SỐ 226
KINH MA-HA BÁT-NHÃ SAO
Dịch Phạn ra Hán: Đời Phù Tần, Sa-môn Đàm-ma-ti và Trúc Phật Niệm, người nước Thiên Trúc
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: ĐẠO HẠNH

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ngự tại núi Kỳ-xà-quật thuộc thành La-duyệtkỳ cùng với chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc A-la-hán, các lậu đã sạch, đã dứt sinh tử, việc làm và lời nói như nhau, đạt đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Các bậc Thánh này đã rõ tất cả, các vị đều là những bậc Thượng sĩ, việc đáng làm đã xong, đã bỏ hẳn gánh nặng, tự tại, không còn các nghiệp. Tâm trí của các vị đều đã giải thoát, ngoại trừ Hiền giả A-nan.

Đức Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Hôm nay ông có vui lòng thuyết Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát không? Các vị ấy sẽ học theo đó mà được thành tựu.

Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Đó là tự lực thầy ấy thuyết hay là nương vào oai thần của Đức Phật để thuyết?”

Tôn giả Tu-bồ-đề biết được ý nghĩ của Tôn giả Xá-lợi-phất nên thưa:

–Sự thuyết pháp và pháp được thành tựu của các vị đệ tử Phật có được là đều nhờ vào oai thần của Đức Phật. Vì sao? Vì pháp của Đức Phật thuyết ra và những gì học được trong đó đều có chỗ chứng đắc. Do biết như vậy nên biết có chỗ thành tựu. Đối với các pháp như Phật đã dạy, tuần tự dạy lại cho nhau để có thể thành tựu, vì pháp đó không khác với pháp của Như Lai đã thuyết. Nếu vị nào muốn học pháp này, thì ở đấy rốt cuộc là không có tranh biện.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn dạy con thuyết Bát-nhã ba-lamật cho các Bồ-tát, các vị ấy sẽ nhờ đó mà thành Bồ-tát. Như vậy, cái tên Bồ-tát có ra là từ nơi pháp nào? Con cũng chẳng thấy có pháp Bồ-tát và tên của pháp đó, cũng không thấy Bồ-tát, cũng không chứng đắc Bồ-tát, cũng không thấy Bát-nhã ba-la-mật, cũng không chứng đắc Bát-nhã ba-la-mật. Cũng không thấy Bồ-tát, cũng không chứng đắc Bồ-tát, cũng không thấy Bát-nhã ba-la-mật, cũng không chứng đắc Bát-nhã ba-la-mật, thì chỗ nào có Bồ-tát để vì họ thuyết Bát-nhã ba-la-mật?

Thuyết giảng như vậy, Bồ-tát nghe việc đó trong tâm không biếng nhác không khiếp sợ, không ngại thấy có chướng nạn, không sợ hãi, nên Đại Bồ-tát thích ứng với Bát-nhã ba-la-mật. Đại Bồ-tát nên học Bát-nhã ba-la-mật như vậy, nên suy nghĩ an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật như vậy. Đó tức là học Bát-nhã ba-la-mật.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên học như vầy: “Học rằng: Trong tâm đừng nghĩ mình là Bồ-tát.” Vì sao? Vì tâm không tâm thì tâm đó tịnh.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thế nào là tâm có tâm và tâm không tâm?

Ngài Tu-bồ-đề nói với ngài Xá-lợi-phất:

–Tâm cũng chẳng có, cũng chẳng không có, cũng không thể chứng đắc, cũng không thể biết nó ở chỗ nào.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Những tâm như thế nào là cũng không có tâm, cũng không không tâm; cũng không thể chứng đắc; cũng không thể biết ở chỗ nào?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

–Từ đối đãi tuy có tâm, nhưng tâm đó là không tâm. Tâm như thế cũng không ai biết cũng không ai tạo ra. Do vậy cũng chẳng có tâm, cũng chẳng không có tâm.

