Người học Phật và những mối nghi khi đọc Kinh điển

Nguyên Minh, Nguyễn Minh Tiến

 

Lời ngỏ: Tôi vừa được anh Tâm Diệu (BBT Thư viện Hoa Sen) gửi cho một đường link để xem bài viết của đạo hữu Tâm Tịnh tại đây. Bài viết nêu nghi vấn về một câu kinh Việt dịch trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng mà tôi là một trong những người tham gia Việt dịch và là người duy nhất còn sống. Tôi đã dự tính viết một bài trình bày ý kiến của riêng tôi về vấn đề này, nhưng xét vì hiện có một số nghi vấn từ nhiều Phật tử khác nên tôi quyết định kết hợp trình bày tổng quát trong bài viết sau đây.

Nền tảng của đạo Phật là những lời Phật dạy được ghi chép trong Kinh điển. Người Phật tử tự nguyện đặt niềm tin vào Kinh điển với sự suy xét sáng suốt và trải nghiệm của chính bản thân mình, hoàn toàn không do bất kỳ áp lực nào từ người khác. Thế nhưng, tiến trình xác lập niềm tin vào Kinh điển thật không đơn giản và dễ dàng. Thứ nhất, làm sao để chúng ta có thể tự mình xác định được những bản văn thực sự là Kinh điển mà không sợ mắc phải sai lầm? Thứ hai, khi học hỏi và nghiên cứu Kinh điển để áp dụng vào sự tu tập, chắc chắn sẽ có những điểm mà chúng ta không đủ sức nhận hiểu tức thời hoặc thậm chí qua nhiều năm tu tập. Những điều không hiểu được đó tất yếu sẽ là nguyên nhân làm khởi sinh những mối nghi trong lòng ta. Vậy phải giải quyết những mối nghi này theo cách như thế nào?

Bài viết này sẽ được lần lượt đề cập đến hai vấn đề vừa nêu trên. Đây là những nhận thức, ý kiến của riêng người viết nên chỉ xin được chia sẻ như những kinh nghiệm cá nhân, mong có thể giúp ích được ít nhiều cho những ai quan tâm.

Phần 1. Mối nghi về nguồn gốc Kinh điển

Tam tạng Kinh điển hay Giáo pháp giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong đạo Phật. Trong Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng) Tăng-già vẫn phải đặt sau Giáo pháp, bởi lý do có mặt của Tăng-già chính là để thực hành Giáo pháp và dẫn dắt Phật tử thực hành theo đó. Nếu không có Giáo pháp thì cũng sẽ không có lý do để Tăng-già tồn tại.

Đối với người học Phật, việc đọc hiểu, nghiên cứu Kinh điển để áp dụng vào sự tu tập là điều thiết yếu, bất kể chúng ta có đang tu tập dưới sự dẫn dắt của một vị thầy hay không. Cho dù một bậc thầy chân chánh có thể dẫn dắt, giúp chúng ta tu tập nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều lần, nhưng điều tiên quyết vẫn là vị thầy ấy phải theo đúng với Kinh điển. Bất kỳ vị thầy nào, nếu đưa ra những chỉ dẫn lệch lạc, trái ngược với Kinh điển, chúng ta đều phải có sự thận trọng xem xét lại việc nương theo vị thầy ấy. Sở dĩ như vậy là vì Kinh điển do chính đức Phật nói ra hoặc ấn chứng, và do đó có độ tin cậy cao hơn hẳn so với bất kỳ phát minh, sáng kiến nào của một người chưa hoàn toàn giác ngộ.

Thế nhưng, việc xác định một văn bản nào đó có đúng thật là Kinh điển hay không lại không phải chuyện dễ dàng chút nào, nhất là trong thời đại chúng ta, cách xa Đức Phật đã hơn 25 thế kỷ. Trong thực tế, đã có không ít những tranh biện xoay quanh vấn đề này, thậm chí có người đã không ngần ngại dùng đến từ “ngụy tạo” để chỉ đến toàn bộ Kinh điển Đại thừa. Đây là một thái độ cực đoan rất nguy hiểm cho các thế hệ tương lai, bởi nó có nguy cơ “vơ đũa cả nắm” và hủy hoại tất cả những tinh túy Phật học đã được tích lũy và trao truyền từ nhiều thế kỷ qua.

Tuy nhiên, vấn đề tưởng chừng như hết sức khó khăn này thật ra lại đã sẵn có giải pháp được đức Phật chỉ bày trong Kinh điển. Có 4 yếu tố cốt lõi trong Kinh điển được tất cả các truyền thống Phật giáo cùng thừa nhận, đã được đề cập đến trong cả kinh điển Nguyên thủy cũng như Đại thừa, thường được biết với tên gọiTứ pháp ấn (四 法 印), với ý nghĩa là bốn dấu ấn để xác thực Chánh pháp, hoặc một tên gọi ít người biết đến hơn là Tứ pháp bản mạt (四 法 本 末), với ý nghĩa là bốn cội gốc căn bản và bao quát nhất. Nói một cách dễ hiểu hơn thì đây là bốn tính chất mà người tu tập phải nhận biết. Đức Phật là bậc giác ngộ viên mãn nên đã thấy biết được trọn vẹn và thuyết dạy về bốn tính chất này.

Những gì là bốn tính chất được đề cập ở đây? Theo kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm 26, kinh số 8 thì đó là tính chất vô thường, khổ vô ngã của tất cả các hành (hay hết thảy mọi hiện tượng), cùng với tính chất tịch tĩnhcủa Niết-bàn. Theo lời Phật dạy thì bất kỳ bản văn nào, dù được gọi là Kinh điển, nhưng nếu trình bày những điều đi ngược bốn pháp ấn này thì người Phật tử có thể biết được rằng đó không phải là Kinh điển do Phật thuyết dạy.

Nhưng giải pháp này cũng có sự giới hạn, vì nó giúp chúng ta loại bỏ những gì trái ngược với Kinh điển, không đúng lời Phật dạy, nhưng nếu có – và sự thật là đã có rất nhiều – những bản văn tuy không trái ngược lời Phật dạy, nhưng không thể chắc chắn thực sự là do đức Phật trực tiếp nói ra, mà có khả năng là do những người đời sau căn cứ vào lời Phật dạy để viết ra thì thế nào? Vì căn cứ vào lời Phật dạy để viết ra, nên điều tất nhiên là sẽ hoàn toàn phù hợp với lời Phật dạy, và do đó không thể dùng Tứ pháp ấn để phân biệt được nữa. Nhưng vì có khả năng là không phải do chính đức Phật trực tiếp nói ra, nên cũng cần có sự tiếp cận khác hơn là so với những bản văn có độ xác thực cao hơn. Trong trường hợp này, vấn đề đã trở nên tinh tế, khó nhận biết hơn rất nhiều. Tuy vậy, cũng không hẳn là không có giải pháp.

Một số người bi quan vẫn thường cho rằng hiện nay là thời kỳ Mạt pháp, nhưng bản thân tôi luôn tin rằng chúng ta vẫn còn rất may mắn và hạnh phúc biết bao khi được sinh ra vào một thời kỳ tuy không có Phật ra đời nhưng vẫn được tiếp cận với Kinh điển, Giáo pháp của đức Phật với một sự phong phú, đa dạng và khá toàn vẹn. Mặc dù có những hạn chế nhất định về mặt sử liệu, nhưng nhìn chung thì với những dữ kiện đã được biết và được hầu hết mọi người công nhận, toàn bộ kinh tạng Nikāya qua 4 lần kết tập, đến nay hiện vẫn còn nguyên vẹn để người Phật tử có thể dựa vào đó mà học hỏi, hành trì. Về cơ bản, tôi chưa từng thấy có người Phật tử nào hoài nghi về tính xác thực của Tam tạng Kinh điển Nikāya, cho dù là người ấy tu tập theo bất kỳ truyền thống nào trong Phật giáo. Sự đồng thuận này có thể xem là điểm chung vững chắc giữa tất cả Phật tử hiện nay để có thể cùng nhau đi đến một cách nhìn nhận phù hợp với Chánh kiến về vấn đề tiếp cận, học hỏi và nghiên cứu Kinh điển.

Qua trình bày đại lược như trên, đi vào chi tiết chúng ta sẽ gặp phải những trường hợp sau đây khi tiếp cận với Kinh điển:

1. Trường hợp văn bản có tính xác thực cao

Đây là trường hợp của những Kinh điển mà chúng ta may mắn giữ được toàn vẹn qua các lần kết tập, như 34 kinh trong Kinh Trường bộ (Dīgha Nikāya), 152 kinh trong Kinh Trung bộ, cho đến tất cả các Kinh trong Tam tạng Nikāya hiện còn…

Đối với tất cả những Kinh điển thuộc loại này, chúng ta nên tiếp cận và xác lập niềm tin theo đúng tinh thần lời dạy của đức Phật trong kinh Kalama, nghĩa là thông qua sự suy xét sáng suốt và thể nghiệm của chính bản thân mình, không phải vì dựa vào sự tin tưởng đối với người khác hay chỉ vì điều đó được ghi chép trong Kinh điển.

Vì sao như thế? Vì cho dù về mặt văn bản, ngôn từ, chúng ta đã tin chắc đó là lời Phật dạy, nhưng nếu chúng ta chưa có sự suy xét, thể nghiệm của chính bản thân, ta sẽ không có khả năng nhận hiểu đúng thật và đầy đủ về những lời dạy ấy. Khoảng cách giữa tri thức và thực chứng luôn cần có sự thể nghiệm, hành trì mới có thể xóa bỏ. Nếu chúng ta chỉ tiếp cận Kinh điển thông qua ngôn từ, lý luận, ta sẽ dễ dàng rơi vào chỗ nhận hiểu và thực hành không đúng như lời Phật dạy, hoặc thậm chí nguy hiểm hơn nữa là diễn giải Kinh điển sai lệch theo những tri thức mà ta đang có.

Vì vậy, cần thấy rõ là ngay cả đối với những lời Phật dạy thì cũng cần phải có sự suy xét, nhận hiểu và thực hành một cách sáng suốt mới có thể mang lại lợi lạc cho bản thân và người khác. Những người thuộc lòng Kinh điển hoặc thậm chí có khả năng thuyết giảng Kinh điển nhưng không có sự áp dụng thực sự vào đời sống, chắc chắn sẽ không tự mình thể nghiệm được những lời Phật dạy, và do đó mà việc đi sai đường là chuyện rất dễ xảy ra.

