MỤC ĐÍCH VÀ CHỦ TRƯƠNG
Tạng Thư Phật Học được thành lập vào năm 2006. Do nhóm người xuất gia và tại gia trên tinh thần thiện nguyện, bất vụ lợi, phi chính trị, hoàn toàn độc lập, không trực thuộc hay đại diện cho một hệ thống tu viện, tổ chức Phật giáo nào. Chúng tôi là nhóm người hoằng dương hai pháp môn Mật-Tịnh song tu, truyền bá giáo Pháp đại thừa giải thoát của Thế Tôn. Với tâm nguyện quảng bá giáo pháp qua các bài giảng, sách của chư Tôn túc trong đạo, thật đức, thật tài, làm kim chỉ nam cho người hậu học. Nếu may mắn có người hữu duyên và áp dụng những lời dạy của Phật, Tổ thông qua trang nhà, thực hành trong đời sống thực tế và đạt được sự an lạc, kết quả, thì chúng tôi thật lấy làm vinh hạnh và hoan hỷ vô cùng.
Trang nhà chỉ truyền tải những bài Pháp trong khuôn khổ của giáo lý. Nương Bốn Pháp Ấn của nhà Phật để truyền đạt. Vì chỉ sợ truyền tải nội dung không đúng với Phật, tổ, nên những gì không rõ ràng, chúng tôi xin phép không đăng tải trên trang nhà, mong quý độc giả niềm tình hoan hỷ.
TÔN CHỈ
Cùng nhau tu học để thăng hoa trong cuộc sống hằng ngày qua sự chuyển hóa thân tâm, tiến bước trên hành trình hướng về chân lý giải thoát.
1/. Sám Hối Nghiệp Chướng
2/. Tu Các Công Đức
3/. Phát Bồ Đề Tâm
4/. Hồi Hướng và Phát Nguyện
5/. Vãng Sanh Tịnh Độ.
CON NAY khắp vì bốn-ơn, ba cõi, cùng pháp-giới chúng-sanh CẦU nơi QUẢ VỊ NHỨT-THỪA VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ của PHẬT – Một lòng trì niệm, hồng-danh muôn-đức A-DI-ÐÀ PHẬT, cầu sanh CỰC-LẠC.
HÀNH TRÌ BỒ ĐỀ TÂM:
Hành giả muốn thành tựu Bồ đề tâm, phải hành trì đủ 10 điều sau:
1. Nhớ ơn nặng của Chư Phật: Mười phương ba đời chư Phật xót thương chúng sanh ngu muội mê lầm mà thị hiện thiên bách ức hóa thân, sử dụng vô lượng phương tiện để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Công đức ấy cao dầy nói sao cho hết.
2. Nhớ ơn Cha Mẹ: Nhẩm tính cho đến hôm nay ta được thân người, nghĩa là đã trải vô lượng kiếp rồi. Cha mẹ nhiều đời lao nhọc, nay đã trụ ở phương sở nào, làm sao trả được công đức sâu dày, ngoài cách thường hành Phật pháp, độ khắp chúng sanh.
3. Nhớ ơn Sư Trưởng: Nay ta hiểu biết, rõ thấu đạo Bồ đề ấy cũng nhờ Sư trưởng khai tâm mở trí cho ta. Nay phải phát tâm Bồ đề độ khắp chúng sanh, trong đó có sư trưởng. Đó là cách đền ơn thân mật vi diệu.
4. Nhớ ơn Thí Chủ: Đàn na thí chủ mười phương tin tưởng hộ trì mà Phật pháp có phương tiện hành trì, phát đạt thấm đượm đến mình.
5. Nhớ ơn Chúng Sanh: Ta và chúng sanh đòi hỏi đắp bồi làm cha mẹ, vợ con, anh em thân bằng của nhau, vì thế mà nay ta quyết nhớ ơn, không khởi tâm loạn động, nghĩ đến sự xấu ác ngăn ngại.