Ngài Xá-lợi-phất nói:

–Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề là người được Đức Phật nêu lên, người đáng được nêu lên đó không có vọng kiến về không thân, là người thuyết về đệ nhất tuệ không thân. Nhờ đó Đại Bồ-tát đạt được địa vị không thoái chuyển, quyết định không mất Bát-nhã bala-mật. Đại Bồ-tát cần nên an trụ trong đó. Muốn học đạo Thanh văn thì nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, học tập, thọ trì, giữ gìn Bát-nhã bala-mật. Muốn học đạo Bích-chi-phật nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, học tập, thọ trì, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật. Muốn học đạo Bồ-tát nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, học tập, thọ trì, giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì pháp Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa rộng lớn, là chỗ Đại Bồ-tát phải học tập.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Con suy nghĩ kỹ, tâm của Bồ-tát không thể chứng đắc, cũng không thể biết ở chỗ nào, cũng không thể thấy để có thể chứng đắc. Cũng không thể nói chỗ nào là Bát-nhã ba-la-mật của Đại Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thể nói danh tự của Bồ-tát. Nói là chỗ không có chỗ, danh tự đó không nằm ở đâu cả.

Nên giảng như vậy, Bồ-tát nghe việc đó tâm không biếng nhác, không khiếp sợ, không thấy có chướng nạn để thích ứng với sự không thoái chuyển nên mọi sợ hãi không còn nữa. An trụ vào chỗ ấy thì hiểu biết trọn vẹn nên không còn trở lại nữa.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không nên trụ vào sắc, không nên trụ vào thọ, tưởng, hành, thức; không nên trụ vào trong đó. Trụ nơi đó là thực hành tưởng, thọ, hành tưởng thức. Trụ nơi thức là thực hành thức hành. Không nên thực hành thức hành. Giả sử trụ trong đó là không vâng theo lời dạy của Bát-nhã ba-lamật, không thích ứng với Nhất thiết trí. Vì chấp thủ vào sắc nên không nên chấp thủ sắc. Vì không chấp thủ vào sắc là không chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức. Người không chấp thủ vào sắc là chẳng phải sắc; không chấp thủ vào thọ, tưởng, hành, thức là chẳng phải thức, không chấp thủ Bát-nhã ba-la-mật. Đó là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Người không chấp thủ danh tự Tam-muội là chỗ thâm nhập rộng lớn, không chấp thủ vào Thanh văn, Bích-chi-phật, cho đến Nhất thiết trí cũng không chấp thủ. Vì sao? Vì không nên phát sinh tưởng. Ai phát sinh tưởng thì cũng như những kẻ ngoại đạo tầm thường, nhưng có đức tin nơi Nhất thiết trí. Tuy có khác với ngoại đạo nhưng chưa được giải thoát, vì tuy không chấp thủ sắc thì cũng chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức. Vì không chấp thủ thì cũng không hiểu, chưa thành tựu cũng không thấy tuệ; cũng không thấy tuệ trong sắc, ngoài sắc; không thấy tuệ khác với sắc; không thấy tuệ trong thọ, tưởng, hành, thức. Cũng không thấy tuệ ngoài thức; cũng không thấy tuệ trong ngoài thức. Cũng không thấy tuệ khác thức, chỉ nhờ đức tin mà được giải thoát. Muốn biết việc của Nhất thiết trí để tự hành chế đối với pháp đó là chứng đắc giải thoát, vì người đó đã chứng đắc pháp, ngay nơi pháp cũng không sở đắc, cũng chưa được giải thoát; người đó không dựa vào Niết-bàn để tự cao. Đó là Đại Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì không chấp thủ vào sắc, không chấp thủ vào thọ, tưởng, hành, thức; cũng không Bátniết-bàn giữa đường, đạt được mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng, nên gọi là Đại Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, kính bạch Đức Thiên Trung Thiên, Đại Bồ-tát nhập vào hạnh Bát-nhã ba-la-mật nên thấy thế này: “Bát-nhã ba-la-mật này ở chỗ nào? Pháp ở chỗ nào? Hoàn toàn không thể đắc nơi chốn, thì đó là Bát-nhã ba-la-mật”, nên nghĩ như vậy. Đại Bồ-tát nghe như vậy không biếng nhác, khiếp sợ, e ngại, thấy có chướng nạn, thì nên biết rằng Bồ-tát này đã an trụ vào chỗ chẳng lìa Bátnhã ba-la-mật.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát do nguyên nhân gì không lìa khỏi Bát-nhã ba-lamật; lìa sắc tự thể của sắc; lìa thọ, tưởng, hành, thức, tự thể của thọ, tưởng, hành, thức; Bát-nhã ba-la-mật, tự thể của Bát-nhã ba-la-mật?