2. Trường hợp văn bản không có tính xác thực cao

Đây là trường hợp của những Kinh điển Đại thừa mà chúng ta không thể biết được một cách chắc chắn về nguồn gốc, xuất xứ. Trong nhiều thế kỷ qua, tuyệt đại đa số Phật tử đều tin chắc rằng đây là những Kinh điển do chính đức Phật thuyết dạy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các ngành khoa học phương Tây như văn bản học, khảo cổ học, sử học v.v… đã dựa vào những kết quả nghiên cứu để cho rằng văn bản của các Kinh điển Đại thừa xuất hiện khá muộn so với kinh điển Nguyên thủy. Điều này đã làm cho một số người bắt đầu đặt nghi vấn về nguồn gốc của những Kinh điển Đại thừa. Nhưng có điều quan trọng cần lưu ý ở đây là, rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa sự xuất hiện của các văn bản Kinh điển Đại thừa với bản thân những Kinh điển này. Hay nói khác đi, chúng ta không thể loại trừ khả năng là Kinh điển Đại thừa trước khi được xuất hiện dưới dạng văn bản đã được lưu hành ở dạng truyền khẩu trong nhiều thế kỷ trước đó.

Khi có sự phân vân về nguồn gốc Kinh điển như thế, sự tiếp cận tất nhiên cần có những yêu cầu khác hơn, nhưng yêu cầu trước hết là chúng ta phải chấp nhận sự không biết chắc của mình. Sự chấp nhận này là rất quan trọng, vì nếu không ta sẽ rơi vào sai lầm là kiên quyết bác bỏ tất cả khi cho rằng đó là những kinh“ngụy tạo”, hoàn toàn không phải do đức Phật thuyết giảng. Trong trường hợp này, ta mắc phải sai lầm trước tiên là đã đưa ra phán quyết về một điều ta hoàn toàn không biết chắc. Và như vậy, nếu có khả năng đó thực sự là lời dạy của đức Phật thì ta đã tự mình đóng lại cánh cửa tiếp cận với Giáo pháp.

Cách ứng xử sai lầm như thế là cực đoan, không đúng với tinh thần “Trung đạo” theo những lời dạy sáng suốt của đức Phật.

Tốt hơn, chúng ta nên chấp nhận sự “không biết chắc” của mình, để có thể tiếp cận với những Kinh điển thuộc loại này trên tinh thần của Tứ pháp ấn, sẵn sàng loại bỏ những gì không phù hợp với lời Phật dạy. Và muốn sử dụng được Tứ pháp ấn, điều tất nhiên là trước hết chúng ta cần phải tự mình có sự tu tập quán chiếu các yếu tố vô thường, khổ vô ngã cũng như tìm hiểu lời Phật dạy về Niết-bàn tịch tĩnh. Những điều này được chỉ dạy trong rất nhiều Kinh điển, nên việc thực hành tu tập có thể nói là điều khả thi đối với bất cứ ai. Điều cần lưu ý ở đây là mức độ nhận hiểu về các yếu tố vô thường, khổ vô ngã sẽ luôn tỷ lệ thuận với công phu tu tập hành trì của mỗi người, hoàn toàn không chỉ giới hạn trong lớp vỏ ngôn ngữ.

Sau khi áp dụng Tứ pháp ấn, ít nhất chúng ta đã có thể xác định được những gì là phù hợp với lời Phật dạy. Vấn đề tiếp theo là nên nhận thức như thế nào về tính xác thực của những Kinh điển này khi ta không thể biết chắc là có phải do đức Phật trực tiếp nói ra hay không. Hiện nay, có thể quan sát thấy một số khuynh hướng nổi bật như sau:

Khuynh hướng thứ nhất là của một số người rơi vào cực đoan khi không chỉ ra được bất kỳ điều gì trái với lời Phật dạy trong những bộ kinh mình tìm hiểu (hoặc thậm chí là không tìm hiểu) nhưng vẫn nhất quyết bác bỏ cho đó là do người đời sau ngụy tạo, lại còn tìm mọi cách để bài bác, công kích, xem đó như những tà thuyết gây hại cho mọi người. Sự phát triển quá trớn của khuynh hướng này hiện nay còn đi đến chỗ muốn phủ nhận toàn bộ những gì liên quan đến Đại thừa, chẳng hạn như truyền thống tu tập từ nhiều ngàn năm qua. Người Phật tử nên thận trọng để tránh rơi vào khuynh hướng sai lầm này.

Khuynh hướng thứ hai có phần ôn hòa hơn là không tin vào Kinh điển Đại thừa nhưng không bài bác, công kích vì thực sự không thấy có gì trái với lời Phật dạy. Như đã nói, Kinh tạng Nikāya với sự nguyên vẹn và xác tín vẫn là một gia tài Pháp bảo vô giá luôn sẵn có cho mọi người Phật tử học hỏi và tu tập. Chúng ta có thể từ chối những kinh điển không thuộc Kinh tạng Nikāya, nhưng không thể bác bỏ vì sự thật là ta không biết chắc được về nguồn gốc của các Kinh điển đó. Những người theo khuynh hướng này do việc “không biết chắc được” về nguồn gốc của Kinh điển Đại thừa nên từ chối không học hỏi và chỉ thừa nhận Kinh tạng Nikāya mà thôi.

Khuynh hướng thứ ba rộng mở hơn, chấp nhận việc tham khảo vào nội dung các bộ kinh Đại thừa để tìm kiếm những giá trị tích cực có thể áp dụng trong sự tu tập. Trải qua một truyền thống nối dài nhiều ngàn năm, những Kinh điển, luận giải được thu thập trong Kinh tạng là một khối lượng đồ sộ, hàm chứa nhiều tư tưởng, giáo lý phong phú, đa dạng và thâm sâu. Khi chọn những bộ kinh thích hợp với pháp môn tu tập mà mình đang áp dụng để học hỏi, người Phật tử sẽ có nhiều khả năng mở rộng và đào sâu hơn nhận thức, hiểu biết về phương pháp tu tập của mình. Điều đó chỉ có lợi mà không có hại. Hơn thế nữa, nó giúp chúng ta thể nghiệm được những lời Phật dạy ở một góc độ bao quát, rộng mở hơn. Những người theo khuynh hướng này tuy có thể không tin chắc rằng những Kinh điển ấy là do đức Phật trực tiếp nói ra, nhưng thừa nhận việc những Kinh điển ấy trình bày giáo lý do Phật thuyết dạy và thậm chí là trình bày với những phương pháp vô cùng uyên áo, sâu sắc.

Khuynh hướng thứ tư là tự mình xác tín về nguồn gốc Kinh điển Đại thừa theo đúng tinh thần những gì đức Phật đã dạy. Những người theo khuynh hướng này tin chắc rằng những Kinh điển Đại thừa đúng thật với tinh thần Tứ pháp ấn là do chính đức Phật thuyết dạy, chẳng hạn như các kinh Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, A-di-đà v.v… và rất nhiều Kinh điển khác. Người Phật tử theo khuynh hướng này được lợi ích lớn là có thể tiếp cận với toàn bộ Giáo pháp của đức Bổn Sư, bao gồm cả Kinh tạng Nikāya và Kinh điển Đại thừa. Khi kết hợp việc học hỏi Kinh điển và tu tập theo tinh thần “bất bộ phái”, người Phật tử thoát ra khỏi nhiều sự trói buộc của những quan điểm hẹp hòi thông thường và có thể chuyên tâm hành trì pháp môn mình đã chọn.

Như vậy, dựa vào đâu để người Phật tử có thể tự xác tín về nguồn gốc Kinh điển Đại thừa? Câu trả lời không đơn giản, nhưng có thể lược kể ra một vài luận cứ như sau:

Thứ nhất, người Phật tử đặt niềm tin vào lời Phật dạy sau khi đã có sự hành trì thể nghiệm thì niềm tin ấy vững chắc và mạnh mẽ hơn so với niềm tin vào các nhà khoa học, mà cụ thể ở đây là văn bản học, khảo cổ học, sử học… Các nhà khoa học này nói rằng “các văn bản Kinh điển Đại thừa chỉ xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên”, nhưng họ không thể trả lời được câu hỏi “Kinh điển Đại thừa xuất hiện từ lúc nào?”. Và ngay cả nếu như họ có thể đưa ra câu trả lời, thì giá trị của tri thức khoa học cũng chỉ là tương đối khi so với giá trị chân lý trong lời Phật dạy. Một thời gian dài, vật lý học Newton đã thống trị hoàn toàn trong khoa học vật lý, nhưng sau những khám phá của Albert Einstein thì mọi sự bắt đầu thay đổi. Thuyết tiến hóa của Darwin cũng được nhận thức khác đi khi có những kết quả nghiên cứu mới của khoa học hiện đại. Và rõ rệt nhất là thuyết địa tâm (xem trái đất là trung tâm vũ trụ) đã được xem như tuyệt đối chính xác cho đến thế kỷ 16. Nhưng từ thế kỷ 17, khoa học đã chứng minh là nó sai lầm hoàn toàn và đã bị thay thế bằng thuyết nhật tâm… Trong khi đó, những gì đức Phật thuyết dạy dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn luôn chứng tỏ được tính chính xác, hợp lý và mang lại lợi ích an vui cho muôn người.

Ngay cả đối với sự ra đời của đức Phật, từ thế kỷ 18 trở về trước, người Phật tử chỉ có thể đặt niềm tin thông qua những ghi chép trong Kinh điển mà không hề có bất kỳ một chứng cứ khoa học nào. Chỉ đến đầu thế kỷ 19, các nhà khảo cổ mới lần lượt phát hiện các di chỉ quan trọng tại Thánh tích Lumbini như trụ đá do vua A-dục dựng lên để ghi dấu nơi đản sinh đức Phật và nhiều công trình kiến trúc cổ tại đây… và dựa vào đó, các nhà khoa học mới bắt đầu xác tín về việc đức Phật đã từng sống và thuyết giảng trên hành tinh này.

Những phát hiện của khoa học là không thể dự đoán trước. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một ngày nào đó người ta sẽ khai quật được một tu viện cổ xưa chẳng hạn, với những chỉ dấu cho thấy sự xuất hiện của Kinh điển Đại thừa từ trước đó…

Tuy nhiên, đó vẫn là chuyện của các nhà khoa học. Người Phật tử đến với đạo Phật như những con người đi tìm lối thoát cho những vấn nạn của chính thân phận con người, không phải vì những kiến thức khoa học. Thử hình dung một ngày nào đó, một nhà khoa học nổi tiếng tìm đến và nói với chúng ta: “Năm giới mà các ông đang giữ theo đó hoàn toàn không phải do đức Phật chế định. Tôi đã có đầy đủ bằng chứng về điều đó.”Chúng ta sẽ phản ứng thế nào với điều đó? Riêng tôi, chắc chắn tôi sẽ đáp lại: “Vâng, xin ông hãy đăng tải điều đó lên các sách khoa học của ông. Còn tôi, tôi đã tự mình thể nghiệm được vô vàn lợi ích từ Năm giới, nên dù ông có chứng minh rằng nó do ai đó nói ra chứ không phải đức Phật, thì đối với tôi cũng sẽ không có gì thay đổi cả. Tôi vẫn sẽ tiếp tục giữ theo Năm giới này.”

