LỤC TỔ HUỆ NĂNG
THIỀN PHÁP YẾU LƯỢC

ESSENTIAL SUMMARIES OF
THE SIXTH PATRIARCH HUI-NENG’S
METHODS OF ZEN

Thiện Phúc

 

Lời Đầu Sách

Khi người cư sĩ mang tên Huệ Năng đến Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ. Tổ hỏi rằng: “Ngươi từ phương nào đến, muốn cầu vật gì?” Huệ Năng đáp: “Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lãnh Nam, từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác.” Tổ bảo rằng: “Ông là người Lãnh Nam, là một giống người mọi rợ, làm sao kham làm Phật?” Huệ Năng liền đáp: “Người tuy có Bắc Nam, nhưng Phật tánh không có Nam Bắc, thân quê mùa nầy cùng với Hòa Thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.” Lời đáp đẹp lòng Tổ lắm. Thế rồi Huệ Năng được giao cho công việc giã gạo cho nhà chùa. Hơn tám tháng sau mà Huệ Năng chỉ biết có công việc hạ bạc ấy. Đến khi Ngũ Tổ định chọn người kế vị ngôi Tổ giữa đám môn nhân. Ngày kia Tổ báo cáo vị nào có thể tỏ ra đạt lý đạo, Tổ sẽ truyền y pháp cho mà làm Tổ thứ sáu. Lúc ấy Thần Tú là người học cao nhất trong nhóm môn đồ, và nhuần nhã nhất về việc đạo, cố nhiên được đồ chúng coi như xứng đáng nhất hưởng vinh dự ấy, bèn làm một bài kệ trình chỗ hiểu biết, và biên nơi vách bên chái nhà chùa. Kệ rằng:

Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức,
Vật xử nhạ trần ai.

(Thân là cây Bồ Đề, tâm như đài gương sáng. Luôn luôn siêng lau chùi, chớ để dính bụi bặm). Ai đọc qua cũng khoái trá, và thầm nghĩ thế nào tác giả cũng được phần thưởng xứng đáng. Nhưng sáng hôm sau, vừa thức giấc, đồ chúng rất đổi ngạc nhiên khi thấy một bài kệ khác viết bên cạnh, kệ rằng:

Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệt phi đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?

(Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm?). Tác giả của bài kệ nầy chính là Huệ Năng, một cư sĩ chuyên lo tạp dịch dưới bếp, suốt ngày chỉ biết bữa củi, giã gạo cho chùa. Diện mạo người quá tầm thường đến nỗi không mấy ai để ý, nên lúc bấy giờ toàn thể đồ chúng rất đỗi sửng sốt. Nhưng Tổ thì thấy ở vị Tăng không tham vọng ấy một pháp khí có thể thống lãnh đồ chúng sau nầy, và nhất định truyền y pháp cho người. Nhưng Tổ lại có ý lo, vì hầu hết môn đồ của Tổ đều chưa đủ huệ nhãn để nhận ra ánh trực giác thâm diệu trong những hàng chữ trên của người giã gạo Huệ Năng. Nếu Tổ công bố vinh dự đắc pháp ấy lên e nguy hiểm đến tánh mạng người thọ pháp. Nên Tổ ngầm bảo Huệ Năng đúng canh ba, khi đồ chúng ngủ yên, vào tịnh thất Tổ dạy việc. Thế rồi Tổ trao y pháp cho Huệ Năng làm tín vật chứng tỏ bằng cớ đắc pháp vô thượng, và báo trước hậu vận của đạo Thiền sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết. Tổ còn dặn Huệ Năng chớ vội nói pháp, mà hãy tạm mai danh ẩn tích nơi rừng núi, chờ đến thời cơ sẽ công khai xuất hiện và hoằng dương chánh pháp. Tổ còn nói y pháp truyền lại từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma làm tín vật sau nầy đừng truyền xuống nữa, vì từ đó Thiền đã được thế gian công nhận, không cần phải dùng y áo tiêu biểu cho tín tâm nữa. Ngay trong đêm ấy Huệ Năng từ giả tổ.

