NHỮNG LÁ THƯ THẦY
Thích nữ Hải Triều Âm
Ngày 3-8 Đinh Mão 1987
Thân gửi Viên Thông, Liên Hoa!
Sadini Nguyên Đang đã viên tịch 5 giờ chiều, ngày 1-8 Đinh Mão.
Bà Xuân Thái cúng Thượng-tọa một cái hòm để dành ở Chánh Truyền Am gửi Thầy Minh Thông. Ai dè Thầy bỏ đi, hòm bị mắc kẹt. Bà Xuân Thái từ Đà Lạt về Phú An xin bao nhiêu lần, chánh quyền không cho. Bà phải mua hòm khác cúng Thượng-tọa, vào Thầy phàn nàn mãi “Bây giờ làm sao tìm được thứ gỗ huyền đàn này”. Chánh quyền để dành cho dân thôn.
Một ông mua một con bò ở đâu về, bò lạ húc ông lòi ruột. Ông chỉ còn đủ hơi thở để dặn con ông hai điều: “Cấm tiệt không được ai đánh hay hành hạ con bò, vì đánh nó bố cũng không sống lại được. Nhà có tiền thì mua hòm chôn bố chớ không được lấy của nhà chùa mà nợ nặng”. Thế là cái hòm bị rớt mấy năm nay.
TĐ vừa nghe tin cô Đang tắt thở liền tới công an xin hòm. Công an mừng quýnh cho đi cái của nợ. Thầy TT xem giờ, phải liệm ngay 12 giờ trưa hôm sau. Cô B, HT ngồi khâu đủ thứ nệm lót, mũ vàng, túi chân, túi tay, gối đầu, hai túi gạo mang đi v.v… kỹ càng tỉ mẩn, ai cũng phải khen. Thần chú và áo mặc như của bà Dì đầy đủ và sang hơn nhiều, toàn bằng satanh, mầu sắc dịu dàng, vừa nhã vừa lịch sự. Một kiệu hoa rước đức Địa Tạng do đích thân Thầy TT với chú học trò và bồi TĐ hoàn thành, dưới trăm con mắt ngạc nhiên kính phục. Luôn ba ngày đêm tụng kinh Địa Tạng không ngớt. Tất cả Tăng Ni Phú An, Thiện Chí tề tựu đông đủ đưa đám tới huyệt. Ai cũng lạ một đám tang, không người đứng chủ trương, không ai kịp bàn tính, cứ mỗi người tới, thấy việc là tự làm, mà răm rắp tốt đẹp. TĐ nói nhỏ với Thầy: “Đám bà Dì chùa ta thua xa!”. Để ba ngày mới đưa đi. Bô lão trong thôn nhóm thành một đoàn thể, tới dâng mâm lễ rất trịnh trọng, đến viếng, đưa đi, thật đông mà thật trang nghiêm, phải nói là đẹp và nổi nhất đám.
Tất cả các cán bộ đều có mặt. Thanh niên đổ ra lo làm rạp, khênh vác, đào hố… các việc nặng. Ai nấy mặt tươi như hoa. Phụ nữ thổi cơm, gánh nước.
HH vào gọi, Thầy nghe tin, chưa kịp ăn sáng, vội bê y công đức ra, ngồi cạnh cô Đang cùng quý Ni sư niệm Phật cho cô một ngày đến tối mới về. Thấy các Sư, Tăng cũng như Ni, hết sức tận tình, Thầy lo không nổi lâu dài, bàn chia phiên. Ai cũng gạt đi, nói: “Cứ mặc rồi khắc có người”. Mà quả nhiên lúc nào cũng đông nghèn nghẹt. MH, tịnh thất ở ngay bên cạnh, hớt hải chạy sang trách chị em: “Sao không ai gọi tôi, tôi thấy đông người và trang hoàng đẹp quá, tôi tưởng đám cưới chú Đạt”.
Cảm kích tâm địa quên mình vì người của Tăng Ni Phú An và Thiện Chí, đêm nằm Thầy nghĩ sáng mai phải nói với Ni sư Lý bán mười thùng thóc cho vay tiền để dâng lễ tạ. Thì vừa sáng, tay Thầy còn cầm dùi đóng chuông, ba của CT xuống gửi cho CT 6000$. Thầy gọi cô CT cùng Thầy sửa soạn phong bì. Cô phát tâm cúng 600$. Kỳ lạ vừa vặn 44 thất, mỗi thất 150$, không thừa không thiếu một đồng. Cho đến lúc lục soát số phong bì trong túi ra cũng vừa vặn 47 chiếc, ba chiếc quá bẩn vứt đi. Còn 44 vừa đủ. Hay hơn nữa là vớ được mảnh giấy tròn đỏ của BT trang trí những chuông xanh sen hồng Thầy đặt vào cái khay tròn vừa vặn. Để đám phong bì lên trên, tuyệt vời!