Ngài Tu-bồ-đề nói với ngài Xá-lợi-phất:

–Lìa sắc tự thể của sắc; lìa thọ, tưởng, hành, thức tự thể của thức; lìa Bát-nhã ba-la-mật tự thể của Bát-nhã ba-la-mật. Tự thể của Bát-nhã ba-la-mật là lìa tưởng, nên tự thể của tướng là lìa tướng tự thể tướng. Tự thể tướng là lìa tướng.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Học như vậy là học Nhất thiết trí phải không?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

–Học như vậy là nhập vào Nhất thiết trí. Vì sao? Vì các pháp là không có chỗ nhập. Đại Bồ-tát thực hành như vậy liền đạt đến Nhất thiết trí. Đây là hạng Đại Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật gieo giống Nhất thiết trí.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát tinh tấn nên bày: “Ta muốn học tập; ví như hành sắc là hành tưởng, hành sắc tưởng là hành tưởng, hành sắc sinh là hành tưởng, hành sắc hoại là hành tưởng, hành sắc diệt là hành tưởng, hành sắc không là hành tưởng. Giả sử từ ngã hành nên có được là hành tưởng. Diệt thọ, tưởng, hành, thức là hành tưởng, hành thức hoại là hành tưởng, hành thức diệt là hành tưởng, hành thức không là hành tưởng, từ ngã hành nên có được là hành tưởng. Đại Bồ-tát hành trì ngược lại hành tưởng của hành là người giữ gìn hành trì Bát-nhã ba-la-mật vì không hành Bát-nhã bala-mật. Ngược lại, nếu hành trì hành tưởng là Đại Bồ-tát không hành trì Bát-nhã ba-la-mật.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào? Không hành sắc hành, không hành sắc tưởng, không hành sắc sinh, không hành sắc hoại, không hành sắc diệt, không hành sắc không, không hành thọ, tưởng, hành, thức; không hành thức sinh, không hành thức hoại, không hành thức diệt, không hành thức không là hành Bát-nhã ba-la-mật. Cũng không thấy cũng không hành. Cũng không thấy hành không hành. Cũng không thấy, cũng không bất hành, cũng không vô hành. Như vậy là không thấy. Vì sao? Vì tất cả pháp không từ đâu đến, cũng không nương chỗ nào thọ trì. Đại Bồtát không chấp trước vào các pháp danh hiệu. Tam-muội đó không có bến bờ, không có ranh giới nên nhập vào được tất cả, là chỗ các La-hán, Bích-chi-phật không thể biết. Đại Bồ-tát theo Tam-muội này mau đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đạt đến quả vị Phật.

