ÔNG TRƯỞNG GIẢ KÉN RỂ
Soạn giả: HUYÊN
Thuở xưa có gia đình ông trưởng giả giàu có và sang trọng hơn người. Tuy giàu có sang trọng mà đối với đám dân nghèo hai ông bà chẳng hề giúp đỡ, làm ơn làm phước cho ai.
Ông bà sanh hạ được bốn người con, ba trai và một gái. Mặc dù của nhiều con có, mà hai ông bà thường lo buồn than thở vì cậu con trai đầu lớn lên thì cờ bạc rượu chè ăn chơi phung phí, hao tốn không biết bao nhiêu tiền của; còn cậu thứ hai thì thân thể vốn suy nhược, từ khi sanh ra đến lớn lên bịnh hoạn triền miên, tiền thầy, tiền thuốc tốn kém rất nhiều mà bịnh vẫn còn nguyên. Không một cậu nào biết hiếu để hoặc biết lo gia nghiệp. Duy có thằng thứ ba và cô út, tánh tình hiền từ, thảo thuận và biết lam lũ làm ăn. Hai ông bà nhờ cậy hơn hết chỉ có một mình cô gái út, nhưng khốn nỗi cô là phận gái, làm sao nối được sự nghiệp của Tổ Tiên! Vì thế mà hai ông bà mỗi đêm, không khỏi gác tay lên trán, lo rầu than thở!
Một hôm, bà bảo ông rằng:
– Nhà mình có tiếng là giàu sang chẳng kém thua ai, gia tài sự nghiệp kinh doanh to lớn, đáng lẽ là hạnh phúc lắm, nhưng sao lại vô phúc thế nầy, đã sanh đặng mấy đứa con trai mà thằng cả với thằng thứ hai không một đứa nào biết hiếu đạo, lo nối giỏi gia phong. Có cũng như không, vậy biết làm sao? Duy có thằng thứ ba và con út biết lo làm ăn thạnh lợi cho gia đình. Sách nói: “Vi phúc bất nhân”. Có lẽ hai vợ chồng chúng ta cứ lo làm giàu, từ hồi nào đến giờ không biết làm những điều nhân đức, nên Trời Phật khiến cho hai con ta hung hoang phá của như thế để phạt chúng ta chăng? Bây giờ tôi nghĩ như thế nầy, may ra con ta có hồi tâm hướng thiện chăng? Chúng ta nên sắm hương hoa trà quả đến chùa cúng Phật, quy y để nương dựa theo bóng từ bi, nhờ thần lực Tam bảo gia hộ cho chút phước duyên, khiến cho con chúng ta tánh tình trở nên hiền từ biết lo hiếu dưỡng phụ mẫu, duy trì gia nghiệp đặng mong cầu hành phúc tương lai. Vậy ông nghĩ sao?
– Bà nói nghe hữu lý, vậy thì bà lo sắm sửa hương hoa trà nếp, để chúng ta cùng đi …
Sáng hôm sau hai ông bà đem lễ vật lên chùa quy y và giải bày tâm sự cho Hòa thượng nghe. Nghe xong, Hòa thượng cảm động, thương người biết ăn năn hối lỗi, nên hoan hỷ truyền trao quy giới và dùng những lời hòa nhã đạo đức khuyên nhủ ông bà, giảng nói thuyết luân hồi nhân quả. Hòa thượng lại dạy phải kính thờ Tam Bảo, y theo lời Phật dạy, giữ gìn năm giới, mỗi tháng ăn chay 4 ngày và tụng kinh niệm chú, đem của cải chuẩn bần bố thí. Làm được như thế thì hai đứa con ông bà sẽ hồi tâm hướng thiện lo phụng sự gia nghiệp.
Hai ông bà nghe lời thầy khuyên dạy như vậy, hết lòng kính phục. Sau khi trở về nhà, hai ông bà y như lời thầy dạy, siêng năng niệm Phật tu hành. Nhưng chưa đầy một tháng, thì ôi thôi, cậu cả lâm phải bịnh nặng, ông bà cầu đảo các chùa miễu, chạy đủ thuốc hay, thầy giỏi, mà bịnh tình của cậu lại càng ngày càng thêm nguy ngập! Thế rồi cậu chỉ để lại cho ông bà một sự thất vọng quá ư sầu thảm mà một mình riêng về cõi hư vô.
Sau khi mai táng cậu cả rồi, ông bà lên chùa khóc than tha thiết, kể lại tình cảnh cho thầy nghe. Thầy động lòng cảm thương, khuyên dạy rằng:
– “Con người có sanh phải có tử, đó là lẽ cố nhiên, từ vua chúa đến quan dân, không một ai tránh khỏi. Dù cho có ngọc ngà châu báu đầy kho cũng không thể đổi được cái chết, tôi tớ đầy nhà cũng không sao thay thế đặng. Cha mẹ vợ chồng con cái, dù tình thương có mặn nồng bao nhiêu rồi cũng phải phân ly. Tình chồng vợ, cha con sống trong một nhà, cũng như bầy chim chung ngủ trong một cụm rừng, hễ cơn giông tố ào đến, thì mạnh con nào nấy bay!
Cổ nhân đã dạy:
Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt
Phu thê nghĩa trọng giã phân ly
Nhơn tình tợ điều đồng lâm túc
Đại hạn lai thời các tự phi.