Sau khi Huệ Năng đã trở thành pháp tử chính thức của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, nhưng mãi đến mười lăm năm sau, khi ông vẫn chưa bao giờ được phong làm sư, đến tu viện Pháp Tâm ở Quảng Châu, nơi diễn ra cuộc tranh luận về phướn động hay gió động. Sau khi biết được sự việc, thì pháp sư Ying-Tsung đã nói với Huệ Năng rằng: “Hỡi người anh em thế tục kia, chắc chắn người không phải là một kẻ bình thường. Từ lâu ta đã nghe nói tấm cà sa Hoàng Mai đã bay về phương Nam. Có phải là người không?” Sau đó Huệ Năng cho biết chính ông là người kế vị ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Thầy Ấn Tông liền thí phát cho Huệ Năng và phong chức Ngài làm thầy của mình.

Sau đó Lục tổ bắt đầu ở tu viện Pháp Tâm, rồi Bảo Lâm ở Tào Khê. Huệ Năng và Thiền phái của ngài chủ trương đốn ngộ, bác bỏ triệt để việc chỉ học hiểu kinh điển một cách sách vở. Dòng thiền nầy vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. Trong khi ở phương Bắc thì Thần Tú vẫn tiếp tục thách thức về ngôi vị tổ, và tự coi mình là người sáng lập ra dòng Thiền “Bắc Tông,” là dòng thiền nhấn mạnh về “tiệm ngộ.” Trong khi người ta vẫn xem Huệ Năng là Lục Tổ, và cũng là người sáng lập ra dòng thiền “Nam Tông,” tức dòng thiền “đốn ngộ.” Chẳng bao lâu sau đó thì dòng thiền “Bắc Tông” tàn lụi, nhưng dòng thiền “Nam Tông” trở thành dòng thiền có ưu thế, mà mãi đến hôm nay rất nhiều dòng thiền từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, vân vân đều cho rằng mình bắt nguồn từ dòng thiền này. Ông tịch năm 713 sau Tây Lịch. Sau khi Huệ Năng viên tịch, chức vị tổ cũng chấm dứt, vì Ngài không chỉ định người nào kế vị.

Mặc dầu ảnh hưởng của Thiền tông từ thời Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng rất nhỏ đối với xã hội vì các vị tổ nầy sống trong thanh bần, không có trụ xứ cố định, và thường theo một nguyên tắc là không ngủ lại bất cứ nơi nào quá một đêm. Tuy nhiên, thời kỳ nầy được xem như là thời kỳ hoàng kim của Thiền Tông Trung Hoa vì chính thời kỳ nầy đã khai sanh ra một loại văn hóa Thiền hết sức đặc biệt trong lịch sử Phật giáo. Kinh Pháp Bảo Đàn được Lục Tổ thuyết, là văn bản chủ yếu của Thiền Nam Tông, gồm tiểu sử, những lời thuyết giảng và ngữ lục của Lục Tổ tại chùa Bảo Lâm được đệ tử của Ngài là Pháp Hải ghi lại trong tổng cộng 10 chương. Trong đó, Lục Tổ cũng dạy rằng: “Không ngờ tự tánh mình vốn thanh tịnh, vốn không sanh không diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động, vốn sanh muôn pháp.” Về sau nầy, toàn bộ những lời thuyết giảng của ông được lưu giữ lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh, tác phẩm Phật pháp duy nhất của Trung Quốc được tôn xưng là “Kinh.” Lục Tổ Huệ Năng khẳng định rằng khi xưa ngài ở nơi Ngũ Tổ Nhẫn, một phen liền được ngộ, chóng thấy chơn như bản tánh, khi ấy đem giáo pháp nầy lưu hành khiến cho người học đạo chóng ngộ được Bồ Đề, mỗi người tự quán nơi tâm, tự thấy bản tánh, nếu tự chẳng ngộ phải tìm những bậc đại thiện tri thức, người hiểu được giáo pháp tối thượng thừa, chỉ thẳng con đường, ấy là thiện tri thức, có nhơn duyên lớn, chỗ gọi là hóa đạo khiến được thấy tánh. Tất cả pháp lành nhơn nơi thiện tri thức mà hay phát khởi. Ba đời chư Phật, 12 bộ kinh, ở trong tánh của người vốn tự có đủ, không có thể tự ngộ thì phải nhờ thiện tri thức chỉ dạy mới thấy. Nếu tự mình ngộ thì không nhờ bên ngoài, nếu một bề chấp bảo rằng phải nhờ thiện tri thức khác mong được giải thoát thì không có lẽ ấy.