Khi Tôn giả Tu-bồ-đề nương vào oai thần của Phật để phát biểu điều này, các Đại Bồ-tát đều được thọ ký. Trong quá khứ lâu xa, khi Đức Như Lai tự mình đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến thành Phật nương theo Tam-muội này nhưng cũng không thấy Tam-muội, cũng không nói ta biết Tam-muội, cũng không nghĩ ta hoàn tất Tam-muội, cũng không tưởng ta ngồi vào Tam-muội, cũng không nói ta hoàn tất Tam-muội. Người theo pháp như vậy hoàn toàn không có khuyết điểm.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Chỗ nào là chỗ Đại Bồ-tát thực hành theo Tam-muội này? Khi Đức Như Lai ở trước Phật quá khứ được thọ ký thành Phật, Ngài có thấy được chỗ của Tam-muội này không?

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Không thể thấy được! Thiện nam tử, ngay nơi Tam-muội này tôi cũng không biết, không hiểu, không rõ. Vì sao? Vì không biết, không rõ thì cũng không trả lời được, cũng không tam muội, cũng không danh tự.

Đức Phật dạy:

–Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề! Như điều ta nói, Đại Bồ-tát không thân tuệ làm như vậy là học tập theo Bát-nhã ba-la-mật. Đại Bồ-tát này là người học Bát-nhã ba-la-mật.

Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên, Đại Bồ-tát học như vậy là học Bát-nhã ba-la-mật?

Đức Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Đó là Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật.

Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Học như vậy là học pháp gì?

Đức Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Đại Bồ-tát học như vậy là học pháp vô học. Vì sao? Vì pháp đó không có chỗ đạt đến được, chớ mê lầm như cái học của trẻ em.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, vậy ai là người có thể đạt đến được pháp ấy?

Đức Phật dạy Xá-lợi-phất:

–Không có chỗ chứng đắc, cho nên chứng đắc.

Đức Phật dạy:

–Không có pháp sở đắc, chớ mê như cái học của trẻ con, gọi là có chữ nhưng không thể biết được. Muốn thâm nhập vào pháp lại bị chướng ngại cả hai bên. Không hiểu biết pháp và cũng không thấy pháp. Pháp nếu có pháp, do có liền có thể được. Thế nên pháp không thể biết. Cũng không biết, cũng không thể thấy, mê lầm như trẻ con, gọi là có thân cũng không hiểu, bèn không tin. Do không hiểu biết nên nói là trẻ con.

Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát học như vậy phải chăng là không học Nhất thiết trí?

Đức Phật dạy:

–Đại Bồ-tát học như vậy là không học Nhất thiết trí. Đại Bồtát không học như vậy là học Nhất thiết trí để thành tựu Nhất thiết trí.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nếu có người hỏi rằng: “Thật giả dối thay là học Phật sẽ được làm Phật.” Khi có người hỏi như vậy thì nên trả lời họ như thế nào?

Đức Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Ta sẽ hỏi, tùy ông trả lời.

Thế nào, Tu-bồ-đề! Huyễn cùng với sắc có khác nhau chăng? Huyễn cùng thọ, tưởng, hành, thức có khác nhau chăng?

Ngài Tu-bồ-đề trả lời Đức Phật:

–Không có khác. Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Huyễn với sắc không có khác. Sắc là huyễn, huyễn là sắc. Huyễn cùng thọ, tưởng, hành, thức không khác.

Đức Phật dạy:

–Thế nào, Tu-bồ-đề! Những điều ta hỏi không tùy theo pháp. Từ năm ấm mà có danh tự Bồ-tát phải không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Đúng như vậy. Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Đại Bồtát muốn học làm Phật là học huyễn mà thôi. Vì sao? Vì người tạo ra huyễn thọ trì sắc ấm như huyễn. Không có sắc, sáu suy, năm ấm đều như huyễn. Thọ, tưởng, hành, thức đều không, không có sở hữu, chỉ có danh từ sáu suy, năm ấm thôi.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát mới học nào nghe những lời này thì được sự không sợ hãi?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Giả sử Đại Bồ-tát mới học nương theo thầy xấu thì sợ hãi, còn nương theo thầy tốt thì không sợ hãi.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thế nào là thầy xấu của Đại Bồ-tát? Làm sao để biết được?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Người ấy không tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật, dạy người xả bỏ, xa lìa tâm Bồ-tát. Trở lại dạy người phát khởi ý tưởng học những kinh tạp nhạp, với tà tâm ưa thích học theo kinh tạp nhạp. Dạy các kinh nói về các việc của Thanh văn hoặc Bích-chi-phật, dạy học tụng theo tất cả những kinh đó để nói về việc của ma, chúa ma, làm cho bại hoại tâm Bồ-tát. Thuyết cho người nghe về khổ nhọc của sinh tử, nói rằng quả vị Bồ-tát không thể chứng đắc, thì gọi đó là thầy xấu của Bồ-tát.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Vậy thế nào là thầy tốt của Đại Bồ-tát? Và sẽ do đâu để biết?