Đò của Thầy T nườm nượp đưa Tăng Ni đi về cả đêm, những đèn gió lắc lư, như những ông sao nhảy múa trong rừng. Cây, núi, sông trời nước một màu như màn nhung đen kịt. Gió rì rào nhịp theo những tiếng thầm thì niệm Phật.
Nhưng kỳ lạ nhất là Thầy vừa tới ngồi cạnh cô Đang. Nghiệp chướng tan đi đâu mất, đầu Thầy nhẹ hẳn, những đường gân cũng giật nhưng như đỡ xiết mạnh. Thầy thầm khuyên cô Đang: “Thôi! Thế là thôi nhé! Rũ sạch vạn duyên, quy hướng cõi An Lành!” Thầy vừa nghe tiếng niệm Phật của quý Sư cô vừa chiếu soi năm ấm. Âm thanh, sắc tướng, vọng tưởng hiện và tắt, rõ ràng là không phải nhân duyên sanh, không phải tự nhiên sanh, chỉ có Như Lai Tạng Diệu Chơn Như Tánh là tánh nghe của mình hiện tiền. Thầy được như thế suốt ngày cho đến sáng hôm sau. Thầy đã bảo cô CT: “Tôi phát nguyện chuyên tu từ nay đến giỗ Tổ”. Nhưng ba CT xuống, Thầy tiếp chuyện. Thế là mất Samatha vi mật quán chiếu. Cho tới bây giờ ngồi viết mấy ngày chẳng xong bức thư.
Thật là đáng tiếc! Thầy có phước duyên nhưng chưa đủ nghị lực rũ sạch hão huyền để đến nỗi những ánh sáng lóe lên lại chìm vào màn đêm như những ánh đèn gió của các Sư đi trong rừng khuya. Đây không phải lỗi tại mọi người tới mà tại Thầy cứ cho sự việc là thật nên đã sẵn sàng phế quán chiếu để lo tính toán.
Nam mô A Di Đà Phật xin cứu vớt chúng con, nguy lắm lắm! Ai là người tỉnh trong đám hội hè vui vẻ này!
***
(Bài Thầy làm, Ni sư Lý đọc khi hạ huyệt)
Nam mô A Di Đà Phật, chúng con có duyên sự đầu thành đảnh lễ tác bạch.
Kính bạch chư tôn Thượng-tọa, liệt vị Tăng Ni, chúng con hôm nay vừa tủi vừa mừng. Tủi vì huynh đệ chúng con đã vội xa rời cõi thế. Mừng là vì nhân dịp đau buồn này chúng con được ngôi Tam-bảo cho thấy sức oai thần.
Cô Nguyên Đang đã quả quyết xếp bỏ cửa hàng, gia đình nhỏ và gia tộc lớn, về Phú An cầu đạo xuất thế. Kể đã hơn 10 năm nhưng rồi vẫn lầm than vất vả như ai, lo mùa màng thóc đậu lụi hụi qua ngày, tuổi già sập đến. Tưởng như là đức Phật không thiêng, theo Phật vô ích.
Vài năm nay, cô thường ao ước ra miệng: “Tôi lo làm nhà, thế nào cũng phải làm nhà, để lúc chết được Tăng Ni tới tụng niệm cho vài ba ngày”.
Mới nghe thấy tội nghiệp! Hiện tại giải thoát không lo, mong làm gì lúc chết, nhắm mắt rồi, quan tài đóng chặt rồi, Tăng Ni đến tụng kinh, ích gì nữa!
Nhưng hôm nay, sở nguyện của cô đã rõ ràng được như ý. Liệt vị Tăng Ni đã từ mẫn tề tựu, chẳng quản nắng gắt mưa to, chẳng ngại ngăn sông cách núi, đêm cũng như ngày, tiếng tụng niệm không ngớt. Ngày cuối cùng, ngày giải thoát, Tam-bảo đã chứng lòng thành cho cô được hiện tiền như ý, thì chắc chắn nguyện về cõi Phật của cô cũng đang vui vẻ hoàn mãn. Cô Nguyên Đang giờ phút này ngự liên đài.