Vì cớ sao? Trong tự tâm có tri thức tự ngộ, nếu khởi tà mê vọng niệm điên đảo thì thiện tri thức bên ngoài, tuy có giáo hóa chỉ dạy, cũng không thể cứu được. Nếu khởi chánh chơn Bát Nhã quán chiếu thì trong khoảng một sát na vọng niệm đều diệt, nếu biết tự tánh một phen ngộ tức đến quả vị Phật. Đời sau người được pháp của ta, đem pháp môn đốn giáo nầy, đối với hàng người đồng kiến đồng hành phát nguyện thọ trì như là thờ Phật, cố gắng tu thân không dám lui sụt thì quyết định vào quả vị Thánh, nhưng phải truyền trao, từ trước đến giờ, thầm truyền trao phó chớ không được dấu kín chánh pháp. Nếu không phải là hàng đồng kiến đồng hành, ở trong pháp môn khác thì không được truyền trao, e tổn tiền nhơn kia, cứu cánh vô ích, sợ người ngu không hiểu, chê bai pháp môn nầy rồi trăm kiếp ngàn đời đoạn chủng tánh Phật.

Chúng ta có thể tìm thấy giáo pháp Thiền Đốn Ngộ ở bất cứ chương nào trong kinh Pháp Bảo Đàn; tuy nhiên, Phẩm Thứ Hai, Lục Tổ Huệ Năng có một bài tụng Vô Tướng nhấn mạnh về pháp Đốn Tiệm, và ngài khuyên mỗi người phải tụng lấy, người tại gia, người xuất gia chỉ y đây mà tu, nếu không tự tu, chỉ ghi nhớ lời của ngài thì cũng không có ích gì: “Thông cả thuyết và tâm, như mặt trời giữa hư không, chỉ truyền pháp kiến tánh, ra đời phá tà tông. Pháp thì không đốn tiệm, mê ngộ có mau chậm, chỉ pháp kiến tánh nầy, người ngu không thể hiểu. Nói tuy có muôn thứ, trở về lý chỉ một, phiền não trong nhà tối, thường phải sanh mặt trời huệ. Tà đến phiền não sanh, chánh đến phiền não dứt. Tà chánh đều không dùng, thanh tịnh mới hoàn toàn. Bồ Đề vốn tự tánh, khởi tâm tức tà vọng, tâm tịnh ở trong vọng, chỉ chánh không ba chướng. Người đời nếu tu hành, tất cả chẳng trọn ngại, thường tự thấy lỗi mình, cùng đạo đức tương đương. Sắc loại tự có đạo, đều chẳng chướng ngại nhau, lìa đạo riêng tìm đạo, trọn đời không thấy đạo. Lăng xăng qua một đời, kết cuộc cũng tự phiền, muốn thấy đạo chơn thật, hạnh chánh tức là đạo. Nếu không có tâm đạo, hạnh tối không thấy đạo. Người chơn chánh tu hành, không thấy lỗi thế gian, nếu thấy lỗi người khác, lỗi mình đã đến bên, người quấy ta chẳng quấy, ta quấy tự có lỗi. Chỉ dẹp lỗi nơi tâm, phá trừ các phiền não, yêu ghét chẳng bận lòng, duỗi thẳng hai chân ngủ. Như mặt trời giữa hư không, muốn nghĩ giáo hóa người, tự phải có phương tiện, chớ khiến người nghi ngờ, tức là tự tánh hiện. Phật pháp nơi thế gian, không lìa thế gian giác, lìa thế tìm Bồ Đề, giống như tìm sừng thỏ. Chánh kiến gọi xuất thế, tà kiến là thế gian, tà chánh đều dẹp sạch, tánh Bồ Đề hiện rõ. Tụng nầy là đốn giáo, cũng gọi thuyền đại pháp, mê nghe trải nhiều kiếp, ngộ trong khoảng sát na.