Đức Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Người ấy tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật, luôn luôn chỉ dạy cho người học tập để thành tựu. Dạy về lời nói và việc làm của ma để biết rõ ma, để xa lìa ma. Thế nên Đại Bồ-tát với đại thệ nguyện hướng đến Đại thừa, thì đó là thầy tốt của Đại Bồ-tát.

Ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật:

–Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Bồ-tát do nguyên nhân gì gọi là Bồ-tát?

Đức Phật dạy:

–Đối với các kinh điển đã học, người này hiểu rõ tất cả, nhưng không đắm trước nơi các pháp, cho nên gọi là Bồ-tát.

Ngài Tu-bồ-đề lại hỏi Đức Phật:

–Hiểu rõ tất cả các kinh pháp nên có tên là Bồ-tát. Còn vì sao gọi là Đại Bồ-tát?

Đức Phật dạy:

–Đại là do tất cả nhân gian thiên thượng đều rất tôn kính. Do vậy nên gọi là Đại Bồ-tát.

Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Con cũng ưa nghe vì lẽ gì gọi là Đại Bồ-tát?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Nếu ông thích nghe, ta sẽ giảng cho ông! Đại Bồ-tát là tự mình thấy rõ tất cả, biết rõ tất cả mọi người trong thế gian. Biết rõ tất cả về tuổi thọ của họ, biết rõ tất cả về việc chặt đứt mọi ràng buộc, dính mắc và có thể tùy theo chỗ ưa thích của họ mà thuyết pháp cho họ nghe. Vì vậy nên gọi là Đại Bồ-tát.

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Bồ-tát để được tên là Đại Bồ-tát, giả sử tâm không có tâm nào bằng với tâm ấy, không có người nào có thể đạt được tâm ấy. Là chỗ mà các La-hán và Bíchchi-phật cũng không sánh kịp. Tâm không dính mắc tâm. Vì sao? Vì đó là tâm của Nhất thiết trí. Vì ngoài ra không có gì khác. Do tâm không dính mắc nên gọi là Đại Bồ-tát.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Do nguyên nhân gì tâm Bồ-tát không dính mắc?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

–Tâm không suy nghĩ nên không dính mắc.

Phân-nậu-văn-đà-ni-phất bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, do nguyên nhân gì Đại Bồ-tát được gọi là Đại Bồ-tát? Thế nào là Đại Bồ-tát vì đại thệ nguyện? Ma-ha diễn là chánh định của Đại thừa, Tam-bạt-đế là đẳng trụ?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát này tức là Đại Bồ-tát.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đại thệ nguyện! Do nguyên nhân gì Bồ-tát phát đại thệ nguyện?

Đức Phật dạy:

–Vì Đại Bồ-tát nghĩ: “Ta sẽ độ vô lượng, vô số người, làm cho tất cả đều được Bát-niết-bàn, làm cho Bát-niết-bàn như vậy mà không có pháp Bát-niết-bàn.” Vì sao? Tu-bồ-đề! Ví như có một huyễn sư ở một nơi rộng rãi, hóa làm ra nhiều người ở đầy trong một thành và chặt đầu của tất cả số người được hóa ở trong thành đó. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ thế nào, trong thành đó có người nào bị giết chết không?