Dịch nghĩa:
Cha mẹ ơn sâu còn có biệt
Vợ chồng nghĩa nặng cũng phân ly
Nhơn tình nào khác chim chung ngủ
Sáng lại, con nào nấy bay đi.
Hòa thượng lại nói tiếp:
– “Ông Bà nghĩ coi, ai lại không muốn sống, sống để hưởng cuộc phú quí vinh hoa. Kia như vua chúa là bực giàu sang phú quí nhất trên đời, họ còn muốn sống gấp trăm lần dân chúng, đặng hưởng hạnh phúc, nhưng không tránh khỏi số mạng đã định.
Sách nói:
Diêm Vương chủ định tam canh tử
Định bất lưu nhơn đáo ngũ canh
Nghĩa là:
Diêm Vương nhất định canh ba chết
Quyết chẳng để người đến canh năm.
Cuộc đời của cậu cả hưởng thọ chỉ có bấy nhiêu, bởi kiếp trước cậu không tu nhơn trường thọ. Vậy ông bà cũng nên khuây khỏa, chớ nên buồn rầu lắm mà thêm hao tổn tinh thần. Bây giờ ông bà có thương yêu sầu thảm cho mấy, cậu cũng không sống lại được, tốt hơn là ông bà lo tụng kinh cầu nguyện cho hương hồn của cậu cả, được tiêu diêu về miền Cực-Lạc, thì ích lợi hơn. Từ nay ông bà nên dũng mãnh phát nguyện ăn chay mỗi tháng 6 ngày và thọ trì Kinh Phổ-Môn, thì tai họa sẽ tiêu tan, gia đình yên ổn, và hương hồn cậu cả được siêu thăng.
Hai vợ chồng ông trưởng giả được nghe lời thầy khuyên dạy, nên trong lòng cũng tạm khuây. Hai ông bà từ tạ thầy về nhà tinh tấn tu hành. Chưa đầy ba tháng, thì kế tiếp người con thứ hai kỳ này chỉ lâm bịnh sơ sài, rồi cũng theo anh Cả mà thả hồn về nơi chín suối.
Ôi thôi! Lúc bấy giờ hai ông bà biết bao sầu thảm, oán Trời trách Đất, khinh miệt Thánh Thần, nghi Phật Trời không linh thiêng, bảo vì tu theo Phật mà ra nông nỗi nầy!
Sau khi tống táng người con thứ hai xong rồi, hai vợ chồng lên chùa, sắc mặt chứa chan những nét âu sầu và tức giận.
Bà nức nở khóc, nói:
– Tôi cũng tưởng quy y theo Phật để mong nhờ Phật phù hộ cho con tôi được lành mạnh, nào ngờ đâu, mới vừa quy y làm phước, mà con tôi lại chết luôn cả hai thằng! … Vậy nay, chúng tôi xin trả phái điệp, chuông mõ và Phật tượng lại Thầy, từ đây thôi không tu nữa! …
Thầy ôn tồn khuyên bảo:
– “Con người ta sanh ra ở đời, sự chết sống đều do số mạng. Sách nói: Nhứt ẩm, nhứt trác giai do tiền định (một hớp nước hay một miếng ăn cũng đều do tiền định) Có người được phước giàu sang mà không trường thọ. Có người được trường thọ mà không có phước giàu sang, đó là do nghiệp nhơn đời trước, chớ không phải muốn mà được đâu. Người chết yểu hay sống lâu là đều do nghiệp trước đã gây tạo cả. Như trong kinh Pháp Cú Phật có dạy rằng: “Dục tri tiền thế nhơn, kim sanh thọ giả thị, yếu tri hậu thế quả, kim sanh tác giả thị” Nghĩa là: Người muốn biết nhơn đời trước thì cứ theo quả báo đời nay mà suy nghiệm; còn muốn biết quả báo đời sau, thì nên xem chỗ tạo nhơn của mình ngày nay vậy.
Suy đó thì biết hai cậu đời trước tuy có bố thí làm phước chút ít, nên đời nay mới được đầu thai làm con ông bà để hưởng phước giàu sang; còn cậu chết yểu là do đời trước cậu không tu nhơn trường thọ. Bởi hai cậu đời trước tạo nhơn ngắn ngủi, nên nay chỉ sống được chừng ấy thôi. Nè! Vậy xin khuyên Ông Bà chớ vì chỗ thấy biết hẹp hòi của mình mà thối tâm Bồ Đề, vùi lấp giống Phật tử, oán hờn Phật Tổ, trách móc quỉ thần, gây thêm tội lỗi. Ông Bà nên nhớ rằng: “Nhứt nhựt hành thiện, thiện du bất túc; nhứt nhựt hành ác, ác tự hữu dư”
Ông Bà cũng nên tinh tấn ăn chay thêm, mỗi tháng 10 ngày và nguyện thọ trì Kinh Kim-Cang đi, để cầu nguyện cho hương hồn của hai cậu được siêu thoát, và gia đình từ đây chắc được bình an, để vun trồng cội phúc về sau.”
Hai vợ chồng ông trưởng giả nhờ thầy lấy nước từ bi rưới tắt lửa sân hận, nên không oán Phật, sầu con nữa, mà lại còn thêm kính Tam Bảo, vâng lời thầy dạy. Ông bà tinh tấn tu hành, vừa lúc đúng một năm thì ôi thôi, người con thứ ba của ông bà cũng từ biệt ông bà hồn dạo nơi âm cảnh.
Lúc bấy giờ tình thầy trò đã không còn thương mến, mà lại trở nên kẻ thù của ông bà. Ác tâm của ông bà nổi lên cực điểm, nào phái điệp, kinh sách, Phật tượng trên bàn thờ, đều bị ông tuôn xuống đất một lượt, không còn một mảy may nào kính trọng cả. Từ đây, hễ ông thấy đến ông thầy hay cô ni nào đi ngang qua ngõ, nếu ông không đánh đập thì cũng mắng chưởi tồi tàn.
Trải qua hai ba năm trời, mà ông vẫn còn ôm lòng oán Phật ghét Tăng, hủy báng người tu hành.
Các việc buồn dồn dập làm cho bà trưởng giả không ăn không ngủ, khóc luôn cả ngày đêm, nên hai con mắt sưng vù và ra máu, không bao lâu bà cũng theo 3 con trai của bà, hồn về chín suối!
Thế là ông trưởng giả chỉ còn một cô gái út tên là Lan Phương. Lan Phương tuổi vừa đôi chín, nhan sắc lộng lẫy tuyệt vời, công dung ngôn hạnh đều đặng vẹn toàn. Ông trưởng giả cưng nàng như trứng mỏng.
Nàng thôi học, từ khi anh thứ Ba nàng từ biệt cõi trần, để trở về an ủi cha già và thế cho các anh chăm nom săn sóc gia đình. Nàng là một cô gái rất hiếu hạnh, cả ngày chỉ lo việc nữ công, và chăm nom từ bữa ăn cho cha già, nên cha nàng quí nàng như ngọc.
Đã nhiều lần, Ông ngồi nghĩ đến việc gia đình và tương lai của con… Ông đầy những nỗi lo buồn, vì không có con trai để nối nghiệp, chỉ còn một đứa con út, song phận nó là gái rồi đây sẽ phải theo chồng.
Sau mấy đêm nghĩ ngợi, ông tính ra được một kế là kén chọn một chàng rể, không cần con nhà giàu có quan quyền, mà chỉ cần văn chương lỗi lạc để nối gia phong. Sau mấy lần suy tính, ông tuyên bố lên rằng: Nếu ai thi được đậu, thì sẽ được một phần thưởng vô giá là: một cô gái yêu quí của ông và một gia nghiệp triệu phú nầy. Trái lại, nếu người nào bị rớt, sẽ bị đánh 100 roi đuổi ra.
Lời tuyên bố được truyền khắp mọi nơi, từ già đến trẻ, ai nấy cũng đều biết gia tài triệu phú và cô gái nhà ông trưởng giả, nên không biết bao nhiêu văn nhơn thi sĩ tài ba lỗi lạc đều hy vọng chứa chan mong sẽ lãnh được phần thưởng quí giá của đời họ. Nhưng đã bao nhiêu người rồi, khi đến thi chẳng những thất vọng không lãnh được phần thưởng quí báu ấy, trái lại còn bị đánh 100 roi và đuổi ra khỏi cửa. Bởi cuộc khảo thí quá khó khăn và nghiêm khắc, nên trải qua trên một năm trường mà ông trưởng giả chưa kén chọn được một chú rể nào cả, gần đến khúc đường bế tắc, và thất vọng.
Bỗng một hôm có một người phong độ giống tu sĩ, điệu bộ khoan thai và nhàn nhã, mặc đồ nâu sòng, đến xin dự thí.
Người gác cổng hỏi:
– Thầy đi đâu đó?
– Tôi nghe ông trưởng giả có mở cuộc thi để chọn rể tài nên tôi xin đến dự thí.
– Bấy lâu nay biết bao bực văn nhân tài tử đến dự thi, song rốt cuộc đều bị đánh đòn và đuổi ra, huống chi ông, tôi xem bộ tịch thiệt thà như thế nầy, chắc không tránh khỏi bị đòn 100 roi, rồi bị đuổi ra đấy.
– Không, không hề chi đâu miễn anh vui lòng cho tôi vào, may ra thi được đậu, thì ơn ấy tôi chẳng dám quên.
– Thôi được, ông hãy đi theo tôi. Nói xong anh gác cửa liền dẫn chàng đi vào nhà.
Khi vào tận nơi, trưởng giả vừa thấy liền quát to bảo anh gác cửa rằng:
– Người không biết sao, đã lâu rồi, ta nghiêm cấm không cho ông thầy, cô vãi lai vãng đến đây, nay người còn dẫn vào! Đè lão ấy xuống, đánh 100 roi rồi đuổi ra lập tức cho ta!
Thí sinh ôn tồn đáp rằng:
– Thưa Cụ, cháu không phải nhà Sư, Cụ ạ.
– Không phải nhà Sư à? Không phải nhà Sư sao lại cạo đầu?
– Cháu muốn cho mát mẻ giản tiện khi tắm rửa và khỏi mất thì giờ chải gở.
– Ngươi còn giấu gì nữa chớ? Nếu không phải nhà Sư sao mặc đồ nâu sòng.
– Thưa Cụ vì cháu ở gần chùa, nhà cháu nghèo khó, không tiền mua sắm, chỉ nhờ các Sư bố thí y phục, nên cháu mới mặc đồ như thế nầy.
– Ngươi nói ngươi nghèo khổ, nếu quả thật như thế thì ngươi làm sao biết chữ để thi?