Chúng con, nương đức lực của cô, được thấy quang cảnh trang nghiêm rực rỡ.
Hạnh phúc thay Phật pháp quang huy!
Hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp!
Chúng con giờ phút này xin thay vì các huynh đệ gần xa, đồng tông phái, chí thành đảnh lễ chư Tôn Thượng-tọa, liệt vị Tăng Ni cảm tạ ơn sâu.
Lại cầu xin các chùa, am, cốc, viện trong thôn từ tâm chúc nguyện luôn 49 ngày, để Sadini Nguyên Đang thiện căn phước đức tăng trưởng. Nương đức Đại Từ Bi của ngôi Tăng bảo Phú An và Thiện Chí, cô Nguyên Đang của chúng con được cao đăng thượng phẩm.
Nam mô A Di Đà Phật.
***
Phái đoàn Tâm Minh từ Sài gòn lên Phú An cúng dường đại trai tăng chùa Vĩnh Minh, có nhã ý rẽ thăm Linh Quang. Tài thí đã xong, theo lời yêu cầu của Linh Quang, cư sĩ Tâm Minh vui vẻ pháp thí.
Hai thầy trò được mời đi cầu siêu một đám tang. Trước chiếc quan tài, trò bạch Thầy: “Đây là sanh hay tử?” Thầy đáp: Sanh tử không nói!
Trò nghĩ chắc trong lúc cần định thần để cầu nguyện nên Thầy không muốn nói. Đợi trên đường về, Thầy tỏ vẻ rảnh rang, anh học trò mới đặt lại câu hỏi: “Đây là sanh hay tử?”
Thầy đáp: “Không nói không nói”. Đệ tử từ bực mình đến phát cáu, Thầy vẫn cứ “không nói không nói”. Đệ tử hằn học: “Không nói thì ăn đòn”.
– Đánh thì đánh, không nói vẫn không nói.
Đệ tử chịu không nổi đánh ông Thầy một trận tơi bời rồi bỏ đi. Ông Thầy đứng dậy phủi quần áo, lết về chùa. Trò bơ vơ đi mãi chẳng biết về đâu, trong tâm vẫn còn tức. Câu hỏi này cứ xoáy tâm gan. Đến một làng kia, anh cất lều an tu bên một bụi tre. Trải 3 năm nghi tình “đây là sanh hay là tử” càng ngày càng mạnh. Một hôm, một Phật tử tụng kinh Phổ Môn: “Đáng dùng thân Phật để được độ, ta hiện thân Phật vì nói pháp. Đáng dùng thân Thanh-văn để được độ, ta hiện thân Thanh-văn vì nói pháp v.v…”. Nghe xong phẩm Phổ Môn, anh bừng tỉnh đại ngộ, vội về sám hối ông Thầy.
Cư sĩ Tâm Minh giải thích:
Thầy trò đi cầu siêu, nguyện cho vong linh về thiện cảnh. Vậy thì đây là sanh hay tử? Sanh với tử là 1 hay là 2? Nếu Thầy dạy ngay, học trò hết thắc mắc, không cần suy tìm thì không bao giờ đại ngộ. Đọc hết sách Phật, chỗ ngộ vẫn là của Phật, đối với mình không dính dáng gì. Các nhà bác học tìm ra các công thức khoa học đều do công phu tự lực suy tư. Nên ông Thầy dù bị đòn cũng đành chịu chớ không nỡ đóng cửa đại ngộ của đệ tử. Trò ngộ rồi mới biết ơn trời bể của Thầy.
Câu chuyện cũng khiến chúng ta tò mò tự hỏi: “Đây là sanh hay tử?” Phẩm Phổ Môn đáp: “Đức Quán Thế Âm vì vô sanh. Nên mới hiện thân đi khắp các nẻo”. Sanh và tử đã là hoa đốm ở hư không thì làm sao mà nói là 1 hay 2. Muốn ra khỏi khổ sanh tử việc cấp bách là trở về sống với tánh vô sanh. Quay về chứng ngộ với tự tánh là việc ông Thầy không làm hộ được. Phải chăng cư sĩ Tâm Minh thầm khuyên hàng xuất gia Ni chúng đang dự pháp hội bớt đem tâm đi cầu nghe mà quay về nghe tánh nghe của mình?