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Trong đó không có người nào bị giết chết.

Đức Phật dạy:

–Đúng như vậy! Tu-bồ-đề. Độ vô lượng, vô số người làm cho Bát-niết-bàn nhưng không có người nào Bát-niết-bàn. Người nào nghe như vậy không sợ, nên biết đó là Đại Bồ-tát, tức là địa thệ nguyện.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Như bản thân con. Từ khi theo Phật được nghe và nghĩ về những việc đó, như vậy thì không phải là đại thệ nguyện. Vì sao? Vì không có người ở trong thành Nhất thiết trí, không có người cúng dường, không có người ở trong thành, thì người nào sẽ là đại thệ nguyện? Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên, sắc không dính, không buộc, không mở. Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên, thọ, tưởng, hành, thức không dính, không buộc, không mở.

Ngài Phân-mạn-đà-ni-phất hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Sắc không dính, không buộc, không mở. Thọ, tưởng, hành, thức không dính, không buộc, không mở nên có sắc không dính, không buộc, không mở, chính là có thọ, tưởng, hành, thức không dính, không buộc, không mở.

Tu-bồ-đề! Sắc ở chỗ nào không dính, không buộc, không mở? Thọ, tưởng, hành, thức ở chỗ nào không dính, không buộc, không mở?

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Sắc như huyễn không dính, không buộc, không mở. Thọ, tưởng, hành, thức như huyễn không dính, không buộc, không mở. Không có ranh giới không dính, không buộc, không mở. Không thấy chính xác không dính, không buộc, không mở. Không có chỗ phát sinh không dính, không buộc, không mở. Đó là Đại Bồ-tát, là đại thệ nguyện.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Do nguyên nhân gì Đại Bồ-tát là Đại Bồ-tát hướng đến Đại thừa? Chỗ nào là Đại thừa? Chỗ nào trụ vào Đại thừa và Đại thừa trụ vào chỗ nào? Sẽ từ nơi chỗ nào lập nên Đại thừa?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại thừa, Đại thừa là không có giới hạn, không thể đạt được ranh giới thì từ chỗ nào đễ đạt đến Đại thừa? Đại thừa là từ ba cõi mà ra, từ trong Nhất thiết trí lập nên. Đối với Đại thừa không lập, cũng chẳng phải không lập. Vì sao? Lập và không lập, là vì ngay nơi pháp mà không biết pháp thì pháp nào sẽ lập?

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đại thừa, Đại thừa là vượt lên trên thiên thượng, thiên hạ và thế gian. Đại thừa đồng như hư vô giống như hư không, bao trùm vô lượng, vô số người nên gọi là Đại thừa. Cũng không thấy khi Đại Bồ-tát đến, cũng không thấy khi Đại Bồ-tát đi, cũng không thấy chỗ của Đại Bồ-tát ở. Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đối với Đại thừa không thể đạt được nguồn gốc của Đại thừa, cũng không biết chỗ Đại thừa sẽ đến, cũng không biết trung gian, chỉ ngay nơi ba cõi thấy tên Đại thừa.

Đức Phật dạy:

–Lành thay, lành thay Tu-bồ-đề! Thế nên Đại Bồ-tát là Đại thừa.

Ngài Phân-mạn-đà-ni-phất bạch Phật:

–Đức Phật dạy thuyết Bát-nhã ba-la-mật, Tôn giả Tu-bồ-đề lại thuyết Đại thừa.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con thuyết Bát-nhã ba-lamật không có lỗi.

Đức Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Bát-nhã ba-la-mật mà thầy thuyết, thích ứng hoàn toàn, trong đó không có một chút lỗi nào.