– Thưa Cụ, khi cha mẹ cháu còn sanh tiền, có cho cháu đi học, nhưng rủi thay, cha mẹ cháu khuất núi sớm, nên cháu phải côi cút và vất vả đến thế nầy! … Hiện nay hằng ngày cháu chỉ nhờ miếng cơm thừa của cô bác, nuôi sống qua ngày, để theo đòi việc học tập. Nay nghe Cụ mở cuộc thi chọn rể, cháu cũng xin đem chút tài mọn dự thí, mong rằng: “bỉ cực thới lai” gặp lúc “thời lai phong tống Đằng Vương các”, cháu sẽ được thỏa mãn lòng hoài vọng bấy lâu.
– Thôi được, ngươi hãy ngồi đó, để ta ra đề cho thi, nếu đậu thì ta sẽ làm đúng theo lời hứa, còn không thì ngươi phải bị đánh 100 roi đuổi ra. Song lối thi nầy không phải như cách thi Hương hay thi Hội, nghĩa là không cần có bài vỡ chi cả, miễn ta chỉ đâu ngươi lập tức ứng khẩu làm thi theo đó, nếu hay và thích hợp với ý ta thì được đậu.
– Dạ vâng!
Lúc bấy giờ, ông trưởng giả ngó ra trước ngõ, thấy hai cánh cửa, một cánh mở và một cánh khép, tòng bá trang hoàng hai bên đường đi; ông liền chỉ tay vào cảnh đó và bảo chàng làm một bài thơ.
Chàng thí sinh liền ứng khẩu ngâm:
Môn tiền nhứt phiến khai
Tòng bá lưỡng biên bày
Nhược nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
Dịch nghĩa:
Cửa ngoài một cánh mở
Tòng bá hai hàng dài
Nếu người theo đạo quấy
Chẳng thấy đặng Như Lai
Nghe xong, ông trưởng giả giận mừng lẫn lộn: vì đã trên một năm rồi, không biết bao nhiêu người đến thi, mà chưa có ai tài đặc biệt hay lỗi lạc như trò nầy, nhưng lòng ông đang thù oán Phật, mà ông nghe đến câu “Nhược nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai” là hai câu kệ trong Kinh Kim Cang mà ông đã thường đọc tụng hơn một năm, nên lòng thêm tức giận và quát to lên rằng:
– Người làm thi thì hay và bặt thiệp lắm! Nhưng người không biết ta sao? Ta rất oán Phật. Vì theo đạo Phật mà ba đứa con trai ta đã chết nên Ta không muốn nghe đến tên Như Lai hay Phật nữa. Lỡ lần đầu Ta tha thứ, nếu sau người còn dùng đến danh từ Như Lai hay Phật thì sẽ bị đánh trăm roi đuổi ra lập tức nhé!
– Dạ vâng! Những danh từ nào Cụ cấm, cháu không dám tái phạm.
Ông Trưởng giả êm dịu cơn nóng giận, lại nhìn ra trước sân thấy có một con gà trống cồ, màu lông năm sắc, đang đập cánh gáy lên. Ông ôn tồn đưa tay chỉ và bảo làm thi.
Chàng liền ứng khẩu ngâm:
Đình tiền hữu nhứt kê
Thân phi ngũ sắc ê
Ngũ canh thường báo hiệu
Tam miệu tam Bồ Đề
Dịch nghĩa:
Trước sân con gà trống
Mập mạp năm sắc lông
Năm canh thường báo hiệu
Tam miệu tam Bồ Đề
Nghe xong, ông trưởng giả quát to lên: Rằng hay thì thật là hay, nhưng ta không ưa Phật pháp, oán ghét tăng, ni, chẳng thích Bồ-Tát, không chịu Bồ-Đề. Sao người cứ dùng những danh từ ấy mãi? Lại nữa người nói người không phải nhà Sư, sao rất thuộc những danh từ Phật pháp?
– Thưa Cụ, vì cháu ở gần chùa thường nghe chư Tăng đọc kinh tự nhiên thấm nhiễm thôi, chớ thật không phải nhà Sư. Nếu cháu thật nhà Sư thì đâu có dự thi như thế nầy.
– Thôi người đừng nói chi nhiều lời hãy nằm xuống đây chịu đánh 30 roi, rồi ta sẽ cho làm bài khác.
– Thưa Cụ, xin Cụ hãy xét kỹ mà dung thứ cho cháu. Cụ chỉ cấm không cho nói tới Phật và Như Lai, thì cháu không nói đến hai danh từ đó chớ Cụ đâu có cấm dùng danh từ Bồ-Tát hay Bồ-Đề. Lại nữa, Cụ bảo làm thi trong tức khắc, chỉ đâu phải đọc liền đó, không cho cháu được một phút suy nghĩ, trong lúc cấp bách lựa lời chẳng kịp, vì túng vãn nên cháu nói lỡ như thế, xin Cụ mở lượng khoan hồng mà dung thứ cho.
Ông trưởng giả nghe chàng phân trần cũng phải, nên cơn nóng giận dịu xuống, bèn tha thứ cho chàng. Lúc bấy giờ ông chỉ ngay bức tranh vẽ hình con cọp treo trên vách và bảo làm thi.
Chàng liền ứng khẩu ngâm rằng:
Bích trung hữu nhứt hổ
Thân ly tam xích thổ
Thượng báo tứ trọng ân
Hạ tế tam đồ khổ.
Dịch nghĩa:
Trên tường có con hổ
Thân cách đất ba thước
Trên báo bốn ơn dày
Dưới cứu ba đường khổ.
Kinh Kim-Cang Bát-Nhã là một quyển kinh mà ông Trưởng giả đã thuộc làu. Trong bài thi nầy chàng dùng hai câu “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” là hai câu kệ trong kinh Kim-Cang, vì chàng muốn thức tỉnh cho ông trưởng giả luôn luôn nhớ lại Phật pháp. Nhưng trái lại, khi nghe đến hai câu kinh làm cho ông trưởng giả thêm khêu gợi lại lửa hờn xưa, vì ông nhớ bởi tụng kinh nầy mà ba đứa con trai của ông bị chết!
Lúc bấy giờ ông nổi giận lôi đình, la quát om sòm, lần nầy quyết định không tha. Ông bảo: “Nằm xuống! Nằm xuống! Đã ba lần rồi, lần nào ngươi cũng dùng đến danh từ trong kinh Phật, khêu gợi sự tức giận của ta.”
Tay ông vừa đánh và miệng vừa la mắng, đập một hơi không biết mấy chục roi. Thấy thế, động mối từ tâm, nên Lan Phương là con gái ông bước đến khuyên rằng:
– Thôi cha! … Thôi cha! … Vì người ta ở gần chùa chiền thấm nhiễm đạo Phật đã lâu, hôm nay chỉ trong tức khắc, Cha bảo họ phải bỏ hết những cái gì mà người ta đã thấm nhiễm, thì không thể được, để sau về ở nhà mình, lần hồi dạy dỗ, chàng sẽ làm được vừa lòng cha. Cha không nhớ Cổ nhân dạy: “Cận châu giã xích, cận mặc giã hắc” hay sao? (gần son thì đỏ, gần mực thì đen). Hơn nữa đã hơn một năm rồi, không biết bao nhiêu nhà thi sĩ văn nhân vào thi, song rốt cuộc đều bị đòn đi ra, không có một người nào tài hay lỗi lạc như anh nầy. Cha chỉ đâu thì anh ứng khẩu ngâm thi liền đến đó, không cần suy nghĩ, rất bặt thiệp, làm thi trong chớp nhoáng, nếu cha còn chê nữa thì con chắc chắn cha không tìm được một người nào hơn nữa.
Nói xong cô bèn trở vào phòng.
Sau mấy lời can gián, cơn nóng giận dịu lần, ông trưởng giả nghĩ thầm có lẽ con mình đã thương chàng nầy nên ông cũng chìu theo ý muốn của con, tha đánh và bảo chàng đứng dậy.
Khi đó ông trưởng giả ngồi suy nghĩ: Con mình nói cũng phải, đã hơn một năm rồi, không biết bao nhiêu tài sĩ văn nhân vào thi, nhưng không có một người nào tài hay bặt thiệp và văn chương hay tuyệt như chàng nầy. Đã ba bài rồi, bài nào cũng xuất sắc, chỉ có một điều, chàng thấm nhiễm đạo Phật đã lâu, nên từ ngôn ngữ cho đến điệu bộ cũng đều nhuộm màu sắc Phật giáo. Nhưng nếu ta cố chấp và gắt gao thế nầy mãi thì chắc không có một người nào được hoàn toàn theo ý muốn, rốt cuộc rồi con ta phải côi cút và lạnh lẽo suốt đời! Thôi ta hãy châm chế và dễ dãi bớt đi, để cho con ta được vui lòng.
Khi đó Lan Phương ở trong phòng phía đông, vừa khoát màn bước ra, diện mạo sáng rỡ như mặt nhựt, điệu bộ khoan thai và thùy mị. Ông liền chỉ ngay vào Lan Phương và bảo chàng làm thi.
Chàng kính cẩn khép nép và ứng khẩu ngâm:
Nhựt xuất hướng đông phương
Diện như minh kính trương
Dung nhan thậm kỳ diệu
Phổ chiếu biến thập phương
Dịch nghĩa:
Mặt nhựt mọc hướng Đông
Diện mạo tợ gương trong
Dung nhan thật kỳ diệu
Soi sáng khắp mười phương.
Lần nầy có phần êm dịu hơn các lần trước. Ông trưởng giả nghe xong có hơi tức giận, nhưng vẫn còn giữ được thái độ điềm tĩnh vì ông nghĩ thầm rằng: “Do ở gần chùa, chàng bị thấm nhiễm lâu ngày, nên mỗi bài thi đều bị ảnh hưởng đến Phật giáo chớ có lý nào chàng muốn chọc ta mãi như thế?”
Ông ôn tồn hỏi tiếp:
– Nầy cháu! Bác hỏi thật cháu: Vậy thân thế cháu có phải là nhà Sư chăng?
– Không, thưa Cụ.
– Nếu không phải nhà Sư, sao cháu biết kinh Phật, và trong mỗi bài thi cháu đều dùng những câu kinh, tỏ ra người rất thông Đạo Phật?
– Thưa Cụ, cháu đã thưa: Nhà cháu ở gần chùa Phật, sớm chiều cháu thường được nghe các thầy tụng kinh bái sám, với những giọng hòa huởn êm dịu và thanh thoát, khi bỗng khi trầm, lúc khoan lúc nhặt; thỉnh thoảng điểm một vài tiếng chuông, ngân nga trong cõi không gian tịch mịch, để đánh thức người say mê trong cảnh mộng, một vài tiếng mõ kêu sương trong đêm khuya thanh vắng, để gọi ai còn say ngủ trong đêm trường. Vì quá thích thú với mùi Thiền, nên cháu để ý thuộc được các bài kinh ấy. Thú thật, cháu không phải là tu sĩ.
Ông Trưởng giả yên lặng và nghĩ thầm: “Có lẽ, vì tập nhiễm lâu ngày nên phong độ của chàng nầy giống hệt nhà tu. Nếu sau khi chàng về làm con rể nhà ta, lần hồi huấn luyện, chắc cũng được vừa theo ý muốn.”
Lúc bấy giờ ông hứa sẽ gả Lan Phương cho chàng, và định ngày làm lễ thành hôn cho hai trẻ.
Suốt cả ngày, vì bận việc thi cử quá mệt mỏi, nên đêm nay ông Trưởng giả ngủ sớm. Đang mê man trong giấc điệp, ông bỗng thấy chàng thí sinh đến gọi:
– Thưa Cụ, Cụ có muốn tìm các con của Cụ không? Cháu xin tình nguyện dẫn Cụ đi.
Ông Trưởng giả vui mừng hớn hở đáp:
– Còn gì quí bằng! Bác cám ơn cháu lắm.
Hai người dẫn đi một hồi… Ông Trưởng giả bỗng thấy một cảnh giới khác thường, rùn rợn!
Ông hỏi:
– Có phải đây là âm phủ không?
– Thưa Cụ, âm phủ thì cháu chẳng biết, cháu chỉ biết chỗ nầy người ta gọi là chốn “Huỳnh Tuyền” hay gọi là chốn “Suối Vàng”.
– Suối vàng à! Suối vàng à! Bác nghe nói người chết rồi thả hồn xuống “Suối Vàng”. Hôm nay ta xuống đến Suối vàng, thế thì ta đã chết rồi sao?
– Không! Cụ chưa chết ạ. Vì Cụ muốn tìm vợ con nên cháu dẫn đến chốn nầy.
Nói xong chàng dẫn ông đi một đỗi nữa… Xa xa thấy dạng cậu Cả, ông mừng quá giục tốc chạy đến, ôm con và khóc kể:
– Con ơi! Sao con đành bỏ cha mẹ ra đi, làm cho cha ngày khóc đêm sầu! …
– “Thôi đi ông, tôi đâu phải con cái gì của ông. Nhà ông thiếu nợ tôi. Tôi đến đòi lại. Đòi xong tôi đi, chớ tôi đâu có phải con cái gì của ông.
Ông còn nhớ không? Trên 30 năm về trước tôi là người tá điền của ông, vì ông buộc phải đem thế vợ con trừ nợ, chúng tôi không thể làm theo ý muốn của ông được, nên ông dùng quyền thế ép chế và phá tan gia đình sự nghiệp của tôi. Tức giận quá nên tôi phải tự tử. Cái oan thù nầy chưa rửa sạch, tôi thề theo báo thù ông.
Bởi thế nên tôi sanh vào nhà ông, trong mấy chục năm, chỉ phá hại gia sản, làm cho ông phải hao tài tốn của. May nhờ ông biết hối hận tu hành nên tôi vui lòng hủy bỏ nợ cũ. Bằng không thì tôi quyết theo báo ông đến tiêu tan sự nghiệp mới thôi.”
Nói xong cậu bỏ đi không chút gì quyến luyến. Thấy con nói thế, ông tuôn rơi nước mắt, tức tưởi khóc một hồi. Chàng thí sinh nói:
– Thôi Cụ, con của Cụ đã nói như vậy, Cụ còn bịn rịn chi nữa cho vô ích! Để cháu dẫn Cụ đi tìm cậu Hai.
Đi một đoạn đường, ông lại thấy người con thứ Hai của ông đang đi ngang qua. Ông vội vã chạy theo, mừng rỡ và kêu vang:
– Con ơi! Con! Sao con đành bỏ cha đi biệt mất, làm cho cha đêm ngày sầu thảm, ốm o gầy mòn đến thế nầy!
Cậu gạt ngang nói:
-Ai cha con gì với ông. Ông thiếu nợ tôi đến đòi; đòi xong rồi đi, chớ tôi đâu có phải con cái gì của ông. Ông còn nhớ không: trên 20 năm về trước, nhà ông bị mất mấy lượng vàng. Ông nghi cho tôi, nên bắt ra tra khảo. Vì chịu không nổi sự đánh đập tàn nhẫn của người tra, nên tôi phải bỏ mạng. Rồi tiền tài của tôi ông tịch thâu hết. Mặc dù vợ con tôi bị đói rách mà ông cũng chẳng trả lại phần nào. Cái oán thù nầy tràn ngập, nên tôi thề trở lại nhà ông để báo thù. Khi nhà ông sanh tôi ra, cho đến ngày khôn lớn thì tôi đau ốm liên miên, làm cho hai ông bà có khi lo chạy gần hết tiền của cải, không làm một chút gì lợi cho nhà ông. May thay! Ông biết hối hận, sớm lo tu hành, nên tôi vui lòng xóa bỏ oán thù trước, chỉ đòi ông bấy nhiêu năm thôi.
Nói xong cậu bỏ đi một nước. Ông Trưởng giả gạt nước mắt, tức tưởi khóc, chàng thí sinh khuyên:
– Thôi Cụ, thế tình như thế… Cụ còn luyến ái nữa làm chi. Cụ nên đi tìm cậu Ba, thử xem nào.
Chàng dẫn ông Trưởng giả đi một khoảng đường nữa, ông thấy đứa con thứ Ba của ông đang đứng nói chuyện với một người bạn ở bên đường. Mừng quá! Ông hấp tấp chạy đến ôm con mà khóc.
– Con ơi! Con! Sao con đành bỏ cha mẹ ra đi, làm cho cha mẹ rầu buồn suốt cả ngày đêm. Mẹ con cũng vì rầu buồn quá, khóc cả ngày đêm không ăn bỏ ngủ, trong mấy tháng trường, nên phải bỏ mình, thả hồn về Âm cảnh.
– “Thưa ông! Tôi thiếu nợ ông, tôi phải đến trả, trả xong tôi đi; chớ tôi không phải con cái gì của nhà ông. Ông còn nhớ không? Trên 20 năm về trước, ở trong bọn tá điền của ông, có một gia đình rất nghèo, nhà dột cột xiêu, thiếu trước hụt sau, làm suốt cả năm, bị ông thâu góp hết. Nào lúa vốn lúa lời, lúa quần lúa áo, đến mùa rồi chỉ phủi hai bàn tay không. Cả gia đình suốt năm nầy đến năm nọ, phải mặc rách ăn hèn, tai bùn chân lấm, tóc rám môi chì, da đen mặt nám, cực khổ suốt đời, ấy là gia đình của tôi.
Khi cha tôi chết đã 3 ngày mà không có hòm chôn, đến xin ông chẳng được, mà vay tiền thì ông bảo phải trả lời 20. Chao ôi! Của đâu mà trả! Túng thế, tôi phải lẻn vào nhà ông, trộm lấy 5 lượng vàng để đem về chôn cất cha tôi.
Chôn cất xong tôi có thề với Phật Trời rằng: “Kiếp nầy trả không được, xin nguyện kiếp sau”.
Vì lao tâm cùng lao lực, bởi gia đình nghèo khổ nhiều năm, nên trong vài năm sau tôi phải lâm bịnh nặng, rồi từ biệt cõi đời! …
Sau khi chết, tôi đầu thai vào nhà ông, để thanh toán số nợ nần mà tôi đã thiếu ông ngày trước.
Ông sanh tôi ra, đến khi khôn lớn thì tôi vẫn lam lụ làm ăn, làm cho cửa nhà ông tiền vô như nước. Nợ ông thanh toán đã dứt khoát rồi, nên tôi đi nơi khác. Hôm nay ông còn tìm kiếm tôi làm gì?”
Nói xong, cậu bỏ đi. Ông trưởng giả lấy hai tay bụm mặt, nức nở khóc và than:
– Chao ôi! Vậy cảnh trần gian nầy có phải là một bãi trường để vay trả, trả vay nợ nần cho nhau chăng?
Chàng thí sinh khuyên lơn một hồi, rồi dẫn ông đi tìm bà trưởng giả. Hai người cùng đi được một khoảng đường, đến một cảnh âm u tịch mịch, ông trưởng giả thấy một người mình gầy vóc ốm chỉ còn da bọc xương, in như đã bị đói khát nhiều ngày. Đầu người bạc trắng phới, má hóp, đôi mắt sưng vù, đang ngồi rên khóc dưới một gốc cây. Ông bước gần đến mới nhận ra là bà trưởng giả. Ông gọi:
– Bà ơi! … Bà!
– Ai đó?
– Tôi là ông Trưởng giả đây. Vậy chớ tại sao thân hình bà tiều tụy, khổ sở đến thế nầy?
– Ông ôi! Ông ngồi xuống đây để tôi kể chuyện cho mà nghe. Vì tôi quá tham lam độc ác, muốn cho gia đình mình giàu có muôn hộ, mà tôi phải tạo nhiều tội lỗi. Tôi có ngờ đâu: Làm ra thì cả chồng con chung hưởng, mà bây giờ đây một mình tôi phải chịu tội khổ đến thế nầy! Ngày đêm đói khát, đã mấy tháng rồi không ăn được một chút cháo hay một miếng cơm. Thân hình tôi chỉ còn da bọc xương, lại còn bị hành phạt khổ sở lắm điều.
– Vậy chớ bà làm tội gì?
– “Ông không nhớ sao? Một lần nhà mình bị mất 5 lượng vàng, nghi cho thằng ở, bắt ra tra tấn, nó chịu không nỗi phải bỏ mình. Khi nó chết rồi, bỏ lại một ít tiền của. Ông bảo trả về cho gia quyến nó. Tôi lại giấu đi chẳng chịu trả. Đến khi vợ con nó kiện ra đến quan làng, tôi lại thề rằng: “Nếu tôi có nói ngược, thì cho hai con mắt của tôi chảy máu, đui và chết.”
Tưởng rằng không Trời không Phật, không ai hay biết, nào hay đâu: “Lưới Trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt”. Tôi vẫn tưởng thề càn cho qua buổi; không ngờ nhơn nào quả nấy. Khi các con chết rồi, tôi rầu khóc luôn mấy ngày đêm, bỏ ăn bỏ ngủ, nên đôi mắt chảy máu, sưng vù và đui mù đến thế nầy. Khổ sở lắm ông ơi! Ngoài ra còn nhiều tội ác không sao kể hết.
Hôm nay ông đến đây thăm tôi, nếu ông còn nghĩ chút nghĩa tào khang tình xưa bạn cũ, thì sau khi trở về dương thế, ông nên vì tôi mà chuẩn bần bố thí làm các việc từ thiện và cầu siêu độ cho vong hồn của tôi. Một điều ông phải nhớ là nên lo tu tâm dưỡng tánh, làm những điều hiền đức để nhờ kiếp sau.”
Đến đó, ông tỉnh giấc mộng trường, mồ hôi vả ra như tắm, trong lòng còn hoang mang sợ hãi vô cùng, ông Trưởng giả bỗng nghe trên không trung có tiếng gọi:
– “Trưởng giả! Ông trưởng giả! Ta đây là Quan-Thế-Âm Bồ-Tát. Vì thấy nhà ngươi là kẻ trần gian mê muội, chạnh lòng thương xót, cho nên ta hóa hiện làm chàng thí sinh để đến nhắc thức nhà ngươi.
Bởi nhà ngươi ngày trước tạo nhiều điều tội ác, nên ngày nay bị oan gia nghiệp báo đến báo lại ngươi. Ngươi hãy nhớ lại kỹ: Từ khi nhà ngươi sanh con trai đầu lòng, đến khôn lớn, nó chỉ phá hại gia tài sự sản của ngươi, đôi khi nó còn muốn giết cả vợ chồng ngươi để tự do phá của. Bởi mấy mươi năm về trước, ngươi có làm một việc tội ác, là buộc một người tá điền đem vợ con đến thế nợ. Chúng không làm theo ý muốn của ngươi. Lúc bấy giờ nhà ngươi dùng quyền thế ép chế, vì chịu không nổi nên chúng phải tự tử. Việc đó nhà ngươi còn nhớ chăng? Bởi thế nên chúng đầu thai lại nhà ngươi để báo thù cho đến ngày cuối cùng. Nhờ ngươi biết ăn năn hối ngộ, lo tu hành, nên nó chỉ đòi bấy nhiêu đó thôi.
Thằng thứ Hai là đứa ở của nhà ngươi. Ngươi nghi nó ăn cắp vàng, đem ra tra tấn đến chết. Cái oan hồn ấy trở lại nhà ngươi để báo thù, nên khi sanh ra cho đến lớn, nó cứ đau mãi, để hai vợ chồng ngươi phải lo chạy thuốc men, hao tốn gần hết tiền của. Và nó còn phá tán gia tài sự sản của ngươi. Nhờ người có tu hành, nên nó mới thôi đòi nợ.
Thằng thứ Ba, vì ăn trộm của ngươi năm lượng vàng, để đem về chôn cất cha nó, nên phải đến trả lại cho ngươi. Vì thế nên khi ngươi sanh ra nó, nó làm cho gia đình ngươi tiền vô như nước. Khi trả nợ xong rồi, nó đi nơi khác. Nhơn nào quả nấy, không có sai chạy.
Nhà ngươi nên biết: Do oan trái kiếp trước, nên kiếp nầy phải trở lại, kẻ làm vợ, người làm chồng và làm con cái v.v… để đền trả cho nhau đó thôi. Sách nói: “Vô oan trái bất thành phu phụ”. Nay chúng nó chết đi, là oan gia ngươi đã trả xong. Thế mà nhà ngươi mê muội không biết, lại hờn Trời oán Phật, tạo thêm tội lỗi, thật đáng thương xót!
Bởi trước kia người tạo cái nhơn tội ác, nên nay phải trả. Còn người mới tu hành vài ba năm nay, vì cái nhơn nầy chưa hoàn bị, nên người chưa được quả lành.
Thí như người năm nay làm 100 công ruộng, mà vẫn bị thiếu trước hụt sau, là vì năm rồi họ chỉ cờ bạc ăn chơi nợ nần ấp lút, nên năm nay phải chịu thiếu hụt. Còn ruộng làm năm nay tuy nhiều, xong sang năm họ mới hưởng được.
Một thí dụ thứ hai: Như chú Xoài trộm cướp sát nhơn, chú mới vừa buông cái dao vào chùa tu niệm; ít ngày bị lính đến bắt bỏ tù. Không phải vì tu mà bị lính bắt, mà chính vì chú gây cái nhơn trộm cướp trước kia, nên nay bị cái quả ở tù. Còn sự tu hành làm phước hiện nay, phải thời gian sau mới hưởng quả.
Người đời không thấy xa, chỉ nhìn hiện tại, rồi vội vàng trách móc Phật Trời: “Tôi tu hành lo làm lành làm phước, sao lại gặp tai nạn thế nầy!”
Nhà ngươi là người có học thức, sao lại chẳng nhớ câu: “Thiệc ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lại tảo dữ lai trì” nghĩa là: làm lành hay làm dữ, rốt cuộc rồi đều có quả báo, chẳng qua đến sớm hay đến muộn mà thôi .
Trong kinh nói: “Dã sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhơn duyên hội ngộ thời quả báo hoàn tự thọ” nghĩa là: người tạo ra một nghiệp gì, dầu trải qua trăm ngàn muôn kiếp cũng không mất, khi nhơn duyên đến rồi, quả báo nầy phải chịu.
Vậy nhà ngươi từ đây nên ăn năn hối ngộ lo tu tâm dưỡng tánh, để nhờ kiếp sau…”
Nhờ mấy lời giáo hóa của đức Quan-Thế-Âm Bồ-Tát, mà ông phú trưởng giả kia được giác ngộ, hồi tâm hướng thiện, tinh tấn tu hành.
Tòa lâu đài nguy nga đồ sộ của ông trước kia, lúc bấy giờ biến thành chốn thiền lâm tu niệm, là nơi lễ Phật đi chùa của khách hành hương rộn rịp…