Rõ ràng, là người Phật tử chúng ta có thẩm quyền xác tín về Kinh điển của đức Phật cao hơn các nhà khoa học. Đối với họ, yếu tố quyết định “sự thật” chỉ là những văn bản, những di chỉ khảo cổ vô hồn, nhưng đối với chúng ta thì những giá trị tâm linh, những ý nghĩa nhiệm mầu trong các nền tảng giáo lý Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa… là những giá trị rất sống động, rất thật và có thể giúp ta giải quyết được những vấn nạn khổ đau trong đời sống. Những ai đến với Bát-nhã, Pháp Hoa… như những văn bản không hồn, chắc chắn họ sẽ còn tiếp tục truy tìm nguồn gốc của chúng qua chứng cứ khoa học. Nhưng những ai đã thực sự vượt qua nhiều giai đoạn bế tắc trong đời sống nhờ vào tư tưởng Bát-nhã, Pháp Hoa… thì hoàn toàn không cần đến điều đó. Bằng sự thể nghiệm tự thân, chúng ta có thể xác tín được đó chính là những lời được thuyết dạy bởi một đấng Giác ngộ viên mãn, bởi nó thực sự mang lại lợi lạc vô biên cho người tu tập.

Thứ hai, lịch sử phát triển của Phật giáo qua 25 thế kỷ với một không gian đang mở rộng đến khắp thế giới đã chứng minh vai trò tích cực của Kinh điển Đại thừa. Những giá trị tích cực đó cũng được chứng minh ngay tại Việt Nam chúng ta, qua hai triều đại Lý – Trần mà sự cai trị đất nước chịu ảnh hưởng rõ rệt từ Phật giáo Đại thừa, với Kinh điển được học hỏi trực tiếp từ Hán tạng vì chưa có bản dịch. Đất nước trong thời kỳ này đã phát triển hết sức ổn định và tốt đẹp, ngay cả giặc ngoại xâm phương Bắc cũng liên tục bị đẩy lùi nhiều lần. Phật giáo Đại thừa đã đào tạo cho dân tộc ta nhiều vị vua anh minh trong cả hai triều Lý, Trần… Nhiều người trong số họ sẵn sàng từ bỏ cả vương quyền để sống đời thoát tục. Khi nhìn lại lịch sử như thế, chúng ta càng thấy rõ không có lý do gì để phải hoài nghi hoặc bác bỏ Kinh điển Đại thừa. Trong hiện tại, nếu có những dấu hiệu không tích cực nào đó của những cá nhân tự nhận là tu theo Đại thừa, chúng ta cần nhận rõ sự lệch lạc của mỗi cá nhân đó, không thể vì thế mà quy lỗi cho Kinh điển Đại thừa. Hơn ai hết, người Phật tử phải tiếp nhận Kinh điển theo đúng tinh thần những lời Phật dạy, nghĩa là phải lấy sự thể nghiệm của tự thân làm yếu tố xác quyết quan trọng nhất.

Thứ ba, sự soi chiếu dưới ánh sáng của Tứ pháp ấn đã chứng tỏ rằng các Kinh điển Đại thừa hiện đang được lưu hành không có gì đi ngược với lời dạy của đức Phật. Điều này cho thấy có 2 khả năng: hoặc là những kinh ấy do chính đức Phật thuyết dạy, hoặc là đã được những vị uyên thâm về Phật pháp viết ra dựa theo lời Phật dạy. Tuy nhiên, khả năng thứ hai sẽ bị loại trừ bởi tất cả Kinh điển Đại thừa đều được xác tín bằng câu “Như thị ngã văn” (Tôi nghe như thế này). Đây là một lời tuyên thệ nói lên sự thật trước khi ghi chép, thuật lại Kinh văn. Vì thế, chỉ có thể tin chắc đây là lời dạy của Phật, nếu không thì các vị chép kinh đều phạm tội nói dối (vọng ngữ), và họ không có động cơ để làm như vậy, dù là tham danh hay tham lợi, vì cả hai điều ấy đều không có.

Khi người lãnh đạo đất nước bắt đầu nhậm chức, họ tuyên thệ trước toàn dân. Khi một nhân chứng chuẩn bị làm chứng trước tòa, họ tuyên thệ nói lên sự thật. Rõ ràng, chúng ta có đặt ít nhiều niềm tin vào những lời tuyên thệ ấy, vì đó là lý do để những nghi thức như vậy tồn tại. Thế thì tại sao chúng ta lại không thể đặt niềm tin vào những vị uyên thâm Phật pháp đã ghi chép Kinh điển, khi tư cách đạo đức và tâm linh của họ cao hơn hẳn so với những người phàm tục? Họ không thể am hiểu và hành trì Phật pháp để rồi ngay từ lúc mở đầu kinh văn đã ghi vào một câu nói dối. Vì thế, tôi tin chắc rằng họ chỉ có thể ghi chép lại những điều mà chính họ đã tin chắc là do đức Phật thuyết dạy.

Khả năng Kinh điển Đại thừa đã được truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, đợi đến lúc thích hợp mới xuất hiện dưới dạng văn bản là điều hoàn toàn có thể. Trong thực tế, dòng Kagyu của Phật giáo Tây Tạng được hình thành từ khoảng đầu thế kỷ 12 và vẫn duy trì truyền thống khẩu truyền cho đến ngày nay, tuy họ có đủ điều kiện để ghi chép Giáo pháp. Như vậy, việc Kinh điển Đại thừa được truyền khẩu cho đến thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên vẫn có khả năng là đúng thật.

Một thực tế khác nữa là chính Kinh tạng Nikāya cũng đã trải qua một giai đoạn truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi được ghi chép thành văn bản vào lần kết tập thứ tư. Trong sách “The Buddha and His Teachings” (Buddhist Publication Society, Sri Lanka – 1980) ngài Venerable Narada Mahathera đã viết về lần kết tập Kinh điển này như sau:

“About 83 B.C., during the reign of the pious Simhala King Vatta Gāmani Abhaya, a Council of Arahants was held, and the Tipitaka was, for the first time in the history of Buddhism, committed to writing at Aluvihāra in Ceylon.”(Xem tại đây.)

(Vào khoảng năm 83 trước Công nguyên, vào thời đại của vị vua Simhala (Tích Lan) sùng tín là Vatta Gāmani Abhaya, một Hội đồng gồm các vị A-la-hán đã họp lại, và lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, Tam tạng Kinh điển được ghi chép thành văn bản tại Aluvihāra thuộc Ceylon (Tích Lan).)

Nhiều nguồn cứ liệu đáng tin cậy khác cũng đề cập tương tự. Hơn thế nữa, theo các nhà nghiên cứu thì ngôn ngữ mà đức Phật thực sự đã sử dụng để thuyết giảng Kinh điển không phải tiếng Pali. Các bản Kinh văn Pali thực sự chỉ là những văn bản được chuyển dịch từ một ngôn ngữ ban đầu nào đó mà hiện vẫn chưa thể xác định rõ. Như vậy, danh từ “Nguyên thủy” mà chúng ta đang dùng cũng có những giới hạn nhất định về độ xác tín. Trong sách A Short History of Buddhism (Lược sử Phật giáo), học giả người Đức Edward Conze viết về thời kỳ 500 năm trước Công nguyên của Phật giáo như sau:

“Suốt trong thời kỳ đầu này, kinh điển chỉ được truyền miệng, và phải cho đến khoảng gần cuối thời kỳ mới bắt đầu có sự ghi chép. Những gì đức Phật đã thật sự nói ra, hầu như không có gì được ghi chép lại ngay. Có thể là vào lúc ấy đức Phật đã giảng dạy bằng ngôn ngữ Ardhamagadhi, nhưng không có Phật ngôn nào được ghi lại bằng ngôn ngữ này. Về những kinh điển được ghi chép sớm nhất, ngay cả ngôn ngữ được sử dụng vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Những gì chúng ta có chỉ là bản dịch của những kinh điển đầu tiên ấy sang các thứ tiếng Ấn Độ khác, chủ yếu là tiếng Pali, và một hình thức đặc biệt của tiếng Sanskrit dùng riêng cho Phật giáo.”(Bản Việt dịch của Nguyễn Minh Tiến, xem tại đây.)

Như vậy, nếu người Phật tử chúng ta không có khả năng tự mình xác tín vấn đề nguồn gốc Kinh điển thông qua chính sự thể nghiệm hành trì mà luôn phụ thuộc quá nhiều vào những nguồn thông tin khác, thì đến một lúc nào đó, sẽ không tránh khỏi việc có người nghi ngờ ngay cả tính xác thực của Kinh tạng Nikāya. Và những lý do hôm nay được đưa ra để bài xích, bác bỏ Kinh điển Đại thừa thì đến một ngày nào đó sẽ được lặp lại để bác bỏ Kinh tạng Nikāya. Khi ấy, Phật giáo sẽ có nguy cơ trắng tay sau nhiều thế kỷ đã tồn tại và phát triển.

Tóm lại, trong bốn khuynh hướng kể trên khi tiếp cận với Kinh điển Đại thừa, người Phật tử có thể tùy theo sự nhận thức riêng của mỗi người để lựa chọn, nhưng hoàn toàn không nên rơi vào khuynh hướng thứ nhất, bởi đây chính là sự sai lầm cực đoan nguy hại nhất cho Chánh pháp.

Phần 2. Những mối nghi về nội dung Kinh điển

Phần lớn chúng ta khi lần đầu tiên tìm đến đạo Phật đều thường là với một tách trà đầy ắp và một dạ dày rỗng tuếch. “Tách trà đầy ắp” là vô số những tri thức, kiến giải, khái niệm và định kiến mà ta đã tích lũy qua nhiều năm trong cuộc sống thế tục. Và cái “dạ dày rỗng tuếch” là để chỉ cho sự đói thiếu chân lý vì chưa từng được tiếp cận với những lời Phật dạy.

Vì thế, nếu may mắn được tiếp cận với kho tàng Kinh điển, giáo lý, chúng ta sẽ như người đói khát đứng trước một bàn tiệc đầy ắp những món ngon vật lạ. Mỗi một món ăn đều có thể giúp ta qua cơn đói, nhưng đồng thời mỗi món ăn trên bàn tiệc linh đình ấy cũng đều có những màu sắc, hương vị riêng, và trong số đó có không ít những món xa lạ mà ta chưa từng biết. Điều tất nhiên là sau khi thỏa mãn cơn đói bằng những món quen thuộc, ta sẽ bắt đầu muốn thử qua cho hết những món lạ hơn, ngon hơn.

Cũng vậy, giáo lý của đạo Phật hết sức phong phú, đa dạng và có đủ mọi tầng bậc. Với người mới bước vào đạo Phật, chỉ cần nghiêm cẩn giữ theo Năm giới là chúng ta đã bắt đầu thấy ngay vô vàn lợi ích trong cuộc sống gia đình cũng như trong quan hệ xã hội. Tiếp theo, chúng ta có nhiều pháp môn để chọn lựa cho việc hành trì nhằm an định tâm thức, dừng lắng những tư tưởng lăng xăng cũng như bắt đầu đối trị với những tâm hành phiền não như tham lam, sân hận, si mê…

Phác đồ chung của bước đầu tu tập thì chỉ đơn giản thế, nhưng đi vào thực tế thì muôn người muôn vẻ, nên kinh nghiệm tu tập của mỗi người trải qua cũng đều khác biệt. Và ngay khi có được chút thành quả trong tu tập, chẳng hạn như được an ổn hơn, nhận thức sáng suốt hơn so với trước đây, thì cơn đói chân lý sẽ lắng xuống và “tách trà đầy ắp” phát huy tác dụng. Ta sẽ bắt đầu phân tích những gì gặp được trong Kinh điển và so sánh với khối tri thức “đồ sộ” mà ta đã từng tích lũy. Trong giai đoạn này, cũng sẽ có không ít người chạy theo con đường truy tầm kiến thức, rơi vào việc nghiên tầm thiên kinh vạn quyển mà quên đi tầm quan trọng của thực tế hành trì.