–Lại nữa, kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Cũng không thấy được nguồn gốc của Bồ-tát, cũng không biết được chỗ Bồ-tát sẽ đến, cũng không thấy được trung gian của Bồ-tát. Sắc không có bến bờ, Bồ-tát cũng không có bến bờ. Sắc và Bồ-tát không thể đạt được, không thể biết và cũng không thể đắc.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Như vậy Đại Bồ-tát cũng không thể biết, cũng không thể đắc, thì sẽ lấy Bát-nhã ba-la-mật nào để thuyết cho Đại Bồ-tát? Cũng không đắc Bồ-tát, cũng không thấy Bồ-tát thì sẽ dùng pháp nào để thuyết Bát-nhã ba-la-mật? Bồ-tát dựa vào tướng danh tự nào để gọi là Bồ-tát?

Thế nào, kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Chữ ngã, chỗ nào là tất cả ngã?

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ngã đó cũng diệt. Đó là tự thể của pháp. Chỗ nào là sắc? Điều cốt yếu là không diệt. Chỗ nào sắc như vậy thì thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Thức không ranh giới, Bồ-tát cũng không ranh giới. Hoàn toàn không biết chỗ ở của Bồ-tát, cũng không thấy Bồ-tát.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Tất cả Đại Bồ-tát hoàn toàn không có chỗ ở, cũng không thể đắc, thì chỗ nào là chỗ của Đại Bồ-tát để thuyết Bát-nhã ba-la-mật cho họ? Đối với Bồ-tát hoàn toàn không thể thấy được, cũng không biết chỗ ở thì sẽ từ pháp nào để thuyết Bát-nhã ba-la-mật? Đại Bồ-tát mà cho rằng có danh tự, đó là danh tự tưởng.

Ngã, kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ngã đó cũng diệt, là tự thể của pháp. Thức ở chỗ nào cốt yếu không diệt? Thức ở chỗ nào đối với tự thể của pháp? Không diệt là chẳng phải pháp tạo ra, cũng chẳng phải chẳng diệt. Vì sao không diệt? Như Bát-nhã ba-la-mật đã thuyết, không tạo ra cái diệt khác thì sẽ từ nơi pháp nào đưa đến? Bồ-tát thực hành hạnh này, nghe việc đó không khủng khiếp, không lo sợ. là người hành Bát-nhã ba-la-mật.

Bát-nhã ba-la-mật, kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lúc suy nghĩ chín chắn như vậy thì không nhập vào sắc, lấy gì đắc sắc? Không có chỗ sinh ra chẳng phải sắc. Giả sử chẳng phải sắc là không sắc cũng không sinh ra thì trong đó không có chỗ nào để được danh tự? Sắc này là pháp làm ra số. Bấy giờ Đại Bồ-tát vì thực hành Bát-nhã ba-la-mật sẽ thấy pháp thâm nhập vào tư duy. Bấy giờ cũng không nhập vào thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì thức không có chỗ sinh ra là chẳng phải thức. Giả sử chẳng phải thức là không có thức, cũng không có chỗ sinh ra, từ đó không có chỗ để được danh tự, thức này là pháp làm ra số.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Pháp thầy thuyết không có chỗ sinh. Giả sử Bồ-tát cũng không có chỗ sinh, thì Bồ-tát dựa vào những gì mà siêng năng thực hành đạo Bồ-tát? Giả sử nhờ vào tất cả mọi người, thì ai là người nhận chịu sự khổ nhọc này?

Ngài Tu-bồ-đề trả lời ngài Xá-lợi-phất:

–Tôi cũng không bảo Bồ-tát nhận chịu hạnh khổ nhọc này. Bồ-tát nhẫn nhục thực hành khổ hạnh là con đường của Bồ-tát.

Không nên nghĩ: ta nhẫn nhục chịu đựng hạnh khổ nhục. Vì sao? Vì tâm Bồ-tát không nghĩ như vậy mới có thể làm cội gốc cho vô lượng, vô số người, làm cho đều được an ổn. Nghĩ đến họ như nghĩ đến mẹ, nghĩ đến họ như nghĩ đến cha, đến bản thân mình. Đại Bồtát nên giữ tâm mình luôn nghĩ như vậy đối với tất cả, chẳng thấy Bồ-tát, cũng chẳng biết ở chỗ nào. Người làm như vậy là nhẫn nhục thực hành khổ hạnh.