6. Nhớ khổ sanh tử: Sanh tử là cửa lên xuống vào ra của ta trong sáu đường ba cõi, đau khổ khôn cùng nên nay không dám dải đãi, phải phát tâm bồ đề.
7. Tôn trọng Phật tánh của mình: Ta phải tin vào khả năng thành Phật của mình, phải sanh tâm hổ thẹn. Chư Phật và ta vốn đồng bản thể, ấy vậy mà ta đã bao đời trầm luân để quý Ngài phải lao nhọc bôn ba hóa độ.
8. Sám hối nghiệp chướng: Đã nhiều kiếp vô minh che lấp, nay được duyên lành gặp được thiện trí, quyết tu hành hồi hướng công đức này cho khắp chúng sanh để tiêu trừ nghiệp chướng, nhất là tâm phát lồ sám hối.
9. Cầu sanh Tịnh Độ: Chỉ có Tịnh độ là hội đủ thắng duyên, đã trút gánh nặng tử sanh, nên cầu về đó để tiếp nối tiến trình tu chứng.
10. Phải đóng góp công sức giúp Phật Pháp tồn tại lâu dài: Phật đã vì lòng bi xót thương chúng sanh, đã trải qua muôn ngàn trăm ức kiếp tìm ra con đường giải thoát giác ngộ. Công đức ấy cao sâu không sánh nổi, ta không gia công hoằng hóa tài bồi còn đợi đến bao giờ.
(Theo Văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm của Đại Sư Thật Hiền (1685- 1734))
Lời khuyên ấn tống Kinh sách
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng: “Pháp thí thắng mọi thí.” Thực hành Pháp thí là chia sẻ, truyền rộng lời Phật dạy đến với mọi người. Mỗi người Phật tử đều có thể tùy theo khả năng để thực hành Pháp thí bằng những cách thức như sau:
1. Cố gắng học hiểu và thực hành những lời Phật dạy. Tự mình học hiểu càng sâu rộng thì việc chia sẻ, bố thí Pháp càng có hiệu quả lớn lao hơn. Nên nhớ rằng việc đọc sách còn quan trọng hơn cả việc mua sách.
2. Phải trân quý kinh điển, sách vở in ấn lời Phật dạy. Khi có điều kiện thì mua, thỉnh về nhà để tự mình và người trong gia đình đều có điều kiện học hỏi làm theo. Không nên giữ làm của riêng mà phải sẵn lòng chia sẻ, truyền rộng, khuyến khích nhiều người khác cùng đọc và học theo. Không nên để kinh sách nằm yên đóng bụi trên kệ sách, vì kinh sách không có người đọc thì không thể mang lại lợi ích.
3. Tùy theo khả năng mà đóng góp tài vật, công sức để hỗ trợ cho những người làm công việc biên soạn, dịch thuật, in ấn, lưu hành kinh sách, để ngày càng có thêm nhiều kinh sách quý được in ấn, lưu hành.
Thông thường, việc chi tiêu một số tiền nhỏ không thể mang lại lợi ích lớn, nhưng nếu sử dụng vào việc giúp lưu hành kinh sách thì lợi ích sẽ lớn lao không thể suy lường. Đó là vì đã giúp cho nhiều người có thể hiểu và làm theo lời Phật dạy. Mong sao quý Phật tử khắp nơi đều lưu tâm đóng góp sức mình vào những việc như trên.
TINH YẾU THỰC HÀNH PHÁP THÍ
– Mua thỉnh kinh sách về đọc, tự mình sẽ được rất nhiều lợi ích.
– Chia sẻ, truyền rộng bằng cách cho mượn, biếu tặng kinh sách đến nhiều người thì lợi ích ấy càng tăng thêm gấp nhiều lần.
– Đóng góp công sức, tài vật để hỗ trợ công việc biên soạn, dịch thuật, giảng giải, in ấn, lưu hành kinh sách thì công đức lớn lao không thể suy lường, vì có vô số người sẽ được lợi ích từ việc lưu hành kinh sách.