Những ai có thể xác lập được niềm tin hoàn toàn vào Kinh điển thông qua thực tế hành trì, người ấy có nhiều cơ may “làm trống” tách trà tri thức để tiếp thu và trực nhận dễ dàng hơn những lời dạy từ Kinh điển. Ngược lại, người học Phật thường phải trải qua một cuộc đấu tranh dai dẳng giữa một bên là những tri thức, định kiến thế tục và một bên là những chân lý hướng đến giải thoát.

Tuy vậy, chúng ta cần biết rằng, sự dung hợp hài hòa là điều khả thi và thậm chí còn là hệ quả tất nhiên khi ta nắm hiểu được yếu chỉ trong Kinh điển. Nhưng đối với người mới bước đầu học Phật thì những bước loanh quanh để giải quyết vấn nạn “xung khắc” này thường phải kéo dài qua một thời gian nhất định. Nếu may mắn có được một bậc minh sư hoặc thiện tri thức dẫn dắt, ta có thể rút ngắn được quãng đường này. Bằng không, ta vẫn phải tự mình nỗ lực để vượt qua. Người học Phật nếu hiểu được điều này thì dù trong những giai đoạn có hoang mang, nghi ngại cũng không đánh mất niềm tin vào Tam bảo.

Mặt khác, dù tham muốn háo hức đến đâu trước một bàn tiệc linh đình, ta cũng không thể thưởng thức hết tất cả các món ngon. Và vì thế ta cần biết khôn ngoan khi chọn lựa. Được ăn ngon, ăn no là đủ để thỏa mãn nhu cầu, nhưng nếu muốn ăn cho thật nhiều, chẳng những vẫn không sao ăn hết mà còn có nguy cơ khổ vì bội thực.

Đức Phật dạy rất nhiều pháp môn trong Kinh điển, thậm chí càng học ta càng nhận ra con số đó nhiều hơn nữa. Tôi đã từng thấy có những người tỏ ra uyên bác khi ngồi đếm ngón tay kể ra tất cả các pháp môn trong Phật giáo Đại thừa và tưởng rằng như vậy là đã hiểu hết được những gì ghi chép trong Kinh điển, nhưng không biết rằng chính điều đó cho thấy họ chỉ là kẻ đứng xa nhìn, chưa có chút thể nghiệm thực sự nào.

Đức Phật không hề muốn làm khổ chúng ta khi truyền dạy “quá nhiều” pháp môn như thế, mà sự thật là vì cần phải có như thế mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của tất cả chúng sinh. Trong Kinh điển Ngài từng dạy rằng: “Vì chúng sinh có vô số phiền não nên cần có vô số pháp môn để đối trị.” Các pháp môn trong đạo Phật giống như dược liệu chứa trong một kho thuốc lớn, tuy rất nhiều nhưng chỉ phân phối đến mỗi người bệnh một số liều cần thiết mà thôi.

Mỗi chúng ta đều là người đang mang bệnh phiền não. Hãy đến với Kinh điển trên tinh thần “tùy bệnh chọn thuốc”, đừng tham muốn quá nhiều như những món ăn trên bàn tiệc kia, bởi ta sẽ không tiêu hóa được mà còn có thể chết vì bội thực. Một bậc minh sư cũng sẽ không làm gì khác hơn là “tùy bệnh cho thuốc”, bởi khi đã có thuốc rồi thì việc uống thuốc sẽ là việc riêng của mỗi người. Chính đức Phật cũng từng nói rằng: “Ta như lương y tùy bệnh cho thuốc, nếu người bệnh không chịu uống thuốc, không phải lỗi nơi ta.”

Những gì nêu trên là nhận thức thức tối thiểu có thể giúp chúng ta giảm nhẹ được rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với Kinh điển. Thứ nhất, khi hiểu được như thế, chúng ta sẽ có sự chú tâm “làm trống tách trà tri thức”khi đến với Kinh điển, và điều đó giúp ta có được một sự trực nhận khách quan hơn đối với những ý nghĩa sâu xa, mới mẻ. Thứ hai, khi đến với Kinh điển trên tinh thần “tùy bệnh chọn thuốc” , ta sẽ không mất thời gian “lang thang” giữa khu rừng Kinh điển mênh mông để rồi phải cảm thấy hoang mang lạc lõng. Thay vì vậy, ta sẽ sớm biết chú tâm tìm kiếm cho mình một nội dung thích hợp để chuyên tâm nghiền ngẫm và tu tập hành trì, thay vì quá chú trọng vào quá nhiều điều không thực sự ích lợi cho sự tu tập của chính mình. Ta biết rõ bệnh mình đang cần thực sự uống thuốc chứ không phải chỉ lo việc “sưu tập thuốc”.

Việc học hỏi Kinh điển để áp dụng vào đời sống tu tập chắc chắn không thể là một tiến trình dễ dàng. Và trong tiến trình ấy, chúng ta không tránh khỏi có những lúc sanh khởi tâm nghi vì chưa hiểu rõ được một điều nào đó ghi chép trong Kinh điển. Chúng ta không nên tự trách mình khi có những lúc khởi nghi như thế. Trái lại, việc khởi tâm nghi còn có thể là dấu hiệu cho thấy một nhận thức tích cực, bởi nếu chỉ biết lặp lại những điều ghi chép trong Kinh điển mà không tự nhận thức được thấu đáo, ta sẽ không có khả năng áp dụng một cách đúng đắn lời dạy của đức Phật vào cuộc sống. Mặc dù vậy, nếu ta không nhận hiểu đúng thì trong rất nhiều trường hợp, những mối nghi này sẽ gây chướng ngại cho sự tu tập.

Những vấn đề làm ta khởi nghi tuy rất đa dạng, nhưng có thể lược phân ra hai loại thường gặp nhất. Thứ nhất là nghi về những từ ngữ khó hiểu, và thứ hai là nghi về những ý nghĩa quá sâu xa, uyên áo.

1. Khởi nghi vì những từ ngữ khó hiểu

Có nhiều nguyên nhân khiến cho từ ngữ trong Kinh điển khó hiểu đối với chúng ta. Nếu chúng ta lần đầu tiên tìm hiểu về một phần giáo lý nào đó thì sự chưa quen thuộc với lãnh vực này sẽ là một nguyên do. Vì thế, việc kết hợp đọc Kinh điển với tra cứu các thuật ngữ Phật học gần như là điều bắt buộc. Phần đông chúng ta đọc Kinh điển qua các bản dịch, và nếu dịch giả có sự quan tâm đến khó khăn này của người đọc, vị ấy sẽ đưa vào bản dịch nhiều chú giải cho các thuật ngữ, nhờ đó người đọc sẽ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dù sao thì khó khăn loại này vẫn là một thách thức tất yếu mà chúng ta phải nỗ lực vượt qua, bởi khi diễn đạt những phạm trù giáo lý, người dịch có rất nhiều khi buộc phải sử dụng các thuật ngữ mà không có lựa chọn nào khác.

Một nguyên nhân khác có thể là do định kiến. Khi lần đầu tiên tiếp xúc với một khái niệm nào đó trong giáo lý, nếu chúng ta có sự nhận hiểu không đúng hoặc phiến diện từ trước, thì khi gặp lại cùng những khái niệm ấy trong Kinh điển, ta có khuynh hướng áp đặt cách giải thích sẵn có của mình, và do đó làm cho cách hiểu câu kinh trở nên sai lệch khiến ta sinh nghi. Vì thế, sự thận trọng trong tra cứu cũng như tham học với các bậc thầy, các vị thiện tri thức là điều cần thiết để giảm thiểu những mối nghi loại này.

Nguyên nhân thứ ba là do những sai sót trong ghi chép, in ấn. Kinh điển được truyền lại qua nhiều thế kỷ, khả năng xảy ra sai sót là điều không thể tránh. Vì thế, đôi khi chúng ta có thể nhận ra một từ ngữ nào đó quá khó hiểu hoặc không thích hợp với ý nghĩa câu kinh. Việc tra cứu hoặc tham học để giải quyết mối nghi này phức tạp hơn nhiều, vì nhất thiết phải dựa vào những nguồn cứ liệu chắc chắn cũng như có một khả năng chuyên môn trong thẩm định. Nếu không đủ sức làm việc này, chúng ta có thể nêu vấn đề lên và tạm gác lại để chờ những người có đủ khả năng sẽ thực hiện việc khảo đính, tuyệt đối không nên chủ quan dựa vào sự nhận hiểu của riêng mình mà tự ý chỉnh sửa Kinh điển.

Về sự sai sót trong in ấn, có thể xem qua một ví dụ. Quý vị sẽ tìm thấy câu này:

“Lại giải thoát tức là pháp vô vi. Ví như thợ gốm làm đồ rồi lại bị bể. Giải thoát chẳng như vậy.” (Kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 5, Hòa thượng Thích Trí Tịnh Việt dịch.)

Câu kinh hết sức khó hiểu. Có mối tương quan nào giữa “thợ gốm làm đồ rồi lại bị bể” với sự giải thoát để Kinh văn đưa ra ví dụ này, và vì sao “làm đồ rồi lại bị bể” ?

Truy tìm trong nguyên bản Hán văn, ta thấy câu kinh này được dịch từ câu: “又解脫者即無為法。譬如陶師作已還破。解脫不爾。” (Hựu giải thoát giả tức vô vi pháp. Thí như đào sư tác dĩ hoàn phá. Giải thoát bất nhĩ.)

Bản Việt dịch đã đi khá sát với nguyên văn, không có gì sai lệch. Tuy nhiên, sự khó hiểu của câu kinh khiến ta khởi sinh nghi ngại vì không thể hiểu theo bất kỳ ý nghĩa nào cho thích hợp. Chúng tôi đã ôm mối nghi này cho đến khi tìm được câu kinh tương đương trong kinh Đại Bát Nê-hoàn do ngài Pháp Hiển Hán dịch từ cùng một Phạn bản với kinh Đại Bát Niết-bàn. Ở vị trí của câu kinh vừa dẫn, ngài Pháp Hiển đã dịch sang Hán ngữ là: “譬如陶家埏埴作器有作有壞。 (Thí như đào gia duyên thực tác khí, hữu tác hữu hoại. – Ví như thợ lò gốm dùng đất sét làm ra các món đồ dùng, có làm ra ắt có hư hoại. )

Như vậy là rõ ràng bản kinh Đại Bát Niết-bàn của ngài Đàm-vô-sấm khi khắc lại đã thiếu đi ít nhất là 4 chữ, khiến cho câu văn trở nên tối nghĩa. Sau khi điều chỉnh được sai sót này, quý vị sẽ thấy chúng tôi dịch câu kinh này ở đây như sau:

“Lại nữa, giải thoát tức là pháp vô vi. Ví như người thợ lò gốm làm ra các món đồ, [về sau ắt] phải vỡ nát, hư hoại. Giải thoát không phải như thế.”

