lúc bố thí, nhờ năng lực trí tuệ phương tiện mà đầy đủ sáu pháp Ba-lamật?
Phật dạy:
–Này Xá-lợi-phất! Vì người bố thí, kẻ thọ và vật thí đều chẳng thật có nên đầy đủ Bố thí ba-la-mật. Vì có tội và không tội đều không thật có nên đầy đủ Trì giới ba-la-mật. Vì tâm bất động nên đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật. Vì thân tâm tinh tấn nên đầy đủ Tinh tấn ba-la-mật. Vì chẳng tán loạn, chẳng say đắm nên đầy đủ Thiền định ba-la-mật. Vì biết tất cả pháp đều không thật có nên đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn được công đức của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, thì phải học Bát-nhã ba-lamật.
Muốn đến bờ kia của pháp hữu vi và pháp vô vi, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn biết chân như, pháp tướng và ranh giới không sinh của các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, thì phải học Bát-nhã bala-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn ở trước tất cả hàng
Thanh văn, Duyên giác, muốn hầu hạ chư Phật, muốn làm nội quyến thuộc của chư Phật, muốn được quyến thuộc lớn, muốn được quyến thuộc Bồ-tát, muốn bố thí lớn được kết quả thanh tịnh, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn không sinh tâm keo kiệt, phá giới, giận dữ, biếng trễ, tán loạn, ngu si thì phải học Bát-nhã bala-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn giúp cho tất cả chúng sinh đứng vững trong phước bố thí, trong phước trì giới, trong phước tu tập thiền định, trong phước khuyến đạo, trong tài phước và trong pháp phước, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn được năm loại mắt thì phải học Bát-nhã ba-la-mật. Năm loại mắt là Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn.
Đại Bồ-tát muốn dùng Thiên nhãn thấy chư Phật trong hằng sa thế giới, muốn dùng Thiên nhĩ nghe pháp của chư Phật khắp mười phương giảng nói, muốn hiểu biết tâm Phật, thì phải học Bát-nhã bala-mật.
Muốn nghe được pháp của chư Phật ở mười phương giảng nói, nghe xong nhớ mãi đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vẫn không quên, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn thấy thế giới của chư Phật quá khứ, thấy thế giới của chư Phật vị lai và các thế giới ở khắp mười phương của chư Phật hiện tại, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn nghe mười hai bộ kinh, từ Khế kinh, Trường hàng đến Luận nghị mà hàng Thanh văn được nghe và chẳng được nghe, nghe xong đều muốn đọc tụng, thọ trì trọn vẹn, thì phải học Bát-nhã ba-lamật.
Chánh pháp của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai trong hằng sa thế giới đã giảng nói, đang giảng nói và sẽ giảng nói, nghe xong đều muốn tin nhận thọ trì, thực hành và giảng nói lại cho người khác nghe thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn đem ánh sáng chiếu khắp những chỗ mà mặt trời mặt trăng chẳng chiếu đến trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Muốn giúp cho tất cả chúng sinh trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương, những nơi không có danh hiệu Phật, Pháp, Tăng, đều được chánh kiến, nghe danh hiệu Tam bảo, thì phải học Bát-nhã bala-mật.
Muốn làm cho chúng sinh trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương, do năng lực của mình mà người mù thấy được, người điếc nghe được, người cuồng được tỉnh, kẻ rách được áo mặc, kẻ đói khát được no đủ, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật. Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn làm cho chúng sinh trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương, do năng lực của mình mà những loài trong ba đường ác đều được thân người, thì phải học Bátnhã ba-la-mật.
Muốn giúp cho chúng sinh trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương, nhờ năng lực của mình mà được đứng vững trong giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, được quả Tu-đàhoàn cho đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn học oai nghi của chư Phật, muốn ánh mắt nhìn như voi chúa, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát nguyện rằng khiến cho lúc ta đi, chân ta cách đất bốn ngón tay không đạp mặt đất, ta sẽ được vô lượng các vị trời cõi Dục, cõi Sắc, từ Tứ thiên vương đến trời Sắc cứu cánh cung kính vây quanh cùng đến dưới cội Bồ-đề, ta sẽ ngồi dưới cội Bồ-đề và các vị trời sẽ trải tòa cho ta. Muốn được như vậy, thì phải học Bát-nhã bala-mật.
Lại nguyện lúc ta thành Phật, chỗ ta đi, đứng, ngồi, nằm đều bằng Kim cang, muốn được như vậy, thì phải học Bát-nhã ba-lamật.
Này Xá-lợi-phất! Nếu Đại Bồ-tát muốn trong ngày xuất gia liền thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, liền xoay bánh xe pháp, lúc xoay bánh xe pháp có vô lượng, vô số chúng sinh xa lìa bụi nhơ, đối với các pháp được Pháp nhãn thanh tịnh, có vô lượng, vô số chúng sinh vì chẳng chấp tất cả pháp nên được giải thoát vô lậu. Có vô lượng, vô số chúng sinh được không thoái chuyển với đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn lúc thành Phật sẽ có vô lượng, vô số Thanh văn làm tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng này liền được quả A-la-hán, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn lúc thành Phật, sẽ có vô lượng, vô số Bồ-tát làm Tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng này đều được không thoái chuyển, được tuổi thọ vô lượng, đầy đủ ánh sáng thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn lúc thành Phật, trong thế giới không có ba độc dâm dục, giận dữ, ngu si và danh từ ba độc, tất cả chúng sinh đều thành tựu trí tuệ như thế, khéo bố thí, khéo trì giới, khéo thiền định, kheo tu phạm hạnh, khéo không nhiễu hại chúng sinh thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp không diệt mất, cũng không có danh từ diệt mất thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Đại Bồ-tát muốn lúc thành Phật, chúng sinh trong hằng sa thế giới ở khắp mười phương nghe danh hiệu chắc chắn sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn được những công đức như vậy, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật.