nội quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(內觀) Phạm: Vipazyanà. Hán âm: Tì bà xá na, Tì bà già na. Sự quán xét không hướng ra bên ngoài để tìm cầu mà lắng sâu và tỉnh thức từ bên trong, khiến cho nội tâm hướng tới chân lí. Đây là sự tu hành thực tiễn và phổ thông trong Phật giáo. Nội quán cùng với các từ ngữ như tu quán, quán tâm, quán niệm, quán tưởng, quán hành… đại khái giống nhau, nhưng thực chất thì có điểm khác nhau. Quán nguyên ý là buộc tâm vào 1 đối tượng duy nhất, dùng trí tuệ quán xét đối tượng ấy hầu đạt đến khai ngộ. Theo kinh Đại bát niết bàn quyển 30 (bản Bắc) thì Tì bà xá na (nội quán) được gọi là Chính kiến, Liễu kiến, Năng kiến, Biến kiến, Thứ đệ kiến, Biệt tướng kiến, tức chỉ cho tuệ. [X. luận Đại thừa khởi tín; luận Tịnh độ Q.hạ; Tịnh độ luận chú Q.hạ; Đại thừa nghĩa chương Q.10].