Ở đây câu kinh muốn nhấn mạnh đến tính chất vô thường, “hữu tác hữu hoại” của sự vật. Nhưng quý vị có thể thấy, chúng tôi hoàn toàn không sửa lại Kinh văn khi dịch từ bản Hán ngữ của ngài Đàm-vô-sấm, mà chỉ căn cứ vào sự nhận hiểu đúng hơn sau khi tham khảo bản Hán ngữ của ngài Pháp Hiển để thêm vào mấy chữ cho rõ nghĩa, nhưng vẫn đặt những chữ thêm vào ấy trong ngoặc vuông để phân biệt rõ đó là phần được chúng tôi thêm vào. Cách làm này vừa giúp người đọc hiểu được ý kinh, vừa trung thành với nguyên tác. Trong trường hợp sự nhận hiểu của chúng tôi có sai lệch, thì người đời sau khi xem lại vẫn có thể căn cứ nguyên tác để điều chỉnh cho đúng. Nếu chúng tôi chủ quan cho rằng sự tra khảo như trên là chắc chắn đúng và sửa lại Kinh văn, thì về sau sẽ không còn ai có khả năng phát hiện để điều chỉnh nếu cách hiểu của chúng tôi có sai lầm, vì văn bản đã bị cố định trong hình thức mới. Khi có nghi ngại đối với Kinh văn, chúng tôi tin rằng cần phải hết sức thận trọng như thế.

Nguyên nhân thứ tư có thể làm khởi sinh nghi ngại là do người dịch kinh không hiểu đúng ý kinh. Chẳng hạn, khi đọc bản dịch Kinh Đại Bát Niết-bàn tại đây, quý vị sẽ tìm thấy câu kinh này:

“Chúng con chưa thoát khỏi năm mươi bảy phiền não trói buộc mà sao đức Như Lai liền muốn buông bỏ, vào với Niết Bàn?” (Kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 2, Cư sĩ Tuệ Khai Việt dịch, Hòa thượng Thích Đỗng Minh chứng nghĩa)

Câu kinh này khiến chúng tôi nghi ngại ở điểm là chưa từng nghe bất cứ kinh điển, luận giải nào khác nói đến 57 phiền não! Với mối nghi này, chúng tôi đã đối chiếu nguyên bản Hán văn và cả thảy 5 bản dịch khác nhau, bao gồm 3 bản Việt dịch và 2 bản dịch từ Hán ngữ sang Anh ngữ. Bản Hán văn ghi như sau:

“我未如是脫五十七煩惱繫縛。云何如來便欲放捨入於涅槃。” (Ngã vị như thị thoát ngũ thập thất phiền não hệ phược, vân hà Như Lai tiện dục phóng xả nhập ư Niết-bàn?)

Như vậy, “ngũ thập thất” dịch là 57 thì dường như không sai. Trong số các bản dịch thì Hòa thượng Thích Trí Tịnh bỏ hẳn câu này không dịch, còn lại 4 vị kia đều dịch như nhau – hai bản Anh ngữ đều ghi là “fifty-seven illusions”. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không thể giải tỏa mối nghi này, vì nếu không kể ra được đủ 57 loại phiền não thì câu kinh này có thể xem như hoàn toàn vô nghĩa.

Kiên trì tiếp tục tiến trình tra cứu, tìm kiếm thông tin, cuối cùng chúng tôi đọc thấy trong một bản sớ giải cách giải thích như sau: “五十七煩惱者, 三種煩惱也。 (Ngũ thập thất phiền não giả, tam chủng phiền não dã. –Năm mươi bảy phiền não, đó là chỉ cho 3 loại phiền não.) Và một bản khác nói rõ hơn: “五五蓋也。十十 纏也。七七漏也。” (Ngũ, ngũ cái dã; thập, thập triền dã; thất, thất lậu dã.)

Như vậy, rõ ràng ở đây không thể hiểu là 57 phiền não, mà là 3 nhóm phiền não bao gồm ngũ cái, thập triềnthất lậu. Nhưng kinh văn ngày xưa không sử dụng các dấu ngắt câu, nên thay vì “ngũ, thập, thất phiền não”, các dịch giả tiền bối đều đã nhận hiểu nhầm là “ngũ thập thất phiền não”.

Những trường hợp tinh tế như vậy, chúng ta cũng khó trách người dịch kinh, nên tốt nhất vẫn là nên đọc Kinh văn với một sự thẩm xét sáng suốt để có thể nhận ra ngay những chỗ chưa hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, những ví dụ trên cũng cho thấy quá trình nhận hiểu, giải tỏa những mối nghi khi đọc Kinh điển không hề đơn giản. Chúng ta không thể chỉ dựa vào một vài nguồn cứ liệu hoặc ý nghĩa được ghi trong các từ điển để xác định và điều chỉnh ý nghĩa Kinh văn. Quá trình này chẳng những cần được mở rộng tối đa đến các bản văn liên quan, mà còn phải hết sức khách quan, thận trọng, chắt lọc các nguồn thông tin tìm được trước khi đi đến quyết định điều chỉnh một cách hiểu từ ngữ nào đó trong Kinh điển. Nếu tự thấy những nỗ lực của mình chưa thể giải quyết rốt ráo được vấn đề, chúng ta nên tham vấn các vị tôn túc, thiện tri thức và chờ đợi một ai đó có đủ khả năng làm rõ, thay vì nóng vội và tự mình chỉnh sửa theo những hiểu biết, suy diễn chủ quan.

Thông tin trong các từ điển chỉ nên được xem như nguồn tham khảo, ngay cả các từ điển Phật học cũng thế, tuyệt đối không được xem đó là căn cứ để điều chỉnh Kinh văn. Những người biên soạn từ điển cũng có giới hạn nhất định và sai sót là chuyện không thể tránh khỏi, ngay cả với những từ điển có uy tín lớn như Từ điển Phật Quang, huống chi là các từ điển Hán Việt thông thường. Chúng tôi đã từng phát hiện một sai lầm hết sức nghiêm trọng trong Từ điển Phật Quang, bản Hán ngữ, tại mục từ Nam Bản Niết-bàn kinh, trang 3738, nội dung như sau:

南本涅槃經: 又作大般涅槃經。收於大正藏第十二冊。北涼曇無讖所譯之涅槃經四十卷,因其文粗樸,品目過略,後由南朝劉宋沙門慧嚴、慧觀與謝靈運等,依法顯之六卷泥洹經將之加以刪訂修治,文辭精練,共成二十五品,三十六卷。… …〔梁高僧傳卷七慧嚴傳〕(Nam bản Niết-bàn kinh: Hựu tác Đại Bát Niết-bàn kinh, thu ư Đại chính tạng đệ thập nhị sách. Bắc Lương Đàm-vô-sấm sở dịch chi Niết-bàn kinh tứ thập quyển, nhân kì văn thô phác, phẩm mục quá lược, hậu do Nam triều Lưu Tống Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán dữ Tạ Linh Vận đẳng, y Pháp Hiển chi lục quyển Nê-hoàn kinh tương chi gia dĩ san đính tu trị, văn từ tinh luyện, cộng thành nhị thập ngũ phẩm, tam thập lục quyển… … (Lương Cao tăng truyện, quyển thất, Tuệ Nghiêm truyện)

Dịch nghĩa:

Nam bản Niết-bàn kinh: Cũng gọi là Đại bát Niết-bàn kinh, được đưa vào Đại chánh tạng, tập 12. Bản dịch kinh Niết-bàn 40 quyển vào đời Bắc Lương của ngài Đàm-vô-sấm, vì văn chương thô thiển mộc mạc, phẩm mục quá sơ sài, [nên] về sau đến đời Lưu Tống Nam triều mới được nhóm các sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, [cư sĩ] Tạ Linh Vận… cùng dựa theo [bản dịch] kinh Nê-hoàn 6 quyển của Pháp Hiển để thêm vào, san định sửa chữa, văn chương câu cú thành tinh luyện, cả thảy là 25 phẩm, 36 quyển… … [Dẫn theo] Lương Cao tăng truyện, quyển 7, truyện Tuệ Nghiêm.)

Tuy nhiên, trong quá trình Việt dịch Kinh Đại Bát Niết-bàn từ bản Hán dịch của ngài Đàm-vô-sấm, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy hoàn toàn không có lý do gì để Từ điển Phật Quang cho rằng bản dịch này “văn chương thô thiển mộc mạc, phẩm mục quá sơ sài” , cũng như khi so sánh đối chiếu từng trang giữa Nam bản và Bắc bản, chúng tôi xác định rõ là nhóm của ngài Tuệ Nghiêm không hề làm những việc “san định sửa chữa, văn chương câu cú thành tinh luyện” như nội dung từ điển đã ghi. Công việc chủ yếu được thực hiện trong lần khắc in lại đời Nam Tống là căn cứ bản dịch kinh Đại Bát Nê-hoàn của ngài Pháp Hiển (mà chúng tôi vừa dẫn ở đoạn trên) để phân chia lại các phẩm mục. Do đó mà từ 40 quyển trong lần in đầu, khi khắc in lại chỉ còn 36 quyển. Còn việc chỉnh sửa từ ngữ hầu như rất ít, không đáng kể.

Để làm rõ mối nghi này, chúng tôi đã theo dẫn chú của Từ điển Phật Quang để tìm đọc trong quyển 7 sách Lương Cao tăng truyện, phần truyện ngài Tuệ Nghiêm. Trong sách này, chúng tôi tìm thấy nội dung liên quan như sau:

“嚴迺共慧觀謝靈運等。依泥洹本加之品目。文有過質頗亦治改。” (Nghiêm nãi cộng Tuệ Quán, Tạ Linh Vận đẳng, y Nê-hoàn bản gia chi phẩm mục, văn hữu quá chất phả diệc trị cải.)

Dịch nghĩa:

[Tuệ] Nghiêm mới cùng với các vị Tuệ Quán, Tạ Linh Vận… y theo bản kinh Nê-hoàn mà thêm vào các phẩm mục, văn chương có chỗ nào lệch lạc cũng chỉnh sửa lại.

Như vậy, quả nhiên theo sách này thì công việc của nhóm ngài Tuệ Nghiêm chủ yếu là “thêm vào các phẩm mục” như chúng tôi đã nhận biết, còn việc chỉnh sửa chỉ xuất hiện ở một vài nơi không đáng kể, hoàn toàn không giống như mô tả của Từ điển Phật Quang. Có lẽ thay vì hiểu đúng như trong sách ghi là “y Nê-hoàn kinh gia chi phẩm mục” thì những người biên soạn từ điển chỉ đọc câu này là “y Nê-hoàn kinh gia chi”. Điều kỳ lạ là cách đọc hiểu sai lầm này lại thấy xuất hiện ở đầu các bản kinh thuộc Nam bản trong Đại Chánh tạng với dòng chữ này: 宋代 沙門慧嚴等依泥洹經加 之 – Tống đại Sa-môn Tuệ Nghiêm đẳng y Nê-hoàn kinh gia chi.