Quyển sách nhỏ có tựa đề “Lục Tổ Huệ Năng Thiền Pháp Yếu Lược” này không phải là một nghiên cứu chi tiết về pháp đốn giáo của Lục Tổ, mà nó chỉ viết rất tóm lược về Thiền Pháp của ngài, một loại thiền pháp được xem như là điểm khởi đầu, là nền móng của thời kỳ hoàng kim của Thiền Tông Trung Hoa vì chính giáo pháp nầy đã khai sanh ra một loại văn hóa Thiền hết sức đặc biệt trong lịch sử Phật giáo.

Đốn ngộ giảng về thực chứng chân lý tức thì không tùy thuộc vào những thời giảng thuyết bằng lời hay qua những giai đoạn khác nhau.

Vì lẽ “Ngộ” đập thẳng vào căn bản của cuộc sống, nên đạt ngộ đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc tu tập của hành giả. Tuy nhiên, cái ngộ ấy phải là toàn triệt, phải “tiệt đoạn” mới có được kết quả thỏa đáng. Ngộ chính thật là một cuộc cách mạng nội tâm cùng tuyệt. Vì Thiền thuộc phạm vi cá tánh, chẳng phải trí thức, nghĩa là Thiền nảy mầm lên từ ý chí như nguyên lý đầu tiên của cuộc sống. Một trí óc tinh nhuệ có thể không xô nổi cánh cửa huyền vi của đạo Thiền, nhưng một bản lãnh oai hùng uống ngay được ngọn nước đầu nguồn.

Không biết trí thức có phải chỉ là phiến diện chạm sơ bên ngoài rìa của cá thể con người hay không. nhưng thực sự thì ý chí mới chính là con người, nên Thiền kêu gọi đến ý chí. Hễ nắm chặt được then máy ấy là có “Ngộ Thiền.” Tuy nhiên, hành giả tu Thiền nên luôn nhớ rằng sẽ là quá kiêu ngạo khi thật tin rằng mình có thể trở nên giác ngộ hay đốn ngộ sau một vài ngày tu tập. Ngược lại, hành giả cần phải kiên trì tinh tấn tu tập, giống như một dòng nước chảy mãi không ngừng. Cuộc hành trình đi đến giác ngộ và giải thoát đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Thiền Pháp, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Lục Tổ Huệ Năng Thiền Pháp Yếu Lược” bằng song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ, hy vọng sự đóng góp nhỏ nhoi này sẽ giúp cho Phật tử hiểu biết thêm về Thiền Pháp đã tồn tại gần mười bốn thế kỷ nay. Sau hết, tác giả tập sách nầy xin chân thành cám ơn rất nhiều cho sự kiên nhẫn của toàn thể đọc giả vì sự lặp đi lặp lại của một vài bài kệ quan trọng của hai ngài Thần Tú và Huệ Năng vì nó hết sức cần thiết trong việc làm sáng tỏ vấn đề liên quan tới ý nghĩa của một vài chương sách. Những mong tất cả chúng ta đều có thể hiểu được Thiền Pháp nầy như những tiêu chuẩn trong cuộc tu có thể giúp hướng chúng ta đến một cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc cho chính mình và cuối cùng đi đến giải thoát rốt ráo.

Thiện Phúc