Xá-lợi-phất! Giả sử không thấy sinh ra Bồ-tát, vì Bồ-tát là vô sinh.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Giả sử Bồ-tát không sinh thì Nhất thiết trí cũng không sinh?

Ngài Tu-bồ-đề bảo ngài Xá-lợi-phất:

–Nhất thiết trí cũng không sinh.

Ngài Xá-lợi-phất lại bảo ngài Tu-bồ-đề:

–Nhất thiết trí không sinh thì người phàm phu cũng không sinh.

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Kẻ phàm phu cũng không sinh.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát không sinh thì pháp Bồ-tát cũng không sinh. Nhất thiết trí không sinh thì pháp Nhất thiết trí cũng không sinh. Phàm phu không sinh thì pháp phàm phu cũng không sinh. Vậy Bồ-tát không từ đâu sinh ra để đạt đến Nhất thiết trí?

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Pháp không từ đâu sinh ra để nhập vào, cũng chẳng phải không nhập, không có pháp từ chỗ nào sinh ra để đạt đến.

Ngài Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Cái sinh, sinh ra đó mới có thể đạt được pháp phải không?

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Pháp không từ đâu sinh ra để được sinh. Pháp không có chỗ sinh đó là đạt được.

Ngài Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Do sinh, sinh ra là từ chỗ không sinh ra.

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Không có chỗ sinh, thích nghe về không chỗ sinh.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Không ưa nghe sinh, chính đó là ưa nghe.

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Không sinh ra nghe chính đó là nghe.

Ngài Xá-lợi-phất bảo:

–Do nghe, đó là nhờ lời nói.

Ngài Tu-bồ-đề thưa ngài Xá-lợi-phất:

–Không không lời nói, đó là lời nói. Không nói, không thích nghe, đó là nói, đó là thích nghe.

Ngài Xá-lợi-phất bảo:

–Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề đã thuyết những điều tôn quý trong giáo pháp. Vì sao? Vì Tôn giả Tu-bồ-đề y theo câu hỏi, ngài giải đáp tất cả.

Ngài Tu-bồ-đề thưa ngài Xá-lợi-phất:

–Đệ tử Phật thuyết pháp đều như vậy, tùy theo chỗ người ta hỏi mà giải đáp. Vì sao? Vì theo pháp là vậy, nên cũng không biết chỗ sinh ra.

Ngài Xá-lợi-phất bảo:

–Lành thay, lành thay, Tu-bồ-đề! Từ Bát-nhã ba-la-mật nào Đại Bồ-tát vượt qua?

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Từ Bát-nhã ba-la-mật lúc thuyết pháp này, ai đọc tụng Đại Bồ-tát sẽ biết được đức tin của người đó không còn nghi ngờ. Có người tin theo, pháp này không tăng. Không có người tin theo, pháp này cũng không giảm.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Có người theo, pháp này cũng không tăng. Không có người theo, pháp này cũng không giảm. Dạy tất cả mọi người theo pháp này vì theo pháp này không mất tất cả người, vì làm cho tất cả được đắc Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì tất cả mọi người đều học pháp. Tục lệ của pháp này là như vậy.

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Lành thay, lành thay! Xá-lợi-phất đã hiểu biểu pháp một cách đúng đắn!

Ngài Xá-lợi-phất bảo:

–Không có gì lạ. Vì sao? Người tự nhiên nghĩ biết không chính xác về người, sẽ nghĩ biết không chính xác, thân người khó biết rõ sẽ nghĩ biết rõ.

–Xá-lợi-phất! Pháp của Đại Bồ-tát nên thủ hộ như vậy, nên tu hành như vậy.