NHỮNG SỰ LINH ỨNG VỀ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
(Sách: Truyện Tích Quán Thế Âm Bồ Tát – Avalokitecvara Bodhisattiva, tác giả cư sĩ Minh Đức, An Tiêm xuất bản – 2003, trang 407-490)

 

Dẫn nhập:

Kể lại những sự linh ứng về Quán Thế Âm Bồ tát thì thật ra phải viết một pho sách lớn mới kể hết được, – nhưng cũng không thể hết – vì biết bao nhiêu những sự huyền vi kỳ diệu hoặc đã được viết ra, hoặc chưa được viết ra mà chỉ được truyền đạt lại bằng những truyện kể khác, thật là vô số.

Tuy nhiên để hạn định cuốn truyện tích này, tôi chỉ chọn những chuyện đã được ghi lại trong tạp chí, tài liệu, đặc san, và những sách được viết ra, rồi mạn phép tu chỉnh câu văn lại cho được khúc chiết ngắn gọn mà thôi.

Trong những tài liệu chúng tôi có được thì có hai cuốn chính là:

1. Cuốn “Phổ Môn Giảng Lục” của Bảo Tịnh pháp sư giảng và Thích Trí Nghiêm dịch (do nhà in Sen Vàng, chùa Ấn Quang, 243, Sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn ấn hành năm 1972 – Phật lịch 2516).

Thiên giảng lục này do Bảo Tịnh pháp sư giảng tại Nam Thông Đường Áp Cư Sĩ Lâm, năm 1937 (Trung Hoa) và do Thôi Chú Bình và Tôn Tử Á kính lục; năm 1969, Thích Trí Nghiêm dịch tại Nha Trang (Phật lịch 2513), nhân ngày Phật Đản.

2. Cuốn “Phẩm Phổ Môn” (Âm và nghĩa) do Thích Viên Giác dịch và viết thêm các bài phụ, năm 1959 để tưởng niệm giác linh cố Hòa thượng Thích Bích Không (do nhà in Hòa Chánh, 16 Cống Quỳnh in năm 1968). Thích Viên Giác là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Bích Không(*), viết cuốn này tại Phổ Đà Sơn, chùa Giác Hải, Nha Trang. Ngoài ra, chúng tôi biết rằng còn có rất nhiều những chuyện chưa được ghi chép lại, mà chỉ được kể lại cho nhau nghe mà thôi.

Mong rằng sau này sẽ có những vị thức giả có thể ghi lại các mẩu chuyện tương tự có đủ cả thời gian, không gian, xứ sở, nơi chốn, và các nhân vật đích thân được cảm nhận, thọ dụng và ân hưởng oai đức thần lực diệu huyền của Quán Thế Âm Bồ tát, hoặc những vị đã được nghe kể lại với sự tin tưởng có kiểm chứng cụ thể về những câu chuyện này, để làm một bộ sưu tập về sự từ bi cứu khổ độ sanh của Quán Thế Âm Bồ tát cho mọi loài hữu tình trên thế gian này, thì thật là một công đức vô lượng, bởi vì do nhận định chân thực này mà lòng tin tưởng nơi Quán Thế Âm Bồ tát sẽ được gia tăng kiên cố, và có tin tưởng như vậy thì việc noi theo hạnh nguyện từ bi của ngài mới được vững bền lớn mạnh, rồi lòng từ bi của nhiều người sẽ đem lại nhiều lợi lộc cho tất cả chúng sanh.

Cũng xin nói qua rằng những chuyện sau này, chúng tôi không thể sắp xếp theo thứ tự thời gian được vì thiếu những chi tiết cần thiết, chỉ có thể chia ra các chuyện tại Việt Nam và tại các nơi khác (Trung Hoa, Nhật Bổn, Ấn Độ v.v…)

GHI CHÚ:

(*) Hòa thượng Thích Bích Không: Quê ở làng Bích Khê, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đầu tiên, thầy khai sơn chùa Giác Phong ở Quảng Trị. Do đó, thầy mới có biệt hiệu là Đại đức Giác Phong. Mãi đến năm Bảo Đại thứ mười, thầy thọ đại giới ở Trường Kỳ chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ở Quảng Trị và đắc pháp với Hòa thượng Hải Đức, do đó mới có pháp hiệu là Bích Không đại sư (do Thích Viên Giác kể lại.


 

NHỮNG SỰ LINH ỨNG TẠI VIỆT NAM

1. Bức thư của ông Frank-M. Baze

Trước khi ghi lại các chuyện khác nói về sự linh ứng của Quán Thế Âm Bồ tát, tôi xin trích lại đây một bài tựa cuốn sách về triết lý đạo Phật, dày 600 trang đã xuất bản ở Mỹ, nhan đề là: “The Conquest Of Mind” tạm dịch là “Sự Chinh Phục Tinh Thần”. Tác giả cuốn sách này là một người Mỹ tên là Frank M. Baze, biết bảy thứ tiếng, rất thâm hiểu đạo Phật, đã quy y với Hòa thượng Hải Đức ở Nha Trang, và đã đến viếng điện Quán Âm Nam Hải(*), đã ủng hộ các vị sư trong công việc xây dựng thắng cảnh này.

Bài tựa này được Thích Viên Giác ghi lại bằng tiếng Pháp trong cuốn Phẩm Phổ Môn (đã dẫn ở trên) và đã được dịch ra tiếng Việt do Sa môn Thích Tịch Tràng, tọa chủ chùa Linh Sơn, quận Vạn Ninh, Nha Trang, bản dịch như sau (trang 220):

Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Thực nghiệm sau đây là hoàn toàn đúng với sự thực không sai. Hôm qua, ở Nha Trang tôi mộng thấy đức Quán Thế Âm. Và sáng nay, không được báo trước, Ngài bảo tôi đến chùa ngài ở Xuân Tự, cách Ninh Hòa 22 cây số, ở đó suốt gnày.

Quyển sách này đã được các thánh nhơn khuyến khích tôi viết ra và cũng chính các Ngài biếu cho Sa môn Viên Giác, Ngài là một vị tu hành chân thực, can đảm và sáng suốt. Đại đức là một đệ tử nhiệt thành và trung tín của Bồ tát Quán Thế Âm. Những đức tánh ấy chứng tỏ việc làm của Đại đức hết sức khó khăn và kiên cố để tạo nên một ngôi chùa trên đồi núi giữa cảnh đẹp hùng vĩ, tráng lệ và nguy nga đầy hứng thú của Xuân Tự.

Chính tôi, tôi cũng thờ kính đức Quán Thế Âm, ngài đã phù hộ tôi suốt đời. Nhất là trong những lúc đi máy bay trên bể Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Và sau hết cũng chính Ngài khai thị cho tôi được biết ngài, mặc dù Ngài luôn luôn ẩn thân đối với tôi. Ngài hành động như một bà Mẹ hiền khả ái tuyệt bậc.


Kính lạy Quán Thế Âm Bồ Tát

Tác giả quyển: The Conquest Of Mind.
Nhũ danh: Frank M. Baze.
Pháp danh: Thích Chơn Trí.

Dịch giả: Sa môn Thích Tịch Tràng.
Tọa chủ chùa Linh Sơn.
Quận Vạn Ninh (Nha Trang)
(Bài tựa này trong cuốn Phổ Môn Phẩm của Thích Viên Giác, không thấy đề ngày).

Sau đây bài ghi bằng tiếng Pháp:

Nam Mo Quan The Am Bo Tat

Cette expérience est parfaitement vrai et sans faute. Hier soir à Nha Trang, j’ai rêve de la Déesse Quan The Am. Et ce matin, sans prévenu d’avance, je suis invité par Elle de venir passer la journée dans sa Pagode à Xuan Tu, 22km de Ninh Hoa.

Ce livre a été écrit par l’inspiration des Dieux et c’est Eux qui l’offrent au Bon Moine Vien Giac, qui est qu’un moine sincère, courageux et illuminé. Il est un serviteur ardent et fidèle de la Déesse Quan The Am, comme il a prouvé son amour et sa fidélité par son travail dur et constant pour créer la Pagode sur la colline au milieu de la beauté superbe et inspirante de Xuan Tu.

Moi, ausi, j’adore la Déesse qui m’a protégé pendant toute la vie, surtout au cours des voyages aériens sur l’Atlantique et le Pacifique et c’est Elle qui a finalement ouvert mes yeux pour la connaître, quoiqu’Elle s’est toujours cachée de moi. Elle agit comme une Belle Mère parfaite et charmante.

Adoration à la Déesse Quan The Am

L’auteur: Frank M. Baze.

(*) Đại điện Quán Âm Nam Hải: Là một ngôi bửu điện thờ Quán Thế Âm Bồ tát, được xây cất vào năm 1958 trên Hòn Hèo là một hòn núi nhỏ ở gần bờ biển Nam Hải, thuộc làng Xuân Tự, quận Vạn Ninh – Nha Trang (sau người ta thường gọi là núi Phổ Đà). Điện này xây mặt về phía biển Nam Hải, cửa bể Đầm Môn (port Doyot), xe lửa, xe hơi, tàu bè, ghe thuyền qua lại đều trông thấy. Mỗi khi gặp phải tai nạn, sóng gió bất thường mọi người đều hướng về đại điện thờ Ngài để kêu cầu xưng niệm. Ở gần điện có một cái giếng nước sâu 10m, gọi là “giếng nước Cam Lồ”, nhiều người thường đến xin nước về uống để trừ bệnh.

Điện thờ Quan Âm này cũng nằm gần chùa Giác Hải, chùa này được xây cất vào năm 1956, cũng tại làng Xuân Tự nói trên.

***

2. Ma Kha thiền sư được cứu độ

Sách “Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục”, kể lại sự tích các thiền sư Việt Nam đời Đinh-Lý, có chuyện sau:

Ma Kha thiền sư, tên trước là Ma Kha Ma Da ở chùa Quan Ái, làng Cổ Miết Đào Gia, tổ tiên là dòng giống Chiêm Thành mạo tên là họ Dương, cha là Hối Dà, giỏi về Bối thư (Kinh Phật xưa chép vào lá cây Bối Đa) làm quan triều Lê Đại Hành, giữ chức Bối Trưởng, thời cổ gọi là Dà Phan.

Sư là người có kiến thức sáng suốt thông đạt, học rộng lối chữ Phạn (Sanscrit). Năm hai mươi bốn tuổi, theo nghề nghiệp cha về ở chùa này thường trong khi diễn giảng Bối Kinh (Kinh chữ Phạn), thấy tượng thiên thần Hộ Pháp, chê rằng:

– Cái học ngoại đạo này dùng làm gì? Ắt là không có thể hiểu được nghĩa lý!

Từ đấy Sư bị mù lòa, biết ăn năn tha thiết hối lỗi, sắp gieo mình xuống vực chết. Nhân gặp Viên Tắc ở Đông Lâm ngăn lại bảo: “Chớ! Chớ!” Sư nghe xong tỉnh ngộ.

Về sau Sư theo học thầy Đỗ Pháp Thuận ở chùa Cổ Sơn, chuyện việc Sám hối và tụng kinh Đại Bi tâm chú, ba năm chưa hề trễ nải chút nào. Cảm được Quan Âm Đại sĩ lấy nước tịnh thủy cành dương vẩy từ đỉnh đầu xuống mặt, bỗng nhiên sáng ra, tâm càng thanh tịnh.

Năm thứ 5, niên hiệu Thuận Thiên, đời Lý Thái Tổ (1015) mới di cư đến núi Đại Vân ở Trường An, hàng ngày chuyên tu tập Tổng Trì Tam Muội (Samashi) cùng các ảo thuật người thường không lường biết được. Vua Lê Đại Hành ba lần triệu vào cung hỏi han, ông chỉ chắp tay cúi đầu mà thôi. Hỏi đến lần thứ ba ông mới thưa rằng: “Kẻ tăng điên chùa Quan Ái!”

Vua giận lắm, sai giữ lại trong chùa Vạn Tuế, cắt người đóng cửa canh giữ. Đến sáng thấy Sư đã ở ngoài phòng, cửa khóa như cũ. Vua lấy làm lạ mới cho tùy ý sở thích.

Lại một đoạn sau chép như vầy:

Trên đây tư tưởng của Ma Kha thiền sư, đi từ Phật giáo Nguyên Thủy, chống đối tục thờ ngẫu tượng, chỉ tin vào tự lực giải thoát, ấy là khuynh hướng Tiểu thừa, hay gần với giáo lý đầu tiên của Phật Thích Ca.

Vậy mà chỉ thóa mạ tượng Hộ Pháp đến phải mù mắt, điều ấy phải chăng là một sự kiện đáng tin, hay là chỉ nên hiểu với ý nghĩa bóng bẩy là tinh thần Tiểu thừa quí phái quá, chỉ để cho một thiểu số trí thức theo được mà thôi, còn như đại chúng thì ngành Đại thừa mới phù hợp, vì chúng mong vao sự tế độ và ân điển thiêng liêng của một thế lực tối cao để chúng tin sùng. Ngành này chính là khuynh hướng tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam ở Giao Châu lúc ấy, cho nên Ma Kha đem khuynh hướng tín ngưỡng Tiểu thừa ở dân Chiêm Thành đến truyền bá mà bị thất bại. Rồi nhờ “Đại bi tâm” của đức Quán Thế Âm Bồ tát mà Ma Kha mở được mắt ra. Như thế là Ma Kha sau ba năm sám hối chuyên tụng “Đại bi tâm chú” mà được giác ngộ về tôn chỉ tha lực của giáo lý Đại thừa vậy.

Từ cái tâm sùng tín ấy Ma Kha đã đạt được trong thời theo học với Đỗ Pháp Thuận (816-992) ở chùa Cổ Sơn, ông lại đạt đến cái tâm trí tuệ Tam muội thần thông, đây là kết quả công phu tối cao của thiền định. Song đến đây không phải để mãn nguyện với mục đích giải thoát của mình như chủ trương của Tiểu thừa. Trái lại Phật giáo Đại thừa thì nhà sư phải dùng cái “Tâm Bi Trí” ấy để cứu khổ cứu nạn cho nhân dân, tế độ chúng sanh, “chuyển mê khai ngộ”.

Chính đấy là tôn chỉ Phật Bà Quan Âm, với cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả hợp nhất cả lý lẫn tình, trí lẫn hành trong cái “ý thức tự do vô lượng, ngắm nhìn thân thể trong tinh thần và tinh thần trong thân thể”, cho nên biến hóa thần thông như nói trong kinh Phật:

Tinh thông ngàn mắt, ngàn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra
Xem trong bể nước Nam ta
Phổ Môn có đức Phật Bà Quan Âm.
(Phật Bà Quan Âm diễn ca)

Bởi thế mà Ma Kha đã không tỏ ra sợ hãi trước uy quyền nhà vua, chứng minh phép thuật nhiệm mầu rồi đi trở về quê cũ miền Nam để giáo hóa, cải tà qui chánh các dân ở Ái Châu và Sa Đăng giáp giới Chiêm Thành hay trên chính đất Chiêm Thành, chỉ bằng một niệm thành khẩn: “Nam Mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng!” Rồi ông biến mất vào Châu Hoan không để lại di tích.

(Trích trong tạp chí Vạn Hạnh số 13-14, Kỷ niệm Phật Đản 2510 (1966) – Bài “Lão Học với Thiền Học” hay là những tích lạ trong Phật Giáo Việt Nam thuở xưa của Nguyễn Đăng Thục, trang 63-64-65).

***

3. Vua Lý Thái Tông và vua Lý Thánh Tông cầu tự

– Vua Lý Thái Tông sau khi bình định giặc giả ở Hóa Châu, Nhệ An, sắc lập 95 ngôi chùa năm 1031.

Năm đầu Sùng Hưng Đại Bảo (1049) nhà vua sắc dựng chùa Diên Hựu (tục gọi là chùa Một Cột), nguyên do vì vua đến cầu tự nằm mơ thấy Phật Quan Âm dắt đến một tòa sen mà trao cho một hài nhi, kiểu chùa vì thế phỏng theo tòa sen trong giấc mộng. Chùa được sửa nhiều lần mọi thành phần(*), chi tiết không còn là vật liệu nguyên thủy trừ cột đá. Chùa này nổi tiếng độc đáo là một kiểu tượng trưng công trình kiến trúc Việt Nam.

(Trích bài: “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” của Nguyễn Bá Lăng, trong tạp chí Tư Tưởng số 3 (tháng 5/1973). Số đặc biệt kỷ niệm Phật đản 2571 trang 109).

Trong quyển “Việt Nam Phật Giáo Sử Lược” của Thượng Tọa Mật Thể, cũng có đoạn như sau (trang 123):

Qua niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm đầu (1049), Thái Tôn sắc dựng chùa Diên Hựu. Nguyên năm trước ngài nằm mơ thấy đức Phật Quan Âm dẫn ngài vào Liên Hoa điện. Tỉnh dậy, ngài ban hỏi đình thần thì một vị Tăng Thống xin lập chùa. Vua nghe lời, sắc dựng một cục đá, ở trên xây điện Liên Hoa (hình hoa sen nổi trên mặt nước) thờ Phật Quan Âm và hội các tăng sĩ lại tụng kinh cầu trường thọ (Chùa ấy hiện còn ở gần Hà Nội, người ta thường gọi là “Chùa Một Cột”.

Còn trong tạp chí Hải Triều Âm số đặc biệt 9-10 (tháng 12/1974) “Đúc kết Đại hội Văn hóa Phật giáo”, ông Nguyễn Đăng Thục có đoạn ghi như sau (trang 39):

Năm Kỷ Sửu thứ VI, mùa xuân tháng 2 đổi niên hiệu là Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ nhất. Mùa Đông tháng 10 xây chùa Diên Hựu (1049). Trước đấy vua nằm mộng thấy đức Quan Âm ngồi trên đài Hoa Sen, vẫy vua lên đài. Đến khi tỉnh mộng, nói lại với triều thần. Có người cho là điềm gở chết yểu. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua cất chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, xây đài Hoa Sen có tượng Phật Quan Ân bên trên, đúng như hình ảnh đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn chung quanh tụng kinh cầu sống lâu, cho nên có tên là chùa Diên Hựu.

– Về việc vua Lý Thánh Tông cầu tự có đoạn nói như sau:

Nhà vua Lý Thánh Tông 40 tuổi chưa có Hoàng nam để nối nghiệp, thường đi các đền chùa để cầu tự, ngự giá đến đâu người xem chật đường. Khi đến làng Thổ Lổi, có người con gái quê cắt cỏ lau, nhà vua lấy làm lạ, cho vào cung lập làm Ỷ Lan cung phi. Đến khi có mang sinh Hoàng tử Kiền Đức (là Lý Nhân Tông sau này), nhà vua mừng lắm. Ngay hôm sau lập làm Thái tử, đổi niên hiệu, đại xá trong nước, phong Ỷ Lan làm Thần Phi gọi là Nguyên Phi, đổi làng Thổ Lổi làm làng Siêu Loại, vì là sinh quán của Nguyên Phi (Cương Mục C.H. 3-26).

Chính Ỷ Lan Thần Phi về sau trong khi vua đi đánh Chiêm Thành, ở nhà nhiếp chính khôn khéo được lòng nhân dân, nên quốc dân đã suy tôn là Quan Âm Nữ (Cũng trong tạp chí Hải Triều Âm số dẫn trên, trang 39).

Đoạn này nhắc ta nhớ lại chuyện sư Đại Điện, tướng Lê Uyên và Ỷ Lan phu nhân trong chương I, phần II của cuốn truyện tích này và mục (2) ở phần chú thích, cuối chương I ấy.

Về tích này, cũng có một đoạn do ông Nguyễn Đăng Thục trích trong “Truyền Đăng Tập Lục” như sau:

Chính con đường sùng tín của ngành Tỉnh Thổ (Tịnh Độ) thờ Phật Bà Quan Âm mà tôn chỉ đã được toát yếu vào đoạn mở đầu quyển kinh phổ thông: “Nam Hải Quan Âm”. Lý Thánh Tông từ thế kỷ XI sau khi đã đi đánh Chiêm Thành, mang cái ấn tượng Quan Âm về. Nhận thấy quốc dân suy tôn Nguyên Phi Ỷ Lan là Quan Âm Nữ cho nên đã tìm dung hòa ngành Tịnh Độ nhân dân đang đòi hỏi với hai ngành Thiền của Tổ Tỳ Ni và Vô Ngôn Thông vốn có từ trước vào ngành Thiền thứ III là phái Thiền Thuần Túy Việt Nam tức phái Thảo Đường vậy.

(Trích trong tạp chí Vạn Hạnh số 1. Kỷ niệm đại lễ Phật đản 2509 năm 1965, trang 59).

GHI CHÚ:

(*) Chùa Một Cột: Hay chùa Diên Hựu, tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội) được vua Lý Thái Tổ sắc xây dựng năm Sùng Hưng Đại Bảo nguyên niên (1049).

Năm 1101, nhằm niên hiệu Long Phù nguyên niên, vua Lý Nhân Tông cho trùng tu lại. Đến tháng 9, niên hiệu Long Phù thứ 5 (1105), chùa Diên Hựu lại được tái tu lần nữa. Trước chùa người ta cho xây một ngôi bửu tháp và cho đào những hồ thả sen, chung quanh xây nhà và bắc cầu để đi qua hồ mỗi tháng, ngày 1 và 15, vua đến ngự chùa này.

Trong lời sớ có nói thêm rằng, vua Nhân Tông muốn có một người con: vua cầu đảo Phật và cho tổ chức nhiều lễ trai tăng cúng dường. Đồng thời Thái Hậu (tức là Ỷ Lan Nguyên Phi trước kia) cũng cho xây hơn trăm chùa.

Lần thứ ba, chùa Diên Hựu lại được trùng tu do vua Trần Thái Tông sắc lệnh, nhằm niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (năm 1249).

Nhân đây, ta thấy mấy đời vua nhà Lý đều rất sùng tín Quán Thế Âm Bồ tát, vì vua Lý Thánh Tông là con cầu tự của vua Lý Thái Tông, và Thái tử Kiền Đức (vua Lý Nhân Tông sau này) cũng là con cầu tự của vua Lý Thánh Tông. Và theo sớ nói việc trùng tu chùa Diên Hựu lần thứ 2, niên hiệu Long Phù thứ 5, thì đến lượt vua Lý Nhân Tông cũng đi cầu tự.

(Theo tài liệu Le Bouddhisme En Annam của Trần Văn Giáp, Tuệ Sĩ dịch – Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh – 1968).

Ta nhận thấy việc tôn sùng Ỷ Lan Nguyên Phi, thời vua Lý Thánh Tông, là Quan Âm Nữ cũng tương tự như dân Tây Tạng sùng kính hai vị công chúa xứ Trung Hoa Wang Chen và công chúa xứ Népal Bhrikuti, kết hôn với vua Srong-Tsan-Gampo của họ là: Quan Âm áo trắng và Quan Âm áo xanh (đã nói trước đây mục a.- Chương VII).

***

4. Một Công chúa nhà Lê được cứu khỏi bệnh

Tích này được kể sơ lược trong một bài nói về chùa Đại Sơn ở Hà Nam, tục gọi là chùa Đọi.

Chùa Đọi là ngôi chùa cổ dựng trên một quả núi cao trong ba quả núi chạy dài giữa một cánh đồng Chiêm, cạnh con sông Châu Giang dài dằng dặc nối liền sông Nhị Hà và con sông Đáy, cách tỉnh lỵ Hà Nam chừng 15 cây số, do đó vị trí của chùa rất đẹp.

Ai đã có dịp lên núi Đọi thăm chùa, đứng trên cao nhìn xuống, chắc cũng phải nhận ra rằng núi Đọi có một phong thủy kỳ lạ.

Giữa một cách đồng Chiêm bát ngát, về mùa nước, bốn bề mênh mông như biển cả, xa xa những làng mạc nổi lên như những cù lao lô nhô trên mặt biển. Dẫn tới chân núi là những con đường đá đỏ ngoằn ngoèo, uốn lượn như những cuống sen vàng lấp loáng mà mỗi đầu hoa là một làng, một xã, phía xa hàng trăm gò đống hình thù như những quái vật đều châu đầu về chân núi, tạo thành một cảnh dị hình khó tả.

… Thực ra, không ai biết rõ chùa Đọi được cất lên từ đời nào và do ai tạo tác. Từ trước đời nhà Lý đã có ngôi chùa này, ở phía núi bên kia, tục gọi là núi “Rồng”.

Đến đời vua Lý Anh Tông (1138-1175) vào khoảng 1170, chùa mới được nhà vua đứng hưng công dời sang ngọn núi bên này, cho tới ngày nay. Qua bao đời vua chúa, ngôi chùa Đọi vẫn là nơi danh lam thắng cảnh để cho các khách thập phương về chiêm bái.

Chùa Đọi là một cơ sở Phật giáo nổi tiếng nơi đào tạo nhiều bậc tăng tài, có nền kinh tế tự túc vững chắc. Trong chùa lúc nào cũng có hàng trăm vị Sư tu học, đứng đầu là một vị cao tăng, dưới có một hội đồng tăng sĩ, mặc dầu sự tổ chức của Giáo hội thời đó chưa được hoàn bị.

Vì là nơi cung cấp cho Giáo hội một số lớn tăng sĩ, trong đó có nhiều vị lỗi lạc, đi trụ trì các ngôi chùa nhỏ tại khắp nơi, trên toàn lãnh thổ Bắc Việt nên chùa Đọi còn nổi danh là “Chốn Tổ Đọi”.

Ngoài số ruộng đất hàng trăm mẫu nằm rải rác quanh chùa, chùa Đọi còn có một số cơ sở ruộng đất khác rất lớn gồm chừng ngàn mẫu, do một công chúa dòng dõi nhà Lê cung tiến, thuộc huyện Cẩm Giang tỉnh Hải Dương.

Truyền thuyết về việc này như sau, đến nay còn nhiều người kể lại:

Một hôm công chúa theo vua cha vào rừng săn bắn. Lúc trở về cung, nàng mắc một bệnh hiểm nghèo, chạy chữa hàng bao năm không khỏi.

Một hôm, công chúa nằm mơ thấy Phật Bà hiện trên núi Đọi. Sáng hôm sau, nàng ngự giá đến chùa khấn vái xin đức Quan Âm cho nàng được khỏi bệnh. Mấy hôm sau, bệnh công chúa tự nhiên thuyên giảm rồi dứt hẳn. Tạ ơn Phật Bà gia hộ, công chúa bỏ tiền ra tậu số ruộng đất chừng ngàn mẫu, cung tiến vào chùa để làm hương đăng cúng Phật. Tại chùa Đọi hiện giờ, khách vãng cảnh còn thấy một pho tượng tạc hình dung công chúa để thờ và một tấm bia trong đó ghi rõ sự tích như vừa kể.

… Từ ngày làm xong ngôi chùa Đọi, vua Lý Anh Tông hạ chiếu chỉ giao cho sáu làng (lục đình)(*) (xin xem bài sau này), từ đó ngôi chùa thuộc về sáu làng, mỗi khi có công việc gì đều do lục đình quyết định.

Hằng năm cứ đến ngày hai mươi mốt tháng ba âm lịch (21-3, âl) là ngày giỗ tổ, và cứ ba năm lại có một ngày đại hội kéo dài hàng nửa tháng rước khách linh đình, khách thập phương về lễ bái rất đông. Mỗi ngày hội như thế là các vị tăng ni thuộc chốn Tổ Đọi ở khắp nơi, có hàng dăm trăm vị, lại phải về chùa tụng kinh lễ Phật.

Rất tiếc là vì thời cuộc nên ngôi chùa Đọi đã bị đốt từ năm 1950.

GHI CHÚ:

(*) Thực ra, theo suy luận thì ngôi chùa Đọi đã được dựng nên từ lâu, trước cả thời nhà Lê (Tiền Lê), vì những suy diễn sau đây:

a. Đời Lý, vua Lý Nhân Tôn (1072-1127) đã cho xây một cái tháp khánh thành vào năm 1122, gọi là tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đọi Sơn (Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của giáo sư Nguyễn lang – trang 207-208), vậy trước cả vua Lý Anh Tôn (1138-1175) dời chùa sang núi bên này.

b. Một công chúa nhà Lê đi lễ bái thì công chúa này chỉ có thể là một vị vua đời Tiền Lê (980-1009). Vậy chùa Đọi này được xây dựng nên trước cả đời Tiền Lê.

Nhưng công chúa này là con vị vua nào?

Đời Tiền Lê chỉ có ba vị vua:

– Lê Đại Hành, tức Lê Hoàn (980-1005)

– Lê Trung Tông, tức là Long Việt (1005) vừa mới lên ngôi được ba ngày thì bị em là Long Đĩnh sai người vào cung giết đi thọ 23 tuổi.

– Lê Long Đĩnh tức là Lê Ngọa Triều (1005-1009). Vì quá đam mê sắc dục nên mắc bệnh, và lúc qua đời chỉ để lại một người con còn nhỏ (căn cứ vào bài khảo cứu của ông Lê Văn Liêu “Sự nghiệp cứu quốc của Sư Vạn Hạnh”, trang 100 đăng vào tạp chí Vạn Hạnh số 1, Tập Thượng, kỷ niệm ngày đại lễ Phật đản 2509 năm 1965).

Vậy thì vị công chúa đi lễ trên chùa Đọi trong tích này chỉ có thể là con vua Lê Đại Hành, mà theo Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim thì Lê Hoàn, quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đúng vào tỉnh có chùa Đọi.

Lại trong bài khảo cứu lịch sử của ông Lê Văn Liêu đã dẫn trên, có ghi chú rằng vua Lê Đại Hành có 12 người con, tên là Thân, Ngân, Tích, Việt, Đĩnh, Đinh, Cân, Tung, Tương, Kinh, Mang Để (Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ).

c. Về ngôi chùa Đọi này, có nhiều chuyện lạ kỳ huyền bí rất hấp dẫn mà phạm vi bài kể chuyện linh ứng này không cho phép ghi ra đây, nếu muốn biết rõ, xin xem bài sưu khảo về chùa Đọi của Hoàng Sơn, Phạm Chí Tha – Tạp chí “Đuốc Tuệ” (bộ mới, số 5, số 6 phát hành ngày 13-11-1965, từ trang 13.

***

Những tích sau đây, chúng tôi ghi lại từ quyển Phẩm Phổ Môn của Thích Viên Giác (đã dẫn trên).

5. Đặt Lại Đài Sen

Năm 1958, vào khoảng tháng 9 âm lịch, sau khi xây cất điện Nam hải Quan Âm, bên cạnh núi Phổ Đà xong, chúng tôi xây bệ để Đài Sen, trước khi hầu tượng Ngài lên. Lúc ấy đạo hữu Nguyên Đạo phụ trách coi công việc ấy. Xây bệ xong, đạo hữu đặt đài sen lên, đạo hữu để lộn, nghĩa là xây mặt đài sen phía núi ra bể và xây mặt bể vào núi. Hai mặt đài sen ấy nhìn kỹ mới biết có khác nhau. Nhưng chúng tôi không để ý.

Đêm hôm ấy, đạo hữu Nguyên Đạo ngủ trong trại tranh trước sân chùa cùng với các anh lao công người Bình Định. Có anh Nguyễn Thông cũng đồng ngủ ở đó. Anh Thông một thấy một vị đạo sĩ đến gọi anh mà bảo rằng: “Cái đài sen trên Điện để sai rồi. Nếu không biết thì lên xem lại đài sen trong điện Phật Tổ, sẽ biết”.

Lúc ấy đúng một giờ sáng. Anh Thông gọi Nguyên Đạo dậy, nói rõ câu chuyện ấy cho đạo hữu nghe. Đạo hữu này đang buồn ngủ, cằn nhằn anh Thông.

Đến năm giờ sáng, tất cả cai và thợ đều lên xem lại đài sen trong điện Phật, rồi lên xem xét lại đài sen trên điện Quán Âm thì mọi người đều trông thấy để sai. Điềm mộng hồi hôm đã đúng sự thật.

Lòng ngưỡng mộ của các anh em lên cao. Chúng tôi ghi lại đây vài nét để kỷ niệm.

***

6. Cứu Người Mắc Xương Cá

Năm 1959, vào khoảng tháng tám âm lịch. Cô Năm Thái ở Ninh Hòa, bị mắc xương cá đã bảy ngày. Cô không ăn uống gì được, cổ họng sưng to, thân thể tiều tụy. Người nhà chạy đủ thầy thuốc.

Cô là bạn của người Trung Hoa ở tại chợ Ninh Hòa, nên các ông Hoa kiều chạy chữa hết sức. Nào là thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc Tây, vào chùa Tổ, ra đền Ông, coi xâm bói quẻ, có người chỉ (bày) mượn chân con rái cá mà cào, người thì bày mượn đứa con trai bị đẻ ngược đến vuốt xuống. Tất cả phương cứu chữa xua nay ở Ninh Hòa đều vô hiệu. Các ông Hoa kiều mướn xe chở cô vào Nha Trang, mà cũng không thế cứu cô được. Các ông lại chở cô về Ninh Hòa để chuẩn bị chở cô đi nhà thương Đồn Đất ở Sàigòn. Cô Năm Thái tánh không muốn phiền ai mà cũng không muốn xài tiền lớn. Cô mới nhờ ông Phù Trọng Văn tiên sinh ra Xuân Tự đến điện Nam hải quan Âm xin nước Cam lồ ở giếng chùa Giác Hải về cho cô uống thử, may ra khỏi bệnh. Phù Trọng Văn tiên sinh nghĩ rằng, bấy lâu nay chạy chữa đã đủ điều, nay còn chút hy vọng nữa là đến điện Nam Hải Quan Âm, nên ông cũng không ngại gì, vội vàng sực nhớ lại và chạy ra chùa tìm tôi, thuật chuyện cô Năm Thái bệnh cho tôi nghe.

Tôi và Phù tiên sinh cũng đã quen thân nhiều. Vả lại, lúc làm điện Quán Âm, tiên sinh đã tận tâm giúp tôi trong công việc xây cất.

Cô Năm Thái cũng là một tín nữ thuần thành, cho nên nghe nói đến là tôi rất lấy làm thương xót và vội vàng lên điện Quán Âm làm lễ cầu nguyện xin nước Cam lồ ngay. Lúc ấy vừa đúng bốn giờ chiều, chúng tôi đem hết tín thành, vận hết năng lực, gia tâm chú nguyện vào nước Cam lồ. Sau đó một tiếng đồng hồ, chúng tôi đem nước ra trao cho Phù tiên sinh, dặn ông đem về cho cô dùng. Không hiểu làm sao, lúc ấy tôi dám quả quyết nói với tiên sinh rằng, đêm nay cái xương cá ấy xuống và sáng mai lúc 7 giờ, tôi vào thăm thì cô sẽ lành.

Thật vậy, đúng như lời tôi nói không sai. Cô Năm Thái thuật lại, đêm ấy trong cổ cô đau nhức nhiều hơn, như ai cào cấu và sáng ra thì hết đau. Cô nuốt nước miếng nghe hơi nghẹt nghẹt tí thôi.

Đúng 7 giờ sáng, tôi vào thăm, thấy cô đứng dậy nói chuyện như thường, sắc mặt tươi tỉnh. Tôi nói: cô này hết bệnh rồi cô cười. Nhưng Phù tiên sinh không tin cho rằng cô Năm Thái nghe nói đưa cô đi Sàigòn chữa bệnh ở nhà thương Đồn Đất, cô không muốn đi nên cô giả đò lành bệnh. Toi bèn bảo con gái cô ra trước nhà mua bánh ướt (cuốn) cho cô dùng thử, nếu lành thì không thấy đau. Cô Năm Thái dùng bánh ướt như thường không thấy đau gì nữa. Tôi bảo mua rau sống vào cô dùng và nấu cơm cô ăn. Tôi vẫn ngồi đó chờ xem kết quả. Cô Năm Thái ăn cơn ngỏn ngoẻn, ngon miệng lắm, vì một tuần nay cô không ăn gì được.

Lúc ấy, cả nhà và Phù tiên sinh mới hoan hỷ vui mừng, quả quyết tin cô Năm hết bệnh. Cô Mười, con gái cô Năm nói rằng: lúc cô có thấy người đàn bà mặc áo trắng ở trong nhà cô Năm đi ra, cô Mười kêu cô Năm hỏi: “Má có thấy ai đi ra đó không?” Nhưng cô Năm ngủ mê không biết gì, đến sáng nghe con kể lại, mới biết đó là Bạch Y Nam Hải Quán Âm đến cứu mình.

Từ đó lòng tin tưởng Quán Âm Bồ Tát của Phù tiên sinh và các Hoa kiều ở Ninh Hòa lên rất cao.

Hàng ngày thường có người Ninh Hòa về chùa Giác Hải xin nước Cam lồ, và cô Năm Thái cũng như gia đình con cái cô, đều quy mạng đức Quán Thế Âm Bồ tát.

Việc này hiển nhiên là một sự thật ai cũng biết, nên chúng tôi xin ghi lại đây.

***

7. Sửa Chữ Viết Sai

Cũng như câu chuyện thứ hai dưới đây, do một đạo hữu khác kể lại, trong lúc viết hai câu đối ở trước điện.

Anh Đạm làm thợ hồ, giỏi việc đắp chữ nổi. Anh cũng biết tiêm thuốc cho đồng bào đau ốm. Lúc ấy vào khoảng tháng chín âm lịch, anh đang viết hai câu dối chữ Nho đã đến năm giờ tối mà chưa rồi. Anh xin tôi về Ninh Hòa tiêm thuốc cho con bệnh. Đêm ấy ngủ ở Ninh Hòa anh thấy một cô vải trùm khăn nâu đến bảo anh: “Ngày mai phải ra sửa lại câu đối, anh viết sai một chữ”.

Thật vậy, sáng mai anh ra xem thì thấy hai chữ “điên đảo” anh viết sai nét. Anh đem câu chuyện ấy thuật lại với tôi, nên tôi cũng ghi lại đây để kỷ niệm.

***

8. Cứu Thoát Khỏi Ngục Tù

Ở thôn Xuân Tự, có đạo hữu Võ Đa thường gọi là ông thợ Bảy vì bác làm nghề thợ mộc. Nay đã trên 50 tuổi.

Năm 1956 chúng tôi đến cất chùa tại thôn này thì Bác là người thợ mộc đốc công về việc mộc, nhưng chưa có một chút lòng tin đạo đức nào. Trái lại, bà vợ là cô Cam lại tin Phật. Cô thường theo các bà con về chùa lễ Phật, nhưng không dám đi luôn, và có cúng vái gì thì dấu chồng. Bởi bác trai chưa tin và khó tánh.

Năm 1957, hai vợ chồng bác mới làm nhà lại ở gần bờ biển Xuân Tự. Nhà làm rồi nhưng cửa chưa làm xong. Thình lình bác trai có lệnh công an quận Vạn Ninh mời ra vì lý do gì đó. Tôi nghe tin ấy, chiều lại, sau giờ công phu chiều, tôi tới nhà thăm và hỏi bác gái. Bác trả lời cách buồn bã lắm. Tôi mới nói rằng: “Bác trai không tin Phật chứ cô cũng không tin nữa hay sao? Bây giờ tối rồi, cô không nên bày biện gì nhiều, ra vườn hái hoa quả, chốc nữa đi cùng các đạo hữu lên chùa tôi cầu an cho”. Bác gái nghe lời, tới bảy giờ tối bác lên chùa, tôitụng kinh Phổ Môn, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm.

Ngày hôm sau, đến bốn giờ chiều thấy bác trai về thình lình. Ai cũng ngạc nhiên. Hôm sau tôi hỏi lại bác gái câu chuyện ấy ra sao? Bác gái đáp:

– Thình lình nhà tôi về, vẻ mặt hớn hở khác thường, hỏi tôi một cách vội vã: “Ở nhà có cầu nguyện gì không? Thôi, từ nay rằm và mùng một cho tôi ăn chay với”.

Cô Cam nói:

– Cầu nguyện gì? Ai dám cầu. Cầu rồi ông về ông nói đem Phật vào nhà mới của ông, ai chịu nổi.

– Thôi mà, tôi biết rồi, từ nay cho tôi ăn chay với, tôi tin có Phật.

– Ăn chay gì mấy ông, tin gì, khéo nói qua chuyện – Cô Cam được trớn, nói cách lên nước…

Bác thợ Bảy dịu giọng và thổ lộ tâm tình:

– Thật hú vía, nếu không có Phật cứu, thì chưa biết ngày nào ra. Hồi hôm tôi ngủ, mộng thấy đức Phật Quán Thế Âm bảo rằng: “Ba giờ chiều ngày mai cho ngươi về”.

Thật không sai đúng ba giờ chiều ông Chi trưởng cho gọi tôi vào bảo: “Cho anh về, không hỏi gì nữa”. Mừng quá như chết đi sống lại, tôi ôm áo chạy thẳng về đây một mạch, có biết cha chú gì đâu. Từ nay, tôi phải đi chùa lo tu”. Bà vợ nở gan nở ruột, ngồi làm thinh rồi đi làm việc. Bà thật thà lắm.

Bữa nay, bác là viên thơ ký đắc lực nhất của ban Hộ niệm chùa Giác Hải. Bác là một đạo hữu thuần thành, ham học giáo lý.

***

10. Tụng Kinh Cảm Mộng

Dưới đây là nguyên văn một lá thư của một đạo hữu ở Xuân Tự, cảm mộng sau giờ tụng kinh, gởi đến cho tôi tại chùa Giác Hải.

Bạch điều mộng ứng.

Kính bạch trụ trì chùa Giác Hải,

Tôi tên là: Phạm Văn Trọng, 28 tuổi, sanh, chánh, trú quán tại thôn Xuân Tự xã Vạn Hưng, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Tôi là người trong ban hộ niệm và là người con thứ bảy của cha mẹ tôi, hiện là đệ tử của thầy. Đã từ lâu tôi cũng có lòng ngưỡng mộ đạo Phật, nhưng tôi chưa được quy y chánh thức. Tôi thường xem kinh sách nói về đạo Phật để tìm hiểu ý nghĩa của đạo.

Nguyên tối hôm 11 tháng 3 âm lịch (1959), tôi bắt đầu tụng kinh, thực hành lời Phật dạy. Tôi tắm rửa sạch sẽ vào ngồi nơi bàn uống nước đặt ở căn giữa trước bàn thờ ông bà tổ tiên.

Tôi thắp đèn dầu lên rồi lấy kinh Di Đà ra tụng một cách đơn giản lắm, không chuông mõ hương hoa gì…, cứ miệng đọc ngón tay trỏ tôi nhịp xuống bàn. Tụng một thời kinh ấy xong rồi tôi đi ngủ.

Đêm thứ hai, tôi cũng tụng một thời kinh Phổ Môn. Đêm thứ ba tôi tụng kinh Địa Tạng, nhưng chỉ có một chương đầu thôi, vì tôi chỉ thuộc có một bài kệ: “Khể thủ đại từ bi giáo chủ, Địa ngôn kiến hậu quảng hàm tàng” v.v…, rồi tôi tụng kinh Báo Ân trong tập Hồi Dương Nhân Quả.

Đến mười giờ khuya, tôi ra sân chơi mát, mười một giờ tôi mới vào nhà ngủ.

Bỗng nhiên tôi mơ màng mộg thấy bà Nội tôi về. Tôi xin kể chuyện lại thầy nghe:

Ban đầu tôi thấy tôi và người anh thứ năm tôi định khai cái mộ bà tôi lên để thay cái “rương” (cái hòm) khác. Lúc vừa muốn lấy rương lên, anh tôi nói cái rương này tuy cũ nhưng còn tốt, thôi đừng thay nữa. Anh tôi lại bảo tôi: “Em có phương gì làm cho bà Nội về nhà được không?”

Tôi đáp: “Chỉ có pháp niệm Phật thì họa may được chăng?” Nói xong anh tôi mới cạy cái nắp rương ấy ra. Tôi trông thấy người bà tôi chỉ nằm co một góc, còn trong rương ấy để đồ gì tôi thấy kỳ cục lắm!

Tôi cảm động quá, bèn vái Phật cho bà nội tôi được sống lại. Tôi liền xây mặt qua hướng Tây, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, Quán Thế Am Bồ tát và Địa Tạng Bồ tát ba lần.

Tôi thấy bà Nội tôi ở trong cái rương ấy bước ra. Cái rương kia bỗng nhiên biến mất. Bà nói: “Con hãy vào nhà ông cư sĩ kia xin cho bà chén nước, bà uống rồi bà sẽ nói cho mà nghe”. Khi ấy tôi lấy cái bát chạy vào nhà ông cư sĩ kia mà xin nước. Ôn glấy cái bình thủy ra nhỏ vào bát chỉ có ba giọt. Tôi thưa ông sao ít quá. Ông nói: đủ rồi! Tôi ngó mặt ông này thì quen mà không biết ông tên gì? Tôi lật đật bưng nước chạy về cho Nội tôi uống. Uống xong bà dẫn tôi vào trong một cái nhà nào đó rất nhỏ và hẹp lắm. Tôi chỉ thấy có một bộ ván và một cái bàn nhỏ với hai cái ghế đẩu để ngồi. Trên bàn có thắp một ngọn đèn xanh nhỏ, ánh sáng lờ mờ. Bà ngồi xuông ghế đẩu, tôi đứng chắp tay. Bà cất tiếng nói: “Này con, bà đây chính là bà Nội của con chứ không ai đâu. Con cứ nhìn kỹ mặt Nội đi”.

Khi tôi nhìn lên mặt bà, tôi thấy má bên phải có một cái bớt đen, còn hình dáng bà thì người thon, cao, nước da trắng mịn. “Từ khi cách biệt gia đình đến nay, Nội phải chịu nhiều hình phạt khổ sở lắm con ạ! Nội không thể về thăm gia đình được. Hôm nay, Nội nhờ con và mẹ con thường hay niệm Phật tụng kinh, Nội được nghe lời Phật, Nội mới về đây con ạ!” Tôi hỏi: “Vì sao vậy, hở Nội?” Bà đáp: “Con ơi! Hễ con người khi còn sống trên đời làm điều mất đức, thì khi chết rồi, phải chịu nhiều quả báo đau khổ, con ạ! Con nên nhớ điều ấy đừng quên”. Bà tiếp: “Thôi bây giờ con hãy lấy kinh Phổ Môn ra đọc cho bà nghe. Bà muốn nghe kinh đó lắm. Nếu từ nay trở đi, con thường đọc tụng thì bà thường về thăm con. Con hãy nhìn kỹ mặt bà một lần nữa cho nhớ, để thưa lại với cha mẹ con”.

Nghe bà nói như vậy, tôi cảm động quá tôi khóa òa. Bà bảo: “Con đừng khóc, cứ đọc kinh để cho bà nghe, cho bà được thảnh thơi đặng về thăm con”.

Tôi vội vã lấy kinh Phổ Môn ra đọc mới hai hàng trên, bỗng nhiên có hai người lính chạy đến hối tôi đi ra mau cho Quan lớn biểu, Quan rất cần gặp ông ngay bây giờ, mau lên. Tôi vụt đi theo hai người ấy. Đi được nửa đường thì hai người kia đâu mất. Tôi chạy về chỗ cũ, Nội tôi cũng không có. Tôi la lên, liền giật mình thức dậy.

Tôi biết đây là một điềm ứng mộng rõ ràng. Tôi suy nghĩ thật kỹ: Chắc là tôi không quy y với Phật, nên tôi bị yêu ma nó gạt tôi như vậy. Còn bà Nội tôi chết lúc tôi chưa có. Năm năm sau mẹ tôi mới sanh tôi. Tôi làm gì biết mặt mà tưởng tượng và thường ngày tôi đâu có tưởng nhớ bà?…

Ông cư sĩ kia là ai? Phải đức Quán Thế Âm không? Nước sao chỉ có ba giọt mà gọi là đủ? Nước Cam lồ chăng? Bà chết đã năm năm sao còn trông như người sống? Chưa đi đầu thai ư? Trong kinh tôi nghe Phật dạy, một ngày đêm ở địa ngục bằng năm trăm năm ở nhơn gian, thì năm năm đối với âm phủ đâu chừng giờ giấc gì chăng? Khó hiểu, ăn cơm nhơn gian mà nói chuyện âm phủ thì khó quá. Phải có thần thông như ngài Mục Liên hay có mắt huệ, thiên nhãn mới hiểu được.

Thôi, tôi quả quyết đây là sự thật, không mơ mộng gì cả. Để đó mai sáng sẽ kể lại cho cha mẹ nghe rồi sẽ hay.

Sáng dậy, tôi thuật lại đầu đuôi câu chuyện ấy cho ba mẹ tôi nghe. Tôi lại tả hình dáng Nội tôi in hệt như vậy. Cha mẹ tôi cho là đúng.

Hôm nay, chúng tôi sắp đặt làm lễ cầu siêu cho bà để bà được sớm giải thoát. Đồng thời, tôi cũng xin thành thật bạch lại với Thầy, nó chắc chắn rõ ràng như vậy, không sai chút nào.

Sau đây, tôi xin Thầy hoan hỷ cho tôi quy y Tam Bảo để tôi được học hỏi phần nào về pháp lý (giáo lý), tập làm việc đạo đức, để đời tôi được sáng suốt và hiểu biết thêm. Mong Thầy từ bi hoan hỷ chấp thuận, tôi rất lấy làm cảm tạ ơn Thầy.

Bạch Thầy, đáng lẽ tôi xin quy y vào dịp lễ vía đức Quán Thế Âm Bồ tát. Nhưng vì tôi đã hứa nguyện trước tượng ngài Địa Tạng rằng: “Đến rằm tháng Bảy tôi mới quy y cùng ngôi Tam Bảo, để nương nhờ thập phương chư Phật cùng ngài gia hộ cho con”.

Xuân Tự ngày 30 tháng 3 Kỷ Hợi
Nay kính bạch
Phạm Văn Trọng
Ban viên ban Hộ niệm.

***

11. Hào Quang Sáng Trời

Năm ấy (1958), sau khi làm điện Quán Âm xong, nhân dân ai cũng hoan hỷ, trông thấy sự hưng thạnh của đạo Phật.

Ngày vía Phật A Di Đà, các đạo hữu yêu cầu tôi thuyết pháp. Dân trong làng lên nghe rất đông.