Đó là một ví dụ để cho thấy việc không thể đặt niềm tin hoàn toàn vào các từ điển, cho dù là những từ điển rất có uy tín.

2. Khởi nghi vì những ý nghĩa sâu xa, uyên áo

Những nghi vấn loại này thường liên quan nhiều đến “tách trà tri thức” luôn đầy ắp của chúng ta. Thường thì ta rất ít khi ý thức được việc cần phải “làm trống” nó trước khi tiếp nhận những tư tưởng mới từ Kinh điển. Những tri thức thế tục qua một thời gian dài đã chiếm chỗ trong tâm trí ta và khẳng định giá trị nhất định của chúng. Nếu tiếp tục chấp nhận những giá trị ấy thì ta không cần thiết phải thay đổi gì cả. Nhưng vấn đề ở đây là, khi cảm thấy cần thiết phải tìm đến với đạo Phật thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc ta đã nhận ra những bế tắc hay bất ổn nào đó trong cuộc sống. Nói cách khác, nếu không bắt đầu nhận dạng được khổ đau trong đời sống thì chúng ta sẽ chưa cảm thấy cần đến giáo lý của đạo Phật.

Vì thế, khi đến với đạo Phật, đến với Kinh điển, chúng ta cũng đồng thời có nhu cầu chuyển hướng tâm thức để tìm một giải pháp cho những khổ đau trong đời sống. Nếu ta vẫn loay hoay theo đường hướng cũ, thì việc đọc Kinh điển chẳng qua cũng chỉ tích lũy thêm cho ta một khía cạnh tri thức lý luận mới, nhưng đó lại không phải là mục đích của Kinh điển. Những người đọc Kinh điển để suy diễn, lý luận, tranh cãi về phương diện này hay phương diện khác, hầu hết đều rơi vào cách tiếp cận sai lầm này.

Khi xác định mục đích học hỏi Kinh điển là để có được những giải pháp tu tập áp dụng vào đời sống nhằm chuyển hóa khổ đau, mang lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân, chúng ta nhất thiết phải “làm trống” đi tách trà tri thức đầy ắp của mình. Có như vậy, ta mới có thể dễ dàng trực nhận được những giá trị lợi lạc vô song từ Kinh điển.

Cũng trên tinh thần đó, người học Kinh điển sẽ tránh được tình trạng sa đà vào sự nghiên tầm lý luận quá nhiều mà không chú trọng đúng mức vào công phu hành trì, tu tập. Chính trong ý nghĩa này mà kinh Duy-ma-cật có dạy rằng: “Tùy kỳ phát hành tắc đắc thâm tâm. Tùy kỳ thâm tâm tắc ý điều phục. Tùy kỳ điều phục tắc như thuyết hành.” (隨其發行則得深心。隨其深心。則意調伏。隨其調伏則如說行。)

Từ chỗ khởi làm ắt được lòng tin sâu vững. Từ lòng tin sâu vững ắt tâm ý được điều phục. Do tâm ý được điều phục ắt có thể làm đúng theo như lời được thuyết dạy.

Nếu nhận hiểu trình tự tu tập như trong câu kinh này, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc khởi sự tu tập thay vì chỉ loanh quanh trong vòng lý luận.

Dù vậy, việc khởi tâm nghi khi gặp những câu kinh mang ý nghĩa thâm áo cũng là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp đó, chúng ta cần biết phân biệt giữa sự “nghi” vì chưa hiểu được huyền nghĩa là khác với sự“ngờ vực” vì cho rằng những điều trong kinh có khả năng sai lầm hoặc không hợp lý, không thể đặt niềm tin. Tâm nghi đúng đắn như thế sẽ mở ra cho chúng ta một khả năng tiến xa hơn khi giải được mối nghi, trong khi sự ngờ vực lại là một trong những nguyên nhân che chướng, làm trở ngại con đường tu tập của chúng ta.

Để hiểu thêm về trường hợp khởi nghi vì những ý nghĩa sâu xa, uyên áo trong Kinh điển, chúng tôi xin nêu trường hợp của đạo hữu Tâm Tịnh được trình bày chi tiết tại đây. Mời quý vị đọc qua trước khi xem tiếp phần bên dưới để có thể dễ dàng theo dõi những trích dẫn của chúng tôi.

Câu văn khiến cho đạo hữu Tâm Tịnh khởi nghi là một câu do Lục tổ Huệ Năng cảm thán nói ra ngay sau khi đạt ngộ nhờ được nghe giảng kinh Kim Cang. Câu ấy như sau:

“何期自性能生萬法。” (Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.)

Trước hết, cần cải chính một vài thông tin trong bài viết của đạo hữu Tâm Tịnh. Trong link đầu bài dẫn đến bản dịch ở trang http://www.doko.vn có một sai lệch là người đăng sách đã trích câu mở đầu trong bản dịch của thầy Mãn Giác để lên đầu trang, trong khi bên dưới lại là bản dịch của Cố học giả Đoàn Trung Còn và tôi. Do đó đạo hữu Tâm Tịnh có sự hiểu lầm rằng chúng tôi đã dịch “từ bản chữ Hán được tìm thấy ở động Đôn Hoàng”. Thật ra, bản dịch của chúng tôi là dịch từ bản Hán văn trong Càn Long tạng và Đại Chánh tạng, nội dung có nhiều chỗ khác biệt so với Đôn Hoàng tả bản (bản chép tay tìm được ở Đôn Hoàng) mà thầy Thích Mãn Giác chọn dịch.

Thứ hai, bản dịch của thầy Mãn Giác là dịch từ bản Hán văn tìm được ở Đôn Hoàng, không phải dịch từ bản tiếng Anh của Yampolsky. Đạo hữu Tâm Tịnh đã biết việc này và có đính chính trong thư gửi cho tôi, nhưng tôi thấy vẫn cần nêu ra ở đây để tránh sự hiểu lầm cho quý độc giả. Ngoài ra còn một điều quan trọng hơn nữa là, do bản tiếng Anh của Yampolsky và bản Việt dịch của thầy Mãn Giác đều dịch từ bản Đôn Hoàng nên không có những đoạn kệ được trích dẫn, chứ không phải các vị cố ý “không dịch đoạn mà có những câu này”. Hiện tôi đang có trong tay ảnh chụp của bản chép tay tìm được tại Đôn Hoàng nên có thể xác quyết điều đó. Nội dung này cần nói rõ để tránh sự ngộ nhận rằng do nhận thấy những câu kệ trên có gì đó không đúng Chánh pháp nên các vị đã lược bỏ không dịch.

Trang kinh chép tay trong tả bản Đôn Hoàng, cho thấy không có bài kệ được chúng ta bàn đến ở đây.

Dòng kinh thứ 3 đọc ngược từ bên phải qua, 4 chữ dưới cùng là “thuyết Kim Cang Kinh”.
Dòng kinh thứ 4, từ trên đọc xuống là: “Huệ Năng nhất văn ngôn hạ tiện ngộ, kỳ dạ thọ pháp, nhân tận bất tri, tiện truyền Đốn pháp…”

Đây là vị trí xuất hiện những câu cảm thán của Lục Tổ Huệ Năng, nhưng trong bản kinh chép tay này hoàn toàn không có. Thầy Mãn Giác đã dịch theo bản này.

Về câu kệ làm khởi sinh tâm nghi của đạo hữu Tâm Tịnh, nội dung nghi tình gồm có 2 ý chính. Thứ nhất, liệu những người Việt dịch có dịch đúng ý kinh hay không?Trong trường hợp dịch sai, thì việc đương nhiên là phải nhận sai để chỉnh sửa lại cho đúng, và vấn đề sẽ không còn gì để bàn tiếp. Nhưng nếu sự chuyển dịch không có gì sai thì do đó sẽ nảy sinh ý thứ hai là, liệu hàm ý của câu kệ này có đúng với Chánh pháp hay không? Có mâu thuẫn với những câu kệ trước nó hay không?

Có một thực tế là hiện nay trong số những người dịch kinh Pháp Bảo Đàn, ngoài tôi ra thì tất cả các vị khác đều đã qua đời. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là tôi có thẩm quyền lên tiếng thay cho các dịch giả khác, mà tất cả đều là những bậc tiền bối. Để tránh sự ngộ nhận này nên trước hết xin nêu rõ rằng những gì trình bày ở đây chỉ là ý kiến của riêng tôi mà thôi.

Trước khi trình bày ý kiến của mình về những gì đạo hữu Tâm Tịnh đã nêu, tôi xin quay lại một chút với nội dung chúng ta đang bàn, về việc khởi sinh lòng nghi khi đọc Kinh điển vì gặp phải những ý nghĩa sâu xa, uyên áo mà mình chưa đủ sức hiểu hoặc thấy là không hợp lý. Ở đây, tôi thực sự cảm ơn đạo hữu Tâm Tịnh đã cho tôi một ví dụ sinh động để trình bày những gì tôi muốn đề cập đến trong bài viết này, về những điều nên làm khi người Phật tử gặp những trường hợp khởi tâm nghi khi đọc Kinh điển. Những gì đạo hữu đã làm trong trường hợp này cũng chính là những gì tôi muốn nhắn gửi đến người học Phật khi đọc Kinh điển.

Thứ nhất, việc khởi tâm nghi không có gì sai trái, thậm chí còn là yếu tố cần thiết để giúp ta tiến tới trên đường học đạo. Nhưng chỉ nên “nghi” mà không nên “ngờ vực” như tôi đã giải thích ở phần trên. Từ vấn đề có nghi vấn đó, chúng ta nên nỗ lực tìm kiếm thông tin liên quan bằng mọi phương tiện có thể được, để thông qua đó có thể làm rõ hơn vấn đề mà chúng ta đang nghi. Đây chính là điều đạo hữu Tâm Tịnh đã làm, được phản ánh rất rõ trong bài viết của đạo hữu.

Thứ hai, tuy tìm kiếm thông tin nhưng vẫn chỉ nên xem đó như những nguồn tham khảo, không nên vội tin vào chỉ riêng một nguồn thông tin nào đó để vội vã đưa ra những chỉnh sửa đối với Kinh điển. Đây cũng là điều mà đạo hữu Tâm Tịnh đã làm khi đọc qua và trích dẫn rất nhiều thông tin nhưng không vội vã đi đến kết luận.

Thứ ba, nếu có thể thì nên tham khảo ý kiến nhiều người, các bậc tôn túc, các vị thiện tri thức… để cùng nhau suy xét tìm câu giải đáp. Bản thân người có nghi tình tuy có thể đề xuất câu trả lời nhưng không cố chấp xem đó là giải pháp cuối cùng, mà chỉ nêu ra để rộng đường thảo luận. Đây cũng là điều đạo hữu Tâm Tịnh đã làm khi công khai nghi vấn của mình thành một “open case” trên Thư viện Hoa Sen để lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người, mạnh dạn đề xuất các hướng giải đáp nhưng vẫn tha thiết mong đợi ý kiến của mọi người. Đạo hữu cũng đã có thư riêng cho tôi trình bày vấn đề này. Tôi hết sức trân trọng những suy nghĩ và việc làm như thế của đạo hữu.

Bây giờ, tôi xin trình bày một vài ý kiến về vấn đề đạo hữu Tâm Tịnh đã nêu. Trước hết câu kệ được đề cập: “何期自性能生萬法。” (Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.) đã xuất hiện trong bối cảnh toàn văn như sau:

祖以袈裟遮圍,不令人見。為說金剛經。至應無所住而生其心,惠能言下大悟。一切萬法不離自性。遂啟祖言,何期自性本自清淨。何期自性本不生滅。何期自性本自具足。何期自性本無動搖。何期自性能生萬法。 (Tổ dĩ cà-sa già vi, bất linh nhân kiến. Vị thuyết Kim Cang Kinh, chí ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.’ Huệ Năng ngôn hạ đại ngộ: nhất thiết vạn pháp, bất ly tự tánh. Toại khải Tổ ngôn: ‘Hà kỳ tự tánh bản tự thanh tịnh! Hà kỳ tự tánh bản bất sanh diệt! Hà kỳ tự tánh bản tự cụ túc! Hà kỳ tự tánh bản vô động diêu! Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp!’)

Dịch nghĩa:

“Tổ lấy áo cà-sa che quanh, chẳng cho ai trông thấy, rồi giảng kinh Kim Cang cho nghe. Đến câu ‘Nên sanh tâm từ nơi chỗ chẳng trụ vào đâu cả.’ Huệ Năng vừa nghe liền đại ngộ, hiểu rằng hết thảy muôn pháp chẳng rời tự tánh. Liền bạch Tổ rằng: ‘Ngờ đâu tự tánh vốn tự thanh tịnh. Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng sanh diệt. Ngờ đâu tự tánh vốn tự đầy đủ. Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng lay động. Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.’”

Trong văn cảnh này, câu “Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp” được Việt dịch thành “Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp” là chính xác, không có gì sai lệch, cả về phương diện ngữ nghĩa cũng như văn cảnh.

Về ngữ nghĩa, câu này không quá phức tạp, nên với những chữ Hán xuất hiện trong câu như thế thì phải Việt dịch như thế, có thể nói là một trong những câu khá đơn giản về cấu trúc và từ ngữ, không có vấn đề ẩn ý hay đa nghĩa để chúng ta phải cân nhắc nhiều. Đây cũng chính là lý do vì sao các vị dịch giả tiền bối đều dịch giống như nhau, không có khác biệt lớn. Chỉ khi phân tích đến mức độ tinh tế hơn, ta mới thấy chữ năng (能) trong câu này có 3 lựa chọn và các dịch giả hầu như chỉ khác nhau ở sự lựa chọn này.

Lựa chọn thứ nhất, hiểu “năng” là “khả năng, có thể”. Sư cô Trí Hải và Thiền sư Minh Trực chọn cách hiểu này: Nào ngờ tự tánh có thể sanh muôn pháp / Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.”

Lựa chọn thứ hai, hiểu “năng” là “thường xuyên, hay xảy ra”. Tiếng Việt nói “năng thăm năng viếng” chẳng hạn, là dùng theo nghĩa này của chữ năng này. Thầy Duy Lực chọn cách hiểu này: “Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp.”

Lựa chọn thứ ba, hiểu “năng” là “khả năng tự nhiên, biết làm điều gì”, như chim biết bay, cá biết lội… là có thể dùng nghĩa này của chữ “năng” để chỉ. Tôi chọn ý nghĩa này vì xem ra nó ít gây nhầm lẫn nhất, bởi việc“tự tánh sanh ra vạn pháp” là một khả năng tự nhiên, như chim bay, cá lội… không phải loại khả năng do rèn luyện mà có hoặc do điều kiện nào đó quy định. Vì thế, trong câu Việt dịch tôi để trống vị trí chữ này, cũng như khi ta nói “chim bay” tức là hàm ý “chim biết bay, chim có thể bay” và đó là khả năng tự nhiên của nó.

Khi chọn hiểu theo cách thứ nhất, khả năng đưa tới nhầm lẫn xem như đây là một quyền năng huyền bí rất dễ xảy ra. Trong thực tế, tôi đã thấy có người nói rằng “tự tánh có quyền năng sinh ra vạn pháp”. Đây là một cách hiểu sai lầm về câu kệ đang bàn.

Cách hiểu thứ hai dễ đưa tới sự hiểu lầm về tính thường xuyên, nghĩa là hàm ý lúc có, lúc không, không phải là một yếu tố thường tại.

Nhưng cả ba cách hiểu như trên đều chấp nhận được và cũng không thể phân biệt đúng sai, chỉ có đôi chút khác biệt tinh tế như tôi vừa nói, hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa của dịch giả. Đối với người thực sự đi vào nghiền ngẫm Kinh văn thì cả 3 cách diễn đạt như trên đều đúng ý, không sợ đưa đến sự hiểu lầm.

Về văn cảnh, câu này nằm trong toàn cảnh 5 câu cảm thán như sau:

Ngờ đâu tự tánh vốn tự thanh tịnh!
Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng sanh diệt!
Ngờ đâu tự tánh vốn tự đầy đủ!
Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng lay động!
Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp!

Bốn câu đầu là nói về thể, câu cuối cùng này là nói về dụng. Ý nghĩa như vậy hoàn toàn tương hợp, không có gì mâu thuẫn. Đạo hữu Tâm Tịnh có chỗ nghi rằng “Tự tánh tĩnh lặng, như như, sao lại động để sanh ra pháp?” Điểm nghi này không còn thuộc về vấn đề Việt dịch nữa, mà thuộc về ý nghĩa của Kinh văn, do đó chúng ta sẽ tiếp tục đề cập trong phần sau.

Tóm lại, về mối nghi của đạo hữu Tâm Tịnh đối với phần Việt dịch câu kinh này, với sự cân nhắc thận trọng tối đa trong khi dịch, cũng như hiện nay đã nghiêm túc xem xét lại một cách khách quan sau khi đọc bài của đạo hữu Tâm Tịnh, tôi xin xác quyết việc dịch thuật câu kinh này hoàn toàn không có vấn đề bất ổn nào, chẳng những trong bản dịch của Cố Học giả Đoàn Trung Còn và tôi, mà cả trong các bản dịch khác đã nêu. Những vấn đề mà đạo hữu Tâm Tịnh nghi ngại sẽ tiếp tục được đề cập đến trong phần xem xét về ý nghĩa sâu xa của câu kệ.

Kinh Pháp Bảo Đàn là Giáo pháp uyên áo của Thiền tông. Những câu kệ do Lục Tổ nói ra ngay sau khi chứng ngộ lại càng uyên áo nhất trong những điều uyên áo. Vì thế, nếu người đọc khởi sinh nghi tình cũng là điều dễ hiểu. Về ý nghĩa câu “Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp”, chúng ta sẽ xem xét trong toàn cảnh Kinh văn như sau:

Đoạn văn này nằm trong Phẩm thứ nhất của kinh Pháp Bảo Đàn, tức phẩm Hành do (Nguyên do hành trạng), theo chính lời của Lục Tổ là để nói về “nguyên do đắc pháp” của ngài, do đó mà có tên là Hành do.

Những lời do Lục Tổ Huệ Năng nói ra là ngay sau khi đạt ngộ, cảm thán về những gì được ngài trực nhận trong lúc ấy, và đối tượng không phải là thính chúng đang nghe pháp, chỉ duy nhất có Ngũ Tổ, người đã thông qua sự thấy biết đó mà ấn chứng cho ngài qua đoạn văn sau:

祖知悟本性,謂惠能曰。不識本心,學法無益。若識自本心,見自本性,即名丈夫,天人師,佛。 (Tổ tri ngộ bản tánh, vị Huệ Năng viết: ‘Bất thức bản tâm, học pháp vô ích. Nhược thức tự bản tâm, kiến tự bản tánh, tức danh Trượng phu, Thiên nhân sư, Phật.’ )

Dịch nghĩa:

“Tổ biết là đã ngộ bản tánh, nên bảo Huệ Năng rằng: ‘Chẳng biết bản tâm, học pháp vô ích. Nếu tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh, tức là bậc Trượng phu; là thầy của hàng trời, người; là Phật.’”

Như vậy, qua sự ấn chứng của Ngũ Tổ, chúng ta có thể tin rằng những lời Lục Tổ nói ra lúc ấy là phù hợp Chánh pháp, không có sai lầm.

Mặc dù vậy, sau khi dặn dò ngài Huệ Năng về việc phải lưu truyền Chánh pháp, Ngũ Tổ vẫn tiếp tục yêu cầu ngài Huệ Năng lắng nghe thêm một bài kệ. Nguyên văn đoạn này như sau:

便傳頓教,及衣缽,云。汝為第六代祖,善自護念,廣度有情,流布將來,無令斷絕。聽吾偈曰。有情來下種,因地果還生。無情既無種,無性亦無生。(‘Tiện truyền Đốn giáo cập y bát, vân: ‘Nhữ vi đệ lục đại Tổ, thiện tự hộ niệm, quảng độ hữu tình, lưu bố tương lai, vô linh đoạn tuyệt. Thính ngô kệ viết: Hữu tình lai há chủng, Nhân địa, quả hoàn sanh; Vô tình ký vô chủng, Vô tánh diệc vô sanh. )

Dịch nghĩa:

“Tổ truyền pháp Đốn giáo và y bát, bảo rằng: ‘Nhà ngươi làm Tổ đời thứ sáu, khéo tự giữ gìn, rộng độ chúng sanh, lưu truyền đạo lý cho đời sau, đừng để tuyệt mất. Hãy nghe kệ ta đây:

Tình khởi nên gieo giống,
Vòng nhân quả loanh quanh.
Không tình cũng không giống,
Không tánh cũng không sanh.’ “

Qua bài kệ của Ngũ Tổ hướng vào Lục Tổ mà dạy, ta có thể thấy được 2 ý trong phạm trù ngữ nghĩa. Thứ nhất, vòng luân hồi nghiệp quả xuất hiện là do “tình khởi, gieo nhân”. Đó là thực trạng của tất cả chúng sinh.Thứ hai, khi đạt ngộ rồi thì “tình không khởi, nhân không gieo” , bởi trong cảnh giới ấy thì “không tánh, không sanh”.

Riêng câu cuối “Không tánh cũng không sanh” được chúng tôi cảm nhận như một ý trao đổi trực tiếp với câu cảm thán cuối cùng của Lục Tổ: “Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.” Phải chăng Ngũ Tổ có ý muốn nhắc nhở rằng: “Cho dù tự tánh có công năng sanh ra muôn pháp, nhưng trong cảnh giới đạt ngộ thì tánh cũng không còn, làm gì còn có việc sanh ra?”

Qua phân tích trên, chúng ta nhận ra một số điều. Thứ nhất, sự nhận biết rằng “tự tánh sanh ra muôn pháp”là không sai, đã được Tổ sư ấn chứng, còn việc giải thích ý nghĩa tự tánh “sanh ra muôn pháp” như thế nào hoặc bằng cách nào, có lẽ phải đề cập trong một bài viết khác, không thể trình bày hết trong khuôn khổ bài này. Thứ hai, công năng “sanh ra muôn pháp” ấy được Tổ sư nhắc nhở rằng đó là đứng từ góc độ lưu chuyển luân hồi mà nói, một khi đã đạt cảnh giới vô sanh diệt thì “tình cũng không mà tánh cũng không”.

Như vậy, tôi hy vọng là nghi tình của đạo hữu Tâm Tịnh riêng về ý nghĩa “tự tánh sanh ra muôn pháp” có thể được giải tỏa. Còn về những câu kệ trước đó, nếu muốn nói rõ e rằng lại phải cần thêm một bài viết khác.

Dưới đây tôi cũng sẽ đề cập thêm một vài vấn đề mà đạo hữu Tâm Tịnh đã nêu ra như là hệ quả của cách hiểu sai về câu kệ trên.

Vấn đề thứ nhất , đây là câu hỏi của đạo hữu Tâm Tịnh nêu ra: “Tự Tánh hay Phật Tánh có đích thực sanh ra muôn pháp (muôn sự, muôn vật, muôn loài) như được viết và giảng giải không? hay là muôn pháp trên thế gian này đều như huyễn và đều do nhân quả, nhân duyên, hợp lại mà tạo thành?”

Xin trả lời qua hai ý sơ lược nhất. Thứ nhất, chúng ta không nên hiểu “tự tánh” tức là “Phật tánh” như trong câu hỏi của đạo hữu. Trong một số trường hợp, đúng là tự tánh có thể được hiểu như Phật tánh, nhưng đó vẫn là hai khái niệm thường được dùng trong những trường hợp khác nhau. Có thể hiểu nôm na rằng “tự tánh” của mỗi chúng sinh giống như quặng vàng, tuy có đủ mọi tính chất của vàng nhưng chưa sử dụng được, còn “tánh Phật” ví như vàng ròng, đã sẵn sàng để làm nên mọi thứ trang sức quý giá. Cho nên, nói “tự tánh” tức là “tánh Phật” cũng không sai, chỉ có điều dễ gây nhầm lẫn cho chính mình và người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn giảng rất chi tiết về tánh Phật, quý độc giả có thể tìm đọc tại đây để hiểu thêm. Phạm vi bài viết này không đủ để đề cập một vấn đề quá lớn như vậy, nên tôi chỉ xin lưu ý là việc sử dụng 2 danh từ này vẫn phải có sự cân nhắc khác biệt.

Thứ hai, khi chúng ta đã hiểu được “muôn pháp trên thế gian này đều như huyễn và đều do nhân quả, nhân duyên hợp lại”, thì khi suy nghĩ sâu hơn theo ý nghĩa lời dạy của Ngũ Tổ như trên, ta cũng sẽ thấy được:“Ngay cả nhân quả, nhân duyên đó cũng là như huyễn, không có gì chắc thật, thường tồn.” Và như vậy, việc“tự tánh sanh ra muôn pháp” là không có gì phải nghi ngại, bởi “muôn pháp” cũng chỉ là như huyễn mà danh xưng “tự tánh” kia rồi cũng không còn nữa trong cảnh giới giải thoát: “Tánh còn không có, lấy gì để sanh?”

Vấn đề thứ hai mà đạo hữu Tâm Tịnh nêu lên như hệ quả của việc nhận hiểu sai lầm câu kinh trên là: “Nếu Tự Tánh sanh muôn pháp thì chẳng khác nào khái niệm về thần quyền, Thượng Đế, khiến đã có một số vị, kể cả những vị đã nghiên cứu sâu dầy trong Phật Học, xuất gia và tại gia, đã dùng từ Thượng Đế thay cho Phật Tánh. Như vậy, khả năng “sinh ra muôn pháp” này đã khiến các vị hiểu như thế và giảng giải như thế, như những chữ đã được viết ra, rồi cũng dựa trên câu này, mà suy diễn thêm ra rằng, như vậy, mọi sinh vật, mọi sự việc trên thế gian này, kể cả duyên, đều được sáng tạo, an bài, định đoạt bởi Tự Tánh hay Phật Tánh hay Thượng Đế (God), giống như nhiều tôn giáo khác đã quan niệm trên bình diện tạo dựng này, chỉ riêng với đạo Phật, thì đừng nhân cách hóa mà thôi… …”

Nói ngắn gọn, đạo hữu Tâm Tịnh lo ngại rằng – và cũng đã nhìn thấy – có những người nhầm lẫn (vô tình hoặc cố ý) giữa “tự tánh / Phật tánh” “Thượng Đế” , mà ý nghĩa câu “tự tánh sanh ra muôn pháp” có thể là một nguyên nhân, hoặc ít ra cũng là một điểm căn cứ cho những người sai lầm như thế.

Phân tích vấn đề, chúng ta thấy sự lẫn lộn ở đây xuất phát từ hai ý niệm có sự tương đồng:

  1. Tự tánh sanh ra muôn pháp, vạn vật, sự vật…
  2. Thượng Đế sanh ra con người, vạn vật, sự vật…

Theo một logic sơ đẳng, người ta có thể đi đến kết luận: “Tự tánh là Thượng Đế, hay Thượng Đế là tự tánh”.

Tuy nhiên, hai khái niệm “tự tánh” “Thượng Đế” đều đã được định hình trong quy ước ngôn ngữ phổ thông, nên chúng ta cần xét đến các khái niệm đó:

Về Thượng Đế, ở đây luôn luôn dùng danh xưng viết hoa, nên rõ ràng là chỉ đến một Đấng Toàn Năng, Đấng Sáng Thế, một vị chủ tể có quyền năng tạo ra con người, vạn vật…

Về tự tánh, ta có thể hiểu ở mức đơn sơ nhất là “tánh của mỗi người”. Chính Lục Tổ Huệ Năng đã nói kệ với ý nghĩa này chứ không phải với những khái niệm sâu xa, phức tạp như trong các từ điển Phật học. Vì sao tôi dám nói như thế? Chúng ta nhớ lại, Lục Tổ khi ấy chỉ là một chàng thanh niên đốn củi kiếm sống, vốn thất học, mù chữ, chưa từng được đọc Kinh điển ngoài việc nghe loáng thoáng vài câu kinh Kim Cang. Hơn nữa, ngài lại có nhiều khả năng là người Việt Nam (xem tại đây), không nói rành tiếng Trung Hoa nên chỉ có thể diễn đạt theo cách đơn sơ, mộc mạc nhất. Theo đó, “tự tánh” nghĩa là “tánh của mình”, giống như khi ta nói“tánh tôi nóng lắm, tánh tôi thẳng thắn lắm, tánh tôi hay thương người .v.v…”

Hơn nữa, nếu ta hiểu “tự tánh” trong bài kệ của Lục Tổ như là chân tâm, Phật tánh, chân như… hay những ý nghĩa uyên áo khác, thì Lục Tổ sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên để thốt lên những lời cảm thán như vậy. Chính vì đang đề cập đến cái “tánh của mình” rất tầm thường, rất dung tục này, nên ngài mới vô cùng ngạc nhiên, không ngờ rằng chính cái tánh tầm thường, dung tục ấy lại “vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn chẳng lay động”; hơn thế nữa chính nó lại là cội nguồn của “muôn pháp sanh diệt” .

Như vậy, khi có ai đó muốn “đồng hóa” giữa tự tánh với Thượng Đế, sẽ có 2 khả năng xảy ra.

Khả năng thứ nhất là xem tự tánh giống như Thượng Đế , nghĩa là mỗi người đều có một Thượng Đế, và chính Thượng Đế [tự tánh] này đã tạo ra “muôn pháp sanh diệt” trong “vòng nhân quả loanh quanh” theo lời Ngũ Tổ. Tất nhiên, những người tin Thượng Đế như một Đấng Sáng Thế sẽ không đồng tình với sự “đồng hóa” này, bởi như đã nói trên, khái niệm về Thượng Đế đã được họ định hình như một chủ tể của vũ trụ. Còn với những ai tin hiểu Phật pháp thì việc “du nhập” danh xưng này khi giảng nói Giáo pháp của đức Phật chẳng có ý nghĩa tích cực gì, mà rất dễ gây hiểu lầm cho người đọc.

Khả năng thứ hai là xem Thượng Đế giống như tự tánh, nghĩa là cho rằng vị chủ tể, Đấng Sáng Tạo kia đã “biến hiện” thành tự tánh của mỗi người và chính tự tánh [Thượng Đế] này đã quyết định, chi phối mọi việc trong đời. Cách hiểu này là hoàn toàn sai lầm, không đúng lời Phật dạy, và đối với người Phật tử thì việc diễn giải như thế chính là lạc vào tà kiến, làm sai lệch Giáo pháp của đức Thế Tôn.

Cho nên, những ai muốn ghép đôi “tự tánh” với Thượng Đế, dù với bất cứ lý do hay động cơ gì, xin nhớ cho là đạo Phật bác bỏ hoàn toàn quan niệm về một “Thượng Đế là chủ tể tạo ra con người”.

Đó là một số ý kiến của riêng tôi về nghi vấn của đạo hữu Tâm Tịnh khi đọc kinh Pháp Bảo Đàn. Tôi hoan nghênh tinh thần cầu học của đạo hữu và sẵn sàng trao đổi thêm những gì đạo hữu cần biết. Do phạm vi giới hạn của bài viết này, tôi không thể đề cập đến tất cả những gì đạo hữu đã nêu ra.

Đến đây, tôi xin được nhắc lại một ý đã nêu trên để kết thúc bài viết này. Giáo pháp Kinh điển của đức Thế Tôn như một kho chứa muôn ngàn loại dược liệu khác nhau. Mỗi chúng ta nên “tùy bệnh chọn thuốc và uống thuốc” để sớm được “khỏi bệnh” và an vui trong đời sống, đừng mất quá nhiều thời gian chỉ để sưu tập cho mình một “kho thuốc đồ sộ” mà không thực sự sử dụng được bất cứ liều thuốc nào. Đó là sự phí phạm thời gian quý báu của kiếp người ngắn ngủi. Hãy ghi nhớ lời dạy trong kinh Duy-ma-cật: “Từ chỗ khởi làm ắt được lòng tin sâu vững. Từ lòng tin sâu vững ắt tâm ý được điều phục. Do tâm ý được điều phục ắt có thể làm đúng theo như lời được thuyết dạy.” Trên tinh thần ấy, tôi rất mong sẽ luôn được đồng hành với tất cả những người học Phật hữu duyên, để cùng nâng đỡ, dắt dẫn nhau đi trên con đường Chánh pháp.