mạt pháp tư tưởng

Phật Quang Đại Từ Điển

(末法思想) Chỉ cho tư tưởng về thời kì mạt pháp. Sau khi đức Phật nhập diệt, giáo pháp của Ngài trải qua các thời kì chính pháp, tượng pháp, người tu hành chứng ngộ dần dần giảm thiểu, cuối cùng, đến thời kì mạt pháp thì chỉ còn giáo pháp mà thôi, tuy có nhiều người lãnh thụ giáo pháp nhưng không thể tu hành chứng quả. Thời kì này kéo dài 10 nghìn năm, gọi là thời mạt pháp. Loại tư tưởng mạt pháp này được thấy rải rác trong các kinh điển. Tư tưởng mạt pháp này đã thôi thúc và tạo nên 1 thời kì giáo đồ phản tỉnh, khiến họ bắt đầu suy tư, tìm ra phương pháp để giải quyết và cứu vãn. Trong các văn hiến của Trung quốc, tư tưởng này được thấy sớm nhất trong bài Nam nhạc Tư thiền sư lập thệ nguyện văn của ngài Tuệ tư (515 – 577) đời Bắc Tề. Kế đến là ngài Tín hành (540 – 594) đời Tùy, đề xướng Tam giai giáo (giáo pháp của 3 bậc); ngài Tín hành cho rằng thời kì chính pháp trụ thế là bậc thứ 1, tượng pháp là bậc thứ 2, mạt pháp là bậc thứ 3, trong đó, mỗi bậc đều có giáo pháp tương ứng. Nhất thừa là pháp của bậc thứ 1, Tam thừa là pháp của bậc thứ 2, Phổ pháp là pháp của bậc thứ 3. Ngài Tín hành cho rằng thời bấy giờ (đời nhàTùy) đã tiến vào thời kì mạt pháp, nếu nương theo giáo pháp của 2 bậc trước mà tu hành thì thực rất khó khăn, nên cần phải tu hành theo Phổ pháp (pháp Phổ cập toàn thể Phật giáo) là qui y Tam bảo, dứt trừ tất cả điều ác, tu trì tất cả điều thiện thì mới dễ thành tựu. Đến đời Đường, các ngài Đạo xước (562- 645), Thiện đạo (613-681) v.v… cho rằng Tịnh độ giáo tương ứng với thời mạt pháp, nên các ngài nhấn mạnh sự tu hành thực tiễn là sám hối, niệm Phật v.v…Tại Nhật bản, vào giữa thời kì Bình an, các ngài Nguyên tín (942-1017), Nguyên không (1133-1212) cũng kế thừa tư tưởng này, đề cao tông Tịnh độ. Ngài Nhật liên (1222-1282) sáng lập tông Nhật liên cũng là thuận theo tư tưởng mạt pháp. Cuốn Mạt pháp đăng minh kí ở cuối thời đại Bình an của Nhật bản là tác phẩm có hiệu lực nhất trong việc cổ động tư tưởng mạt pháp. [X. kinh Vô lượng thọ Q.hạ; Thiện kiến luật tì bà sa Q.18; Vãng sinh lễ tán; Pháp uyển châu lâm Q.98]. (xt. Tam Giai Giáo, Chính Tượng Mạt).