Tối đêm 16 tháng 11 âm lịch, pháp tòa dọn ở trước sân chùa cao. Thính chúng ngồi dưới chân tháp ngó lên. Hai sân cao thấp khác nhau đến ba thước Tây. Trời hôm ấy tôi, trăng chưa lên. Bảy giờ tôi tôi bắt đầu thăng tòa, thì câu chuyện lạ lùng kể ra dưới đây cũng xảy ra trong giờ phút ấy. Chuyện này do các thân nhân trong làng chứng kiến và kể lại cho tôi, sau ngày vía năm hôm, vì tôi ngồi ngó xuống trước mặt đèn chói, tôi không thấy gì cả. Họ kể:

– Chúng tôi thấy thầy vừa vỗ “thủ xích” (cái án gỗ) một cái độp trên mặt bàn, thì hào quang ở đâu chớp lên một cái. Một tia lửa xanh nhỏ bằng cây nhang từ cái “thủ xích” ấy bay lên cao, rồi tỏa ra sáng lừng trời ngang nóc chùa, trên đầu chúng tôi. Tất cả mọi người đều khiếp sợ, run như thằn lằn. Họ chạy tán loạn ra vườn, núp dưới gốc cây, kẻ thì chạy xuống nhà bếp, người thì vào nhà khách. Ông Bàn già thường được gọi là kẻ to gan nhất cũng run, vào núp dưới chân bàn. Có người bảo với cô Hường con bác Mận rằng: Đó là ma. Cô Hường lại nói đó là Phật. Có người xưa nay chưa biết việc thuyết pháp như thế nào, vỗ thủ xích để làm chi. Họ cũng chưa tin Phật, họ nói: “Ông thầy sao lại sân si quá, mời người ta đến nghe pháp sao lại vỗ thủ xích, vỗ ghế văng lửa tứ tung”. Những người nói như thế là những người tráng kiện ở trong làng. Có người đã giác ngộ, Có người lại phân vân.

Hào quang sáng như vậy rồi bay đi đâu? Càng lên cao càng to lớn, rồi bay về phương Nam, ngã Hòn Hèo.

Sáng ngày mai lại, ai cũng còn bận rộn lo cúng vía. Cúng rồi, mỗi người lo đi làm ăn.

Cách đó năm hôm, bà Kiều Thị Hẹ tức là bà Hải, tối lại về chùa đi Tịnh độ mới kể lại cho các đồng đạo nghe. Họ trầm trồ với nhau, tôi không biết họ nói gì, bèn lại gần hỏi ra thì các bà con xúm nhau lại, vừa kể vừa cười. Bà Hải nói cà chớt, nghe ú ớ rất vui.

Trong lúc đang kể chuyện ấy, em Thương, bà nhạc mẫu của cụ Hồ Đắc Ứng và Điệu Huệ lại kể thêm một chuyện nữa. Cũng trong đêm ấy, sau giờ thuyết pháp, bà nhạc mẫu của Hồ Đắc Ứng, em Thương (nay đi quân dịch rồi) và Điệu Huệ (tức Diệu Trí, nay tòng học ở Phật Học Viện Bảo Quốc, Huế), ba người ấy vào chánh điện xướng kinh Hồng Danh, lạy sám hối. Trong lúc đang lạy thì ba người đồng thấy ánh hào quang nhỏ như viên ngọc, chói sáng cách lạ thường, không có ánh sáng thế gian nào giống như vậy.

Hào quang ấy rọi vào tượng Phật A Di Đà lồng kính, thờ ở bàn tụng kinh đó. Ba người đồng nhìn sửng, không tụng, không lạy. Không phải ánh sao chiếu, không có một ánh đèn nào, không có ngọc ma ni châu chói, sao lại có ánh sáng. Ba người sợ hãi mà ngạc nhiên. Xướng lạy hết thời kinh rồi ra, hào quang kia đi đâu bao giờ không ai để ý. Mãi đến hôm nay mới nhớ, nói chuyện luôn thể.

Trên đây là những điều linh ứng tôi chưa từng thấy, chỉ từng nghe, tôi chỉ xin thuật lại đây, chờ có đại đức cao minh nào đã gặp hay đã xem trong kinh, chỉ giáo lại cho. Còn tin hay không là quyền của độc giả. Cũng như ở tại sân chùa đây, từ khi mới phát cây, làm nền cho đến bây giờ, thỉnh thoảng phần nhiều dân chúng, hoặc từng cá nhân, hoặc nhiều người đồng thấy hào quang giáng xuống chùa hay xuống điện Quán Âm. Nhiều lần lắm, thường thường từ bảy giờ tối đến sáng, những người đi sớm về tối, làm ăn trên núi, dưới biển đều trông thấy, mà tôi tuyệt nhiên ở chùa chẳng thấy gì cả. Những việc như thế, đến làng Xuân Tự hỏi thăm ai cũng biết.

Tôi thuật ra đây không có ý gì riêng khác, chỉ mong sao mọi người ai cũng nhận thấy, ngoài vũ trụ hình thức (duy vật) còn có vũ trụ huyền bí (duy tâm). Con mắt người trần khó nhận thấy. Những nhà khoa học chân chánh, gặp phải các vấn đề nan giải này họ có một thái độ khiêm tốn dè dặt lắm. Họ hết sức nghiên cứu không thể ngỏ một lời nào vì họ chưa đến kịp mức cao siêu của đạo Phật.

Vào cuối năm 1961, những trái đu đủ trồng ở chùa, phần nhiều trong lòng có mộng hột màu vàng, hình giống như tượng Phật ngồi (có hình chụp kèm theo in trong sách). Việc này ở quận Vạn Ninh nhiều người biết.

***

12. Quán Âm Bồ Tát Xuất Hiện Ở Huế

Vừa rồi, ngày 13 tháng 9 năm 1957, tờ báo Dân Nguyện số 353, xuất bản tại Saigon, đã đăng tin Quán Thế Âm Bồ tát xuất hiện trong một bóng đèn dầu lửa. Dịch giả xin lược trích nguyên văn sau đây:

“Huế, hôm vừa rồi, tại phường Phú Nhơn, thuộc khu vực canh nông, thành nội Huế đã xảy ra một việc, dư luận rất xôn xao: Đức Phật Quán Âm hiện hình trong một bóng đèn dầu lửa.

Nguyên hôm ấy, 4-9-57, ông Nguyễn Trạch có đứa con gái sáu tuổi tên Tâm bị cảm nặng. Lúc hai giờ rưỡi chiều, ông Trạch đem con đến nhờ bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ chích cho Tâm hai ống thuốc. Xong xuôi, Trạch chở con về nhà. Sau đó một chặp thì em bé tắt thở.

Trong lúc tẩn liệm có một vài nhà Sư tụng kinh cầu siêu. Thình lình có một người nhìn thấy hình Phật quán Âm trong một bóng đèn dầu lửa thắp trên bàn thờ. Người này chỉ cho người khác xem. Ai cũng trông thấy như vậy. Tin ấy đồn ra, những người hiếu kỳ đến xem rất đông, nhất là tín đồ nhà Phật.

Qua đêm 6-9, cây đèn ấy được đem từ nhà ông Trạch đến khuôn Tịnh Độ, Tịnh Bình ở gần đó để người đến xem cho tiện. Nhưng về sau, đèn để lại khuôn Tịnh Độ không ai săn sóc nên đèn lại được đem về nhà ông Trạch.

Cũng vào đêm ấy, 6-9, trước giờ thỉnh để lên khuôn, bóng đèn đã bị một người say rượu (vô tình hay cố ý) đến xem rồi đập bể.

Ông Trạch liền cho đi mua một cái bóng khác thay thế cái bể và cho thắp đèn lên, cũng vẫn thấy hình Phật Quán Âm như trước.

Theo dư luận của những người đến xem, một số quả quyết rằng: “Đây là hình Phật Bà Quán Âm hiện lên để rước hương hồn em Tâm chết cách quá đột ngột”.

… Hình trên báo đây là một khoảng màu vàng lợt lờ mờ và đôi chỗ hơi xám (có ảnh ông Trạch và cây đèn in trên mặt báo)”.

Lời bàn: Nếu cho hình này do sự phản chiếu của ngọn đèn lửa, tim đèn dọi vào bóng thủy tinh thì sao các ngọn đèn khác cũng đồng kiểu với đèn này, đồng thắp đèn dầu lửa, đồng bóng thủy tinh, khi thắp lên sao lại không thấy hình hiện. Bóng củ đập bể, bóng mới thay vào, thắp đèn lên vẫn có hình và hình chỉ hiện trong mấy ngày thì hết.

Tin này xảy ra ở giữa Đô thành. Các báo Âu Mỹ cũng có đăng, người ở Saigon cũng có ra xem.

***

13. Người Dân Chày Xóm Tấn (Qui Nhơn)

Chuyện này xảy ra tại xóm Tấn, cửa biển Qui Nhơn, năm 1955 tháng ba năm ấy, trời im lặng nên có mười chiếc ghe ra đánh cá ngoài biển khơi. Thình lình giông tố nổi lên. Bao nhiêu ghe đều theo sóng gió không về. Trong xóm nhà nào cũng để tang cả. Thình lình mười ngày sau, hai anh Trần Tố và Lê Bá Cảnh cùng tất cả trai bạn trong ghe anh trở về. Nhà anh hết sức vui mừng. Xóm làng đến thăm đông và nghe anh kể chuyện sống sót:

“Khi trời nổi gió, tất cả ghe đều không kịp trở tay. Ngó chung quanh thì những ghe kia đều đã mất dạng cả rồi, phần anh em chúng tôi rất khó thoát. Chúng tôi sực nhớ lại và đồng thanh niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Ghe càng trôi đi xa, hai anh em chúng tôi càng niệm. Những người trong ghe đều mê man. Lúc tỉnh đậy, tất cả đều thấy mình nằm trên bãi biển Nha Trang. Người trong làng địa phương chạy ra dìu dắt vào làng, hơ lửa và nấu cháo cho chúng tôi ăn. Xong rồi họ lại giúp tiền cho về đây”.

Hồi đó tôi là một hội viên Hội Phật Học Qui Nhơn, ở gần xóm Tấn nên tôi thấy nghe được rõ ràng. Các người kể trên hiện còn sống, có thể làm chứng cho chuyện này.

Nguyễn Văn Đạo
Hiện ở Khuôn Hội Thuận Lập – Đà Nẳng.

***

14. Thoát Sản Nạn

Bà Lê Thị Nậy, vợ ông Lê Bá Lang có thai gần chín tháng. Hai ông bà này ở nhà số 48 gần nhà tôi.

Ngày 12 tháng 3 năm Bính Thân, tôi không hiểu bà Nậy đau bệnh gì bà đi mời thầy về uống thuốc. Bà phạm thuốc rên la, nằm quay như điên…

Chúng tôi đến thăm và khuyên ông chở và đi nhà thương gấp. Chúng tôi ở nhà cùng các đạo hữu khác, đốt hương đèn cầu nguyện đức Quán Thế Âm.

Bốn giờ chiều, người ở nhà thương về cho hay thai đã tử phúc trung (chết trong bụng mẹ). Đợi đến sáng mai, bác sĩ mới giải phẩu đem thai ra, nhưng rất nguy hiểm cho người mẹ. Bà này đã mê, bất tỉnh. Chúng tôi không nản chí, vẫn thay nhau tụng kinh cầu nguyện. Sáng hôm sau, người nhà ông Lang ở nhà thương về cho hay cái thai đã tự thoát ra vào lúc bốn giờ sáng. Chúng tôi rất lấy làm mừng. Bác sĩ phụ trách bà Nậy cũng lấy làm lạ, cho là việc chưa từng có.

Lê Văn Niệm thuật.
26 đường Nguyễn Hiệu – Huế.

***

15. Dẹp Lửa Dữ

Cách đây trên hai mươi lăm năm, hồi ấy tôi làm thuốc tại “Hàng Gòn” thuộc Công ty Hợp danh Cao su Xuân Lộc, cách ga Xuân Lộc bảy cây số thuộc tỉnh Biên Hòa. Năm ấy tháng ba trời mưa luôn, thế mà các nhà trong Sở bị cháy giữa ban ngày. Một thứ lửa đặc biệt màu xanh bắt đầu phát ra từ trên nóc nhà. Hễ chữa nhà này thì luồng khói xanh xẹt qua cháy nhà khác.

Nhân dân trong Sở hoang mang lo sợ. Tất cả tài sản trong nhà đều đem ra ngoài. Ngày làm ăn không yên, đêm nằm xuống không ngủ.

Các ngành sanh hoạt trong Sở đều bị đình trệ, Chánh phó chủ sử ấy là người Pháp hết sức lo lắng, nghi ngờ có người đốt phá, hoặc chất lân tinh hay hóa học ở đâu bay đến mới cháy cách kỳ quái như vậy. Họ cho lính gác, mật thám điều tra, canh phòng nghiêm mật lắm. Nhưng lửa vẫn hoành hành cách hiên ngang.

Ông chủ mời vị Linh mục đến làm lễ, đọc kinh cầu nguyện và thổi kèn Tây cả ngày đêm, thi hành các biện pháp phòng lửa.

Nhưng tất cả đều vô hiệu. Lửa càng cháy mạnh thêm.

Thời tiết đổi thay hết mưa lại nắng, lửa càng cháy nhiều.

Có một anh lao công đi cạo mủ cao su về, gánh qua cửa ông gác dan, thình lình anh quăng gánh mủ xuống, mặt mày đỏ tươi ứng khẩu nói: “Mười hai giờ lửa cháy nhà ông gác dan”. Nhà chức trách bắt ngay anh ấy và lập tức báo cho ông chủ sở hay. Ông chủ hỏa tốc ra lệnh giới nghiêm (lúc ấy mười giờ trưa), canh gác hết sức cẩn thận. Người trong nhà buộc phải ra ngoài hết. Ngoài nhà người gác không có chỗ chen chân. Có mấy thầy cầm ống dòm quan sát. Mọi người chờ lửa bí mật từ đâu đưa đến. Quả thật, mười hai đúng lửa xanh cũng bắt đầu trên nóc nhà anh gác dan cháy xuống với một màu xanh đặc biệt…

Lần này ông chủ, các thầy và dân trong Sở đều kinh ngạc, đều tin có lửa huyền bí mà trí khôn kẻ tầm thường không thể thuyết minh.

Chiều ngày ấy, các người dân trong làng, ông Cố già, ông Cả Sáu và anh Bản đến nhà nhờ tôi tụng kinh cầu an, nhờ sức từ bi của Phật cứu độ họa may có hết họa hỏa hoạn chăng! Quý ngài nói rất khẩn thiết. Tôi nghĩ rằng việc lửa cháy trong Sở có tính cách quan trọng, thế lực đều trong tay người Pháp, công việc đương còn phức tạp.

Kẻ nghi dân Sở đốt, người thì đổ thừa cho ma quỷ thần linh…

Còn phần mình là một thường dân, sanh trong mê lầm, sống trong hồi hộp. Ngày nghiên cứu sách thuốc, tối niệm Phật tụng kinh, đức độ gì mà dám đương đầu với việc ấy. Nếu may lửa hết cháy thì nhà chức trách có nghi ngờ gì không? Bằng như không hết cháy thì mình mất uy tín.

Vì thế nên tôi do dự không dám chịu nhận lời tụng kinh cầu an.

Nhưng cũng khó nghĩ trước sự đau khổ của dân chúng, người ta đã… đến khẩn thiết yêu cầu, mình không hộ niệm thì bổn phận lợi tha đâu còn nữa? Vì vậy tôi xin hẹn lại, ngày mai tôi ăn chay mới dám tụng kinh.

Ngày ấy là 6 tháng 4 âm lịch, tối lại tôi quỳ trước bàn Phật phát đại thiện nguyện, cầu xin chư Phật và Bồ tát từ bi gia hộ cho chúng sanh. Tôi xin hết lòng kiên cố Bồ đề tụng kinh trì chú cho khỏi cơn hoạn nạn. Như chư Phật và Bồ tát linh cảm thì cho tôi biết trước trong điềm mộng.

Mười giờ khuya tôi đi ngủ. Mắt bên trái máy luôn. Tôi cố tỉnh tâm ngủ mà không ngủ được. Tôi phải ngồi dậy, dùng phép “hàng ma tọa”, cầm chuỗi thập bát niệm chú Bát Nhã và chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng” một hồi lâu mới ngủ được.

Trong giấc ngủ, tôi thấy hào quang chiếu diệu, có đức Phật ngồi trên tòa sen trắng, tay trái kiết ấn “tam muội”, tay mặt cầm nhành dương liễu ngự trước lễ đài.

Tôi giật mình tỉnh giấc, thấy đèn trên bàn Phật đã tắt hồi nào. Tôi đốt đèn lên thì đã một giờ sáng rồi. Tôi tịnh tâm suy nghĩ: “Mình thấy Phật chắc tối mai tụng kinh có cảm ứng, chắc có đức Quán Thế Âm đến cứu khổ nạn cho chúng sanh. Còn đèn tắt là điềm lửa hết cháy”.

Tôi tỉnh trí lại, thấy thần thức của tôi không có gì xao lãng nên bắt đầu quyết đoán: Chiều ngày 7 tháng 4, quý vị đến thỉnh tôi, tôi sẽ thưa: “Tôi người thiểu đức, chỉ biết tụng kinh, còn hết cháy hay không là do nơi huyền bí, xin quý ngài hiểu cho”.

Tôi lên bàn Phật đốt hương, thỉnh tượng đức Thế Tôn và bộ kinh Tam Bảo đi theo quý vị, khi họ đến mời tôi…

Đến nơi, tôi thiết bàn thờ Phật ở một cái miếu thờ Bà. Tôi thành kính niệm đức Bổn Sư và đức Quán Thế Âm, cầu mong hồng ân Tam Bảo cứu hộ dân sở tại qua khỏi tai nạn. Đến mười một giờ khuya, tôi tụng kinh Phổ Môn.

Sáng này 8 tháng 4, trọn ngày lửa hết cháy. Mọi người đều vui mừng. Riêng tôi còn lo lửa sẽ cháy lại!

Nhân dịp gặp ngày Phật Đản, tôi cầu nguyện quốc thái dân an. Từ đó ngọn lửa dữ đã hóa theo khói hương huyền bí của Phật. Tôi trở thành thầy tụng chuyên môn. Hằng tháng chủ sở cấp lương tôi bằng lương thầy Cai trong sở.

Ngày lại tháng qua, trong sở đề nghị trả lễ cúng chay ba ngọ. Gần đến ngày 19 tháng 9 vía đức Quán Thế Âm, tôi đề nghị lấy ngày ấy cúng cho tiện. Tôi phải về Phan Thiết rước thầy Phước Nhân, chùa Trà Cú đến chứng trai đàn. Nhân dân mừng quá, cúng chay rồi kêu bạn hát Bầu Bòn Saigon lên hát mừng. Tôi đề nghị không sát sanh. Mọi người đều hoan hỷ.

Công việc hỏa hoạn không còn. Dân sở hết lòng tin tưởng đạo Phật, phát tâm ăn chay niệm Phật làm lành rất đông.

Nguyễn Văn Đào (Bồng Sơn) thuật.

***

16. Cải Tử Hoàn Sanh

Năm 1955, tôi làm Hiệu trưởng trường Trung học Tuệ Quang thế thầy Thiện Tấn tại chùa Linh Quang và thầy Nhất Hạnh ở Đà Lạt.

Bác thư ký của trường có người con trai lớn trên ba mươi tuổi.

Một hôm nọ vì giận việc gia đình sao đó, tự ra phố mua hai ống thuốc ngủ bốn mươi viên về uống hết. Cả nhà chẳng ai biết.

Sáng ngày mai, thầy Từ Mẫn tự nhiên đến nhà anh chơi. Nhà vắng người, chỉ có bà vợ anh ta ở sau bếp. Còn anh thì nằm mê man bất tỉnh không ai để ý. Thầy Từ Mẫn đến dở chăn xem, tưởng anh ngủ chưa dậy. Không ngờ thấy anh nằm trơ như lẻ gỗ (khúc gỗ) mắt sưng vù, miệng trào nước miếng bọt, mũi chảy máu. Thầy la to cầu cứu. Bà vợ ở bếp chạy lên, thấy anh cứng rồi. Chị nói chiều qua, thấy anh có đi mua hai ống thuốc ngủ, tưởng là anh đi mua chữa bệnh cho đồng bào. Anh biết làm y tá. Tìm xét thấy thì hai ống thuốc bỏ đó. Biết anh phạm thuốc tự tử, bèn chở anh vào bệnh viện Đà Lạt ngay.

Lúc ấy bác sĩ phụ trách bệnh viện là người Pháp. Bác sĩ bảo nếu đủ 24 tiếng đồng hồ mà bệnh nhân không nhúc nhích, cục cựa thì phải chết và trả lại cho gia đình. Thật vậy, chiều lại bác thư ký đến trường cho tôi và thầy Minh Châu, trụ trì chùa Linh Quang hay. Bác mời tôi xuống tụng kinh cầu siêu.

Lúc chúng tôi đến nhà bác thì đã thấy đồng bào vây quanh để thăm con bác chết. Đồng bào ấy là thân chủ bệnh nhân thường ngày được anh săn sóc khi bệnh hoạn.

Nhà bác thư ký có thờ Phật. Chúng tôi lên lầu tụng kinh Phổ Môn và trì chú vào chén nước lạnh cúng trên bàn Phật. Trong lúc ấy thì cả gia đình và bà con bác đang xúm xít quanh giường bệnh để xem xác chết.

Chúng tôi tụng kinh xong thì bưng chén nước từ trên lầu xuống. Vừa đi vừa niệm câu: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Mọi người ai cũng niệm theo, âm thanh vang dội một khoảng xa.

Tôi ngồi trên đầu giường, bác thư ký ngồi khóc bên mình con. Muỗng nước đầu tiên chúng tôi vừa đổ vào môi anh con bác thì anh liền phun ra. Mọi người đều kinh ngạc. Kế muỗng thứ hai, thứ ba là anh cựa mình. Thế là sống được rồi.

Nước vẫn đổ thêm. Tiếng niệm càng lớn. Người đến thăm càng đông. Sau đó nửa tiếng đồng hồ, có người đàn bà đến bảo lấy nước xả đổ cho anh mau tỉnh. Tiếng niệm vẫn còn vang dội vì thấy bệnh tình quá trầm trọng, mặc dù theo lời bác sĩ nói rằng hễ anh cựa mình được là sống. Nhưng khi chở anh về nhà đó đã quá 24 tiếng đồng hồ rồi, anh không nhúc nhich, nên bác sĩ trả lại.

Trời nhá nhem tối, chúng tôi về chùa, để lại hai ông Điệu tiếp tục tụng kinh.

Sáng ngày bác thư ký lên cho chúng tôi biết anh tỉnh, nhưng còn mệt. Bác sĩ nghe tin ấy rất lấy làm lạ, và nếu chữa lành anh ta cũng phải điên cuồng một thời gian. Nhưng đây trái lại, vài ngày sau anh lên trường thăm chúng tôi, bình tĩnh như thường và tiếp tục đi tiêm thuốc cho đồng bào như cũ. Hiện nay, anh vẫn còn mạnh và thường về chùa Linh Quang hầu thăm thầy Minh Cảnh luôn.

Chúng tôi kết luận rằng:

Phép Phật rất nhiệm mầu, sâu xa không thể tưởng tượng. Chỉ vì chúng ta không tin, không áp dụng và đời sống hằng ngày nên chúng ta phải khổ lụy mãi.

Nếu ai cũng tin, cũng niệm Phật, cùng làm lành thì đâu đến nỗi đắm chìm trong biển khổ.

Thuật giả: Thích Viên Giác.

***

17. Nhiệm Mầu Thay Đức Tin

Cũng trong thời kháng chiến, một ông quận trưởng ở tỉnh Thừa Thiên, một Phật tử thuần thành, am tường Phật lý, nhân một hôm vì phận sự phải đi bố ráp với quân đội Pháp. Ông ta bị thương sau mông vì địch liệng lựu đạn, nên ông được đưa vào cứu cấp tại bệnh viện Huế. Mặc dù sự săn sóc tận tụy của bác sĩ, nhưng máu vết thương cứ rỉ rả chảy mãi không dứt (Có loại máu không thuốc gì cầm được. Một khi bị thương tích gặp loại máu này thì phải chịu chết).

Biết sức người không sao cứu nổi, ông chỉ mong ở hạnh từ bi của đức Quán Thế Âm, một là cứu khỏi bệnh, hai là nếu đã tận số thì xin ngài tiếp dẫn cho về Lạc quốc. Ông thành tâm tinh tấn niệm danh hiệu ngài.

Một đêm ông mơ màng thấy dạng một người đàn bà mặc toàn đồ trắng, mở cửa phòng bước vào và nhẹ nhàng đi ra, sau khi đưa tay thoa vết thương cho ông.

Giựt mình tỉnh dậy, ông hỏi bà vợ nằm cạnh giường, bà có thấy bóng người nào không? Bà nói có thấy thoang thoáng một bóng nười đàn bà vào, và tưởng là ý tá đến trông nom bệnh nhân.

Ngạc nhiên và sung sướng thay, đưa tay rờ vết thương, ông thấy máu ướm khô và từ đó vết thương lành dần dần rồi khỏi hẳn.

Bửu Cúc (Nha Trang) thuật.

***

18. Thoát Nạn Nước lụt

Anh Đào, người làng An Truyền, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, năm 1953 được lệnh động viên, anh phải nhập ngũ.

Năm ấy ở Huế lụt to nhất, xưa nay chưa từng có. Anh Đào và bạn đồng đội tám người, gác lại lô cốt gần biển, cửa Thuận An.

Đêm 24, sáng này 25, gió to sóng lớn, nước dâng lên cao, mau không thể trở tay.

Anh em đồng đội đều là những người khác đạo, kêu gào cầu cứu giáo chủ của họ, nhưng đều vô hiệu giữa biến cố ấy, không thấy tâm dạng một bóng người, một ghe thuyền nào cả. Lại thêm trời tối như mực, mưa đổ như xối. Cả đội đều khoanh tay chờ chết vậy.

Rieng anh Đào, bình tĩnh chí thành niện danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ tát, chết sống phó mặc ba đào. Nước mỗi lúc một cao, gió mỗi lúc một lớn. Lô cốt đổ nhào, trôi theo dòng nước cuốn.

Tự nhiên, Đào thấy mình tấp vào gành đã cao, gió rét thấm xương, tưởng chết rồi, nhưng anh không dứt tiếng niệm Phật, thế rồi ngủ thiếp đi bao giờ không hay.

Bỗng anh mộng thấy có người đánh vào vai, bảo dậy mà về. Bừng mắt dậy, anh thấy trời về chiều, xa xa có chiếc đò đi vớt củi, anh liền kêu cứu, đò ấy đến chở anh về. Còn bạn đồng đội của anh chẳng biết trôi dạt vào đâu!

Thoát nạn rồi, anh lên chùa Báo Quốc lạy Phật, và kể chuyện lại cho Bổn sư anh nghe và chép theo lời anh đã thuật.

Trích ở quyển Mẹ Hiền Quán Âm.

***

19. Học Trò Thi

Trước đây có hai cậu học trò, một người thật thà chất phác, một người thông minh lanh lợi. Người thật thà ngày đêm lễ bái cầu đảo đức Quán Thế Âm, xin cho biết trước đề thi. Người thông minh muốn gạt chơi, liền lén viết bảy đề thì bỏ vào lư hương, làm như Bồ tát ban cho.

Người thật thà lượm được, tin tưởng là ngài ban cho thật, đêm ngày lo học thuộc lòng bảy đề và được trúng tuyển. Còn người thông minh làm xong quyển bị lửa đốt cháy, hỏng thi. Lão Tử nói: “Xảo giả chuyết chi nô” (Khéo làm tôi vụng – Khéo mà thiếu phước không bằng vụng mà có đức). Hễ có lòng tin thì được (nhưng về sự học cũng cần mình phải có thực tài một ít mới được).

***

20. Chiếc Phi Thoàn Lênh Đênh Giữa Biển Cả

Ông Brillant, người Việt vào quốc tịch Pháp lúc còn nhỏ, thường hay theo mẹ lên chùa và thường nghe mẹ kể chuyện linh cảm của Quán Thế Âm Bồ tát. Nhờ đó, ông thường niệm danh hiệu ngài, cầu ngài cứu hộ trong những lúc tai nạn. Lớn lên, ông đi lính Pháp.

Năm 1940, ông được đóng lon Thiếu Úy. Một hôm cùng với Đại úy Touffant và Trung úy Letournard cỡi phi thoàn ra đảo Côn Lôn. Lúc trở về phi thoàn hỏng máy rơi xuống nước, trôi bập bềnh mấy tiếng đồng hồ. Hai ông kia rối trí, hốt hoảng, loạn tâm, kêu la inh ỏi. Riêng mình Thiếu úy Brillant bình tĩnh, im lặng, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ tát. Chiếc phi toàn vẫn bập bềnh trôi giữa sóng gió. Bỗng có chiếc tàu đánh cá của người Nhật đến thả dây kéo ba người lên xong, chiếc phi thoàn mới chìm. Tất cả mọi người, khách lẫn chủ đều lấy làm lạ.

Trung úy Letournard và Đại úy Touffant hỏi Thiếu úy Brillant: “Tại sao trong lúc chúng tôi hốt hoảng bối rối mà ông lại bình tĩnh thản nhiên như thế?” Ông Brillant đáp: “Lúc ấy tôi thấy không thể thoát chết nên tôi một lòng cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ tát cứu. Vì tôi thường được nghe mẹ tôi dạy tôi niệm danh hiệu ngài trong khi bị tai nạn. Tôi đã nhiều lần thoát chết trong đời binh sĩ, vì tôi đã thành tâm cầu nguyện”.

Nghe nói hai ông kia mới tin; vì đáng lẽ ra chiếc phi thoàn phải chìm lâu, trong khi còn người ở trong, nhưng lại không chìm. Khi người được cứu lên rồi, phi thoàn nhẹ lại chìm. Thật là một việc khó suy nghĩ.

Từ đó Đại úy Touffant hết lòng kính tin mộ đức Quán Thế Âm. Đại úy về Cai Lậy, làng Tân Mỹ, tỉnh Gia Định cất ngôi chùa thờ ngài. Hằng ngày đích thân đến làm lễ để tỏ lòng biết ơn ngài đã cải tử hoàn sanh cho ba anh em đồng nghiệp trên phi thoàn kia.

(Đại đức Thích Trí Tịnh, thuật).